Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Kỷ niệm về hai câu đối

Bài nay in trong tập tiểu luận Nghĩ về văn học hải ngoại do Văn Mới xuất bản năm 2004 tại California, USA.

Mới đây, một người viết văn ở Pháp có gửi cho tôi một truyện ngắn, nhan dề “Những Ngày Mưa Cũ”. Qua tác phẩm mang nhiều tính chất tự truyện, tôi thấy Anh Phạm Hà Trang cũng vượt biển theo đúng con đường tôi đã đi qua cuối năm 1981, nghĩa là từ Việt Nam qua đảo Kuku Nam Dương, sau đó qua trung tâm tiếp cư Galang. Trong đoạn hồi tưởng về thời gian ở Kuku, tác giả viết:

“Ngồi trong quán cà phê barrack, dưới màn nước mưa trắng xóa như thác đổ, nhìn ra khu đất nơi mà nhiều người đồng hương “đến mà không đến” nằm xuống, Hùng thấy trong lòng dâng lên một nỗi buồn vô hạn. Phải trải qua cảnh vượt chết mới cảm thấy thông hiểu nỗi lòng người nằm lại. Lần đầu tiên đặt chân lên đảo, giữa tiếng cầu nguyện tạ ơn lâm râm của các bạn đồng ghe, chàng ứa nước mắt khi đọc thấy câu đối trong ngôi chùa đơn sơ trên ngọn đồi ở đảo Kuku:

 

Vượt biển tìm Tự do, sống chết, hai hàng lệ ứa

 

Lên non tạ Phật tổ, sắc không, một mảng mây bay.

Có những chiều Hùng thích ngồi một mình trước bờ biển để nhìn cảnh mặt trời lặn ở cuối chân trời. Trong khung cảnh tịch mịch và cô liêu đó, trước nghĩa địa của những xác tàu vượt biên bị bỏ cho nước biển dập dìu, mưa gió gặm mòn, Hùng cảm thấy cô đơn. “Cảnh hoàng hôn trên biển thật đẹp” Hùng tự nhủ. “Mười, hai mươi năm nữa, khi tất cả mọi việc đã qua hết, đã xong xuôi hết, mình sẽ quay lại đây thăm viếng nơi này”.

Ngẫu nhiên mà Phạm Hà Trang cũng có cùng một ý nghĩ như tôi khi rời khỏi Kuku. Chiếc ghe vượt biển của chúng tôi khởi hành từ Vũng Tàu đêm 29 tháng 11 năm 1981, và sau gần một tuần được một giàn khoan dầu liên doanh Tây Ðức-Nam Dương cho cập vào, thủy thủ đoàn cho chúng tôi ăn uống rồi dung tàu nhỏ chở chúng tôi về đảo Kuku ngày 6 tháng 11. Thời bấy giờ, những ghe vượt biển của người tị nạn Việt Nam thường chọn hướng Nam Dương, vì hải tặc Thái lan đang hoành hành, Mã lai bắt đầu ngăn cản không cho người tị nạn Việt Nam đổ bộ lên lãnh thổ mình, còn đi Phi luật tân hay Hồng Kông thì quá xa và gặp nhiều rủi ro thời tiết. Do đó, nhiều ghe vượt biên tấp vào những đảo thuộc quần đảo Natuna của Nam Dương. Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc phải cho tàu đi thu góp người tị nạn từ các đảo rải rác chở về trạm tập trung đầu tiên là Kuku, sau đó dùng tàu lớn chở người ở Kuku về trung tâm tiếp cư chính đặt trên đảo Galang.

Chúng tôi đến Kuku vào cuối năm, nên tàu Seasweep phụ trách chở người từ Kuku đi Galang không đến đón chúng tôi trong tháng như thời khóa biểu thường lệ. Tàu phải về ụ để tu bổ thường niên. Thủy thủ đoàn được về phép đoàn tụ với gia đình trong dịp Giáng sinh. Hậu quả là chúng tôi phải ở Kuku hơn hai tháng. Cái rủi ro bất ngờ chung của hơn hai trăm người trên đảo trở thành cái may mắn cho riêng tôi, vì chưa có thời kỳ nào trong đời tôi viết được nhiều như thời gian ở Kuku.

Cảnh ở Kuku quá đẹp. Tôi nghe nói chữ Kuku tiếng Nam Dương có nghĩa là cái móng tay, vì hình dáng đảo cũng giống như cái móng tay nằm chơi vơi bập bềnh trên sóng cả. Nước biển trong vắt có thể nhìn rõ từng đàn cá bơi lội vẫy vùng dưới đáy. Rừng trên đảo gồm những cây thân cao vút mọc dày từ bờ biển lên đỉnh núi, cao và thẳng đến nỗi những cụm mây trắng cứ là đà ở lưng chừng thân cao, nhờ thế cảnh vật trông rất giống với những bức tranh thủy mặc Trung Hoa. Anh Phạm Hà Trang tự hẹn sẽ trở lại thăm Kuku mười năm sau, hai mươi năm sau, có lẽ cũng như tôi, anh bị khung cảnh thiên nhiên thơ mộng của Kuku quyến rũ, được chở về Galang thì vui vì được mau chóng đi định cư, nhưng vẫn thấy lòng bồi hồi vì sắp mất vĩnh viễn một cái gì quí giá. Trong những cái quí giá ấy không phải chỉ có cái đẹp sẵn có của trời đất, cỏ cây, sóng nước. Chúng tôi không đến Kuku như những khách du lịch đến trong an toàn, ở trong tiện nghi và ra đi với một lô ảnh và phim vidéo kỷ niệm để khoe với bạn bè. Anh Phạm Hà Trang nhớ mãi những chiều ngồi một mình ngắm cảnh hoàng hôn trên biển, và khu nghĩa địa chôn cất những thuyền nhân đến được bờ tự do nhưng không được may mắn sống tiếp để bước chân lên boong tàu Seasweep. Những người “đến mà không đến”. Có những chiếc ghe đi thẳng đến Kuku, nhưng người tị nạn chưa kịp mừng vì thoát bão dữ thì chiếc ghe đã bị sóng dập vào những bãi đá ngầm phục kích quanh đảo, xác trôi vào Kuku gửi thân vĩnh viễn ở khu nghĩa địa nằm lưng chừng núi. Ðợt thuyền nhân ra đi ồ ạt hai năm trước cũng để lại nhiều bạn đồng hành ở Kuku, vì các cơ quan cứu trợ quốc tế không chuẩn bị để tiếp đón một số người đông đảo như vậy, cảnh sống chen chúc thiếu thốn gây ra bệnh tật, nhiều người không đủ sức chống chõi. Nguồn nước dùng nấu ăn và tắm giặt trên đảo là một con suối nước nhiều và trong, chảy ngang qua trại tạm cư. Nhưng nước suối rất độc, ai bị một vết thương nhỏ trên chân tay, vết lở không bao giờ lành. Chúng tôi đến lúc cuộc sống đã khá “thuần”, tiện nghi vệ sinh và ăn uống đã nề nếp. Nhưng lớp đến trước chúng tôi đã từng là nạn nhân của cuộc mở đường. Khu nghĩa địa là một nhắc nhở cho tất cả chúng tôi nhớ rằng nỗi bất hạnh chưa phải đã hết. Tuy chúng tôi đã đến được bờ Tự do. Có thể do những cái chết tức tưởi trên đảo trong thời gian hàng nghìn người chen chúc nhau sống giữa thiếu thốn bệnh tật, mà thủ tục định cư vẫn chưa định hình và có tổ chức như sau này, nên những người mở đường sống dài ngày trên đảo phải lo tìm nơi an trú tinh thần. Một ngôi nhà thờ dựng trên khu đất bằng phẳng gần trại, còn ngôi chùa làm bằng cây rừng lợp những tấm bạt ni lông thì nằm ở lưng chừng đồi; lúc chúng tôi đến, mái chùa đã rách, sườn chùa đã xiêu vẹo, nước mưa rỏ xuống bàn thờ Phật, những mảnh giấy ghi lời tạ ơn dán lên vách chùa thì hoen ố và tả tơi. Tôi tò mò đọc những lời tạ ơn, dấu vết của một tâm trạng xúc động chân thành – có thể là những lời chân thành nhất của cả đời người. Tôi có dùng một số những lời tạ ơn ấy để viết một cái truyện ngắn. Chẳng hạn tờ tạ ơn viết sai chính tả sau đây: (nguyên văn)

Kỹ niệm đơn phật
Nam mô đa di đá phật
Nam mô bỗng sư thích ca nam mô di phật: nam mô

Chúng con đỡ tại Chà vinh đi tại long châu vào ngày 30–tông bộn con đi 21 người bị bắt 17 người còn 4 người đi qua loạc tại đảo Kuku vào ngày 10– 10 – 81 chún con cám đơn phật dúc đỡ cho chún con qua sợ dan khỗ và sự chớt tơn biễn cã vậy chún con cám đơn phật chún con còn hai day đọn nữa hồn và sái chún con giễi cho phật dúc đỡ chún con:??

Nay con kính lời đơn phật dúc đỡ 17 người còn đỡ lại Việt Nam man đâu khỗ trông bàn tay cộng sản con tăm lạy phật dúc đỡ dum con con cam đơn phật những người đi trông ge chún con:
tầm dăn nhườn – 20 – 11 – 1950 thôn tuần lễ – xã vạn phước vạ ninh
dõ dăn thằn – 10 -10 – 1952
nguyễn thanh hùng 9 tủi
nguyễn v. dù 7 tủi

Ở Kuku hơn nửa tháng thì các Phật tử trên đảo bắt đầu nghĩ tới chuyện trùng tu ngôi chùa đã đổ nát. Tên chùa đã được những người tới trước đặt tên là Chúng Phước Tự. Trong chùa còn giữ lại cả danh sách những người đến trước đã góp công góp của dựng chùa, trong danh sách tôi tìm thấy một vài người có tiếng tăm ở Sài Gòn trước đây. Việc trùng tu tiến hành tốt đẹp. Chúng tôi biết thời gian còn ở lại Kuku phải trên một tháng, sau Tết Dương lịch may ra tàu Seasweep mới từ Galang qua đảo chở chúng tôi đi. Trùng tu chùa cho người đến sau là một công việc cần thiết, một cách tạ ơn Phật có ý nghĩa. Khi việc sửa chùa gần xong, anh trưởng ban trùng tu đề nghị tôi đặt cho hai câu đối để viết bằng sơn lên hai cột mặt tiền ngôi chùa. Thú thực tôi hơi lúng túng, vì mặc dù dạy và viết văn nhiều năm, tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc đặt câu đối cho những long trọng như thế này. Nhưng tôi không thể thoái thác được, ai cũng thấy hằng ngày tôi hì hục viết truyện, và mỗi tối khi truyện viết xong bản thảo được chuyền tay nhau đọc như một thú giải trí cho thuyền nhân trên hòn đảo cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Tôi nhớ lại giây phút xúc động đến rơm rớm nước mắt lúc được đặt chân lên đất liền của Kuku, nhìn lên phía nghĩa địa thấm thía cái mong manh của phận người. Những đám mây sà thấp lãng đãng trên mái chùa, lớp này tan đi thì lớp khác đến. Tôi tự hỏi mình đang ở đâu đây, giữa biên giới của sống chết, có không, hy vọng và tuyệt vọng? Và đột nhiên, tôi tìm ra ý để lần đầu tiên (và cũng là lần cuối cùng) làm được hai câu đối:

Vượt biển tìm Tự do, sống chết, hai hàng lệ ứa
Lên non tạ Phật tổ, sắc không, một mảng mây bay.

Sau này, khi đã định cư tại Hoa Kỳ, lâu lâu tôi lại gặp những cựu thuyền nhân từng ghé Kuku nhắc lại hai câu đối ấy. Có người là những Phật tử như anh Phạm Hà Trang ở Pháp. Có vị là tu sĩ Phật giáo. Thường thường tôi không cho họ biết mình là tác giả hai câu đối ấy. Xử trí như thế cũng phải, vì ngẫm cho cùng, tác giả không phải chỉ một mình tôi. Tôi chỉ là cánh tay đã viết xuống hai câu đối. Những “tác giả” thực sự đứng sau lưng tôi điều khiển cây bút Bic là những đợt sóng dữ trên đại dương, những oan hồn vất vưởng đêm đêm trên các ngả vượt biên, những dòng nước mắt chảy xuống trên gò má nhem nhuốc tái xanh của người sống sót, những xác ghe tàu nằm rải rác trên bờ biển các nước láng giềng, các ngôi mộ của người “đến mà không đến” trong nghĩa trang Kuku hay Galang…

Mười tám năm đã trôi qua từ ngày tôi rời đảo Kuku. Chắc chắn Chúng Phước Tự đã sụp đổ, hai câu đối cũng không còn, nhưng mây vẫn bay là đà giữa những hàng cây cao, và sóng biển vẫn đập rì rào vào bờ cát. Tôi có trở lại Kuku như đã tự hẹn thì cũng sẽ thất vọng, không tìm lại được dấu vết của mười tám năm trước. Nhưng ngôi chùa, những lời tạ ơn và hai câu đối thì vẫn còn trong trí nhớ nhiều người. Sắc không một mảng mây bay, nhớ được như thế có lẽ nơi nào cũng là chỗ an trú.

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 5457

Tác Phẩm

BÀI KỀ

Bài trước
Bài tiếp theo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây