Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6

Văn

mắt nhìn chín cõi

Tháng 10, năm 1999, lần đầu tiên tôi gửi bài cho báo Văn Học. Gửi thử thôi. Không có hy vọng báo đăng. Một vài cây viết kỳ cựu trước 1975 bảo tôi, Văn Học, Văn “tuyển” bài lắm. Có người còn dọa, làm thơ phải biết “nhậu”, viết văn phải biết xã giao, phải có quen biết, có gửi gắm,… Đóng cửa như tôi thì viết có mà để giun dế đọc.

Tôi không tin. Một nhà văn đích thật, tự nhiên sẽ quý văn người như văn mình.

“Không tin ư?” Bạn tôi nói. “Văn của Dương Nghiễm Mậu từng bị quăng vào sọt rác, thơ Nguyễn Tất Nhiên cũng phải luồn cúi mới được đăng.”

Tôi xót xa, “Thế còn gì là văn chương?”

Cả ngày, tôi lan man thương cảm cho những ngòi bút đã mịt mùng trong quên lãng.

Xem tiếp...

Gửi nén nhang tâm tưởng đến nhà văn Nguyễn Mộng Giác

Anh Huỳnh Như Phương nhắn tin lúc 20 giờ, ngày thứ Tư (4.07.2012) báo tin nhà văn Nguyễn Mộng Giác mất. Tôi nhắn lại: "Buồn thật! Những người tài năng biến đi gần hết..."

Sáng nay ngồi quán cà phê vỉa hè 58 Trần Quốc Thảo, Nguyễn Viện có nhắc đến việc anh Nguyễn Mộng Giác giới thiệu anh in tác phẩm ở NXB Văn Mới ở Mỹ.

Tôi nhớ sau năm 1975, nhà văn Nguyễn Mộng Giác lúc làm ở tổ hợp mì sợi ở Chợ Lớn, có in 2 truyện ngắn ở báo Văn Nghệ thành phố, ký với bút danh Tố Chân. Giọng văn uyển chuyển, gợi mở, sâu lắng, bạn đọc nào tinh ý dễ nhận ra đó chính là nhà văn vì hơi văn khác hẳn lối viết lúc bấy giờ.

Khoảng năm 1996, tôi có gặp nhà văn Nguyễn Mộng Giác ở quán Trống Đồng ở đường Lê Quý Đôn. Tôi mang đi ly bia sang mời, anh than đang bị "bám đuôi", tôi bảo ở Sài Gòn đó là "chuyện thường ngày ở huyện". Sau này thấy anh quen dần, có lúc mời cả "cái đuôi" uống cà phê và hỏi thăm chuyện gia đình.

Xem tiếp...

Sông Côn Mùa Lũ

Tôi tiếc. Tiếc lắm. Tiếc vì biết rằng mình đã mãi mãi đánh mất một cơ hội quý giá. Là tôi sẽ không bao giờ gặp được ông trong đời. Một người mà tôi trong suốt gần 2 tháng qua luôn tự nhủ thầm là mình sẽ phải gặp. Phải gặp ngay sau khi đọc xong quyển trường thiên tiểu thuyết của ông.

Nó mang tên: ‘Sông Côn Mùa Lũ’.

Và ông là nhà văn Nguyễn Mộng Giác.

Ông vừa qua đời đêm hôm trước ở Cali. Tôi cũng vừa đọc xong quyển ‘Sông Côn Mùa Lũ’ của ông trên đường bay về Mỹ. Thế vậy mà tôi vẫn không gặp được ông. Sẽ không bao giờ có dịp hỏi ông thế ông có nghĩ là nhân vật Nguyễn Huệ mà ông tạo dựng lại trong truyện sẽ xuất hiện một lần nữa hay không ngay trên quê hương mình?

Cũng sẽ không bao giờ tôi còn dịp mang đến tặng ông một giỏ lan rừng như tôi đã tự hứa với lòng. Vì tôi nghĩ là ông sẽ rất thích. Rất thích như nhân vật Lãng ngây thơ, lãng mạn trong truyện đã tìm đến thiên nhiên và những cành hoa lan mỏng manh, hoang dại, khi chinh chiến đã tàn. Lúc anh đã thôi không còn muốn vướng bận vào cõi đời lắm trái ngang, tranh chấp.   

Xem tiếp...

Ngựa đã ngã, biển đã động

(để tưởng niệm nhà văn Nguyễn Mộng Giác)

DSC00846 thumb
Thế là ngựa sau những ngày bon chân đã mỏi và ngã. Cuối cùng ông cũng đầu hàng bệnh tật, buông tay chèo nằm xuống qua những mùa lũ giông kinh động. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã tìm được nẻo về tỉnh thức khi đối đầu những cơn mộng dữ đời người hệt như cái tên của ông vậy.

Xem tiếp...

Nhớ Nguyễn Mộng Giác

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã qua đời ngày 2 tháng 7 tại Nam California, Mỹ. Nhận được hung tin, tôi không thấy bất ngờ lắm nhưng vẫn lặng người, bàng hoàng.

Không bất ngờ vì năm ngoái, cũng vào tháng 7, khi tôi và Hoàng Ngọc Tuấn ghé Cali, đến thăm Nguyễn Mộng Giác, tôi đã thấy sức khoẻ của anh đã yếu lắm. Anh vẫn đi đứng nhưng dáng đi rất chậm, có vẻ gì như chênh vênh. Anh vẫn cười nói sôi nổi, nhất là khi bàn luận chuyện văn chương, nhưng sự chuyển động của đôi môi có vẻ gì như khó khăn và các cơ bắp trên mặt có vẻ gì như đờ cứng, không linh hoạt như trước. Sau mấy tiếng đồng hồ chuyện trò xôm rả, ra về, tôi cảm thấy buồn rầu và bất an, không biết mình có còn gặp được anh lần nữa hay không.

Càng không bất ngờ khi tuần trước, lúc tôi, Hoàng Ngọc-Tuấn và Võ Quốc Linh đang chuẩn bị đi Mỹ, tôi nhận được điện thoại của bạn tôi, anh Nguyễn Xuân Thu, kể về chuyến Mỹ du ngắn ngủi của anh, ở đó, anh có gặp Nguyễn Mộng Giác trong bệnh viện. Khi tôi hỏi về tình hình sức khoẻ của Nguyễn Mộng Giác, anh Thu khựng lại một lát rồi mới trả lời, giọng buồn buồn: "Chắc không còn lâu đâu!" Tôi muốn hỏi thêm chi tiết, nhưng anh Thu có vẻ không muốn kể. Anh chỉ nói: "Chuyến đi Mỹ lần này buồn quá. Mình chẳng muốn đi Mỹ nữa. Bạn bè người thì đã mất, người thì sắp mất. Đi về, lòng nặng nề dễ sợ." Tôi, một mặt, mong Nguyễn Mộng Giác được bình phục; mặt khác, hy vọng, nếu bệnh tình anh biến chuyển xấu, cái xấu cuối cùng sẽ đến chầm chậm một chút để tôi có thể đến gặp anh lần cuối.

Xem tiếp...

Từ Biệt Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác

 20120708 1993371764
Chân dung Nguyễn Mộng Giác do Phan Tấn Hải vẽ

Họa sĩ Đinh Cường viết, "một ngày không có trăng."
Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn viết, "nghe lộc mới. thầm thì."
Nhà thơ/nhạc sĩ Phan Ni Tấn viết, "sẽ còn mãi nụ tình quê."
Tưởng Năng Tiến nhắc về kỷ niệm ngâm thơ Phùng Quán.
Ban Mai gọi đó là "dám sống và viết theo suy nghĩ của riêng mình."
GS Nguyễn Văn Sâm gọi đó là "chiều tà, rửa tay gác kiếm."
Trong khi nhà thơ Anh Vỹ viết, "Không, ông không chết!"

Đó là những dòng chữ thương tiếc nhà văn Nguyễn Mộng Giác, người vừa từ trần lúc 10:15pm đêm Thứ Hai 2/7/2012 tại tư gia ở Westminster, hưởng thọ 73 tuổi.

Xem tiếp...

Một Người Anh

Tin nhắn của Mỹ: Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác đã qua đời lúc 12 giờ trưa( giờ VN) ngày 3.7.2012.Tôi sửng sốt.Anh ra đi thật rồi sao? Anh bỏ chị Chi và mấy cháu thật rồi sao ? Tôi cố gắng để không muốn điều ấy.Nhưng đó là sự thật.Người thắt lòng trước nỗi mất mát lớn lao này là chị Chi và các cháu.Sau nữa là bạn bè thân quen của anh-trong đó có tôi.Lúc này, những năm tháng không thể nào quên như một cuộn phim quay chậm lại trong tôi.

Tôi và anh Nguyễn Mộng Giác đã biết và đọc của nhau trên các tạp chí Văn chương ở SàiGòn từ năm 1971 nhưng mãi đến năm 1973 tôi mới thật sự quen anh.

Năm 1973 tôi vào trường bộ binh Thủ Đức và anh Nguyễn Mộng Giác từ Quy Nhơn vào Sàigòn làm chuyên viên nghiên cứu bên Sở Giáo Dục.Vậy là chúng tôi có cơ hội và thường gặp nhau ở chỗ anh Lê Ngộ Châu, tạp chí Bách Khoa -tòa soạn nằm trên đường Phan Đình Phùng ( nay là đường Nguyễn Đình Chiểu).Sau đó,căn nhà của anh ở bên chân cầu Thị Nghè là nơi gặp gỡ, hội tụ của anh em văn nghệ.Hoàng Ngọc Tuấn và tôi gần như thường trực bởi anh Giác rất thương hai chúng tôi. Một người ( Tuấn) luôn mồ côi...tình yêu.Một người chuyên...lận đận! Chị Nguyễn Khoa Diệu Chi ( vợ anh Giác) là một người đàn bà Huế, rất Huế ( rất mực đảm đang, chung thủy ) và đặc biệt là độc giả đầu tiên của anh khi xong mỗi một trước tác.

Xem tiếp...

Thư Cho Thầy

Thầy ạ,

Mấy tháng nay em có may mắn biết về bệnh tình của thầy. Lẽ thường tình của đời sống là sinh lão bệnh tử, vậy mà em học hoài, đọc hoài có thuộc bài đầu. Nên chi khi nghe tin thầy ra đi, lòng em xốn xang lắm. Có một điều gì đấy làm em suy nghĩ. Dù em không học thầy ngày nào, nhưng tên tuổi thầy đã đứng ở một đỉnh cao trong lòng người đọc. Và em là độc giả thường xuyên ở trang web của thầy, và em luôn hãnh diện là có thầy, một nhà văn Bình Định lỗi lạc trong văn đàn Việt Nam. Lòng ngưỡng mộ một nhà văn luôn là niềm hạnh phúc trong em và đặc biệt thầy là con dân của vùng đất Tây Sơn, vùng đất đã làm nên lịch sử!

Bây giờ thầy đã nằm yên. Bây giờ em mới thấy là đời sống quá mong manh, như những sợi tơ trời. Lóng lánh đấy rồi cũng mù mờ trong cõi đời nhau. Ôi cái chết! Cái chết là gì mà làm chúng ta trăm nghìn giọt lệ khi phải chia ly!

Xem tiếp...

Nhớ Nguyễn Mộng Giác

 20120708 2000228593
Từ trái: nhà văn Hoàng Khởi Phong, nhạc sĩ Lê Uyên Phương, họa sĩ Khánh Trường, nhà văn Mai Thảo, Phan Ni Tấn, nhạc sĩ Trần Duy Đức & nhà văn Nguyễn Mộng Giác (Nam California, 1989)

Trước 1975 tôi chẳng biết gì về cuộc đời của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, ngoài tên tuổi của anh, cho đến khi mất nước chúng tôi mới gặp nhau trong một đêm văn nghệ hát chui tại một quán café ở Sài Gòn. Quán café Ban Mê bên Thị Nghè do chi em cô K.O quán xuyến rất đông khách, mỗi tối thường qui tụ một số văn nghệ sĩ miền Nam đến gặp gỡ nhau tán gẫu chuyện đời. Cô K.O tốt nghiệp thủ khoa âm nhạc tại trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn trước 1975, có tinh thần văn nghệ rất cao, cô thường chọn những ca khúc có trình độ cao để diễn tả bằng một giọng hát ténor đòi hỏi kỷ thuật ngân nga cao vút.

 

Xem tiếp...