Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6

Văn

Nguyễn Mộng Giác và Bằng Hữu


Nguyễn Mộng Giác và bằng hữu

Do một nhóm thân hữu
của nhà văn Nguyễn Mộng Giác:

Nguyễn Xuân Hoàng, Trúc Chi, Bùi Bích Hà, Trần Mộng Tú, Lữ Quỳnh, Trần Doãn Nho, Bùi Vĩnh Phúc, Thường Quán, Phạm Phú Minh, Đặng Thơ Thơ, Phùng Nguyễn
thực hiện
__________________________
Bìa: Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi
Biên tập: Trúc Chi, Trần Doãn Nho, Phùng Nguyễn
Trình bày: Họa sĩ Phạm Hữu Thắng

Sau chín năm tranh đấu vật vã với cơn bệnh hiểm nghèo, cuối cùng, ngày 2 tháng 7 năm 2012, nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã vĩnh viễn từ giã cõi đời. Nhiều dự tính văn chương của anh bị bỏ dở. Với hai cuốn trường thiên tiểu thuyết, nhiều truyện dài, truyện ngắn và nhiều bài tiểu luận văn chương cũng như gần một thập niên chăm lo tờ tạp chí Văn Học, anh đã đóng góp một phần quan trọng vào nền văn chương miền Nam và văn chương Hải Ngoại nói riêng, và văn chương Việt Nam nói chung. Sự ra đi của anh là một thiệt thòi lớn. Trong nỗi thương tiếc một tài năng, chúng tôi – những người bạn văn – thực hiện tập sách này như một ghi nhận công lao của anh đối với những gì anh đã cống hiến cho văn học nước nhà. Ngoài những bài viết được các bằng hữu gửi đến, chúng tôi mạn phép in một số bài viết về Nguyễn Mộng Giác được tìm thấy từ các trang mạng. Chúng tôi mong các tác giả những bài viết này thông cảm và xin thành thật cám ơn quý vị.

Xem tiếp...

Tưởng niệm 100 ngày mất nhà văn Nguyễn Mộng Giác

WESTMINSTER (NV) - Khoảng hơn 100 văn hữu và thân hữu của nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã đến tham dự buổi tưởng niệm nhân 100 ngày mất của ông do hai nhà văn Bùi Bích Hà và Phạm Xuân Ðài và một số văn hữu tổ chức tại hội trường Văn Lang, Westminster, hôm Thứ Bảy.

Bà Diệu Chi (phải), phu nhân nhà văn Nguyễn Mộng Giác, cảm ơn nhà văn Phạm Xuân Ðài, đại diện ban tổ chức buổi lễ tưởng niệm. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Bà Diệu Chi (phải), phu nhân nhà văn Nguyễn Mộng Giác, cảm ơn nhà văn Phạm Xuân Ðài, đại diện ban tổ chức buổi lễ tưởng niệm. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)


Cũng có mặt trong buổi tưởng niệm này là bà Diệu Chi Nguyễn Mộng Giác cùng các con của nhà văn. Một số thân hữu từ rất xa như ở Na Uy, Boston, Seattle, San Jose cũng về tham dự.

Nhà văn Bùi Bích Hà thay mặt ban tổ chức khai mạc buổi tưởng niệm, giới thiệu tập sách "Nguyễn Mộng Giác và bằng hữu" do 40 nhà văn viết về ông. Bốn mươi người viết trong tập sách này, theo văn hữu Trần Doãn Nho, phụ trách biên tập, có 10 người viết trên mạng được tải xuống in trong tập sách mà cho đến lúc ấn hành nhóm thực hiện vẫn chưa liên lạc được để xin phép cho đăng tải.

Xem tiếp...

Chuyện Giác và tôi

Đầu óc mòn mỏi nên không nhớ được đã biết vào lúc nào, gặp lần đầu ở đâu. Bởi vì tôi chỉ được học chung với anh của Giác, Nguyễn Văn Lân. Ở bộ phận trường Collège Quy Nhơn tản cư đến thôn Hoà Bình, xã Nhơn Phong, huyện An Nhơn, Bình Định. Năm 2006, cùng Giác "về thăm lại chiến trường xưa" trên hai chiếc xe ôm của hai người trước đó còn giành nhau: "Ông già nầy của tao, ông già kia của mầy". Và rồi như cảm nhận ở những nơi khác, cái gì trước mắt cũng trở nên nhỏ bé, teo tóp: tấm bình phong vôi gạch của cái đình còn sót lại sau cơn tiêu thổ, một vùng gò mả thênh thang bò lết lúc nhỏ nay kéo mấy hàng tre lại gần tầm mắt hơn... Bỏ cái nền trơ vơ của ngôi trường cũ, chạy qua phố Cảnh Hàng tìm con sông lúc thường phải lội nhưng mùa nước lụt phải đi đò. Loay hoay mãi mới nhận ra là đã bước qua cây cầu gỗ nhỏ bắc trên cái mương nước luồn lách giữa những đám ruộng xanh rì. Con mương đó, sách vở dạy tôi rằng chỉ là phần còn lại của giải nước từng chở trên lưng những chiếc thuyền to lớn xuôi ngược, chuyển những các sản phẩm rừng núi, đồng bằng biển khơi qua địa điểm được ghi là Canh Hãn Xã trên tầm bản đồ năm 1774. Và biết đâu dưới lòng đất đó còn có xác những chiến binh, chiến thuyền Lê Lí Trần, Toa Đô rủi ro nằm lại trong những cuộc viễn chinh? Văn chương thì nhắc đến thương hải tang điền, còn người hiện đại thì lo chuyện tàn hại môi trường... Không còn gì quan trọng nữa.


Từ trái: Nguyễn Mộng Giác, Tạ Chí Đại Trường, Phùng Nguyễn, Trúc Chi (2004)

Chung học thêm một năm ở Bồng Sơn, thủ phủ của Liên khu V, thì Lân tiếp tục và đi tập kết, còn tôi mắc nạn nhà trở về quê ngoại phía sau nhà thờ Long Sông có tên trong ghi chú của các giáo sĩ, làm thằng bé dở dở ương ương nhưng cũng do đó mà có kinh nghiệm thực chứng về đất nước Dân chủ Cộng hoà. Và tất nhiên không biết Lân có người em tên Nguyễn Mộng Giác.

Xem tiếp...

Tưởng niệm nhà văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Hôm 6 tháng 10 năm 2012, một nhóm thân hữu của nhà văn quá cố Nguyễn Mộng Giác đã tổ chức một buổi tưởng niệm nhân ngày giỗ "Trăm ngày" của nhà văn tại hội trường Văn Lang, thành phố Westminster, CA và cũng để ra mắt công chúng tuyển tập "Nguyễn Mộng Giác và bằng hữu" do nhóm nhà văn, nhà thơ bằng hữu của ông thực hiện. Dưới đây là bài phát biểu ngắn của Trịnh Y Thư trong buổi tưởng niệm ấy.

Kính thưa quý vị.

Giữa tôi và nhà văn Nguyễn Mộng Giác có một mối giao tình kéo dài dễ có đến 30 năm từ lúc đầu anh em chúng tôi gặp nhau cho đến ngày anh nhắm mắt lìa đời, trở về cùng cát bụi. Tôi gặp anh lần đầu vào những năm đầu của thập kỉ 80. Khi ấy, anh vừa đặt chân đến đất nước Hoa Kì và đang cộng tác với tờ Đồng Nai, một tờ tuần báo xuất bản và phổ biến trong cộng đồng Việt Nam tị nạn ở quận Cam miền Nam bang California. Anh phụ trách phụ trang văn nghệ của tờ báo và dưới sự chăm sóc của anh, tuy đấy chỉ là tờ báo thông tin quảng cáo, nhưng nội dung bài vở thơ văn luôn luôn phong phú, nó là chỗ tụ hội của nhiều cây bút thành danh trước 75 và những người thuộc thế hệ khởi viết sau 75 như tôi. Lúc đó tôi đang tập tễnh bước chân vào làng văn nghệ hải ngoại.

Xem tiếp...

Tưởng Nhớ Nguyễn Mộng Giác Với Tuyển Tập Nhiều Nhà Văn

Một buổi lễ tưởng niệm nhân 100 ngày nhà văn Nguyễn Mộng Giác từ trần đã được tổ chức cùng với lễ ra mắt tuyển tập nhan đề "Nguyễn Mộng Giác và Bằng Hữu" tại hội trường Văn Lang hôm Thứ Bảy 6-10-2012.

Buổi lễ có tham dự của nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trong văn đàn, trong đó ngưòi từ nơi xa nhất tới là nhà văn Phạm Tín An Ninh từ Na Uy tới. Nhiều nghệ sĩ từ xa về dự lễ tưởng niệm nhà văn Nguyễn Mộng Giác cũng còn có Trần Doãn Nho từ Boston, Trần Mộng Tú từ Seattle, Nguyễn Xuân Hoàng và Lữ Quỳnh từ San Jose. Đặc biệt, nhà thơ Võ Chân Cửu trên đường du lịch từ Việt Nam ghé Quận Cam, cũng đã tới tưởng niệm nhà văn đồng hương của ông.

Khai mạc buổi lễ là nhà văn Bùi Bích Hà, sau lời chào đã đọc bản tiểu sử sơ lược của Nguyễn Mộng Giác, từ một chàng trai thơ mộng Bình Định bước vào Đại Học Sư Phạm Huế, dạy tại Huế, cưới vợ Huế, vào Sài Gòn giữ một số chức vụ công quyền trong Bộ Giáo Dục, và trở thành một nhà văn nổi tiếng.

Từ phải: Bà Diệu Chi cầm bình sữa điêu khắc và nhà văn Đặng Thơ Thơ.

Xem tiếp...

Nhớ Nguyễn Mộng Giác. Và tưởng nhớ một thời văn

.1.

Vậy là anh Giác đã rời bạn bè mà ra đi sớm. Nhanh quá! Tôi nhớ mới ngày nào đây chúng tôi còn gặp anh, nói cười hạnh phúc và chia sẻ bao chuyện về đời sống, về văn học, văn chương và nghệ thuật. Anh Giác là một con người hòa nhã nhưng không thiếu sôi nổi. Con người ấy đã có tài và có một từ trường văn học đủ để quy tụ bao nhiêu văn hữu gần xa về quanh một chỗ ngồi. Tạp chí Văn Học (và trước đó là Văn Học Nghệ Thuật), trong nhận xét của nhiều người, là một điểm son đậm nét trong dòng sống và trong tiến trình phát triển của văn học Việt ngoài nước từ những năm 1985, 1986 đến khoảng ba năm trước đây, khi người chủ bút cuối cùng của nó, là nhà văn Cao Xuân Huy, vì bạo bệnh, đã không thể tiếp tục duy trì tờ báo.

Nguyễn Mộng Giác đã có mặt, cách này hay cách khác, cùng với tờ báo, qua suốt quãng thời gian dài ấy của dòng sống văn chương Việt bên ngoài Việt Nam. Văn Học đã là một dấu mốc, một cột cờ đẹp đẽ của dòng văn chương nghệ thuật ấy. Nó đã là tiếng reo ca và là ánh nắng của tự do—với những hạnh phúc, thiết tha, cùng với cả khổ đau và những hệ lụy của nó, của cuộc làm người Việt bên ngoài đất nước. Từ ngôn ngữ, chúng ta tìm được tâm thức và con người Việt trong những khung cảnh lưu đầy. Và trong những con đường sống mới.

Ở đây, nhớ Nguyễn Mộng Giác, tôi muốn ghi lại một ít kỷ niệm mà chúng tôi đã có với nhau, như một cách lần về, lần theo những đường chỉ cũ, vốn, qua chúng, tôi đã đến với văn học ngoài nước nói chung, và với Văn Học, như một diễn đàn văn chương và học thuật, nói riêng.

Nhớ bạn, tôi nhớ đến cả một thời.


Tại Camp Pendleton (4/05/1985), cùng phái đoàn nhà văn, nhà báo.
Kỷ niệm trước ngày trại đóng cửa vĩnh viễn.

Từ trái: Nguyễn Hải Hà, Phạm Quốc Bảo, Bùi Vĩnh Phúc, Nguyễn Mộng Giác

Xem tiếp...

Kỷ niệm với anh Nguyễn Mộng Giác

Tôi gởi bài thơ đầu tiên tới Văn Học độ đầu năm 1986, nhận được lá thư viết tay anh gởi qua Úc, gần như là ngay sau đó; lá thư tôi giữ rất lâu sao hôm qua khi tìm lại không thấy, nhưng bù lại, lại tìm được một lá thư cũng dài tương tự viết trên tấm thiệp xuân ghi Cali 24/1/1989. Nhìn lại giai đoạn này 1986 -1989 tôi đã may mắn có được anh như một nhà biên tập. Một người biên tập đúng nghĩa, hay còn đi xa hơn, đã trở thành người đọc lý tưởng mà người viết hình dung khi đẩy ngòi bút trên mặt giấy. Những tờ thư, những cuộc trao đổi điện thoại, giấy bút, những bạn văn anh nhắc nhở, giới thiệu, đã làm nên một không gian văn học riêng tôi, giữa chập chùng một khoảng cách không gian phải kể là bao la xa. Tôi gặp anh lần đầu cuối năm 1996, anh Hoàng Khởi Phong đưa tới nhà, được anh khen trẻ và lập tức hỏi chuyện tờ Tập Họp, tên của một tờ báo, một nhóm anh em rất thân đã tụ về vào năm 1986, ở hai thành phố thủ phủ, Sydney và Melbourne, đúng ngay thời điểm tôi bắt đầu bài vở với Văn Học. Câu chuyện vừa ấm anh đã điện thoại nối đường cho tôi được trò chuyện với anh Nguyễn Bá Trạc, Ngọn Cỏ Bồng là một cuốn sách tôi và vài bạn khác của Tập Họp như Cao Huy đã rất mến. Lần gặp thứ hai đầu năm 1997 anh và anh Thạch Hãn cho tôi đi ăn trưa ở giữa phố Tiểu Sài Gòn. Hai anh nhắc tới nhạc gia của tôi cùng là trong ngành giáo dục, hôm ấy ở anh tôi thấy lại những người thầy giáo của ngôi trường trung học một thành phố miền Trung đã cho tôi niềm say mê chữ nghĩa ngay ngày mới bước vào sân trường, những người có mặt bên trong tôi không phải chỉ là những kỷ niệm đẹp không mà thôi mà còn là những nến lửa sinh động ngầm cháy, thúc đẩy một bản thân tôi trên những ngả đường từ khi rời sân trường trung học. Nhớ anh Thạch Hãn và anh lúc ấy đang làm số đặc biệt về những ngòi bút trẻ trong hai lĩnh vực báo chí và văn học đang bắt đầu gây chú ý trên báo chí Mỹ, tôi thấy được qua câu chuyện ân cần sự đặc biệt lưu tâm của người Văn Học cho con đường dài, và dù là không nói ra, một tin tưởng, ánh lên một hãnh diện. Tôi gặp lại anh lần thứ ba vào khoảng tháng bảy năm 2008. Lần ấy trong căn nhà ấm cúng sách vở của anh chị, tôi gặp được anh Trúc Chi, anh Võ Thắng Tiết, người đã cùng anh chăm nom xuất bản tập Ngoài Giấc Ngủ cho nó ra đời, anh Cao Bá Minh, các bạn thân biết nhau đã lâu Phùng Nguyễn, Chân Phương, Bùi Vĩnh Phúc. Buổi ăn trưa đông vui ở một quán ăn thanh lịch gần nhà có một phong vị hội ngộ thân mật, gợi nhớ những trưa tháng Năm kỵ giỗ trong căn nhà của bố mẹ tôi ở một xóm Ga Đà Nẵng. Như tôi kể lại với bạn Hoàng Ngọc-Tuấn, khi quay trở lại Úc, lần gặp này anh vẫn nhắc tới tờ Tập Họp, hỏi ai đã làm kỹ thuật – tôi tin anh hay phần kỹ thuật là do một tay Hoàng Ngọc-Tuấn, dạo ấy. Sau này nhớ ra còn bạn Ngô Đức Vinh, người đã tận tụy nghiên cứu làm nên font chữ Việt đầu tiên trên đất Úc. Hôm qua, đúng là linh, mở số thư từ cũ, bên cạnh lá thư tháng 1 năm 89 của anh, tôi còn tìm ra những bài thơ gởi các bạn Tập Họp hồi năm 1986, trong đó có bài gởi Ngô Đức Vinh

Xem tiếp...

Với Bạn, Một Chân Tình Khó Quên

Trước hai ngày xuống tàu để vượt biên, vào khoảng tháng 11 năm 1981, Nguyễn Mộng Giác đã lặng lẽ ngồi chờ tôi đi làm về ở một quán cóc ngay dưới chân chiếc cầu gỗ xóm Chùa. Gọi là đi làm, chứ thực ra tôi được người ta thuê ngồi bán vỏ xe trên đường Trần Hưng Đạo, mà tiền lương không đủ để đong gạo cho gia đình. Lúc tôi đạp xe xuống giốc cầu, Giác ra đường gọi tôi lại. Hai anh em vào quán. Quán vắng, hiu hắt nắng cuối thu. Trước mặt là giòng kênh nước đen Nhiêu Lộc. Giác nói nhỏ vừa đủ tôi nghe :

- Mình sắp đi rồi, đi với Gin. Mình muốn đem theo Hải. Quỳnh thấy thế nào?

Tôi bàng hoàng, không ngờ anh lại có ý định khó khăn như thế. Giác nói tiếp :

- Chủ tàu là bạn học của Nhung. Hãy đến nhà nói với cô ấy là anh Giác chịu đem hai cháu đi. Mình tin thế nào cô ta cũng bằng lòng. Gấp lắm rồi, nói Nhung gặp ngay tối nay.

Rồi anh vội vã ra về. Tôi ngồi lặng nhìn theo anh dắt xe qua cầu, lòng ngổn ngang lo lắng. Chuyến đi đó của Giác, tôi không gửi theo con trai được. Chủ tàu từ chối vì con nít nhiều quá, mà mọi việc đã chuẩn bị xong cả rồi.

Xem tiếp...

Nguyễn Mộng Giác, Trong Tình Thân & Nỗi Thương Tiếc!

Năm 1962 – Nguyễn Mộng Giác tốt nghiệp trường ĐHSP Huế, được về dạy Văn tại trường nữ Trung học Đồng Khánh (1962 – 1963). Tại đây – anh đã gặp người bạn đời là chị Nguyễn Khoa Diệu Chi. Sau đó, năm 1964 - được chuyễn về làm Giám học trường Trung học Cường Đễ Qui nhơn, cũng là năm tôi kết thúc năm học cuối ở ngôi trường thân yêu nầy. Năm ấy – anh cũng vừa có người con gái đầu lòng là Nguyễn Thụy Dao Tiên.



Tôi ghi danh học Luật Saigon, và thi vào trường Quốc Gia sư phạm Qui nhơn – khóa 3. Ra trường, tôi về dạy tại Tuy Hòa ( Phú Yên). Sau đó, Nguyễn Mộng Giác giữ chúc vụ Hiệu Trường Cường Đễ, mãi lo ổn định công việc, anh chưa tham gia viết cho các tạp chí văn học nghệ thuật ở Saigon nhiều. Anh thật sự đựợc giới cầm bút bấy giờ biết đến như một tài năng trẻ sung mãn ở tạp chí Bách Khoa sau nhiều truyện ngắn, truyện dài – và các bài biên khảo sau năm 69. Tôi quen anh Nguyễn Mộng Giác từ dạo ấy...

Xem tiếp...

Nguyễn Mộng Giác & Tôi

Nguyễn Mộng Giác và tôi có cùng một năm sinh âm lịch là Kỷ Mão, nhưng đối chiếu dương lịch thì tôi sinh ngày 11.12.1939, anh sinh ngày 04.01.1940, tôi lớn hơn anh 24 ngày.


Nhà nghiên cứu Đặng Quí Địch

Trong thời kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954), học chế áp dụng toàn Liên khu V (Nam Ngãi – Bình Phú) theo hệ ba cấp chín năm: Cấp I có bốn lớp Một, Hai, Ba, Bốn; cấp II có ba lớp :Năm, Sáu, Bảy; cấp III có hai lớp: Tám, Chín. Từ năm 1945 đến năm 1950, cấp II, cấp III có dạy Pháp văn. Từ giữa năm 1950 trở đi, bỏ Pháp văn mà daỵ Hoa văn.

Năm học 1950 – 1951, tôi và anh đều lên lớp Năm. Tôi học trường cấp II Tuy Phước I ban đầu ở Phước Lộc, sau chuyển ra Phước Sơn; anh học trường cấp II Bình Khê rồi về Hòa Bình học lớp Bảy. Chúng tôi đều học Hoa văn nhưng anh nhờ có thân phụ là thầy giáo Nguyễn Châu dạy thêm Pháp văn tại nhà.

Xem tiếp...