Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàBài Viết NgắnPhê BìnhVăn chương của Võ Phiến “đứng” được với thời gian

Văn chương của Võ Phiến “đứng” được với thời gian

Phát biểu trong buổi ra mắt Tuyển Tập Võ Phiến tại nhật báo Người Việt (Nam California USA 28/1/2007)

Hồi còn bận bịu việc mưu sinh, tôi vẫn thường hẹn là khi về hưu, không còn phải lo chuyện cơm áo hàng ngày, mình phải đọc lại thật kỹ những tác phẩm văn chương mình thích để thưởng thức trọn vẹn giá trị các tuyệt tác ấy. Tôi đã về hưu từ năm 2003, đã đọc được một số sách tôi rất thích hồi còn trẻ, nhưng thú thực bây giờ tôi không có cùng một nhận định đánh giá như trước. Nhiều tác phẩm trước đây tôi say mê, bây giờ đọc lại chỉ thấy nhạt nhẽo. Những cái sang trọng kỳ vĩ trở thành giả tạo, vay mượn vội vã từ những nguồn gốc mà bây giờ tôi mới biết. Nhiều kiến trúc đồ sộ sau những cơn mưa nhẹ đã đổ xuống, vung vãi vôi vữa khắp nơi. Tôi đâm băn khoăn, không biết cái tôi hồi trẻ là đúng hay cái tôi bây giờ mới đúng. Đọc mà không đam mê như tôi hiện đọc trong tuổi hồi hưu, có đúng là “đọc” hay không? Và tôi nhận ra cái điều đã nghe nói nhiều lần: màng lọc tàn nhẫn và khủng khiếp của thời gian. Có một vài trường hợp ngoại lệ: có những tác phẩm đọc lại, tôi vẫn cảm thấy y như những gì cảm thấy hồi trẻ, như truyện ngắn và tùy bút của Võ Phiến.

Thật vậy, hồi trẻ đọc xong một tác phẩm của Võ Phiến, lòng tôi cứ bần thần, ngơ ngẩn suốt một thời gian dài. Cảm giác ấy quấy rầy tâm hồn tôi, một cảm giác phải thành thực mà nói, là rất khó chịu, buồn bã u sầu, nó làm “trệ” cả người. Tôi cho đó là dấu hiệu của giá trị văn chương. Cũng như hồi đó (trước 1975 ở Sài Gòn), một lần có người hỏi phu quân bà Bút Trà chủ nhiệm Sài Gòn Mới thế nào là một bài thơ hay. “Ông” Bút Trà trả lời: Bài thơ hay là bài thơ đọc xong mình thấy cái rún tê tê. Gần nửa thế kỷ là thời gian dằng đặc phân cách lần đọc Võ Phiến đầu tiên và cuối cùng của tôi. Thế mà cảm giác bần thần ngầy ngật ngày xưa vẫn không thay đổi. Tôi nghĩ: Văn chương của Võ Phiến “đứng” được với thời gian, ít ra là theo kinh nghiệm “đọc” của tôi. Và tôi đặt thêm câu hỏi: Vì sao vậy? để may ra có được một kinh nghiệm “viết”.

Nhiều nhà nghiên cứu đã tìm cách trả lới câu hỏi này. Có người chú ý đến chính kiến của Võ Phiến. Có người đặt nặng phần tu từ. Người khác, kỹ thuật viết tùy bút. Phần tôi, các nhân vật trong truyện ngắn và tùy bút của Võ Phiến ám ảnh tôi không nguôi.

Thật lạ. Họ là người Bình Định, dân xứ “nẫu”, đồng hương của tôi và Võ Phiến. Vì là đồng hương nên có phần thiên vị chăng? Không. Nhân vật của Võ Phiến hầu hết là dân quê mùa ít học, quanh năm không có lấy vài phút sống cho được tới mức tạm gọi là sang trọng đầy đủ. Tên của họ là những anh Bốn Thôi, ông Ba Đồng Thời, chị Bốn Chìa Vôi, Ông Bốn Tản Cư, ông thập Tam, cô Tư Lớn… Nhưng người dân quê trong tác phẩm Võ Phiến không đóng vai trò nạn nhân như trong truyện Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng; cũng không đóng vai trò người chân chất như trong truyện Tô Hoài, Thạch Lam, Nhất Linh. Lịch sử hiện đại cho thấy người nông dân nghèo không phải lúc nào cũng là người hiền lành chân chất. Khi có quyền lực vô hạn, những đứa con của mẹ Lê (trong truyện của Thạch Lam) có thể dễ dàng trở thành những anh đội, chị chánh án “miệng nhà quan có gang có thép” trong cải cách ruộng đất. Nhân vật Võ Phiến không hiền, không dữ, dù họ không giàu không sang. Người nào cũng mang trong người một khuyết tật bất thường nào đó, một nỗi u uất không thể giải toả, một niềm ân hận sống để dạ chết mang đi. Tất cả đều có cái gì bất thường: như cái thú trưa trưa lén ra chỗ vắng lim dim mắt nhổ lông mũi của Bốn Thôi, như cái thú nuôi chim bắt rắn rồi khổ một đời vì những loài giống rắn và những ước vọng bay cao như chim của chị Bốn Chìa Vôi, như cái mơ ước được có một mái ấm gia đình đến nỗi gặp ai nói giọng Quảng cũng nhận là bà con của ông Bốn Tản Cư, như tâm trạng phức tạp của người cán bộ cộng sản Thọ, thái độ hưởng lạc vô tư của quận Toàn… Người đọc Võ Phiến xa lạ với những mẫu người mẫu đời quê mùa ấy, nhưng đọc truyện của ông xong, họ giật mình cảm thấy cái gì rờn rợn, như đang bị một bóng ma ám ảnh. Họ nhận ra rằng cái bất thường vừa tìm thấy ở những nhân vật kia dường như cũng hiện diện đâu đó, ở gần ta, ở trong ta. Chỉ vì ta dễ dàng, ta vô tâm, ta bị cuộc sống hối hả hằng ngày che lấp, nên ta mới không thấy ta cũng bơ vơ không tìm thấy “quê hương” đích thực như họ, ta cũng không biết về đâu như họ.

Nhân vật của Võ Phiến rất giống với nét mặt các pho tượng Bayon ở Đế Thiên Đế Thích, rất Việt Nam mà cũng rất nhân loại. Họ không lai căn, và vì chúng ta “lưu lạc” suốt nửa thế kỷ nay nên thân phận lưu lạc của nhân vật Võ Phiến trở thành thân phận của tất cả chúng ta.

“Cái lớn” đó gắn bó chúng ta với thế giới những con người nhỏ nhoi như Bốn Thôi, Bốn Tản.

Còn những “cái nhỏ” trong văn Võ Phiến?

Xin trích ra hai “cái li ti”. Một là trong tùy bút “Cái Còn Lại”

“Chàng nghĩ đến một chi tiết chưa bao giờ nhớ tới, từ hồi ấy đến giờ: lúc viên bác sĩ vào phòng mạch, cô (y tá) ngừng câu chuyện đang nói với chàng, đứng lên, chợt bắt gặp mắt chàng đang nhìn vào cánh tay cô. Cô ta nhoẻn cười lấy bàn tay kia xoa mấy vòng lên cánh tay bị nhìn. Nhiều sợi lông rối lại, rồi bung ra. Cô ta ngượng vì những sợi lông ấy, hay hãnh diện vì chúng? Chàng nghĩ: cô không nên ngượng nghịu, hãy cứ để yên thế, chúng nó kích thích”

Hai là trong tùy bút “Một chỗ thật tịch mịch”

– Em tránh ra lối này đi. Có kiến.
– Để yên em coi. Mình không cử động, nó không cắn. Anh thấy không, con này bò mãi trên chân em mà không cắn.
– Dại gì. Nó còn muốn bò mãi lên cao.
– Thôi ông. Lại bắt đầu nói bậy.

Những “cái lớn” thì lạc loài thất cước, không tìm ra quê hương.

Phải chăng theo Võ Phiến, cái tồn tại được là những “cái nhỏ nhặt” tưởng như vô nghĩa, như con kiến đang hăng hái bò lên cao lên cao, như những sợi lông rối lại tạm thời, rồi bung ra, kích thích.


Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 5967

Tác Phẩm

BÀI KỀ

2 BÌNH LUẬN

  1. Van Vo Phien co mot so chi tiet la, co chat tho bang bac, nhung doc van thay nom na, mach que, thieu y tuong sau sac.
    Nghe noi Vo Phien doc nhieu sach lam. Vang, doc nhieu nhung viet hay la hai linh vuc khac nhau.

  2. thưa bác, cháu cũng là người Bình Định, cháu đang học trường Đại học Đà Lạt.Mới đây cháu có làm một đề tài về nhà văn Võ Phiến mà tài liệu thì khan quá bác ơi, Bác có thể giúp cháu một số tài liệu liên quan đến nhà văn Võ Phiến được không bác. cảm ơn bác nhiều

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây