NỖI BĂN KHOĂN CỦA TIÊU PHONG
Sự thức tỉnh đưa đến những hậu quả không mấy may mắn. Ông trở thành người cô đơn, xa lạ với đồng loại từ lúc ông tự hỏi:
– Làm sao đã là người cả lại còn phân chia làm người Khất Đan, người Đại Tống, rồi Nữ Chân, người Cao Ly… Bọn người bên này sang bờ cõi nước kia để kiếm lương, rồi bọn người bên kia lại qua đất bên này để giết người đốt nhà? Người bên này mắng người bên kia là CON CHÓ LIÊU, người bên kia mắng lại người bên này là CON HEO TỐNG.
(Trang 271 quyển 3)
Hay xa hơn nữa, từ khi ông dùng trực giác và sự tha thiết đến tình người để phân biệt phải trái, chân nguỵ trong lời kể chuyện Nhạn môn quan của Trí Quang đại sư.
Trí Quang kể lại cuộc phục kích quân Khất Đan mấy mươi năm về trước để giải thích thân thế Kiều Phong:
” Thủ lãnh đại ca thấy quân Liêu cẩu đến gần liền hú lên một tiếng dài để ra hiệu. Sau các tảng đá lớn, ám tiễn tới tấp bay ra: nào cương tiễn, nào tụ tiễn, nào phi đao, nào thiết chuỳ đều tẩm thuốc kịch độc. Bỗng nghe những tiếng oai oái vang dậy, cả bọn Liêu cẩu nhốn nháo, ngã ngựa đến quá nửa. Lúc nầy tôi đã đếm được rõ ràng bọn võ sĩ Khất Đan có mười tám tên cả thảy, mười một tên trúng ám khí, thế là chỉ còn bảy tên. Chúng tôi liền nhất tề xông ra khoa đao lên chém giết một lúc sạch cả, không còn một mống chạy thoát.
(Trang 139, 140 quyển 1)
Nghe xong cuộc thắng lợi vẹn toàn này, do lòng tự ái quốc gia, nhiều người trong Cái bang hoan hô nhiệt liệt.
Bọn chó Liêu dĩ nhiên tàn ác như dã thú , giết được càng nhiều càng tốt. Vậy mà các bậc tiền bối anh hùng đã giết sạch trong chớp mắt mười tám tên chó chết. Quần chúng nhiệt liệt tán thưởng, giống như khán giả vỗ tay khi thấy quân biên phòng da trắng giết sạch cả bộ lạc da đỏ, giống như độc giả nhật báo vui mừng đọc tin thắng trận ở Sơn Mỹ: Lực lượng đồng minh Hoa Kỳ thuộc sư đoàn Americal phối hợp với không quân và pháo binh, đã tấn công vào một làng chiến đấu phòng thủ kiên cố của cộng quân sáng ngày 16-3-1968 vừa qua. Giao tranh diễn ra ác liệt suốt buổi sáng và xế trưa. Kết quả: 128 xác địch đếm được tại trận, 13 tình nghi bị bắt giữ và 3 vũ khí bị tịch thu.
Nhưng sau những vui mừng đột khởi ban đầu, một hai tháng hay một hai năm sau, phải có những hoài nghi nhân bản: Tại sao 128 tên địch bỏ xác tại trận mà quân bạn chỉ tịch thu được có 3 vũ khí? Chính câu hỏi này đã đưa đến vụ án thời danh Calley. Đoàn Dự và Tiêu Phong khi nghe Trí Quang đại sư kể chuyện, cũng có những hoài nghi tương tự. Tiêu Phong thầm hỏi: Đại sư vừa nói bọn võ sĩ Khất Đan này tất được tuyển chọn rất kỹ mà sao chỉ trong khoảnh khắc, chúng đã bị giết hết. Đó là những băn khoăn xuất phát từ lòng nhân đạo, đòi phân biệt người dân vô tội chịu đựng lịch sử và kẻ chiến đấu. Bên kia Nhạn môn quan, chưa phải là vùng oanh kích tự do, nên cả hai con người chí tình Đoàn Dự và Tiêu Phong đều tỏ vẻ hoài nghi, trong lúc quần hào vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt.
Tuy nhiên sự thức tỉnh chỉ mới bắt đầu, nên Tiêu Phong chưa dám có thái độ nào. Ông vẫn im lặng, nghe Trí Quang đại sư kể tiếp:
Chúng tôi đành ỷ bên mình đông người xúm lại uy hiếp, sáu bảy người nhảy xô lại tấn công gã đàn ông và bốn năm người xúm lại đánh thiếu phụ, Không ngờ thiếu phụ này chẳng biết chút võ nghệ nào. Vừa bị chém một đao, cánh tay nàng đã đứt lìa mình. Thiếu phụ bồng con té nhào xuống đất. Một người khác bồi thêm phát nữa hớt mất nửa đầu nàng. Gã đàn ông tuy võ nghệ cao cường nhưng bị bảy tám cao thủ vây đánh thì còn tài nào có thể rảnh tay giải cứu cho vợ con. Mấy chiêu đầu gã chỉ dùng thủ pháp kỳ dị cướp lấy vũ khí chúng tôi, chứ không chém giết ai. Nhưng khi thấy vợ con bị giết rồi thì mắt gã đỏ ngầu, vẻ mặt hung dữ trông mà phát khiếp. Gã người Liêu tưởng đã giết hết bọn cường địch liền chạy lại bên thi thể vợ, ôm lấy thây nàng khóc rống lên, tiếng khóc cực kỳ bi thảm. Tôi nghe tiếng khóc không khỏi mủi lòng. Thì ra tên Liêu cẩu này ác như quỷ, dữ như dã thú mà hãy còn nhân tính. Giọng khóc bi ai của gã tưởng chẳng kém gì người Hán chúng ta.
(trang 141 quyển 1)
Hoá ra chính Trí Quang đại sư cũng thức tỉnh như Tiêu Phong, Đoàn Dự. Đại sư hơi có chút kinh ngạc, thú nhận tiếng khóc Khất Đan không khác mấy với tiếng khóc Đại Tống.
Triệu Thiền Tôn, một cao thủ cũng tham dự vào trận phục kích ấy nói:
– Loài dã thú còn có thâm tình giữa cha con và vợ chồng vị tất nó đã thua loài người. Thế thì người Khất Đan cũng là người, người Hán cũng là người, sao nó lại không thương xót bằng người Hán?
Mọi người nghe Triệu Thiền Tôn nói đều la ó phản đối, Triệu Thiền Tôn chỉ cười nhạt không đáp. Nụ cười khinh miệt ấy khai ngộ cho Tiêu Phong, con người bị xâu xé giữa cuộc phân tranh khốc liệt về chủng tộc. Không một chút do dự ông tự vạch cho mình một lý tưởng: cố gắng xoá bỏ hận thù giữa các quốc gia chủng tộc, nhìn con người không qua lòng tự ái tự tôn tích luỹ lâu đời do âm mưu chính trị, mà qua tình thương giữa người với người.
Con người ra đời với đôi má hây hây bụ bẩm, và đôi mắt trong sáng đen nháy, lớn lên trong tiếng nô đùa hồn nhiên, vào đời hệ luỵ với tình cha mẹ, tình vợ chồng, tình tương thân hàng xóm láng giềng, tình quê hương quyến luyến, từ một cổng làng một bụi tre, một hòn đá bên đường, một cây đa cỗi, con người nguyên vẹn niềm vui và nỗi buồn, dù phút vui phù phiếm mà buồn da diết, vẫn được quyền sống nốt cho hết khoảng thời gian thiên phú. Sự thực phân tranh, cùng với bản tính chân thực chí tình, đã giúp Tiêu Phong ngộ đạo, Từ TỰ GIÁC, ông bắt đầu GIÁC THA.
Số lần đọc: 17537