Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Về Đâu

3

Phải đợi đến lúc chính mình va chạm với những trở lực bất ngờ, chân bước hẫng vào một khoảng đất tưởng sâu, hay trán va vào cái trần tưởng còn cao lắm, Vi mới thực sự hiểu mẹ. Trong cảnh cùng khổ có nhau, hằng ngày thấy mẹ vất vả lăn lộn với những kẻ mưu sinh chưa quen, Vi nhìn mẹ như một bà tiên hiền từ, bao dung và nhất là giàu lòng hy sinh. Áo mẹ sờn vai và dỉ trắng mồ hôi muối, quần lãnh cũ nhàu nát, mái tóc lòa xòa bao giờ cũng bị bám vài cọng rơm hay lá tre. Nhưng Vi vẫn thấy mẹ đẹp tuyệt trần. Nhất là mái tóc rối trên khuôn mặt hằn dấu đớn đau tủi nhục, với vài sợi tóc mai buông lơ thơ bên má. Nhiều hôm Vi lấy tay ve vuốt mái tóc mẹ cho thẳng hơn, nhưng nó vẫn cứ bềnh bồng. Cho nên tuy không hiểu rõ lòng mình, khi thấy mẹ săm soi, thoa dầu chải chuốt, làm mướt mái tóc vẫn còn xanh. Vi cảm thấy hoang mang, xót xa. Vi tiên đoán có một đột biến nào đó trong cuộc đời mẹ. Vi lo sợ. Đến lúc mẹ chính thức làm lẻ ông hương kiểm, cả một lâu đài thơ mộng đổ vỡ trong Vi.

Trong đầu óc cô bé, một người mẹ hiền sẵn sàng lìa bỏ cuộc sống nhung lụa cấm cung để lấy một tên lãng tử góc núi, tất phải có một tâm hồn đam mê và thủy chung không cùng. Những năm khổ cực sau cái chết của cha, nỗi kham khổ trong công việc đồng áng và sự im lặng cam chịu của mẹ càng làm Vi tin tưởng ở mẹ hơn. Mẹ tái giá, mùi dầu dừa nồng nặc từ mái tóc quá mướt của mẹ khiến Vi nghi ngờ về sức mạnh của con người, cảm thấy sự mỏng manh của ý chí, sự yếu đuối của tình cảm. Vi về ngoại với một nỗi hận, và từ đó, Vi muốn quên trần gian bùn lầy, sỏi đá cằn cỗi, mà chỉ muốn theo mây bay.

Hai chị em đặt chân lên đất Bắc mà vẫn không quên nổi những đợt sóng xanh, những đám mây cuốn, nhungt74 chân trời ngút mắt. Vũ trụ chỉ còn có hào khí. Vi có cảm tưởng chỉ cần một tiếng thét là nước mây rúng động, và sừng sững, vòi vọi trên hết mọi sự, là hiện thân của chí người.

Hai chị em được vào “học xá miền nam”, chuẩn bị vào đại học. Vi chọn ngành thuốc, còn Vĩnh chọn ngành nông nghiệp; Vi vì tò mò về con người, còn Vĩnh có lẽ vì không thể quên được những đêm lễ ngủ trên cỏ ướt dưới bầu trời trăng sao. Vi không nhớ từ sự thờ ơ lạnh lẽo, nàng bắt đầu lưu ý đến Tuấn lúc nào, vì nàng ở đấy suốt hai năm mà không biết bác gác cổng có đứa con trai đang học cấp ba. Hình như nhiều hôm từ thư viện về khuya, Tuấn có ra mở cổng thay cha, Vi nói cảm ơn như một phản xạ tự nhiên. Hình như vào những lúc bác cai bị cảm do trái gió trở trời, căn bệnh kinh niên của những bộ máy dùng quá khả năng và thiếu săn sóc, cậu con trai tóc cắt ngắn mặc đồng phục xanh có e ấp, sẽ sàng đi đưa thư cho các nội trú viên. Hình như có lần nhận được thư của dì Sáu từ Vĩnh Yên gửi xuống, quá mừng rỡ, Vi có vồn vã hỏi:

– Thư đến lúc nào vậy cậu?

– Đến từ hôm qua. Ba tôi biết cô mong nên bảo đem vội lên.

– Cảm ơn cậu nhiều. À mà này, cậu… anh tên gì cho tôi biết với?

– Tôi tên Tuấn.

– Bác bị bệnh gì đau yếu hoài vậy anh Tuấn?

– Tôi không biết. Chắc là bệnh già. Ba tôi như cái xe đạp cũ của tôi, hết xẹp lớp lại trật sên.

Vi thấy vui vui trước lối tỉ dụ ngộ nghĩnh phạm thượng ấy. Có lẽ từ đó, đi đâu về lúc nào nhìn ra phía con đường sắt trước khu nội trú, Vi cũng thấy Tuấn. Bộ quần áo xanh của Tuấn, mái tóc “húi cua” của Tuấn, cái xe đạp trành của Tuấn trở thành một thành phần trong khung cảnh quen thuộc vây quanh đời Vi: cái giường gỗ, cái mùng màu trắng mỡ gà, chiếc gối xanh lơ, bàn học, chai nước lọc có chụp bằng giấy bìa, sách vở bề bộn trên nền xi măng lẫn lộn với băng, bông, thuốc men, hành lang dài , ánh điện yếu, con đường sỏi dẫn ra cổng sắt, khẩu hiệu trên vách tường… Biết Vi học Y khoa, bác cai có vào hỏi xin thuốc. Vi chỉ dẫn cách dùng, đôi lúc còn tự mình ra tiêm thuốc khỏe cho bác nữa. Vi trở thành một người trong nhà, gọi Tuấn thân mật bằng tên và xưng chị. Bác cai vồn vã hỏi về những con sông miền Trung , mùa hạ cát trắng và mùa đông nước đục tràn đôi bờ thoai thoải, về những rừng dừa ngút ngàn, về các địa danh chợt nhớ từ thời thơ ấu phiêu lưu. Vi lần lược được hưởng những biệt đãi: một ấm trà nóng, một lá thư đưa gấp, một khoanh giò chả. Đôi lúc đang lúi húi lo tiêm thuốc cho bác Cai, chợt ngước lên, Vi bắt gặp đôi mắt bốc lửa của Tuấn. Vi cảm thấy nóng bừng ở thái dương lâng lâng ngây ngây như lúc bước chân xuống con tàu mang mình ra Bắc. tuấn có vẻ muốn lánh mặt Vi, nhưng ở đâu lúc nào, hình như Vi cũng thấy đôi mắt đen sáng của Tuấn đăm đăm nhìn mình.

Mùa đông năm ấy, cặp phổi yếu ớt của một công chức già trải qua bao nhiêu chính thể hành hạ bác cai hơi nhiều. Mọi công việc trong học xá gần như bác gái phải gánh vác hết. Tuấn phải phụ việc cho mẹ, từ việc đưa thư cho đến việc coi sóc vườn tược, đóng lại cửa ngõ, sửa lại hệ thống điện, khơi cái hầm rút bị ứ. Tuấn không mấy vui vẻ khi làm những công việc ấy nhất là vào giờ các cô nội trú có mặt tại phòng. Nhưng bệnh tình của bác Cai không mấy thuyên giảm. Vi phải túc trực nhiều đêm bên giường bệnh, đo nhiệt độ, chích thuốc khỏe. Cái bệnh hen làm bác khó thở, đôi khi đàm bít kín khí quản đến nỗi bác Cai suýt ngất đi nếu không có Vi cấp cứu. tuấn vẫn luôn có mặt bên cha, và đôi mắt cậu vẫn chan chứa ánh lửa đam mê. Khi tiêm xong thuốc cho người bệnh, và bác Cai thiêm thiếp ngủ. Vi khẻ dặn Tuấn:

– Tuấn chịu khó thức coi chừng, sợ cơn hen trở lại. Có gì bất thường cứ lên kêu tôi.

Lúc đưa mấy viên thuốc cho Tuấn, Vi thấy bàn tay Tuấn hơi run. Tuấn lí nhí cảm ơn, đưa nàng ra phía cửa hông. Vi định bước nhanh ra phía ánh sáng ngọn đèn bóng mờ dưới cổng chính, thì Tuấn nắm chặt lấy tay Vi, thảng thốt:

– Cảm ơn chị… Cảm ơn Vi. Tôi cảm ơn Vi nhiều!

Vi im lặng, đứng chờ. Tuấn không nói được gì thêm, quên bỏ tay của Vi ra. Khi ý thức được sự lố bịch của mình, Tuấn mới hốt hoảng xin lỗi rồi chạy vào nhà.

Sự tận tụy chủa Vi không cứu được mạng sống mong manh của bác Cai. Cả học xá ngậm ngùi đưa tang. Tuấn không khóc, mắt hơi đỏ và ướt, lo đỡ vai bác Cai gái tỉ tê kể lể, hoặc vật vã gào khóc. Người ta đưa mẹ Tuấn về nhà trước khi hạ huyệt, vì bà yếu đến nỗi khóc không ra tiếng. Vi đứng bên cạnh Tuấn, nhắc nhở các lễ nghi tống táng phải làm. Tuấn như người mất hồn, vâng theo lời Vi như đứa bé lên ba vâng theo lời mẹ. Mỗi người lác đác về hết. Tuấn vẫn tần ngần đứng bên mô đất mới. Vi lấy cớ chóng mặt để các bạn về trước, đứng chờ Tuấn dưới gốc cổ thụ bên ngoài nghĩa địa.

Lúc Tuấn dắt xe đạp ra, Vi đến bên, hỏi nhỏ:

– Bây giờ Tuấn đi đâu?

– Tạm về nhà vậy. Chắc tôi không còn ở đây lâu.

Vi hấp tấp hỏi:

– Sao vậy? Bác gái vẫn có thể thay thế chỗ của bác trai. Tuấn vẫn tiếp tục học, có sao đâu?

Tuấn không nói. Đôi mắt nhìn Vi hơi có vẻ giận dữ. Một lúc sau, Tuấn mới trả lời:

– Có sao đâu! Có sao đâu! Cuộc đời đóng khung trong cái cổng sắt, lo câu điện, tháo hầm rút, đưa thư, mở khóa. Có sao đâu!

– Xin lỗi Tuấn. Tôi muốn nói là Tuấn vẫn có thể ở học xá tiếp tục theo nốt mấy năm hỏa xa.

– Không! Tôi đã định rồi. Mẹ tôi trở về quê sống với bà ngoại. Tôi đã xin ghi tên tình nguyện vào Nam. Xa chị tôi buồn lắm. Nhưng làm sao được! Lúc xa quê hương ra đây nhất định chị từng ao ước được làm áng mây. Tôi cũng vậy. gtoi6 sợ chết già ho hen bên trong khung cửa sắt.

Vi chua xót thấm thía nỗi tuyệt vọng đầu đời. Làm mây bay! Chỉ thích làm mây bay! Đứa con trai đôi mắt bốc lửa sau bao lần rụt rè dám nắm tay Vi, bây giờ thích làm mây bay. Có gì khiến cuộc đời người ta cứ luôn luôn bập bồng, và tâm hồn người ta cứ tràn đầy những giấc mộng anh hùng. Chiếc xe đạp rỉ hay con ngựa hí trên dặm dài? Sự chấp nhận an bình hay sự thách đố khai phá? Vi không hiểu nổi mình, và nổi người. Sự quyết định của mẹ khi mua dầu thoa mướt mái tóc, sự quyết định của Tuấn khi nhất định thoát ra bên ngoài cái cổng sắt, và cả sự quyết định của Vi, muốn bám theo thoáng hạnh phúc vừa thấy để tìm nghĩa lý đời mình, do đâu mà có?

Bộ phận nào trong con người khiến nó yếu đuối rồi vũ bảo, mạnh như thác nước rồi lặng như mặt hồ. Có lẽ nhunfg74 thắc mắc ấy đã khiến Vi chọn phẩu khoa.

 

   Số lần đọc: 48

Tác Phẩm

BÀI KỀ

Bài trước
Bài tiếp theo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây