Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàTruyền ThôngBài Viết Về Nguyễn Mộng GiácTrên Những Lớp Sóng Của Mùa Biển Động

Trên Những Lớp Sóng Của Mùa Biển Động

(Bài nói chuyện về tác phẩm Mùa Biển Động của Nguyễn Mộng Giác tại George Mason University, Washington, D.C., ngày 30 tháng 11, 1989)

Lời người viết: Bài phát biểu dưới đây, cùng với một bài viết khác của tôi trong chủ đề về Nguyễn Mộng Giác trên diễn đàn Da Màu này (bài “Nỗi băn khoăn của Nguyễn Mộng Giác”), đã được viết ra tại những thời điểm 1984 và 1989. Có thể, nếu có dịp viết lại, tôi sẽ trình bày chúng một cách khác, với những bố cục, thể dạng khác, và trong những mắt nhìn, những cách xem xét, đánh giá khác. Dù sao, đăng lại những bài viết cũ này, ở đây, tôi muốn tôn trọng cái lịch sử của chúng. Chính cái sử tính ấy trong các tác phẩm văn học, và cả trong phê bình văn học, thường cho người đọc thấy rõ những vết cắt của thời đại, những vết cắt trên thời gian, không gian, trên tâm thế và tâm cảnh của người viết, mà cái khí quyển của thời đại ấy đã in dấu trên ngôn ngữ và diện mạo của chữ. (bvp)

Trước hết, tôi xin được thành thật cám ơn Ban Tổ Chức đã cho phép tôi được phát biểu một số những suy nghĩ và nhận định của mình về tác phẩm Mùa Biển Động của nhà văn Nguyễn Mộng Giác trong buổi nói chuyện ngày hôm nay.

Mùa Biển Động là một tác phẩm có một kích thước lớn, và cũng là một tác phẩm có tham vọng lớn không kém. Nó muốn ghi lại biến chuyển tâm trạng của những thanh niên trưởng thành trong chiến tranh, trải dài từ lúc Đệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ cho đến tháng 4, 1975, và ghi lại cái tâm trạng tha hương của những nhân vật chính sau thời điểm tang thương đó.

Mỗi người, khi đến với một tác phẩm, là đến với sự rung động và với những nhận xét, đánh giá riêng của mình. Những nhận xét, đánh giá này được hình thành từ những kinh nghiệm sống, từ cái vốn học, vốn đọc, vốn hiểu biết, cũng như từ những quan niệm về thẩm mỹ, về cuộc đời của chính người ấy, phát triển từ khi còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành. Nhưng mỗi người, khi có cơ hội phát biểu-bằng lời nói hay bằng chữ viết -những suy nghĩ của họ về một tác phẩm nào đó mà họ đã đọc, thì sự phát biểu đó cũng chỉ có giá trị như là một cách đọc tác phẩm. Có nhiều cách đọc khác nhau. Và không có ai có thể cho rằng cách đọc của mình là có tính cách chung quyết, đúng nhất.

Mặc dù là một người làm việc trong lãnh vực nghiên cứu và phê bình, lý luận văn học, những gì tôi sắp sửa trình bày ở đây về tác phẩm Mùa Biển Động cũng chỉ là một cách đọc. Cách đọc riêng của tôi. Và với sự chân thành và nghiêm chỉnh cần thiết của một người làm việc đọc, tôi xin được đưa ra ở đây một vài nhận xét có tính cách sơ lược về tác phẩm này. (Sơ lược, bởi lẽ, trong phạm vi phần phát biểu của tôi hôm nay, tôi không thể đi vào sự phân tích và đánh giá kỹ lưỡng những mặt tích cực hoặc tiêu cực của tác phẩm Mùa Biển Động. Ở đây, hôm nay, những nhận xét của tôi chỉ là một cố gắng khái quát hóa những điều tôi muốn nói về tác phẩm này nếu tôi có dịp viết về nó một cách sâu lắng hơn).

Trước hết, tôi nghĩ tôi có một nhận xét khá lý thú về một điều có thể xem là một nghịch lý văn chương của Mùa Biển Động. Chủ đề chính của Mùa Biển Động-hay nói một cách ẩn dụ hơn, nhân vật chính của Mùa Biển Động-là sự thất tán. Thất và tán.

Hiểu theo lối ẩn dụ, nhân vật chính của một tác phẩm không nhất thiết phải là một con người cụ thể, mà nó là một hiện tượng nổi bật, một nét nổi bật của tác phẩm để khắc họa hình tượng, tâm hồn con người. Chẳng hạn, nhân vật chính trong La Guerre et la Paix (Chiến Tranh và Hòa Bình) của Leo Tolstoy là con người, là các tầng lớp quần chúng, là người dân nói chung; nhân vật chính trong truyện của Chekov là thời gian; nhân vật chính trong kịch-và sau đó, truyện- Rain (Mưa) của Somerset Maugham là cơn mưa, cơn mưa dằng dai, tàn khốc và bi thảm tại Pago Pago, địa danh mà Maugham đã làm cho nổi tiếng qua tác phẩm của mình; nhân vật chính trong A Farewell to Arms (Giã Từ Vũ Khí) của Hemingway cũng là cơn mưa, cơn mưa triền miên, ẩm ướt, đe dọa, và mang theo hơi thở của định mệnh, thấm ướt cả mấy trăm trang sách.

Vậy thì, nhân vật chính trong Mùa Biển Động của Nguyễn Mộng Giác chính là sự thất tán. Thất và tán. Mất và tan. Mất mát, tàn rụng, và tan vỡ, tan rã, tan tác. Mất là hệ quả của tan, và tan là nguyên nhân đưa đến mất. Mất và tan những gì? Đó là sự mất mát, tan vỡ, tan tác, tan rã của những cơ cấu, những giá trị xã hội, những giềng mối đạo đức, luân lý tưởng như đã là bền vững trong xã hội ta trong suốt bao nhiêu năm. Đó là sự tan vỡ của những mộng tưởng, của những lý tưởng, và ngay cả của những ảo tưởng nữa, mà nhiều người đã từng ôm ấp trong suốt một thời tuổi trẻ. Đó cũng là sự tan tác, bị lăn đi tung tóe bốn phương tám hướng của những con người đã tưởng suốt đời được sống và ôm lấy quê hương, hay của những con người để mặc thân mình cho sóng vùi, cho biển dập.

Nhưng, chính là trong nỗ lực xây dựng và vẽ lại cái tiến trình tan và mất, mất và tan đó mà tác giả Nguyễn Mộng Giác đã cho chúng ta cơ hội tìm lại được những giá trị cũ. Tác giả cho chúng ta sống lại tâm trạng của những kẻ sống trong cơn lốc xoáy của cả một thời đại. Và cũng từ đó, ông giúp chúng ta tìm thấy những giá trị vĩnh cửu của sự sống, cái ý nghĩa cao quí của đời sống con người. Tác giả đã giúp đem trả về cho chúng ta những điều ấy qua những trang sách của ông. Trình bày cái tán, để thấy cái tụ. Trình bày cái mất, để thấy cái trở về, cái còn vĩnh viễn. Đó là một nghịch lý văn chương mà tôi tìm thấy trong Mùa Biển Động.

Một nhận xét thứ hai của tôi về Mùa Biển Động liên hệ đến kỹ thuật xây dựng nhân vật và kỹ thuật cấu trúc tác phẩm.

Theo tôi, Nguyễn Mộng Giác không phải là một nhà văn của những kỹ thuật hay chữ nghĩa mới. Kỹ thuật và chữ nghĩa của ông có tính cách cổ điển. Cổ điển ở đây, không có nghĩa là cổ hủ, hoặc gần gũi với những thuộc tính tiêu cực. Nó chỉ có nghĩa là tác giả tiếp tục tôn trọng những kỹ thuật của tiểu thuyết thời trước. Đối với Nguyễn Mộng Giác, điều đó có một ý nghĩa quan trọng. Tác giả không phải là một người chủ vào việc dùng kỹ thuật, chữ nghĩa để tạo giá trị cho tác phẩm của mình. Đối với Nguyễn Mộng Giác, giá trị của tác phẩm nằm ở câu văn, ở ý tưởng mà ông muốn diễn đạt, ở dung lượng thông tin mà ông muốn chuyển tới người đọc, ở hình tượng nhân vật mà ông muốn khắc họa. Và ở những phương diện này, nói chung, người ta thấy là Nguyễn Mộng Giác có nhiều ưu điểm hơn là khuyết điểm, nhiều cường điểm hơn là nhược điểm.

Trong Mùa Biển Động, mặc dù có trên dưới một trăm nhân vật, người ta không nhìn rõ thấy những nhân vật hoàn toàn mang nét phản diện. Có một vài nhân vật mang một vài nét của những nhân vật phản diện, chẳng hạn như ông Mãn, ông Thanh Tuyến, Lãng, nhưng họ cũng không hẳn là những nhân vật phản diện (*).

Nhân vật chính diện và phản diện trong một tác phẩm văn học là những nhân vật có tính cách đối nghịch, đối lập, trái chống hẳn với nhau về quan niệm, lập trường, tôn chỉ sống, hay ý thức hệ. Đó là sự đối chọi chan chát và hằn học của nước và lửa, của đen và trắng. Sự đối chọi ấy làm bật lên cái ý tưởng nòng cốt về mặt lập trường, tư tưởng, quan niệm mà một tác giả muốn bênh vực hoặc đề cao trong tác phẩm của mình.

Không có những nhân vật hoàn toàn mang tính cách chính diện và phản diện rõ rệt như đa số lối xây dựng truyện của thời này, của tiểu thuyết hiện đại, Mùa Biển Động, dù sao, vẫn có một hệ thống nhân vật rất phong phú. Trong Mùa Biển Động, người ta có thể thấy được những loại nhân vật như nhân vật đối chiếu, nhân vật tương phản (xét về mặt chức năng) và nhân vật mặt nạ, nhân vật loại hình, nhân vật tính cách và nhân vật tư tưởng (xét về mặt thể loại).

Chẳng hạn Tường, và mờ nhạt hơn nhiều là Ngô, được xem như những nhân vật tư tưởng. Cái lõi, hay hạt nhân cấu trúc, của loại nhân vật này là một tư tưởng, một ý thức. Luôn cháy bỏng trong lòng Tường, qua mắt nhìn của chúng ta vào tác phẩm, là một ý thức về cách mạng, về sự ước ao làm thay đổi xã hội theo một chiều hướng tốt đẹp hơn (dĩ nhiên là trong cái nhìn rất hạn chế của Tường cùng với cái ý thức còn mờ mịt của anh ta lúc xả thân vào con đường cách mạng, con đường làm mới đó).

Trong văn chương quốc tế, Jean Valjan trong Les Misérables (Những Kẻ Khốn Cùng) của Victor Hugo, Andrei trong La Guerre et la Paix (Chiến Tranh và Hòa Bình) của Leo Tolstoy; Raskolnikov trong Crime and Punishment (Tội Ác và Hình Phạt) của Dostoievsky, Tôn Ngộ Không trong Tây Du Diễn Nghĩa của Ngô Thừa Ân, Ả Q trong Ả Q Chính Truyện của Lỗ Tấn… đều là những nhân vật tư tưởng.

Nhân vật loại hình trong Mùa Biển Động có thể nói là ông Mãn, Lãng, và ông Thanh Tuyến. Nó phản ánh một loại nhân vật thể hiện tập trung cao độ các phẩm chất xã hội, các tín niệm đạo đức của một loại người của một thời. Các nhân vật theo kiểu này ít nhiều thường có tính cách lược đồ, sơ phác. Trong một nhân vật loại này, ta thấy bao quát rất nhiều con người, có thể xếp loại thành nguyên cả một phạm trù người, thể hiện cả một khái niệm.

Ông Mãn tượng trưng cho loại người thời cơ, mưu mô để chiếm phần lợi. Đó là loại người mà người Mỹ gọi là “fence sitter“, kẻ ngồi chờ trên hàng rào để xem gió chiều nào thì che chiều nấy. Lãng là loại người lanh, láu, tháo vát, cũng sẵn sàng sử dụng mưu cơ, tiểu xảo để sống còn, mặc dù tâm chất anh không xấu xa. Ông Thanh Tuyến là loại người không có lập trường, dễ bị chao đảo trước những ngọn gió lớn của đời sống. Ông dễ bị các biến cố và hoàn cảnh lôi cuốn đi như là một chiếc lá bị dạt đẩy vô-định-hướng trên dòng đời.

Nhân vật mặt nạ là một kiểu loại nhân vật không có đời sống nội tâm. Các phẩm chất đặc điểm nhân vật của nó cố định, không thay đổi từ đầu đến cuối. Hơn nữa, sự tồn tại hoặc hoạt động của nó chỉ nhằm thực hiện một số chức năng nhất định, một số vai trò nhất định nào đó. Được treo lên như một cái cớ cần thiết để hình tượng hoá một mô hình chức năng trong tác phẩm, nó là loại nhân vật rất dễ bị tác giả “giật dây”. Hình như một cách vô tình, Nguyễn Mộng Giác đã làm cho nhân vật Mãn và Ngô mang tính chất mặt nạ này (mặc dù, ở dưới một góc độ khác, Mãn có nhiều tính loại hình và Ngô có thể có tính tư tưởng).

Cuối cùng những nhân vật rõ nét như Diễm, Nam, Quỳnh Như, Quỳnh Trang là những nhân vật có tính cách. Nhân vật tính cách là một loại nhân vật được mô tả như một nhân cách, một con người thật sự, một cá nhân có cá tính nổi bật. Trong nghĩa rộng, tính cách là sự thể hiện các phẩm chất xã hội của con người qua các đặc điểm cá nhân, gắn liền với phẩm chất tâm sinh lý cũng như với quá trình sống-quá trình kinh qua và nghiền ngẫm cuộc sống-của họ. Nhân vật tính cách thường có những mâu thuẫn nội tại, những nghịch lý, những chuyển hóa, những bừng thức trước một số hoàn cảnh nhất định, đặc thù. Và, chính vì vậy, tính cách thường có một quá trình tự phát triển, càng ngày càng sâu sắc thêm. Bởi thế, đây chính là kiểu nhân vật, giống như một con cá lớn, một con kình ngư (tôi nhớ đến con kình ngư trong truyện Ông Già và Biển Cả của Hemingway), có thể lôi kéo tác giả theo mình, kéo tác giả ra khỏi những hoạch định ban đầu, những định mệnh đặt sẵn mà tác giả có thể đã sắp xếp trước đó cho nó.

Trong kho tàng văn chương của Việt Nam, khác với nhân vật Lục Vân Tiên, Kiều thể hiện rất rõ như là một nhân vật tính cách. Trong con người Kiều có tất cả sự nghịch lý, mâu thuẫn và phát triển của một dòng đời vận động, chuyển lưu, một dòng đời cuồn cuộn với gió bão bên trên và sóng nhồi bên dưới.

Về mặt chức năng, tính chất đối chiếu, tương phản của các nhân vật như Mãn và Ngô, Ngô và Tường, Diễm và Nam, Quỳnh Trang và Quỳnh Như… đã làm cho chúng trở nên sâu và dày thêm. Đó là cái tài xây dựng của Nguyễn Mộng Giác, một cách chung. Đi vào chi tiết, có những điểm giới hạn nên phân tích thêm, nhưng Nguyễn Mộng Giác, thật sự, đã có một số ưu điểm lớn trong việc xây dựng các nhân vật của ông.

Một số nhân vật của Nguyễn Mộng Giác đã thành công ở chỗ nó bộc lộ được con người của nó qua hành động, ngôn ngữ, và quá trình sống. Nó luôn luôn phát triển, mở rộng chính nó và làm cho nó được khắc họa sâu và kỹ hơn nữa, với những nét dao mạnh và sắc, đầy ấn tượng, trong nhận thức của độc giả qua những quá trình giao tiếp với con người, với cuộc sống chung quanh, mà tác phẩm xô dạt, đẩy nó đi tới. Nhiều nhân vật của Nguyễn Mộng Giác còn có giá trị ở chỗ chúng là những nhân vật văn học mang tính chất hồi cố. Mỗi bước phát triển của nhân vật đều làm cho người đọc nhìn lại, nhớ lại cái con người ban đầu của nó, cái công thức tiên khởi mà tác giả đã dùng để xây dựng nó. Những nhân vật đó càng ngày càng hiện rõ nét, trong phong cách, trong cá tính, một cách đầy đủ và sâu sắc hơn trước mắt độc giả. Tác giả trình bày chúng, điều chỉnh chúng, nét trước nét sau, như một hoạ sư dùng những lát dao để tạo dần nên vóc dáng toàn vẹn của bức tượng, làm cho chúng sâu sắc thêm, nhưng vẫn không làm mất đi cái bản chất ban đầu, cái chuẩn, cái lõi của những nhân vật khi chúng được tạo thành.

Về việc tổ chức các tuyến sự kiện, mặc dù căn bản theo lối hình tuyến, nghĩa là theo lối đường thẳng trên dưới trước sau, Nguyễn Mộng Giác cũng có những chỗ sử dụng kỹ thuật quay ống kính để lắp ghép các diễn biến đang đồng loạt xảy ra trong một khoảng thời gian được xác định. Có khi ông sử dụng mạch suy nghĩ nội tâm theo lối cổ điển; có khi ông lại sử dụng lối viết thư hay lối ghi nhật ký… Với tất cả những cố gắng làm thay đổi góc nhìn, tọa độ nhìn như thế, Nguyễn Mộng Giác, dù không hoàn toàn thành công trong tất cả mọi kỹ thuật mà ông đã sử dụng, cũng đã cho độc giả những vị trí xê dịch cần thiết để nhìn rõ những sự kiện được mô tả trong tác phẩm. Những vị trí xê dịch cần thiết ấy cũng giúp độc giả thấy rõ hơn nữa bề dày và bề sâu của các nhân vật cũng như các hiện tượng hoặc biến cố xảy ra trong tác phẩm. Tóm lại, tác giả đã giúp người đọc tiếp cận các hình tượng văn học được mô tả trong tác phẩm một cách rõ nét với phương pháp tổ chức hệ thống điểm nhìn trần thuật của ông.

Để kết luận, tôi muốn nói Mùa Biển Động là một tác phẩm lớn. Lớn, không có nghĩa là nó không có những giới hạn của nó. Một cách sơ lược, ta có thể nói là Nguyễn Mộng Giác còn có những giới hạn trong phần xây dựng và tổ chức ngôn ngữ đối thoại của nhân vật, trong một số cách miêu tả nhân vật, trong một số những sai sót về mặt sự kiện (ở Việt Nam hay ở Mỹ). Ngoài ra, phần bố cục về đoạn Mậu Thân (trong cuốn 5), về các đoạn rút quân (trong cuốn chót) quá nặng và quá dựa vào tài liệu (của ngoại quốc hay Việt Nam). Điều này làm cho tác động của toàn bộ sách bị chậm lại một cách không hoàn toàn cần thiết và cũng làm cho độc giả thấy tác giả còn bị những lúng túng, trở ngại trong việc khắc họa những nét hoặc ý chính mà ông muốn thực hiện ở những đoạn này. Dựa vào chính kinh nghiệm sống của mình, sự suy tư về chúng và sự đào bới những kinh nghiệm sống ấy, tác giả đã rất thành công khi lột tả được cái quá trình sống, cái sức sống mãnh liệt và bồng nóng của các nhân vật của mình trong cuốn 4, Bèo Giạt. Tôi cho rằng cuốn này là phần đặc sắc và thành công nhất trong toàn bộ Mùa Biển Động của Nguyễn Mộng Giác.

Mặc dù có những giới hạn, nhưng từ góc độ giới hạn của mình, Nguyễn Mộng Giác đã cho người đọc thấy cái khả năng tái hiện đời sống của nhà văn nói chung và của ông nói riêng, qua bộ Mùa Biển Động, là một nỗ lực táo bạo nhưng có định hướng. Và có sự tự lượng, tự chế. Là một nỗ lực táo bạo, bởi lẽ bộ sách có một tham vọng rất lớn: ghi lại một giai đoạn lịch sử đầy biến động của dân tộc, vẽ lại cái chân dung tinh thần của cả một thế hệ. Nhưng có định hướng ở chỗ, trong nỗ lực tái hiện đời sống và một giai đoạn lịch sử ấy, Nguyễn Mộng Giác đã biết lựa chọn những khuôn mẫu tiêu biểu để làm bật lên cái chân dung tinh thần của cả một thế hệ mà ông muốn khắc họa. Ông không đi lan man vào các sự kiện tràn lan của cái dòng sông và dòng sống muôn màu ấy. Đây là một thái độ khôn ngoan của tác giả để tránh cho mình cái tình trạng chính mình lại bị dìm đắm vào cái bối cảnh tràn lan mà mình dựng lại. Đây cũng là một thái độ tự lượng và tự chế của Nguyễn Mộng Giác. Không biết tự lượng và tự chế như thế, một tác giả viết một tác phẩm với một kích thước và một dung lượng như dung lượng và kích thước của Mùa Biển Động dễ gặp nguy cơ rơi vào sự hỗn độn của chi tiết, sự bất túc của kết cấu. Dĩ nhiên, trong Mùa Biển Động, người ta vẫn nhìn ra có những cấu trúc chưa được thăng bằng (như đã phân tích), nhưng Mùa Biển Động, dù sao, một cách chung, đã cho độc giả thấy cái khả năng tổng hợp rất cao của Nguyễn Mộng Giác. Không có khả năng đó, tác giả không thể nào liên kết các mảnh đời, các mảnh sự kiện rời rạc trong tác phẩm-vốn, ban đầu, chỉ là một quần thể còn đầy tính chất thô, mộc và ngổn ngang của lịch sử, của xã hội, và của con người-thành một chỉnh thể văn học và hiện thực đầy tính sinh động và sáng tạo như thế.

Tóm lại, tôi nghĩ là với tác phẩm Mùa Biển Động, Nguyễn Mộng Giác đã đóng góp được một công trình xứng đáng để làm cho dòng văn học của người Việt ngoài nước thêm nét đặc sắc và phong phú. Cùng với những tác phẩm xứng đáng khác của những nhà văn của chúng ta ở ngoài nước, Mùa Biển Động là một tác phẩm cần được đánh giá một cách cẩn trọng và kỹ lưỡng, cả về mặt mạnh và mặt yếu. Có như thế, ta mới nhìn rõ được những nỗ lực của tác giả trong việc xây dựng tác phẩm (những nỗ lực hiếm có trong hoàn cảnh sống lưu vong), và, có như thế, ta mới định được rõ vị trí của nó trong dòng văn chương Việt ngoài nước.

Xin chân thành cám ơn quý vị.


Bùi Vĩnh Phúc

(*) Một số định nghĩa về các loại hình nhân vật trong bài phát biểu này, và một vài kiến giải về chúng, được dựa trên The Art of Reading the Novel của Philip Freund và giáo trình Lí Luận Văn Học của Đại Học Sư Phạm (Nhà xuất bản Giáo Dục, Hà Nội, 1987)

Nguồn: http://damau.org/archives/4931

 

   Số lần đọc: 4252

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây