Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trái tim bên phải

Ðến trại tị nạn Galang “chàng” mới bị một vết thương đầu tiên! Xin nói rõ ngay cho bạn đọc đỡ sốt ruột, đây là vết thương lòng. Của riêng “chàng”! Vì nàng kiều nữ tác giả của vết thương tội nghiệp ấy, cho đến bây giờ, vẫn vô tình chưa biết mình đã lơ đãng làm người gieo gió.

Phải thông cảm cho người đẹp. Họ quá đẹp cho nên do lòng bác ái, họ cũng muốn những người tình trong mộng, những “hoàng tử của lòng em” cũng phải đẹp như họ. Người thích phủi bụi trên những pho cổ văn thì lấy mẫu Kim Trọng:

Trông chừng thấy một văn nhân
Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng
Ðề huề lưng túi gió trăng
Sau lưng theo một vài thằng con con
Tuyết in sắc ngựa câu dòn
Cỏ pha mầu áo nhuộm non da trời.

Mặc áo xanh cỏ non, cưỡi con ngựa trắng, lưng đeo túi thơ, chao ơi, “chàng” tình biết mấy!

Người khoái phim quyền cước đấm đá tơi bời thì thích cái mẫu đại khái như TỪ Hải:

Râu hùm hàm én mài ngài
Vai năm tấc rộng thân mười thước cao.

Râu nhiều chỉ tổ tốn tiền mua lưỡi dao lam, lại nhột! Nhưng được cái hùng, và oai. Ði với “chàng”, được nép tấm thân bồ liễu dưới tấm thân Tarzan của chàng, trước đôi mắt sợ hãi kính phục của mọi người, yên tâm biết mấy! Khổ nỗi người con trai phải nhận vết thương lòng đầu tiên ở đây, không có cái hào hoa phong nhã của Kim Trọng, không có cái hào hùng đội trời đạp đất của Từ Hải. Ðã thế, người con trai ấy lại không có cái tên đẹp. Anh ta tên… tên Ao! Vâng, tên Ao! Em của một lô anh chị có những cái tên nôm na như: Ruộng, Rẫy, Cào, Cuốc, Mương, Ðìa, và anh của một cô em gái 14 tuổi có cái tên hơi có vẻ tân thời là Ðầm. Cha mẹ anh vốn dân miệt vườn ưa ăn chắc nói thật, đặt tên con cũng cụ thể, nên anh không được người đẹp trên đời lim dim đôi mắt và thi hào gọi “chàng”. Họ chỉ gọi Ao cộc lốc.

– Hôm qua ngủ không được, mệt ơi là mệt! Ao ơi, tưới giùm đám rau muống chút coi! Thế là Ao hì hục xách nước tưới cả đám rau muống, sau đó biểu diễn thiện chí bằng cách tưới luôn cả mấy đám khoai sắp dỡ củ. Mồ hôi ướt đẫm lưng áo, nhưng Ao không thấy mệt! Cô láng giềng thú nhận đêm qua thao thức, có lý lắm!

– Chèng đéc ơi! Ra tới đây trời nắng mới biết mình quên nón. Ao ơi! Chạy về lấy giùm cái nón coi! Chỗ giàn bếp, cái nón có quai màu xanh lá cây đó.

Lại quên! Cô láng giềng có cái răng cời thật xinh này ăn nói xởi lởi ruột ngựa, hay quên là phải. Nhưng tại sao cả nhóm con trai đứng chờ ở bến phà, cô ta không nhờ ai, lại nhờ mình? Câu hỏi ấy giúp Ao chạy từ bến sông về cái xóm heo hút khu kinh tế mới ven rừng mà không biết mệt. Vòng về, Ao càng không thấy mệt, nhờ mùi mồ hôi thơm thơm, nồng nồng, chua chua phảng phất ở chiếc quai nón cũ đã chuyển từ màu xanh lá cây sang màu vàng úa.

Tuy những công phu phục vụ người đẹp ấy chỉ là công Dã Tràng không đi đến đâu, nhưng Ao không hề hối hận. Ao nhận thấy nhiều lần bé-cáilầm, nhưng niềm tin vào cuộc đời của anh vẫn lớn.

Chẳng hạn cô bé trăn trở suốt đêm không ngủ đến nỗi phải nhờ Ao tưới rau hộ, không phải vì bận thì thầm gọi tên người yêu trong gió khuya, mà vì ăn khoai mì bị say. Còn cô bé răng cời sau khi nhận chiếc nón bỏ quên do Ao mang tới, chẳng những không thèm cảm ơn anh mà còn lấy nón quạt mát một anh chàng tuy đẹp trai nhưng theo nhận xét chủ quan của Ao, thuộc loại “chẳng ra gì”! Thua Ao về tư cách, về sức lao động, về tính cần cù, về sự chung thủy, vân vân và vân vân, nói chung là thua Ao xa lơ xa lắc.

Dù vậy, Ao không “phục vụ” những cô láng giềng được lâu. Gia đình họ dắt díu đến khu kinh tế mới xơ xác này chẳng bao lâu, rồi do không sống nổi, lại dắt díu nhau đi. Chính tay Ao đào huyệt chôn thằng em út “cô bé thao thức”, vì đói quá, thằng bé ăn phải nấm độc. Còn cô bé răng cời bị sốt rét rừng thì càng ngày càng xanh xao, mặt choate lại như trái cau khô. Lao lực, thiếu thốn quá, cô bớt cười như lúc mới đến. Ngày ra đi, đôi môi cô mím lại, che mất chiếc răng cời từng làm lòng Ao rộn rã.

Họ lần lượt bỏ đi, để lại trong lòng Ao cảm giác xót xa, hối tiếc, tê dại, nhưng có lẽ chưa đủ để gọi là một vết thương. Quá lắm cũng chỉ là dư vị cay cay giống như sau khi ăn kẹo bạc hà, đầu lưỡi tê tê và có vị đắng ở cuống lưỡi mà thôi! Những buổi chiều tà, khi ông mặt trời đỏ ối bệnh hoạn sắp lẫn vào đám rừng phía Tây, Ao bùi ngùi nhìn lại hai căn lều dột nát, mắt cay cay. Anh tự thấy lòng mình rắc rối. Nhưng do đâu? Lẽ dĩ nhiên là do các cô láng giềng, hay xác định rõ hơn, do đôi mắt buồn pha chút ngây say và do chiếc răng cời ngồ ngộ. Nhưng đôi mắt ấy, chiếc răng ấy đã tác động đến phần nào trong thân thể Ao, để anh khổ sở? Anh thường nghe nói trái tim là chỗ phát xuất của những loại tình cảm mông lung khó hiểu. Và trái tím nằm trong lồng ngực trái, sách cách trí bậc tiểu học dạy thế. Anh cố gắng dồn hết tâm trí nhớ lại chiếc răng cời, lòng xúc động dữ dội, nhưng lắng nghe hoạt động của trái tim, Ao chẳng thấy nó có phản ứng gì thất thường. Vẫn đập đều, và đập khỏe. Cho nên anh không tin hàm răng trắng có chiếc răng cời đã âu yếm cắn nhẹ vào chính trái tim anh, như bà mẹ đã cắn nhẹ vào vành tai của con và cớt nhả gọi: “Cưng ơi!”. Hai cô láng giềng ra đi khoảng nửa tháng, thì một gia đình khác đến. Một gia đình đông đúc, quần áo người nào cũng rách rưới xốc xếch, nói thứ tiếng lạ tai mà về sau, Ao biết là tiếng Huế. Anh lại có thêm một cô láng giềng ít nói và ngay từ đầu, đã tỏ ra thiếu thân thiện với anh. Chẳng hạn sau khi hăng hái leo lên nóc lều ngã nghiêng sửa lại mái cho gia đình người đẹp, Ao lấy bạo hỏi:

– Em ở đâu tới vậy?

Cô láng giềng chỉ đáp:

– Khuê Ngọc Ðiền.

– Khuê Ngọc Ðiền là đâu?

– Gần Ban Mê Thuột.

– Em người Ban Mê Thuột à?

– Không, Huế.

– Huế ở đâu?

– Hỏi chi kỷ rứa!

Nói xong, cô gái nhíu mày khó chịu. Ao ngập ngừng hồi lâu mới dám hỏi tiếp:

– Tôi thấy gia đình em nói nhiều tiếng lạ lắm. Cái gì mà “mô tê răng rứa” tùm lum. Cô láng giềng cắn môi, mặt đanh lại:

– Can chi mô nà!

Nói xong, cô quày quã vào nhà. Ao chùn bước, không dám gợi chuyện nữa. Lòng tự ái của anh bị thương nặng. Từ đó về sau. Ao chỉ dám theo dõi cuộc sống cô láng giềng người Huế từ xa, và góp nhặt nay một ít mai một ít để đoán ra gia thế của một gia đình sa sút. Ao thắc mắc chẳng hiểu vì sao đám true nheo nhóc ấy thiếu cha, nhưng nhớ câu nói khó hiểu đầy bực dọc “can chi mô nà” ôm trước, anh không muốn hỏi ai. Những chi tiết rải rác, thấp thoáng do anh thu góp được cũng khá nhiều, nhưng càng nhiều càng rối. Anh chỉ biết lơ mơ họ không phải gốc dân ruộng, và ai cũng tỏ ra bực bội khi bị hỏi đến lai lịch. Ðứa bé nhỏ tuổi mới lên sáu cũng biết hỏi ngược lại : “hỏi chi kỹ rứa” mỗi lần có ai hỏi bố ở đâu. Sự tò mò rồi cũng mòn theo thời gian. Ao hết thắc mắc về gia đình người đẹp, để lại bắt đầu băng khuâng về những câu hát ru em giọng Huế. Ðiệu hát gì mà buồn thê thiết, rầu đến thúi ruột! Ao thích nhất bốn câu ru em của cô bé láng giềng:

Bước xuống ruộng sâu em mảng sầu tấc dạ.
Tay ôm bó mạ nước mắt hai hàng.
Ai làm cho trễ chuyến đò ngang.
Cho sông cạn nước đôi đàng biệt ly.

Cho sông cạn nước đôi đàng biệt ly. “Trễ chuyến đò ngang” Ao nhớ ngay đến hôm chạy hộc xì dầu về nhà lấy nón cho người đẹp răng cời, lòng xót xa. Rồi câu hỏi cũ lại về. Chiếc răng cời ấy đã cắn nhẹ vào đâu, để vết răng vô hình quấy nhiễu anh suốt bao năm tháng? Anh thầm đọc lại nhiều lần lời ru em, càng đọc càng thấy câu hát có nhiều điểm lạ. Ao lấy bạo lân la qua nhà láng giềng, ngập ngừng mãi mới hỏi được mấy câu:

– Em hát ru em hay quá. Lạ nữa!

– Răng rứa?

– Thì tại vậy!

– Vậy là răng?

Lại “răng”! Ao thấy chập chờn trước mắt hình ảnh chiếc răng cời, nên đủ can đảm nói một mạch:

– Lạ là vì “sông đã cạn nước” lại có “đò ngang”. Ý tứ câu trên ngịch với câu dưới, đâu có chỉnh!

Cô láng giềng gật gù mỉm cười, bỏ hẳn thái độ cảnh giác gia truyền. Cô nhìn Ao thật lâu, hình như cô đoán xem anh hỏi thật hay hỏi đùa. Gương mặt Ao lúc đó có vẻ hoàn toàn chân thành, nên cô bé nói:

– Họ nói bóng gió, chứ làm chi có sông có đò.

Ao ngơ ngác:

– Thật à?

Cô gái cười lớn:

– Răng lại không thật. “Trễ chuyến đò ngang” nghĩa là cuộc tình duyên trắc trở. Còn “sông cạn nước” ý nói lòng người bị phụ bạc xót xa cô quạnh như con sông cạn nước đó tề!

Ao vỡ lẽ lẩm bẩm:

– À ra thế! À ra thế! Nhưng… nhưng “mảng sầu tấc dạ” nghĩa là gì?

– Có chi mô mà không hiểu! O nớ bị tình phụ nên sầu cả dạ, vừa đi cấy vừa khóc.

Ao chạnh nghĩ đến mình, vội hỏi:

– Nhưng dạ là cái gì?

Cô láng giềng thấy câu hỏi ngộ nghĩnh, cười phá lên. Cô nòi đùa:

– Dạ là cái dạ dày, cái bao tử.

Ao không tin chút nào. Có lẽ nét mặt anh lúc đó trông ngố lắm, nên cô gái cười to hơn, cười không thôi. Ðột nhiên, cô ta nín cười và hỏi:

– Anh Ao có biết đọc không?

Ao đỏ mặt vì bị xem thường, nuốt giận đáp gọn:

– Biết chớ!

– Rứa thì tui cho anh mượn cuốn truyện ni, đọc xong sẽ biết dạ ở chỗ mô liền! Cuốn truyện đã cũ, in trên giấy trắng thật tốt, có cái nhan đề Kho tàng trong động ma, phía dưới nhan đề có một hàng chữ lạ trong hai cái ngoặc đơn The adventures of Tom Sawyer. Một cuốn truyện dịch. Ao không dám hỏi gì thêm, sợ lòi cái dốt của mình, nên vội mang cuốn truyện về nhà. Cuốn truyện hay thật. Cậu bé rắn mắt tên Tom trong truyện làm đủ mọi chuyện ngộ nghĩnh tức cười, nhưng Ao chú ý đến chi tiết này: Tom bắt chước người lớn, yêu một cô bé hàng xóm tên Becky. Một hôm cô bé quăng quà rào tặng Tom một đóa hoa. Tom xem đó là một cách tỏ tình, và bắt chước người lớn, cậu đặt đóa hoa đó vào chỗ trái tim mình. Nhưng vì không học kỹ bài cách trí, nên Tom đã vạch áo ra, và đặt đóa hoa đúng vào lỗ rún.

Ao đọc đi đọc lại đoạn đó nhiều lần, ngẩn ngơ không hiểu tác giả người Mỹ chuyên viết truyện khôi hài nói đùa hay nói thật. Chỗ nhạy cảm của tình yêu là chỗ lỗ rún? Có lẽ lắm! Chẳng thế tại sao câu hát ru em có chữ “dạ”. Từ lỗ rún vào đến dạ dày chỉ cách một lớp da mỏng manh, trong khi từ đó lên trái tim xa lơ xa lắc. Chẳng thế tại sao khi nghe một câu hát cải lương mùi thật mùi, hoặc khi xem một phim dã sử Ai cập có màn múa bụng, cái rún của Ao cảm thấy tê tê, y như lúc nhớ đến cái răng cời.

Chỗ nhạy cảm non nớt thường hay đau yếu, do đó mới cần phải xức dầu Nhị Thiên Ðường.

Ao giữ riêng ý tưởng ấy cho đến lúc vượt biển!

Gia đình anh trì chí kiên nhẫn biết bao nhiêu, thế mà cuối cùng chịu đựng hết nổi, phải bỏ khu kinh tế mới dắt díu nhau lên sống lây lất ở Sàigòn. Gia đình người Huế đã bỏ đi trước đó một tuần, sau khi ông già ốm yếu mặc bộ đồ nhà binh rách vai và đầu gối, ôm chiếc bao cát cũng rách, một hôm tìm đến khu kinh tế mới. Ông ta vào nhà Ao trước, rụt rè hỏi thăm tên bà mẹ Huế. Ao thấy nét mặt ông quen quen, ngờ ngợ như đã gặp đâu đó. Khi người lạ qua nhà bên cạnh, Ao nghe có nhiều tiếng reo mừng rồi lại có tiếng khóc. Người cha vắng mặt đã về! Từ một trại cải tạo ở miền trung du Bắc Việt. Một tuần sau, Ao lại bùi ngùi chia tay với cô bạn láng giềng. Anh đem trả cô cuốn sách nhưng cô gái Huế nói:

– Thôi, Ao giữ làm kỷ niệm.

Rồi nhớ ra điều thú vị, cô bật cười hỏi thêm:

– Răng, đã biết trái tim nằm ở mô chưa!

Ao xúc động không nói được gì, chỉ thấy tê tê ở lỗ rún. Rún anh cũng tê tê y như vậy khi phải bỏ khu vườn xơ xác để về Sàigòn, rồi phải dọn ra khỏi nhà ông chú ở Tân Ðịnh để sống lây lất trên đường Trần Hoàng Quân, cạnh một đống rác lớn là kế sinh nhai của gia đình. Và rún anh càng tê dại, ruột anh càng quặn thắt khi nghe mẹ bảo:

– Chú thím ấy sắp đi. Có lẽ họ hối hận vì ăn ở không phải với mình, nên có hỏi mẹ muốn cho đứa nào theo không. Thằng Ðìa thì dốt. Con Ðầm con gái nhút nhát. Chỉ có con là sáng láng. Chịu khó theo chú thím con cho đỡ cực thân, con ơi! Ao vội chống chế:

– Nhưng đống rác này nhiều giấy vụn và bao ni lông, bỏ đi uổng quá!

Mẹ anh chặm nước mắt, giọng nghẹn lại:

– Con biết chút ít chữ nghĩa, chẳng lẽ suốt đời sống nhờ mớ rác hôi. Vả lại…

Mẹ anh chỉ nói đến đó. Vả lại thế nào. Ao không đoán được. Chỉ hiểu đại khái, dưới đôi mắt mẹ, Ao là một con chim công giữa đám gà què, là nguồn hy vọng le lói duy nhất của gia đình, là ao nước trong tưới mát bao nhiêu đám ruộng đang nứt nẻ cằn cỗi. Anh thầm hãnh diện, nhìn mẹ biết ơn, và ra đi.

Nỗi bịn rịn luyến tiếc khiến Ao cứ ngây ngây như người say. Từ khi bước chân ra đi cho tới lúc xuống bãi lên ghe, gần như khắp thân thể anh, chỗ nào cũng đều nhậy cảm. Không còn là độc quyền của lỗ rún nữa. Và vì cảm giác bị kích động đến cao độ, nên anh không thể phân biệt mình đang vui hay đang buồn, đang nao nức hay đang hoang mang, đang nơm nớp sợ hãi hay đang hồi hộp phiên lưu. Chỗ nào cũng sắp bùng vỡ vì cảm giác căng đầy: đầu óc quay cuồng, hai thái dương căng thẳng, mắt cay, mũi nóng, tim đập mạnh, bao tử xót xa, lỗ rún tê dại. Anh không thể ý thức mình đang làm gì, nghĩ gì. Trước mắt anh, biển mông lung nhấp nhô. Trong tai anh, thấp thoáng tiếng sóng dữ gào thét. Trên đầu anh, đêm mênh mông. Anh chỉ bắt đầu hiểu rõ mình khi cảm thấy ngột ngạt khó thở trong hầm ghe tối đen. Theo thói quen, anh đưa hai tay lên vươn vai để mở rộng buồng phổi, và chính lúc đó, Ao mới biết rõ cảnh chen chút chật cứng trong hầm ghe. Anh đang ngồi thu vai thu gối giữa hằng hà sa số người khác và mùi mồ hôi bắt đầu nồng nặc đến ngộp thở. Cử động dợm đưa tay lên đánh thức cảm giác những kẻ đồng thuyền nên sau đó, Ao nghe có nhiều lời phản đối giận dữ. Một giọng phản đối nhỏ và yếu giúp Ao biết thêm ngay bên phải anh lại có một “cô láng giềng”!

Tự nhiên Ao thấy bớt ngộp. Anh nhắm mắt lại, rồi hé mắt từ từ cho quen dần với bóng tối. Anh bắt dầu phân biệt những hình thù, rồi phân biệt được đàn bà, đàn ông. Ghe ra khỏi vùng nguy hiểm thì người thợ máy mò mẫm câu dây thắp sáng một bóng đèn nhỏ trong buồng máy để kiểm soát máy móc. Ánh điện màu hoàng đởm lọt qua khe ván ngăn, chiếu vào hầm nghe. Ao liếc nhìn cô láng giềng. Lỗ rún anh lại tê tê. Cô gái ngồi bên đẹp quá. Lại sang nữa!

Vẻ đẹp vẻ xấu của người đàn bà, thì Ao đã phân biệt được từ thuở còn bé tí teo. Còn tiêu chuẩn để xác định vẻ sang trọng quí phái thì anh võ vẽ học được qua mấy tháng sống ở Sàigòn hoa lệ. Ðại khái anh nghĩ: người phụ nữ lao động ăn mặc cần sự bền bĩ chắc chắn, một cái áo phải chịu đựng nổi năm sáu mùa nắng mưa, còn người phụ nữ sang trọng ăn mặc chỉ cần cho đẹp mà thôi. Người đẹp ngồi khít bên Ao mặc áo lụa nâu cổ hở khá rộng nên khoan hồng phơi bày một khoảng ức trắng muốt. Mái tóc dài cột gọn bằng sợi dây thun lại rộng lượng phô thêm chiếc cổ thiên nga và đôi vành tai nhỏ nhắn dễ thương. Vì chật chội, cô phải thu vai bó gối y như mọi người. Tuy nhiên Ao để ý thấy cô cương quyết ngồi ngay người chứ không dựa vào thành ghe trác hắc ín đen đủi. Có lẽ cô sợ bẩn áo.

Ao nổi máu anh hùng lí nhí xin lỗi, rồi rút cánh tay phải lên đặt sát vào thành ghe, đổi thế ngồi nghiêng cho cô láng giềng có thêm chỗ xoay trở. Cô ta ngước lên nhìn Ao kinh ngạc, hình như chưa hiểu cử chỉ ấy do lòng tốt hay do hậu ý mờ ám. Cho nên tuy có thêm được chút khoảng trống để duỗi đôi chân cho bớt mỏi, cô gái vẫn ngồi nghiêm trang, không dựa vào cánh tay phải của Ao. Không khí trong hầm nóng bức. Cô dùng chiếc khăn tay mỏng chặm nhè nhẹ lên trán, hai cánh mũi và môi trên, như sợ làm tróc lớp phấn son trang điểm. Mồ hôi ướt đẫm người cô. Và vẫn theo thói quen sang trọng y như cách chậm mồ hôi, cô gái liếc nhìn chung quanh rồi mới cầm vạt áo kéo nhẹ nhiều lần cho lớp vải lụa nâu khỏi dính vào da thịt.

Ao liếc nhìn lại, và vội vã quay đi khi nhận ra hình cái nịt vú in trên chiếc áo lụa ướt. Anh tự dặn lòng không nên nhìn về phía phải, cũng không nên phác bất cứ cử động nào khiến cô láng giềng e dè nghi ngại.

Không biết anh đã ngồi bất động như thế bao lâu. Bên ngoài sóng gió vẫn bão bùng. Dưới hầm, mọi người say sóng nên đều ngả nghiêng theo nhịp sóng dồi, không tự chủ được nữa, nằm ngồi sóng soài, xuôi tay ngoẽo đầu lên nhau. Hình như chỉ còn có Ao và cô láng giềng là còn tỉnh táo. Ao biết mình không say sóng vì còn đủ tinh anh nhìn ra đôi dép nhựa thanh nhã của người đẹp: đôi dép màu nâu nhạt giả da có mũi nhọn đính thêm một đóa hướng dương nở trọn, che lấp gần nửa đầu bàn chân. Ba ngón chân út trắng nõn không bị đóa hướng dương che lấp, đều có móng bôi son.

Anh cũng đoán cô gái ngồi bên không say sóng vì phía bên phải của thân anh, không có ai mệt mỏi ngây say đến độ phải dựa vào Ao. Tự dưng anh thấy sóng hung dữ nhưng cũng có đôi điểm dễ thương. Anh nhớ ngày xưa còn bé, mỗi lần bê cái giỏ tre đi nhặt lá khô về cho mẹ đun bếp, anh vẫn thường rướn cổ hét lớn: “Gió lên! Gió nữa lên!”. Bây giờ hoàn cảnh có khác, nhưng không có sóng gió làm sao Ao biết được mình cứng cỏi hơn người. Nếu trong hầm ghe này, anh không được là người mạnh khỏe hạng nhất, thì ít ra cũng được ngôi nhất đồng hạng. Chia sẻ vinh dự cho một người con gái vừa sang lại vừa đẹp, không hề gì.

Sang ngày thứ hai biển càng động. Ao vẫn không hề say sóng, dù mùi mồ hôi và mùi thức ăn ụa mửa vương vãi xông lên nồng nặc, khiến đôi khi anh hơi nôn nao. Cảm giác của anh tê dại y như lúc xuống bãi. Hình như vì mệt quá, anh có ngủ thiếp đi một lúc. Giấc mơ ngắn ngủi của anh chập chờn đủ thứ hình ảnh: một đứa bé gái khóc nức nở, một núi bao ni lông rách, những đám lá rụng vàng, một dòng sông cạn, một con cọp đang nhe răng gầm gừ, một trận đòn nhớ đời… Anh cảm thấy hối hận vì đã lỡ làm vỡ mất cái chén thờ nên bị cha đập đòn. Ngực anh khó thở vì hối tiếc. Anh tỉnh dậy, và sau một lúc ngỡ ngàng, nhận ra được hiện tại. Cô láng giềng say sóng đã ngủ, đầu dựa vào phía ngực phải của anh từ lúc nào anh không hay.

Ao hồi hộp không dám nhúc nhích, sợ đánh thức cô gái. Anh nhắm mắt lại, rà nghe thật kỹ cảm giác trên thân thể mình. Lỗ rún không tê tê như Ao chờ đợi. Ngược lại, phía ngực phải bên dưới chỗ người đẹp dựa đầu, có cảm giác lâng lâng khó tả. Hình như từng sợi tóc in nhẹ lên da ngực anh đều để lại một dấu hằn, từ đó tỏa ra cảm giác lăng tăng êm ái. Anh thì thầm “Gió lên! Gió nữa lên!”. Thời tiết mùa đông đáp lại bằng cách cho anh như nguyện. Chiếc ghe nhỏ chòng chành, đội cao lên đầu ngọn sóng rồi rơi tuột vào hố thẳm. Cô gái oằn người rồi mửa thốc tháo lên người anh. Ao muốn gập cánh tay phải ôm chặt lấy cô gái để che chở cho cô trước sóng gió, nhưng anh kịp ngưng ý tưởng liều lĩnh ấy. Vai anh nặng thêm. Liếc nhìn lên khuôn mặt cô gái, anh thấy da mặt cô trắng nhợt, tóc ướt dán lên cổ, mắt nhắm nghiền. Anh hối hận vì đã cầu gió dữ, thì thầm cầu cho biển yên. Nhưng sóng gió gào thét không nghe lời anh. Ðâu đây, giữa vùng tối tăm nồng nặc mùi chua, có tiếng cầu kinh. Tiếng một đứa trẻ khóc thét chát chúa! Tiếng gió quật vào nắp hầm, tiếng ván ghe oằn mình kêu răng rắc. Và một tiếng thì thào đâu đó, bên tai anh:

– Em mệt quá anh ơi!

Ao không tin ở tai mình, cúi nhìn lên khuôn mặt trắng của cô gái. Môi cô mím lại, vết nước dãi còn đọng ở khóe miệng. Không có gì chứng tỏ cô gái vừa nói câu ấy, và nói với anh. Ao chờ thật lâu, nhìn chăm chú thật lâu, vẫn không nghe thấy gì. Trên nắp hầm, gió muốn thổi tung tấm ván nặng. Ao lo sợ nhìn lên, và đúng lúc đó, lại nghe lời thì thào:

– Em mệt quá anh ơi!

Cô gái vẫn thiêm thiếp trong cơn say sóng, đôi mi dài khép chặt, mớ tóc ướt dán trên chiếc cổ trắng. Ao cầu xin: “Gió lên! Gió nữa lên!” Thời tiết lần này thấy rõ lòng ích kỷ của Ao, nên gió khơi dịu lại. Sang ngày thứ ba, biển đã yên. Như một phép lạ, mọi người trên ghe choàng dậy, cười nói đùa cợt. Cô láng giềng của Ao lại vuốt tóc ngồi ngay ngắn, như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Cái khăn tay vải mỏng, cô đã đánh rơi xuống sàn ghe. Cho nên cô phải lục xách lôi ra một chiếc khăn tay khác, chặm nhẹ mồ hôi trên trán, trên má, trên môi. Cô chặm kỹ nơi khóe miệng để xóa đi vết nước dãi lúc ụa mửa, vừa chặm vừa kín đáo liếc về phía Ao. Ao cúi xuống nhìn vạt áo bên phải: khoảng gần vai, vải áo nhàu bẩn, và phía trước, dấu vết nôn mửa của cô đêm trước vẫn rành rành, loang lổ hơi giống hình một trái tim bằng bột bị chuột gặm. Và anh cảm thấy tê tê nhức buốt ngay trong lòng ngực phải.

* * *

Cuộc vượt biển may mắn thành công, nên mọi người quên ngay ba ngày đầu sóng gió. Chỉ riêng Ao không quên được câu thì thào: “Em mệt quá, anh ơi!” phảng phất mơ hồ trong tiếng sóng gào thét, giữa cảnh chen chúc tăm tối. Ðến Galang, anh được phòng Xã Hội cấp phát cho một bộ quần áo mới. Anh giặt cái quần kaki mặc từ bên nhà để thay đổi, nhưng chiếc áo có dấu vết trái tim chuột gặm, anh không giặt. Anh để y nguyên như vậy, và xếp kỹ vào đáy xách tay. Dấu vết ấy in cả lên phía ngực phải của anh, vết ngứa đầy những mụn đỏ li ti còn mãi không chịu lành. Mỗi lần gặp cô gái ở đâu đó, ở phòng định cư, ở chỗ dán thư trước văn phòng ban đại diện, ở siêu thị, ở con dốc phố chính, ở quán cà phê, ở văn phòng cảnh sát, Ao đều cảm thấy tê tê, không phải ở lỗ rún mà ở lồng ngực phải. Càng về sau, cảm giác tê tê biến thành ngứa ngáy đến nhức buốt, nhất là mỗi khi nghe loa phóng thanh gọi tên cô gái lên phòng trật tự, hay văn phòng cảnh sát Nam Dương.

Một đêm Ao được phân công đi tuần tra trong phạm vi các barrack thuộc zone mình. Hồi đó nạn trộm cắp lặt vặt vẫn thường xẩy ra, và theo phòng trật tự, nơi tụ họp của bọn lưu manh là các barrack bỏ trống. Ao và người bạn nữa cầm đèn pin đi tuần, chợt nghe tiếng động lạ trong một barrack không người.

Anh quét đèn pin vào chỗ khả nghi. Hai bóng người vụt chạy về phía rừng: một cao lớn một thấp bé. Ao tri hô lên, nhưng họ vẫn chạy. Ánh đèn pin đuổi theo, kịp cho anh nhận ra cái dáng thanh thanh của một phụ nữ. Người bạn ngăn anh không nên liều lĩnh vào rừng, và hai người vào chỗ barrack vắng. Không có tang vật gì khả nghi, trừ một chiếc dép.

Lòng anh đau nhói khi nhận ra đóa hoa hướng dương quen thuộc! Và lần này, trái tim nhạy cảm biết đam mê và hận thù, biết xôn xao và tuyệt vọng, biết bâng khuâng và biết nhức buốt, không nằm ở dạ dày, ở lỗ rún, ở ngực phải, mà nằm đúng chỗ lâu nay nó vẫn nằm: ở trong lồng ngực trái.

Nguyễn Mộng Giác
Galang 1-10-1982

   Số lần đọc: 148

Tác Phẩm

BÀI KỀ

Bài tiếp theo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây