Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàBài Viết NgắnPhê BìnhTuổi thơ trong truyện Thơ Thơ

Tuổi thơ trong truyện Thơ Thơ

Nguồn: Văn Học số 191

Trong suốt thời gian dài làm chủ bút tạp chí Văn Học, tôi được dịp quen biết với nhiều nhà văn từ lúc họ mới khởi nghiệp. Nhiều người quen biết đã lâu nhưng chưa hề gặp mặt. Tưởng tượng về họ, tôi suy từ văn ra người. Đến khi gặp họ, phần lớn trường hợp, tưởng tượng của tôi chính xác. Nhưng cũng có trường hợp ngược lại. Nhà văn có những ý tưởng bạo tợn đến khốc liệt, hóa ra ngoài đời lại nhút nhát, sợ chuyện bạo hành đến nổi chân bước rụt rè như sợ làm đan mặt đất. Còn những chuyện thơ mộng cho tuổi ô mai lại là sản phẩm của một bộ mặt đằng đằng sát khí mà mỗi câu nói là một quả mìn. Làm thống kê thì số phần trăm “văn với người là một” vẫn lớn hơn các trường hợp trái khoáy, nhưng trong văn chương, không thể dùng phép thống kê để giải thích một định đề. Văn dĩ nhiên là phản ảnh chân thật nhất của người viết văn. Nhưng người viết văn là một phức hợp gồm nhiều sự thật về họ, ngoại hình hay những kết luận vội vã từ vài tiếp xúc sơ sài không thể nói hết được nhà văn ấy là ai, là gì. Nhà văn Trúc Chi có kể chuyện một người cầm bút một hôm điện thoại đến một chỗ quen biết. Bên kia đầu dây, một giọng lạ cau có hỏi: ‘Ông là ai?’. Người cầm bút trả lời: ‘Thành thực mà nói, đến bây giờ tôi cũng chẳng biết tôi là ai. Không cần nhiều tưởng tượng, cũng đoán được người nhận điện thoại giận dữ gác máy, và bực bội vì bị một thằng điên quấy rầy. Vâng, người đó có lý. Một người sống bình thường phải biết rõ mình là ai, mình muốn gì. Nhưng cũng có một “cái lý” khác dành cho những người cầm bút: là vì họ không bằng lòng với những câu trả lời tưởng là sáng tỏ như chân lý muôn đời, vì họ chưa biết mình là ai, mình muốn gì, vì họ chưa biết cuộc đời mà mọi người đang hăm hở sống đày sẽ dẫn về đâu…nên mới dùng chữ nghĩa để truy lùng cho ra những câu trả lời chính xác. Đi tìm những câu trả lời mới cho những câu hỏi cũ là đầu mối của sáng tạo nghệ thuật. Văn là người, mà cũng không hẳn là người. Điều quan trọng hơn cho những xác nhận và phủ nhận rạch ròi, là một câu hỏi khác: nhà văn, người là ai?

Tôi đặt câu hỏi ấy khi có ý định viết bài giới thiệu tập truyện đầu tay của Thơ Thơ. Ngay từ buổi đầu, tôi biết “lý lịch” của cô trước khi đọc văn cô. Anh Hoàng Khởi Phong trân trọng nhắc nhở: “Con nhà tông đấy. Cháu ngoại cụ Hoàng Đạo đấy.” Lời giới thiệu khiến tôi phải quan sát Thơ Thơ kỹ hơn. Một cách vô thức, tôi nhanh chóng so sánh Thơ Thơ với những mẫu nhân vật nữ của Tự Lực Văn Đoàn. Chẳng hạn với Loan Đoạn Tuyệt. Nếu cô Loan của Nhất Linh sống đời sống bây giờ, có lẽ cô cũng ăn mặc như Thơ Thơ; chiếc áo khoác rộng vải khaki, chiếc sơ-mi mầu nhã, quần jeans xanh nhạt, giày vải Reebok, tóc cắt gọn, hay cột lại bằng một ruban nhỏ, nói chung là một cách ăn mặc gọn ghẽ, đơn giản, trẻ trung, và đầy tự tin. Nhưng Thơ Thơ không có phong thái của một nhà tranh đấu cho nữ quyền như cô Loan. Tôi không biết nhiều về Thơ Thơ ngoài lời giới thiệu ngắn của Hoàng Khởi Phong, nhưng phong thái của Thơ Thơ không hề là phong thái của một nạn nhân cổ tục đại gia đình như những cô gái thời Tự Lực Văn Đoàn. Đã không phải là nạn nhân, thì Thơ Thơ cũng không cần phải buộc lòng khép nép trong khuôn phép như cô Mai Nửa Chừng Xuân, mà cũng không phải giận dữ nổi loạn như cô Loan. Thơ Thơ cũng không giống với nhân vât nữ cùng tên (Thơ) của ông ngoại trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Con Đường Sáng. Nét mặt hiền hòa, tâm hồn nhân hậu, cách ăn mặc giản dị…thì có thể giống nhau. Nhưng Thơ trong Con Đường Sáng, giống như chồng, có một lý tưởng xã hội rõ rệt: “nhẫn nại mưu cho họ (những người bình dân) một đời êm đẹp, không bao giờ bận trí đến sự thất bại” (Con Đường Sáng). Không, cô cháu ngoại nhà văn Hoàng Đạo không có chút gì giống như những nữ hướng đạo sinh cuối tuần đạp xe về những thôn làng hẻo lánh tắm rửa cho những em bé bụng ỏng và têm trầu giúp những cụ già mù lòa, để từ hôm sau yên tâm sống trọn những ngày yên ấm vô tư của đời sống trưởng giả. Gặp Thơ Thơ, không ai nghĩ Thơ Thơ là một chiến sĩ tranh đấu cho nữ quyền, hay một thanh nữ thiện chí xông pha vào các công tác cứu trợ xã hội. Hình như ánh mắt hồn nhiên của Thơ Thơ hướng về một cái gì khác. Cô quan tâm đến những điều mà các nhân vật nữ của thế hệ ông ngoại cô chưa hề quan tâm.

Thơ Thơ lớn lên vào lúc những vấn đề làm thế hệ Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng quan tâm đã trở thành lỗi thời, đã tự nhiên được giải quyết do những biến đổi còn lớn lao gấp bội xảy ra sau đó, từ thế chiến thứ hai cho đến phong trào đấu tranh giành độc lập của các nước thuộc địa, từ phong trào giành độc lập cho đến cuộc chiến tranh giữa hai khối cộng sản và tự do, và khúc đuôi của một chuỗi những biến cố là cảnh gia đình không còn được ở trong căn nhà thân yêu do chính mình gây dựng nên, rồi những ly tán, những lưu vong…Thơ Thơ là nạn nhân trong một tai nạn chung xảy ra cho cả một dân tộc nên không có phong thái cô đơn buồn tủi của một nạn nhân bình thường. Sau này khi đã quen thân nhiều hơn, Thơ Thơ kể cho chúng tôi nghe những ngày sống gian nan của gia đình mà giọng kể và nét mặt hồn nhiên vui vẻ như là đang kể một kỷ niệm yêu dấu. Không vật vã đớn đau, cũng không chua chát cay độc. Phải, Thơ Thơ không có nét mặt, không có cung cách của một “chiến sĩ” như những nhân vật cả nam lẫn nữ của ông ngoại cô.

Tôi nhớ hôm ấy trong một buổi ra mắt sách mà phần lớn những người tham dự đều thuộc lứa tuổi trên năm mươi, Thơ Thơ thuộc vào thành phần trẻ, rất thiểu số. Nhưng Thơ Thơ không hề có vẻ lạc loài giữa một đám đông không thuộc thế hệ mình. Cô có đôi mắt rất hồn nhiên khi chăm chú nghe người khác trả lời những thắc mắc của mình, chăm chú một cách chân thành chứ không giả vờ để làm vừa lòng người lớn tuổi. Nhìn đôi mắt Thơ Thơ lúc đó, tôi có cảm tưởng Thơ Thơ như một người trẻ tuổi mới bước chân vào thế giới người lớn, thấy cái gì cũng tò mò muốn biết tại sao, thấy cái gì cũng ngạc nhiên kinh ngạc, thấy cái gì cũng chứa nhiều điều bí nhiệm và thích thú. Rồi nói chuyện với Thơ Thơ một lúc, nghe các câu hỏi của Thơ Thơ, tôi có nhận xét ban đầu về người bạn trẻ “con nhà tông” này: Thơ Thơ thật hồn nhiên, nhưng không ngây thơ như phần lớn những con người hồn nhiên trên đời.

Văn của Thơ Thơ, theo ý tôi, cũng là con người Thơ Thơ. Hồn nhiên nhìn cuộc đời với đôi mắt trẻ thơ, nhưng không hề ngây thơ cả tin vào những thứ huyền hoặc giả mạo của thế giới người lớn. Trong hầu hết truyện ngắn của Thơ Thơ, thế giới được quan sát qua cái nhìn của trẻ con, hoặc một người thứ bậc nhỏ trong gia đình. Cái nhìn trong vắt như cái nhìn của Thơ Thơ ngoài đời. Nhìn với đôi mắt mở lớn, chờ đón với tất cả tin cậy chân thành, để rồi kinh ngạc trước những điều mà trí óc hồn nhiên của trẻ thơ cho là khác thường, trong cách sống của người lớn. Trong “Xin lỗi”, bé Bi không thích cảnh bố mẹ cãi nhau vì mình, càng không thích những lời cộc cằn bố gào lên trước mặt hai mẹ con. Về sau bố mẹ không thể sống với nhau nữa, bố mẹ ly dị. Và trong tâm hồn ngây thơ của Bi, bắt đầu có một vết rạn. Bé cảm thấy mình có lỗi, vì mình mà bố mẹ xa nhau, và bé phải sống với bà ngoại.

Trong “Con yêu ai nhất”, nhân vật chính cũng là một đứa bé thương yêu bố mẹ hết lòng. Bố mẹ đi dạy, bé quanh quẩn bên bà, được bà ru cho ngủ, được bà cho ăn bánh, được bà vá áo cho mặc. Cho nên bé cũng yêu bà nhiều như yêu bố mẹ. Chỉ có một điều bé không thể hiểu là tại sao bà cho bé miếng bánh Trung thu có trứng thật ngon, mẹ bắt gặp chẳng những không vui mà còn bắt bé vứt mẫu bánh vào sọt rác trước phòng bà. Bà đã yếu, lưng còng như một chữ C, nhưng mắt bà vẫn còn tỏ lắm. Bà cặm cụi vá rất khéo quần áo rách của bé. Bé hãnh diện mặc quần áo bà bỏ công vá cho, lại bị mẹ mắng. Bà giận, mà mẹ cũng giận. Người lớn thật khó hiểu. Bé không thể hiểu rằng suốt đời bà, nỗi lo lớn nhất của bà là lo cho chồng con có cái ăn, cái mặc. Bà quí từng mẫu bánh cũ, từng mụn vải thừa. Còn mẹ thì thuộc về một thế hệ khác, mẹ không thể hiểu được vì sao những mẫu bánh Trung thu quá ngày bà còn chắt chiu để dành đấy, và gia đình đã thừa cái mặc thì cặm cụi vá chùm vá đụp làm gì những bộ quần áo đã rách của cháu.

Trong “Ba sẽ về…ngày mai”, Thơ Thơ thay lời mẹ viết về cái chết của ông ngoại (nhà văn Hoàng Đạo), và ám ảnh của cảnh tang ma lên tâm hồn cô bé (là mẹ Thơ Thơ hồi nhỏ). Và cũng nhờ cái nhìn của trẻ thơ, cô bé thấy ngay trong chuyện tang ma người lớn tổ chức cho ba, cũng có những điều bất thường.Cô bé không thể tin rằng ba đã chết.

“Có người báo tin cho me về một chuyến xe lửa đi từ Hồng Kông tới Quảng Châu. Ba đi trên chuyến xe ấy. Ba đang đọc báo, bỗng nhiên ba gục xuống. Người ta tưởng ba ngủ. Khi tàu ngừng ở ga Thạch Long, thì ba đã chết rồi…Họ đều là những người dễ tin, sao họ không chịu khó suy nghĩ một chút, và họ sẽ thấy đám tang này không bình thường, bởi vì không có áo quan, không có ai nằm chết bên trong. Me cũng dễ tin như họ. Tôi hơi giận me, vì me cũng bằng lòng để cho ba chết”.

Gần như những đứa trẻ trong truyện ngắn của Thơ Thơ, mặc dù vẫn hết sức thơ ngây, nhưng thường tò mò thắc mắc về những chuyện mà chính người lớn cũng không muốn tìm hiểu, hoặc có muốn tìm hiểu cũng không hiểu được gì: chuyện bệnh tật, chuyện già nua, và cái chết. Trong “Mùa xuân nắng”, bé gái xưng “tôi” mở to đôi mắt kinh ngạc pha lẫn xót xa theo dõi những ngày cuối đời của bà ngoại.

“Căn bệnh tàn phá thật khủng khiếp, tốc độ và cường độ của một con bão lốc. Những cơn đau dã man, hành hạ không cho bà nằm, cũng chẳng thể nào ngồi. Những lúc đó, bà quì gập người rên rỉ trong tư thế cầu kinh, tư thế duy nhất làm giảm cơn đau cắn xé. Bà tôi bây giờ gần với thây ma hơn là người sống, duy chỉ đôi mắt là vẫn thế, trìu mến và buồn bã, đăm đăm mà ngời sáng, hướng về khung cửa sổ. Đôi mắt mở to giữa hai hốc mắt sâu thẳm, bất chấp tất cả, và khung cửa bây giờ không cần phải kéo màn nữa, dù ngày hay đêm. Mỗi ngày lúc nắng lên, trong nhà thế nào cũng có người treo một giò lan dưới chạc cây lê ngoài cửa sổ cho bà ngắm. “Hoa lan chơi được lâu”, bà bảo “nhưng lâu quá thành ra hoa giả”. Tôi trở nên thờ ơ với những đóa lan đó, chi chít trên cành tháng này qua tháng khác. “Bà thích hoa hồng nhất, mỗi lần con đến thăm bà, mang cho bà một đóa hồng thôi…”, mắt bà thấp thoáng nét cười. Tôi muốn làm vui lòng bà, vội nói: “Mai con đi chợ mua hoa hồng cho bà.” Bà không nhìn tôi, quay về phía cửa sổ: “Không, sau này…sau này con ạ”.

Hình ảnh khung cửa ngăn cách một bên là cảnh bệnh hoạn tàn tạ còn bên kia là một cõi vô cùng khó hiểu, mờ ảo không định hình, nhiều lần xuất hiện trong truyện ngắn của Thơ Thơ, khiến những cô bé, những người em, những đứa cháu thập thò quan sát thế giới người lớn vừa cảm thấy sợ hãi, vừa cảm thấy như bị cuốn hút vào đó, trở thành một ám ảnh êm ái và huyền bí. Ngay cả trong những truyện có thể nhìn ngược chiều – người lớn nhìn vào thế giới của trẻ thơ, như truyện “Nhà trẻ” – khung cửa của Thơ Thơ cũng luôn luôn mở ra một thế giới u ẩn, đầy bất trắc. Cậu bé mắc bệnh autism tên Clive là một con thú hoang, nhưng bên trong sinh vật hoang dã đó, vẫn có niềm khao khát về một cánh cửa sổ mở ra một chân trời.

“Nhớ ra Clive thích thú vật, cô gỡ hình con chó trên cửa sổ của nó, dán vào trang cuối. Mỗi ngày nó đều miết những ngón tay trên tấm hình này, tìm cách bóc ra. Lật lại từng trang, cô nghĩ thế là đủ. Cô cẩn thận xếp cuốn sách vào backpack của Clive. Cô vừa đóng dây kéo lại, vừa khóc. Cô nghĩ: ‘Thế là hết. Không cách nào cứu chuộc được. Nó sẽ theo ám mình, cho đến chết’. Clive đi rồi nhưng mảnh cửa của nó vẫn còn đó, chỉ là một cái khung rỗng mở ra một khoảng không vô vọng. Trong những khung cửa còn lại, ánh sáng đã tắt hẳn. Lớp học trở thành một nhà ngục mà linh hồn Lynn ngộp thở.”

Trong nhiều truyện khác, những đứa bé ngày nào lớn lên theo thời gian, trở thành những đứa em gái sống bên cạnh cơn mộng mị của bà chị, trở thành người yêu, trở thành người vợ. Nhưng dù có lớn tuổi hơn, các nhân vật của Thơ Thơ lúc nào cũng mở to đôi mắt nhìn đời như muốn khám phá cho hết những điều kỳ diệu mà khó hiểu của cuộc sống trước mắt. Rồi những “cô bé” ấy tìm thấy gì? Một cõi mịt mùng!

Như đôi mắt khó hiểu của người chị trong truyện “Phòng triển lãm mùa đông”:

“Vâng, không thể trách ông ta được nếu như đôi mắt không giống. Bởi đôi mắt ấy đẹp đến độ mới thoáng nhìn lòng đã muốn chùng xuống, chỉ vừa chạm tia nhìn thì những ý tưởng cũng đã tan biến không nói nên lời. Đôi mắt chứa đựng quá nhiều điều cùng lúc không sao nắm bắt và ghi nhận kịp. Cũng có lúc, ánh mắt ấy phản chiếu một tâm hồn khép kín như một khu rừng mịt mùng không lối, cái nhìn thăm thẳm của một vực sâu, hút tất cả vào lòng không âm hưởng nào vọng lại.”

Như sức sống hoang dại đến khủng khiếp của mùa hè trong “Mùa hè …từng đoạn ngắn”:

“Khi tôi tỉnh dậy, căn phòng và ngôi nhà đã trở thành lò lửa. Tôi đi lảo đảo ra ngoài hiên tìm nước uống, người mệt lả. Khí nóng khô khan như trong lòng núi, tôi thở ra như người đang sốt, cổ đau rát và mắt lại hoa lên. Mẹ đã ngất đi, có lẽ trong khi tôi ngủ. Người mẹ nóng bỏng như hòn than. Tôi đắp đá lên trán mẹ, lay lay: “Mẹ, vào nhà nằm đi. Coi chừng bênh đó. Mẹ bị cảm nặng rồi.” Giọng mẹ yếu ớt như người đang nói mớ: “Để yên,…cho mẹ ngắm mùa hè…cho mẹ ngửi một chút mùa hè đi…”. Đó là câu nói của giấc mơ, bởi sau đó mẹ không tỉnh dậy nữa. Sức nóng điên cuồng đã lấy đi ý thức của mẹ. Tôi gượng đứng lên đi gọi điện thoại, trong trạng thái giữa mê và tỉnh, tôi nhận ra sức sống khủng khiếp đang bùng nổ khắp nơi, bao nhiêu thứ bộc phát từ lòng đất, trong khi tôi ngủ chúng đã lớn lên đột ngột vô chừng. Cây cỏ trông như loài rắn rít, bò lan tràn vào dưới hàng hiên. Hoa nở to như mặt người, cành lá bung ra thành những cánh tay vẫy vùng chấp chới. Khi tôi nhìn lên cây, những trái táo đã trở màu đỏ lịm”

Như thế giới hỗn mang đến kinh dị ở phần cuối truyện “Độ đau của máy:

“Vào lúc cuối ngày, bác sĩ K nhìn những khối mây khổng lồ đang ngùn ngụt bốc lên từ lòng đồi, như những tảng tuyết trôi ngược lên trời, đến tầng chót này chúng ngưng lại, sừng sững bao quanh phòng thí nghiệm. Những mảng hơi mờ mịt thở phà vào khung kính. Bác sĩ K lặng lẽ nhìn hiện tượng đó, chờ đợi, những linh hồn đang đội mây mà đi ấy, đi đến đâu thì sẽ tan…Chợt ông rùng mình, nhận ra thấp thoáng điệu nhạc của người thổi tiêu vừa mới chết, bay chơi vơi theo những âm thanh của địa cầu, những âm thanh vẫn chìm vào thinh không trước khi được lắng nghe…bây giờ văng vẳng vọng lại từ một cõi vô hình”
Trong thế giới hỗn mang, bất trắc, cuồng nộ, hoang dã đó, “người lớn” quờ quạng như những người mộng du. Những truyện như “Vườn lan”, “Một nơi để viết”, “Phòng triển lãm mùa đông”, “Lời chia tay cuối”…dù có chuyện hay không có chuyện, đều diễn ra trong một khung cảnh mấp mé giữa thực và mê, nhân vật không biết mình sắp đặt chân lên một mặt đất chắc chắn hay sắp bước hụt vào một lũng sâu đầy sương mù. Khủng khiếp thay, thế giới của “người lớn”!

Tuổi thơ như thế, rõ ràng không còn là tuổi thơ. Thơ Thơ không viết cho tuổi hồng, tuổi ô mai, tuổi tròn trăng, lứa tuổi thích hoa thích bướm, hớn hở rải hoa trên đường đi, vung tay phủ mây lên những bước chập chùng. Nhưng tuổi thơ trong tập truyện này cũng không phải là tuổi già đến sớm như cách những nhà văn tuổi “teen” ưa biểu diễn sự ngổ ngáo khinh bạc để che đậy vốn sống nghèo nàn. Nói cho chính xác, Thơ Thơ viết sách cho người lớn, suy tư về những vấn đề lớn lao của người lớn bằng cách đặt tất cả những thứ phức tạp ấy dưới cái nhìn của trẻ thơ. Cô dùng chính kinh nghiệm của mình, cộng với kết quả quan sát những mẫu tuổi thơ của người trước kẻ sau, phục hồi một thứ tuổi thơ trong sáng hơn, hồn nhiên hơn, và nhờ trong sáng hồn nhiên mà nhìn rõ được những khuất khúc chập chờn trong thế giới người lớn.

Đã có người bảo chân lý nằm nơi cửa miệng của những người điên và trẻ thơ. Những người điên? Có thể lắm. Trẻ thơ? Chắc chắn rồi! Đọc truyện của Thơ Thơ, tôi càng tin chắc điều ấy.


Nguyễn Mộng Giác

Giáng sinh 2001

 

   Số lần đọc: 142

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây