Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Mùa Biển Động – Chuơng 40

Chuyến tàu chợ càng gần đến ga Huế, thì lòng hăm hở ban đầu của Ngữ càng bé lại. Hơn một năm rưỡi xa Huế, hơn một năm rưỡi từ cao nguyên gửi nhớ thương về đều đều hằng tuần bằng những lá thư dài để đổi lại chỉ nhận toàn những tin buồn, đây là lần đầu chàng được phép về thăm lại Huế để, trước hết, kiểm chứng những điều hồ nghi, sau đó mới tìm lại không khí đầm ấm gia đình trong những ngày Tết sắp tới. Chuyến về phép như một đặc ân ngẫu nhiên từ trên trời rơi xuống. Mới sáng hôm kia, bà Trung tá Phan còn bắt chàng lấy giấy bút ra ghi chép cẩn thận những điều cần làm để chăm sóc khu biệt thự xinh đẹp của bà, trong thời gian ông bà đưa ba cô con gái và cậu út về Huế thăm nội. Chàng đã cố dằn nỗi buồn rầu để ghi thật kỹ những điều bà dặn: cách làm thức ăn cho con chó Nhật lông trắng như tuyết, cách hút bụi trên tấm thảm dày ở phòng khách, cách tỉa lá những bụi hồng, cách bón phân cho khóm lai- dơn… Những việc này trước đây do chị ở và anh làm vườn trông nom, nhưng chị ở nhất định đòi về Ðơn dương ăn Tết với gia đình, còn anh làm vườn thì bị quân cảnh bắt vì trốn quân dịch hai tuần trước, nên Ngữ phải kiêm nhiệm nhiều thứ việc, ngoài việc chính là làm “phụ giáo” cho mấy cậu ấm cô chiêu.

Bất ngờ một tuần trước Tết Mậu Thân, Trung tá Phan bị rút lại giấy phép. Cảnh nhà xào xáo hiu hắt, vì mọi dự định “áo gấm về làng” bị tan ra mây khói hết! Bao nhiêu quà cáp mua sẵn đem về cho thân nhân họ hàng chất đầy một góc phòng khách, xe bên quân vận của Thiếu tá Tí đến chở giúp ra phi trường gửi trước, đúng hẹn đã tới rồi về xe không. Trung tá Khanh bên Không quân đã xếp đặt sáu chỗ trên chiếc C-130 từ Pleiku bay thẳng về Phú bài vào 2 giờ 15 phút chiều chủ nhật. Rồi đùng một cái, chương trình đón Tết Mậu Thân của Trung tá Phan bị đảo lộn.

Ông bảo bà cứ dẫn các con về Huế thăm nội, chúc nội sức khỏe thay ông. Các cậu ấm cô chiêu vỗ tay reo mừng, nhưng bà trung tá nhất định lắc đầu. Bà gốc người Nam, tính xuề xòa bộc trực không ưa được cung cách nghiêm trang gò bó của nếp sống đất cố đô. Một lần về làm dâu cho phải phép hồi mới lập gia đình với ông Phan đã đủ để bà “tởn tới già”. Có chồng cùng về để mặc cho chồng lo liệu mọi thứ “thủ tục” lỉnh kỉnh với họ hàng, bà dẫn con đi thăm làng, thăm đại nội, chụp hình, bơi périssoire trên sông Hương: được! Nhưng không có ông, phải thay chồng vâng vâng dạ dạ, nói đủ những lời xã giao rỗng tuếch giả dối, bà không thích chút nào.

Ðúng lúc ông bà đang ở vào thế khó xử, thì Ngữ về. Một người bạn trẻ viết văn làm phóng viên cho báo Tiền Tuyến lên đây công tác, sáng sớm đem xe đến rủ chàng đi uống cà phê, ngồi tán gẫu chuyện văn chương sách vở một lúc, rồi đem trả ông “phụ giáo” về cho chủ. Trung tá Phan thấy Ngữ, chợt nghĩ ra một giải pháp tốt, hân hoan bảo vợ:

– Mình này, sao không nhờ cậu Ngữ dẫn mấy đứa nhỏ về Huế ăn Tết? Ngữ, ngồi xuống đây đã!

Bà Phan không hề xúc động trước lời đề nghị của chồng, cũng không hề thay đổi cách ngồi buông thả biếng nhác trên ghế bành, chầm chậm lắc đầu đáp lời chồng:

– Không được! Không có tôi, tôi không cho mấy đứa đi đâu cả. Tôi không yên tâm. Ði đường lỡ có chuyện gì, trên này lo lắng hồi hộp còn đủ mệt!

Cuối cùng, ông bà Trung tá Phan nhờ Ngữ đem về Huế một ít quà Tết cho phía nội các cô chiêu cậu ấm, đặc biệt là mang đưa tận tay cho bà mẹ ông Phan một cái gói nằng nặng niêm kín.

Trung tá Phan đưa Ngữ ra tận phi trường quân sự, gửi Ngữ lên một chiếc C-123 bay ra Ðà nẵng chứ không phải Phú bài, căn dặn thật kỹ việc trao quà cho gia đình, rồi mới về.

Ngữ đến Đà nẵng lúc 6 giờ chiều. Chuyến xe ca Ðà nẵng – Huế cuối cùng đã rời bến.

Ngữ đứng trước căn phố thấp và hẹp dùng làm trạm bán vé và khởi hành của hãng xe Phi Long, chưa biết phải xử trí như thế nào. Phiền nhất là chàng không dám rời tay những gói quà Tết đem về cho gia đình ông Phan. Nhìn cảnh xe cộ tấp nập và người đi lại đông đúc ngay trước mắt, Ngữ ao ước được dạo chơi một vòng quanh Ðà nẵng biết bao nhiêu! Chưa đầy hai năm trôi qua, mà Ðà nẵng quá đổi khác. Những căn nhà tôn lụp xụp biến mất, thay vào đó là những căn lầu đúc hai ba tầng. Có nơi nhà chưa xây xong, vách chưa tô cửa lớn cửa sổ chưa lắp mà chủ nhà đã treo sẵn tấm bảng “House For Rent”. Hàng PX Mỹ, từ những hộp bọt xà phòng cạo râu cho đến trái cây, thịt hộp, máy radio, cassette, bày bán đầy dẫy trên những sạp hàng kê dọc theo hai vỉa hè phố.

Ngữ hỏi thăm người đàn ông bán vé xe để tìm thuê một phòng khách sạn rẻ tiền ngủ qua đêm, nhưng khi biết giá tiền phòng, chàng chùn bước. Nhân viên hãng Phi Long nhìn chàng với đôi mắt vừa chế giễu vừa thương hại, sau đó khuyên chàng:

– Khách sạn cuối tuần ở đây, đừng hòng còn trống. Các cô thuê bao để làm ăn cả! Cậu không tranh được đâu! Tại sao không qua bên cạnh thuê đỡ cái ghế bố mà ngủ?

Ngữ nằn nì xin gửi bà chủ nhà cho thuê ghế bố mớ hành lý lỉnh kỉnh để yên tâm đi xem phố xá một lát mà không được, nên đêm đó đành đứng trước hè đường nhìn thiên hạ hổi hả sống cho trọn ngày nghỉ cuối tuần. Xe nhà binh chạy như mắc cửi trên đường phố hẹp, khách bộ hành bất chấp xe cộ, thản nhiên đùa giỡn nghênh ngang trước đầu xe. Còi bóp inh ỏi. Bụi đường, khói xăng phủ mờ, ngập ngụa không khí. Quán rượu Aloha ở phía bên kia đường tấp nập khách ra vào, ngọn néon một thước hai tỏa ánh sáng mầu xanh lá cây lên tấm hình một cô gái Hawaii vẽ lớn gấp hai khổ thường treo ngay tấm cửa lưới sắt. Quán rượu có lưới B-40 bao quanh đề phòng lựu đạn khủng bố, ngay chỗ cửa ra vào có một thanh niên bắc ghế ngồi gác, nên chẳng khác nào một thứ pháo đài. Pháo đài bảo vệ cho niềm hoan lạc hối hả và hiếm hoi của cuộc chiến tranh đẫm máu và bất tận!

Ngữ không chịu đựng được không khí ồn ào bụi bặm nên đi ngủ sớm. Chàng cũng thức dậy thật sớm để định ra Huế bằng chuyến xe ca đầu tiên, nhưng đến phút chót, Ngữ chợt nảy ra ý định lãng mạn: chàng muốn trở lại Huế bằng tàu hỏa. Phải! Tại sao không thử sống lại những giây phút sống êm đềm của thời học trò, thuở mỗi cuối tuần Ngữ Tường vẫn lên nhà Ngô để chờ chuyến xe nào ông Bỗng làm chef train là cả ba cậu học trò hí hửng lên toa chở hàng vào Ðà nẵng chơi một ngày, trưa chủ nhật lại từ Ðà nẵng về Huế để thức cả đêm học bài soạn bài cho ngày thứ hai. Ngữ không hiểu mình yêu thương khung cảnh nhà ga, khung cảnh những chuyến tàu hỏa đi và đến, những đường rầy song song tít tắp, những cột điện thoại chạy dài theo xương sống của đất nước, yêu thương đến cả tiếng còi tàu, tiếng bánh sắt rít trên đường rầy, tiếng máy bấm vé tí tách, tiếng tu huýt thổi ra hiệu cho tàu khởi hành, những yêu thương bồi hồi hoặc cuống quít đó có từ lúc nào. Có thể là lâu lắm! Có thể ban đầu chỉ do lòng yêu khung cảnh một phố huyện nhỏ nằm bên cây cầu sắt xe hỏa trong cuốn truyện Ngày Mới của Thạch Lam. Có thể do Ngữ rất thích bốn câu thơ của Tế Hanh:

Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu
Ngàn đời không đủ sức đi mau;
Có chi vương víu trong hơi máy
Mây chiếc toa đầy nặng khổ đau.

Có thể… Có thể…! Giải thích cho rõ một ý thích, thật khó! Ngữ nghĩ như vậy suốt thời gian ngồi xe cyclo từ chỗ ngủ qua đêm lên ga. Chàng hối hả chen vào mua vé, hối hả ra sân ga, quên bẵng nỗi nhọc nhằn phải ôm xách lỉnh kỉnh đủ thứ và quên luôn cả chuyện trong lúc chen lấn, chàng đã làm cho nhiều người khó chịu, gắt gỏng chửi thề.

Lúc đã tìm được chỗ đặt mấy gói quà Tết của ông Phan và cái xách tay của mình rồi, lúc đã tìm một chỗ ngồi thuận lợi phía tay mặt để có thể nhìn ra mặt biển xanh lấm tấm những cánh buồm khi tàu leo đèo Hải vân, Ngữ mới thanh thản trầm ngâm suy nghĩ lại về mình. Chàng lại tự hỏi vì sao bỗng dưng bốc đồng mình bỏ hãng xe ca thuận lợi để chạy lên đây đi tàu hỏa? Sống lại kỷ niệm thời học trò? Yêu truyện Thạch Lam? Mê thơ Tế Hanh? Không lấy gì làm chắc!

Tàu hỏa bắt đầu chuyển bánh. Lòng Ngữ cũng rộn lên, nỗi háo hức trẻ thơ khiến chàng không thể ngồi yên ổn trên băng gỗ. Chàng chồm người về phía cửa toa nhìn đám người đứng lố nhố trên sân ga lùi xa, lùi xa. Và đúng lúc đó, chàng hồi hộp đến ngộp thở khi khám phá ra rằng lý do xúi giục chàng hối hả về Huế bằng tàu hỏa thật đơn giản. Quá đơn giản! Chỉ ra Huế bằng tàu hỏa chàng mới có thể đến thăm Diễm bằng con đường ngắn nhất, mau nhất. Đoạn đường không đầy 100 thước từ thềm nhà ga chạy dọc theo con sông đào để đến ngôi nhà cổ nằm trong khu dành cho nhân viên hỏa xa của Huế!

Tàu hỏa vừa dừng bánh, Ngữ đã vội vã ôm mớ hành lý chen ra phía cửa toa. Trong vội vàng, chàng suýt bỏ quên cái xách tay nhét dưới gầm băng. Chàng phải quay trở lại chỗ cũ. Cái xách tay vẫn còn đó. Hú vía! Ngữ là người áp chót xuống khỏi toa tàu, nhưng nhờ chen lấn bạo, lại trở thành người đầu tiên ra khỏi ga Huế. Mấy bác phu cyclo thấy Ngữ quá nhiều hành lý, đưa nhau mời mọc. Ngữ nói dối:

– Tôi ở ngay dốc cầu Nam Giao, khỏi phải đi cyclo! Người nhà của tôi sắp đem xe lên đón ngay bây giờ!

Chàng phải nói dối nhiều lần như vậy, cuối cùng mới được để yên. Lúc ấy, Ngữ mới thấm thía nỗi dày vò của băn khoăn, hồ nghi. Ta làm gì bây giờ đây? Ði đâu? Nửa năm nay không nhận được thư Diễm, đó là dấu hiệu gì? Diễm có ở nhà không? Diễm sẽ đón tiếp Ngữ thế nào? Bằng ánh mắt lóng lánh mừng rỡ hay bằng cái nhìn ngơ ngác xa lạ? Bằng những giọt nước mắt mừng mừng tủi tủi nóng hổi nhớ nhung, hay bằng những câu nói khách sáo nhát gừng? Bằng niềm cuống quít dạt dào hay bằng nỗi bối rối khép kín?

Ngữ không bao giờ, phải, không bao giờ có thể quên được đôi mắt loang loáng nước mắt của Diễm lúc nàng nhìn Ngữ lủi thủi lên máy bay ở phi trường Phú Bài năm 1966. Diễm theo bà Văn và Quế đưa Ngữ lên đến tận phi trường, vì dù không ai nói ra, mọi người đều biết việc thuyên chuyển Ngữ từ quân đoàn 1 lên Pleiku thuộc quân đoàn 2 là một hình phạt, mà hậu quả chưa biết ra sao. Ngữ đi cùng chuyến C- 123 với một số quân nhân tranh đấu phạm kỷ luật khác, dưới sự giám sát chặt chẽ của quân cảnh. Hôm ấy, Ngữ còn nhớ rõ lắm, Diễm mặc chiếc áo dài tím, quần lụa đen. Lúc ngồi ở phòng đợi, Quế trổ tài miệng lưỡi pha trò để không ai nhắc tới những chuyện lo âu, rủi ro. Bà Văn lâu lâu căn dặn con trai điều này, điều nọ. Diễm dè dặt không nói gì, nghĩ nội việc lấy bạo đưa Ngữ tận đây đã là một sự liều lĩnh, nên không dám đi xa hơn. Nàng ngồi gần bà Văn, xa chỗ Ngữ ngồi đến mấy thước. Cho tới khi Ngữ từ biệt những người thân yêu để ra xếp hàng lên phi cơ, nàng chỉ nói trực tiếp được với Ngữ hai câu ngắn vô thưởng vô phạt. Những câu nói mà nếu bẻ chữ đào xới đến mấy cũng khó tìm ra những biểu lộ của tình cảm. Nhưng ánh nhìn của Diễm nói đủ hết, xác nhận thật rõ rằng tình yêu của Diễm dành cho Ngữ. Nhờ vậy, Ngữ mới đủ can đảm viết thư cho Diễm qua địa chỉ gia đình và nhờ Quế chuyển.

Một năm thư đi thư lại đã đủ để xác nhận thành lời tình yêu hay chưa? Không lấy gì làm chắc! Thư của họ đều dài, chữ nhỏ chi chít viết trên giấy pelure thật mỏng mà thư vẫn cứ dày cộm. Nội dung đủ cả: nào cái lạnh khô của gió núi, nào những cơn mưa dầm, những khổ dịch phải chịu của một lao công đào binh gửi xuống để nhận những buổi tối thấp thỏm lo âu gửi lên, tin thi đậu tú tài toàn phần trao đổi với tin được điều về làm phụ giáo cho gia đình trung tá Phan, những câu hỏi bâng quơ phát đi để nhận những câu trả lời rụt rè… Chen vào đó, là bao nhiêu chuyện thời tiết, bè bạn, vật giá, học hành, nghề nghiệp… Một ý cỏn con chẳng có gì đáng bàn cũng trở thành hoa thành bướm viết đầy nửa trang thư.

Đem đối chiếu những gì Diễm đã viết cho Ngữ để chứng minh rằng Diễm vẫn “ở vậy” chờ chàng, nghe rất hợp lý. Mà chứng minh ngược lại, chứng minh rằng Diễm quanh co vì thiếu quyết tâm, Diễm thích đùa cợt với chữ nghĩa, thích viết cho một “người tình xa” để thơ mộng hóa cuộc đời và đến một lúc nào đó thấy chán thì tìm một trò chơi khác, nghe cũng rất hợp lý. Không hợp lý, sao tự nhiên Diễm không viết thư cho Ngữ nữa?

Càng nghĩ, Ngữ càng thấy xồng xộc ôm xách đủ thứ lỉnh kỉnh thế này mà đến gặp Diễm, thật lố bịch! Một thứ hăm hở quá trớn, quá lộ liễu, dễ trở thành trò cười nếu quả thật Diễm đã đổi thay. Có thể Diễm vẫn đủ tế nhị để vồn vã tiếp đón chàng, giả vờ vui mừng thấy Ngữ trở về. Nhưng còn ông Bỗng? Chàng biết ông Bỗng không có cảm tình với mình, và còn cơ hội nào tốt hơn để ông rêu rao khắp nơi cái trò lố bịch, cái lầm lẫn hỏng kiểu của chàng?

Cuối cùng, Ngữ quyết định nên về nhà đã! Chàng giả vờ tỏ vẻ nóng ruột, đi qua đi lại nhìn quanh quất như chờ đợi ai, rồi mới gọi một bác cyclo đến mặc cả giá. Bác cyclo già đưa ra một giá thấp, vì vẫn tưởng nhà Ngữ ở chân cầu Nam Giao. Ngữ hỏi giá về Gia Hội, nói chữa là cần đem quà Tết về cho gia đình một người bạn trước đã, sau đó mới về nhà mình.

Tuy hoang mang cùng cực, nhưng Ngữ không thể không bồi hồi xúc động khi ngồi trên cyclo nhìn lại con đường Lê Lợi thân quen. Mỗi gốc cây, mỗi lề đường, mỗi căn nhà, mỗi công ốc là một kỷ niệm. Xe chạy nhanh nên kỷ niệm nọ chập lên kỷ niệm kia, xếp lớp chất chồng lên nhau, dư ba của lớp trước chưa loang ra trọn vẹn thì con sóng lớp sau đã ập đến, khiến đầu óc chàng điên đảo, ngầy ngật. Từng mảnh của quá khứ chợt đến rồi chợt tan đi, lẫn lộn không theo thứ tự trước sau hay tuần tự diễn biến theo chiều dài con đường lịch sử. Chàng như người say sống chập chờn giữa các ảo ảnh, đi giữa cuộc đời thạnh bình nô nức chờ đón một cái Tết-Như-Ý sau mấy năm biến loạn mà tưởng như đi giữa cơn lốc. Xúc động nghịch lý khác thường ấy, Ngữ không dám nói với ai, hay nói cho đúng hơn, quá phức tạp để nói với những người thân có tâm hồn quá đơn giản.

” Ở nhà, mọi sự vẫn bình thường”. Thư ông Văn, hay lâu lâu thư của Nam hoặc Quế gửi lên Pleiku cho Ngữ vẫn thường kết bằng câu quen thuộc ấy. Bước chân lên thềm nhà, Ngữ thấy thư gia đình gửi chàng đã không giấu diếm nỗi bất hạnh rủi ro nào khi nhắc đi nhắc lại mãi điệp khúc “vẫn bình thường”. Quang cảnh căn nhà vẫn vậy. Cửa trước mở. Như con mắt hồn nhiên mở nhìn đường đời trước mặt, không khép kín sợ hãi hay đề phòng! Phòng trước không có ai. Bên kia vách ngăn: hoàn toàn im lặng. Ngữ đứng im giữa phòng trước, nao nức vì muốn gây kinh ngạc cho bất cứ ai trong gia đình thấy chàng đầu tiên. Ngữ chờ một phút, hai phút… Lúc bắt đầu mất kiên nhẫn, chàng nghe tiếng trẻ khóc, rồi một giọng dỗ dành:

– …Có me đây! Có me đây… Cưng của me xấu lắm nhé! Cứ bắt me bồng hoài sao! À ơi… Hòn đá đóng rong… à ơi… vì dòng nước chảy. Ngọn núi bạc đầu… à vì bởi giọt sương sa…

Và tiếng kẽo kẹt đưa nôi! Ngữ nhận ra giọng Nam, lòng thương em khiến chàng cảm thấy nghèn nghẹn nơi cổ, mắt cay cay. Phải đứng im trấn tĩnh một lúc nữa, Ngữ mới dám lên tiếng hỏi:

– Nam trong đó phải không?

Có lẽ Nam giật mình ngưng đưa nôi nên đứa con lại khóc thét. Ngữ nghe giọng em gái hốt hoảng hỏi:

– Ai đó?

Ngữ không muốn Nam sợ hãi thêm nữa, lên tiếng:

– Anh Ngữ đây! Anh được phép về ăn Tết!

Nam mừng quá, bế xốc đứa con chạy ra đón anh. Ngữ quặn thắt cả lòng khi thấy Nam gầy gò, ăn mặc xốc xếch, tóc tai rối bù như một bà nạ dòng. Hạt nút cổ của chiếc áo popeline cũ nhàu nhò quên cài, để lộ hai xương quai xanh và một mảng ngực ốm. Từ trong buồng tối đột ngột ra vùng ánh sáng nên mắt Nam nheo lại, cố nhìn cho rõ khuôn mặt Ngữ. Giọng Nam hồ nghi:

– Anh về thật hả? Sao không tin cho ba má biết?

Ngữ không đáp lời em, đến gần cúi xuống nhìn cháu bé Nam đang bồng. Con bé sinh thiếu tháng cũng ốm o như mẹ, và vì chói ánh sáng nên nét mặt nhăn nhó, đôi lông mày rậm gần như chập vào nhau ở chỗ sống mũi đỏ, thành hình chữ V. Ngữ nghĩ thầm: “Sao bộ mặt cau có này giống cha nó quá!” Ngữ ngước nhìn Nam, thấy em gái tươi cười hãnh diện một cách ngây thơ về đứa con của mình. Ngữ thương hại em, nói nịnh:

– Cháu dễ thương lắm! Cho cậu bồng tí nào!

Nam cười thành tiếng, giọng cười khao khao. Nàng chuyển đứa con cho Ngữ bồng, lấy giọng kẻ cả căn dặn:

– Anh bồng cho khéo, không lại lọt tay mất. Cháu bị đẹt, lúc sinh ra bé tí nên em nghĩ chẳng bao giờ nó lớn lên được tới chừng này. Nào nào! Cưng của me để yên cho cậu bồng. Ðừng làm xấu trên tay cậu nhé! Làm xấu do quần áo cậu, các cô chê không thèm yêu cậu, me phạt đấy… Anh đưa tay kia lên đỡ đầu cháu. Đấy đấy, được rồi. Còn tay này anh đặt thế này! Anh vụng quá. Chưa đủ điều kiện để làm “bố thiên hạ” được!

Ngữ rung rung nhẹ đôi tay cho đứa bé khỏi khóc, trả lời em:

– Nam khỏi lo! Mấy tháng nay anh làm “vú em” đã thạo quá rồi! Dỗ dành cho các cô các cậu ở nhà Trung tá Phan để các “ngài” chịu học, còn khó hơn ru em nữa.

Nam nhìn anh, chớp mắt cảm động. Giọng nàng nghẹn ngào:

– Nhưng ít ra cũng đỡ nguy hiểm hơn. Em vẫn lo lắng cho anh!

Ngữ cảm động, cúi xuống hôn lên má cháu bé, để che giấu xúc cảm, rồi mới ngước lên, bảo Nam:

– Anh cũng vậy. Anh chỉ lo em không qua khỏi! Thư em viết lúc nào cũng bảo “vẫn bình thường”. Anh không tin, không tin em “vẫn bình thường” sau bao nhiêu chuyện trải qua. Nhưng bây giờ thì anh tin. Anh mừng lắm!

Bị khơi lại chuyện cũ, đột nhiên Nam mất hết vẻ hân hoan. Mặt nàng tái nhợt, môi run run như muốn nói với Ngữ điều gì mà cố gắng lắm nàng vẫn không nói được. Ngữ biết mình lỡ lời, tìm cách chuyển đề tài sang hướng khác. May mắn cho chàng, là lúc đó con bé cựa mình, rồi tè ra ướt cả tấm tã, nước tiểu thấm nóng trên cánh tay trái Ngữ, nhỏ giọt xuống nền nhà.

Nam, hốt hoảng kêu lên:

– Ấy chết! Cháu nó làm hỗn rồi. Anh đưa cháu cho em. Có ướt áo không? Cưng của me hư lắm nhé!

Nàng vội bế con chạy vào buồng trong. Có tiếng con bé khóc, tiếng mẹ nó dỗ dành, và giọng Nam nói với ra phòng ngoài:

– Anh đi thay đồ, sẵn tiện tắm rửa đi! Em dỗ cho cháu ngủ trở lại rồi xuống làm cơm. Chắc 6 giờ chiều ba mới về!

Ngữ xách hành lý vào đặt sát cánh cửa thông, hỏi lớn cho Nam nghe:

– Ba độ này thế nào?

Nam đáp:

– Ba có già đi. Ban đêm không ngủ được!

– Ba còn dạy nhiều giờ không?

– Một tuần 16 giờ thôi. Ba yếu, nên từ chối không dạy các lớp đi thi. Chỉ dạy các lớp đệ tam.

– Chiều nay ba có giờ dạy à?

– Không! Tuần lễ áp Tết, anh biết rồi, dạy dỗ gì được. Chiều nay lớp Tam C của ba phụ trách làm liên hoan tất niên. Có thể ba về hơi trễ một chút. Anh có khăn tắm đấy không?

– Có. Xà phòng để ở đâu?

– Xà phòng tắm hay xà phòng giặt?

– Anh muốn tắm một chút!

– Có hộp xà phòng Cadum Quế nó để trong hộc bàn nước. Chắc mai hay mốt má với con Quế về. Nó mà biết anh về kỳ này, chắc mừng lắm. Có khối chuyện để kể cho anh.

Ngữ đứng lặng người, tần ngần không dám hỏi thêm câu nào nữa, Quế muốn kể cho chàng chuyện gì đây? Chuyện Diễm? Nhất định là chuyện Diễm, vì suốt thời gian thư qua thư lại, Quế trở thành người bạn Diễm thân hơn cả, còn thân thiết hơn Quỳnh Như nhiều. Không nghe thấy anh nói gì, Nam lo lắng hỏi:

– Anh đã tìm ra chỗ để xà phòng tắm chưa?

Ngữ vội đáp:

– Rồi! Em cứ lo cho cháu đi!

Ngữ ngồi trên cái ghế gỗ thấp vừa chải đầu vừa hỏi Nam chuyện nhà. Nam hí hoáy nhen cái bếp dầu hỏa một lúc lâu để nấu cơm không được, cuối cùng khám phá ra rằng mấy cái tim rề sô đã cháy lụn, Nam càng vặn lên cao đuôi tim càng hỏng xa mặt dầu. Ngữ giúp em thay bộ tim khác. Hai anh em ngồi chồm hổm bên cạnh nhau, nói chuyện vừa nhỏ đủ nghe. Ngữ hỏi:

– Thường thường bao lâu má với con Quế mới về nhà?

– Trước đây tuần nào cũng về. Từ hồi mở quán, cuối tuần bận, hai ba tuần hoặc má hoặc Quế mới về một lần.

– Quán gì thế? Mở quán ăn nhọc lắm, chịu sao nổi!

– Không. Nghe Quế nó bảo chỉ bán đồ uống thôi. Vả lại… anh vặn giùm cái nút xem bộ tim có lên được không.

Ngữ làm theo lời em nhờ, sau đó, tò mò hỏi:

– Má mở quán cà phê à? Sao phải vào tận Ðà nẵng?

Nam ngước lên nhìn anh, định nói điều gì, sau đó chỉ lấy ống tay áo quệt mồ hôi trán, rồi im lặng. Ngữ e dè hỏi:

– Má mở bar à?

– Phải!

Hai anh em lại im lặng. Một lúc, Ngữ hỏi:

– Có khá không?

– Em chẳng hiểu. Nghe con Quế bảo hôm nào Mỹ xả trại, bán được lắm. Nhưng chi phí cũng nhiều.

Ngữ nghĩ tới sinh hoạt xô bồ quanh các quán rượu dành cho quân nhân Mỹ ở Pleiku, ở Ðà nẵng, ở Chu lai, ở Qui nhơn, nhớ tới những “pháo đài hoan lạc” có lưới sắt bao quanh, tưởng tượng không ra mẹ mình và cô em gái sống làm sao được ở giữa khung cảnh ấy. Bây giờ chàng bắt đầu hiểu vì đâu mọi sự “vẫn bình thường” trong lúc ông Văn chỉ dạy 16 giờ mỗi tuần, Nam bỏ học ở nhà nuôi con và Lãng sau khi bị trả về đơn vị cũ, lại đào ngũ rồi tình nguyện vào binh chủng Thủy quân Lục chiến. Nam bảo anh:

– Anh đưa em mượn cái bật lửa. Bây giờ chắc được rồi!

Trong lúc Nam cúi xuống điều chỉnh ngọn lửa, Ngữ quan sát em kỹ hơn. Tóc Nam thưa hơn trước. Đôi vai vốn đã hẹp, bây giờ so lại, trông bệnh hoạn hơn. Khuôn mặt cúi xuống khiến hai gò má nhô cao. Nàng đã thay bộ quần áo chỉnh tề hơn, nhưng qua cổ áo cánh mầu xám khoét rộng, Ngữ thấy em mặc nguyên một cái may-dô đàn ông thay vì mặc chiếc valisière lót dành cho phụ nữ. Nam bắc soong gạo đã vo lên lò, ngước lên hỏi anh:

– Trên đó anh ăn uống thế nào?

Ngữ kịp nhận ra ánh mắt Nam có gì vui tươi tự tin hơn trước, tương phản hẳn với thân hình ốm o tiều tụy. Ánh nhìn trìu mến của người mẹ tìm thấy trên đời còn có một sinh vật yếu ớt để săn sóc bao dung, thấy đời một ý nghĩa. Ngữ đáp:

– Anh ăn uống thế nào chẳng được! Từ hồi về ở với ông bà Phan, cơm nước tươm tất lắm. Bồi bếp đàng hoàng, y như Tây vậy!

Nam cười, tưởng anh nói đùa. Nàng mỉm cười giả vờ ngắm nghía anh một lúc, rồi khen Ngữ:

– Chắc vì vậy mà anh mập ra. Trắng trẻo đẹp trai ra! Nhà mình có số làm thầy giáo. Ba đi dạy. Em học Sư phạm. Anh chê nghề gõ đầu trẻ, cuối cũng cũng làm ông giáo kèm trẻ! Hôm nhận được thư anh báo tin đã về ở nhà ông Phan, ba mừng lắm. Ba bảo em: “Thôi, thế cũng được. Lá bay cho lắm rồi cũng rụng về cội!”

Ngữ nghe đến chuyện thư từ, đột nhiên xúc động. Chàng do dự khá lâu, mới hỏi Nam:

– Quế nó ít về, mấy lá thư anh gửi cho nó, em có nhận giùm không? Nam đáp, giọng bình thường:

– Có! Em vẫn giữ, chờ nó về mới đưa!

Ngữ tìm được cái cớ giải thích nỗi hồ nghi của mình, rạng rỡ nét mặt. Nam không hiểu vì sao tự nhiên anh mỉm cười, rồi đứng dậy, đi đi lại lại quanh nhà bếp. Suốt thời gian khủng hoảng tinh thần đến tuyệt vọng và mang thai, nàng sống thu mình lại, tự cách biệt với mọi người trong gia đình, không muốn nói chuyện với bất cứ ai. Nàng không hề để ý vì sao Ngữ lại viết thư đều đặn cho đứa em mà Nam nhận biết không hề hợp tâm tính với ông anh lớn. Không hề nhận biết hay thắc mắc vì sao mỗi lần nhận thư Ngữ, Quế láu lỉnh liếc nhìn bà Văn, rồi vội vã xách xe đạp đi thăm Diễm.

Nam nhìn cử chỉ khác thường của anh, cố giải thích:

– Hai tháng nay, từ hồi mở quán, Quế mới ít về. Còn trước đây thì tuần nào cũng về.

Câu Nam nói như thác nước lạnh ụp lên đầu Ngữ. Chàng khựng lại, đứng im một chỗ. Hóa ra chàng đã mừng hụt! Ngữ chán nản bảo Nam:

– Em lên lấy mấy cái thư cuối cho anh.

Rồi sợ Nam nghi ngờ, Ngữ giải thích gượng gạo:

– Anh tưỏng không về được, nên nhờ Quế vài việc. Nay đã về, không cần nữa.

Nam bận canh chừng son cơm sôi, bảo Ngữ:

– Chốc nữa em lấy cho! Anh thích ăn cá hay thịt?

Ngữ đáp:

– Ăn gì cũng được. Cá hay thịt cũng thế thôi!

Nam bận lo tắm rửa cho con và cho con bú, nên chỉ có ông Văn và Ngữ dùng cơm tối. Mười chín tháng xa cách, mười chín tháng từng người phải trải qua cơn bão táp nhọc nhằn của riêng mình để đến được vùng biển lặng nên dài đăng đẵng như mười chín năm, vì thế gặp lại nhau, hai cha con đều cố nhìn nhau thật lâu để tìm các nét biến đổi của người thân. Ngữ thấy cha mình nhỏ bé hơn là hình ảnh cha trong trí nhớ. Ở Pleiku, lúc gặp những cực khổ cùng cực hay chán nản cùng cực, Ngữ nhớ ông Văn qua hình ảnh một ông thầy cung cách chững chạc, mặc áo sơ mi trắng thắt cà vạt, đứng trên bục gỗ giảng giải say sưa lời hay ý đẹp của cổ nhân. Lời ông trầm bổng theo vui buồn của văn chương, từ cảnh bịn rịn tiễn đưa chồng ra trận trong Chinh Phụ Ngâm cho đến cảnh chết đứng hào tráng của Từ Hải… Ông Văn trở thành mẫu mực của sự chọn lựa trầm tĩnh, của sự chịu đựng hiên ngang, của sự lặng lẽ đạt đạo. Ngữ vô tình thêm thắt cho cha nhiều nét cao cả để làm cái mộc che mình, suy diễn những yếu đuối của cha thành sức mạnh tinh thần, nên chàng không khỏi hụt hẫng khi nhận ra rằng ông Văn cũng chỉ là một người bình thường như mọi người bình thường trên đời. Ông chậm chạp hơn là chững chạc. Ông rụt rè hơn là trầm tĩnh. Cách nói, ngay cả nói chuyện với con, vẫn dè dặt giữ kẽ hơn là hùng hồn thuyết phục. Ngữ tự hỏi mình đã nghĩ lầm về cha hay tinh thần cha đã sa sút trong thời gian qua. Chàng không hiểu rằng ông Văn cũng đã nhìn Ngữ khác trước. Ông thấy Ngữ đã hoàn toàn trường thành, cho nên cách xưng hô của ông với con trở nên khách sáo, xa cách. Ông vẫn xưng ba, nhưng gọi Ngữ bằng tiếng “anh”. Ông hỏi Ngữ:

– Anh về nghỉ Tết được bao lâu?

Ngữ lễ phép đáp, như học trò đáp lời thầy:

– Thưa ba, mồng Bốn, hoặc chậm nhất mồng Năm con phải lên trở lại.

Ông Văn nhẩm tính một lúc, rồi nói:

– Được hơn mười ngày, cũng được!

Ngữ kể sơ lược vì sao may mắn được phép về Huế ăn Tết. Ông Văn bảo:

– Gia đình Trung tá Phan, ba biết. Kể cả ông Phan nữa! Hồi trước, ba có dạy ông ấy.

Ngữ ngạc nhiên, thắc mắc:

– Thật hở ba? Vậy mà hồi tháng 9, con cứ tưởng ông ấy nói đãi bôi cho vui!

– Hồi nhỏ, anh ta ham chơi hơn ham học. Chắc là hợp bên võ hơn bên văn. Ông ấy ở ngành nào?

– Dạ công binh!

– Tại sao ông ấy chọn anh?

Ngữ thành thật đáp:

– Con cũng chẳng hiểu. Có lẽ ông ấy quá cần một người dạy kèm mấy chị nhóc lười biếng. Cũng có thể ông ấy biết con là con của ba.

– Ông ấy có nhắn gì ba không? .

Ngữ giật mình, nói dối:

– Thưa ba có. Trung tá gửi lời thăm ba.

Ông Văn trầm ngâm, rồi cắm cúi ăn. Ngữ không hiểu ông có tin lời chàng, hay biết con nói dối nên buồn rầu. Chàng cố lái câu chuyện sang hướng khác. Ngữ hỏi:

– Lãng nó có viết thư về thường không, ba?

Ông Văn đưa chén cho con xới thêm cơm, đáp:

– Nó lười lắm. Lâu lâu chỉ viết một lá thư ngắn vài dòng. Nó có hỏi thăm anh!

– Nhờ trời gia đình ta vẫn bình an! Đó là điều con mừng hơn hết.

Lúc đó, trên phòng Nam có tiếng đứa bé khóc. Hai cha con dừng đũa lắng nghe. Ngữ dò chừng nét mặt ông Văn, sợ câu chàng vừa nói cùng tiếng khóc nhắc nhở của đứa bé không cha hợp nhau lại có thể khiến ông Văn xót xa vì nỗi trớ trêu nghịch lý. Nhưng chàng đã lầm. Ánh nhìn mệt mỏi lờ đờ của ông Văn đột nhiên biến mất. Ðôi mắt ông sáng hẳn lên. Ông ngồi ngay người, nói lớn cho Nam nghe rõ:

– Đã cho cháu bú sữa chưa? Ðến bữa rồi đấy!

Nam cũng đáp lớn:

– Con đang làm sữa đây!

Ông Văn mỉm cười, chồm về phía Ngữ nói nhỏ cho con nghe:

– Có người lén đưa tin về cho biết thằng Tường còn sống. Ba giấu không cho con Nam biết.

Ngữ thấy cha làm như vậy là phải! Chàng không biết rõ Nam sẽ phản ứng thế nào khi biết tin này. Nhưng Ngữ lờ mờ đoán rằng tin đó sẽ làm sụp đổ chút bình yên mong manh em gái chàng có được hiện nay, sau mười chín tháng biển dâu!

 

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 3609

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây