Đây là lần thứ hai Phan Huy Ích vào thành Phú Xuân!
Mười một năm về trước, ở cái tuổi hai mươi sáu phơi phới danh vọng, ông đã được Tĩnh vương Trịnh Sâm giao trọng trách vào Phú Xuân giải quyết vấn đề biên giới với Tây Sơn (1).
Bây giờ sau mấy măm chán chường vì hoạn lộ thăng trầm, gần kề cái tuổi “tứ thập nhi bất hoặc”, ông trở lại Phú Xuân với mái tóc đốm bạc và đôi mắt mệt mỏi.
Trong nhóm nho sĩ Bắc hà theo Chính Bình vương về Phú Xuân lần này, Phan Huy Ích là người có kiến thức và danh vọng cao nhất. Bạn bè xét nét ông để tìm một lối cư xử vừa đỡ mất thể diện “ông nghè Đàng Ngoài” vừa khỏi nguy hiểm. Các quan văn võ Phú Xuân thì đẩy đưa với ông, luôn luôn giữ một khoảng cách vừa phải nào đó trong giao tiếp để ông nhớ rằng dù được vương thượng cho làm tả thị lang bộ Hình tước Thụy nham hầu, ông vẫn cứ là người ngoài như thường. Ông không đến nỗi lơ láo như một hàng thần, nhưng, giữa cảnh xe ngựa rộn rịp nghi vệ oai dũng hơn cả Phú Xuân năm Bính thân, Phan Huy Ích cảm thấy lạc loài. Ngôi nhà vắng chủ nằm sâu trong khu vườn chuối xanh um ở Phủ Cam dành riêng cho nhóm nhà nho Bắc hà, công đường của bộ Hình, điện Triêu Dương nơi ông được Vương thượng vời đến hỏi han công việc, cái bến đá bên bờ sông đào nước xanh màu rêu thẫm nơi ông thường đến mỗi chiều để nhớ tiếc da diết cái thời làm quan ở trên mặt sông (2), không chỗ nào Phan Huy Ích thấy là “của ông” cả. Điều ông khổ tâm là không tìm ra được lý lẽ xác đáng để giải thích tâm trạng lạc lõng ấy. Ông nhớ tiếc thời vàng son cũ chăng? Không. Ông đã bị thất sủng ngay từ khi vua Lê chúa Trịnh còn tại vị, khiến ông chán nản đến nỗi không thèm ngó ngàng gì đến việc quan, không tới dinh làm việc mà ghép mấy chiếc thuyền bè làm nhà ở, trên bờ dựng vài gian cho nha lại lính tráng đóng, văn án không tra xét, chỉ khi nào có việc quan trọng mới đến giải quyết (3). Ông ray rứt khốn khổ vì lòng trung chăng? Có lẽ không, vì nếu vậy ông đã hành động cần vương dứt khoát như bọn Nguyễn Đình Giản, hoặc bạo hơn nữa như Nguyễn Huy Trạc. Ông bất phục chế độ mới chăng? Cũng không. Dù tìm thấy ở cung cách hành động, cư xử của quan lại Tây Sơn nhiều điều thiếu văn nhã, Phan Huy Ích cũng phải thầm kính phục sự quyết đoán, tài thao lược, và tầm hữu hiệu của họ. So với bọn tham tụng, bồi tụng, thị lang, thiêm sai đồng liêu của ông trước đây, các quan văn võ Phú Xuân tự tin và khí khái hơn nhiều. Vậy thì tại sao ông lạc loài? Một hôm đứng bên bờ đá, ông thấy đám con nít bơi lội, té nước vui vẻ với nhau dưới sông, và các cô gái nhà nghèo tíu tít đem đồ giặt xuống bến cười nói luôn miệng, ông chợt nghĩ mình bị cuộc sống hồn nhiên rộn rã (cuộc sống tiến về phía trước như thời gian, vươn lên cao như khói tỏa) bỏ lại đằng sau, phía dưới, nên mới lạc lõng hoang mang vì sự yếu đuối. Đó là nỗi lạc loài của kẻ chồn chân mỏi gối đứng nép bên lề nhìn kẻ đi người lại tấp nập trước mặt mình. Ý nghĩ đó khiến Phan Huy Ích khổ sở hơn. Ông thầm ao ước được dứt khoát chọn phía như Nguyễn Đình Giản hoặc Ngô Thì Nhậm anh vợ của ông. Chọn một lần rồi thôi, sau đó mạnh bạo, tự tin, nếu cần thì quyết liệt hành động để tiếp tục phụng sự cho mục tiêu đã lựa chọn. Ông cũng có lựa chọn đấy. Nghe lời tuyên triệu, ông cũng đã vội vã rời Phương Liệt ra Kinh trình diện với Chính Bình vương. Nhưng ra đi trong dùng dằng, ra mắt giữa lúc rụt rè và giờ đây, về Phú Xuân trong lạc loài.
Ông tiếc Ngô Thì Nhậm phải ở lại Thăng Long, không được về đây với ông. Nhậm đối với ông có cái gì hơn cả một người bạn học, một người anh vợ, một đồng liêu, một văn hữu. Do tuổi tác, kiến thức, tài năng, nhất là do sức mạnh của ý chí, Nhậm là cái mẫu hiển hiện gần gũi (phải, gần gũi đến nỗi Phan Huy Ích tưởng chỉ cần cố thêm một chút nữa thì thế nào cũng theo kịp Nhậm) của Ích. Là chỗ dựa êm ái của một phút mệt mỏi, là cái lều đủ tạm tránh gió. Ngô Thì Nhậm không vượt hẳn lên cao, khoảng cách nhỏ nhoi giữa ông và Nhậm mới nhìn tưởng không quá cái nhón gót. Thế mà… Phan Huy Ích tự thẹn với mình.
* * *
Cả nhu cầu việc công lẫn tâm tư riêng đều thúc đẩy Phan Huy Ích gần gũi Trần Văn Kỷ. Ông có quá nhiều điều để nói với quan Trung thư: những gợi ý rụt rè về cách tổ chức chưa được hợp lý ở các bộ; những lời tự khai dè dặt về vai trò của mình trong chuyến công cán vào Phú Xuân năm Bính thân (đề phòng trường hợp một vài chức sắc Thuận Hóa còn nhớ cảnh đưa rước rầm rộ mười mấy năm trước nên tâu trình nói xấu Ích), những suy nghĩ về văn chương, đạo học giữa thời loạn; những bài thơ vừa làm xong cần một người đồng điệu thẩm định giá trị… Cuối cùng, vào những lúc hiếm hoi, cả hai quên vị trí xã hội của mình, Phan Huy Ích có thể thổ lộ với quan Trung thư những cảm giác hoang mang chưa định, những nỗi buồn vô duyên cớ, những yếu đuối đẩy đưa đến tâm trạng lạc lõng, nói chung là những tình cảm xa lạ với cảnh rộn rã lạc quan chung của Phú Xuân. Có một đề tài hai người rất thích thú khi bàn luận với nhau là thơ văn Ngô Thì Nhậm. Phan Huy Ích giữ được khá nhiều các bài đường luật, phú, ký của Ngô Thì Nhậm. Trần Văn Kỷ rất thích bài Mộng Thiên Thai phú, nên muốn được đọc phần trước tác còn lại của tác giả. Kỷ không thể tìm được một người sưu tầm, diễn giải, phê bình văn chương Ngô Thì Nhậm nào thích hợp hơn viên tân thị lang Hình bộ. Cho nên hễ gặp nhau là họ có sẵn những điều cần nói cho nhau nghe. Một lần sau buổi chầu, Trần Văn Kỷ vội vã tìm cách gặp cho được Phan Huy Ích để hào hứng bảo:
– Đêm qua tôi ngồi một mình đến quá khuya để đọc đi đọc lại mãi tập phú của ông Hi Doãn. Thật lạ lùng. Ông có nhớ bài Lâm Trì phú không?
Phan Huy Ích mỉm cười lễ phép đáp:
– Thưa quan Trung thư, nhớ ạ.
– Lâm Trì ở đâu thế? Tôi nghe đây chỉ là cái tên mượn.
– Thưa không ạ. Theo ông Hi Doãn (Ngô Thì Nhậm) cho biết, thì ao này ở làng Đông Nhuế, vùng Vũ Thư, trấn Sơn Nam.
– Ông ấy làm bài này lúc nào?
– Lúc đi lánh nạn, sau vụ án Canh tý.
– Tôi cũng đoán thế, nhờ dựa vào các câu như:
(Bài dịch của Ngô Linh Ngọc trong Văn thơ Ngô Thì Nhậm.)
Ông thấy không? Tôi đọc mãi đến thuộc làu cả bài. Phong vị giống y như phong vị Tiền Xích Bích phú.
Phan Huy Ích thấy các quan khác đã về gần hết, nên đối đáp về văn chương trở nên thoải mái, tự nhiên hơn. Ông nói:
– Thưa đúng như vậy. Quả là có phong vị Xích Bích phú, nhưng Lâm Trì phú không phải là bản sao chép nhập nhèm của Xích Bích phú. Đọc kỹ, ta thấy có cái gì ấm cúng, gần gũi.
Trần Văn Kỷ thích thú đến nỗi reo lớn tiếng:
– Đúng đấy. Tôi cũng cảm thấy như thế mà không nói được gãy gọn chính xác như ông. Hai câu của Tô Đông Pha:
về ý cũng giống như hai câu của ông Hi Doãn:
Cũng là “vọng mỹ nhân”, nhưng một bên thì canh cánh hoang mang, một bên thì như tần ngần, hay cái gì tương tự như thế.
Phan Huy Ích nói:
– Tôi có được nghe ông Hi Doãn giải thích về điều này. Cái ý muôn thuở vẫn là cuộc phù sinh. Tô Đông Pha được cái may mắn thả thuyền trên dòng Xích Bích, nên cảm giác bập bềnh trôi nổi dễ diễn tả bằng sự hoang mang bé bỏng trước trời đất vô cùng. Ngài có nhớ cả một đoạn dài sau hai câu thơ của Tào Mạnh Đức không? Vâng, hai câu: “Nguyệt minh tinh hi, ô thước nam phi” (nghĩa là trăng sáng sao thưa, quạ bay về nam). Sau hai câu thơ đó, Tô Đông Pha viết: “Đương khi Tào Mạnh Đức phá đất Kinh Châu, xuống thành Giang Lăng, thuận dòng mà sang mặt đông, tàu bè muôn dặm, cờ tán rợp trời. Rót chén rượu đứng trên mặt sông, cầm ngang ngọn giáo ngâm câu thơ, đó thực là anh hùng một đời, mà nay thì ở đâu? Huống chi tôi với bác đánh cá kiếm củi ở trên bến sông này, kết bạn cùng tôm cá, chơi bời với hươu nai, bơi một chiếc thuyền nho nhỏ, nhấc chén rượu để mời nhau, gửi thân phù du ở trong trời đất, nhỏ nhặt như một hạt thóc ở trong bể xanh, thương cho sự sống của ta không bao lâu mà khen cho con sông này dài vô cùng” (3) Ông Hi Doãn thì chỉ được ngồi “tần ngần”; đúng như ngài nói vừa rồi, là tác giả ngồi tần ngần bên bờ ao hẹp, nhưng vẫn phải làm thế nào viết được cái ý phù du. Chờm ngợp trước trời đất bao la, hay cảm thấy cùng quẫn trong cảnh tù túng chật hẹp, vẫn thế thôi. Chẳng những thế, ông Hi Doãn vẫn cố nói được cái lớn qua cảnh chật hẹp:
Trần Văn Kỷ cắt lời Ích:
– “Đạo lớn mất chừ, về đâu? Nhớ thánh hiền chừ, xa lắc!” Không được. Có dịp gặp lại ông Hi Doãn, tôi sẽ nói thẳng cho ông ấy biết là ý hai câu này không được. Đã là đạo lớn thì không bao giờ mất. Còn thánh hiền xa hay gần là tùy ở ta. Có những kẻ thuộc làu tứ thư lục kinh, nhưng xa thánh hiền vì không thể hiểu được lời dạy của thánh nhân. Đọc bài phú Lâm Trì đến chỗ này tôi khựng lại, hơi thất vọng cho ông Nhậm. Nhưng đọc tiếp sang đoạn cuối thì mới biết ông ấy đánh lừa mình. Không. Hoang mang thất vọng chỉ là tâm trạng yếu đuối của một vài khắc chán nản. Phần còn lại của nhà nho ta vẫn là trọn tin ở thiên mệnh, vững chãi, sáng suốt “kiến cơ nhi tác”. Phần kết đầy cả nao nức. Tôi còn nhớ được mấy câu:
Cả hai không hẹn mà cùng reo lên “Thật tuyệt” rồi cười lớn. Vài viên quan nhỏ, thuộc hạ của Trần Văn Kỷ nghe tiếng cười ồn, quay lại ngơ ngác. Quan Trung thư vẫn cười tự nhiên, nhưng Phan Huy Ích thì làm mặt nghiêm, bối rối như vừa làm điều quấy.
* * *
Điều đáng tiếc là tại bộ Hình, nhiệm sở của Phan Huy Ích, không bao giờ có những khắc thoải mái như vậy.
Hình bộ thượng thư Hồ Công Thuyên không giao cho quan Hình bộ tả thị lang Phan Huy Ích công việc gì cụ thể. Cách đối đãi, cư xử của Thuyên thật hòa nhã, kính cẩn. Không thể chê trách điều gì được. Ngay sau khi Phan Huy Ích đến bộ Hình, Thuyên bắt các quan lớn nhỏ trong bộ vào lạy ra mắt quan Tả thị lang. Sau đó là một tiệc rượu linh đình. Thuyên nhường cho Ích chỗ ngồi vinh dự nhất trong tiệc rượu. Vài hôm lại có lính bộ mang đến chỗ Ích ở quà biếu của quan thượng thư, nào trà tàu thơm, rượu ngon, nào gạo trắng, thịt, tôm, cá tươi, đồ sứ pha trà, ống nhổ thau, chiếu hoa… Có thể nói suốt cuộc đời làm quan của Phan Huy Ích, chưa bao giờ ông được trọng vọng, cung phụng đầy đủ như thế. Nhưng ngoài tiện nghi xa hoa đó, Thuyên không giao cho Ích việc gì cả. Phan Huy Ích có mạnh dạn đề nghị vài điểm cần sửa đổi trong cách tổ chức nhân sự, hoặc trong thủ tục ngục tụng, cốt làm sao cho việc xét xử được nhanh chóng hơn. Quan thượng thư chăm chú lắng nghe, rồi cảm ơn rối rít. Ngày hôm sau, hôm sau nữa, Hồ Công Thuyên không hề nhắc lại câu chuyện trao đổi hôm trước, giả lờ như chưa bao giờ họ nói chuyện với nhau. Mỗi lần Phan Huy Ích lấy bạo nhắc lại, Hồ Công Thuyên hơi nhíu mày, rồi hỏi:
– Nhưng ông đã nói với quan Trung thư lệnh chưa? Nói với ông ấy đi. Tôi thì… ông thấy đấy, tôi có quyền hành gì ở đây đâu. Có phải quan Trung thư tâu với Chúa thượng bổ ông về bộ Hình không? Tại sao không bổ về bộ khác mà lại bổ về bộ Hình? Có phải quan Trung thư nghĩ rằng tôi đã già yếu (Thuyên cười, trỏ lên mái tóc dày và đen mướt của mình), tóc sắp bạc hết, nên phải gửi một nhân tài Bắc hà đến giúp sức? Ông đã từng vào Phú Xuân, từng đảm đương nhiều việc lớn, thì cái bộ Hình tồi tàn nhỏ xíu này đâu phải là chỗ xứng đáng. Hay là vì chức Trung thư lệnh không có cấp phụ tá?
Càng nói giọng Hồ Công Thuyên càng mỉa mai, cay đắng. Phan Huy Ích không dám nói thêm gì nữa, cũng không dám léo hánh đến bộ Hình. Ngoài các buổi chầu, ông chỉ nằm khoèo ở nhà đọc sách hoặc thơ thẩn bên bờ sông. Ông bắt đầu thấy những điều phức tạp của triều đình Phú Xuân như đã thấy các cuộc tranh chấp điên đảo ở Thăng Long. Phan Huy Ích có thừa khôn ngoan để dè dặt, cố đứng ngoài các cuộc tranh chấp.
Nhưng người ta không để cho ông yên. Một hôm Lại bộ Hồ Đồng tìm đến hỏi Ích:
– Lâu nay ngài vẫn đi lại với quan Trung thư đấy chứ?
Phan Huy Ích đáp lơ lửng:
– Chỉ thỉnh thoảng thôi. Quan Trung thư có mượn tôi tập thi tuyển của các danh sĩ Bắc hà.
Hồ Đồng cười, ranh mãnh hỏi:
– Thảo nào sau mỗi buổi chầu, các ngài cứ quấn lấy nhau để xướng họa, không thấy gì đang xảy ra chung quanh cả. Ngài đã đến thăm tư dinh Bùi tướng công chưa?
Phan Huy Ích ngơ ngác hỏi:
– Tướng công nào họ Bùi đấy ạ?
Hồ Đồng cười to:
– Tôi biết thế nào ngài cũng hỏi câu ấy, nên mới đến đây. Tôi dốt nát vô học, nhưng cũng có nghe thiên hạ trầm trồ tài học của ngài, nên tuy chưa thân đã kính phục. Ngài có biết không, mỗi lần ngài nói chuyện với quan Trung thư, ông Bùi Đắc Tuyên đều cố ngồi nán lại để… để làm gì, chắc ngài đã đoán biết.
Phan Huy Ích lo sợ hỏi:
– Thật thế ư? Thật thế ư?
Hồ Đồng nghiêm nét mặt, hạ giọng nói:
– Chỗ thân tình, tôi khuyên ngài nên chăm thăm hỏi Bùi tướng công hơn. Dĩ nhiên đồng thời ngài nên bớt thân thiết với quan Trung thư. Ngài không cần hỏi vì sao, vì thế nào ngài cũng phải biết điều rắc rối phức tạp đó rồi. Chúng tôi ở bên bộ Lại nên biết được nhiều việc ở các bộ khác. Có phải lâu nay ngài rảnh rỗi lắm phải không?
Phan Huy Ích hơi khó chịu, hỏi lại:
– Ông hỏi làm gì vậy?
Lại bộ Hồ Đồng cười, không chút bối rối:
– Dĩ nhiên không phải tự ý tôi đến đây. Tôi đang làm việc quan đấy, vì “an nguy của xã tắc” đấy. Ngài thử nghĩ mà xem: nếu không khéo có thể vì sự sơ ý của ngài mà thành Phú Xuân bị xẻ làm hai, làm ba. Ngài không nghe người ta xì xào rằng Chúa thượng bắt đầu “mê hát chèo” rồi hay sao (Hồ Đồng lại cười). “Mê hát chèo!” Miệng lưỡi thiên hạ thật là… thật là phi thường. Không có cách ví von nào hay hơn! Ngài nên giữ ý tứ, nếu không người ta sẽ nghĩ là ngài cũng thuộc gánh hát chèo Bắc hà đấy!
* * *
Phan Huy Ích vào Phú Xuân vào đầu mùa thu. Mãi đến khoảng giữa mùa thu, bộ Hình mới tìm được việc để giao cho ông. Thượng thư Hồ Công Thuyên mời Phan Huy Ích đến bộ hỏi:
– Hình như trước đây ông đã từng làm thiêm sai tri hình ở phủ Chúa thì phải?
Phan Huy Ích đáp:
– Vâng. Tôi về triều thay cho Phạm Nguyễn Du đi án sát Kinh Bắc.
Hồ Công Thuyên thắc mắc:
– Làm đốc đồng Thanh Hoa sướng hơn chứ, sao ông lại xin về triều? Thanh Hoa không khổ vì việc phòng vệ như Nghệ An, cũng không quá gần mặt trời. Tôi nghe nói được về làm quan ở Thanh Hoa, người nào cũng “đẫy đà” lên.
Phan Huy Ích mím môi không nói gì. Quan thượng thư thấy Ích bất bình, nên vội chuyển sang chuyện khác:
– Tôi mời ông tới vì bộ Hình ta đang gặp khó. Việc này ngoài ông ra, không ai kham nổi đâu. Xin ông chớ khiêm nhường. Sự thật đúng như vậy. Không phải các quan Hình bộ đều là hạng thiếu khả năng đâu. Họ xuất thân võ biền, nên có điểm hơn các văn thần là dám mạnh bạo. Bộ ta chuyên coi các án tụng, hình ngục, thì sự cương quyết, mạnh bạo càng cần hơn nữa. Tuy vậy, riêng vụ án này thì chỉ có ông mới giải quyết được.
Phan Huy Ích nói:
– Tôi sợ vì mới chân ướt chân ráo vào đây…
Hồ Công Thuyên cắt lời:
– Chính vì thế mà được việc. Nói thật với ông, vụ này dây dưa lâu rồi vẫn chưa ngã ngũ. Kẻ liên can có nhiều thế lực che chở, nên nhiều lần bộ Hình định làm án mà không xong. Chúng tôi hiện đang ở cái thế tiến thoái lưỡng nan. May mắn có ông vào kịp thời. Ông nhận xét án thì không ai dám bảo ông thiên vị bên nào cả.
Rồi Hồ Công Thuyên thuật sơ lược vụ Lợi liên can với các ghe buôn Đồng Nai. Phan Huy Ích thắc mắc:
– Hắn chỉ là một viên quan nhỏ bộ Công, lẽ nào hai ba lần bộ Hình làm án mà không được? Hắn là hoàng thân quốc thích chăng?
Thượng thư Hồ Công Thuyên lắc đầu đáp:
– Không. Nhưng hắn giúp việc buôn trầu của nhà vua thời hàn vi. Vợ hắn cũng không xa lạ gì với Vương thượng.
Phan Huy Ích vỡ lẽ, nói:
– Thế à!
Thuyên cười nhỏ một tiếng, mắt liếc tinh ranh:
– Ông sợ rồi phải không? Sĩ phu Bắc hà mỗi lần gặp trường hợp cậy thế lộng hành như vậy thì làm gì?
Phan Huy Ích lừ mắt nhìn Hồ Công Thuyên, hỏi lại:
– Các quan bộ Hình đã làm đến đâu rồi?
Hồ Công Thuyên không hiểu thâm ý câu hỏi đó, với tay lấy xấp hồ sơ vụ án gạo Đồng Nai đưa cho Ích:
– Bộ Hình đã tra án mấy lần, được bao nhiêu đây. Nếu ông muốn tự mình xem xét từ đầu, thì cứ ra lệnh. Vụ này liên quan đến Qui Nhơn và Đồng Nai, nếu ông làm sáng tỏ thì công lao không phải nhỏ. Nhưng chỗ đồng liêu tôi có điều này nói riêng với ông, là ông không nên nói gì với quan Trung thư cả. Cứ lẳng lặng làm việc. Chắc ông đã hiểu vì sao rồi!
Phan Huy Ích chỉ hiểu lờ mờ, nhưng Hồ Công Thuyên đã đứng dậy để tiễn khách nên ông không thể hỏi gì thêm.
Ngay buổi chiều hôm đó, Phan Huy Ích ra lệnh cho quan giữ ngục giải từng tên lái buôn Đồng Nai lên bộ Hình để hỏi cung. Không cần tra khảo gì cả, quan Tả thị lang cho phép các tội phạm được ngồi đối diện với mình, mời uống trà, ăn trầu, và từ tốn hỏi thăm công việc buôn bán của họ. Ông ghi nhận được một điều đáng ngờ: số gạo bọn lái buôn đã bán cho Phú Xuân quá lớn, so với trọng tải các ghe bầu. Phan Huy Ích cho đòi các chức sắc phụ trách việc nhập kho để hỏi thể thức nhập kho thế nào. Thủ tục xuất nhập có nhiều sơ hở, khiến việc kiểm soát số lượng chỉ có giá trị tương đối. Lần tìm người chịu trách nhiệm các sơ hở đó, Phan Huy Ích nhận thấy cách tổ chức luộm thuộm không do sự dốt nát, mà do có chủ ý. Ông không thể đi sâu thêm nữa vì các chức sắc từ chối xuất trình tất cả sổ sách, lấy cớ chưa được quan thượng thư bộ Công chuẩn y. Ngay Hồ Công Thuyên cũng nói xa gần khuyên Phan Huy Ích chú ý đến các tội nhân, đừng tra hỏi các quan bộ Công gây nên bất hòa giữa hai bộ.
Phan Huy Ích lại thẩm vấn các con buôn, chất vấn họ vì sao có sự chênh lệch giữa khả năng vận tải tối đa của đoàn ghe bầu và số gạo nhập kho. Ban đầu họ chối. Về sau, Phan Huy Ích hỏi họ có dám trở về Đồng Nai trên một chuyến ghe đã chở từng ấy gạo đúng như lời họ khai hay không, thì cả bọn do dự. Cuối cùng họ thú nhận đã dùng gạo rải đều từ bến lên kho nên phải thông đồng với các quan bộ Công khai dôi số gạo bán. Họ phải làm như vậy, nếu không phải lỗ vốn vì chi phí chuyên chở cao, chi phí giao tế lại càng cao hơn nữa. Phan Huy Ích hỏi họ đã hối lộ cho ai, và hối lộ bao nhiêu để việc buôn bán được thuận lợi suốt mấy năm liền. Họ từ chối trả lời, khai rằng đã thú hết với quan thái sư Bùi Đắc Tuyên. Phan Huy Ích không tìm thấy tờ tự khai này trong xấp hồ sơ.
Không còn cách nào khác, Phan Huy Ích phải gặp Trần Văn Kỷ để xin lệnh của Vương thượng cho phép bộ Hình được kiểm soát tất cả sổ sách xuất nhập kho của bộ Công. Ông nhớ lời dặn trước của thượng thư Hồ Công Thuyên, nhưng tự ái của một viên đại thần không cho phép Phan Huy Ích dừng lại ở lưng chừng. Ông ngờ ngợ hiểu rằng chẳng những đây là một cuộc thử thách cho ông, mà còn là cuộc thử thách cho tất cả các quan văn võ cựu triều, về khả năng lẫn ý chí. Nghĩa là Phan Huy Ích không có một con đường nào khác, ngoài việc bậm môi chấp nhận cuộc thử thách!
* * *
Thái bảo Phạm Văn Hưng vừa ở Gia Định về, chưa kịp ghé qua tư dinh đã có lệnh triệu vào chầu ngay. Đích thân quan Trung thư lệnh và thượng thư bộ Binh chờ Hưng ở bến thuyền để đưa viên tướng vừa viễn chinh vào gặp Nguyễn Huệ.
Biết chủ tướng nóng lòng muốn biết tình hình Gia Định, nên vừa sụp xuống lạy Chính Bình vương xong, Phạm Văn Hưng đã nói:
– Tâu Chúa Thượng, tình hình trong đó…
Nguyễn Huệ xua tay nói:
– Không việc gì phải vội. Bọn thằng Chủng có theo sát thuyền ông về đây ta vẫn còn thì giờ uống với nhau một chén trà thơm. Đi đường có nhọc không, hãy ngồi xuống đây đã.
Phạm Văn Hưng ngồi ghé vào góc chiếc sập Chính Bình vương đang ngồi. Vương quay về phía Trần Văn Kỷ và quan thượng thư bộ Binh:
– Các ông kéo ghế ngồi dịch lại đây.
Hai người vâng lời Nguyễn Huệ, nâng hẳn hai chiếc ghế khảm xa cừ nặng lên, đem đến đặt nhẹ sát chiếc sập thếp vàng, để khỏi gây tiếng ồn. Trong phòng không ai nói với ai lời nào. Chính Bình vương chăm chú rót nước ra bốn cái chén nội phủ bịt vàng. Tiếng nước thanh và ấm. Rót nước xong, Nguyễn Huệ đẩy cơi trầu về phía Phạm Văn Hưng:
– Ông ăn trầu đi đã.
Phạm Văn Hưng không khách sáo, lắc đầu từ chối:
– Xin Vương Thượng ban cho chén nước.
Nguyễn Huệ cười:
– Miếng trầu của các cô các bà trong Gia Định têm khéo hơn hay sao? Ông già đi đấy. Má hóp, mắt thâm quầng.
Phạm Văn Hưng tưởng đã đến lúc phải bẩm báo tình hình trong nam, ngồi ngay người thưa:
– Tâu Vương Thượng, khi chúng tôi vào đến Gia Định…
Một lần nữa, Nguyễn Huệ cười lớn, cản lại:
– Chưa cần bẩm báo vội. Ông uống cho hết chén nước này đi!
Phạm Văn Hưng vâng lệnh Chính Bình vương, một tay che mặt, một tay nâng chén nước lên uống cạn. Nguyễn Huệ chú ý thấy cánh tay áo của Phạm Văn Hưng bị cháy xém vì thuốc súng. Vương cảm động, giọng nói hơi run run:
– Ta trông tin ông còn hơn trẻ con trông mẹ về chợ. Thấy ông và anh em trở về mạnh khỏe ta rất mừng. Quan Trung thư lấy giùm cho ta tấm bản đồ Gia Định. Cuốn giấy cứng cao nhất trong cái lọ sứ ấy. Không phải, cuốn kia kìa. Đúng rồi. Quan thái bảo khỏe rồi chứ?
Cả bốn người quây quần quanh tấm bản đồ. Nguyễn Huệ ngồi thẳng lưng trên sập, tay cầm một thanh gỗ mun đen hai đầu có bịt bạc dùng để chằn giấy, nghiêm mặt theo dõi báo cáo của Phạm Văn Hưng. Hưng dùng ngón tay trỏ chỉ lên bản đồ nói:
– Lúc tôi vào tình thế đã khá nguy ngập rồi. Thượng Sâm phải một mình chống cự với thuộc hạ của tên Chủng từ khi Đông Định vương bỏ về Qui Nhơn. Tháng 10 năm trước, Hồ Văn Lân đánh ở sông Lương Phú, đô đốc Nguyễn Văn Mân không cự nổi phải rút về giữ Thang Trông. Chưởng cơ Chân, tả hiệu Huấn đầu hàng giặc rồi làm tiền phong cho chúng.
Nguyễn Huệ hỏi:
– “Thang Trông”? Bản đồ ghi “Thán Lung” mà?
Phạm Văn Hưng nói:
– Tâu chúa thượng, “Thán Lung” là tên chữ, dân địa phương gọi theo cách nôm là “Thang Trông”. Vâng, chỗ đó thuộc Bến Tranh tên chữ là Tranh Giang, Định Tường. Trong lúc đó thì Nguyễn Văn Trương, Đỗ Văn Hựu đánh tập hậu ở sông Mỹ Lung, đuổi chưởng cơ Từ khỏi Mỹ Lung. Bộ hạ của chưởng cơ đầu hàng, đem theo cả mấy mươi chiến thuyền. Giặc cứ tiến dần, tiến dần như tằm ăn dâu. Thượng Sâm rút về sông Mỹ Tho, rồi lại phải rút về Sài Côn, vì Nguyễn Phúc Hội đã chiếm Ba Giồng; Hoàng Văn Khánh, Trương Phú Ngan, Nguyễn Văn Trương, Tô Văn Đoái đắp lũy ở Nước xoáy (7). Cho đến đầu năm nay (Mậu thân 1788), giặc đã chiếm giữ vùng Trà Lọt, giồng Triệu, giồng Sao. Ta chỉ còn kiểm soát được vùng Sài Côn, Mỹ Tho.
Nguyễn Huệ nóng ruột, dùng cây thước mun chỉ lên bản đồ hỏi:
– Còn phía dinh Trấn Biên?
Phạm Văn Hưng buồn rầu đáp:
– Lưu Thủ Khoa, bộ hạ tên Chủng đã chiếm mất rồi. Thượng Sâm chỉ còn biết dựa vào thủy binh làm lực lượng phòng ngự chính yếu.
Nguyễn Huệ đăm chiêu bần thần không nói gì, cả phòng hoàn toàn yên lặng. Một lúc sau, Vương nói:
– Mất Ba Giồng với Trấn Biên là đường bộ đã bị cô lập rồi. Khi thủy binh của ta kéo vào, tình thế có gỡ được rối không?
Phạm Văn Hưng nói:
– Bẩm có. Cả bọn địch lẫn Thượng Sâm đều hoang mang không hiểu ta vào làm gì. Ban đầu chúng tưởng Qui Nhơn đưa viện binh vào. Thượng Sâm cũng tưởng thế. Sau biết là thủy binh Phú Xuân, Thượng Sâm lo ngại. Ông ấy đóng chặt cửa thành không cho tôi vào. Nhiều lượt thư qua thư lại, kèm theo thề thốt, ông ấy mới tin là tôi vào để cứu viện. Ông ấy rơm rớm nước mắt nói với tôi: “Đông Định vương ngờ tôi làm phản nên mới bỏ về Qui Nhơn. Hoàng thượng có lẽ cũng ngờ tôi nốt. Tôi mà có lòng nào thì Trời tru đất diệt ba họ nhà tôi. Tình thế nguy ngập thế này mà Bề Trên không trọn tin thì làm sao chống giữ được đất Gia Định. Tôi còn biết trông chờ về phương nào đây?”
Nguyễn Huệ hấp tấp hỏi:
– Lúc ông về tình thế đã tạm yên chưa?
Phạm Văn Hưng không giấu được bối rối khi đáp:
– Bẩm chưa ạ. Giặc vẫn cố thủ ở các điểm quan yếu như Ba Giồng, dinh Trấn Biên. Thủy binh của ta có làm cho chúng nao núng, nhưng về sau có một thổ hào người Gò Công (Võ Tánh) đem thuộc hạ đông cả vạn quân lên giúp tên Chủng. Chúng loan truyền trong dân chúng cái tin sẽ hạ thành Gia Định vào tháng 6 này.
– Dân có tin lời chúng phao truyền không?
– Tâu Chúa thượng, lòng dân Gia Định dao động lắm. Tên Chủng cho tay chân rao khắp nơi: ai nuôi một lính Tây Sơn bỏ chạy về làng thì binh dịch được miễn một nửa, hai người thì được miễn hết, ba người trở lên thì được thưởng. Đối với binh lính gốc Thuận Hóa thì bọn chúng nhắc nhở đến dòng họ Nguyễn Gia Miêu để vuốt ve tự ái địa phương. Ai muốn mau về xứ thì nên đầu hàng bọn Chủng, lập công phò tá để chóng về đất cũ.
Nguyễn Huệ quay về phía Trần Văn Kỷ nói:
– Lại vẫn cái chiêu bài chính thống! Các ông thấy không, muốn gỡ rối ở Gia Định lẫn Bắc hà chỉ còn một cách là làm sao cho dân hiểu rõ rằng mệnh Trời đã đổi. Rằng bọn ruồi nhặng từng rước quân Xiêm về dày xéo Gia Định lẫn bọn con cháu họ Trịnh họ Lê ở Bắc hà đều là những thân cây mục, không còn dùng làm gì được nữa. Ta biết thuyết phục cho được điều đó, không phải dễ. Phía nam, ta còn vướng Hoàng đế thành. Phía bắc, các ngài khoa bảng thuộc làu kinh truyện còn ôm khư khư lấy chữ “trung quân”. Ta có nghe báo lại các lời bàn tán của giới sĩ phu Bắc hà, khi họ đọc tờ chỉ dụ ủy cho Sùng nhượng công làm giám quốc dán tại cửa Đại Hưng. Ta không ngạc nhiên, cũng không vội vã nôn nóng. Cái gì mục nát tất nhiên phải gãy đổ. Có chút gió thổi thì đổ nhanh hơn. Thế thôi. Chẳng lẽ các ngài cứ khư khư bám lấy những điều lỗi thời, thậm chí còn chết dại như bọn Lý Trần Quán, Nguyễn Huy Trạc. Phải có người thức giấc chứ! À này, lâu nay mấy ông nghè Đàng Ngoài làm việc thế nào, quan Trung thư? Ông đã sai đem biếu quế cho La Sơn phu tử chưa?
Trần Văn Kỷ đáp:
– Thưa đã gửi quế cho quan trấn thủ Nghệ An rồi ạ.
Trần Văn Kỷ tránh trả lời câu hỏi thứ nhất, vì không dễ gì trả lời cho đúng và gọn một vấn nạn quan trọng như thế. Nguyễn Huệ cũng quên ngay câu vừa hỏi, quay về phía Phạm Văn Hưng ân cần dặn:
– Bây giờ ông về gấp cho gia đình mừng. Khao thưởng số anh em vừa vào Gia Định cho xứng đáng. Việc này quan thượng thư bộ Binh sẽ lo. Ông gầy hẳn đi, thế nào bà vợ ở nhà cũng oán ta.
Cả Nguyễn Huệ lẫn Phạm Văn Hưng đều cười. Vương tiễn quan thái bảo đến tận thềm điện Triêu Dương. Lúc quay vào, Nguyễn Huệ đã thấy Phan Huy Ích chờ đợi từ lâu ở tiền sảnh để được chầu hầu.
*
* *
Chỉ còn lại Chính Bình vương, Trần Văn Kỷ và Phan Huy Ích trong văn phòng. Trần Văn Kỷ thắc mắc không hiểu do đâu quan Tả thị lang xin ra mắt Chính Bình vương mà chưa hỏi gì ông cả. Nguyễn Huệ thì thích thú, nhớ lại câu mình vừa hỏi quan Trung thư về các ông nghè Đàng Ngoài. Vương nghĩ: “Sẵn tiện hỏi thẳng xem các ông nghĩ sao trước vận hội mới”. Trần Văn Kỷ cố giữ thế chủ động, ân cần mời Phan Huy Ích ngồi lên chiếc ghế cẩm xa cừ gần sập ngự, rồi thưa với Nguyễn Huệ:
– Tâu Chúa thượng, từ lâu quan tả thị lang vẫn có ý xin được riêng ra mắt Chúa thượng để tạ cái ơn tái tạo…
Nguyễn Huệ gạt phắt cung cách khách sáo của quan Trung thư:
– Thôi, ân với huệ cái gì! Chính ta cũng muốn được gặp riêng các ông để nghe những lời nói thẳng thắn, chín chắn, nhìn xa trông rộng. Nhất là những ông nghè Bắc hà am hiểu việc đời như quan thị lang đây.
Phan Huy Ích nhún nhường đáp:
– Vương thượng dạy quá lời. Chúng tôi chỉ võ vẽ được vài ba câu kinh truyện, thi phú, làm sao am tường được hết nhân sinh như Vương thượng. Giữa sách vở với cuộc thế, khoảng cách thật khôn lường, vì sách vở chỉ ghi những điều con người mơ ước, chứ không phải những gì sẽ xảy ra để ứng phó.
Nguyễn Huệ gật gù, rồi hỏi Phan Huy Ích:
– Xưa nay thiên hạ không phải của riêng một dòng họ. Ở nước ta, mệnh trời chuyển từ họ Ngô, Đinh đến Tiền Lê, từ Tiền Lê đến Lý rồi đến họ Trần. Họ Trần suy vi để cho họ Hồ chuyên quyền, đất nước suy yếu dẫn đến cái họa bị quân Minh xâm lược. Lê Thái Tổ đánh đuổi giặc Minh sáng lập nhà Hậu Lê. Ta không đọc sách được nhiều, nhưng cũng dám lấy bạo đoán già đoán non rằng, mỗi lần thay đổi triều đại, không thiếu gì kẻ bắt chước Bá Di, Thúc Tề trốn lên núi Thú Dương để khỏi ăn thóc nhà Châu. Trong bọn đó, có bậc hiền triết, cũng có bọn ngu xuẩn. Có thời mệnh Trời chuyển mà nhân tâm ít động. Có thời dao động dữ dội. Ông đọc sách nhiều, có hiểu vì sao hay không?
Phan Huy Ích suy nghĩ một lúc mới đáp:
– Một vương triều đổ xuống, cho một vương triều khác dựng lên, tất nhiên phải gây dao động. Phải có kẻ mất quyền lợi đâm oán hờn và kẻ trở nên phú quí giàu sang nhờ vận hội mới. Điều đó không tránh được. Sự dao động nhiều hay ít là tùy cái được và cái mất mà vương triều mới đã đem đến cho thiên hạ. Sự so sánh này thực khó khăn. Những kẻ càng có học thức bao nhiêu càng dễ lầm lẫn trong việc cân đo được mất.
Nguyễn Huệ thích thú cười to:
– Ông nói hợp ý ta. Đúng lắm. Kinh truyện dễ khiến cho các ngài đâm ngờ mọi sự, đến nỗi các ngài sợ sự thay đổi như người bệnh sợ gió. Cuộc đời đổi thay thì các ngài không còn yên tâm với chữ nghĩa nữa. Cái gì cũng phải đặt lại từ đầu và tự mình quyết định điều đáng làm và không đáng làm. Các ngài run tay và khổ sở. Bọn chân đất chúng tôi cư xử đơn giản hơn. Ai đem đến cho chúng tôi cơm ăn áo mặc, cho chúng tôi được hy vọng sẽ sống khá hơn, kẻ đó xứng đáng được tôn vương.
Phan Huy Ích nói:
– Tâu Chúa thượng, ở các buổi giao thời, không bao giờ nhà sáng nghiệp có khả năng đem ngay cơm no áo ấm đến cho thiên hạ. Họ chỉ phá tan được cái ách đè nén thiên hạ, chứ chưa cải thiện ngay được đời sống thiên hạ. Đôi khi do đổi đời mà thiên hạ phải đóng góp sức lực, của cải nhiều hơn cả thời trước, nói trắng ra là khổ hơn thời trước. Nhưng cái mà nhà sáng nghiệp như Lưu Bang đem lại cho thời đại là nguồn hy vọng được sống khá hơn thời bạo Tần. Và vì mới chỉ là một nguồn hy vọng, chưa có gì cụ thể, nên sự so sánh được mất trở nên khó khăn. Đối với hạng người được triều cũ ưu đãi, thì cái mất quá lớn lao, còn cái được thì nhỏ nhoi, bẽ bàng. Quan lại, nhà nho, tôn thất, dễ hoang mang dao động hơn bọn con buôn và người lao động là vì vậy.
Nguyễn Huệ liếc về phía Trần Văn Kỷ mỉm cười. Trần Văn Kỷ hiểu ngụ ý của cái nhìn ấy, hiểu quan thị lang đang bộc bạch tâm sự thầm kín của mình và các quan lại cựu thần nhà Lê. Trần Văn Kỷ chen vào hỏi:
– Có lúc nào phần được phần mất chênh lệch rõ ràng đến nỗi ai ai cũng hân hoan chào đón vận hội mới không?
Phan Huy Ích do dự một lúc lâu mới đáp:
– Khó lắm. Ngay cả bọn hôn quân như Kiệt, Trụ vẫn còn có bọn bề tôi cố chấp như Bá Di, Thúc Tề.
Nguyễn Huệ vui vẻ nói lớn:
– Có chứ. Ông nghè quên mất trường hợp các nhà sáng nghiệp giành đất nước, thiên hạ lại từ tay bọn xâm lăng, như Lê Thái Tổ chẳng hạn. Lúc đó thì sự được mất thật rõ ràng. Mất gì? Mất ách nô lệ, mất cái nhục làm tôi mọi cho ngoại bang. Được gì? Được tất cả. Trời đất, cây cối, nhà cửa, ruộng vườn, cả đến câu ca, lời hát, kiểu áo mặc, kiểu đội khăn, trở thành của ta. Lúc đó, cả thiên hạ làm thành một khối sức mạnh vô địch. Ta đã nghiệm ra được điều đó khi cầm quân diệt bọn Xiêm La ở Rạch Gầm, Xoài Mút. Ta nghĩ trong Bắc sử, Nam sử còn nhiều trường hợp chứng minh điều đó.
Trần Văn Kỷ và Phan Huy Ích thật sự bị ý tưởng của Nguyễn Huệ thuyết phục, nên từ đó về sau họ lục hết sử sách để tìm bằng chứng sức mạnh của một dân tộc bị ngoại xâm lúc một bậc anh hùng hô hào toàn dân đứng dậy đánh đuổi bọn xâm lược. Họ nói nhiều đến Lê Thái Tổ và Nguyễn Trãi. Đà câu chuyện đưa đẩy họ quay sang bàn đến sức mạnh của những áng văn như Bình Ngô đại cáo. Phan Huy Ích sung sướng tìm được các lý lẽ đủ nâng cao địa vị nhà nho trong thời loạn, càng nói ra càng quên được những bực dọc, bẽ bàng trong mấy tháng qua. Ông chỉ bứt rứt khi nhớ lại mục đích buổi chầu này. Làm sao quay trở lại một điều tầm thường vụn vặt như vậy? Phan Huy Ích nhất định chờ dịp khác, và chỉ nên gặp riêng Trần Văn Kỷ cũng đủ. Nhờ thế về sau, ông nhớ buổi chầu hôm ấy như một kỷ niệm đẹp nhất của đời ông, vì chưa lúc nào ông được hào hứng bênh vực cho tầng lớp nho sĩ, cho văn chương, cho đạo học như vậy!
Nguyễn Mộng Giác
(1) Theo “nguyên dẫn” của chính Phan Huy Ích trong bài thơ Phụng mệnh nam hành (Nam trình tạp vịnh).
Giữa mùa thu (Bính thân 1776), sứ giả Tây Sơn đến trấn Phú Xuân, dâng trình tờ biểu, đồng thời tiến sản vật quí của địa phương để cầu được giao hảo, trong đó có nhiều uẩn khúc khó phân biệt được thực hay giả. Theo chỉ dụ thì phải chọn một quan văn mẫn cán xứng đáng để sai đi cùng các quan địa phương giải quyết vấn đề ở biên giới. Lúc đó thân phụ tôi làm việc ở đồn Động Hải, chính phủ định tuyển vào chức đó. Khi trình lên, Bề Trên đặc biệt đổi tên thân phụ tôi ra tên tôi, lại triệu tôi vào để dặn dò công việc, khi vào xong việc phải về triều trình bày, lại được tiện đường về thăm phụ thân, như vậy càng thỏa đáng đôi đường. Tôi mới nhận chức thiêm sai hơn một tháng, nhiều lần được gọi vào hầu để chỉ bảo phương lược, được Trên ban cơm, khen thưởng yên ủi đầy đủ, và truyền xuống để cho các trấn cử quan binh lần lượt bảo vệ nghinh tiếp. Ngày 2 bắt đầu ra đi, cả đi lẫn về gần ba tháng có tập thơ Nam trình tạp vịnh.
(Thơ văn Phan Huy Ích tập 1. Dụ am ngâm lục. Nhà xuất bản KHXH Hà Nội 1988, trang 70-71)
Tiếp theo đó, trong nguyên dẫn bài Đáo Phú Xuân thành, Phan Huy Ích viết: “Tôi xuất phát từ kinh thành, qua các trấn Sơn Nam, Thanh Hoa, Nghệ An, đến đâu cũng được các trấn giao cho hai viên thuộc tướng đem 50 người lính mang theo vũ khí, đợi tiễn, lại bắt dân phu ở dọc đường thay nhau gánh hành trang qua các trạm. Đến địa giới Thuận Hóa, quan trấn thủ trước đó đã lấy dân phu ven đường san bằng đường xá, giao cho thuộc tướng đem binh và voi chờ đón. Lính ở cơ Trung bố của đồn Động Hải, lính hai cơ Tả nhuệ, Trung kiên ở đồn Cát Doanh đi từ sông Bái đáp vào. Lính mười cơ của bản đạo chỉnh đốn binh khí đợi để đón rước. Đến ngoài cửa thành Phú Xuân, quan đốc suất đại tướng là Tạo quận công, quan đốc lĩnh phó tướng là Dĩnh quận công, quan đốc thị là Nguyễn Mậu Dĩnh, quan hiệp đồng là Nguyễn Lệnh Tân cùng người cũ vua sai là Phan Trọng Phiên khi ấy đã được chỉ vua gọi về, nhưng lại được lưu lại cùng tôi làm việc. Ông đem theo thuộc tướng là Trân quận công, thuộc sai Cấp sự trung là Phạm Nguyễn Du ra đón vào thành, đến gác Triêu Dương nghỉ ngơi cùng nhau bàn tính công việc. Lúc đó, tôi nghe vua ban ba đạo sắc có ấn sẵn và hai đạo lệnh dụ đóng dấu sẵn, cho tôi được quyền tùy tiện xử trí. Nhân đó, tôi điền vào sắc lệnh ban xuống phong cho trưởng hiệu Tây Sơn là Nguyễn Nhạc làm lưu thú Quảng Nam, tước Cung quận công. Người được phái đến là Đỗ Phú Tuấn làm hộ bộ lang trung, Nguyễn Mân làm binh bộ viên ngoại lang. Lại viết lời dụ cùng các hạng kiếm vàng, chiêng vàng của vua ban, giao cho các sứ giả đem về. Qua mười ngày thì xong việc. Nhân lúc rỗi đi thăm các cảnh ở Thiên Mụ, Hà Khê, Phủ Cam, Phố Lữ. Mồng một tháng chạp thì từ chỗ đóng quân về triều.
Đáo Phú Xuân thành
Mãn lộ biền thân nhạ sứ huy
Triêu Dương các thượng thụ cơ nghi
Địch tình vị tất thâu cung thuận
Thần toán như kim trọng phủ tuy
Vạn lý ân luân dao quản thúc
Tam đông sứ tiết cố uy trì
Xuân thành sơn thủy đa giai cảnh
Công hạ, thường cung phóng lãm kỳ.
Dịch nôm:
Đầy đường các quan văn võ đón cờ sứ thần
Trên gác Triêu Dương được tùy cơ làm việc
Quân địch chưa chắc đã thật lòng kính thuận
Ý muốn của vua là coi trọng việc vỗ yên
Lời vua lo khống chế ở ngoài muôn dặm
Cờ sứ phải chần chừ suốt ba đông
Non nước thành Phú Xuân nhiều cảnh đẹp
Rỗi việc công, thường được đi xem cảnh lạ.
(Dụ am ngâm lục, tập 1, trang76, 77)
(2) Xem nguyên dẫn bài thơ Giang Cư Tích Sự, Dụ am ngâm lục, tập 1, trang 112
(3) Bản dịch bài phú của Phan Kế Bính (Đông Dương tạp chí, bộ mới số 63)
(4) Chỉ Tăng Điểm, học trò Khổng Tử, tính tình phóng khoáng.
(5) Chỉ Nhan Hồi, học trò Khổng Tử, nhà nghèo.
(6) Khổng Tử khen con chim trĩ biết thời nên bay, nên đậu. Tử Lộ không hiểu, muốn bắt con chim ấy, con chim liền kêu lên ba tiếng, rồi bay đi. Đó là chỉ con chim kia còn biết “kiến cơ nhi tác” nữa là người mà lại không biết lẽ nên đi, nên ở sao? (Thiên Hương đảng, Luận Ngữ)
(7) Tức là Hồi Oa của Thực Lục. Đó là địa điểm Vàm Nao ở Tân Châu (chú thích của Tạ Chí Đại Trường, Lịch sử nội chiến ở Việt Nam trang 191).