Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6

Văn

Nguyễn Mộng Giác và văn học hải ngoại

Nếu không nhờ có Nguyễn Mộng Giác thì chắc tôi chẳng bao giờ viết xong tập Tìm Thơ Trong Tiếng Nói. Đó là vào đầu thập niên 1980, tôi đang ở Montréal, với không khí sinh hoạt nghệ thuật, trí thức khích động trong tinh thần cởi mở nhất, một thành phố đẹp và đáng yêu nhất, theo kinh nghiệm tôi sống 37 năm ở Bắc Mỹ. Nhưng tôi sống và làm việc, kết bạn phần lớn với những người không nói tiếng Việt Nam.

Hồi đó, một trong những niềm vui là mỗi tháng nhận được tạp chí Văn Học do Nguyễn Mộng Giác và một số anh em khác trông coi. Tôi được biết đến tờ báo sau khi nhà văn Võ Phiến đã nghỉ, chỉ còn mình Giác gánh lấy công việc nặng nhọc này. Một công việc vừa tốn thời giờ, công sức, vừa lo chạy tiền giấy, tiền in, tiền gửi, mà số tiền thu được nhờ bán báo không bao giờ đủ trang trải chi phí. Lúc đó cũng có tạp chí Văn do nhà văn Mai Thảo và sau là Nguyễn Xuân Hoàng phụ trách, nhưng hai tờ báo văn nghệ có phong cách và mầu sắc khác nhau. Ngoài ra còn một số tạp chí địa phương khác.Tạp chí Hợp Lưu của Khánh Trường, Thế Kỷ 21 của nhật báo Người Việt do Lê Đình Điểu, Phạm Xuân Đài chủ trương, xuất hiện trễ hơn.

Xem tiếp...

Nhạt Nhòa

Sách có in trăm cuốn
Đắp mặt chỉ một trang

Đàn chim với những con Rose breasted màu nâu nhạt, ngực đỏ;con Western King with fledgling cũng màu nâu nhưng cái cái ngực vàng hườm; con Red headed woodpecker mình gọi là chim gõ kiến có cái đầu màu đỏ, con Indigo Bunting tròn như con sáo quê nhà, nhưng lại xanh biếc như da trời. Tất cả bọn chúng, mỗi buổi sáng, theo nhau về ríu rít trong vườn nhà tôi. Chúng hót chiêm chiếp rộn rã ngay từ sáng tinh mơ, chúng thoáng sân trước trong những bụi tùng thấp, vụt vào sân sau trong vòm cây Mộc Lan (Magnolia), tranh nhau ăn ở cái máng thực phẩm treo đong đưa trên một cành cao. Chúng đến ngày giờ nào không rõ rệt, chỉ biết chúng đến cùng với nắng, chúng đến sau những cơn mưa. Thấy chúng đến, biết là mùa hạ đến. Khi không thấy chúng nữa, biết thu về.

Trong tháng sáu kéo sang tháng bẩy năm nay, tôi đón tiếp khá nhiều khách: chị Bích Hà từ quận Cam của California đến chơi mười ngày, ông anh tôi mang theo một người bạn từ Virginia đến chơi một tuần, vợ chồng cậu em từ Việt Nam sang năm tuần (đi chơi vài tiểu bang khác xong lại quay về Seattle), cậu cháu từ Pháp sang bốn ngày. Tất cả sáu người. Họ đến và đi khác ngày nhau, nhưng tôi biết rõ ngày giờ của từng chuyến bay. Vì ít ra ngay ở thời điểm này, họ có đủ sức khỏe để xắp xếp cho những chuyến đi của họ. Như những con chim mùa hạ, họ biết nơi đến, nơi đi và nơi trở về.

Xem tiếp...

Thư, từ mười năm trước

Vào cuối tháng 11 năm 1994, tôi nhận được hai lá thư qua bưu điện, cả hai đều mang địa chỉ tòa soạn tạp chí Văn Học. Cái thứ nhất là thư mời mua báo dài hạn, ký tên tổng thư ký tòa soạn Thạch Hãn. Thư thứ hai gồm vài dòng ngắn ngủi nhưng đầy khích lệ của chủ bút Nguyễn Mộng Giác về truyện ngắn"Tháp Ký Ức" tôi gửi Văn Học mấy hôm trước. Tôi đặt mua một năm báo, và truyện của tôi được đăng trong Văn Học giai phẩm xuân Ất Hợi (tháng 1 & 2 năm 1995). Tất nhiên là những điều này (mua báo dài hạn và bài được chọn đăng) hoàn toàn không liên quan với nhau.

Trong lời bạt của tập truyện Tháp Ký Ức, sau này đăng lại trong tập Bạn Văn, Một Thuở..., nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã diễn tả chính xác tâm trạng bỡ ngỡ của tôi trong lần hội ngộ đầu tiên giữa tôi và những cây bút tên tuổi thuộc nhóm Văn Học. Ở buổi họp mặt tất niên này tôi có được cơ hội gặp, làm quen, và bắt đầu những quan hệ tốt đẹp, đi xa hơn biên giới văn chương. Trong số những người bạn thân thiết nhất, phải kể đến anh Trương Văn Hùng, một độc giả trung thành của Văn Học. Cũng vào thời điểm này, danh sách Ban biên tập tạp chí Văn Học gồm có quý vị Mai Kim Ngọc, Nguyễn Xuân Hoàng, Thạch Hãn Lê Thọ Giáo, và Nguyễn Mộng Giác, rất thuận tiện cho tôi gọi họ một cách đùa cợt là "Ngọc Hoàng Dáo Dác, Văn Học tứ nhân bang!" Sau này nhìn lại, tôi cảm thấy mình may mắn tiếp cận Văn Học đúng vào thời kỳ sung mãn nhất của tạp chí này, những năm cuối cùng của thế kỷ 20 (1995 -2000).

Xem tiếp...

và ông vẫn là người duy nhất có thể tới dù không đóng vai nào trong câu chuyện

Ngày 19 tháng 8

Cafe Tourane vào ngày thứ 49. Những người còn sống đi cafe để nhắc đến người vừa khuất, thất tuần. Người đã khuất mặt vẫn hiện hữu trong tâm trí người sống, sự ngăn cách chỉ là một chuyến đi. Một nhà thơ rất thân với tôi đã nói cách hồn nhiên: bốn chín ngày là có visa rồi, có visa là đi được rồi. Câu này khiến tôi thấy nhẹ lòng, vì đi là tốt. Đi trong ý nghĩ, đi trong văn học, đi trong dòng chảy của biến hóa. Nghĩ tới nhà văn Nguyễn Mộng Giác – mà tôi vẫn gọi là chú Giác – là nghĩ tới chuyện "đi". Những cái viết của ông nằm trong chuyển động của việc đi, đi như thác của Sông Côn Mùa Lũ, đi như dời chuyển của Mùa Biển Động, đi không quay lại của Đường Một Chiều... Với một nhà văn, viết là không thể dừng, sự dừng lại mang ý nghĩa của tự hủy.

Một bạn văn rất thân khác tiếp nối câu chuyện visa: vậy là sẽ ăn cháo lú rồi. Câu này đánh mạnh vào tim tôi hơn, thảng thốt hơn, chấn động hơn. Lại một mệnh đề khác của siêu hình mà những người có mặt chỉ lặng lẽ gật đầu, trong giả dụ rằng dù có hộ chiếu mà muốn được đi, thì phải quên hết đã. Nhưng mà đi và quên, hai thứ này nhất thiết phải đồng hành với nhau sao?

Vào thăm chú Giác ở nursing home trong những ngày cuối, cô Diệu Chi đã cẩn thận nhắc nhở tôi, tránh không nói đến chuyện văn chương nữa, để cái ngã lặng yên.

Xem tiếp...

Nguyễn Mộng Giác: Món nợ văn chương

Trong bộ trường thiên tiểu thuyết Sông Côn Mùa Lũ của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, khi viết về tâm trạng của Phan Huy Ích trong lần thứ hai vào Phú Xuân, có câu "Đó là nỗi lạc loài của kẻ chồn chân mỏi gối đứng nép bên lề nhìn kẻ đi người lại trước mặt mình." Viết về một kẻ sĩ sống trước mình gần hai trăm năm giữa hoàn cảnh đất nước cực kì tao loạn, không khác lắm với thời đại của mình, tôi đồ đấy chính là tâm trạng của tác giả bộ sách, nhà văn Nguyễn Mộng Giác, một nhà văn Việt Nam tiêu biểu ở nửa sau thế kỉ XX, một nhà văn mà tâm tư lúc nào cũng trĩu nặng nỗi đau của một kẻ sĩ bởi những thảm trạng liên miên xảy ra suốt thời gian dài trong lịch sử dân tộc, đất nước Việt Nam.

Tôi gặp nhà văn Nguyễn Mộng Giác lần đầu vào những năm đầu của thập kỉ 80. Khi ấy, anh vừa đặt chân lên nước Mĩ. Cùng nhà báo Nguyễn Thượng Hiệp, anh cộng tác với tờ Đồng Nai, một tờ tuần báo khổ lớn xuất bản và phổ biến trong cộng đồng Việt Nam tị nạn ở miền Nam bang California. Tờ Đồng Nai, nhờ khả năng làm báo và tài viết của hai anh, mau chóng biến thành tờ báo có uy tín lớn trong cộng đồng, bài vở thông tin, quan điểm được độc giả đánh giá cao, và đặc biệt nhất là phần văn nghệ phong phú do anh Nguyễn Mộng Giác phụ trách. Cũng lúc đó tôi đang tập tễnh bước chân vào làng văn hải ngoại. Qua lời anh chủ nhiệm Nguyễn Thượng Hiệp, tôi được biết Nguyễn Mộng Giác từ trước 75 đã là nhà văn có uy tín, nhiều nhiệt tâm. Nhưng tờ Đồng Nai không tồn tại lâu dài bởi người chủ báo chỉ là con buôn. Anh Nguyễn Mộng Giác bỏ tờ báo tìm được việc làm vững chắc trong một cơ xưởng ấn loát. Từ đó cho đến cuối đời, anh không bao giờ trở về làm báo thương mại kiếm sống nữa mà chỉ hì hụi sống chết với nghiệp văn chương. Sau thời Đồng Nai, tôi gặp anh nhiều lần tại tư gia vợ chồng hai nhà văn Nhật Tiến – Đỗ Phương Khanh vào những buổi họp mặt văn hữu cuối tuần. Dần dà, tôi nhìn thấy ở anh một con người có phong thái hiền hòa, bình dị, dễ mến, dễ đến gần, trên môi lúc nào cũng sẵn nở nụ cười. Anh không đợi người khác đến với anh, đọc cái gì thấy thích, anh đến nói thẳng với tác giả và sẵn sàng chia sẻ quan điểm riêng của mình. Có lần tôi viết một bài về nhà thơ Nga Boris Pasternak (đó là thời nước Nga đang rục rịch đổi mới, mở cửa), anh đọc xong, bảo tôi, "Thư nên đi theo con đường dịch." Tôi nhìn anh dò xét, "Thật không anh...? Nhưng dịch nhiêu khê lắm anh à. Em sợ em kham không nổi." Anh trả lời, "Ừ, nhưng độc giả Việt Nam mình cần đọc những tác phẩm hay của thế giới và mình nên có những bản dịch tốt." Ngẫm nghĩ một lát, tôi bảo anh, "Em cũng có nghĩ đến chuyện này . . . Em đang đọc một cuốn tiểu thuyết của tay tiểu thuyết gia người Tiệp Khắc tên là Milan Kundera nhan đề The Unbearable Lightness of Being . . . Nếu dịch thì em sẽ dịch cuốn sách đó." Mắt anh bỗng sáng lên sau cặp kính trắng, "Mình cũng thích tiểu thuyết của ông này lắm, hồi mình còn nằm trên đảo tị nạn, mình có mượn của thư viện cuốn The Book of Laughter and Forgetting về đọc. Hay lắm. Thư cố lên nhé."


Từ trái: Hoàng Khởi Phong, Lê Uyên Phương, Khánh Trường, Mai Thảo, Phan Ni Tấn, Trần Duy Đức, Nguyễn Mộng Giác (Nam California, 1989)

Xem tiếp...

Ngọn cỏ đã bay đi

nhớ Nguyễn Mộng Giác

Vài tháng trước, hay tin bệnh anh trở nặng, tôi điện thoại hỏi thăm, nghe chị nói anh đang ở bệnh viện và anh đang niệm Phật, tôi ngờ rằng anh sắp đi. Nhưng tôi vẫn mơ hồ ước ao còn được gặp lại anh vào cuối hè năm nay...

Không kịp rồi anh Giác ơi! Tin bạn bè tới tấp cho hay ngày 2 tháng 7...

Ngọn cỏ khô đã rời thung lũng, bay đi. Đem về cho tôi một khoảng trời xưa cũ đầy ắp những kỷ niệm êm đềm.


Từ trái: Lữ Quỳnh, Nguyễn Mộng Giác, Trúc Chi, Võ Phiến

Giở lại chồng thư tìm lại bóng hình xưa, tâm tình ngày cũ, mới giật mình nhẩm tính: hơn 25 năm rồi kể từ ngày tôi làm (một trong những) cánh nhạn đưa tin anh Giác từ Mỹ về cho chị Chi. Ở số 62/22 Dương Công Trừng, Thị Nghè, phường 19 quận Bình Thạnh Sài Gòn. Anh vẽ đường chỉ cách đi trong thư, dặn dò, ngắn, gọn. Anh mực thước, nhỏ nhẹ, ngắn gọn đến khô queo. Chị vui vẻ, dàn trải, hài hước và cũng mau nước mắt, ít ra là vào thời đó. Khiến tôi cứ sụt sùi hối hận đã đem hy vọng huyễn đến cho chị, vì phải đến bốn hay năm năm sau chị mới qua đoàn tụ với anh. Mà tôi thì chẳng hình dung được những mối tương quan rắc rối, đầy khúc mắc tâm lý, kỳ cục giữa con người chiến thắng với kẻ bại trận (trong một xã hội đang ...cần tiền để tạm sống còn) lại quên mất chính cha mẹ của mình gần mười năm mới đoàn tụ với các con; còn chị, chắc là một mình giữa đại dương bao la, thấy bóng nào thấp thoáng cũng tưởng là chim én báo tin xuân?

Xem tiếp...

Chào anh lần cuối

(Thương về Nguyễn Khoa Diệu Chi)

Cứ mỗi lần đi đến nhà quàn để làm nghi lễ vĩnh biệt một người thân, lòng tôi luôn có nỗi ân hận về một điều gì chưa kịp làm hoặc đã chểnh mảng không làm đối với người vừa nằm xuống. Rất nhiều lần cố tự nhủ đừng để xảy ra chuyện đáng tiếc này nữa nhưng vẫn đủ ngần ấy lần thấy mình không tránh khỏi ăn năn, hối tiếc.

Anh Giác ngã bệnh đã lâu. Những ngày mới chớm biết tin xấu, sức khoẻ anh chưa sa sút bao nhiêu, tôi và Trần Mộng Tú tuy không nói ra, đều hiểu rằng thời gian còn lại của anh chắc không nhiều. Tôi còn nhớ như in một buổi chiều nắng đã nhạt, tôi dừng xe ở lề đường trước sân nhà anh. Cửa gara mở, anh đang cẩn thận bỏ từng cuốn Văn Học vào cái phong bì màu vàng, chuẩn bị gởi ra cho độc giả. Anh nói với một nụ cười chập chờn chút nghi ngại: "May quá! Hãng cho nghỉ hưu nên tôi đi khám sức khoẻ tổng quát mới biết mình nhuốm bệnh." Sau đó, chúng tôi nói lảng sang chuyện khác. Phần tôi, làm như không có gì nghiêm trọng xảy ra cả để giấu những ý nghĩ bối rối riêng mình. Bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn không biết thái độ của tôi lúc đó như thế có phải phép không? Hay là nên ân cần hơn dù phải vượt qua cảm giác sợ làm cho những cuốn Văn Học nặng hơn trên tay anh?

Tôi và Tú thường hỏi thăm sức khoẻ của anh qua chị Chi. Mỗi khi Tú về chơi quận Cam, hầu như không lần nào chúng tôi không đến nhà anh ăn cơm tối. Chị Chi nấu bún bò Huế, cháo nấm, kho cá nục, canh cải xanh. Ngôi nhà của anh chị nằm ở khúc quanh một con lộ vắng thị xã Westminster, chỉ mới trước đây ít lâu, cuối tuần nào cũng họp mặt đông đầy bằng hữu trong văn giới, báo giới hay thân hữu, thường là vài chục anh chị. Chúng tôi vẫn nói đùa với nhau đây là nơi quần hùng hải ngoại hội tụ.

Xem tiếp...

Dòng nước sâu

Giao tình trên ba thập niên của Giác với tôi bắt đầu bằng chuyện tử sinh và kết cục cũng bằng chuyện sinh tử. Câu chuyện nghe buồn, nhưng thật ra không buồn lại có nét tích cực. Hôm nay tôi sẽ khai triển điều này trong bài văn cuối cùng dành cho bạn.

Câu chuyện tất nhiên liên hệ đến anh Võ Phiến, một nhà văn lớn như mọi người đã biết. Còn tôi thủa ba mươi năm trước thì tuơng tự như mọi y sĩ trung niên, bỗng dưng thấy cuộc sống của mình và của bệnh nhân có khi như bắt chước tiểu thuyết, và một vài kinh nghiệm trong nghề có thể dựng thành truyện ngắn truyện dài.

Ngắn gọn là tôi đưa anh Phiến xem xấp truyện vừa viết xong. Một nhà văn lớn như anh chắc đã khá đủ phiền toái vì đám người viết nghiệp dư quấy rầy, không xin ý kiến thì nhờ thảo cho một bài tựa. Nhưng biết vậy mà vì ham viết nên tôi vẫn lầm lì đưa anh đọc truyện ngắn đầu tay của mình. Không biết vì nhân quả nào, hành động táo bạo lại tạo ra một chuỗi sự việc thuận lợi bắt đầu cho một giao tình văn học kéo dài trên ba thập niên với Giác.

Anh Phiến đưa truyện tôi cho Giác đọc. Khoảng một tuần sau tôi nhận được một bưu kiện nhỏ, trong có lá thư chủ nhiệm tờ Văn Học cho hay sẽ chạy truyện ngắn của tôi ngay số tới. Trong bưu kiện còn có cuốn Ngựa Nản Chân Bon, tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Mộng Giác sáng tác những tháng ngày ngồi bên đảo Ku Ku đợi thủ tục nhập cảnh Mỹ. Lá thư rất tâm tình do Nguyễn Mộng Giác ký, và cuốn Ngựa Nản Chân Bon có lời tác giả đề tặng ưu ái như của nhà văn cho nhà văn, tuy hồi ấy tôi chưa viết lách gì đáng kể.

Xem tiếp...

Giác & tôi

Tính đến ngày 7/7/2012 khi đứng trước một Nguyễn Mộng Giác đang nằm im lặng trong nhà quàn Peek Family ở Quận Cam, tôi nhận ra chúng tôi đã thân nhau hơn một phần tư thế kỷ trên đất Mỹ. Tôi nói hơn một phần tư thế kỷ trên đất Mỹ bởi vì từ trước năm 1975 ở Việt Nam, tôi và Giác, đã từng gặp nhau, nhiều lần trò chuyện với anh như hai người bạn cầm bút. Tháng 4, 1975 trong cái không gian u ám và ngột ngạt chúng tôi thỉnh thoảng gặp nhau, nói về những suy nghĩ trong không khí đầy hoài nghi, hoang mang và sợ hãi. Đôi khi kín đáo hơn chúng tôi nói về một chuyến vượt biên. Sau cùng Giác đã đến được Mỹ trước tôi.

Mãi đến năm 1985 từ trại Bataan Phi luật tân qua, chúng tôi mới gặp lại nhau ở Quận Cam. Mới đó vậy mà giờ đây đã là 26 năm. Nếu làm bài toán chia, tôi có 2 giai đoạn thời gian bằng nhau sống ở hai miền Nam và Bắc Cali: 13 năm ở Quận Cam và 13 năm ở Thung lũng điện tử. Trong suốt 26 năm đó chúng tôi không ngừng nghe tiếng nói của nhau.

13 năm ở Quận Cam...

Đó là thời gian không Chủ Nhật nào là tôi không đến nhà Giác. Nhà của Diệu Chi và Giác là một nơi đón nhận bạn bè trong một không khí đầm ấm và thân ái. Chúng tôi gặp nhau nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, chuyện về đời sống, về công ăn việc làm, và tất nhiên là không thiếu chuyện báo chí sách vở. Một truyện ngắn vừa đọc, một bài thơ của ai đó trên Văn Học, rồi Văn, Thế Kỷ 21 hay Hợp Lưu, Khởi Hành....Hay đôi khi, lúc mọi người đã ra về hết, chỉ còn hai đứa, đó là khoảng thời gian chúng tôi im lặng hơn là nói. Giác vốn là người ít nói, từ tốn, mực thước, thâm trầm, kín đáo. Chúng tôi để chuyện sách vở qua một bên, nói về con người, đặc biệt về những bạn bè cầm bút: Những người bạn và những người tưởng là bạn. Những người vừa tuần qua cùng ngồi ở đây – trên chiếc ghế này, ở chiếc bàn này, uống rượu từ chiếc ly này,... đã nói với mình những lời lẽ này, và vẫn người bạn đó, hôm nay ở một nơi nào đó – không xa nơi chốn mình đang ngồi – đã nói về mình bằng những lời trái ngược. Trắng và đen: một nghịch lý khá lớn giữa những điều họ viết ra và thái độ của chính họ trong đời sống bạn bè.... Đó là những lúc tôi nghe Giác thở dài. Và nhiều lần trước khi chia tay, anh thường hỏi tôi: Tại sao? Tại sao? Tôi không có câu trả lời, bởi vì chính tôi cũng rơi vào trường hợp giống như Giác.

Từ trái: Nguyễn Mộng Giác, vợ chồng Nguyễn Đồng-Nguyễn thị Hợp, Diệu Chi, Thụy Khuê, Nguyễn Xuân Hoàng (tòa soạn báo Người Việt, Little Saigon)

Xem tiếp...

địa chỉ ấy thiếu mất một người


Nguyễn Mộng Giác và Trần Doãn Nho

Ngày 3/7/2012, đọc trên tờ Người Việt:

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác qua đời, thọ 73 tuổi!

Cùng ngày, đọc trên Yahoo:

Actor Andy Griffith, who played folksy Sheriff Andy Taylor in the fictional town of Mayberry, died Tuesday at the age of 86.

Thông báo về cái chết nào thì đại loại cũng như thế: đơn giản, gọn gàng.

Nhưng đàng sau cái "qua đời" đơn giản đó là một chuỗi dài những ngày tháng vật vã với bệnh tật, vật vã với cuộc tử sinh, vật vã giữa hy vọng và tuyệt vọng. Có lẽ chỉ trừ gặp phải tai nạn bất ngờ, cái chết không đến ngay lập tức. Chết là một hành trình. Ngắn hay dài, tùy. Với Nguyễn Mộng Giác (NMG) thì dài, quá dài. Chín năm, kể từ mùa hạ năm 2003, khi anh bắt đầu về hưu. Với Diệu Chi thì dài gấp bội. Người phụ nữ đã từng cất giữ bản thảo Sông Côn Mùa Lũ một thời gian dài khi còn ở Việt Nam và khôn khéo ngụy trang, qua mặt hải quan VN để mang sang xuất bản ở Hoa Kỳ; người phụ nữ phụ tá đắc lực cho NMG trong những năm làm Văn Học; người phụ nữ hiếu khách trong những cuộc bạn bè thù tạc, chị cùng đi tiếp với NMG trong cuộc hành trình cuối cùng khó khăn nhất, đau đớn nhất. Cái dài dằng dặc đó đã được Diệu Chi chống đỡ bằng những tràng cười trong veo và những câu chuyện tiếu lâm dí dỏm.

Xem tiếp...