Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Về trời

Ðêm hai mươi hai tháng chạp, hai táo ông và táo bà ngồi chụm đầu vào nhau để lập bản báo cáo lên trời. Tối hôm ấy táo bà ăn mặc diêm dúa hẳn lên: quần jean chính hiệu Texwood, áo polo đỏ chói có mang quốc huy Hoa Kỳ và hàng chữ Anh: Still going strong. Táo ông từng bị hỏa thiêu đầu tiên trong đống rơm dạo nọ có vẻ ủ rũ trong chiếc áo sơ mi nâu dài tay đã vá ở vai, cổ và lưng. Táo ông kia mất sạch quần áo lúc được vớt lên tàu khoan dầu Rembertitum nên được một thủy thủ cho bộ quần áo công nhân hãng dầu OSA màu da cam đã sờn ở đũng quần. Lúc họ ngồi bàn lập bản tổng kết cuối năm, ông ta vẫn mặc bộ quần áo may liền kỳ dị ấy.

Táo bà thấy táo ông mặc sơ mi vá ngồi hớ hênh theo kiểu ở rừng (nghĩa là một chân bỏ xuống đất một chân gác lên ghế) liếc nhìn táo ông OSA, đỏ mặt nhắc:

– Anh ngồi ý tứ một chút. Ở đây có phụ nữ. Tập làm quen với nếp sống văn minh đi thì vừa. Người bị chỉ trích vội bỏ chân xuống, kéo vạt áo nâu phủ lên đôi bắp vế mọc đầy lông chân. Táo ông hớ hênh dàu dàu nét mặt. Ông không chịu được sự bất công trong lối phân chia tình cảm. Tại sao trước khi chỉ trích ông, táo bà lại liếc mắt đưa tình lão OSẠ Liếc xong lại đỏ mặt. Con đượi ấy trở chứng rồi. Chẳng lẽ mặc quần áo kín mít từ cổ cho đến gót chân lại gợi tình hơn cách ăn mặc đơn giản cổ truyền của ông?

Ông vội trả đũa:

– Bà cũng phải sờ lên ót cho tôi nhờ. Ai đời mới qua đây chưa đầy, à quên, mới qua đây có hơn một tháng, bà đã bỏ bộ quần áo Việt Nam kín đáo. Bà tưởng với đôi bắp vế mập như hai chân voi, bà mặc quần jean hợp lắm hay sao? Ông bà ta kén chọn bao đời mới tìm được cái quần lụa đen và chiếc áo dài làm của gia bảo để lại cho con cháu. Mập, ốm, cao, thấp, chân voi hay chân cò, đi vòng kiềng đi chữ bát, gì gì rồi mặc áo dài vào cũng đẹp tuốt. Dáng đi tha thướt, thân hình yểu điệu. Tà áo dài bay bay theo bước chân đi nên dáng người thanh thoát như có gió thổi…

Táo bà giận quá cắt lời:

– Thôi thôi! Nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc, ông tưởng tôi dốt chữ thánh hiền à? Táo ông OSA cười ruồi ra vẻ khinh miệt tình địch, rồi đủng đỉnh nói:

– Ðất nước mình nghèo chỉ vì lũ đồ gàn lẩm cẩm. Cái gì cũng “tổ tiên ta bảo”. “Thánh nhân đã dạy”, “sách xưa có nói”.

Sẵn dịp tôi nói luôn thể kẻo quên. Này anh, tại sao anh cứ khăng khăng theo đúng truyền thuyết để nhất định không chịu mặc quần? Tại sao anh cho thế ngồi như vậy là đúng truyền thống? Truyền thống nào? Của ai? Các bạn đồng nghiệp Nam Dương của ta ăn mặc tề chỉnh. Hôm trước họp mặt thân hữu để trao đổi kinh nghiệm, tôi thẹn đến chín cả người. Phái nữ Nam Dương họ chỉ trỏ, rồi bụm miệng các nói gì đó tôi chẳng hiểu. Nhưng nhất định là họ chế giễu cách ăn mặc cổ truyền kỳ cục của anh.

“Táo ông hớ hênh” giận quá đập bàn quát:

– Các người a tòng với nhau để “kiểm điểm” tôi phải không? Tôi mặc quần vào thì còn ra cái thể thống gì nữa! chửi rủa tổ tiên sa sả là văn minh chắc! Still going strong? “Vẫn còn đi mạnh” tức là “chưa lỏng đầu gối”. Ngọc Hoàng ơi hỡi Ngọc Hoàng! Ngài sắp tiếp con ngày mai, nhưng đêm nay Ngài có chịu nghe con báo cáo trước vài điều khẩn cấp hay không? Con mụ này nhơn nhơn khoe khắp thiên hạ rằng “mình chưa lỏng gối”. Thế mà nó dám chê con ăn mặc hớ hênh!

Thấy người chồng số 1 kêu la om sòm, táo bà đâm hoảng. Táo OSA cũng chùn bước. Họ bắt đầu hối hận. Chọc giận ông cáu kỉnh, ổng dám đem chuyện xấu trong nhà ra rêu rao khắp đảo lắm! Táo bà xích lại gần con người nóng tính, vuốt ve hai bàn tay đen điu của ông, dịu dàng làm lành:

– Nói đùa cho vui mà anh nỡ giận! Thôi, em xin lỗi vậy.

Táo ông OSA cũng ôn tồn bảo:

– Nàng đã biết lỗi thì anh không nên để tâm làm gì. Ca dao có câu:

Chồng giận thì vợ làm lành

Miệng cười tủm tỉm rằng anh giận gì… Táo ông nóng tính vội xua tay:

– Thôi thôi. Mới có một nửa bà vợ tôi chịu còn không nổi, huống chi là rước thêm một cô vợ bé. Một bà vợ rưỡi, Trời ơi! Tôi có điên đâu! 

Bà táo cười xòa. Hai táo ông cũng cười xòa tuy trong lòng mỗi người còn ấm ách niềm riêng. Ðể cố quên chuyện đau lòng, táo OSA liền đề nghị.

– Chúng ta bàn chuyện làm ráp-po ngay kẻo khuya.

Táo bà vỗ tay:

– Phải đấy!

Táo nóng tính và hớ hênh chán nản nói:

– Cũng phải thôi!

Thế là họ bắt đầu bàn cãi để lập bản báo cáo cuối năm…

Ngày mai “táo ông hớ hênh” sẽ cưỡi cá chép lên Thiên Ðình.

Họ không còn nhiều thì gì để gấu ó nhau nữa!

*

Táo bà và táo OSA đồng ý nhường cho con người “hớ hênh cổ truyền” chức chủ tọa. Táo OSA làm phụ tá chủ tọa còn táo bà làm thư ký. Táo OSA ân cần hỏi người vợ chung:

– Em viết có mệt không? Giấy bút đã đủ cả chứ. Táo bà sợ người ghen, nghiêm mặt đáp:

– Viết thì tạm dùng than củi đước. Giấy vàng bạc chủ nhà mua sẵn để cúng đưa chúng ta, dùng cũng tốt thôi. Nhưng phải viết bằng chữ gì đây? Việt Nam hay Nam Dương?

Chủ tọa cuộc họp sa sầm ngay nét mặt:

– Nam Dương à? Bà lén sang các bếp Nam Dương học “cua” đặc biệt phải không? Táo bà vội phân trần:

– Em quen miệng hỏi cho vui thế thôi, chứ có biết tiếng Nam Dương đâu.

Táo OSA chen vào để bớt căng thẳng:

– Ðến tôi muốn học lắm mà cũng không thuộc được nhiều. Hơn một tháng chỉ nhớ mỗi một chữ TEMBAKAU là thuốc lá.

Chủ tọa vẫn còn ấm ức, liếc táo bà nói mỉa:

– Còn bà thì gặp tụi táo Nam Dương lúc nào cũng SELAMAT, miệng cứ cười toe ra. Táo bà giận, gần như dằn từng tiếng:

– Tôi hỏi ông, ông là chủ tọa họp bàn thảo sớ, hay là Thiên Lôi xách búa đi hỏi tội? Người đâu mà hở một tí đã ghen! Nào, viết cái gì đọc tôi viết cho xong, buồn ngủ quá rồi.

Cả hai táo ông đều đưa mắt nhìn nhau, ngầm đẩy phần “khởi đầu nan” cho địch thủ. Chủ tọa làm lớn phải làm láo, tằng hắng rồi nói:

– Suốt năm ta nằm trong xó chợ, gần đến cuối tháng 11 mới có người đến mua ta về đặt lên ghe, rồi liên tục theo ghe từ Việt Nam qua đây. Cho nên ta chỉ báo cáo từ lúc ghe nhổ neo cho đến bây giờ. Phải thế không!

– Phải lắm!

– Chí lý lắm!

– Ta cũng không nên viết sớ theo lối cổ điển. Tôi nghe năm ngoái nghe đọc mãi cái giọng ê a và nội dung sớ y như nhau, Ngọc Hoàng ngáy khì khì suốt buổi chầu. Phải viết thế nào cho khác người kia!

– Phải lắm!

– Ðúng quá! Nhưng khác thế nào?

– Bây giờ ta phải bàn.

Táo bà chợt nhớ cảnh hỗn loạn trên ghe và cuộc đời trầm lặng hơn tháng nay trên đảo, có ý kiến hay hay, liền nói:

– Ta báo cáo chuyện xảy ra trên biển và trên đất liền, so sánh hai cảnh đời cho Ngọc Hoàng nghe. Biết đâu Ngài thấy lạ, quên cả ngủ gật! Chủ tọa e dè hỏi:

– So sánh thế nào?

Táo bà liến thoắng đáp:

– Chẳng hạn em có tò mò theo dõi hai cô cậu, từ lúc họ mới hấp tấp trèo lên ghe cho đến khi tạm ở tại đây.

Hai táo ông không dằn được tò mò, cùng hỏi:

– Chuyện gì xảy ra thế? Họ yêu nhau phải không?

Táo bà mỉm cười, giữ vẻ kẻ cả của người chủ động tình thế. Chờ cho hai ông chồng thật nóng ruột, táo bà mới nói:

– Lúc mới lên ghe họ chưa quen nhau. Em dám quả quyết như thế vì lúc ghe vào chỗ mỏm đá, các cậu thanh niên dày xéo lên cả đàn bà con nít để leo lên trước. Cô ấy với tay nắm lên thành mũi ghe không được vì cao quá, vô ý ngã xuống nước. Vừa lóp ngóp ngồi dậy, đã bị một người nào đó kê giày lên người lấy đà rồi đu lên. Cô ấy lại ngã quị lần nữa. May có người trông thấy đưa tay cho cô ấy nắm rồi kéo cô ta lên. Em không lầm được. Chính cậu ấy đã đạp lên người cô ấy để giành chỗ may mắn.

Chủ tọa ngờ vực hỏi:

– Ðêm tối làm sao phân biệt ai với ai. Chưa chắc cậu ta đã biết vừa đạp lên người ngọc. Táo bà vội nói:

– Không phải chỉ có vậy. Cậu ta xuống hầm ghe trước, tìm ngay chỗ tốt rồi nằm dang tay dang chân chiếm chỗ rộng. Cô ấy lên sau cùng, ghe sắp nhổ neo mà còn đứng trên thành ghe, nên bị người ta đẩy dúi xuống hầm. Cô ta ngồi phải chân cậu ấy. Tức thì cậu ta đạp một cái thật cật lực vào lưng cô ấy. Cô ấy sợ quá, ngã chúi mà không dám khóc. Lúc ghe rời bến khá xa, hoàn hồn, cô ấy mới tủi thân thút thít! Nếu quen nhau trước, ai nỡ đối xử với nhau tàn nhẫn thế!

Táo chủ tọa vẫn còn ngờ vực:

– Lúc ấy dưới hầm đâu có đèn đuốc gì!

– Nhưng cô ấy than khóc thì phải nhận ra tiếng. Như chúng ta đây, dù tối lửa tắt đèn, em chỉ cần rên khẽ một tiếng, nhất định hai anh phải giật mình lo lắng.

– Quả có thế!

– Ðúng thế! Rồi sau sao nữa?

– Cô ấy chỉ thút thít được một lúc rồi im. Không phải cô ấy đã bớt tủi thân. Cô ấy bắt đầu nôn mửa. Bảy tám chục con người chồng chất hỗn độn trong cái hầm hẹp tối, hai anh đã thấy rồi. Sửa thế ngồi, co chân hay rút tay ra cũng không được. Lại say sóng nên ai nấy nằm ngồi la liệt, gác tay gác chân lên nhau. Mùi ôi chua của thức ăn mửa ra, mùi khai của nước tiểu, mùi nồng của mồ hôi, mùi phân con nít, đủ thứ mùi hâm nóng trong cái hầm chật chội, thật ngột thở. Muốn nôn, cứ nôn ngay lưng áo người ngồi phía trước. Muốn đái, thì đái ngay lên chân ai đó bị kẹt dưới mông mình. Cô ta cũng bị bắt buộc vô phép như mọi người. Thế mà khi cô nôn phải vạt áo cậu ta, cậu ta phát cáu, húc cho một cùi chỏ. Cô ấy không còn đủ hơi để la khóc hoặc phản đối gì. Hai ngày đêm ói mửa liên tiếp, cô ấy như cái xác chết. Cũng may, chỉ có bọn con nít ỉa vãi trong hai hôm đầu, chứ nếu cả người lớn cũng vậy thì…

– May với rủi! Trời sinh ra thế! Táo OSA được dịp trả đũa sau thời gian bị ông chủ tọa chèn ép đủ điều, liền bảo:

– Làm gì có Trời can thiệp vào chuyện ỉa đái! Ai cũng lo sốt vó nên bị bón. Ðừng nói đi năm ngày bốn đêm. Ði cả tháng trời cũng không rặn ra được tí phân nào!

Chủ tọa sừng sộ:

– Chú mày có dám nói thế trước mặt Ngọc Hoàng Thượng Ðế hay không? Bị bón! Cái thứ khoa học cùn của chú mày học lóm là gì, nếu không phải là hảo tâm, là ân huệ của Trời? 

Thấy đàn anh đem Ngọc Hoàng ra dọa, táo OSA đành im lặng.

Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Táo bà không thích cảnh đôi co giữa hai ông chồng, nên kể tiếp cho lấp đi:

– Ở trên ghe họ đối xử với nhau cạn tàu ráo máng như thế, nhưng lên đất liền họ ra sao, hai anh biết không? Cũng may bọn mình là táo rề sô dầu hỏa nên được các láng lần lượt mượn chuyền nhau nấu nước pha cà phê khuya. Hôm ấy hai anh buồn ngủ chỉ có một mình em thức. Vui không chịu được, té ra mình ở nhà chủ ghe nên không hề biết lên đảo hai cô cậu ở chung với nhau. Không biết họ làm thân với nhau từ lúc nào. Có lẽ từ sáng hôm thứ ba, lúc mọi người qua cơn vật vã say sóng và bắt đầu tỉnh táo trở lại. Cậu khá đẹp trai, tính lại trai lơ. Cô thì đẹp gái, tuổi 17 hơ hớ. Cậu ta giả vờ quên những cú đấm cú đá cật lực ba hôm trước. Cậu ân cần săn sóc từng ly từng tí. Hứng nước cho uống, tống cho bọn nhóc con mấy cú để chúng nó xanh mặt dạt ra, dành rộng chỗ cho người đẹp ngồi. Vắt cơm sống và nhão chia cho từng người có cắm thêm khúc lạp xưởng bằng ngón tay cái, cậu tự ý nhường phần lạp xưởng của mình, bảo không chịu được mùi lạp xưởng. Cô cảm động quá, lí nhí cảm ơn. Ban đêm, cậu cởi ngay cái áo len khoác lên vai cô. Người đẹp rơm rớm nước mắt. Em chẳng hiểu trong thời gian hôn mê vì say sóng, cô có nhận mặt được kẻ vũ phu hay không? Chủ tọa nói liền, giọng mỉa mai cay độc:

– Có chứ. Nhưng đã lỡ đái cả lên người người ta, mùi hôi khai còn nồng nặc, cái mùi khai quen thuộc cô ngửi quen đã biết ngay là “của nhà”, thì làm ngơ giả vờ như không biết cho nó tiện! Táo OSA nhíu mày khó chịu, còn táo bà thì thấy uy tín phái yếu bị xúc phạm:

– Anh nói thế sao được! Lúc đó ai không từng đái mửa vào người khác. Người ta, và chính cậu ấy nữa, cũng vạch quần đái vào người cô ấy. Không có gì đáng thẹn mà phải giả vờ không biết. Nhất định cô ấy không hay biết gì thật. Họ thành đôi chim câu, từ đó, không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để rỉa lông cho nhau. Cái đêm họ mượn rề sô để pha cà phê khuya, em phải dằn lắm mới khỏi bật cười. Họ rủ rỉ nói chuyện với nhau thơ mộng lắm! Cả hai ông táo đều tò mò muốn nghe chuyện thơ mộng của đôi chim câu. Táo chủ tọa cố làm ra vẻ thản nhiên khinh khi, trong khi táo OSA bộp chộp hỏi:

– Họ đã nói những gì?

Táo bà chậm rãi nói, cố kéo dài thì giờ chờ đợi:

– Chàng trân trọng nâng ca cà phê sữa lên mời nàng. Nàng khẽ cảm ơn, ánh mắt sáng lên dưới bầu trời đầy sao. Trăng vừa mới nhú lên khỏi đầu núi. Sóng ì ầm như ru tâm hồn đôi tình nhân. Chàng say sưa ngắm khuôn mặt trái soan e ấp dưới mái tóc mềm mại như tơ của nàng, rụt rè một lúc mới đánh bạo nói: “Anh không bao giờ quên được cảm giác ngây ngất lúc thoạt trông thấy em lần đầu, khi em vừa xuống ghe. Lúc đó anh cũng lo sợ như mọi người chứ. Sợ bị bắt. Sợ không lên ghe được. Sợ bị bỏ lại. Nhưng cái dáng nhỏ nhắn nhu mì của em làm cho anh quên hết. Anh thấy tự tin, bạo dạn. Cuộc ra đi lén lút âm thầm như một cuộc chạy trốn khuất lấp, có em, tự nhiên thành một cuộc phiêu lưu kỳ thú vào những miền đất xa lạ và thơ mộng. Lúc đó mà hát lên thì chắc mọi người cho mình là thằng điên. Nhưng quả thực anh khe khẽ hát. Em có nhớ lời ca bài Viễn du của Phạm Duy không?” Nàng chớp chớp đôi mắt bồ câu, sẽ đáp: “Thưa có”. Chàng vui mừng hỏi tiếp: “Em thử đọc lại, hoặc tốt hơn hết là hát lại mấy câu đầu. Ngẫm kỹ lời ca, sao mà đúng với tâm trạng anh hồi mới gặp em quá. Nào, hát cho anh nghe đi, cưng”. Nàng giả vờ từ chối vài lần cho chàng cầu khẩn van xin, rồi mới hát: “Ra khơi, biết mặt trùng dương biết đời viễn vông đất trời mênh mông biết ta hải hồ. Ra khơi, biết tình thế giới thấy lòng phơi phới thấy mộng ngày mai thấy niềm tin mới. Chơi vơi con thuyền no gió ra khỏi, bão bùng xô tới xô lui, vững tay chèo lái.”

Chủ tọa xì một tiếng, cay độc:

– Xạo hết chỗ nói!

Cả táo bà lẫn táo OSA đều phản đối:

– Họ đâu có xạo!

– Họ thành thực đấy chứ. Không thành thực thì không thể nghĩ ra được bao nhiêu câu thơ mộng ấy. Chủ tọa bực, càng cáu:

– Thế lúc mới gặp bà, tôi nói bao nhiêu câu ngớ ngẩn bây giờ nhớ lại phải đỏ mặt, còn bà chỉ cúi đầu cắn mãi ngón tay út, bà nói đi, hồi đó chúng ta có thành thực không? Nói đi.

Táo bà đỏ mặt chống chế:

– Chúng ta khác. Hồi đó…

Táo OSA xấu tính muốn biết rõ sự ngớ ngẩn của tình địch, liền cười ruồi rồi hỏi táo bà:

– Lúc ấy anh cả đã nói gì thế? Chủ tọa liền lừ mắt dọa:

– Không kể được. Bà kể, coi như… 

Táo bà hiểu phía sau tiếng “coi như” có nhiều điều hãi hùng, như “coi như tôi với bà dứt tình”, “coi như tình nghĩa vợ chồng đứt gánh”. Khổ nỗi bà đã quá quen thuộc với tính ghen tương cáu kỉnh của ông chồng thứ nhất, lâu ngày đâm nghiện như nghiện thuốc phiện. Mỗi lần ông cả ghen, bà thấy thú vị, thấy mình có giá hẳn lên. Bà không thể tưởng tượng hết cuộc đời thui thủi chán phè của những người đàn bà bất hạnh chỉ có một chồng. Vì vậy, táo bà không dám kể.

Táo chủ tọa chưa yên tâm. Nếu vợ mình kể thì làm sao? tính nhẹ dạ thích vui của bà, ông còn lạ gì nữa! Tốt hơn hết là giành lời của vợ. Cho nên mặc cho táo OSA liếc mắt về phía táo bà thúc giục một cách có ác ý, táo chủ tọa vội nói:

– Tôi cũng được chứng kiến sự đổi trắng thay đen tức cười của lòng người. Ở trên biển họ nói khác, lên được trên bờ họ nói khác. Lời nói nào của họ đáng được ghi vào ráp-po để trình cho Ngọc Hoàng? Tôi chịu không định được. Này nhé! Suốt năm ngày đêm trên biển cả, tôi cứ hoang mang tự hỏi có phải ba chúng ta vượt biên chung chuyến với giống người hay không, và tại sao Ngọc Hoàng thượng đế bắt buộc bọn táo chúng ta mang lốt người mà không cho mang lốt bò để khỏi suy nghĩ phiền phức? Lại giao cho chúng ta cái nhiệm vụ quái ác là theo dõi công việc loài người để hàng năm vào đúng 23 tháng chạp phải cưỡi cá chép bay về trời báo cáo. Lúc còn ở dương gian, có hai thứ nghề tôi vẫn sợ, là nghề thầy thuốc và nghề thầy kiện. Thầy thuốc suốt đời chỉ thấy ghẻ lở, máu mủ, ho hen, đờm dãi, bệnh tật, chết chóc. Có được người ta trọng vọng mời mọc ân cần đấy, nhưng cả đời sống nhờ vào ghẻ lở đờm dãi, gớm! Thầy kiện thì chỉ nghe toàn chuyện con giết cha, em đánh anh, vợ lừa chồng (nói đến đây, táo chủ tọa lườm táo bà một cái cảnh cáo, vì táo bà đang cười thật tươi với táo OSA), bạn bè phỉnh gạt nhau. Cũng toàn ghẻ lở, đờm dãi, chỉ khác là bệnh tật thối tha đã biến thành những điều trừu tượng. Ai ngờ chết đi, lại bị Ngọc Hoàng phạt. Ghét của nào trời trao của ấy. Chúng ta phải làm “công an khu vực” chuyên nghe lén chuyện nhà nhân gian để báo cáo cuối năm. Giá trời cho tôi già điếc tai thì may mắn lắm! Khốn khổ tai tôi cứ thính, nên phải ngẩn ngơ hoài! Ở dưới ghe các người từng chứng kiến cảnh giành giật nhau từng miếng ăn giọt nước, cảnh cãi vã trộm cắp nhau như thế nào rồi! Ba ngày đầu say sóng ăn không vô, uống nước vừa khỏi cổ lại ói ra nên chưa có chuyện gì đáng nói. Nhưng vừa tỉnh lại là con người vội mang cái bộ mặt thú. Tụi đàn ông con trai giành nước của bọn con nít. Ðêm trời mưa trần ghe hở nên từng giọt nước ngọt rỏ xuống. Bọn con nít khát quá lấy bao ni lông hứng từng giọt. Hứng cả giờ mới được một ngụm. Nhưng chúng không được phép hứng lâu. Khi thấy có thể đỡ khát bằng nước mưa mà khỏi phải ra tận be thuyền chịu lạnh chịu nguy hiểm để giăng vải bạt, người lớn đẩy tụi con nít vào chỗ khô ráo để lấy ly hứng nước. Hứng được bao nhiêu uống cạn rồi hứng nữa. Uống cành hông vẫn uống tiếp để nhỡ ngày mai trời nắng ráo không có gì mà uống, trong khi bọn nhóc kêu khóc van nài. Phần nước tiêu chuẩn hai ly con mỗi ngày do thủy thủ phát, họ cũng uống càng cả phần kẻ yếu ngồi tận góc hầm. Họ đứng ở ngoài cửa mà. Thay vì chuyền vào bên trong, họ ực ngay vào bụng cho gọn. Cái ăn cũng đê tiện như cái uống. Giành giật nhau từng mẩu bánh tráng mốc, gấu ó nhau, chửi bới nhau, xin xỏ không được thì trộm cắp của nhau, ôi thôi sao mà thối hoăng, thối hơn cả mùi xú uế nồng nặc những nước đái, mồ hôi, cứt, đồ ăn hôi chua… Muốn có thêm chút ưu quyền như một hớp nước đục pha lẫn dầu hỏa nhớt lợn cợn, một nắm cơm lớn hơn nắm cơm khác tí tẹo,  họ không ngần ngại nói dối gia thế của mình: nào là chú của chủ ghe, nào là mẹ của tài công, nào là vợ của thợ máy. Vừa nhận được phần phụ trội bất chính, họ vội cho vào mồm, sợ bị móc ra. Ðôi mắt hau háu đỏ ngầu, láo liêng nhìn quanh, lâu lâu đưa lưỡi liếm mép. Khiếp thật! Thà họ say sóng nằm ngổn ngang chồng chất lên nhau như một đống thịt nhầy nhụa hôi hám còn đỡ khiếp hơn. Ðúng là một bầy thú đói sổng chuồng! Ngọc Hoàng thượng đế ơi! Sao Ngài lại bắt con mang phải lốt người? Nếu đã lỡ mang lốt người, sao Ngài không cho con ân huệ được mù, được điếc! Phải. Ðược mù để khỏi trông thấy cảnh giành giật trên ghe, và được điếc để sau đó khỏi phải nghe họ nói lúc đặt chân được lên đất liền. Các người có nghe họ nói những gì không? Không à? Các người quên béng nhiệm vụ “công an khu vực” rồi sao?

Bản báo cáo có cần ghi rõ tên người nào đã nói những gì không nhỉ? Có lẽ không nên. Những trên 100 con người, nhiều quá. Ngọc Hoàng Ngài chỉ cần biết tình hình tổng quát. Chẳng hạn ông A (vừa giành hứng nước mưa với lũ con nít mấy hôm trước) hăng hái đòi ban đại diện phải dành mọi ưu tiên, tiện nghi “cho các cháu”. Phải phát sữa cho các cháu uống, phải lập ban đồng ca nhi đồng cho các cháu vui, phải mở lớp Anh văn vỡ lòng cho các cháu học. Ðể làm gương, ông thường dắt các cháu đi dạo biển thả diều, câu cá. Cậu B (cũng đạp lên đầu phụ nữ để lên ghe trước nhưng không phải cái cậu trai lơ của bà) vận động mọi người bắt chước văn minh tiên tiến nên tôn trọng phái đẹp; phải nhường chỗ cho phụ nữ được khám bệnh trước, lãnh lương thực trước; phải làm riêng một nhà vệ sinh cho phụ nữ để họ khỏi “công xúc tu sỉ”. Cụ B (đã giấu hai phần bánh tráng của hai người đàn bà say sóng vào túi quần để ăn thêm) hô hào đoàn kết và tự trọng để bảo vệ uy tín dân tộc Việt Nam, vận động các bậc-thức-giả suy nghĩ tìm một hướng đi, một lý tưởng cao cả cho thế hệ trẻ tuổi vừa phải bỏ nước. Cô C (vừa nhất định không chịu nhường phần nước cặn trong bi đông mang theo cho một bà cụ sắp chết khát) lên sân khấu hát bài “Nối vòng tay lớn”. Còn nhiều, nhiều lắm, kể không hết được. Họ là ai? Phần nào mới đúng là họ? Con thú trên biển dữ hay ông thánh trên đất liền? Các người trả lời giùm tôi đi!

Táo bà vốn lãng mạn không thích chuyện buồn, đáp liền:

– Ông thánh trên đất liền! Chuyện xấu hãy quên đi!

Táo OSA đáp lơ lửng:

– Cả hai. Vừa thú vừa thánh. Nói “thánh-thú” hay “thú-thánh” cũng được.

Chủ tọa chau mày hỏi:

– Thế là thế nào?

– Nghĩa là con người “ni ange ni bête” như lời Pascal. Kẻ bi quan cho là “bậc thánh sa đọa”. Kẻ lạc quan có thể gọi là “con thú thánh hóa”. Táo chủ tọa lắc đầu chê:

– Rắc rối quá. Tôi thích cái gì phân minh. Ngọc Hoàng Ngài hay ngủ gật, nhưng cũng không ưa điều mù mờ. Tôi lên nộp ráp-po nhiều lần, tôi biết. Táo bà nói:

– Cái gì rắc rối thì đừng báo cáo, chỉ thêm phiền. Chỉ nên báo cáo cái gì vui, cái gì rõ. Táo OSA liền nói:

– Thế thì nên báo cáo chuyện vui tôi sắp kể đây. Chủ tọa thấy tình địch cứ chờ táo bà tung là hứng, bực dọc chất vấn:

– Có chắc vui và rõ không?

– Chắc chứ.

– Kể đi. Ngắn gọn như tôi thôi nhé! Táo bà thấy chủ tọa bất công, liền kê:

– Ơ kìa, sao anh cả dài dòng được lại không cho anh hai dài dòng.

Táo chủ tọa đáp cộc lốc:

– Khuya buồn ngủ rồi.

Táo bà không chịu thua:

– Em chả buồn ngủ.

Chỉ chờ có thế. Táo OSA liền kể:

– Tôi cho là chuyện vui vì nó ngược ngạo quá. Ngược ngạo trong lời nói của từng người ở hai lúc khác nhau. Nhiều chuyện tương tự như thế lắm, nhưng để làm vừa lòng anh cả, tôi chỉ kể hai trường hợp thôi.

Trường hợp thứ nhất liên quan một ông khách tuổi trên dưới 20, hàm râu đen không cạo mọc lởm chởm như rễ tre khiến khuôn mặt thêm vẻ anh chị. Theo lời anh ta kể thì cuộc đời của anh phong trần thật. Từng đứng ra tổ chức vượt biên, thành công thì về Sài Gòn sống liên tiếp nhiều đêm “nhất dạ đế vương” ở khu ăn chơi Hoa kiều, thất bại dám tổ chức cướp ghe để bù lỗ. Bốn lần vào tù, ba lần vượt ngục, lần chót vừa ra khỏi trại giam Cựu Chiến Binh thì đến ngay Bãi Dâu lên ghe vượt biên thành công. Lúc được tàu khoan dầu vớt, anh cẩn thận mang cái “rề sô chúng ta” lên tàu, thành thử anh ta trở thành ân nhân của chúng ta ngồi đây. Không phải thế sao? Anh ta không chịu khó mang rề sô lên thì cả ba chúng ta đã lênh đênh trôi dạt trên biển cả rồi chết chìm dưới đáy sâu rồi. Tuy vậy, tôi không nói tốt hay nói xấu anh ta làm gì. Tôi chỉ kể khách quan theo lương tâm một công an khu vực. Anh ta lên tàu, mang rề sô đến cho chị chủ ghe và cảm động run run nói: “Thú thật tôi đã từng tham gia vượt biên nhiều lần, lần bị vỡ ngay từ trên bờ kẻ bị bắn chết kẻ bị tù, lần ra đến hải phận quốc tế rồi tàu hư phải quay vô, nhưng chưa có lần nào thấy tổ chức hoàn hảo như chuyến này. Anh em ở bãi làm việc nhanh nhẹn chính xác. Ghe vừa cập vào, một người đằng lái thả neo, một người đầu mũi nhảy xuống nước vừa đo độ sâu vừa cột dây vào bến. Lựa được đúng chỗ mỏm đá cao đầu ghe có thể ghé sát để khách leo lên, đâu phải dễ. Việc mua bến cũng an toàn 100%. Khách lên ghe chưa đầy 15 phút đã xong. Chưa yên tâm, một người còn soi đèn pin khắp bãi xem còn có ai bị bỏ sót không. Ghe rời bến yên lặng gần như không nghe thấy tiếng máy nổ. Suốt lộ trình lựa chọn đường đi cách sao không hề gặp cướp biển, không thấy bóng tàu quốc doanh Côn Ðảo hoặc tàu hải quân nào. Ðến tàu giàn khoan đúng chỗ, cập vào là được vớt ngay. Ăn uống tuy có hơi thiếu thốn nhưng lỗi do bãi chứ không phải do anh chị. Tôi thay mặt đa số anh chị em ở đây thành thật  cảm ơn chị nhiều. Rất nhiều. Thế mà hôm anh ta đến mượn rề sô về pha cà phê, anh ta nói sao anh cả với em biết không? Anh ta nói: “Chúng ta may mắn lắm mới còn được sống cho tới đây. Người ta đi hai ba hôm đã tới. Mình kéo dài những năm. Nếu tàu dầu không vớt, chẳng hiểu hiện giờ mình đang nằm ở đáy biển nào? Không chết khát thì cũng chết đói. Tàu gì mà chạy rề rề một giờ không được 5 cây số. Lũ tàu biên phòng chắc quáng gà hết nên mình mới sổng. Còn tổ chức bãi bến? Tôi nghĩ lại mà rùng mình! Ai lại chọn ngay bãi Dâu, chỗ thiên hạ bị bể tùm lum. Dẫn khách đi ngờ ngờ từ chỗ Phật Ðài lên đỉnh núi, ở dưới nhìn lên thấy rõ áo xanh áo đỏ bồng bế dắt díu nhau, đến con nít cũng biết chứ đừng nói công an, tôi mà đứng ra tổ chức hả? Không làm trò “ruồi bu” như thế đâu…” Trường hợp thứ hai là trường hợp “bác tài”. Mấy ngày đầu bị vất vào xó buồng lái, chắc anh cả và em say sóng không nghe gì thấy gì. Tôi tò mò chuyện đi biển nên theo dõi kỹ lắm. Lần đầu thử thách sóng gió mà! Bác tài lái ghe suốt ba ngày, lúc đã ra đến hải phận rồi mà không hề gặp tàu bè đi lại trong lòng bắt đầu phát rét. Tuy ngoài miệng nói cứng. “Tôi thuộc đường đi từ 20 năm nay. Phải tránh đường có nhiều tàu bè đi lại, vì gặp “chúng nó” phiền lắm. Tàu buôn thì độ này rất ích kỷ, không hề chịu vớt ai. Nhỡ gặp phải tàu khối xã hội chủ nghĩa lại khổ. Chọn đường vắng một mình một chợ là hay hơn hết”. Nhưng lâu lâu, bác tài trách nhẹ hai anh phụ lái, như dọn đường đổ thừa: “Hai chú lái có đúng 230 độ không đấy? Hay lúc tôi ngủ các chú lái gà lái gật, trệch mẹ mất hướng rồi”. Ngày thứ tư ghe vẫn chạy giữa mênh mông trời nước. Không gặp bất cứ thứ gì có dấu vết con người, ngoài một cái phao lưới trôi lạc. Hành khách xôn xao lo âu. Bác tài phải trấn an: “Ðịa hình vùng này như cái phễu, không thể lạc đường được. Tôi muốn vào bờ thì vào được ngay, nhưng tụi Mã Lai với Thái Lan có tử tế gì mà vào. Chi bằng chịu khó đi thẳng Galang hay Singapore”. Sang ngày thứ năm, bác cũng hết cả tự tin để nói khoác. Thấy được bóng giàn khoan trước mặt, ai cũng mừng hết lớn. Kẻ mừng nhất là bác tài, nhất định thế. Nhưng bác vẫn nói cứng: “Nó không chịu vớt đâu. Mình chỉ vào để xin thêm nước dầu và check lại tọa độ”. Cập vào tàu dầu lạng quạng thế nào đến nỗi ghe suýt chìm như anh cả và em đã biết. Thế mà lúc lên đây, ông ấy nói gì hai người biết không? “Tôi biết trước tụi tàu giàn khoan không bao giờ vớt những ghe chưa thực sự lâm nguy. Ðàn bà trẻ con phải nằm la liệt, máy hư, tàu vỡ, chúng nó mới cứu. Cho nên lúc cập vào, tôi cố ý lái như người say rượu. Chúng nó hỏi, tôi đáp tay lái hư mẹ nó rồi. Ghe có vỡ chút đỉnh chúng nó mới hết do dự, dứt khoát cho tất cả lên tàu khoan. Lúc ghe thả trôi dạt xa khỏi tàu, kể cũng ngậm ngùi thật. Nhưng không nên tiếc. Ghe gì mà chậm ì à ì ạch, tôi có dám cho chạy nhanh đâu. Bánh lái lâu lâu lại kẹt, quay đến trẹo xương vai không đi. Thủy thủ toàn loại dổm. Thợ máy mới học nghề. May phước là máy chưa trục trặc, chứ nếu hư, chỉ có tôi nai lưng cởi áo ra hì hục sửa, chứ có ai biết chút máy móc nào đâu. Mà chỗ nào đứng sửa máy đây? Ðàn bà con nít nằm la liệt ngay trên chỗ đặt máy, quần áo, tã lót, rơi cả vào dây cua roa. Hú hồn thật! Tôi đem cả gia đình phó mặc cho may rủi. Nếu biết ghe như thế, thủy thủ như thế, khách như thế, nhất định tôi không đi. Không xứng đáng với gia đình một hạm trưởng thương thuyền như gia đình tôi”. Ðấy, hai câu chuyện của tôi có đủ vui đủ rõ để ghi vào ráp-po không? Táo chủ tọa trề môi chê:

– Vui và rõ! cũng “cá mè một lứa” thuộc loại “ni ăn ni uống”.

Táo OSA ngớ ra một lúc, khi hiểu, cười phá lên:

– “Ni ăn ni uống”. Hô hố! Trời ơi là trời! “Ni ange ni bête” của Pascal mà đọc thành “ni ăn ni uống”!

Táo bà xanh mặt chờ đón cơn bão tố không dám hé môi.

Táo chủ tọa quát:

– Chú mày mới học lóm được một vài chữ Tây của lão ký già hãng thuốc lá Tây MITAC đã làm phách. Xì, đồ lai căn. Bà nó đâu? Táo bà run run đáp:

– Thưa em đây.

Táo chủ tọa lớn tiếng truyền:

– Hãy ghi vào ráp-po một câu thôi. À, hai câu cho rõ. Ghi nhé: “Lúc lên ghe cũng như lúc lên bờ, họ đều chen lấn giành giật nhau. Lên ghe, thanh niên đạp nhầu lên đàn bà để tranh chỗ; lên bờ, trò giành giật với thày để tranh ăn”. Ðủ vui và rõ chưa?

Cả táo OSA lẫn bà vợ chung đều hỏi:

– Còn những chuyện khác? – Còn chuyện tình của em?

– Hãy ghi vào phần tồn nghi ở phụ bản để Ngọc Hoàng tự cứu xét xem là loại vui hay buồn, đáng thương hay đáng trách!

Nguyễn Mộng Giác

 

   Số lần đọc: 30

Tác Phẩm

BÀI KỀ

Bài trước
Bài tiếp theo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây