Nguồn: Đặc san Mừng 333 Năm Thành Lập và 75 Năm Cải Tổ Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn
Trong cuộc đời đi dạy của tôi, thời gian bảy năm dạy tại trường Trung Học Trinh Vương (do quý Soeur Dòng Mến Thánh Giá Quy Nhơn quản trị) đã cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp nhất.
Đó là khoảng thời gian từ 1966 đến 1974. Tôi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế năm 1963, sau hai năm dạy học tại trường Đồng Khánh đã xin đổi về Qui Nhơn, dạy học tại trường Cường Để cho gần gia đình. Thời bấy giờ, ngoài Cường Để và Nữ Trung Học là hai trường phổ thông công lập Qui Nhơn còn có các trường Trung học tư thục như Bồ Đề, Nhân Thảo, Tây Sơn, La San và Trinh Vương. Giống như trường Nữ Trung Học, Trinh Vương chỉ thu nhận các nữ học sinh, và do quý Soeur Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn quản trị
Quan hệ giữa trường trung học công lập tỉnh lỵ như Cường Để với các trường trung học tư thục thời bấy giờ cũng rất đặc biệt. Ngành giáo dục Tiểu học trong tỉnh do Ty Tiểu Học quản lý, nhưng ngành Trung học lại không có một Ty nào ở cấp tỉnh quản lý cả. Các trường Trung học trực thuộc một cơ quan quản lý trung ương là Nha Trung Học ở Bộ Giáo Dục Sài Gòn. Cấp tỉnh, thì Hiệu Trưởng trường trung học tỉnh lỵ như trường Cường Để thay mặt cho Nha Trung Học hỗ trợ cho các trường Trung học khác trong tỉnh về học vụ và kiểm tra việc thực hiện chương trình giáo dục ở các Trung học tư thục. Công việc ấy nặng tính chất tương trợ cố vấn, nhẹ tính chất thanh tra, vì Bộ Giáo Dục không ủy nhiệm quyền thanh tra hay thưởng phạt cho các trường trung học tỉnh lỵ. Chỉ từ năm 1973 đến năm 1975, lúc Trung và Tiểu học sát nhập làm một trong Sở Học Chánh từng tỉnh, các trường Trung học mới có một cơ quan trực thuộc hàng ngang.
Lần lượt giữ các chức vụ Giám học (như là Hiệu Phó, đặc trách Học vụ bấy giờ) Hiệu trưởng Cường Để, tôi đến với Trinh Vương như một Giáo sư dạy Văn, dạy các lớp Trung học cấp lll hơn là với tư cách người đến kiểm tra chất lượng giáo dục của trường. Bởi vì cách tổ chức và quản trị học vụ của quí Soeurs Trinh Vương thời ấy thật toàn hảo. Trường có đầy đủ tiện nghi cần thiết cho việc dạy và học. Lớp học có sĩ số hợp lý (không quá đông đảo, chen lấn nhau trong diện tích hẹp như ở các tư thục khác), kỷ luật học đường nghiêm chỉnh. Có thể nói trong các trường tư thục lúc bấy giờ những trường do các Soeurs và Sư Huynh Thiên Chúa Giáo quản trị đều vượt trội hơn các tư thục khác về chất lượng quản lý và giáo dục. Mới đây tôi có cơ may được đọc tập “Lịch Sử Hội Dòng Mến Thánh Giá Quy Nhơn” mới biết thời gian tôi dạy Văn ở Trinh Vương cũng là thời gian Dòng Mến Thánh Giá thực hiện được những thành quả lớn lao nhất trong việc huấn luyện các nữ tu và giáo dục. Trung Tâm Trinh Vương Qui Nhơn được Tòa Giám Mục ban trọn quyền sở hữu cho Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn năm 1965, để làm trung tâm đào luyện. Năm ấy trường Trinh Vương khai giảng 4 lớp Tiểu học và 4 lớp Trung học. Thế mà đến năm 1975 trường đã phát triển lên 33 lớp Tiểu học và 20 lớp Trung học, với gần 4000 học sinh.
Tôi còn nhớ mãi hình dáng nhỏ nhắn, nét mặt hiền hậu của Mẹ Bề Trên Hiệu Trưởng Gabrielle Lê Thị Phi Hường. Tôi nhớ cả gương mặt các Soeurs vừa phụ trách các công tác học vụ hay giám thị của trường, vừa tiếp tục học chương trình Việt văn trong các lớp tôi dạy. Từ trên bục giảng nhìn xuống, đôi lúc tôi mỉm cười khi thấy phản ứng của các Soeurs khi nghe giảng tới những vấn đề liên quan tới chuyện trần thế, như chuyện mẹ chồng nàng dâu trong Đoạn Tuyệt, tình cảm vợ chồng trong Chinh Phụ Ngâm … Ba mươi năm qua kể từ thuở ấy!
Cuộc đời các Soeurs Dòng Mến Thánh Giá ở trung tâm Trinh Vương đã trải qua biết bao thăng trầm, kể từ thuở ấy. Chuyện may rủi, còn mất … đối với những người đã nguyện dâng trọn đời mình cho Thiên Chúa như quý Soeurs Trinh Vương … thật ra không có gì quan trọng. Nhưng đối với tôi, những kỷ niệm đẹp của ba mươi năm trước là một tài sản quý. Nó khiến cho quá khứ của tôi không mờ nhạt, và quê hương Bình Định của tôi trở nên đáng yêu. Xin cảm tạ quý Soeurs.
California 06/2003
Nguyễn Mộng Giác