Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàTưởng nhớ Nguyễn Mộng GiácVănTừ Biệt Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác

Từ Biệt Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác

 20120708 1993371764
Chân dung Nguyễn Mộng Giác do Phan Tấn Hải vẽ

Họa sĩ Đinh Cường viết, “một ngày không có trăng.”
Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn viết, “nghe lộc mới. thầm thì.
Nhà thơ/nhạc sĩ Phan Ni Tấn viết, “sẽ còn mãi nụ tình quê.
Tưởng Năng Tiến nhắc về kỷ niệm ngâm thơ Phùng Quán.
Ban Mai gọi đó là “dám sống và viết theo suy nghĩ của riêng mình.
GS Nguyễn Văn Sâm gọi đó là “chiều tà, rửa tay gác kiếm.
Trong khi nhà thơ Anh Vỹ viết, “Không, ông không chết!

Đó là những dòng chữ thương tiếc nhà văn Nguyễn Mộng Giác, người vừa từ trần lúc 10:15pm đêm Thứ Hai 2/7/2012 tại tư gia ở Westminster, hưởng thọ 73 tuổi.


*

Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn từ Canada, trên mạng Sáng Tạo (sangtao.org) với bài thơ nhan đề “Bài ru. tâm. giác” đã có những dòng cuối như sau:
“...hoa bút cầm thư tịch
sáng bên đời diệu chi
đêm qua. cành mới chiết
nghe lộc mới. thầm thì.

*

Họa sĩ Đinh Cường từ Virginia, qua bài thơ dài nhan đề “Không định viết rồi cũng phải viết vài hàng khi Giác ra đi” cũng trên mạng Sáng Tạo, đã có những dòng, trích sau đây:

“…Giác ơi nhắm mắt rồi sao nhắm mắt đi vào
hư vô đi vào trăng sao dù mùa biển động
biển động rồi kia em đừng tìm kiếm nữa
không còn con dã tràng nào đâu và hàng thùy dương reo
như buổi chiều cuối cùng giã từ sơn khê biển nhớ
như cơn bão vừa qua virginia khi giác thở hơi cuối cùng
đêm trước ngày rằm một ngày không có trăng.
..”

*

Nhà thơ/nhạc sĩ Phan Ni Tấn từ Canada, qua bài tùy bút “Nhớ Nguyễn Mộng Giác” cũng trên mạng Sáng Tạo đã viết:

“…Dưới đây là bài tứ tuyệt tôi viết tặng anh như một nén nhang để tưởng nhớ anh, một người anh, một người bạn thân mến.
Mai này ngựa nãn chân bon
Thu tầm mắt lại ngược con đường về
Sẽ còn mãi nụ tình quê
Còn hương trên mái tóc thề Huế xưa
.”

*
Nhà văn Tưởng Năng Tiến từ San Jose, trên trang blog riêng ở www.RFA.org/vietnamese có bài viết nhan đề “Phùng Cung Giữa Trăng Sao Và Mộ Chí,” ghi lại một kỷ niệm:

“…Những người không uống rượu thường (hơi) nghiêm nghị. Tôi ít khi giao du với họ. Ông Nguyễn Mộng Giác là một người như thế. Bởi thế, trong suốt thời gian ông ấy còn sống độc thân (tại chỗ) chúng tôi chỉ ngồi lâu được với nhau – đằm thắm và tuơng đắc – chỉ độ mươi lần.
Có lần, ông Giác có tâm sự chi buồn, và (chắc) buồn ghê lắm. Thoáng thấy tôi, đương sự mừng ra mặt, lật đật lôi đâu ra một chai ruợu bự, và hào sảng rót ngay ra hai ly đầy ắp.
Sau vài lần cạn ly đầy (rồi đầy ly cạn) thì nhà văn của chúng ta (bỗng) biến thành một… nhà thơ. Ông cao giọng đọc thơ Phùng Quán:

Thơ ai như thơ ông
Mỗi chữ đều như róc
Từ xương thịt cuộc đời
Từ bi thương phẫn uất …

Rồi trầm giọng bình thơ Khoa Hữu:

“Thơ không còn là món trang điểm đua tranh sức chói lọi nơi cung đình. Thơ không còn là món đưa cay trong những cuộc say túy lúy. Thơ không còn là cái áo giáp cho ngươì ta phùng xòe trước đám đông và che dấu những thân thể suy nhược.Thơ không còn là khẩu hiệu cho những cuộc biểu dương lực lượng… Thơ là chiếc nạng vững chắc cho người già, là chỗ dựa cho những người thất thế từ đó đứng lên làm lại cuộc đời…” (*)
Coi: mới hết có nửa chai mà thằng chả đã “xỉn” hết biết luôn! Thay vì nói rằng “tiền là chiếc nạng vững chắc cho người già, là chỗ dựa cho những người thất thế từ đó đứng lên làm lại cuộc đời…” thì ông Nguyễn Mộng Giác nói lộn thành “thơ”. Ở đâu mà ra cái thứ thơ văn bảnh bao và ngon lành (quá cỡ) như vậy, cha nội?”(hết trích)

*

Trong khi đó, trên Blog Nguyễn Xuân Hoàng ở đàì VOA (www.voatiengviet.com), nhà văn Ban Mai với bài viết “Tác giả Mùa Biển Động vừa qua đời” gửi ra từ Quy Nhơn, trích:

“…Năm 1986, Nguyễn Mộng Giác giữ địa vị chủ biên tạp chí Văn Học ở California suốt 19 năm. Ông là một trong số ít những nhà văn hàng đầu xây dựng nên nền văn học Việt Nam ở hải ngoại…
Tuy nhiên, sự nghiệp văn chương của Nguyễn Mộng Giác đến nay vẫn chưa được nhiều người biết đến ngoài tác phẩm “Sông Côn Mùa Lũ”, những sáng tác rất có giá trị khác của ông chưa được người đọc trong nước biết đến vì chưa xuất bản. Đó còn là một thách thức bỏ ngỏ cho giới nghiên cứu khi muốn tìm hiểu về ông về những giá trị mà các tác phẩm của ông phản ánh. Nếu như ở trong nước bộ tiểu thuyết “Sông Côn Mùa Lũ” của Nguyễn Mộng Giác được đánh giá cao thì ở hải ngoại bộ trường thiên “Mùa biển động” mới là tác phẩm để đời của ông.
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác suốt cuộc đời luôn ưu tư về thái độ sống của người trí thức. Trong mọi thời kỳ lịch sử và hoàn cảnh mà ông đã trãi qua, nhà văn luôn giữ phẩm giá của một trí thức có cái nhìn tỉnh táo, đúng mực, dám sống và viết theo suy nghĩ của riêng mình, đó là điều không dễ trong bối cảnh phân ly của cộng đồng Việt Nam.” (hết trích)

*

Giáo Sư/nhà văn Nguyễn Văn Sâm phổ biến lại, bài viết từ năm ngoái nhan đề “Chiều tà, rửa tay gác kiếm: Nguyễn Mộng Giác” trong đó có những dòng thương tiếc:

“…Luật nhân sinh rồi cũng đến, đối với người nầy người nọ, chậm hay mau mà thôi. Tôi biết rõ lòng bạn mình. Chiều tà của đời bắt buộc phải rửa tay gác kiếm văn chương, nhưng lòng tha thiết với cái đẹp của văn nghê, với lẽ công bình của cuộc đời luôn luôn là niềm ám ảnh. Tốt thôi bạn ơi khi ta hướng về cái đẹp dầu bằng hành động hay chỉ bằng ý tưởng.” (hết trích)

*

Và nhà thơ Anh Vỹ trên mạng vanthoviet.com với bài thơ nhan đề “Nguyễn Mộng Giác Không Chết” đã ghi xuống những dòng chữ:

“…Ai bảo ông chết?
Không, ông không chết!
Chết là khi không ai nhắc tên mình!” (hết trích)

*

Và sau cùng, người viết bài này xin góp lời thương tiếc nhà văn Nguyễn Mộng Giác:

“Anh Giác ơi, Hải xin mời anh nghe kinh… sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức diệc phục như thị… gate gate paragate parasamgate bodhi svaha!”

Phan Tấn Hải

Nguồn: Bài và hình do tác giả gởi về


   Số lần đọc: 3383

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây