(Nguyễn Mộng Giác thời viết Mùa Biển Động, 1982-1989)
Hơn hai thập niên trước Võ Phiến viết tựa cho tuyển tập truyện ngắn ‘Ngựa Nản Chân Bon‘ xuất bản lần đầu bởi nhà Văn Nghệ (Cali). Trong 13 trang bài, ông nói đến cái ấm tình dành cho Giác như một đồng hương. Quan trọng hơn, ông nhấn mạnh những ưu điểm đặc biệt của nhà văn trẻ là cẩn trọng và thâm trầm. Võ Phiến nêu ra tính cách xúc tích của Giác khi anh quan sát cuộc đời, cùng với sự ưu tư sâu xa và sâu sắc về con người và cõi nhân tâm. Kết quả tất nhiên là truyện Giác hay và được ghi nhận bởi các bạn văn cũng như ban giám khảo Trung Tâm Văn Bút Viêt Nam khi trao cho Đường Một Chiều giải tiểu thuyết 1974. Mặc dầu những thành tích ấy, Võ Phiến vẫn còn tiếc một điều, là lẽ ra Giác phải nổi danh hơn nữa. Ông viết:
‘Ở đây tôi không có ý nêu lên cái việc Nguyễn Mộng Giác được người này người kia trong văn giới yêu thích; tôi chú ý đến chỗ sự yêu thích có pha mừng rỡ, đôi khi lại có lẫn chút ngạc nhiên. Giác có địa vị ổn định rồi thì đã không có cái reo mừng nọ. Nghĩ đi nghĩ lại, thấy quả thật trong trường hợp Nguyễn Mộng Giác có điều thiệt thòi bất công: Giác đã không được chú ý rộng rãi và nhanh chóng xứng với tài mình… ‘
Quá trình của Giác sau hơn 20 năm vừa qua chắc đã làm thỏa lòng nhà văn trưởng thượng về những mong ước tốt lành cho người bạn văn vong niên. Giác đã đạt được danh vọng lớn trong nghề, và trở thành một nhà văn quan trọng cho người Việt hải ngoại. Quốc nội với hệ thống văn học đang ra khỏi cảnh chỉ đạo đã tùy thời khi ưa khi ghét. Nhưng họ cũng không quên hay vờ được Giác, mặc dầu những đoạn văn chân thành anh đã ghi lại như một nhân chứng đáng tin cậy về những thảm họa cộng sản mang lại cho con người, ít nhất trong thời quân quản và những năm tiếp theo.
Sau cùng, những độc giả Mỹ gốc Việt lớn lên và phục vụ cho ngành giáo dục Mỹ đã đưa tác phẩm của Giác vào kho tài liệu giảng dậy về văn học Việt Nam cho một số đại học Mỹ. Tôi cũng nghe nói rằng qua sự trung gian này, những nhân viên ngoại giao Mỹ khi được cử sang Việt Nam lúc liên hệ ngoại giao mới bình thường hóa có ghé thăm Giác để tìm hiểu về văn hóa vùng đất nhiệm sở mới của họ. Và sau cùng hôm nay DAMAU làm một số chủ đề cho Nguyễn Mộng Giác, sự việc là một bằng chứng nữa về sự thành công của nhà văn.
*
Khi Thơ Thơ rủ viết cho số đặc biệt về Giác, tôi nghĩ chắc đã có vô số người bình văn tinh tế đã thấy những điều Võ Phiến thấy hơn hai thập niên trước nơi văn phong của Giác. Nên chi tôi chọn một góc nhìn có lẽ ít người lưu ý tới, là quá trình và sự hình thành của nhà văn.
Tôi có hồi sinh hoạt khá thường xuyên với Giác qua tờ Văn Học. Lúc ấy và về sau chúng tôi đã nhiều dịp bàn bạc về chuyện văn chương trong những buổi trà dư tửu hậu. Nhờ đó tôi có một số ý niệm về Giác và văn phong của bạn. Thật ra cũng có lúc tôi hỏi Giác những câu hỏi vô tình mà hóa ra trực diện với đề tài hôm nay.
Quá Trình Của Một Nhà Văn.
Quá trình viết văn của Giác có thể gọi là bất ngờ. Các thầy cô thường nghĩ những năm tú tài là những năm quyết định cho nghề ngiệp tương lai. Vậy mà định đề ấy không áp dụng cho Giác. Anh học ban B của trường Chu Văn An, một trường trung học nổi tiếng về toán. Tài viết văn của Giác xem ra không bắt nguồn từ những bài giảng của ban khoa học trung học. Những năm học văn tại đại học sư phạm, Giác cho tôi cảm tưởng là chuyện đó ảnh hưởng anh nhiều về cách dậy hơn là cách viết văn.
Nếu không học viết văn dưới mái trường thì Giác học ở đâu, là một câu hỏi thú vị. Trong những năm quen biết Giác, kể cả thời gian làm chung tờ Văn Học, tôi đã nhiều lần hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp hỏi Giác chuyện ấy.
Chung cho mọi thanh niên tốt nghiệp trung học Việt Nam là một gia tài văn học giáo khoa, từ Văn Tế Cá Sấu, Trê Cóc, Sãi Vãi, Hoàng Lê Nhất Thống Chí, Hoa Tiên, cho đến Phan Trần và Lục Văn Tiên… Và sau cùng mà cũng quan trọng nhất là Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán, và Kiều. Tiếp theo là Tự Lực Văn Đoàn mà chỉ ban sinh ngữ mới học, nhưng không ít thì nhiều chúng tôi đều có đọc và cảm thấy một lòng kính trọng chân thành. Các nhà văn tiền phong này đã để một dấu ấn quan trọng cho một thời đại văn học sử.
Nhưng những tài liệu ấy thì ai học trường Việt chả có. Có lẽ nên đề cập tới hai nét đặc biệt cho những thanh niên Việt Nam trưởng thành ngay sau hiệp định Genève. Vào thời điểm này có hai nguồn thông tin quan trọng về văn học. Đó là sự xuất hiện của những ấn phẩm Livres de Poche và xu hướng tư duy thời thượng hậu chiến của Pháp sau hơn mười năm tung hoành tại Paris đã lần mò tới được Việt Nam.
Tôi hỏi Giác hai nguồn thông tin này có ảnh hưởng văn phong và văn nghiệp của anh không? Như thường lệ, câu trả lời của Giác dứt khoát. Thứ nhất anh khẳng định là không, khi nói đến văn học hậu chiến Pháp trong dạng thức nó xuất hiện ở Sài Gòn. Thứ hai, anh trung thực nhìn nhận anh đã học được rất nhiều về nghề viết từ tủ sách Livres De Poche.
*
Để thanh toán trước vụ Tân Tiểu Thuyết và vân vân, rồi ta sẽ khai triển vụ Livres de Poche sau. Giác nghĩ những chuyện tư duy yếm thế sau thế chiến thứ II ấy, tại gốc nguồn có thể phản ánh những cái đau thật của người trí thức Pháp bấy giờ. Sự bất mãn, sự bơ vơ, sự day dứt hoàn toàn hiểu được. Hàng triệu chiến binh hai bên đã tử vong, hàng triệu thương binh khác đã trở thành phế nhân thể xác và tinh thần… Thương vong về phía thường dân vô tội chắc còn phải gấp bội. Những thành phố xây dựng hàng thế kỷ đã trở thành những dậm vuông gạch đá vụn.
Và có lẽ sự kinh hoàng lớn nhất là con người của một xã hội văn minh và tiến bộ như Đức có thể cho phép Hitler biến họ thành những con quỷ không nhân tính để hành hạ và đầy đọa đồng chủng không thương tiếc trong những trại tập trung. Sự tha hóa vì chiến tranh không phân biệt màu da hay chủng tộc. Các tướng lãnh Nhật đã cho phép vụ cuồng sát và cuồng dâm tập thể Nam Kinh; họ còn bao dung hay trực tiếp cho phép những chương trình thí nghiệm ‘y học’ trên thân xác những tù binh người Hoa. Sau cùng không phải chỉ có kẻ thua trận độc ác, mà sự cần thiết của hai qủa bom nguyên tử Mỹ tại Hiroshima và Nagasaki ngay lúc chiến cuộc sắp kết liễu vẫn là một nguồn thao thức không nguôi cho lương tâm nhân loại.
Tất cả làm kẻ trí thức Âu châu mơ ước một tổ chức thông minh hài hòa và nhân đạo hơn cho nhân loại. Tư bản đã thất bại thảm hại trong vụ khủng hoảng kinh tế những năm 20 và phần nào là nguyên do chiến tranh, kể cả cuộc thế chiến II. Biết bao bất công về phân chia lao động và hưởng thụ đã chia rẽ loài người. Sự kiêu hãnh chủng tộc bệnh hoạn của Đức Quốc Xã, tinh thần quốc gia quá khích của Nhật chứng tỏ những giá trị cũ kể cả lòng yêu nước cũng cần xét lại.
Tất cả làm cho người ta mơ ước một cuộc cách mạng với hy vọng đi tới một thế giới đại đồng siêu quốc gia hợp lý và tốt lành. Nhiều nhà trí thức Tây Phương như Gide sau cuộc thăm viếng Nga kiểu cỡi ngựa xem hoa đã tưởng xã hội cộng sản là giải pháp. Xã hội ấy hứa hẹn một thiên đường hạ giới không có mại bản ký sinh trùng trung gian, không có tư bản, người sản xuất chỉ còn sự nghiệp bình sinh là phục vụ người tiêu thụ. Mọi việc điều hòa và lành mạnh dưới sự quản trị của ‘nhân dân’. Ai khả năng bao nhiêu thì lao động bấy nhiêu, không cần roi vọt của cạp-rằng thúc bách như trâu ngựa. Ai cần hưởng thụ bao nhiêu thì nhu cầu chính đáng được thỏa mãn bấy nhiêu, và không ai hỏi thăm túi tiền giàu hay nghèo…
Sau cùng những nhà trí thức ấy vỡ mộng, khi nhìn chế độ cộng sản kỹ hơn. Thất vọng với tư bản, thất vọng với cộng sản, cái hy vọng tốt lành về tương lai trở thành mơ hồ. Bây giờ thì họ thật sự bơ vơ, như cảnh Estragon và Vladimir đợi Godot trên sa mạc của Samuel Beckett. Cả hai người đợi đều không biết Godot mặt mũi ra sao, và sẽ làm gì cho họ… Họ chờ đợi hai ngày liền, và trong khi chờ đợi trao đổi với nhau những ý nghĩ triết học về đời sống, về Chúa, về cứu rỗi vân vân, và càng thấy mọi việc bơ vơ và phi lý hơn…
Nhưng rồi tâm bệnh hậu chiến Âu châu cũng thuyên giảm. Khi làn sóng tư duy hậu chiến tới được Việt Nam thì tâm bệnh ấy kể như đã hoàn toàn phục hồi tại Pháp và Âu châu. Các thành phố tái kiến thiết nhanh chóng; các nhà máy sản xuất vật dụng cho mọi người đầy đủ hơn, tốt hơn, và rẻ hơn thời tiền chiến; tư bản điều chỉnh được thị trường và những thăng trầm của nó; cuộc sống của thợ thuyền bảo đảm hơn; tổ chức xã hội nhân đạo hơn với sự trợ giúp cho thiểu số có khuyết tật hay tạm thời không sản xuất được… Godot không còn là một sự chờ đợi cho nhân loại, mà trở thành một sinh hoạt trí tuệ hàn lâm, giới hạn trong khuôn viên đại học Âu châu.
Giác coi cuộc chờ đợi Godot là một chuyện khôi hài, và tôi hoàn toàn đồng ý với anh. Khôi hài hơn nữa là giới hâm mộ cái đuôi hiện-sinh-hiện-đại-hậu-hiện-đại này xung quanh Giác bấy giờ sự thật cũng không hàn lâm bao nhiêu. Cả Sài Gòn, số cử nhân triết đếm không đủ đầu ngón tay cho cả nước, và ngay các ban triết đại học cũng chấp nhận điều kiện rất dễ dàng khi tuyển mộ ban giảng huấn…
Tôi nghĩ Giác có lý vì nhiều lý do. Thứ nhất khi cái đuôi của tư duy hậu chiến Pháp tới được bên ta, cái đầu của nó bên Tây đã ngắc ngoải. Như đã nói, tư bản thế giới đã sửa sai được để không dãy chết như tiên đoán, trong khi những người thoát ra khỏi thiên đường cộng sản bắt đầu kể những kinh nghiệm hãi hùng của một lý thuyết không tưởng khi đem ra thực hành. Gần gũi nhất là chuyện đấu tố và sửa sai ngoài Bắc.
Thứ hai, lẽ ra xu hướng khuynh tả không được có chỗ đứng ở miền Nam, một vùng đất mà sự sinh tồn đang bị cộng sản đe dọa nặng nề. Ngồi ở Hải Phòng chờ lên tàu Hải Quân Mỹ để vào Sài Gòn mà ca tụng và nhận họ hàng với các anh các chị anh hùng cộng sản thế giới như Che Guevara hay vô danh như tập thể giải phóng quân của Fidel Castro vân vân, có một hương vị lẩn thẩn nếu không gọi là đạo đức giả. Còn nữa, không ai ép ai sống tại một trong hai vùng của đất nước vừa chia đôi. Nếu Hà Nội bấy giờ là thiên đường của tả khuynh, tại sao không ra ngoài ấy như những người tập kết… Bao nhiêu chuyện cấp bách xung quanh, như ổn định cuộc sống cho một triệu người Bắc di cư vào Nam, bao nhiêu lo lắng ngay cho cha mẹ vợ con hay bản thân trong cảnh di cư ấy, tại sao còn có thì giờ ngồi đấy lo chuyện nôn ọe, chuyện tay bẩn tay sạch, chuyện thân phận con người thời thượng hơn mười năm trước bên Pháp…
*
Bây giờ chúng ta có thể bàn vể sự ưu ái của Giác với Livre de Poches. Giác không rụt rè khi ghi nhận ảnh hưởng tốt của tủ sách này như những tài liệu học tập căn bản của mình để viết văn. Bản tính của Giác là có nói có, không nói không. Tuy không cùng khẩu khí, Giác làm tôi nghĩ đến Phùng Quán mà ai cũng biết văn nạn của ông với vụ Nhân Văn Giai Phẩm:
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói không là có,
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói có là không
Chắc không ai dọa giết Giác, nhưng tính trực ngôn đã mang đến cho Giác khá nhiều phiền toái trong quá khứ và nhiều cái mũ khác nhau trong đó có cái mũ thân cộng cùng lúc chụp lồng lên cái mũ CIA. Với cái mũ vọng ngoại văn học nếu có bị chụp bây giờ, Giác chắc cũng không sợ, vì bản tính công bình muốn trả cho César những gì của César.
Sự thật là không phải có một César, mà cả một đội ngũ Césars đông đảo. Đó là các tác giả nổi tiếng người Pháp hoặc thế giới có sách truyện được dịch ra Pháp ngữ và in ra trong sưu tập Livres de Poche. Thời ấy Livres de Poche tuy mới nhưng đã xấp xỉ một ngàn mặt sách, đọc hết chừng ấy cũng là một vốn kiến thức ít ai có. Nhưng công nhận đây là một nguồn kiến thức quan trọng bậc nhất cho bản thân đòi hỏi một sự chân thành và khiêm tốn hiếm có.
Để tôi giới thiệu với các bạn trẻ bấy giờ có thể chưa ra đời hay khôn lớn để có ý niệm về tủ sách Livres de Poche trong quang cảnh miền Nam những năm 50. Sách xuất hiện sau thế chiến thứ II ở Pháp, giấy nhẹ, bìa mềm láng và khá bền bỉ, có thể cất gọn trong túi áo để mang theo đọc bất cứ chỗ nào. Sau Genève, sách ồ ạt sang miền Nam Việt Nam, nhờ sự tài trợ đặc biệt của Pháp dành riêng cho loại hàng văn hóa này. Đối với những tủ sách khiêm tốn vỏn vẹn năm ba kệ lại không cập nhật của các thư viện hàng tỉnh hàng quận tại thủ đô, đây là một kho tài liệu văn hóa quan trọng và quý hóa chưa từng thấy.
Livres de Poche bày bán nhiều nhất là tại hai tiệm sách Khai Trí và Portail. Giá sách rẻ (do bộ ngoại giao Pháp tài trợ) chỉ khoảng 5-10 đồng một cuốn, giá một bát tái ngầu hay chín sách thêm ấm trà miễn phí tại tiệm phở Tương Lai gần Đại Học Xá Minh Mạng. Với ‘măng-đa’ của cha mẹ hồi chưa kiếm ra tiền, hay học bổng trên dưới 1000 đồng, hay chút lương nội trú khi đã trở thành công chức tép riu của bộ y tế, chúng tôi có thể mua năm ba cuốn một tháng một cách dễ dàng.
Sách Pháp gồm có các tác giả cổ điển hay giáo khoa như Alphonse Daudet, Buffon, Lamartine, Victor Hugo, Balzac, Stefan Zweig, Chateaubriand, Frédéric Mistral, Anatole France, George Sand, Gustave Flaubert, Guy de Mapassant… và các tác giả cận đại hơn như Gide, Camus, Duhamel, Claudel, Saint-Exupéry, và tất nhiên cặp tình nhân văn nhân triết gia Sartre và de Beauvoir… Thơ Pháp cũng tràn đầy với tác phẩm của các thi nhân thời thượng như Valéry, Verlaine, Rimbaud…
Sách ngoại văn dịch sang Pháp văn cũng không thiếu gì, và bạn có thể tìm kiếm dễ dàng những tác phẩm của Tolstoy, Dostoyevsky, Chekhov … và sau cùng của Boris Pasternak, Kundera… Tất nhiên là còn nhiều nhiều nữa những cuốn loại Livres de Poche về kiến thức và tư tưởng như ‘Que Sais-je?’ của Presses Universitaires de France đã tới tay Giác. Và Giác đã nghiền ngẫm chúng rồi rút ra những kinh nghiệm viết lách cũng như kiến thức chung cần thiết cho nghề viết.
Giác và tôi cùng sống qua thời gian ấy, có so le nhau chắc chỉ vài năm. Đôi khi ngồi nhắc đến loại sách vừa hay vừa rẻ của đời sinh viên, chúng tôi cảm thấy vui trong lòng, tương tự như hai người bạn trong truyện ngắn ‘Tình Nghĩa Quốc Văn Giáo Khoa Thư‘ của Sơn Nam. Tất nhiên có nhiều chi tiết khác nhau, nhưng bộ Livres de Poche với thế hệ chúng tôi có lẽ có thể ví với cuốn sách tập đọc các cụ Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận soạn gần một thế kỷ trước để vỡ lòng cho một thế hệ trẻ con mới cắp sách đến trường. Livres de Poche vào những thập niên 50-60 hiếm sách đã vỡ lòng chúng tôi về cái đẹp của văn học thế giới.
Ảnh Hưởng Truyện Pháp.
Văn học Pháp để lại một dấu ấn quan trọng trên truyện ngắn của Giác về tuổi thơ êm đềm và những diện thanh cao của con người. Điển hình là những truyện ngắn trong Ngựa Nản Chân Bon, và thí dụ cụ thể là Mẹ Trong Lòng Người Đi. Truyện viết gần với thể tùy bút, khởi sự với cảnh một đêm sao trên mái chùa quê mà Giác cảm hứng từ thơ của Huyền Không. Đêm sao ấy có em bé leo lên mái chùa, tay cầm cây sào tre có lẽ để chọc ổi.
Mượn chất thơ của Kiều,
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung…
Giác như thấy bầu trời xa với mái chùa gần như ở cùng một mặt phẳng tiền đầu, và anh theo Huyền Không mà cao hứng tưởng tượng chú bé không hái ổi mà toan hái sao. Và từ tưởng tượng sang liên tưởng, Giác nghĩ đến ước vọng thầm kín của mọi nhà văn là hái được những vinh hoa của nghệ thuật ẩn dụ bởi những tinh tú trên tít tầng cao. Nhưng mà nhà thơ không quên huyền thoại rằng mỗi vì sao là một linh hồn hạ giới, và mỗi vì sao rơi là một con người hạ giới từ trần. Đọc hết truyện tạm buông sách, độc giả còn nghe lưu luyến trong đầu dư ảnh của một đêm sao hải đảo trên đường vượt biên. Đêm ấy có vì sao của mẹ sáng và đẹp vô vàn, và có nhà văn lưu vong chân thành cầu nguyện muôn vàn tốt lành cho sao.
Giác làm tôi nghĩ đến truyện Les Étoiles (Những Vì Sao) của Alphonse Daudet. Bối cảnh cũng là một đêm sao trên triền núi vùng Provence, có chú mục đồng và cô chủ nhỏ từ làng tới thăm nuôi. Vì thời tiết bất thường cô không về nhà kịp, phải ngủ lại đêm trên núi. Chú mục đồng lo liệu chu đáo cho cô chủ. Chú trải tấm da tốt lên mớ rơm mới, dọn cho cô bé cái ổ êm ấm trong láng để ngủ qua đêm. Nhưng lạ chỗ không ngủ được nên cô bé trở ra bên đống lửa ngồi với chú mục đồng. Chú khơi to ngọn lửa cho thêm ấm, và chú kể chuyện núi chuyện sao. Nào Đại Hùng Tinh là cỗ xe ngựa và Tiểu Hùng Tinh là chú xà ìch, nào sao Cán Vá chỗ này, nào sao Hôm sao Mai chỗ kia… Chú cũng kể chuyện người ta thường kể khi ngắm sao, là mỗi tinh tú là một linh hồn và mỗi khi có sao đổi ngôi trên trời là có người qua đời dưới hạ giới. Nhưng chú còn kể chuyện vui là sao cũng biết yêu, và chúng yêu nhau mà nên vợ nên chồng. Cô bé say mê nghe chuyện, và chú say mê kể chuyện. Nhưng chốc lát cái đầu xinh đẹp và ngái ngủ tựa vào chú, ngây thơ và hồn nhiên. Cảnh vật thanh thoát trong sáng làm những gì trần tục không dám cựa quậy, và chú cảm thấy lâng lâng trong lòng những tình cảm đã thăng hoa. Chú kiêu hãnh và sung sướng nghĩ có một vì sao lạc xinh đẹp tuyệt vời tới đậu trên vai chú. Với Giác, đoạn văn nhẹ nhàng mà óng chuốt ấy chắc đã trở thành ý niệm của cái đẹp cất trong tiềm thức và trở về đầu ngọn bút khi anh kể lại một mối tình khác cũng đẹp không kém là tình mẫu tử.
Cũng Mẹ Trong Lòng Người Đi của Giác làm tôi nghĩ tới Le Livre de Mon Ami (tạm dịch Sách Của Bạn Tôi) của Anatole France. Nơi đây nhà văn tưởng tượng mình hồi thơ ấu như một đứa học trò nhỏ hôm khai giảng vai đeo cặp da lon ton chân sáo băng qua công viên Luxembourg, trong cảnh lá vàng từng chiếc rơi xuống bờ vai trắng của mấy pho tượng. Giác cũng thấy lại mình trong hình ảnh cậu bé leo lên mái chùa khều sao.
*
Tôi nghĩ cũng kỹ thuật và nghệ thuật của văn học quốc tế đã giúp Giác dựng nhiều truyện lành và đẹp khác như Tố Chân, Tạ Ơn, Lẽ Sống, Dốc Nhân Sinh, hay Thư Gửi Cho Đám Mây Xa. Đó là những truyện không có chuyện mà vẫn làm ta xúc động. Cấu trúc hài hòa chặt chẽ làm ta nghĩ đến những truyện ngắn của Chekhov hay của Guy de Maupassant, tuy nội dung tươi hồng hơn.
Tố chân điển hình cho một truyện tình không có chuyện, với mối tình học trò không trọn vẹn như phần lớn các mối tình học trò khác. Anh trên chị vài lớp, nhờ đứa em gái rắn mắt con ông chú làm chim xanh họ biết nhau qua một vài sự việc học trò như trang trí giùm mấy cuốn vở tập hay thỉnh thoảng giải giùm một bài toán khó (chàng học ban B). Ngưu Lang Chúc Nữ thỉnh thoảng gặp nhau những khi chàng ghé Nha Trang thăm chú trên đường từ Sài Gòn về quê nghỉ hè. Anh nhát gái chị nền nếp, nên tình họ tiến chậm, phần lớn nhờ thư từ. Cơ hội hôn nhân do bàn tay bà mẹ Tố Chân bố trí, chợt đến rồi chợt đi, cũng chỉ vì bà quá sốt sắng làm anh hiểu lầm và khó chịu. Xa nhau, anh cưới vợ và chị lấy chồng. Tương lai nàng tuy không dễ dàng nhưng cũng không đen tối. Bị gián đoạn tạm thời khi phải bỏ học đi làm vì gia cảnh bỗng dưng suy xụp, nàng đã tự học, đỗ tú tài, và thi vào Quốc Gia Hành Chánh. Tốt nghiệp nàng được bổ tham sự (tại sao không phải là đốc sự hở Giác?), lấy chồng sĩ quan Quân Bưu, đẻ đứa con trai kháu khỉnh…
Tưởng thế là xong, nhưng một hôm chàng được bức thư tuyệt mệnh của cố nhân. Tố Chân đau nặng sợ không qua khỏi. Chàng vội vã tìm tới thăm cho trọn điều nghĩa tử nghĩa tận. Nhưng nàng không chết mà sau cơn ốm nặng cấp tính (xảy thai) đã chóng phục hồi và đi làm lại. Chàng tìm gặp được nàng tại sở làm. Nàng cho cô thư ký nghỉ sớm, kín đáo rủ chàng về nhà riêng của mình tâm sự. Người chồng sĩ quan vắng mặt, nhưng đạo lý được bảo toàn bởi sự hiện diện của đứa con trai hình như chưa đầy 10 tuổi. Họ cảm động ôn lại cố sự, không có oán trách mà cũng không có xưng tội.
Chuyện đọc lên nghe như loại người thật việc thật, về những con người bình thường và những sự việc bình thường. Giác không chút son phấn tô điểm cho mỹ nhân. Qua văn Giác, Tố Chân khi còn con gái có thể có cái duyên của mọi cô gái 16 hay 17, nhưng hoa hậu lớp hoa hậu trường khẳng định không phải. Thành đàn bà, Tố Chân không có cái đẹp lá ngọc cành vàng, mà cũng không có sức quyến rũ trời long đất lở như một người nữ đôi mắt có đuôi và ba vòng cơ thể đúng chỉ tiêu.
Mối tình dang dở có sao Giác cũng kể vậy, không được đánh bóng để trở thành một dị bản tân thời của Sơ Kính Tân Trang. Quả thật, tuy chàng ngại lấy vợ cũng có phần vì ham đeo đuổi sự nghiệp -hay cái tưởng là sự nghiệp- hội họa của mình, lý do chính để dứt áo ra đi phũ phàng là chàng bực dọc khi cảm thấy như rơi vào cái bẫy của bà mẹ ham gả chồng cho con gái.
Và khi chàng tìm đến được chỗ nàng, trái với lá thư tuyệt mệnh, nàng vẫn còn sống và vẫn làm việc bình thường với cô thư ký riêng tại văn phòng hành chánh tỉnh. Không, hoàn cảnh không đúng để chàng tự bào chữa một cách rất lãng mạn và hào hùng bằng thơ Phạm Thái:
Và cứ thế, ngay cả lần gặp gỡ cuối cùng cũng không xảy ra chuyện gì long trời lở đất. Hai người nói mánh với nhau làm lạc hướng cô thư ký mà Tố Chân cho nghỉ sớm buổi chiều hôm đó để về nhà tiếp cố nhân trong khi chồng đi vắng. Câu chuyện tà tà với sự chứng kiến của đứa con nhỏ vô tình trở thành ông thần hộ pháp bảo vệ thuần phong mỹ tục thường thấy ở các đền. Cuộc tái ngộ êm đềm, nhưng lãng mạn tiểu thuyết thì nhất định không. Trong những câu chuyện với cố nhân, Tố Chân cũng có gì nói nấy, kể cả những thông tin về chứng bệnh nặng đã tưởng chết được mà phải viết thư tuyệt mệnh cho chàng. Nàng không biến cái bệnh ‘xảy thai’ của mình thành chứng đau tim của một vùng cơ thể lãng mạn hơn và thích nghi hơn cho cái ngậm ngùi của cuộc tình dang dở. Và thăm hỏi xong ai về nhà nấy.
Vậy mà độc giả bị ấn tượng bởi Tố Chân đến xúc động. Khi hỏi Giác đắc ý với truyện ngắn nào nhất, tôi đã đợi Giác trả lời là Tố Chân. Và có lẽ tôi không phải là người độc nhất nghĩ vậy. Một tay nghề về truyện ngắn kiêm chuyên gia phê bình văn học là nhà văn Võ Phiến hình như cũng có ưu ái đặc biệt với Tố Chân. Cô tham sự là một nhân vật hiếm hoi của Giác được ông nhắc tới trong bài tựa 13 trang sách ông viết cho ‘Ngựa Nản Chân Bon‘.
*
Một Ngày Như Mọi Ngày có lối viết rất Tây Phương. Nó ít nhẹ nhàng so với những truyện trước nhưng đậm đà. Nó Tây Phương ở chỗ khi viết tự truyện tác giả kiêng khem được xu hướng thông thường của phần đông tự truyện là đánh bóng bản thân và những gì liên hệ. Không có phô trương gia thế và khoe khoang bậc sinh thành hay tổ tiên xa gần hoặc làm đã quan lớn, hoặc có thời nổi danh về văn học, hoặc cả hai. Truyện này đòi hỏi chân thành và khiêm cung, và khả năng tự phê bình để coi nhẹ những thành quả của mình. Lại phải có duyên. Giác đã hội tụ những kỹ thuật cần thiết để xử dụng mớ chất liệu của mình mà tạo ra được một truyện có giá trị, và tôi không ngạc nhiên nếu Giác thản nhiên ghi nhận rằng bí-kíp là ở trong bộ Livres de Poche nhập cảng với tiền viện trợ Pháp.
Ở đây, Giác đã dựng ra bức tranh linh động của cuộc sống cực khổ đến mức lầm than tại miền Nam sau 1975, không những cho những ‘ngụy’ kẹt lại mà còn cho cả những người chiến thắng ngoài Bắc mới vào. Lần đầu tôi đọc, đó là ấn tượng mạnh nhất tạo ra bởi bức tranh tả rất hữu hiệu cái thất bại thê thảm của ‘xã hội chủ nghĩa’ mà người anh em bên kia mới nhập cảng vào sau ‘giải phóng’. Cảnh bông phiếu và những cửa hàng tiếp tế luôn luôn khan hiếm hàng hóa; cảnh những sản phẩm thiếu tiêu chuẩn cung cấp bởi nhà nước; cảnh người miền Nam phải bán dần những đồ đạc cũ còn sót lại để sống qua ngày; cảnh những người yêu sách vở phải mang dần tủ sách sưu tập đã nửa đời người ra vỉa hè bán ki-lô như giấy phế thải; cảnh cà phê rổm có hơn 92.4% bắp rang và thuốc lá 89.6% lá đu đủ; cành cô giáo thầy giáo vì đồng lương chết đói phải kiêm luôn nghề bán hàng quà cho học sinh, mua bán có khi ngay trong lớp học do đó phải dành những biệt đãi về kỷ luật cho đám khách hàng bé con; cảnh công nhân viên giáo dục tranh nhau có khi lừa nhau vì miếng thịt nửa nạc nửa mỡ 200 gram chỉ tiêu, vân vân và vân vân… Cái khốn khó lạc hậu ấy lại càng mỉa mai hơn khi đặt song song với những phát biểu đại ngôn của cán bộ và nhà nước về nếp sống văn minh văn hóa của xã hội chủ nghĩa. Và trong cảnh tiều tụy ấy, sống vất vưởng một một trí thức miền Nam cũ cô lập vì thành phần ngụy, con không được lên đại học vì lý lịch xấu, bản thân không được thu dụng, vẫn cố gắng viết trong cơn thèm những ‘xa xỉ ‘ cơ bản như điếu thuốc lá 89.6% lá đu đủ và tách cà phê 92.4 % bắp rang… Không có chuyện anh hùng trải truyền đơn chống chính phủ, không có âm mưu nổ mìn công trường Con Rùa lần thứ hai, chỉ có cái thoái hóa rất thực tế của một con người dưới sự áp bức của một chính quyền bất nhân. Khi những nhu cầu và quyền hạn tối thiểu của con người bị tước đoạt, anh chỉ còn những việc eo sèo, những mánh mung vặt vãnh cho thời gian 24 giờ của một ngày để mưu toan kiếm đâu một điếu thuốc lá rổm hay tách cà phê rổm để tỉnh ngủ. Đọc lần đầu, truyện hay vì nói nói lên lập trường chống cộng dõng dạc bằng một kỹ thuật chống cộng tinh vi và đầy khả năng thuyết phục. Đọc xong tôi nghĩ đến ‘Thác Đổ Sau Nhà’ của Võ Phiến.
Nhưng 20 năm sau đọc lại truyện lần thứ hai tôi vẫn thấy hay, không vì truyện nói lên một lập trường lý thuyết nào, hay một triết lý từ chương nào. Tôi vẫn thấy hay, mặc dầu sự khốn khổ của người dân và sự lạc hậu và độc ác của cán bộ và đảng trong những năm quân quản không còn gây ấn tượng ban đầu nữa vì đã được nghe nhiều lần qua vô số báo cáo tương tự.
Có lẽ nó là như thế này. Cũng như những truyện khác của Giác về kinh nghiệm quốc nội sau ngày ‘giải phóng’, Một Ngày Như Mọi Ngày có hai phần. Một phần là những sự kiện thời cuộc thử thách tạo ra một nghịch cảnh đặc biệt, và phần kia là sự xử lý của con người khi phải đối phó với nghịch cảnh ấy. Lần đầu tôi thích thú với sự chi ly tinh tường Giác dành cho những sự kiện thử thách. Còn bây giờ tôi khám phá ra cái hay cốt lõi của truyện không phải ở sự miêu tả nghịch cảnh, mà là ở phần con người ứng xử với nó như thế nào. Giác xoáy được vào tâm hồn con người trong nghịch cảnh mà tạo được ấn tượng lâu bền.
Tạ Ơn là chuyện mấy người đàn ông thất học cùng mấy đứa trẻ lạc cha mẹ trong khi dạo chơi tình cờ leo lên ngọn đồi của đảo để thấy ngôi chùa xơ xác có lẽ dựng lên bởi các thuyền nhân tới trước. Ngôi chùa chỉ là hai mái lá và vài cái cột cây chặt ngoài rừng, nhưng cái hồn của lòng thành kính và ngoan đạo của những thuyền nhân từ cõi mười chết một sống trở về như vẫn còn hiển hiện. Cái hồn ấy phát xuất từ những mẩu giấy dán đó đây trong chùa ghi chú những lời tạ ơn không chút văn hoa mà chân thành dâng lên thần linh đã từ bi cứu độ. Ngôi chùa đơn sơ không tượng không sư này xem ra còn linh thiêng hơn những ngôi chủa khang trang của các làng mạc an bình, vì đã thấm cái thần của cuộc vượt biên cực kỳ gian khổ của thuyền nhân. Không khí ấy đã làm cả bọn thanh thiếu niên tỵ nạn trở nên ngoan đạo và cùng nhau góp sức đánh vần để viết ra mấy lời tạ ơn riêng của họ.
Lẽ Sống là câu chuyện của một người đàn ông có tuổi lúc đổi đời không đủ mánh mung để kiếm sống bằng rất nhiều nghề̉, sau cùng đã làm nghề bán bong bóng cho trẻ em. Sang Kuku ông tiếp tục sống xung quanh đám trẻ tỵ nạn, ‘phụng sự’ chúng như hồi bán bong bóng nhưng bây giờ không công, vì được trại nuôi nên không cần kiếm sống.
Dốc Nhân Sinh là chuyện của hai người bạn trung học Bồng Sơn, một lên núi theo các ổng thành bộ đội, một ở lại trở thành quân nhân miền Nam. Cả hai đã bị thương tật, người lính Nam cụt một chân vì mìn Trung Cộng tại trận Nam Lào, người lính cộng mù mắt vì những thiếu thốn về quân y của quân đội Hà Nội. Anh thương binh Việt nam với chân gỗ lắp vào cẳng cụt dưới đầu gối còn đạp được xe đạp và làm nghề thồ hàng hóa. Trong cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa những kẻ thù cũ, Giác không tô hồng cuộc sống mà tạo một cảnh cộng sinh anh mù cõng anh què. Nhưng cái hiền lành trong Giác vẫn để cho tình bạn cũ sót lại khá nhiều, và hận thù kể như vắng bóng. Khi chia tay, họ hẹn nhau chóng gặp lại mà không cho nhau địa chỉ.
Còn Thư Gửi Cho Đám Mây Xa là chuyện hai bà cháu viết chung lá thư về nhà, bà đọc cháu chép. Trong thư, ngoài chuyện cho tin về cuộc hành trình nguy hiểm sau cùng cũng tới nơi, bà cụ còn dặn con gái nhớ trang trải những món nợ lặt vặt như muỗng mỡ củ hành vay tạm hàng xóm. Thằng bé với cái ngây thơ hứa với em một khi đến Mỹ sẽ mua đồ chơi bằng thiếc gửi về. Một lần nữa cái hiền lương và dễ thương chất phác Giác dành cho nhân vật làm ta cảm động. Không phải cứ nói chuyện dữ hay phức tạp mới thành truyện hay.
*
Dostoyevsky và Tội Ác và Hình Phạt. Các tác giả Nga thời Nga hoàng, nhất là Dostoyevsky gây ấn tượng mạnh nơi Giác. Và trong các tác phẩm của tác giả này, có lẽ Tội Ác Và Hình Phạt là cuốn truyện dài Giác tâm đắc nhất. Giác không cô đơn trong sự tâm đắc dành cho Dostoyevsky. Nhiều nhà văn Việt Nam khác, nhất là ở Hà Nội ngày xưa hay bây giờ thường khoe rằng mình viết theo Đốt (tên tắt thân yêu họ dùng để gọi nhà văn Nga), và truyện này truyện nọ của chính họ giống truyện của ‘Đốt’.
Các văn sĩ Nga như Tolstoy, Dostoyevsky, Chekhov, Gogol vân vân là đại văn hào thế giới, nhưng tôn sùng họ đến mức như trí thức miền Bắc thì ít thấy. Nhưng chuyện đáng tò mò là có khi xem các tác phẩm gọi là giống ‘Đốt’, hay nghe những phát biểu về ‘Đốt’, tôi nghi ngờ có gì xảy ra cho sự truyền thông bằng phiên dịch từ truyện của Dostoyevsky tới những vị này.
Có lẽ nên xem lại vài nét tiểu sử của Dostoyevsky. Ông sinh năm 1821 và mất năm 1861, con trai một y sĩ quân đội, thủa nhỏ học tại gia rồi đi học trường tư thục. Về sau lên Saint Petersburg theo học trường công binh. Ông bị chứng kinh phong kinh niên thỉnh thoảng lại lên cơn. Ông sống nhiều, tuổi trẻ tuy thoải mái như trẻ con thượng trung lưu nhưng cha ông rất nghiêm khắc và độc đoán, tương đối chết sớm và hình như bị sát hại bởi một nông nô của gia đình. Tác giả viết từ hồi trẻ, ham viết đến chỗ xin giải ngũ để có nhiều thì giờ hơn cho cái nợ văn chương. Trong một lúc hăng say của tuổi trẻ mơ ước một thế giới không tưởng, ông gia nhập một hội kín có xu hướng xã hội và bài phong. Vua Nga bấy giờ chắc chưa quên cuộc cách mạng Pháp và cái chết trên đoạn đầu đài của Louis XVI và Marie Antoinette, nên cũng dễ hiểu là tòa án hoàng gia tuyên án tử hình chàng thanh niên làm hội kín này. Nhưng Dostoyevsky không chết trẻ. Phải chăng tư pháp Nga hoàng dơ cao đánh khẽ, nên cuộc xử bắn vào lúc rạng đông biến thành một cuộc xử bắn cuội. Đội hành quyết vừa nổ súng vào hình nộm trói nơi cọc bắn xong, thì tội nhân tức thì được đẩy lên xe bít bùng và chở thẳng sang Tây Bá Lợi Á. Với cái án khổ sai biệt xứ bốn năm, Dostoyevsky có rất nhiều thì giờ suy nghĩ trong ngục thất, đã trở thành con người mới. Ra tù ông tin Chúa trọng vua, và viết và sống theo đạo lý.
Những truyện nổi danh của ông phần lớn viết sau lần chết hụt và bốn năm trả nợ trong trại tù khổ sai Tây Bá Lợi Á. Những tác phẩm ấy có một định hướng bảo thủ rõ rệt, nghĩa là như đã nói ở trên nặng nét luân lý, kính Chúa, trọng vua và luật pháp triều đình. Chúng cũng thường có một yếu tố điên loạn và những khai phá về luận lý của những bộ thần kinh mất quân bình.
Điển hình là truyện ngắn Thư Từ Cõi Âm U (Notes From The Underground) và truyện dài Tội Ác và Hình phạt (Crime and Punishment), trong đó ông khai triển những cái xấu xa khi tư duy lệch lạc bệnh hoạn vì vĩ cuồng (megalomania), hoang tưởng (paranoia), hay không tưởng (utopia)… Và sự cứu rỗi đến dưới dạng thức và hình hài một cô điếm tử tế.
*
Văn chương của ông có thể gọi là rất phải đạo, và được tôn giáo đánh giá cao. Khi chết ông được mai táng trong tu viện Aleksandr Nevsky, một thánh đường chính giáo lớn của Saint Petersburg. Sách truyện của ông được dùng làm tài liệu giáo khoa tại các trường trung học của nhà thờ thiên chúa, Cơ đốc cũng như Chính giáo, dành cho nam sinh cũng như nữ sinh…
Văn là người, và khi đọc ‘Tội Ác và Hình Phạt‘ dù bản dịch Pháp văn hay Anh văn, tôi hoàn toàn thấy câu phương ngôn ấy hợp lý. Vai chính Raskonikov là một sinh viên Saint Petersburg bỗng dưng cảnh nhà sa sút, bản thân đã khốn khổ vì phải bỏ học, em gái lại phải nghĩ đến chuyện lấy một người nhà quê thô lỗ nhưng có tiền, mong với phương tiện của chồng có thể giúp đỡ gia đình. Sau một cơn ốm nặng, Raskonikov nghĩ đến giết người như một giải pháp để cứu em gái và giúp gia đình. Y thi hành ý định một cách tàn nhẫn và vô lương tâm. Y hành động trong điên loạn. Quả thực theo đà truyện diễn tiến, y có tất cả dấu hiệu của chứng hoang tưởng và vĩ cuồng. Xin hiểu hoang tưởng ở đây theo nghĩa y học (paranoia), một bệnh điên đặc biệt vì sự nghi ngờ mọi người xung quanh đều đang âm mưu hại mình. Cuồng nhân nhật ký của Lỗ Tấn là một thí dụ rất trung thực về chứng hoang tưởng.
Bắt đầu là chứng vĩ cuồng. Raskonikov tự cho mình là siêu nhân, nghĩa là đứng trên luân lý thông thường của người đời và lương tâm. Những thứ ấy và thậm chí cả pháp luật chẳng qua là dành cho quần chúng tầm thường. Bắt nguồn từ sự sai lầm cơ bản ấy Raskonikov có sự sai lầm của một hệ thống luận lý tuy điên loạn nhưng ăn khớp với nhau chặt chẽ. Y lạnh lùng giết một người đàn bà cho vay nợ lãi để có tiền làm chuyện ‘tốt’ của y. Y thường nhắc tới Nã Phá Luân, cho rằng vua Pháp kiêm tướng quân đã không quản ngại tạo ra tử vong cho hàng triệu sinh linh mà thành vĩ nhân. Y lý luận, nếu Nã Phá Luân không dám giết người, thậm chí cho nã liên thanh vào cả thường dân không võ trang, thì chỉ là một con người tầm thường ai thèm biết đến. Vẫn cái luận điệu siêu nhân đó, y còn cho rằng các khoa học gia lớn nhất thế giới nếu phải giết dù vài trăm người để nhân loại ngu dốt được mở mang trí tuệ thì cũng là điều đáng làm.
Giết người xong, Y bị chứng hoang tưởng (paranoia) hành hạ. Y hồ nghi tất cả mọi người, ai cũng có âm mưu chỉ điểm y cho cảnh sát. Cũng vì điên loạn, y hạ thủ giết luôn em gái, người mà y đã nhúng tay vào tội lỗi vì thương yêu và muốn ra tay cứu vớt khỏi cuộc hôn nhân không tương xứng với một nông dân giàu có hình như vừa thăng tiến từ cảnh nông nô.
Đó là phần tội ác. Còn từ đây về sau là hình phạt. Y bị dày vò đêm ngày, có lẽ vì lương tâm vẫn còn ngay trong linh hồn tội đồ, nhưng chắc chắn là vì hoang tưởng và sợ hãi trường kỳ do hoang tưởng gây nên. Y sống như một tên tù chung thân cực kỳ khốn khổ không phải vì quản ngục nào hành hạ, mà vì những nguyên do từ chính nội tâm y. Mỉa mai là món tiền cướp được của người đàn bà cho vay nợ lãi hóa ra chẳng được bao nhiêu.
Truyện có hậu với tác giả gỡ nút cho nhân vật chính bằng sức mạnh của tình yêu và lòng tin Thượng đế. Dostoyevsky dành cho một người nữ tên là Sonia sứ mạng mang cứu rỗi tới. Sonia là một cô điếm trẻ không phải vì mất nết mà làm điếm, mà vì lý do cao cả là để kiếm tiền nuôi gia đình. Cô là thứ điếm có lòng của tiểu thuyết Tây Phương mà nhiều độc giả không quản ngại lấy làm vợ nếu có người thật như vậy. Tình yêu nảy nở giữa người con gái bất hạnh tốt bụng và cậu sinh viên đã phạm tội tày đình trong cơn cuồng loạn và túng thiếu. Chính cô đã khuyên cậu ra nhận tội để lãnh hình phạt tương xứng. Qua cô gái, ta thấy sức mạnh của tình yêu từ người và Chúa cho nhân loại sa đọa.
Dostoyevsky còn một đội ngũ nhân vân phụ khác để chở những ý niệm khác nhau như đức tin, tình yêu gia đình, đạo lý, từ bi vân vân… Nhân vật nào cũng hay, tình tiết nào cũng thâm thúy, và tất cả xuất hiện ở những chỗ đắc địa của truyện. Tóm lại phần tội ác của truyện cũng hay cực kỳ, phần hình phạt cũng hay không kém.
Cuốn truyện suốt chiều dài của của nó phản ánh nhân sinh quan thánh thiện lành mạnh của Dostoyevsky. Làm tội ác thì bị hình phạt, không có siêu nhân nào đứng trên đạo lý, trên luân lý, trên Chúa, và thực tế nhất trên luật pháp. Còn nữa, Dostoyevsky rất trọng vua, và bảo hoàng và ngoan đạo là nét chính của nhà văn.
Nếu vào tay một nhà văn khác thì một truyện phải đạo như Tội Lỗi Và Hình Phạt chắc đọc chán lắm. Nhưng với Dostoyevsky truyện vẫn hay. Cái tài của Dostoyevsky cùng với cái am hiểu sâu sắc về nhân tâm của con người, từ tên tội đồ cho đến cô gái nhà lành như em gái của y, hay cô điếm có lòng như người yêu của y, hay mụ đàn bà cho vay nợ lãi, hay cả một tập thể những vai phụ đại diện cho hàng chục nghề nghiệp sinh hoạt với tư cách đẳng cấp khác nhau…
Cái tài ấy làm cho truyện thành một tác phẩm nghệ thuật không tì vết của thế giới. Ít có người thấu đáo những hành động hung ác bằng tác giả, và quan trọng hơn nữa hiểu được những trục trặc cùa tâm lý người điên bằng ông. Thậm chí Nietzsche cũng phải khâm phục những khám phá về tâm lý điên của Dostoyevsky. Quả thật nhà triết học cha đẻ của thuyết ‘Siêu Nhân’ này phải công nhận đã học được rất nhiều về tâm bệnh lý qua các tác phẩm của Dostoyevsky. Sartre cũng cho rằng tư duy triết học của Dostoyevsky là bước đầu cho lý thuyết hiện sinh của ông. Còn nhà nước Nga cộng sản, mặc dầu lập trường ngoan đạo và kính vua của Dostoyevsky cũng chưa bao giờ tìm cách hạ bệ tác phẩm của ông, dù trong một giai đoạn như họ đã làm với Essenine.
Nên chi bắt chước Dostoyevsky không phải dễ, thành thử người ta có khi xoay ra bắt chước được phần nào hay phần ấy. Tiếc thay khá nhiều người chỉ bắt chước được phần Tội Ác của truyện. Họ quên rằng cách nói cách nhìn cũng như hành động ghi lại bởi Dostoyevsky không phải của tác giả mà là của các nhân vật sống trong thế giới âm u điên loạn của truyện. Nếu những nhà văn này đọc kỹ hơn và bắt chước nốt phần Hình Phạt, thì công chúng chắc không phải đọc những ‘tác phẩm’ nặng nề mà thú tính được tả khơi khơi, thậm chí còn được tác giả tán thành.
*
(Năm 1972, Nguyễn Mộng Giác và Nguyễn Khoa Diệu Chi–thời gian viết Đường Một Chiều. )
Còn Giác, anh học được gì từ Dostoyevsky? Có người cho rằng Đường Một Chiều phản ảnh rất sát kinh nghiệm viết văn của Giác rút được từ nhà văn Nga. Nó rất gần với Tội Ác và Hình Phạt, phải chăng gần như thể Ngọn Cỏ Gió Đùa của Hồ Biểu Chánh gần với Les Misérables của Victor Hugo.
Hãy nhìn vào Đường Một Chiều để đánh giá ý kiến trên. Cốt truyện của Đường Một Chiều là phiên tòa đại hình để xử một án mạng bất ngờ. Chồng nạn nhân là thiếu tá Lộc, một sĩ quan cao cấp xứng đáng với chức vụ cũng như tư cách của một vị lãnh đạo biết thương yêu và đùm bọc người dưới. Nạn nhân là bà Lộc, đã có một đời chồng, một đứa con riêng và có hồi làm vũ nữ, nhưng đã trở về đời sống bình thường lành mạnh, mở quán ăn và gặp thiếu tá Lộc. Cuộc đời làm vợ thiếu tá hoàn toàn không tỳ ố. Những nhân viên tư pháp thi hành phận sự điều tra với tất cả tinh thần nghiệp vụ cũng không kiếm ra được mảnh rẻ rách nào trong cuộc đời riêng tư kể từ ngày bà lấy thiếu tá Lộc. Không có mảy may bằng chứng nào dù xa hay gần nói đến chuyện tư tình với hạ sĩ Ninh tài xế của chồng mà cũng là hung thủ đã giết bà. Ninh sát nhân trong cơn mất trí tạm thời vì say rượu và bị kích thích bởi câu chuyện xàm xỡ của mấy đứa bạn. Trong toàn truyện, không có một nhân vật quan trọng nào có thể gọi là phức tạp về triết học trong Đường Một Chiều.
Tuy nhiên vài chi tiết làm tôi nghĩ có sự song song giữa Raskonikov và Ninh. Cũng con nhà khá giả, Ninh chán cảnh đời chật hẹp xung quanh tình nguyện đăng lính để ra khỏi cái ao tù của đời sống tiểu tư sản trung lưu. Giác cho y đọc Phạm Công Thiện, và có thể bị tiêm nhiễm những ý niệm vĩ cuồng như đâm chết mặt trời hay hiếp dâm mặt trăng, gọi y là có chứng vĩ cuồng cũng không vô lý. Rồi khi sắp bị tòa tuyên án sau những ngày liên tiếp tại pháp đình, y tự vẫn bằng cách rạch cổ mà chết. Hành động này cũng phù hợp với thái độ ‘siêu nhân’, không chấp nhận luật pháp của người đời mà dành lấy quyền sống chết ít nhất cho bản thân. Và cũng như cái chết tự vẫn của Ninh (một hình phạt do lương tâm y quyết định) là một hình phạt còn nặng hơn công lý của xã hội và luật pháp: giết người trong cơn say có thể cãi là ngộ sát theo lời biện hộ của luật sư trước tòa, và Ninh có thể được hưởng một cái án nhẹ hơn là tử hình. Tóm lại Đường Một Chiều có tội ác, có hình phạt, và cái hình phạt của lương tâm nặng hơn và sớm hơn của tư pháp.
Tôi cầm điện thoại lên hỏi Giác có phải đó là dụng ý của anh, thì được trả lời rằng không. Khi viết truyện anh không có ý định cho Ninh cái trí tuệ như Raskonikov, cũng như cái vĩ cuồng của nhân vật Nga. Ninh chỉ là một chân dung nhỏ trong bức tranh lớn của xã hội Giác muốn vẽ. Phần việc của nhân vật Ninh chỉ để minh họa một vấn nạn xã hội bấy giờ, là sự phổ biến những ý niệm triết học Giác cho là vung vít và chưa tiêu hóa kỹ càng. Giọng như vẫn còn bực dọc, Giác nói vẫn chưa quên những đứa học sinh ngoan của anh bị đầu độc bởi sách vở như vậy mà đăng lính để rồi ít lâu sau anh được tin báo tử. Chuyện không xảy ra chỉ một lần.
Sao Giác lại nêu lên chính danh Phạm Công Thiện, có ngại không? Giác khẳng định không, và một lần nữa tôi không ngạc nhiên vì sự trung thực của Giác với lương tâm nhà giáo của anh. Có lẽ chuyện này cũng phù hợp khít khao với việc anh đánh giá thấp cái đuôi của phong trào tư duy hậu chiến Pháp khi nó sang tới Sài Gòn.
Giác không có ý phóng tác truyện của Dostoyevsky ra Đường Một Chiều, tương tự như cụ Hồ Biểu Chánh phóng tác Les Misérables của Victor Hugo thành Ngọn Cỏ Gió Đùa. Ảnh hưởng của những đại tác phẩm đến anh một cách khác.
*
Ảnh hưởng chính của Dostoyevsky và các nhà văn thế giới trên Giác có lẽ là sự sửa soạn cẩn trọng trước khi viết. Anh cho thí dụ là khi viết Đường Một Chiều anh đã mất nhiều hôm quấy rầy một phán quan của Việt Nam Cộng Hòa để học hỏi và quen thuộc với cảnh pháp đình. Vị ấy là chánh thẩm Trần Thúc Linh. Nhà luật gia lão thành đã tận tình giúp Giác. Không những chỉ dẫn lý thuyết, cụ Linh còn cho anh vào tòa ngồi mục kích một vụ án đại hình thật sự. Tòa án miền Nam xử công khai, cụ không làm gì trái luật, nhưng mất công như vậy chứng tỏ lương tâm nghiệp vụ của nhà văn trẻ đã ấn tượng cụ rất nhiều.
Giác không lấy bút chì ngồi đồ lại truyện nào của Dostoyevsky, nhưng ảnh hưởng của nhà văn Nga và các văn hào khác Giác đã đọc có lẽ là ở những đoạn rất khó viết mà Giác đã viết được. Đó là những đoạn mà các nhân vật từ những quá trình hoàn toàn khác nhau tới gặp nhau tại một hoàn cảnh đầy mâu thuẫn. Thí dụ điển hình là đoạn Ngọc Hân tới thăm Bùi Hoàng Hậu sau khi theo chồng về Phú Xuân, trong trường thiên Sông Côn Mùa Lũ.
Giác bảo một đằng là hiện thân của truyền thống vương giả đã hàng thế kỷ của Triều Lê, cốt cách quý tộc như thành da thành thịt của con người đến chỗ giản dị hồn nhiên. Ngọc Hân chắc phải đẹp như một giò lan vương giả. Đằng khác là một phụ nữ sơn cước quê mùa, thất học, lao lực từ bé, hết việc đồng áng ban đầu đến việc quân sự về sau. Lại thêm hoàn cảnh người đến sau của công chúa, làm vợ Quang Trung khi ông vua mới đã có sẵn hai bà. Vua Quang Trung vì tình yêu hay vì chính trị đã phong cho Ngọc Hân làm Bắc Cung Hoàng Hậu và không ban cho hai bà vợ đầu một tước vị nào mà sử còn ghi lại. Tình thế đã khó khăn vì thiếu minh định ngôi thứ, lại còn thêm cái gay cấn của lòng ghen tuông giữa hai phụ nữ cùng chung một chồng.
Một tiểu thuyết gia có tránh cảnh này cũng không mấy ai trách cứ. Giác có thể vờ chương sách ấy đi, kể như một chi tiết nhỏ nhặt không đáng để ý trong một cuốn trường thiên dựa trên lịch sử. Nhưng không, Giác thích trực diện khó khăn khi cầm bút, suy nghĩ đêm ngày để sau cùng tìm ra giải pháp. Giác để cô bé An mối tình đầu của Nguyễn Huệ chủ động đứng ra làm trái đệm bằng cách dẫn Ngọc Hân đến thăm Bùi Hoàng Hậu. Tưởng đến đấy là xong, nhưng Giác khai triển cái khúc mắc của hoàn cảnh đến cùng. Bùi Hoàng Hậu có thể vì mặc cảm hay vì một lý do nào khác đã trang điểm cực kỳ lộng lẫy, áo gấm đỏ thêu rồng vàng, hoàng hậu hơn hoàng hậu, như gắng sức sửa soạn đối đầu với cái vương giả của đối phương. Người ta trông đợi sự chạm trán của hai người nữ tiêu biểu cho hai triều đình, một đã hơn ba trăm năm cũ nhưng đang suy xụp, một đầy sinh lực và hào khí nhưng truyền thống chưa hơn nửa con giáp.
Không ngờ Ngọc Hân sản phẩm của gia huấn ca dù là trong cung vua, đã nhập gia tùy tục, và thấy cảnh sống sơn cước của nhà chồng nên ăn mặc trang trọng nhưng hết sức giản dị. Cái vương giả của Bắc Cung Hoàng Hậu không ở quần áo mũ mãng mà tự nhiên toát ra từ con người như cái hồn của ba trăm năm truyền thống Hoàng Lê. Và Ngọc Hân nhún nhường rót nước mời người đàn bà vợ trước của chồng. Đến lúc Bùi Hoàng Hậu đưa tay ra đỡ tách trà, thì hai bàn tay của hai người đàn bà vô tình đặt bên nhau trở thành cái đích của tất cả những cặp mắt hiện diện. Sự khác biệt của quá hai trình sống hiện ra lộ liễu đến chỗ mỉa mai, khi bàn tay tháp bút trắng ngà của công chúa Bắc Hà hiện ra bên cạnh bàn tay thô kệch chắc đã cầm roi phất cờ và trước đó nữa đã cầm cán cầy cán cuốc. Bùi Hoàng Hậu rụt vội tay lại như một hành động của bản năng. Cái con rồng đồ sộ thêu chỉ vàng trước ngực trở nên một gánh nặng cho người vợ tao khang chi thê của nhà vua mới, và Bùi Hoàng Hậu khẽ đẩy thằng con trai nhỏ đang ôm trước ngực sang bên để che đi cái biểu tượng của ngôi vị vương giả chưa quen thuộc lắm của mình…
Trong nghề văn, đã cột thì phải gỡ nếu không muốn bị hiểu lầm là độc ác mỉa mai. Giác gỡ cảnh bối rối của vụ diện kiến giữa hai hoàng hậu cũng như sự khó khăn của hành văn một cách khéo léo. Giác xử dụng cái ngây thơ mà khôi ngôi của đứa trẻ giống cha như đúc để làm cơ sở cho sự hòa bình của hai bà. Quang Toản tức thì chiếm được lòng yêu mến của Ngọc Hân, trở thành mối dây thân tình giữa Bắc Cung Hoàng Hậu nguyên công chúa Thăng Long và bà hoàng hậu sơn cước. Đoạn văn căng rồi chùng lại để sửa soạn cho đoạn tới. Cẩn thận như vậy, tìm được giải pháp tâm lý như vậy cho hoàn cảnh và nhân vật, chắc viết xong đoạn này Giác phải tự thưởng cho mình một cái gì đặc biệt.
*
Nhiều khi tôi thắc mắc những nhà bình văn thấy Giác thế nào, họ gói ghém văn phong và văn nghiệp của Giác làm sao. Nhưng Giác cũng như truyện của Giác không dễ gói. Nhìn vào sự phân loại thông thường chia các nhà văn ra dòng hoài niệm, dòng dấn thân, dòng hội nhập, dòng phản kháng, dòng hướng thượng, dòng tâm linh, dòng hòa giải, dòng phản chiến, dòng này dòng này dòng nọ… tôi tìm một cái khuôn để bỏ Giác vào mà không tìm ra. Thậm chí chạy sang bảng phân loại tân kỳ hợp thời trang hơn như dòng hiện sinh, dòng hiện đại, dòng hậu hiện đại, dòng thuần lý, dòng phi lý… cũng chẳng có kết quả gì. Rõ ràng là nhà văn bản chất phức tạp hơn cái dàn bài của cô sinh viên năm nhập môn trường văn.
Tốt hơn là như một người đọc không có tham vọng hàn lâm, tôi sẽ trung thực và trực diện trả lời những câu hỏi như rằng:
Sách truyện của Giác có hay không?
Giác để lại gì cho hậu thế bằng văn nghiệp của mình?
Và sau cùng có điều gì để phê bình văn Giác không?
Để trả lời từng điểm một. Thứ nhất tôi nghĩ sách truyện của Giác hay. Truyện ngắn của Giác nói chung hay lắm, nhiều truyện thỏa mãn độc giả về phương diện nghệ thuật, kỹ thuật, và phản ánh sự nhạy cảm của tác giả với cái đẹp. Cộng với sự chân thành và không một liều lượng làm dáng, sách tạo được xúc động và ấn tượng dài lâu. Tôi thích nhất hai truyện là Một Ngày Như Mọi Ngày, và Tố Chân.
Những truyện ngắn khác bằng cách ghép một số nhân vật cần thiết, Giác thành công tạo được cơ hội nói cho đã những gì muốn nói mà không nói được nhiều năm sống dưới chế độ quân quản cộng sản sau giải phóng. Như trong Ngựa Nản Chân Bon truyện ngắn có tên được dùng cho cả tuyển tập, các nhân vật trung úy, thày giáo, linh mục và cụ cán sự công chánh già đã tha hồ giúp Giác khai triển những suy nghĩ về cái chết cái sống, cái oai cái hèn, cái đạo đức giả cái đạo đức thật, và nhất là cơ hội để chống cộng một cách chân thành khi tố cáo chế độ đã biến Thanh Tịnh một nhà văn thần tượng cũ của cụ tham lục lộ thành cái xác biết đi và chỉ biết nịnh Hồ Chủ Tịch… Tương tự như vậy, truyện Về Trời, Trở Lại Gánh Xiếc và Bàu Ơi Thương Lấy Bí Cùng cũng là những truyện chở ý thâm thúy, tuy nồng độ có khi hơi đậm nhưng giá trị thông tin cao về cái xã hội quốc nội mà Giác bỏ trốn..
Truyện dài của Giác, cụ thể là Đường Một Chiều tôi cũng rất thích. Có lẽ nó đòi hỏi một nghiên cứu riêng, vì nó chứa đựng bức tranh phức tạp của tư pháp, của xã hội miền Nam Quốc Gia vân vân.
Tạm nói ở đây về ưu điểm của truyện. Đó là tư cách của tác giả khi viết văn. Giác không chấp nhận áp lực từ nhiều phía. Giới khuynh tả và cộng sản chắc đã mong đây là một tài liệu thuận lợi cho lập trường chính trị của họ. Họ vẫn dùng sự hiện hữu của con đường Công Lý một chiều tại Sài Gòn như một ần dụ để bôi xấu nền tư pháp của Việt Nam Cộng Hòa. Nên chi thấy cái tựa Đường Một Chiều, họ hớn hở chờ đợi một nội dung ‘tiến bộ’ phơi bày cách xử án độc tài và cẩu thả của miền Nam, bất công từ bản chất với những người thấp cổ bé miệng. Họ đã vô cùng thất vọng khi qua hơn 150 trang truyện, tòa án miền Nam hiện ra trang trọng và công minh, quan tòa ra quan tòa, công tố viên ra công tố viên, luật sư ra luật sư, sĩ quan tư pháp ra sĩ quan tư pháp, vân vân…
Cũng trong xu hướng soi mói vào những thối nát và thiếu đạo lý của giới thượng lưu miền Nam, người ta cũng mong thấy hung thủ giết người vì ghen tuông, trong một chuyện tình bất chính có qua có lại với bà thiếu tá. Hoặc giả thiếu tá Lộc chồng nạn nhân là một sĩ quan cao cấp nhưng thối nát mà những hành độc bất xứng đã là động lực cho sự trả thù. Nhưng họ lại thất vọng, vì Giác không cho họ cơ hội làm chuyện ấy. Tất cả không có một mảy may bằng chứng để bẻ hướng câu chuyện về phía này…
Tất nhiên là tôi đã đọc nhưng chưa có thì giờ đọc kỹ lại hai bộ trường thiên của Giác để kịp hẹn viết với DAMAU. Tôi biết chúng được đón nhận với rất nhiều ấm tình bởi độc giả hại ngoại cũng như quốc nội. Tóm lại, tuy thỉnh thoảng cũng có sóng gió giai đoạn như bị bên này chụp mũ cộng sản hay bên kia chụp mũ biệt kích văn hóa CIA, nói chung Giác đã có một văn nghiệp thành công.
*
Bây giờ đến phần phê bình. Tôi đã suy nghĩ giây lâu trước màn huỳnh quang của máy điện toán. Rồi sau cùng, tôi nghĩ hay nhất là cứ hành xử như từ đầu bài đến giờ, hễ có gì không rõ thì cầm điện thoại hỏi thẳng Giác.
Tôi gọi Giác và hỏi một câu trực diện:
“Giác ơi, nếu phải (hay được) viết lại tác phẩm mình, Giác có viết khác đi không?”
Hỏi xong, tôi hồi hộp. Tôi biết các nhà văn đối đầu với câu hỏi này có thể phản ứng bất ngờ mà chiều hướng và cường độ không đoán trước được. Giác với tôi là chỗ không những thân tình mà còn thâm tình, mất bạn lúc tuổi già là điều bất hạnh lớn. Mà mất bạn vì chuyện phê bình văn học lại càng vô duyên.
Tôi thoáng nghĩ rất nhanh là nếu Giác cường điệu thì cũng khỏe vì khỏi phải viết phần phê bình. Có thể anh sẽ khẩu khí trả lời kiểu Gabriel Péri (theo Phùng Quán) rằng:
Nếu thế thì hết chuyện nói, và tôi cũng dừng viết tại chỗ này mà không phải viết thêm một hàng khó viết nữa. Nhưng không, bên kia điện thoại tiếng Giác mang tôi về hiện tại:
‘Tất nhiên là sẽ viết khác chứ…’
Và Giác rất tinh khi tự phê bình chính mình. Giác bảo có lẽ anh sẽ để ý đến vấn đề Quan điểm hơn. Tôi phải mở dấu ngoặc để giải thích là ở đây Giác và tôi không nói đến quan điểm nói theo lối thông dụng, như quan điểm chính trị quốc cộng, quan điểm luân lý, quan điểm xã hội vân vân… Quan điểm chúng tôi muốn nói là dùng cái nhìn của nhân vật nào để tải cốt truyện của mình. Đó một kỹ thuật viết văn thường thấy ở Mỹ và ít thấy dùng bởi văn sĩ Việt Nam.
Xuất xứ câu chuyện như sau. Nó bắt đầu khoảng 15-20 năm trước, hồi tôi còn làm việc tại trường thuốc UCI. Một hôm tò mò về Mỹ họ dậy nhau viết văn như thế nào, tôi tới dự thính một khóa tối bên nhân văn. Tình cờ khóa đó dành riêng cho vấn đề quan điểm và tôi khám phá ra học trò Mỹ bên trường văn ngay từ lúc bắt đầu sáng tác đã bị nhắc đi nhắc lại là phải chọn kỹ càng nhân vật nào sẽ là người sẽ nhìn cả câu chuyện và tải nó qua suốt chiều dài tác phẩm. Nếu không tìm ra nhân vật thuận lợi để làm quan điểm, thì dùng lối viết cũ là người viết có quyền biết hết mọi truyện như ông trời đứng bên trên mà nhìn xuống cuộc sống. Cách nào cũng tốt, tùy tài tùy thói quen.
Riêng lối viết dùng ngôi thứ nhất Tôi mà kể truyện, vấn đề quan điểm trở nên khắt khe. Tác giả chỉ được phép trực tiếp viết về nội tâm của nhân vật chính. Tất cả những nội tâm khác phải mượn đối thoại mà đưa ra. Thí dụ đoạn văn sau về một vụ cướp ngân hàng là sai quan điểm:
‘Tôi vừa lãnh xong ngân phiều thì có tiếng nổ chát chúa, quay sang phải thấy người cảnh sát đang chĩa súng bắn về phía sau và bên trái tôi. Rồi như ai đánh mạnh vào vai, tôi ngã xuống bất tỉnh. Tôi đã bị đạn lạc của tên cướp. Viên cảnh sát cũng bị y thanh toán. Y trói các cô nhân viên, kỹ lưỡng lục từng ngăn quầy trút hết tiền vào bao rác mang đi. Thật là một tên cướp táo bạo, vậy mà y còn trẻ lắm chỉ mới 20, thân nhân chỉ có bà mẹ già bệnh tật…’.
Nhân vật Tôi bị đạn vào vai, từ khi ngã xuống đã bất tỉnh làm sao còn kể lại mọi tình tiết xảy ra trong hiện trường lúc ấy cũng như cuộc điều tra về sau. Muốn kể hết chừng ấy chuyện mà vẫn giữ nhân vật Tôi, người viết phải dùng một phương tiện thông tin hợp lý hơn. Đoạn văn hiệu đính lại sẽ như thế này:
Tôi vừa lãnh xong ngân phiều thì có tiếng nổ chát chúa, quay sang phải thấy người cảnh sát đang chĩa súng bắn về phía sau và bên trái tôi. Rồi như ai đánh mạnh vào vai, tôi ngã xuống bất tỉnh. Về sau nghe nhiều người báo cáo lại tôi mới biết viên cảnh sát cũng bị y thanh toán. Y trói các cô nhân viên, kỹ lưỡng lục từng ngăn quầy trút hết tiền vào bao rác mang đi. Thật là một tên cướp táo bạo, vậy mà y còn trẻ lắm chỉ mới 20, thân nhân độc nhất là bà mẹ già bệnh tật…’.
Quả thật, trong ‘Đường Một Chiều‘ Giác đã vô tình chọn thiếu tá Lộc làm quan điểm để kể tất cả câu chuyện 150 trang. Từ lúc được điện tín của bạn cho hay vợ chết cho đến trang cuối sau khi hung thủ tự sát và con gái bỏ nhà ra đi, ‘Tôi’ đã nhìn và quan sát giùm và kể lại tất cả mọi chuyện cho độc giả. Tôi biết tường tận về cái về cái chết của vợ, về vụ án tại đại hình tiến triển mấy ngày liền trong tòa, về con cái mình, về tác phong hành sự của các nhân viên tư pháp, về tính tọc mạch của người đời đến tòa xem xử, về nhất cử nhất động của hung thủ và thân nhân y tại tòa, và về nhiều chi tiết của bối cảnh xã hội chung quanh. Nhân vật Tôi đã sưu tập đầy đủ tư liệu cho vụ án, lại còn dựng cho độc giả một bức tranh quý hóa đày đủ chi tiết về xã hội miền Nam vào thời điểm lịch sử ấy…
Người đọc rất thú vị với bức tranh xã hội và câu chuyện pháp lý, nhưng không khỏi lo cho thiếu tá Lộc phải chuyên chở chừng ấy thông tin có bị quá tải không. Nhân vật này vừa trải qua cái kinh hoàng vì người vợ trẻ yêu quý bất ngờ bị gia nhân bóp cổ chết, đáng được thảnh thơi một chút, đáng được quy tụ mọi tư duy và hành động vào cái đau khổ riêng, thậm chí đáng được mụ mẫm đi, thay vì tỉnh táo quan sát từng chi tiết cho cốt truyện.
Có lẽ cứ giữ nguyên những điều muốn kể, nhưng Giác đóng vai thượng đế mà kể chuyện này thì tôi nghĩ độc giả thoải mái hơn. Hay nếu thích dùng ngôi thứ nhất, thì ngôi ấy nên dành cho quan tòa là người có đủ khách quan, lại đứng ở một vị trí bao quát để thấy đủ chuyện.
Một chi tiết thứ hai tôi nghĩ Giác cũng nên lưu tâm. Thí dụ như truyện ngắn Ngựa Nản Chân Bon. Vì sự xúc tích của tư liệu, Giác đã gom bốn nhân sĩ trong trại tỵ nạn lại để bàn về những vấn đề triết học và siêu hình mà Giác đã bị công an cộng sản cấm kỵ mấy năm trời. Những đề tài được bàn bạc đọc lên rất thú vị, và như thường lệ phản ánh chiều sâu tư duy của Giác và cái quan sát tinh tế anh dành cho xã hội miền Nam dưới sự quản trị của cộng sản. Những ẩn dụ cũng thú vị không kém, như leo lên chồng sách mà tự vận, hay như cái thây ma biết đi với chức năng độc nhất còn lại là nịnh ông Hồ vân vân…
Nhưng tôi nghĩ Giác không sửa soạn đầy đủ về giao tình của bốn người, để khi anh trung úy hỏi vị linh mục hai chuyện cấm kỵ cho một tu sĩ đạo Cơ Đốc, thì người đọc không khỏi ngỡ ngàng. Hai câu hỏi đó là cha có tin rửa tội cho người tự vận là sai không, và có nghĩ người ta chết đi vẫn chưa là hết mà con chiên ngoan đạo còn có ngày phục sinh để về nước Chúa… Tôi cố gắng mà suy nghĩ không ra một hoàn cảnh giao tế bình thường hay bất thường để những câu hỏi như vậy đặt với một tu sĩ Cơ Đốc mà không có chứa đựng ý niệm khiêu khích, lăng mạ, hay xấc xược. Rõ ràng là Giác không có ý dựng lên một người trung úy như vậy. Có lẽ Giác cần thêm mươi trang truyện để sửa soạn một văn cảnh triết học thuần túy thích ứng cho những câu hỏi như vậy giữa các học giả với nhau…
*
Trước khi chấm dứt, tôi muốn đặt vào đúng viễn cận hai ‘nhược điểm’ vừa nêu lên của nhà văn về quan điểm và không khí văn cảnh. Chúng chỉ là nhược điểm dưới lối nhìn của văn truyện Mỹ. Ở đời mọi chuyện đúng hay sai tất nhiên đều tùy thuộc ta đứng tại đâu mà nhìn. ‘Vérité en-decà des Pyrenées, erreur au- delà...’ như Pascal đã nói. Đúng với Mỹ chắc gì đã đúng với ta.
Kỹ thuật viết văn xuôi Quốc ngữ của ta độc lập với kỹ thuật viết văn Mỹ hiện tại, vì lý do gốc nguồn đặc thù cũng như quá trình phát triển riêng biệt hơn thế kỷ qua. Giác dùng tiếp lối viết phổ thông của cố hương thêm một thời gian nữa chắc cũng không tạo ra vấn đề cho độc giả Việt Nam. Có vất vả chăng chỉ là mấy cô cậu sinh viên Mỹ gốc Mỹ học văn chương Việt tại các đại học trong vùng phải ngơ ngác ít nhiều vì Giác không viết như Mỹ viết.
Với đa số chúng ta, rượu quý hơn bình, và ta ghi nhận Giác đã thành công chép lại bức tranh lịch sử của cảnh đổi đời người miền Nam đã trải qua sau khi miền Nam thất trận. Nó có phần tương tự như Nhật Ký Ann Frank, mà công dụng chính là ghi tạc trong trí nhớ mọi người, rằng đã có thời vì những lý do này nọ mà đã có những người Việt Nam đối đãi người Việt Nam một cách tệ bạc, độc ác, và nhỏ mọn đến thê thảm. Và trí nhớ ấy sẽ đóng góp cho một mơ ước chính đáng của những thế hệ Việt Nam tương lai, dù quốc nội hay hải ngoại, là những lỗi lầm như vậy sẽ không bao giờ tái diễn…
Nguồn: http://damau.org/archives/4830
Số lần đọc: 4223