Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàBài Viết NgắnTiểu Luận & Tùy BútTản mạn về biến cố 11 tháng Chín

Tản mạn về biến cố 11 tháng Chín

Hơn nửa năm đã trôi qua từ ngày những người Ả Rập quá khích cướp bốn chiếc máy bay hàng không dân sự Mỹ đâm vào phá hủy hai tòa cao ốc Trung tâm Thương Mại Thế giới ở New York, và một góc Ngũ Giác Ðài ở Hoa Thịnh Ðốn. Giấy mực đã đổ nhiều cho cuộc bàn luận rộng rãi, sôi nổi trên khắp thế giới về biến cố lịch sử vô tiền khoán hậu này. Chỉ cần bấm nút vào website của một cơ quan ngôn luận, một học viện nghiên cứu nào đó, chúng ta cũng có thể đọc được tất cả những lời bàn luận sâu sắc và thâm thúy của những học giả “có thẩm quyền” về biến cố này. Chúng ta có trực tiếp bàn luận thêm về chuyện này, chỉ là lặp lại những gì thiên hạ đã nói. Ðó là chưa kể lặp lại không đúng, như chỉ thu nhận những phần phụ thuộc trong khi do khác biệt về trình độ, về văn hóa, chúng ta không đủ sức “lặp lại” những cốt tủy trong lập luận của những “cấp thẩm quyền”. Cho nên, tôi xin được “tản mạn” những chuyện bên lề, theo cái nhìn của một người không chuyên môn, và có phần nào đứng ngoài cuộc.

Tự xét mình, tôi thấy dù có tìm đọc tất cả những lời bàn luận sâu sắc của giới trí thức trên thế giới về biến cố 11 tháng Chín, chúng ta cũng chỉ biết được những gì chúng ta thích biết. Cuộc cách mạng tin học cung cấp miễn phí cho chúng ta cả một kho thông tin mênh mông trên internet, khách hàng vào cửa kho khỏi phải mua vé, vào kho muốn gì cứ việc khuân về dùng thỏa thích. Ðúng là thế giới tự do tuyệt đối. Nhưng chúng ta chọn cái gì trong kho tàng kiến thức thông tin mênh mông đó? Có người chọn giùm cho ta, hoặc kho nghèo nàn chỉ có vài món hàng mẫu, chúng ta đỡ mất công lựa chọn. Ðằng này hàng hóa ê hề, món nào bao bì cũng sặc sỡ, những hàng quảng cáo tự ca tụng in đậm làm chúng ta hoa mắt, không biết bỏ cái nào chọn cái nào. Thôi thì chọn đại những mặt hàng quen dùng, hoặc những loại chúng ta vốn thích (tuy không ý thức rõ nhưng lúc nào phải chọn thì những mục hạng đó nằm trong phần ưu tiên).

Cho nên những kho kiến thức thông tin và lý luận tìm thấy trên internet không làm được công việc đáng lý nó phải làm, là bằng trao đổi cởi mở các nhận định, loài người sẽ cảm thông với nhau dễ dàng hơn, sẽ tôn trọng sự khác biệt của kẻ khác. Ngược lại, gần như biến cố 11 tháng Chín làm cho người ta vững tin hơn vào các định kiến có sẵn của các tập hợp có trước đó, từ tập hợp tôn giáo, sắc tộc, quốc gia, đến tập hợp kinh tế, văn hóa.

Sống tại Mỹ, tôi chứng kiến cảnh người ta đua nhau biểu lộ lòng yêu nước bằng cách giăng cờ lên bất cứ đâu, nhiều nhất là trên xe hơi. Cũng không có gì khó hiểu khi chỉ cần qua vài câu tuyên bố ve vuốt được lòng tự ái bị tổn thương trầm trọng của dân Mỹ mà tổng thống Bush đã thu được lòng tin cậy của dân chúng, từ số bách phân lè tè dưới 50% lên đến trên 80%. Trong cảnh tang gia bối rối, người trong nhà thường dễ bỏ qua những chuyện bất hòa nhỏ nhặt (có thể từ từ giải quyết với nhau về sau) để lo đối phó với cái tang trước mắt. Tiền nong không được dư dả như trước, nhưng cần chi bao nhiêu cho súng đạn để diệt cho tuyệt nọc khủng bố, xin cứ mặc sức tiêu! Tuyên bố nay đánh nước này, mai đánh nước nọ, tuy có hơi hung hăng cao bồi Texas đấy, nhưng phải nói thế chúng nó mới sợ. Nước Mỹ thôi không cần “được yêu mến” nữa, chỉ cần thiên hạ “sợ” mình, một nhà bình luận chính trị nổi tiếng của Mỹ viết thẳng như thế trên báo, cho đó là một lý thuyết ngoại giao mới. Những người dân Mỹ bình thường (trong số 80% ủng hộ tổng thống Bush hiện nay) không thấy cách nói năng như thế, cách nghĩ như thế có gì bất thường. Và nếu không có kềm chế của những cơ quan lập pháp tư pháp và dư luận, không có hệ thống kiểm tra quyền lực chính trị bằng nhận định của người dân qua lá phiếu, không có hệ thống chính trị đối lập hợp pháp, tôi nghĩ tổng thống Bush có thể giương cao ngọn cờ diệt khủng bố kéo quân đi chinh phục thế giới mà vẫn được đa số dân chúng nhiệt tình ủng hộ. Lịch sử không dạy được bài học nào cho những người đi sau, vì ai cũng nghĩ trường hợp của mình, của thế hệ mình là trường hợp đặc biệt, không thuộc vào những qui luật chung. 80% dân Mỹ không thấy những lời tuyên bố của tổng thống Bush là bất thường, vì chưa bao giờ nước Mỹ bị hạ nhục như vụ 11 tháng Chín năm 2001. Ðối phó với một biến cố chưa bao giờ xảy ra cho nước Mỹ, thì không thể dùng những biện pháp bình thường được.

Có thể ở ngoài nước Mỹ người ta nhìn về biến cố này rõ hơn. Rõ hơn, nhưng chưa chắc là khách quan. Nói chung, tất cả các nước trên thế giới đều cần Mỹ, phục Mỹ, nhưng không ưa Mỹ.

Cần, vì Mỹ giàu, thị trường Mỹ quá lớn, buôn bán làm ăn với Mỹ sẽ thu được những nguồn lợi lớn. Máy bay dân sự Mỹ bị cướp, ngành hàng không dân dụng Mỹ khốn đốn đã đành, nhưng công ty hàng không Thụy Sĩ phải đóng cửa. Thị trường chứng khoán ở New York mới bị sổ mũi thì thị trường chứng khoán ở Tokyo, Paris, London, Frankfurt… đã phải gọi xe cấp cứu.

Phục, vì sự giàu có, phồn thịnh của nền kinh tế Mỹ không phải là một chuyện may rủi tình cờ. Tài quản trị, óc tổ chức, sự nhạy bén về thị trường, sáng kiến cá nhân phát huy tối đa…chưa kể cái vốn khổng lồ của tài nguyên, tiền bạc, trí tuệ…khiến Hoa Kỳ vượt xa mọi nước về mọi mặt, và khoảng cách vượt trội này ngày càng rộng, do tiến bộ không ngừng của kỹ thuật vi tính và sinh học. Nói “toàn cầu hoá” cho văn hoa, thực ra đó là Mỹ hóa.

Thế giới rõ ràng đang bị Mỹ hóa nhanh chóng. Qua mạng lưới internet và kỹ thuật vi tính, trong mỗi quốc gia đang hình thành một tầng lớp quí tộc mới. Họ sống sung túc nhờ làm việc với các công ty lớn hoạt động trên khắp địa cầu. Họ nói tiếng Anh, xem tin thị trường chứng khoán trên CNN, đi đâu cũng mang theo laptop và cellphone, thạo nhạc Pop Mỹ hơn là dân ca truyền thống. Họ không cần quốc tịch. Họ là công dân quốc tế. Và nếu khoảng cách giữa nước Mỹ và các nước khác ngày càng xa, thì trong mỗi quốc gia, khoảng cách giữa mức sống nhóm quí tộc mới này và đa số dân nghèo (nhất là dân quê) cũng càng ngày càng rộng. Rộng mênh mông, đến độ gần như tuyệt vọng, không có cách nào bắt kịp được. Ðến độ chỉ còn có cách tự rạch mặt ăn vạ như Chí Phèo, hoặc liều mạng mày tao cùng chết như những người ôm bom cảm tử Palestine. Tìm hiểu vì sao người ta cần Mỹ mà vẫn không ưa Mỹ, thật dễ. Chuyện thường tình!

Người Mỹ đã biết từ lâu là người ta không ưa mình. Người Mỹ bình thường, như đa số những người dân bình thường trên khắp thế giới, theo ghi nhận của tôi, thật tốt bụng, sống lành mạnh, đầy thiện chí, lãng mạn lý tưởng đến độ dễ tin và đơn giản. Chính đa số những người dân Mỹ bình thường này vô cùng ngỡ ngàng khi thấy 19 người Ả rập không tặc đã căm thù mình đến độ đó. Họ cảm thấy bị oan ức, rồi họ tức giận. Họ ở trong số 80% đang ủng hộ tổng thống Bush. Và cho đến bây giờ, mặc dù họ có trước mắt vô số những ý kiến giải thích vì sao người ta thù Mỹ, họ vẫn không thể chấp nhận được mối thù mà họ gánh chịu.

Lòng căm thù đó ngày càng tăng, không hề suy giảm sau nửa năm xảy ra vụ khủng bố 11 tháng Chín. Tôi đọc được lòng căm thù ấy trong đôi mắt những người dân Palestine ở Do Thái, trong những khuôn mặt râu ria khó hiểu của dân các bộ lạc Afghanistan gần biên giới Pakistan. Tận diệt khủng bố? Khủng bố, nói cho cùng, là khí giới của kẻ yếu. Trong một chính thể phe đối lập được luật pháp che chở, bảo vệ quyền được chống đối chính quyền và thay đổi chính quyền bằng lá phiếu cử tri, thì không cần đến khủng bố. Khủng bố chỉ xảy ra khi phe đối lập bị đàn áp triệt để đến độ không còn phương cách nào khác ngoài bạo động bất hợp pháp. Khi muốn tận diệt khủng bố để không còn tái diễn những ngày 11 tháng Chín, Mỹ phải bắt tay với tất cả các thế lực hiện đang nắm quyền ở các quốc gia. Trong số đó, không ít là những bạo quyền. Và hậu quả tất nhiên là ngay lập tức, phe đối lập ở các nước Trung quốc, Nga, Mã lai, Nam Dương trở thành bọn khủng bố có liên hệ với Bin Laden. Trong đôi mắt những người bị bạo quyền đàn áp vì lý do này hay lý do khác (chủng tộc, tôn giáo, chính kiến,..), nước Mỹ trở thành bạn thân của những bạo chúa, một điều những người Mỹ bình thường không bao giờ muốn.

Qua cuộc oanh tạc và đổ bộ vào Afghanistan lật đổ chính quyền Taliban và truy lùng các tổ chức chủng bố Ả rập, Mỹ chứng tỏ mình có khả năng can thiệp quân sự vào bất cứ nước nào trên thế giới, dựa vào kỹ thuật quân sự ưu việt để tránh tổn thất nhân mạng của lính Mỹ. Nhưng cho đến nay, chưa có bằng chứng lạc quan nào chứng tỏ các vũ khí tối tân chính xác có thể giải quyết được các vụ tranh chấp chính trị phức tạp (như các tranh chấp quyền bính giữa các bộ tộc ở Afghanistan, như mối thù giữa người Palestine và Do Thái), chưa nói tới tận diệt nạn khủng bố (với các tổ chức bí mật hành động không theo một qui luật nhất định, không tuân theo những ràng buộc đạo đức hay pháp lý). Có lẽ hầu hết các nhà trí thức lỗi lạc trên khắp thế giới đều không biết phải làm gì, nên mới tìm câu trả lời bằng những giải pháp dài hạn, như muốn giải quyết tận gốc rễ nạn khủng bố, thì phải phân chia lại lợi tức để giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo, và “mở rộng” tôn giáo để loài người chịu chấp nhận những nền văn minh khác nhau.

Tôi chẳng biết đấy là các cao kiến hay cũng chỉ là lời những anh mù sờ voi. Ðã mù, tôi tự hỏi tại sao không nói huênh hoang cho nó oai: “Coi chừng, gấu ó đôi co nhau cho lắm, trái đất chỉ rùng mình một cái, là xong hết”.

Nguyễn Mộng Giác

 

   Số lần đọc: 4779

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây