Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Về Đâu

(truyện dài Qua Cầu Gió Bay  – Phần II)

1

Vi không nhớ nỗi nghi ngờ về con người bắt đầu lãng đãng ám ảnh nàng từ thuở nào. Từ thời niên thiếu chăng? Không, nhất định không. Tuy tuổi nhỏ hai chị em thiếu những chuyện thần tiên có công chúa và hoàng tử, thiếu bàn tay ve vuốt của người mẹ hiền, thiếu những nụ cười trong như ngọc, nhưng cô bé Vi chưa bao giờ dám nghi ngờ về cuộc đời.

Ngày cha mới mất, ba mẹ con sống với nhau như đàn gà lạc giữa xóm làng heo hút nằm sâu vào ven bờ núi. Mẹ về với cha bất chấp lời can ngăn của ông ngoại, nên chưa bao giờ có ý nghĩ trở lại nương nấu nhờ nhõi của cải giàu có của cha mẹ. Gia đình phía nội của Vi lại nghèo, tuy hết sức nể vì cô con gái con ông chánh tổng danh tiếng, nhưng không biết làm gì để giúp đỡ kẻ cô thế. Những lời an ủi, phân ưu không làm no lòng. Mẹ phải lăn lộn với đời, chịu khó đi làm thuê, mót lúa, để nuôi hai con. Vi phải ở nhà giữ em, nấu sẵn nồi cơm, múc đầy ang nước. Mẹ vất vả quá nên nhiều buổi chiều trở về gắt gỏng đánh đập con cái, trút hết sự giận hờn thế thái nhân tình lên đầu hai đứa trẻ mặt mày ngơ ngác, hơ hải. Thằng Vĩnh còn nhỏ khóc tấm tức không chịu nín, làm mẹ cáu, thêm nặng tay. Mỗi lần như vậy, Vi vội bồng em ra phía vườn chuối, mếu máo dỗ dành:

 

– Nín đi. Nín đi chị thương. Mẹ thương em lắm. Cha mất mẹ khổ, nên mẹ dễ nổi nóng đấy thôi. Nín đi , em ngoan.

Chưa bao giờ Vi cảm thấy tin ở mình bằng lúc ấy. Gia đình này sẽ ra sao nếu không có Vi? Ai trông nhà cho mẹ? Ai giữ Vĩnh cho mẹ? Ai nấu cơm cho mẹ? Ai quét tước cho mẹ? Trong đôi mắt sâu buồn, chứa chất vừa nỗi thống khổ nhọc nhằn, vừa niềm kiêu hãnh tự tin.

Lúc hàng xóm xì xào đồn đãi sự vụng trộm giữa mẹ và ông hương kiểm, rồi bà hương kiểm đến đánh ghen xé rách cái quần lãnh cũ của mẹ. Vi cảm thấy tủi nhục, nhưng đồng thời hãnh diện trước vẻ sợ sệt của mẹ. Mẹ không dám nhìn thẳng mặt Vi, không dám la rầy khi Vi nấu cơm khê, luộc rau sượng, vô ý đánh bể cái chén sành, quên tắm cho thằng Vĩnh… Những trận đòn lúc chạng vạng thưa thớt hơn. Mẹ mua vải hoa may cho Vi cái áo mới, đi chợ phiên trên quận mua cho Vĩnh con gà nắn bằng đất sét có sơn xanh đỏ lòe loẹt. Vi mặt áo mới, cõng thằng Vĩnh tung tăng theo tiếng ti toe, đi từ đầu làng đến cuối xóm khoe với lũ trẻ. Mấy đứa nhỏ hóa hức thèm thuồng, xin thổi một cái. Thằng Vĩnh nhất định không chịu. Lớp vôi màu đã tróc hết, đất sét nung chưa chín vừa theo nước miếng đóng một vòng tròn quanh môi của Vĩnh. Mấy đứa lớn, nhân cơ hội chọc ghẹo:

– Ê, đồ ở dơ!

– Ê, đồ cạp đất!

Chanh chua nhất vẫn là bọn con gái:

– Lêu lêu không biết xấu. Cái áo này đâu phải của mẹ mày. Lão hương kiểm cho mày phải không?

Vi tức giận bỏ Vĩnh xuống, nhào đến túm tóc con bé, cào rách mặt mày nó, thoi vào ngực nó. Nếu không có mấy đứa con trai lớn can ra, không biết hậu quả sẽ ra sao. Người ta đem con đến tận nhà mắng vốn, mẹ phải hạ mình năn nỉ, xuýt xoa xin lỗi và chịu bồi thường tiền thuốc thang. Vi và Vĩnh núp ở phên cửa sau, hãi hùng tưởng tượng cơn thịnh nộ giông bão sắp đổ lên đầu lên vai mình. Nhưng Vi ngạc nhiên biết bao! Mẹ trở vào, không nói năng ôm hai con khóc òa. Vĩnh đứng sượng sùng, còn Vi thì khóc thỏa thuê, lần đầu sa vào lòng mẹ, chùi nước mắt lên vạt áo mẹ, ngửi mùi mồ hôi ngai ngái thân yêu:

– Mẹ nói đi! Đâu phải cái áo này của ông hương kiểm. Nó bị đánh là đáng kiếp. Của mẹ mau cho con chứ bộ!

Mẹ chỉ khóc. Khóc mãi khóc hoài. Thằng Vĩnh bỏ ra sân trước tí toe thổi con gà đất. Chỉ còn có Vi an ủi mẹ, Vi đứng dậy, ôm đầu mẹ ủ vào ngực, hai tay vuốt ve mái tóc mướt mùi dầu dừa của mẹ. Mái tóc lúc trước vẫn rối bời như nỗi băn khoăn, nỗi bơ vơ không biết cuộc sống ba mẹ con rồi sẽ trôi về đâu, lúc ấy Vi mới ghi nhận sự biến đổi khác thường. Mẹ khóc mãi trong vòng tay Vi. Trong niềm kiêu hãnh trưởng thành, mùi dầu dừa xông lên cùng nỗi ngờ vực hoang mang.

Mẹ đi làm lẻ ông hương kiểm, thì bà ngoại hớt hải đến ngôi nhà ven núi đem hai đứa cháu về nuôi. Bà ngoại ông ngoại xem sự săn sóc hai đứa cháu mồ côi như một cách trừng phạt xứng đáng đứa con gái ngỗ nghịch phá hoại gia phong. Ông ngoại ngậm ngùi nhớ các đức tính cần cù, đôn hậu, ít nói mà chơn chất của cha Vi.

– Tội nghiệp nó nghèo mà có đức. Chết chi sớm cho hai đứa con khổ.

Ông ngoại quên hẳn rằng chính mình đã rêu rao khắp quận từ con, vì nó hạ mình say mê “một thằng cướp núi nghèo rớt mồng tơi”. Ông bà ngoại may quần áo mới cho hai chị em, mua sắm giày dép, sách vở cho Vi và Vĩnh đi học. Bà ngoại lật mấy trang vở quăn góc, nhập nhòe chữ nghĩa xiên xẹo, khen:

– Ông coi đây. Cháu nó học khá không! Cả hai đứa đều thông minh hệt cha chúng ngày trước. Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh.

Ngoại nói xong, gió tạt vào nhà đưa thoảng một tiếng thở dài ngậm ngùi.

 

   Số lần đọc: 167

Tác Phẩm

BÀI KỀ

Bài trước
Bài tiếp theo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây