Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Chủ Nhật Buồn

Nguồn: từ tập truyện ngắn Xuôi dòng, nhà xuất bản Văn Nghệ, Hoa Kỳ, 1987

Sáng chủ nhật, Kim thức dậy thấy mẹ không còn trong phòng ngủ nữa. Có lẽ mẹ vội đi đâu đấy, vì thường ngày, dù phải đi làm rất sớm, mẹ vẫn có thì giờ xếp gọn gối chăn ngay ngắn ở đầu giường. Kim xếp giùm chăn cho mẹ, lúc giũ cái chăn mỏng cho thẳng nếp gấp, cô bé thấy có vài sợi tóc dài mầu ngả xám rơi xuống đệm. Kim chợt buồn. Cái bệnh rụng tóc từng khiến mẹ hoảng hốt gần một năm nay vẫn chưa dứt. Lúc nhặt nhúm tóc rụng quay lại định bỏ vào bao giấy đặt dưới cái bàn gỗ thấp, cô bé mới tìm ra thêm mảnh giấy nhỏ mẹ viết: “Mẹ có việc phải đến nhà bà bạn dưới Irvine. Con ở nhà đừng đi chơi đâu. Nhớ khóa cửa cẩn thận, ai gọi cũng đừng mở. Thức ăn mẹ đã làm sẵn để ở tủ lạnh. Cưng!

Vậy là thêm một chủ nhật buồn! Mẹ dặn không được mở cửa cho bất cứ ai vào nhà thì không thể điện thoại rủ lũ bạn gái hàng xóm sang chơi búp bê được. Kim ngồi nụ mặt bên cái điện thoại, nửa muốn nhấc điện thoại lên tán gẫu với con bạn Lucy, nửa e ngại lười biếng vì biết trước thế nào con Lucy cũng giành nói một mình, kể sa đà về chuyện mấy chú mèo nhà nó.

Đang lơ mơ bất định thì chuông điện thoại reo.

– A lô!

– Có phải Kim đấy không?

Cô bé đâm ngại vì bên kia đầu dây, giọng đàn ông là lạ. Sau một lúc suy nghĩ, Kim đáp nhát gừng:

– Dạ, nhưng… “mom” không có nhà. Mom dặn Kim…

Tiếng nói trong điện thoại có vẻ mừng rỡ :

– Thế hả ? Mẹ đi đâu lâu không?

Kim ngờ ngợ, nhận ra giọng nói quen quen, nhưng câu hỏi và cái giọng mừng rỡ khiến cô bé đâm ngại. Cô bé ậm ừ không dám nói tiếp điều gì. Bên kia đầu dây, giọng nói có vẻ hấp tấp mừng rỡ hơn, gần như lưỡi người nói chuyện líu lại vì niềm vui bất chợt, không che giấu được xúc động:

– Mẹ xuống tận Irvine à? Ba đến thăm con ngay bây giờ. Chờ ba độ 15 phút thôi nhá!

Kim mừng quá, định nói với ba rằng Kim đang buồn, đang lo phải thấp thỏm giam mình suốt ngày chủ nhật không được ra khỏi cửa, đang sắp sửa bật tivi để lơ đãng xem hết chương trình này đến chương trình khác, thì ba hẹn đến. Đúng ba là cứu tinh của Kim. Nhưng tiếng tích tích đều dặn trong điện thoại cho cô bé biết bên kia đầu dây, ba đã gác máy.

Suốt 15 phút chờ đợi, Kim đã vội vã làm đủ thứ việc: rửa mặt súc miệng để khoe với ba hàm răng mới chà dưới phòng nha khoa tuần trước, chải tóc thật kỹ cho ba thấy cái tài uốn tóc của mẹ, xếp dọn tất cả quần áo lót, giấy vụn, đồ trang điểm mẹ vất bừa bãi ở phòng khách trong lúc vội vã ra đi, giả vờ lơ đễnh đặt cuốn vở học có nhiều lời phê tốt của cô giáo lên bàn khách để khoe với ba mình học giỏi… Còn nhiều thứ linh tinh nữa cô bé phải làm để đón ba. Nhiều, quá nhiều việc phải xếp đặt, nên khi có tiếng gõ cửa, Kim chưa kịp thay bộ quần áo mới mẹ mua cho tuần trước đế đón ba. Bộ quần áo ngủ Kim đang mặc trông nhàu nhò đến thảm hại, nhìn vào gương, Kim thấy mình chẳng khác gì con bé đầu đường xó chợ. Lại có tiếng gõ cửa. Không thể trùng trình được nữa, cô bé vội chạy ra, run run tháo cái dây xích trên ổ khóa, và mở tung cánh cửa gỗ nâu.

Ba đã đứng sẵn ở đó! Và đang cười âu yếm nhìn Kim! Hai cha con ôm chầm lấy nhau. Kim mau nước mắt vừa tớt vừa bảo giọng hờn dỗi:

– Lâu thật lâu dad không đến thăm Kim!

– Ơ! Ba không đến được nhưng chủ nhật nào cũng gọi điện thoại.

– Chủ nhật trước dad có gọi điện thoại đâu!

– Có, nhưng lúc ấy cưng của ba còn ngủ khì. Mẹ… mẹ con nhấc máy, nhận ra giọng ba, cúp điện thoại liền.

Giọng Kim buồn:

– Chủ nhật rồi mom ở nhà với con cả ngày. Phải, nhưng sao dad không chờ đến trưa gọi lại cho con?

– Kim này.

– Gì hở dad?

– Ba thích con gọi ba là “ba” hơn gọi “dad“.

– Dạ con nhớ rồi, dad ạ!

– Lại dad!

Kim che miệng cười rúc rúc một lúc, rồi ngửng mặt lên nhìn ba, nói thật chậm:

– Dạ thưa…ba, con nhớ rồi!

Hai cha con lại ôm chầm lấy nhau. Người cha đặt con gái xuống, e dè một chút, rồi bắt đầu mạnh dạn tiến về phía bộ ghế nệm màu vàng nhạt ở phòng khách. Ông nhìn quanh phòng, như muốn tìm thứ gì. Kim hỏi:

Dad có thấy khác với hồi dad còn ở đây không?

– Lại dad!

– Ồ! con xin lỗi dad! Xin lỗi ba!

– Không sao. Ba thấy căn phòng mình lạ hẳn đi, đồ đạc bàn ghế thì vẫn vậy. Bộ salon này, cái đèn có chụp thêu ren này, cái tivi Sony này…

Giọng Kim riễu cợt:

– Nhưng không còn cái gạt tàn thuốc to tướng như hồi trước nữa!

– À phải! Mẹ vẫn càu nhàu ba hoài vì cái tật đốt hết điếu này đến điếu khác. Ủa, mấy khung ảnh chỗ kia đâu rồi?

– Hôm sinh nhật con, mom lấy xuống để lau bụi bám trên tường. Chắc mom quên treo lại. À, sao hôm đó ba không đến?

Người đàn ông có khuôn mặt xương xương tóc muối tiêu khựng lại, do dự một chút rồi nói dối:

– Hôm đó ba bận việc ở sở, đã điện thoại xin lỗi mẹ và con, mẹ không nói lại cho con biết ư? Con có thích quà sinh nhật của ba không?

– Có. Mom cũng thích nữa. Ban đầu mom thích quá, reo lên. Nhưng không hiểu sau đó mom nghĩ sao, mom bảo con cất đi…

Kim quên cả e ngại hỏi liền:

– Sao ba với mom lại giận nhau hở ba?

Người đàn ông không biết trả lời thế nào, lúng túng đưa ngón tay lên quệt đầu mũi rồi nói lãng sang chuyện khác:

– Ồ, chuyện người lớn rắc rối lắm! Con đi chơi với ba hôm nay được không?

Kim mừng quá quên phắt lời dặn của mẹ.

– Được chứ ba!

– Đi suốt ngày nhé?

Mặt Kim xịu lại, nhớ lời mẹ dặn:

– Không. Phải về trước khi mom về cơ!

– Kim này!

– Ba thích con gọi…

Người đàn ông định bảo con đừng dùng tiếng Mỹ để gọi mẹ nữa, hãy gọi “mẹ” thay vì gọi “mom“. Nhưng nghĩ thoáng một lúc, lòng thắt lại, ông kịp ngưng không nói tiếp. Cô bé thắc mắc hỏi:

– Ba muốn con điện thoại xin phép mom hả? Nhưng mom xuống nhà bà bạn dưới Irvine, con có biết số điện thoại của người ta đâu.

Thấy con không nhận ra ý nghĩ thầm kín của mình, người đàn ông mừng rỡ, hấp tấp bảo con:

– Thôi được. Ba chở con đi chơi một vòng, kiếm cái gì ăn, tìm cái gì xem, rồi về.

– Đi đâu hở ba?

– Xem xi nê nhé!

– What? Ba nói gì con không hiểu!

– Xem movie nhé!

– Chán lắm ba! Con xem tivi hoài, đến thuộc làu!

– Đi ăn kem nhé!

Kim lắc đầu, môi hơi bĩu không nói gì. Người cha đề nghị:

– Hay ta đi biển?

Cô bé đứng bật dậy:

– Phải rồi. Con vẫn thích đi biển mà mom không chịu cho con đi, bảo biển ở đây xấu lắm không đẹp bằng biển Việt Nam. Ba có đem đồ tắm theo không, mom mua cho con bộ đồ tắm màu đỏ để tắm pool, ba muốn xem không?

Như vậy là họ đã có một chương trình chủ nhật hào hứng! Cô bé nhét bộ áo tắm, khăn mặt, khăn tắm, lược chải đầu vào túi vải, định giở tủ lạnh đem thức ăn mẹ nấu sẵn theo ăn trưa thì người cha ngăn lại:

– Khỏi cần. Đồ ăn Việt Nam không gọn. Con đem theo nhiều khi đổ cả ra xe. Mình ghé Liquor mua hai cái sandwich và nước ngọt tiện hơn!

Hai cha con vội vã ra xe, vội vã chạy đến tiệm thực phẩm gần nhà nhất để mua các thức ăn nguội. Kim nói chuyện huyên thiên cho đến lúc chiếc Pinto già của ba ho khục khặc rùng mình đến nhiều lần, cố bò được một đoạn, lại ho khục khặc rồi nằm lì ở vệ đường đổ nắng. Người cha thở dài, nói một mình:

– Lại làm mình làm mẩy rồi!

What?

– Ý ba muốn nói chiếc xe lại trở chứng rồi.

Cô bé không hiểu riêng hai chữ “trở chứng” là gì, nhưng đoán đại ý câu than vãn của ba. Kim thắc mắc hỏi:

– Sao ba không mua chiếc xe mới như cái Volvo của mom?

– Tiền đâu mà ba mua?

Vừa đáp, người đàn ông vừa cố đẩy cánh cửa xe sau khi kéo cần mở nắp ca-bô. Cửa xe kêu cót két đến chói tai. Kim cũng muốn ra khỏi xe để tránh hơi nóng hâm hấp, nhưng không tài nào mở nổi cánh cửa phía tay phải. Người cha mở hộ cho con, sẵn dịp với tay lấy hộp đồ nghề giấu dưới ghế nệm. Trong lúc ba loay hoay tìm hiểu căn bệnh chiếc xe già, Kim hỏi:

– Ba mua chiếc xe này bao nhiêu vậy?

– Ba trăm.

– Ba trăm? Funny! Xe mua ba trăm làm sao chạy được!

– Được chứ! Bằng chứng là ba vẫn chạy đi làm hơn một năm qua. Với lại tuy xe cũ, nhưng ba có biết nghề máy, nên hư đâu ba sửa đó, không ngại. Con đưa cho ba cái khăn bẩn ba nhét dưới đệm lót chân. Không phải bên đó, bên này này. Cảm ơn con. Không hiểu sao nhớt ra nhiều thế này!

– Hôm trước chú Kỳ lại thăm, đi chiếc xe Toyota khá mới. Chú ấy nói chỉ mua 2000 thôi. Chú chở con với mom đi thử, thấy chạy êm lắm!

– Chú Kỳ là ai vậy?

– Con cũng chẳng biết. Nghe mom nói chú ấy làm cùng sở với mom.

– Con tìm xem trong cái hộp gỗ phía thùng xe có cái… cái… nói làm sao cho con hiểu đây (người đàn ông cố diễn tả bằng cách vẽ lên không nhưng không làm được). Chật! Ba lại quên mất tiếng Anh gọi cái đó là cái gì. A phải rồi, con tìm cho ba cái monkey wrench.

Kim cười thấy ba mình tội nghiệp như người lạc vào xứ lạ, làm theo lời ba sai. Người cha hì hục sửa một lúc, không nói gì. Nắng bắt đầu gắt, mà khoảng đường này lại không có lấy một bóng cây. Kim thấy áo ba đẫm mồ hôi, ngại ngùng hỏi:

– Ba có mệt không ba?

– Không. Sắp xong rồi.

– Sao ba không vay tiền mua xe mới như mẹ vậy?

– Ba mới qua, nghề nghiệp không vững, ai cho vay.

– Sao ba không mượn tiền của mom?

Người đàn ông ngửng phắt lên, nhìn con đăm đăm rồi hỏi:

– Nếu ba hỏi mượn, mẹ có cho không?

Kim suy nghĩ một lúc, rồi thú nhận:

– Con không biết.

Người cha cười, rồi nói:

– Ba hỏi đùa cho vui, chứ mẹ con không có tiền cho ba mượn đâu. Mẹ nợ đủ thứ, tiền mua nhà này, tiền mua xe này, tiền nợ credit này… Chiếc Volvo của mẹ con mới thật, nhưng mẹ con chỉ mới làm chủ được có một cái bánh xe. Còn là của ngân hàng.

Cô bé bật cười vì ý ba quá ngộ nghĩnh, Kim hỏi:

– Thế căn nhà con với mom ở, mom làm chủ được thứ gì?

Tự nhiên người đàn ông tức giận vu vơ. Ông nói, giọng chua chát:

– Mới được cái restroom.

Kim nhíu mày, kêu lên:

– Ba nói kỳ!

– Chú Kỳ có thường lại nhà mình không?

– Ba hỏi gì ạ?

Người đàn ông ngập ngừng, không muốn nhắc lại câu hỏi. Ông đã sửa xong xe, nên đóng mạnh ca bô lại thay cho câu trả lời con gái. Ông bảo con:

– Kim lên xe trước ba đóng cửa xe cho. Sức con không kéo ập vào được đâu. Coi chừng chéo vạt áo!

Họ lại khởi hành. Thấy con lấy tờ báo quạt quạt cho hơi nóng tan bớt, người cha hỏi đùa:

– Chiếc Volvo của mẹ làm gì có máy sưởi tốt bằng cái Pinto của ba, phải không?

Kim cười thích chí vì câu pha trò:

– Ba funny quá!

– Đời còn nhiều chuyện funny lắm. Con lớn lên, sẽ biết hết.

Cô bé không hiểu rõ ba mình nói gì, chỉ đoán qua nét mặt ba khi ba nói câu ấy, có cái gì buồn buồn, có cái gì nhẫn nhục, có cái gì cay đắng. Rồi cũng chẳng hiểu do đâu, Kim hỏi ba:

– Hồi mới sang Mỹ, ba có thấy con giống tấm hình mom gửi về Việt Nam cho ba không?

– Giống thế nào được. Những tấm hình mẹ gởi sau đều thất lạc cả. Bà nội chỉ nhận được tấm hình mẹ chụp với con lúc con lên bốn. Tội nghiệp, nội đi thăm nuôi ba tận ngoài Bắc, mang xách lỉnh kỉnh đủ thứ vậy mà không quên mang theo tấm hình của con cho ba nhìn mặt đứa con đầu lòng. Nhờ tấm hình đó ba chịu đựng được cho tới ngày về.

– Sao hồi đó ba không qua đây một lượt với mom?

– Mẹ đi với gia đình ngoại. Lúc ấy ba bận hành quân tận vùng 4, không về kịp.

– Hành quân? What means?

– Ơ, ba quên mất. Lúc đó ba đang đánh nhau với cộng sản ở vùng Cần Thơ, gần chỗ gia đình nội hiện nay đó.

– Đánh nhau hả? Có funny như M-A-S-H trên tivi không?

Người cha gặp câu hỏi bất ngờ, ngớ ra một lúc, cuối cùng đành đáp cho qua:

– Ờ, cũng funny như vậy.

Kim không hiểu, hỏi tiếp:

– Đánh nhau vui thế, sao họ bỏ tù ba lâu thế?

– Tại họ funny, thế thôi!

Lối giải thích của ba không vừa lòng tò mò của Kim, nhưng thấy nét mặt ba không vui, nên cô bé ngồi yên không hỏi nữa.

Người đàn ông tưởng con phật ý, hỏi câu gì đó cho không khí bớt căng thẳng.

– Nãy giờ mải nói chuyện quên mất việc ghé mua sandwich, con thích sandwich hay là hot dog?

– Con thích hot dog hơn.

– Con có biết gần đây có tiệm Liquor nào không?

– Hình như chỗ kia kìa, ba. Ở gần góc đường trước mặt phía tay trái. Ba sang lane đi.

Người cha làm theo lời con, nhưng đến ngả tư mới thấy đoạn này có bảng cấm không cho quẹo chữ U, mà tiệm thực phẩm lại nằm hơi xa ngả tư. Kim bảo:

– Mình rẽ trái, ba há! Rồi mình tìm cách quay lại chỗ tiệm Liquor mua cái gì uống, con khát quá!

– Ba cũng khát!

Họ tìm chỗ đậu xe, rồi vào hiệu thực phẩm. Cô bé tí toáy với cái cần chơi game trong khi người cha tìm mua các thứ cần thiết.

Khi ba Kim ôm bọc giấy đến chỗ cô bé đứng, ông đưa cho cô bé hai thỏi kẹo chocolate đậu phụng. Kim nhăn mày, đầu ngún nguấy:

Oh my God! Ba không biết là con chán kẹo lắm sao!

Người đàn ông ngớ ra, bất ngờ nhận thấy mình lạc loài. Nhận thấy mình vẫn còn suy nghĩ, hành động như hồi còn ở Việt Nam, thời mà đêm đêm những giấc mơ đẹp nhất không phải là những nàng tiên hiền, không phải là những cuộc tình có hậu, không phải là những cảnh thái bình thịnh trị ra đường không ai thèm nhặt của rơi và đời trải chiếu hoa cho người thánh thiện, mà là mơ một buổi đẹp trời nào đó người tù được nhai thật chậm một miếng thịt mỡ lớn bằng ngón tay cái, hoặc nguyên một tán đường mía. Ông vụng về lúng túng không biết phải làm gì với hai thỏi kẹo bị chối từ. Ông cố vớt vát:

– Con không thích kẹo. Thế thích thứ gì, ba mua cho, kem nhé?

– Con cũng ngán cả kem.

Potatoes chips nhé?

-Không.

Giọng người cha bắt đầu bực:

– Thế con thích thứ gì?

Giọng cô bé đột nhiên nghiêm trọng, thì thào chậm chạp như giọng cầu nguyện.

– Con thích được thấy ba cười.

Người đàn ông chống chế:

– Ba vẫn cười đấy chứ, xem này!

– Không phải. Ba cười mà như mếu.

Kim bỏ hẳn cần chơi game, quay lại ngước nhìn thẳng vào mặt ba, e dè nói:

– Ba này!

– Cái gì?

– Tại sao ba dọn đi, không ở với mom và con?

Người đàn ông đổi sắc mặt, bảo con:

– Thôi ta đi kẻo trễ.

Cô bé cưỡng lại không chịu theo người cha, giọng nói như sắp khóc:

– Không. Con không đi biển nữa đâu. Bây giờ đã 2 giờ chiều, mom sắp về. Con muốn… con muốn ba đáp câu con hỏi.

Người đàn ông liếc nhìn về phía người đàn bà Mỹ ở quầy thu ngân, yên tâm không ai hiểu tiếng Việt, nên mới cố dằn xúc động bảo con:

– Chuyện người lớn rắc rối phức tạp, con hiểu được không? Ba y như người đi bắt bóng. Ở trong trại cải tạo đêm ngày chỉ mơ ngày về. Được về rồi thì mơ ngày được thoát khỏi cái trại tù mênh mông quê hương, được có ngày ôm mẹ với con vào lòng. Ba đã toại nguyện. Nhưng đến khi giấc mơ thành sự thật, ba lại thấy người ba ôm trong tay không còn là mẹ nữa, liệu con có hiểu được chuyện đó không?

Kim thú thực:

– Con chỉ hiểu lờ mờ là chuyện ba nói không có gì funny hết. Vì thế ba ít cười.

Từ đó đến khi trở về lại căn nhà ở chân đồi, hai cha con không nói gì với nhau nữa. Tiếng máy xe Pinto già nua vì thế nổ lớn hơn. Nghe rõ đến cả tiếng lục cục bất trắc và hơi thở hổn hển rán quá sức.


Nguyễn Mộng Giác

Cali 6.1984

   Số lần đọc: 33

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây