Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Thư Gởi Vũ Phan Long

10 – 9 1981

Anh Vũ Phan Long,

Chiều nay, vừa đem tập thơ tuyển của anh ra định tìm ý viết bài bạt như đã hứa với anh hôm trước, thì gặp ngay bài thơ ngắn “Một chuyến đi” anh viết hôm 26 – 6 – 1981

Thăm bạn hiền, bước lên xe mất ví
Bên ghế ngồi, chợt thấy nữ sinh quen
Thơ như suối quên đường xa trưa tối
Vai dẫu gầy, đầu hãy tựa…thưa em !

Một trong những ông bạn hiền được hân hạnh nhắc tới trong câu đầu, là tôi. Điều đó khỏi cần phải hỏi lại. Đối với anh, với tôi, điều đó tự nhiên. Nhưng anh Vũ Phan Long ơi, có bao giờ anh chịu khó suy nghĩ xa về trước, sâu bên trong, để tìm hiểu cái “tình bạn hiền” giữa chúng ta không? Anh khác tôi quá chừng! Hồi cùng dạy học ở Tây Sơn, anh thân với ba tôi nhiều hơn với tôi. Tuổi tác là một lý do. Quá khứ phân rẽ là một lý do khác. Nhưng còn những lý do quan trọng nữa mà vì tế nhị, có thể cả anh lẫn tôi đều không nói ra. Thời ấy tuổi trẻ nông nỗi, lòng đam mê văn chương đi với niềm tin vào những từ ngữ “lý tưởng”, “chân lý”, “công bằng”, “nhân bản” v.v… khiến tôi cả tin vào những thứ dao to búa lớn đại loại như “sứ mệnh”, “dấn thân” v.v…, cho nên đọc thơ anh, tôi cứ thấy xa cách, hờ hững.

Tôi đã nghĩ anh như một nhà thiên văn mãi miết đi tìm một ngôi sao lạ giữa cảnh bát nháo của chợ đời, giữa cảnh vợ con nheo nhóc và hàng xóm bắng nhăng. “Văn chương nhàn vịnh”, tôi nghĩ vậy. Trong khi tôi xem văn như một dụng cụ và quí nó vì tin nó sắc như một lưỡi gươm quí, thì anh xem thơ như một hương trà, một đóa quỳnh. Anh ngưỡng mộ, anh tôn trọng thơ, tôi thì cứ loay hoay xoay ngang xoay ngược xem dùng thơ vào việc gì. Cho nên dù anh tham dự những cuộc rượu, những buổi bình thơ, những hôm ra mắt tập thơ đầu của thi hữu, ở Qui Nhơn, ở Bình Định hay Phù Cát, tôi không có được niềm vui như anh. Chắc chắn đôi lúc tôi có làm anh thất vọng. Vũ Phan Long nhớ không, cái đêm anh hẹn xuống ngủ với tôi một đêm ở Cường Để để “nói chuyện cho thỏa tình”? Đêm ấy chúng ta bắc ghế ra trước hiên lầu, trên trời hình như trăng sáng thì phải. Lá phượng rậm ấp ủ, hương đêm mơn man. Quả tình chúng ta cũng đã lan man tâm tình với nhau đủ thứ đầu cua tai nheo, nhưng tôi tin anh không được thỏa tình như mong ước. Tôi, hay nói chính xác hơn – chúng tôi – xin phép anh đi ngủ sớm để ngày mai còn lấy sức đi dạy học. Lúc ấy anh lấy làm tiếc vì nói chuyện chưa thỏa tình, nhưng điều đáng quí biết bao là anh không hề giận. Chỉ tiếc, như anh chàng hành khất nghiện trà của Nguyễn Tuân tiếc trong ấm trà ngon chủ nhân đãi mình có lẫn một ít trấu. Thế thôi. Lần tôi viết bài tựa tập Hòa Âm Cố Quận cho anh, Vũ Phan Long nhớ không, anh cũng chỉ tiếc nhẹ như vậy. Ý anh muốn tôi viết bài tựa bằng nét chữ nắn nót hoa bướm trên giấy quí để anh giữ làm kỷ niệm. Còn tôi, tôi lại viết trên giấy thi lục cá nguyệt của học trò!

Sự tôn trọng của anh đối với văn chương, thời bấy giờ, tôi thầm xem như một phong thái lạc lõng, Tôi xem lòng tôn trọng đó bằng đôi mắt kinh ngạc và ngỡ ngàng. Tôi quí anh, nhưng thành thật mà nói, vẫn cảm thấy xa cách với anh.

Phải chờ hơn sáu năm đâu bể, tôi mới nhận ra được rằng anh có lý. Xem văn chương như một phương cách cải tạo xã hội ư ? Tìm cái chân đế nhân sinh cho bức tượng nàng Thơ ư ? Những nguyên tắc đám trẻ tuổi nông nổi trước kia xem là khuôn vàng thước ngọc, bây giờ đã thành “quốc sách” rồi đó ! Kết quả ra gì ? Anh đã thấy từ lâu, nhưng bây giờ tôi mới thấy. Người ta mặc áo hoa cho Nàng Thơ, để rồi buộc Nàng làm vai hề cung đình. Chung quanh ta thiếu gì bọn lóm thóm, nín thở rụt đầu trước cửa quyền ! Nàng Thơ lấm lét, run sợ, lựa chữ chọn vần để đánh bóng cho những pho tượng bằng đồng cũng có mà bằng đất sét nung vội cũng có. Còn đâu Lý Bạch uống rượu trên sập cao ra lệnh cho Cao Lực Sĩ cởi giày ? Còn ai dám trợn mắt nhìn thế sự ngâm sang sảng

Ngã dục cao đăng sầm
Hạo ca khởi vân thủy

như Cao Chu Thần ? Cho nên mãi đến hôm nay, xa anh trong không gian, nói cười không nghe được nhau, vui buồn không viết được cho nhau bằng lời, sau bao cuộc chìm nổi để sự thật lộ dần, tôi mới dám nhận là “bạn hiền” của Vũ Phan Long ! Những gì tôi thiếu như lòng vô tư, như niềm tôn trọng đối với Thơ, như phong thái thung dung trước mọi cảnh huống, như ánh nhìn lạc quan, như…như biết bao nhiêu điều quí giá khác nơi tính tình và nhân cách của anh, kể cả lòng ưu ái hồn nhiên trong tình bạn bè, đã khiến tôi càng ngày càng quí anh hơn. Phải thế không ? Vũ Phan Long, bạn hiền của tôi.

x x x

Điều thú vị là trong bài thơ ngắn anh tặng tôi – tất cả tâm hồn đôn hậu và đam mê của anh hiện ra đầy đủ cả.
Cuộc đời quanh chúng ta thì vẫn vậy. Nó chỉ thay đổi cường độ chứ không đổi bản chất (Tôi lại bi quan rồi, nhưng biết làm sao giờ!). Này nhé ! Bước chân ra đường, trước sau chúng ta chạm mặt ngay với phường trộm cắp. Anh đã một lần nhân ba tôi bị mất ví mà xúc cảm làm được bài thơ hay. Vừa rồi quyết định ra khỏi ẩn am đi Sài Gòn thăm bạn, anh liền bị mất ví. Ôi chao, đến lúc nào mới khỏi cái cảnh vừa đi vừa hồi hộp đưa tay thăm chừng cái ví xẹp của mình ? Tiền mất, thôi được, mượn ai đó cũng xong ! Khỏi lo, Vũ Phan Long ơi ! Anh tự lập lại y nguyên căn cước của anh trong bài Một Chuyến Đi rồi đấy! Anh đừng nghĩ tôi nói đùa ! Hãy đọc lại những dòng anh viết :

Thăm bạn hiền, bước lên xe mất ví
Bên ghế ngồi chợt thấy nữ sinh quen
Thơ như suối quên đường xa trưa tối
Vai dẫu gầy, đầu hãy tựa thưa em !

Rõ ràng sáu năm dâu bể đâu có đủ sức “tàn phá” được chút gì của Vũ Phan Long !

Mất ví ? Ồ chuyện vặt ! Cảnh túng quẩn ở chỗ xa lạ ? Vợ con cằn nhằn ? Nét mặt hồ nghi đăm đăm của công an kiểm soát ? Vặt vãnh, ti tiểu hết ! Con người luôn luôn mở rộng cửa lòng để đón mừng mọi người, đủ bản lĩnh để không sợ cả gió độc, thì cuộc đời cũng dành sẵn cho mọi điều hạnh phúc. Vũ Phan Long không hoài công tiếc của, lo âu, giận dỗi, nên vừa bước lên xe đã gặp ngay “nữ sinh quen” . Tôi khoái cái chữ “quen” đó ! Chữ “quen” thôi, chứ không phải “thân”, không phải “thương”. Càng không phải là “cố nhân”. Nhưng có hề gì ! Vũ Phan Long gặp được một cô gái học trò cũ nào đó là được rồi ! Cả cái quá khứ ấp yêu những năm dạy văn ở Tây Sơn dồn dập trở lại. Thấp thoáng, rộn rã, đây đó thoạt hiện rồi thoạt biến, kỷ niệm chập chồng lên nhau trong trí Vũ Phan Long: một buổi bình thơ có đệm đàn thập lục, vạt áo trắng nữ sinh phủ hờ lên một dáng liễu e ấp; một sáng từ trên bục giảng nhìn xuống những đôi mắt trong đang uống từng ngụm cổ thi; một tiếng vĩ cầm còn non của người học trò tóc thề; và biết đâu đấy, một hai…ba mối tình thầy trò thơ dại và lành như nước suối ! Phải, như nước suối vì Vũ Phan Long đã xúc động mạnh mẽ, “Thơ như suối quên đường xa trưa tối”. Và cái chất lành của Vũ Phan Long hiện thật rõ trong hai chữ “thưa em” ở cuối bài ! Vũ Phan Long có gầy đi? Đúng ! Nhưng chỉ cần hai chữ “thưa em” cũng đủ thấy Vũ Phan Long trẻ mãi, lãng mạn mà không phóng đãng, Đôn hậu mà không ngu ngơ. Chất thơ của Vũ Phan Long là ở chỗ đó !

x x x

Những bạn trẻ bị cuộc sống cuốn hút hay bị quá nhiều hệ lụy có thể không thích thơ anh, trách anh đứng bên lề. Thơ anh không có tính thời sự. Còn bao nhiêu cái “tính” khác người ta kê khai “một là”, “hai là” trong các cuốn thánh kinh văn học, thơ Vũ Phan Long lại càng thiếu thốn. Cứ muốn dùng thơ Vũ Phan Long để chứng minh điều gì đều sẽ phải thất vọng. Thơ Vũ Phan Long chẳng để làm gì cả ! Không thể dùng để chưng, không thể dùng để kết vòng hoa điếu tang ! Thơ anh như một con hạc đen ngủ trên một đỉnh núi heo hút, hay như một bông hoa không có tên, không do ai vun tưới mà mọc tự nhiên giữa đám cỏ dại. Cái chất tự nhiên, ở ngoài thời cuộc của thơ anh sẽ còn khiến cho nhiều người băn khoăn. Ghép anh vào trường phái nào ? Xếp anh vào cái túi nào ? Định bậc thợ cho anh sao đây ? Anh không xếp hàng xin chân thợ thơ, phiền nhỉ ! Phê bình thơ anh cũng khó như ý muốn xếp vị trí cho anh. Như đã nói từ đầu, có thời tôi nông nổi xem thơ anh thuộc loại “nhàn vịnh”. Suy đi nghĩ lại, chỉ có thể viết: Cuộc đời anh, cách sống của anh, bản chất tâm tình của anh đúng là một bài thơ. Cho nên thơ anh tự nhiên dung dị như chất thơ của cuộc đời, vui buồn thay đổi,dĩ nhiên rồi; nhưng vui hay buồn cũng thung dung, hồn hậu chứ không câu thúc. Lúc anh đổi ý cố rướn lên một chút, cho bằng hoặc giống cái này cái nọ, là lúc anh thất bại. Lúc anh thật sự “mất ví” ! May mắn thay, những lúc như thế thật hiếm hoi !

Xin anh đã sống thế nào thì viết thế ấy, để bạn bè xa gần giữ mãi được cái chất Vũ Phan Long như một vật lưu niệm quí giá của “tình bạn hiền” ! Ủa ! Mà xin làm gì ? Tự nhiên Vũ Phan Long sẽ mãi mãi là Vũ Phan Long ! Sau sáu năm đổi thay đảo điên, họ Vũ có thay đổi chút nào đâu.

Thơ như suối quên đường xa trưa tối
Vai dẫu gầy, đầu hãy tựa…thưa em !

Lẳng lơ mà lành không chịu được !

Sài Gòn, Mùa trung thu 1981
Bạn hiền của anh.
Nguyễn Mộng Giác

Nguồn: http://kyniem.easyvn.com


   Số lần đọc: 5143

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây