Bài này đăng trên Tạp Chí Văn Học số 12-13 tháng 1/1987 và 2/1987
Cô Liên thân mến,
Tôi vừa nhận được tập thơ của cô gửi tặng. Xin cảm ơn cô nhiều. Thật là một món quà mùa xuân đến đúng lúc. Bìa trình bày trang nhã. Chữ in đẹp và rõ. Ðọc đến đây, chắc cô chờ đợi ý kiến của tôi về nội dung tập thơ. Chờ đợi những lời tán thán quen thuộc như “hay”, “được”, tuyệt diệu”, độc đáo”… Tôi nghĩ những hạn từ thông thường loại này (mà các nhà phê bình thường dùng đi dùng lại nhiều lần với lòng kiêu ngạo đáng ghét) không nói được gì cả. Dù khen hay chê, đó là những lời xã giao giữa hai kẻ lạ, ngẫu nhiên gặp nhau ở một buổi họp mặt có diễn văn khai mạc, có những cái bắt tay qua loa, có những nụ cười gượng, có những câu thăm hỏi không cần trả lời.
Không, khi một mình ngồi bên đèn giữa đêm mênh mông, soi gương nhìn cả cuộc đời mình bằng trang giấy trắng, chộp bắt những xúc động mông lung mơ hồ ép vào khung ngôn ngữ rồi chới với vô vọng khi nhận ra cái bất lực của ngòi bút, tôi nghĩ cô không hề muốn nghe những lời xã giao lấy lệ. Nếu muốn sống ngoan ngoãn như chiếc lá xuôi dòng, cô đã không mất thì giờ viết lách. Còn nếu muốn nghe những tràng vỗ tay nhiệt liệt làm cô hân hoan suốt tuần suốt tháng, làm cô thấy mình vĩ đại như một nữ thánh, trường cửu như Kim tự tháp Ai cập, có lẽ cô cũng không dại gì làm thơ. Cô sẽ dùng thì giờ cuối tuần vào những hoạt động từ thiện, dùng bàn tay thơm mịn của cô để vỗ về những người tàn tật già nua. Tuy chưa gặp mặt, nhưng tôi vẫn nghĩ lối chữ viết của cô, lời thơ của cô thế nào cũng từ những bàn tay búp măng thon nhỏ rất thích hợp với những công việc thiện nguyện ấy.
Nếu ngược lại, cũng không sao! Cô sẽ dùng bàn tay gân guốc và giọng nói đanh thép của cô vào những việc cần kíp và lợi ích. Cô có thể giơ nắm tay chắc nịch của cô lên cao trong các cuộc vận động tranh đấu. Những tràng pháo tay bất tận sẽ chờ đón cô. Báo chí khắp thế giới nhắc nhở đến cô. Nắm tay của cô sẽ được chụp hình, ghi vào băng video. Lời hô hào của cô sẽ truyền trên các làn sóng phát thanh, làm rộn rã lòng hằng mấy mươi triệu đồng bào ở cách xa cô cả một đại dương bao la.
Tôi thật lấy làm tiếc cho cô! Thay vì làm những công việc lợi ích và cụ thể như thế, cô lại ngồi lắng nghe những nhịp đập bất thường của trái tim mình. Cô viết thơ tình, in thơ tình, để nhận lấy cái hậu quả nhãn tiền: thay vì được vỗ tay nhiệt liệt, cô phải bẽn lẽn đỏ mặt khi một người nào đó nói về tập thơ của mình. Cô sẽ phải hồi hộp chuẩn bị chờ đón những lời khuyên răn nghiêm khắc. Những nhà tranh đấu nghiêm túc sẽ lắc đầu thương hại cô, cho rằng cô không biết dùng tài làm thơ để cứu nước, cứu nhân loại, cứu Thái dương hệ. Họ nhắc cho cô nhớ đến Bà Trưng, Bà Triệu. Cô sẽ hối hận vì không dùng những đêm khuya và hai ngày cuối tuần để học cưỡi ngựa, bắn súng, luyện Thái cực đạo…
Những nhà lãnh đạo khoan dung ấy hiếm lắm, cô Liên ạ! Cô sẽ phải nghe những lời lên án tàn nhẫn hơn. Như “ủy mị”, “đồi trụy”,
“làm nhụt ý chí chiến đấu”, thậm chí cô có thể bị gán cho những tội lỗi tày trời như “phản động”, “đâm sau lưng chiến sĩ”.
Thôi, cô đã lỡ làm một chuyện ngược đời rồi, thì để trả cái ơn được cô tặng thơ, tôi xin moi óc tìm lời biện hộ cho cô vậy!
Làm thơ tình có phải là một cái tội không? Thưa cô, còn tùy! Vâng, những bản tình ca của cô, một khi không còn là của riêng của cô nữa, trở thành một chút hương cô gửi cho gió” thì phải chịu những bấp bênh của một đời hương. Có những người dị ứng với mùi thuốc lá, mùi tỏi, mùi hành, thì cũng phải có những người dị ứng với thơ. Người ta có thể mạnh dạn rút một bó tiền ra quăng vào chiếu bạc, làm công dân trung thành của Reno, Las Vegas, nhưng lại rụt rè suy tính rất lâu trước khi giở đến một cuốn sách để xem “chùa”. Ngay trong những người chịu khó xem sách, mua sách, cũng có những người chong đèn đọc ngấu đọc nghiến cuốn “Làm thế nào để biến một con nhái thành con bò mộng”, trong khi nếu cô gửi đến cho anh ta tập thơ, thì giỏ rác của anh ta sẽ nặng thêm mấy mươi gam giấy nhàu. Cô hãy cẩn thận khi gửi thơ tặng cho bằng hữu. Làm sao cô biết được người nhận tác phẩm của cô có phải là bệnh nhân dị ứng hay không? Những biểu hiện bên ngoài không đáng tin đâu! Họ có gắn một cái hoa giả nơi ve áo veste, tất nhiên phải là người yêu thơ? Không, lòng thương hoa của họ cũng giả dối như cái hoa giả. Họ có đọc thơ, ngâm thơ trong các tiệc rượu? Không, họ chỉ xem những vần thơ của Huy Cận, Xuân Diệu, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên… như những món đưa cay, tương tự như kim chi, dưa ngâm dấm. đậu phọng, bò tái chanh, nem nướng, chả cá… Họ không cần nguyên một tập thơ của cô. Trong cuộc trà dư tửu hậu, họ chỉ cần nhớ một số câu thơ cần thiết hợp với “khí hậu mùa màng”. Cần cho mùa yêu, họ kéo áo ông Xuân Diệu. Cần đóng vai anh hùng mạt lộ cho hợp với cảnh say sưa túy lúy, họ đã có “Hồ trường”. Cần làm Kinh Kha mạo hóa, họ ngâm thơ Thâm Tâm:
Ly khách, ly khách, con đường nhỏ
Chí lớn không về bàn tay không!
Cần biểu diễn sự khinh thế ngạo vật, họ mượn cuộc chơi lớn của Bùi Giáng. Cô có muốn thơ mình làm món đưa cay cho họ hay
không? Chắc là không. Chú chim bồ câu mỏi cánh bay trên đại hồng thủy, cố tha cho được nhánh ô-liu báo hiệu hồi sinh đâu có muốn bị chiên bơ nằm giữa mấy lá xà lách rưới dấm. Nhưng chim bồ câu nếu muốn người ta thấy được cành ô-liu hồi sinh thì không thể bay tít trên chín tầng mây. Nó phải sà xuống đậu giữa nhân gian đầy xác thối, bùn non, củi mục, lá úa, cành gãy, và những tên bợm nhậu thèm rượu háu đói. Nó không còn chọn lựa nào khác là phải nhập vào dòng sống, nên phải chịu đựng những may rủi.
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?
Thơ cô là tấm lụa lưu lạc từ khi rời khỏi tay cô, hiện thành chữ, in thành sách. Nó thành một món hàng trong phiên chợ đời, vì rõ ràng bìa sau tập thơ có ghi giá bán. Những lời cay độc tàn nhẫn có thể từ mấy con số nhỏ nhoi ghi giá bán ấy.
Những lời cay độc tàn nhẫn có thể từ mấy con số nhỏ nhoi ghi giá bán ấy. Những kẻ mang bệnh dị ứng với thơ tìm được cớ để lắc đầu quay đi. Những kẻ mắt cứng, tai lảng, xương cổ bất động, óc não rêu bám sẽ rút cây thước của họ để đo thơ cô, chê mỏng quá không đúng tầm, hoặc chê dày quá không đủ gọn. Mây trong thơ cô mang tội phù phiếm. Hoa trong thơ cô ẻo lả cánh mỏng không dùng được việc gì, kể cả việc kết thành vòng hoa tang. Nói gì tới những buồn không duyên cớ, nhớ mông lung, cuống quýt trong khoảnh khắc, lơ láo giữa mù sương… Cô đã làm cho họ khó xử, vì dù được biếu không, họ cũng không biết dùng tập thơ của cô làm việc gì. Bìa tập thơ tuy có in nhiều mầu nhưng không có lịch ngày lành tháng tốt như lịch Tam tông miếu. Suốt mấy chục bài thơ, không có câu nào chọn ra được để làm khẩu hiệu, hoặc làm châm ngôn răn dạy con cháu. Thơ cô cũng thiếu sự bí hiểm để họ trích vài câu làm dáng trí tuệ, thiếu sự hùng tráng để làm thuốc súng. Ðường đời quanh co, rối rắm phức tạp, trong lúc mọi người chạy đi tìm những đường thẳng và gần, thì thơ cô lại chỉ đưa ra những thảo nguyên hoang sơ đầy hoa cỏ dại, sầm uất mà bất trắc. Thơ cô không có cái nghiêm trang thành kính của một hội trường đang ngoan ngoãn lắng nghe huấn thị, mà cũng không có cái rộn rã hào hứng của một cuộc biểu dương lực lượng. Ðọc thơ cô, lòng người ta chùng lại, rồi băn khoăn hay bâng khuâng. Những người muốn vá lại trời, nắn lại đất, muốn tắt nắng và buộc gió, chắc chắn phải mắng thơ cô ẻo lả. Dải lụa mỏng không thể dùng làm giẻ thong nòng súng hoặc làm dây cương ngựa, dây giăng biểu ngữ. Thơ cô hoàn toàn vô dụng!
Nhưng cô đừng vội buồn! Vì ngay cả những người muốn cưỡi ngọn sóng dang tay ngăn bão, có thể vào một lúc nào đó, họ sẽ đoái nhìn đến thơ cô với đôi mắt thiện cảm hơn.
Tôi có biết nhiều người phân chia lối sống bảy ngày trong tuần một cách rành rẽ, khoa học; kể cả cách ăn nói, cư xử cũng phân minh tùy theo thời gian không gian họ sống. Họ là những người tình đam mê vào ban đêm và những người hùng xả thân cho đại nghĩa vào ban ngày. Những nhà hùng biện vào cuối tuần đồng thời là những người lầm lì lập cập trong những ngày làm thuê mưu sinh. Họ là khối thép lúc này, và là chất dẻo lúc khác. Trong căn nhà êm ấm của họ, tranh tĩnh vật treo ở phòng ngủ nhưng biểu ngữ giăng ở phòng khách. Cô thấy không, tập thơ của cô trong cuộc phiêu lưu bất trắc một ngày nào đó vẫn có cơ may được nằm trên mặt bàn kín đáo nào đó ở chỗ thân tình, dưới bức tranh in lại danh tác của Chagall với những thiếu nữ biết bay như các thiên thần, giữa những lời tình ca dịu dàng của Love Story, Romeo & Juliet…
Nếu người chủ căn nhà tạm dẹp bỏ tình riêng để theo nghĩa lớn, cô hãy hy vọng có lúc ông ta nhớ lại thời “Ngày xưa Hoàng thị”, hoặc chờ tới lúc ông tới tuổi hồi xuân. Nếu ông ta đã thành thỏi thép ròng vuông vức thì có thể đứa con gái của ông ta đã bắt đầu ngồi tư lự vô cớ, hay cậu con trai bắt đầu thấy lòng nôn nao vì một giọng nói, một ánh mắt, một tà áo thoáng qua trí nhớ. Cô vẫn còn nhiều hy vọng, cô Liên ạ!
Cho dù tập thơ của cô, đứa con tinh thần của cô có lưu lạc bấp bênh trên đường đời, thì cô vẫn còn niềm an ủi rằng đó là thân phận chung. Người nghệ sĩ sáng tạo trình tác phẩm của mình trước công chúng thật giống những thiếu niên nhà nghèo bán hoa ở các exit xa lộ trên đất Mỹ. Không có môn bài, mà cũng không có bảo hiểm. Người nghệ sĩ đích thực luôn luôn sống trong trạng thái hụt hẫng, thường trực bất mãn với cái trước, bồn chồn lo âu cho cái sau. Anh ta không dám xin một tấm môn bài lận lưng cho yên tâm với đời. Không dám cao rao nhân danh. Tchekov tả người ăn trộm ngựa, và dừng lại ở đó, không dám hay không muốn đóng luôn vai trò quan tòa hay linh mục. Không biết thời Nga hoàng các ông quan tòa cũng như giới tu sĩ Chính thống giáo có dõng dạc lên án Tchekov vô trách nhiệm như những gì thường xảy ra ngày nay hay không. Nếu có, chắc ông sẽ luống cuống, lung túng lắm, vì sau lưng ông không có những cái thế dựa êm ái. Ai cũng có thể dậy dỗ ông, lăng mạ ông, từ tên trộm lớn mất ngựa cho đến những kẻ ăn cắp vặt. Thật đáng thương cho ông. Ai bảo ông bỏ nghề thuốc để cầm bút. Nếu ông làm y sĩ, dù là y sĩ tồi, tấm bằng y khoa bảo đảm tước hiệu “cứu nhân độ thế” cho ông suốt đời. Ông chữa lành bệnh, người ta sẽ xem ông như một Thượng đế nhỏ. Không lành bệnh, bệnh nhân qua đời, người ta cho đó là Thánh ý. Ông sẽ sáng rỡ ở các dạ tiệc quí tộc vì ông là người vô cùng hữu ích. Ông phí phạm cuộc đời yên ổn để ngồi kể chuyện người ăn cắp ngựa, hoặc chuyện người xà-ích già vừa mất đứa con không biết tâm sự với ai, bèn tâm sự với con ngựa kéo xe. Ông đã không yêu loài người bằng yêu ngựa, thì còn đòi loài người kính nể ông sao được! Lâu lâu cũng có những nghệ sĩ may mắn được tấm thẻ lận lưng đấy chứ! Người ta kể rằng Lý Bạch được vua Ðường Minh hoàng ban cho một tấm “credit card” để uống rượu thả giàn. Ði bất cứ đâu trên đất nước Trung Hoa mênh mông thời đó, nhà thơ lớn cũng có thể chìa tấm “credit card” đó ra để bắt các quan địa phương cho ông no say. Tiền nợ rượu thịt đã có “ngân hàng trung ương” của Ðường Minh hoàng đài thọ. Trường hợp đó hi hữu lắm! Nhưng tôi không nghĩ Lý Bạch hạnh phúc thoải mái với tấm “credit card” này. Người ta bảo vào cuối đời, ông chỉ biết say, và một đêm không còn biết gì, ngồi uống rượu trên sông, ông nhảy xuống ôm trăng mà chết. Người đời thương hại ông mới vẽ hoa vẽ bướm cho ông mát lòng nơi chín suối. Tôi nghĩ thế!
Vì với nhà thơ, tấm “credit card” ấy không phải là lá bùa hộ mệnh như tấm bằng lộng kính của ông y sĩ, ông kỹ sư, ông broker địa ốc… Hầu hết những nghệ sĩ sáng tạo chân chính đều không hề dám tự nhận mình là “nhà văn”, “nhà thơ”, “họa sĩ”, “điêu khắc gia”. Nhà văn làm nghề quét dọn mạnh dạn ghi chữ “janitor” vào danh thiếp của mình, chứ không dám ghi vào đó niềm hãnh diện riêng tư. Nhà thơ làm được vài tuần nghề cắt cỏ đã hân hoan in danh thiếp, ghi rõ cái nghề mới tìm được để khỏi bị đời chê bông lông vô dụng. Sáng tạo là một niềm kiêu hãnh không dám tỏ lộ, một mặc cảm bất an, vì trừ những người phải buộc lòng dừng lại làm cuộc kiểm kê đời mình, hưởng các buổi tưởng niệm sớm, còn những ai đang sáng tác đều thấy mình luôn luôn bất toàn, thiếu sót.
R. Gamzatov một nhà văn Nga sô có kể lại rằng: “ở trường đại học văn học chúng tôi đã có một sự diễn tiến như thế này:
– năm thứ nhất: có 20 nhà thơ, 4 nhà văn xuôi, và một nhà viết kịch
– năm thứ hai: có 15 nhà thơ, 8 nhà văn xuôi, 1 nhà viết kịch và 1 nhà phê bình.
– năm thứ ba: có 8 nhà thơ, 10 nhà văn xuôi, 1 nhà viết kịch và 6 nhà phê bình.
– đến cuối năm thứ năm: chỉ có 1 nhà thơ, 1 nhà văn xuôi, 1 nhà viết kịch, còn lại tất cả đều là nhà phê bình”
(Daghestan Của Tôi)
Ðấy, cô Liên thấy không, khi người sáng tạo cảm thấy cô quạnh và bất an, không có lấy một mẩu giấy bảo hiểm, thì những kẻ chồn chân thường chọn giải pháp dễ nhất: là tìm lấy một mẩu môn bài có khuôn dấu đỏ. Tìm lấy những “nhân danh” vừa tầm tay, và phù hợp với ngày hôm nay, trước mắt.
Cô có thể đoán được dễ dàng: những nhà phê bình đông đảo của Gamzatov sẽ dùng hết trí thông minh và tài dụng ngữ để mổ xẻ, cân đo, soi mói từng dòng chữ của ba người sáng tác còn lại. Họ sẽ trở thành cán bộ Tuyên huấn chuyên diễn giải đánh bóng các nghị quyết của Ðảng và Nhà nước, sẽ trở thành giám đốc Sở Kiểm duyệt. Những cán bộ Tuyên huấn hôm nay là những quan kiểm duyệt khắc nghiệt của ngày mai, ngày mốt.
Cho nên cô không phải là người cô độc. Những người đi trước, nếu họ chưa ngồi thở dốc bên đường, vẫn đang chia sẻ nỗi bẽn lẽn bất an cô viết đến trong thư. Mong cô giữ mãi được nỗi bất an quí giá đó. Mong cô không ngã lòng, rồi bậm môi lại, tìm cho được một tấm thẻ môn bài để lớn giọng cao rao. Như thế đủ rồi. Quan trọng là ở cái tâm thành của ta với cuộc đời. Phần còn lại, chỉ là cái phụ thuộc, vặt vãnh!
Thân ái,
Nguyễn Mộng Giác
Số lần đọc: 4611