Hai người quen nhau quá dễ dàng! Họ hành nghề cùng một chỗ, lâu lâu chàng đem đồng bạc lẻ dính dầu nhem nhuốc đến mua vài điếu Đà Lạt; những lúc đó nàng ngại ngùng không nỡ đặt mấy điếu thuốc giấy trắng mủm mỉm lên bàn tay nhớp nhúa, còn chàng thì do dự, ái ngại vì tờ bạc giấy quá bẩn. Chàng lí nhí xin lỗi. Nàng đáp nhỏ “không sao”. Thế thôi. Nàng cũng thường dắt chiếc xe đạp cũ hay xì lốp trật sên cho chàng sửa. Tiền nong sòng phẳng. Bán thuốc lá được, nàng trả tiền. Ế, trả bằng thuốc. Nàng xấu hổ vì chiếc xe quá bệnh hoạn của mình, nhìn chàng đổ mồ hôi vá hết chỗ này đến chỗ khác, muốn nói gì đó để phân bua, nhưng không bao giờ nói được. Nàng chỉ đỏ mặt hỏi nho nhỏ. “Bao nhiêu hở anh?” rồi trả tiền. Đèo hộp kính đựng thuốc về nhà theo đường Điện-biên-phủ, nàng không thôi bồi hồi, buồn lan man. Một lần đánh liều quay lại, nàng thấy chàng dựa lưng vào cột đèn, hút thuốc nhìn theo. Mãi đến cuối tháng thứ ba từ ngày biết nhau, nàng mới dám nói thêm một câu khác thường. Chàng đến mua thuốc lá khi đang ho. Nàng nói :
– Hút thuốc nhiều không tốt đâu !
Chàng mỉm cười. Nàng nghĩ mãi về ý nghĩa nụ cười ấy. Ngỡ ngàng kinh dị vì sự thân mật không cần thiết? Chế giễu mai mỉa sự phi lý trong câu hỏi? Cô hàng thuốc lá khuyên khách không nên hút thuốc! Mình lố bịch và ngu ngốc dễ sợ! Không được nói những điều vô duyên như thế nghe chưa! Nàng thuộc lòng lời mình dặn nên mấy tháng sau không nói câu gì khác thường nữa, kể cả những lúc chính chàng gợi chuyện. Chiều chủ nhật, chàng đến mua thêm thuốc lẻ khi đang ngậm điếu 555 có đót quấn chỉ vàng. Lúc đưa tay nhận 4 điếu Hoa Mai, chàng nói:
– Của chú công an giao thông. Thưởng công vá chiếc Honda bị nổ lốp.
Nàng không nói gì. Chiều thứ năm chàng nói bâng quơ:
– Trời lạnh, hút thuốc ấm hẳn lên !
Rồi ho sù sụ. Hình như chàng có vẻ chần chờ khi đã nhận đủ 4 điếu thuốc đen. Nàng cúi xuống vờ sửa dép, nhất định không ngửng lên hay đáp lại. Chàng trở về chỗ cột đèn, nàng thấy tiêng tiếc!
Đã thế tối về nàng còn gặp chuyện bực mình. Con Mi đi chợ còn dư hai đồng mua cho lũ em trai mườì cái kẹo, Đã chia đều, mỗi đứa ba cái. Thằng Ết 5 tuổi nhỏ nhất được ưu tiên thêm cái nữa, nhưng có phận sự phải giữ phần cho anh Út lúc ấy đi học chưa về. Thằng bé ăn hết phần mình mới thấy phần của anh Út nhiều quá, ba viên, không được chẵn. Khi chỉ còn hai viên, nó lại thấy con số 2 không gọn… Nó mân mê viên kẹo độc nhất còn lại, oán trách người lớn bất công. Tại sao đúng lúc này – chuyện xảy ra trước bỏ không kể làm gì – tại sao ngay bây giờ, anh nó có đủ một viên kẹo, đặc biệt là loại kẹo cay the the này anh ấy ghét thậm tệ! Thằng anh đi học về thấy một phần tư viên kẹo bạc hà còn dính nước miếng bọc trong mảnh giấy ướt, đâm nghi, hỏi cho ra lẽ. Thằng Ết lãnh đủ hai cái tát tai tối tăm mặt mũi, và ba phần tư cái tát tai thứ ba. Không phải anh nó – thằng anh bủn xỉn xấu ăn – giỏi toán pháp. Cái tát tai thứ ba nhẹ hơn một phần tư chỉ vì đúng lúc đó, nàng về. Cảnh nhà giống như một ổ bồ chao. Nàng cốc vào đầu thắng Ết một cái vì cái tội ham ăn, rồi cốc vào đầu thằng Út một cái vì không biết nhường nhịn. Hai đứa đều thấy mình oan uổng, khóc tỉ tê không dứt. Nàng bực quá, la con Mi phí tiền:
– Mày tưởng tao kiếm hai đồng bạc lẻ dễ lắm sao, con quỉ!
Con Mi khóc. Nàng cũng khóc. Càng khóc nàng càng tủi thân. Nhưng nước mắt cạn, ngấn lệ bắt đầu khô trên đôi má xanh xao nham nháp bụi đường thì nàng bắt đầu hối hận. Nàng thấy tội nghiệp cho lũ em mồ côi. Nàng độc ác quá! Chỉ có năm chị em mà không biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Bất công nữa! Tụi nhỏ ham ăn là chuyện thường. Còn thằng Út có tội tình gì! Hình như… hình như mình bực chuyện khác. Nàng xấu hổ. Tối hôm đó nàng mua bù cho thằng Út 3 viên kẹo, 2 viên còn lại cho thằng Ết. Lũ nhỏ trố mắt nhìn chị, không hiểu!
Sáng thứ sáu, nàng quyết tâm sửa chữa điều còn có thể sửa chữa được. Lạ lùng chưa! Nàng đỏ mặt thấy mình nôn nao chờ đợi tờ bạc lẻ lem luốc, dơ dáy. Chờ quá lâu, nàng tự trách mình thiếu lịch sự. Buổi sáng nặng nề. Trưa oi ả. Chiều lê thê và lúc chợp tối, mây đen giăng giăng. Nán đợi đến lúc có đèn đường, nàng thất vọng ra về. Cái bánh sau lại xẹp. Nàng vừa chán vừa mừng. Dắt xe khấp khởi đến chỗ cột đèn gần cổng trường Phan-Sào-Nam , nàng không thấy ai ở đó cả!
Chàng không sửa xe ở chỗ quen thuộc một tháng, một tháng mười bảy ngày… một tháng mười chín ngày… một tháng hai mươi sáu ngày… Ngày thứ hai mươi tám, trông thấy chàng, nàng buột miệng reo lên:
– Anh! Lâu nay anh đi đâu? Có phải…
Nàng lúng túng dừng ở lưng chừng. Nếu có thể độn thổ được như trong chuyện Phong Thần, nàng đã làm rồi. Nàng cảm thấy hai bàn tay thừa thãi, giấu ở đâu cũng thấy thừa. Chàng thì cũng lúng túng cố giấu cuốn sách dày vào phía dưới thùng đạn tiểu liên M2 chàng dùng đựng đồ nghề. Sau một lúc ngỡ ngàng, chàng đáp:
– Tôi vừa bị bệnh. Cô vẫn khỏe ?
Nàng cúi mặt đáp nhỏ :
– Cám ơn anh. Vẫn vậy.
Họ lấy lại bình tĩnh. Nhưng việc đối đáp vẫn dùng dằng:
– Cô bán khá chứ ?
– Dạ.
– Hình như từ lúc có đoàn cải lương về rạp Long Vân, bán có khá hơn ?
– Dạ.
– Thuốc lá quốc doanh cũng hạ chút đỉnh, phải thế không?
– Dạ.
Chàng tưởng nàng đáp ngắc ngứ vì không muốn bắt chuyện. Nhưng ngửng lên nhìn, chàng thấy khuôn mặt nàng đỏ hồng, đôi mắt sáng hơi ươn ướt. Vững tâm hơn, chàng đùa:
– Như vậy tôi được hồng ân của nhà nước rồi. Cô cũng phải thêm cho tôi chứ!
– Dạ. Nay bán một đồng năm điếu.
Rồi chính nàng cũng đâm bạo. Nàng dám nhìn thẳng vào mắt chàng, hỏi lại:
– Hình như từ lúc vỏ ruột xe đạp quốc doanh ra nhiều, anh cũng đắt hàng thì phải?
Chàng phì cười, bắt chước giọng Huế nhại nàng:
– Dạ.
Nàng thích thú, hỏi thêm:
– Như vậy tôi cũng phải được chia hồng ân của Nhà nước. Anh phải hạ giá vá xe cho tôi chứ!
– Dạ. Vá một tặng một.
– Tặng cái gì ạ?
– Tôi bắt chước các cậu vá xe không thuộc chính phái, vá xong một chỗ, liền lấy đinh đâm thêm một chỗ nữa.
Từ đó về sau, mỗi lần mua thuốc lá lẻ hay vá xe, họ nói chuyện thân mật tự nhiên hơn, tuy người nào cũng lo ngại, hồi hộp. Nàng sợ bị ăn cắp thuốc. Chàng lo các bạn đồng nghiệp “mượn” mất hộp đồ nghề. Cuộc đối thoại ngắc ngứ lơ lửng, nhưng vì một lý do hoàn toàn khác.
Chàng đến mua thuốc lá lẻ lần thứ năm trong một ngày, và cẩn thận chia đều mỗi lần một đồng chứ không mua nguyên bao cho tiện. Trỏ lên tấm pan-nô quảng cáo tuồng “Trần Minh khố chuối“, chàng hỏi:
– Cô có thích cải lương không ?
Nàng cười lắc đầu. Chàng hỏi tiếp :
– Chắc thích phim hơn?
– Dạ.
Nàng lo, ái ngại chờ đón một lời mời. Nhưng không. Chàng lại hỏi:
– Kể cả phim “cách mạng” chứ?
Nàng do dự, đáp hàng hai :
– Mấy năm nay, em ít thì giờ rảnh lắm. Ở đây về, tối mịt. Buổi tối mệt quá, thường lười.
– Cô thấy phim “cách mạng” thế nào ?
– Em xem ít quá, không dám có ý kiến. Dạ, có ạ . Samit hai đồng rưỡi một điếu . Nguyên gói 45 đồng. Xin gửi ông năm đồng tiền thối . Gớm, họ dám đốt ra khói nguyên một tháng lương . Phim mới, em không rành . Nghe mấy đứa em nói lâu lâu cũng có phim hay . Em thì chỉ xem được có hai phim, nhờ khỏi mất tiền.
Chàng tò mò hỏi:
– Cô xem phim gì thế? Ấy chết, tôi quên chưa cất hộp keo dán vào thùng. Xin lỗi cô nhé!
Phải chờ hai giờ sau, lúc chàng mua thuốc lá lần thứ sáu, nàng mới có dịp đáp câu chàng hỏi buổi trưa :
– Em được xem hai phim Việt Nam. Cô giáo Hạnh và Cô giáo vùng cao.
– Sao cô khéo chọn thế? Toàn phim nhà giáo!
– Công đoàn ở phòng giáo dục thuê bao để chiếu cho giáo viên toàn quận xem. Không đi không được.
Chàng ngờ ngợ, hỏi:
– Cô là giáo viên à ?
– Dạ.
– Nhưng… nhưng cô bán ở đây từ sáng đến chiều…
– Em xin nghỉ rồi !
– Sao lại thế ?
– Anh tính, với số lương 45 đồng…
Nàng kịp dừng lại, vì nhớ không nên kể lể gia cảnh cho một người chưa thân lắm. Chàng tế nhị không hỏi thêm, chỉ gật gù bảo:
– Thảo nào. Tứ lâu tôi thấy cô hơi khác thường.
Nàng hỏi theo cách riêng, đầu hơi nghiêng và đôi mắt chớp:
– Dả ?
– Cô không có vẻ “nhà nghề”.
– Nhà nghề phải thế nào ạ ?
– Thường thường các cô bán thuốc lá trước rạp cải lương phải kiêm thêm nghề bán vé cải lương chợ đen. Bán thuốc lá chỉ là nghề tay trái. Cũng như những bà bán thuốc lá gần trạm kiểm soát giao thông, trạm thuế, thường kiêm thêm việc trung gian nhận hối lộ.
Nàng tò mò hỏi:
Thật thế sao? Họ nhận hối lộ bằng cách nào?
– Tài xế vào trình giấy, các quan ra giá theo cách nói lóng. “Lần đầu tiên anh chạy đường này hả? có nghĩa là “tiền đâu?” “
Nàng ngớ ra không hiểu. Chàng cười, nhận xét:
– Cô đúng là kẻ “không chuyên”. “Đầu tiên” là “tiền đâu“, chỉ việc nói ngược thôi!
– Thế giá hối lộ ?
– “Sao bác không nhìn thẳng, sợ gì mà nhìn nghiêng?” tức là đòi 50 đồng. Giấy bạc 50 đồng có hình bác Hồ nhìn thẳng, khác tờ 20 đồng in hình Bác trông nghiêng. “Độ này chị xanh xao lắm, bị sốt rét hả?” trước là đòi đủ 100 đồng. Giấy l00 mới phát hành, cô biết đấy, có hình Bác màu vàng. Ngã giá xong, các quan hỏi thuốc lá. Tài xế có nguyên bao 555 hoặc Dunhill trong túi cũng không nên rút ra mời. Sành điệu, anh ta phải chạy đến sạp bán thuốc lá lẻ gần đó nộp tiền, và chỉ cần mang về một hai điếu thuốc lẻ. Tôi khuyên cô nên chuyển chỗ hành nghề ra cầu Văn Thánh trên xa lộ.
Nàng xịu mặt, lắc đầu:
– Chịu thôi. Em không làm được. Mới nghĩ, em đã thấy xấu hổ rồi.
– Thế sao cô bỏ dạy ?
Nàng nhìn chàng, do dự một lúc, rồi mới đáp chậm:
– Đi dạy, em cũng xấu hổ !
Biết chàng thấy nghịch lý, nàng tiếp luôn:
– Mấy năm trước, năm nào em cũng xin dạy lớp Ba. Lớp Một chúng nó còn ngớ quá, nói khan cả cổ mởi hiểu. Lớp Bốn lớp Năm chúng đã bắt đầu ranh rồi. Em mê nhất những đôi mắt trong sáng của tuổi lớp Ba. Đúng là mắt nai, y như tranh vẽ các bìa báo Tuổi Ngọc trước đây. Óng ánh “long lanh như những giọt sương“, như trong lời bài hát “Cô nuôi dạy trẻ… “
Nàng cười nhỏ, ngượng nghịu, rồi tiếp :
– Em tả vụng, nên chỉ biết lấy lời ca và hình ra so sánh thôi. Mấy năm đầu sau ngày “giải phóng”, em giảng bài say sưa. chúng nó cũng nghe say sưa. Lâu lâu chợt nhìn xuống lớp, hưởng ánh mắt tin cậy, khâm phục, âu yếm của chúng, em say say như vừa hớp chút rượu nếp. Nhưng càng lâu về sau, em càng sợ nhìn thẳng vào mắt chúng. Đứa thì ngơ ngác. Đứa thì giễu cợt. Chúng nhìn, như đang bắt quả tang người chúng kính trọng đang nói dối.
Nàng nói xong, lại hối hận đã tâm sự quá nhiều. Nhất là khi thấy chàng bần thần, im lặng thật lâu. Tưởng những điều vừa nói làm phật ý chàng, nàng vội thêm:
– Có lẽ em quẫn trí về cơm áo quá nên tưởng tượng rắc rối thế thôi. Hình như…
Chàng vội bảo:
– Không đâu. Cô nói giùm tôi nhiều điều. Và nói khéo lắm.Chàng muốn cảm ơn phút tâm sự chân thành của cô giáo, định thố lộ cái “nghiệp” trước đây của chàng. Chàng không có thì giờ làm việc ấy. Người ta gọi chàng về sửa xe.
…Nàng dẫn chiếc xe đạp đến nhờ chàng siết lại mấy chiếc ốc vè. Chàng làm một chút là xong. Trời thật đẹp. Đường Điện-biên-phủ trước giờ tan sở thật vắng. Phố xá hai bên đường vẫn kín cửa. Bầu trời quang đãng nhưng không có nắng. Lần đầu tiên chàng thấy nàng mặc chiếc áo sơ mi hồng nhạt có viền mầu hoàng yến ở cổ và túi áo. Hình như nàng có tô mắt, vì ánh nhìn nồng nàn. Chàng vội thu dọn đồ nghề, lấy bạo đề nghị đưa nàng về một đoạn. Sợ nàng từ chối, chàng thêm:
– Tôi có việc phải rẽ về Nguyễn Thiện Thuật. Đưa cô được một đoạn thôi. Không đi xa lắm đâu!
Gần như bầu trời màu bạc đã hạ thấp xuống để ôm ấp họ. Người hai bên phố núp hết sau khe cửa âu yếm theo dõi họ, cho họ bớt ngượng ngùng. Đường Điện-biên-phủ được dành riêng cho họ. Đồi Độc-lập. Đồi Hin-lam. Họ thắng De Castrie bằng những lời thì thào, trao đổi e ấp giữa nỗi xúc động miên man, ngút ngàn. Họ vẫn hỏi đáp nhau nhát gừng.
– Hồi trước cô có thích đọc Tuổi Ngọc không?
– Có, nhưng không thích mấy. Ông Duyên Anh hiện giờ ở đâu hở anh?
– Ở đây. Vừa ở tù về! Cô thích truyện Duyên Anh?
– Không thích lắm. Em thích điệu dí dỏm. nhè nhẹ và lành, kiểu Hoàng Ngọc Tuấn hơn. Ông ấy còn ở đây không?
– Vẫn lang thang ở đây.
Nàng bắt đầu kinh ngạc. Những điều nàng hồ nghi lâu nay có thể đúng? Nàng hỏi thêm:
– Em cũng thích một tác giả lớp trước có lối viết thật đôn hậu. Ông gì viết cái truyện ngắn “Chiếc chiếu hoa cạp điều?“
– Doãn Quốc Sỹ. Được phóng thích trước Duyên Anh một năm.
– Nguyên Đình Toàn viết cuốn “Giờ ra chơi”?
– Về một lượt với Doãn Quốc Sỹ.
– Dương Nghiễm Mậu ?
– Được thả một lượt với Nhã Ca.
– Còn Thanh Tâm Truyền? Truyện cuối em đọc trước “giải phóng” là Một Chủ Nhật khác. Em không thích mấy. Cứ lãng đãng đìu hiu thế nào ấy. Ông ta được về chưa?
– Chưa. Còn ở ngoài Vĩnh Phú.
– Không biết họ còn viết được không ?
– Chẳng hiểu. Chắc họ vẫn viết chứ. Không viết được ra văn thì ghi chép. Ghi chép trên giấy không được thì cố ghi vào óc.
Nàng đột ngột dừng lại, nhìn thẳng vào mắt chàng:
– Còn anh? Đến lúc nào những điều anh thấy, những điều anh nghe, các ghi chép của chính cuộc đời anh trở thành truyện ngắn truyện dài?
Chàng chột dạ. Ánh nhìn của nàng lúc ấy thật âu yếm, thật say sưa, thật tin cậy, y như ánh nhìn lũ học trò lớp Ba của nàng trước kia. Chàng biết trả lời sao đây?
Chàng đành phải đáp lơ lửng.
– Tôi bắt chước cô. Tôi cả thẹn, hay xấu hổ. Trước mắt, lo sống cái đã. “Sống cho hết cuộc đời đâu phải là trò trẻ dại. ” Một lần Pasternak đã viết như vậy. Cô đã thấy rồi, được sống lương thiện, chao ơi, khó biết mấy!
Những điều “trầm trọng” họ vừa nói với nhau khiến họ ngột thở. Gần như muốn nói được những câu như vậy, họ phải rướn người lên, rút chân khỏi những hệ lụy tủn mủn, như chuyện cơm áo bon chen và thói mánh mung giả dối. Họ ngộp thở vì những ước muốn tầm thường đã trở thành xa xỉ, hơn thế nữa, trở thành lỗi thời. Họ quá cả thẹn, nên dù không muốn, họ cũng bị cuộc sống đẩy giạt sang lề. Một người dắt xe đạp, phía sau đèo thêm hộp thuốc lá lẻ. Một người xách thùng đồ nghề. Chiều nay họ giành lại được lòng đường. Họ như Adam và Eve vừa bị đuổi khỏi vườn Địa đàng sau khi ăn trái cấm, nhưng cái tính cả thẹn đối với họ không phải là dấm chua. Nó đã trở thành rượu ngọt. Họ khỏi cần phải nói gì nữa. Một cô bán thuốc lá lẻ đi kề bên anh chàng sửa xe đạp. Họ hành nghề trái phép trên lề đường, nhưng phố xá, cây cối, mặt đất, bàu trời, từ đóm đèn leo lét ở góc nhà bị cúp điện cho đến những vì sao xa, bây giờ đâu đâu cũng thuộc về họ. Của họ.
Hết sức hân hoan tự tin, chàng đưa tay vào túi quần. Bàn tay dính đầy dầu nhớt của chàng chạm vào bì lá thư viết sẵn. Đêm hôm trước, viết xong lá thư khó viết, chàng vui mừng rằng sau mấy năm chìm nổi, chàng còn viết đúng và gọn được một điều có thực. “Tác phẩm” của chàng là lá thư tình gửi người con gái chàng chưa biết tên, biết chỗ ở, biết gia cảnh. Mấy ngón tay chàng nắm chặt một góc lá thư. Chỉ cần một chút can đảm cuối cùng, chàng sẽ hoàn thành dự tính. Đúng lúc đó, chàng nhớ đến hoàn cảnh mình: không nhà cửa, không nghề nghiệp chắc chắn, sống qua ngày nhờ sự hư hao rã rời của mớ đồ cũ. Chàng sợ hãi chính sự táo tợn liều lĩnh của mình.
Lá thư nằm yên trong túi chàng khi họ đến chỗ rẽ sang đường Nguyễn Thiện Thuật.
Sáng hôm sau, nàng không chở hộp thuốc lá lẻ đến bán trước rạp Long Vân nữa. Nàng đã tìm được một chỗ “yên tịnh” hơn, một chỗ không có gió. Chàng cũng dời chỗ hành nghề đến cạnh trường Lê Hồng Phong. Hai con đường về nhà của họ ngược chiều. Ý của họ muốn vậy. Nhưng những người chuyên buôn vé cải lương chợ đen trước rạp hát thường thấy khoảng chợp tối, người nọ thơ thẩn lảng vảng đi tìm người kia, và khi vừa thoáng thấy nhau từ xa, họ đã bối rối quay đi. Trước sau họ vẫn là những người cả thẹn, thao thức đi tìm một nơi không gió !
Nguyễn Mộng Giác
Đảo Kuku 18.12.81