Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trời Xanh, Bên Kia Sông…

Tặng Kinh Dương Vương.

Buổi sáng hôm đó, toán tuần cảnh bắt về đồn một người đàn ông râu tóc bù xù, ở trần, chỉ mặc có cái quần tây dài màu xanh đậm cũ kỹ. Viên sĩ quan đồn trưởng chú ý ngay đến mái tóc quá dài, và đôi mắt đờ đẫn của người lạ. Ban đầu, viên sĩ quan tưởng đôi mắt ấy còn giữ nguyên sự sợ hãi lo lắng thường thấy trên gương mặt bất cứ khách lạ nào đến đây. Nhưng chừng năm phút sau, ông ta thấy mình lầm. Sự lạc lõng, thất thần trong lối nhìn của người đàn ông hơi khác thường. Ðó là dấu hiệu của vắng mặt, của bàng quan, của xa lạ với hoàn cảnh trước mắt. Ông tò mò, ngồi lại ngay ngắn trên ghế, hỏi người cảnh sát:

-Vụ gì đó?

-Thưa thiếu úy, lão này định cởi quần áo đứng tô hô trong công viên.

Viên sĩ quan nhíu mày, hỏi lại cho rõ:

-Cái gì? “Ðịnh cởi quần áo” hay “đã cởi rồi”? “Ðứng tô hô” hay là “chạy tô hô”?

Người cảnh sát cười:

-Dạ lão đã cởi xong cái áo, em còn để ngoài xe. Còn cái quần này thì lão đã mở nút, định tụt xuống. Thiếu úy thấy không, mấy hột nút chưa gài lại. Em thổi còi, lão mới sợ bỏ chạy.

Thiếu uý gật gù, vẻ nghiêm nghị cố ý không thể che được nụ cười mỉm nửa đùa cợt, nửa mỉa mai:

-Như vậy là “chạy truồng”. Mãi hôm nay, phong trào đó mới tới Việt Nam.

Tất cả mọi người trong phòng đồng nổi lên cười ồ. Dĩ nhiên là trừ người khách lạ. Tiếng lao nhao bàn tán tưởng như không bao giờ chấm dứt:

– Nude Streaking Giao-chỉ.

– Hôm qua báo đăng có “chạy truồng” ở Đại Hàn. Một trung sĩ Mỹ da đen “chạy truồng” giữa phố đông.

-Thấm gì! Bên Mỹ có “chạy truồng” ngay giữa lễ phát giải thưởng điện ảnh Oscar.

– Còn chưa thú bằng “chạy truồng” trong lưu xá của nữ sinh viên.

Phải đến lúc cuộc bàn tán vô trật tự chấm dứt, và viên thiếu úy lấy lại cái uy của mình. Ông ra dấu cho mọi người im lặng, quay hỏi người khác lạ:

– Ông tên gì? Giấy tờ đâu?

Người đàn ông giật mình, đưa tay rờ lên túi quần sau như cái máy. Vẻ mặt càng ngày càng sợ sệt. Không muốn đùa dai thêm nữa, người cảnh sát đưa xấp giấy tờ cho vị chỉ huy:

-Dạ em có giữ đây. Không có gì bất hợp lệ.

Viên thiếu úy chăm chú quan sát từng mảnh giấy một, vừa xem vừa đọc to:

– Giấy căn cước tên Nguyễn Văn Út, sinh năm 1934 tại Tân Dân…, giấy miễn dịch vĩnh viễn… lý do vì đâu… bị thương hả. Chứng chỉ cư trú… ờ… Còn giá trị… Mà sao lại còn có thêm biên nhận phạt vi cảnh đây… Hóa ra khách hàng quen đây mà. Lần trước tại sao bị phạt, trong giấy, mực nhòe đọc không rõ?

Người đàn ông tên Út lúng túng, đưa tay lên rờ nhổ mấy sợi râu trên cằm.

Anh tằn mằn nhổ hết sợi râu này đến sợi râu khác. Phải, lần trước cách đây không lâu. Chừng hai tuần là nhiều. Người ta cũng thổi còi, cũng nắm chặt lấy hai cánh tay anh kéo mạnh ra phía sau. Chỉ khác một điều: đồn cảnh sát ở ngay bên cạnh, người ta không cần dùng đến xe. Nguời thẩm vấn già hơn, đáng bậc cha chú của ông này. Lời lẽ nghiêm khắc hơn. Từng tiếng dằn xuống, gọn sắc như nhát dao trên thớt. Ông ta giải quyết vấn đề nhanh, ra lệnh gọn: “Cởi quần áo giữa đám đông, phạm thuần phong mỹ tục, mang tội công xúc tu sỉ. Biên giấy phạt vi cảnh”. Anh Út không nhớ chính mình lục bóp trả tiền hay chính người cảnh sát thu số tiền đó trong mớ giấy từ lộn xộn, bèo nhèo ở trên bàn trước mặt ông. Điều đó đâu quan trọng gì! Anh được thả ra, lòng hoang mang không hiểu thứ ma quỉ nào nhập vào anh, buộc anh làm những việc trơ trẽn kỳ quái như vậy. Anh đã đứng tuổi, gia thế không đến nỗi thấp hèn. Anh không bao giờ, nhất định không bao giờ muốn làm trò cười cho đám đông. Anh thích ăn mặc chững chạc, đi đứng khoan thai, ăn nói ôn tồn. Chiều chiều, anh thích đi dạo một mình trên bờ biển, nhìn những đợt sóng xô nhau tiếp nối như từng ngày từng tháng tiếp nối đưa anh vào tuổi già mệt mỏi. Những buổi chiều lặng lẽ ấy, dạo một mình, anh thường ngâm thơ, hay tập làm thơ. Lúc đó anh cách xa với cuộc sống rộn rịp quay cuồng. Anh tự tại, anh độc lập. Để bù vào những buổi chiều trầm tư ấy, có nhũng buổi sáng anh đắm mình trong cái rộn rã, náo hoạt ở công viên, đến sạp báo cạnh rạp chiếu bóng đọc hết tin giật gân này đến tin động trời khác. Anh không còn là anh nữa, anh trở thành tiếng rao mì của chú ba Tàu già, tiếng leng keng của chị bán bong bóng, tiếng nổ quá lớn một chiếc Honda cũ, tiếng trẻ ăn xin lè nhè gần bên quán nước. Anh nhập vào cuộc, như một giọt mưa dông nhập vào cuồng lưu đục ngầu phù sa tràn khắp các cánh đồng duyên hải. Anh quen thân với đống rác góc phố câu khẩu hiệu giăng giữa hai trụ điện, tên đu đãng chuyên cướp tiền lũ trẻ đánh giày, con chim nhỏ lơ láo trên nóc đài tưởng niệm chiến sĩ, đám cỏ úa trên công viên, người lính tuyển mộ pháo binh, anh cảnh sát áo xám cau có.

Viên thiếu úy không dằn được tức giận, giọng hỏi xẳng:

-Thế nào? Lần nước tại sao bị phạt?

Người đàn ông ngơ ngẩn hỏi lại:

– Dạ?

– Vì sao có cái giấy này?

– Dạ vì…vì người ta thấy tóc tai của tôi…

Thiếu úy ngắt lời người đàn ông:

-Đúng lắm. Ông để tóc hippy. Không hợp đâu. Hippy là tụi con nít kia. Tụi nó vô công rỗi nghề, tiền bạc nhiều, bắt chước Âu Mỹ để tóc dài, mặc quần áo dị thường, cổ đeo chuổi ốc. Ông chừng ấy tuổi, hippy coi sao được…

Viên sĩ quan ngập ngùng, rồi dừng lại. Chính thiếu úy cũng biết suy luận của mình không được ổn. Người đàn ông này đã ngoài bốn mươi. Nét mặt khắc khổ, dày dạn. Đôi mắt thiếu linh hoạt, là bằng chứng sự cam chịu hơn là óc a dua đua đòi. Hay người này là một đạo sĩ, hoặc một cuồng sĩ? Nhưng đã lỡ phóng lao, thiếu úy phải đẩy tới cùng:

– Âu Mỹ khác, mình khác. Ðâu có thể cái gì cũng bắt chước được. Thấy người ta để tóc dài thì bắt chước để tóc dài. Thấy người ta “chạy truồng” thì cũng bắt chước “chạy truồng”. Người ta làm có ý nghĩa. Người ta đòi hỏi sự thật trần truồng về vụ Watergate. Người ta đòi được biết hết hội dung bao nhiêu cuốn băng mật. Cả một phong trào đòi hỏi sự thật đang làm chấn động dư luận Mỹ. Người ta muốn một hình thức biểu lộ nào đó. Mít-ting. Cũ rồi. Biểu tình. Tổ-Chức rắc rối lắm. Ngồi lì. Ðã buồn lại mệt. Phải tìm cách nào cho vui nhộn. Các cô các cậu sinh viên tìm ra được hình thức mới nhất: “chạy truồng”. Nguời ta cởi quần áo nhằm ý nghĩa sâu xa như vậy, chứ đâu phải làm khơi khơi.

Viên thiếu úy dừng lại để tận hưởng sự thán phục của mọi người trong phòng, đoạn quay về phía người đàn ông trách móc:

– Ông chừng ấy tuổi đầu, đâu phải con nít, thấy báo đăng bên Mỹ có phong trào “chạy truồng”, cũng bắt chước chạy truồng!

Bây giờ thì anh dựa sát vào tường. Anh có đủ cảm giác an toàn để hiểu được một phần lời trách cứ của viên thiếu úy. Chỉ có những kẻ trẻ người non dạ mới hay bắt chước. Người ta cởi quần áo ra mà chạy, mặc kệ họ. Mình có lập trường riêng… Nhưng…không được, không thể được! Phải làm như mọi người! Trong những tình thế đặc biệt đầy dẫy suốt cuộc đời anh, anh rút được một kinh nghiệm quí giá: là đừng làm cái gì khác thường. Đạo sống khôn ngoan nhất là chìm vào đám đôg vô danh, lẩn mất giữa đồng phục. Đời luôn luôn muốn vậy. Hồi đó anh bị Pháp bắt trong chiến dịch Atlande, và bốn tháng sau khi ký hiệp định Genève, hai bên Pháp Việt bắt đầu trao trả tù binh.Trước khi lên xe Hồng thập tự, người ta phát cho bọn anh cùng một loại quần áo. Mỗi người mặc một cái áo vải popeline fort đen, và một cái quần dài cùng mầu. Trước ngực mang một tấm bảng ghi tên họ, tình trạng vết thương hay bệnh tật, và các thứ thuốc đã chữa trị. Cầm đầu phái đoàn là một thiếu tá, anh nhớ hình như thiếu tá Hall. Đoàn xe Hồng thập tự chở hơn hai trăm tù binh bộ đội khởi hành ở Qui Nhơn lúc 9 giờ, vì đường xấu nên đến trước cửa chùa Hang – địa điểm trao đổi tù binh – lúc 10 giờ. Người Pháp còn đem theo hai chiếc trực thăng đậu sẵn ở đám ruộng khô phía dưới chùa chuẩn bị chở tù binh Pháp bị thương nặng về thẳng Nha Trang. Mọi người lục tục xuống xe, sợ mấy gương mặt hung dữ đỏ gay của bốn người lính Pháp nên nem nép lặng lẽ xếp hàng tư đúng trước tấm “tăng” lớn giăng trên đường nhựa. Nhìn qua phía bên kia, anh thấy người ta lần lượt khiêng thương binh Pháp bằng chõng tre đặt ngay ngắn dưới nhà rạp cất tạm bên vệ đường. Sĩ quan hai bên bàn bạc thương lượng ngay trước cổng chùa. Giống như tất cả mọi người trong đoàn, anh phập phồng theo dõi cuộc bàn bạc, sợ các trục trặc bất ngờ vào phút chót làm ngăn trở cuộc đổi tù. Trời nắng chói chang, khí nóng bốc hơi từ mặt đường nhựa loang lổ và vách đá núi.

Sống trong khí hậu này, một người cục súc như thiếu tá Hall có thể dễ dàng nổi cáu và đổi ý kiến. Anh nheo mắt về phía cổng chùa như nhìn tương lai của đời anh.

Nếu cuối cùng, họ gật đầu? Anh sẽ chạy qua khỏi cổng chùa, đến chỗ nhà rạp. Anh sẽ vứt bỏ bộ mặt lù đù ngu ngốc giả tạo, vừa chạy vừa cười về phía những người bạn người thân đang chờ đón anh. Anh sẽ cười hả hê, hét to cho sướng phổi. Anh sẽ nhảy cỡn như con nít giữa trưa nắng. Mẹ anh, người mẹ già chắt chiu dành dụm tất cả thứ của ngon vật lạ và lòng thương yêu cho đứa con trai út, chắc đang nôn nả chờ anh đâu đó. Sau nhà rạp? Không thể được. Đây là khu phi quân sự. Phải xa hơn nữa, như phía bên kia sông Trường Úc hoặc trên Chợ Huyện. “Mẹ ơi! Chắc bạn bè con trong Trung đoàn 803 trên đường rút về hậu phương chuẩn bị tập kết có gặp mẹ, báo tin cho mẹ hay rằng con đã chết mất xác trên rừng Trường sơn. Con không chết được đâu mẹ. Út của mẹ không thể chết được. Con chỉ bị ngộp vì khói bốc lên từ đoàn xe bị phục kích trên đường 19. Con bị lạc đơn vị, bị Pháp bắt khiêng một tên trung tá lội rừng suốt hai ngày từ cây số 15 cho đến cây số 22, sau đó được chở về Qui Nhơn để chờ trao trả tù binh ngày hôm nay. Con của mẹ khổ sở vất vả lắm. Sáu tháng trường chúng con vật vã với rừng hoang, lưng chúng con rướm máu vì khuân không biết bao nhiêu lương thực và vũ khí để chuẩn bị cho cuộc phục kích cuối cùng. Ngày này qua ngày khác, chúng con chỉ ăn toàn một thứ cơm thiu với muối, và nước suối đục là ổ vi trùng sốt rét và kiết lỵ. Tụi bạn con đã quỵ xuống, bị trung đoàn bỏ lại cho thú dữ. Có đứa tan xác vì B26 hoặc Bearcat. Út của mẹ thì không! Con của mẹ dẻo dai chịu đụng, ốm nhưng bền như cây sậy. Mẹ có đem quà cho con không mẹ?”.

Có ai xô sau lưng anh. Ơ kìa, thiếu tá Hall đang tươi cười vẫy tay ra hiệu cho bọn anh tiến tới. Giờ phút mầu nhiệm đã đến. Thần kinh anh căng thẳng, tưởng sắp đứt ở lưng chừng cố gắng. Anh cảm thấy nghẹn nơi cổ họng. Giá anh được thét lên một tiếng! Anh quay nhìn hai bên, đằng trước, đằng sau. Mọi người đều lầm lũi bước, nhịp bước vô hồn. Anh nhìn qua phía bên kia. Họ đã khiêng thương binh Pháp đến gần cổng chùa. Máu nóng nhộn nhạo trong người anh, và trên từng làn da thớ thịt, anh có cảm tưởng sắp có thứ gì nổ bùng như loại thủ pháo anh thường sử dụng. Đoàn người tiếp tục tiến, tiến gần ranh giới trước chùa. Tiến gần. Tiến gần hơn. Tĩnh vật cuối cùng anh ghi nhận là cổng chùa rêu phong, sau đó là cơn địa chấn: Đoàn người uể oải trầm lặng bao quanh anh đột nhiên hét lớn: “Đả đảo Bảo Đại”. Ban đầu tiếng hét còn lộn xộn, càng về sau tiếng hét càng nhịp nhàng theo cánh tay giơ cao. Anh biết mình đã qua khỏi vùng địch. Cả đoàn chạy về phía nhà rạp. Chập chờn trước mặt anh là những hình ảnh người mẹ già đang ngồi bỏm bẻm nhai trầu. Anh chạy nhanh hơn, tay phải giơ cao, miệng hô khẩu hiệu. Cán bộ trong đoàn đã rút cờ đỏ giấu trong người ra phát. Anh nhìn lá cờ bay như cái khăn trầu phất phơ của mẹ. Chung quanh anh, bạn bè bắt đầu xé rách bảng tên trước ngực, lần tay cởi áo vứt xuống đường. Câu khẩu hiệu thay đổi: “Đả đảo thực dân Pháp”. Anh khựng lại một chút, chợt nhớ ra bạn anh biểu lộ sự căm thù thực dân bằng cách vứt bỏ hết y phục do thực dân may sắm. Anh nghĩ nhanh: “đúng lắm”, và bắt chước mọi người. Bạn bè anh đang cởi vứt quần áo, anh cũng phải cởi vứt quần áo. Mẹ anh chắc đã mang sẵn quần áo mới cho anh. Hình ảnh bà cụ chập chờn trong nắng rực rỡ làm cho anh vụng về, chậm chạp hơn các bạn. Anh vứt được cái áo, tự khen mình bằng cách đưa thẳng nắm tay phải lên cao để hét to: ” Đả đảo Bảo Đại”. Bằng bàn tay trái, anh lần tìm gút dây lưng để cởi nốt cái quần. Chính lúc đó, lúc anh cách đoàn người đang đứng chờ đón anh dưới mái nhà rạp độ mười thước, anh mới khám phá ra trở ngại oan nghiệt: anh quên mặc quần lót.

Trang số 231 tù binh được Pháp trá về hôm ấy, chỉ còn một mình anh gắng gượng giữ lại cái quần đen vải popeline fort của thực dân. Mưa buồn bắt đầu đổ rả rích từ đó, dai dẳng suốt cuộc đời anh.

Người cảnh sát trẻ ngồi gần cửa sổ nhận xét:

– Hình như người nầy không bình thường, thiếu úy. Mắt ông ta lạc thần. Ông ta không hiểu mình nói gì cả.

Người lính đưa ông Nguyễn Văn Út về đồn cũng bảo:

– Không phải hippy già đâu thiếu úy. Chắc là một ông đạo ở trong Nam ra, sống dị thường, như ông Ðạo Dừa. Biết đâu đây là ông đạo trong mùa chay, phải tịnh khẩu.

Người cảnh sát thứ ba góp ý:

– Hay ông này là đồ đệ tên cuồng sĩ bên Tàu, nằm trần truồng trong nhà mà ca hát. Nguời ta cho ông ta điên. Ông bảo người ta điên, hẹp trí. Ông ta lấy nhà cửa làm quần áo, lấy trời đất làm nhà cửa, mà dám bảo là điên.

Cả phòng lại cười. Viên thiếu úy rụt rè bảo:

– Chắc ông này mất trí. Nhờ vậy mới được miễn dịch vĩnh viễn. Còn nếu không…

Người cảnh sát trẻ tuổi muốn thử lần chót, đến gần ông Út nói như quát vào mặt:

– Tại sao? Tại sao lại cởi quần áo trước đám đông mà không biết xấu hổ? Trời đất! Sao chắp tay đứng trân vậy? Ông thả tay ra đứng ngay ngắn tôi coi!

Người đàn ông giật mình, bàn tay phải thả bàn tay trái, đứng thật thẳng, lưng không dựa vào tường nữa. Viên thiếu úy cưòi vui vẻ:

– Đâu có. Ông ta hiểu mình nói gì mà. Lúc đầu, tôi hỏi, ông ta trả lời đàng hoàng. Đây là một trường hợp…

Anh không nghe hết được câu nói của thiếu úy. Trí nhớ mong manh của anh dính cứng vào một hình ảnh vừa được người lính trẻ gợi lại: hình ánh hai bàn tay nắm chặt lấy nhau. Bàn tay phải bóp chặt bàn tay trái để trừng trị. Và bàn tay trái cũng muốn bóp nát bàn tay phải. Cả hai đều có tội. Trước hết là bàn tay trái. Tại nó, vì nó mà anh điêu đứng, ngay từ phút đầu. Vì sao nó dám giữ chặt lấy lưng quần popeline fort đen, không chịu buông thứ y phục ô nhục đóxuống đất nhớp, để dày xéo lên trên? Bàn tay trái này là bằng chứng tinh thần nô lệ, vọng ngoại. Người ta nhìn anh xúng xính cái quần vải tốt như nhìn một kẻ lộn sòng. Các cô gái trong ban tiếp tân cũng phát nón cho anh, phát khăn cho anh. Nhưng họ giả vờ sơ ý, không bưng cho anh bát nước trà đường như đã bưng cho mọi người trong đoàn. Họ còn tụ nhau lại xì xào bàn luận thật lâu trước khi phát thêm cho anh cái áo. Cô gái có đôi mắt thật sắc sảo và cái cằm lẹm đã nói với anh:

– Anh chỉ cần cái áo. Còn cái quần, anh có rồi. Chắc anh chỉ thích loại vải sang mà thôi. Chúng tôi mặc toàn vải ta, quê mùa.

Mưa mùa đông không tạnh ngay chiều hôm ấy. Người ta triệu anh lên thẳng bộ chỉ huy trung đoàn, không cho phép anh ghé nhà nhìn lại cái khăn trầu và đôi môi mẹ nhóp nhép. Anh bị biệt cư, làm hết tờ phản tỉnh này đến phản tỉnh nọ. Từ trong phòng vắng, anh đau khổ nôn nao nghe tiếng cười những đêm liên hoan gió thổi tạt từ bên kia vườn, tiếng con chuột rúc trong xó tối, tiếng lá chuối rùng mình, tiếng võng đưa kẽo kẹt của người lính canh. Anh trốn khỏi đơn vị giữa khung cảnh xô bồ biển dâu của những ngày cuối năm 1954 như một phép lạ. Cảnh tranh tối tranh sáng: một bên sắp ra đi muốn tiêu diệt tất cả mầm mống đối nghịch để chuẩn bị cho kế hoạch đấu tranh mới, một bên sắp đến muốn gieo những mầm sống ban đầu cho chế độ. Tình thế hỗn mang như con lốc, quật gãy vùi dập những cành cây cứng. Tin một phó-chính-ủy bị trùm kín để cưỡng ép xuống tàu được loan truyền khắp nơi, càng làm cho anh hốt hoảng. Suốt ba tháng ròng, anh thực sự thành dân du mục. Ban ngày anh trốn nấp ở xó bụi ven rừng nào dó, ban đêm bò ra đào trộm khoai mì ăn ngấu ăn nghiến. Râu tóc anh mọc dài cùng với lòng thù ghét loài người và ánh sáng mặt trời. Áo quần anh rách mục. Anh nhớ mẹ, thèm được nhìn lại ngôi nhà xưa, nhìn lại giàn bí trước sân, ngắm những con bướm vàng bay trên những luống cải bẹ. Anh thèm đứng thẳng, không sợ trước mặt, lạnh sau lưng. Cho đến ngày chiếc tàu Ba Lan chở đoàn quân cuối cùng nhổ neo khỏi biển Qui Nhơn hướng ra phía Bắc, anh thở phào nhẹ nhõm. Thế là thoát.

Nhưng chính lúc đó, bàn tay phải lại bắt đầu hại anh. Chính nó, chính nó đã siết chặt năm ngón lại nhau thành một khối ý chí, khối bạo lực, đòi đả đảo vị vua cuối cùng của triều Nguyễn. Nó có tội với chế độ mới, như bàn tay trái có tội với chế độ cũ. Nhiều, rất nhiều người sẵn sàng làm chứng để kết tội anh, đó là chưa kể các chiến tích của anh dọc theo quốc lộ xuyên rừng. Lần này, phải chính nó cầm viết tự thú, cầm viết cam kết ly khai, cầm cờ tuyên thệ. Anh tìm được đôi chút bình an, nhưng càng ngày càng trở nên lơ đãng, ơ hờ. Kỷ niệm lần lượt bỏ anh mà đi. Anh xa lạ với cỏ cây, mặt trăng mặt trời, trước mặt và sau lung. Thảm kịch ấy kéo dài gần suốt hai mươi năm nay, trầm lặng như những ngọn gió âm thầm thổi qua các đỉnh núi đá cây cối cằn cỗi. Gần đây, anh tự thấy mình đổi khác, và điều ấy khiến anh lo sợ, rồi hốt hoảng. Đột nhiên anh trầm ngâm, đột nhiên anh yêu đời. Và giữa giai đoạn chuyển tiếp, trong kẽ hở của tối và sáng, âm và dương, từ cõi âm u mù khơi dâng lên niềm tiếc nuối: Anh tiếc cho đời anh, hối hận tại sao không để mặc cho cái quần popeline fort rơi xuống, mà lại dùng bàn tay trái giữ lại. Tại sao mình không để mặc trần truồng, cho sự thật đơn giản là sự thật, cho cuộc sống xuôi theo chiều lịch sử như giọt nước mưa thuận dòng từ suối ra sông từ sông ra biển? Tại sao không vất hết bộ y phục ấy đi, để chìm vào đám đông, lặn trong đồng phuc? Sự dĩ lỡ đó, liệu còn cứu vãn được không? Lúc này? Tại đây? Chao ôi! Giữ kín một chút “riêng tư nhỏ nhoi” mà phải gặp bao nhiêu oan nghiệt ấy hay sao? Anh thương hại mình nồng nàn, mà cũng bỡ ngỡ lo ngại cái tiếc nuối huyền bí lâu lâu xuất hiện đưa đẩy anh làm chuyện lố lăng. Sự dao động trong tâm hồn anh quá sức chịu đựng của cái thân thể ốm đói. Anh thút thít khóc, trước sự kinh ngạc của mọi người.

Nguời cảnh sát reo to:

– Em nói đúng. Lão ta điên mà.

Viên thiếu úy trưởng đồn gật đầu, ra lệnh:

– Thôi. Trả áo lại cho ông ta. Tìm phố vắng thả ổng xuống.

Người ta trả cho người đàn ông cái áo sơ mi xanh đã rách ở lưng và cánh tay. Ông ta chụp lấy áo, đội lên đầu, rồi chạy nhanh ra khỏi đồn. Hai ống tay áo rũ liệt phất phơ như đôi tay của một loài ma.

Nguyễn Mộng Giác

( Văn Học, số 108 tháng 4 năm 1995 )

   Số lần đọc: 4229

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây