Ông hiệu trưởng Trường Trung học Cường Để tốt nghiệp Đại học Sư phạm Pháp văn Đà lạt, người gốc Huế nhưng gia đình đã bỏ xứ lập nghiệp ở Nha trang. Người ông mập mạp, vui tính, bặt thiệp, rất khéo léo trong việc cư xử với cả cấp trên lẫn cấp dưới. Ông mê đánh mạt chược, và nhờ vậy, liên lạc rất thân tình với các ty sở trưởng và sĩ quan có nhiệm sở trong thành phố. Những giờ giải trí phụ trội không tốn công nho nhà nước của ông, ngược lại, đem về cho nhà nước nhiều lợi lộc. Qua những tối mạt chược, ông vận động được công binh sửa sang lại vòng rào quá rộng quanh trường, giăng dây thép gai để ngăn ngừa những kẻ lạ đêm đêm vẫn lén vào trường rình mò chui vào xâm nhập qua kho vật liệu của Mỹ ở ngay sát phía tây trường Cường Để. Lúc Quỳnh Như ra nhận việc, xe truck của Công binh Đại hàn đang chở đất tới lấp các chỗ trũng của sân trường, xe ủi đất san phẳng để dãy A và dãy B không còn bị cách trở bởi một vùng đất lồi lõm cỏ dại mọc đầy như trước. Cũng do những canh mạt chược của ông, sư đoàn Mãnh hổ Đại hàn đã bằng lòng xây biếu trường một đại thính đường làm nơi sinh hoạt chung cho học sinh. Họ đã bắt đầu cho lính công binh tới đo đạc, nhắm hướng để vẽ họa đồ xây cất.
Ông có hình dáng một người anh cả vui tính xuề xòa. Nhưng không phải vậy. Gặp những lúc cần sự cương quyết, ông trở thành một “người nguyên tắc”. Ông nắm vững kỹ thuật lãnh đạo, mềm nắn rắn buông. Nhờ vậy mà suốt bao năm biến động từ khi nhà Ngô đổ đến nay, trong vai trò giám học cũng như hiệu trưởng một trường trung học lớn nhất tỉnh, nơi xuất phát những cuộc xuống đường biểu tình, nơi học sinh bàn thảo kế hoạch những đêm không ngủ, nơi một ông tỉnh trưởng thời Phong trào Cứu quốc lên cao bị học sinh Cường Để bắt cóc để yêu sách, ông hiệu trưởng vẫn không bị cả chính quyền tỉnh lẫn học sinh nghi ngờ hay ác cảm. Ông có tài làm cho mọi phe nghĩ ông thuộc vào phe họ, nhưng vì hoàn cảnh này nọ, vì tế nhị, ông xin phép không đứng công khai vào phe nào.
Tài lãnh đạo của ông cũng hòa giải được những tranh chấp ngầm trong hàng ngũ giáo sư. Phần lớn giáo sư trong trường đều là người Huế, tốt nghiệp từ Đại học Sư phạm Huế. Một số giáo sư khác, như ông hiệu trưởng, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Đà lạt hoặc Sài gòn, nhưng cũng là dân gốc Huế. Người địa phương dạy trong trường rất ít. Không hề có một xếp đặt hay là kỳ thị nào đã tạo ra tỉ số chênh lệch đó. Chẳng qua là hậu quả của lịch sử. Thời kháng chiến chống Pháp, Qui nhơn, Bình định thuộc Liên khu Năm do cộng sản kiểm soát, sau Genève mới được Quốc gia tiếp quản. Những học sinh địa phương học tới các lớp cấp 3 thời kháng chiến (tức là trung học đệ nhị cấp) đều tập kết ra Bắc theo cán bộ và bộ đội. Số còn lại nhỏ tuổi, năm 1955 nếu có điều kiện học tiếp chuyển từ lớp Bảy hồi kháng chiến qua đệ tứ của hệ thống trung học vùng quốc gia là cao nhất. Số này không nhiều. Nếu họ học đều, không bỏ ngang vì trình độ sinh ngữ kém (các trường hồi kháng chiến không dạy Anh văn và Pháp văn mấy năm cuối trước Genève chỉ dạy một sinh ngữ là Hoa văn), thì đợt học sinh địa phương đầu tiên có trình độ tốt nghiệp đại học ra trường năm 1963. Sĩ số ít, thế lực yếu, lý lịch xấu vì nhà nào cũng có anh em bà con tập kết ra Bắc, nên lớp trí thức ít ỏi này phân tán mỏng đi khắp nơi, không nắm được các chức vụ điều khiển như người Huế.
Khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, hệ thống quyền lực của ông cố vấn Ngô Đình Cẩn tại các tỉnh Miền Trung tan rã theo, thì các tay hoạt động chính trị người địa phương mới có cơ hội ngoi lên. Họ nắm được một số vai trò trong Hội đồng Tỉnh, Hội đồng Thị xã, họ làm dân biểu hạ viện qua thế lực của tôn giáo hay đảng phái. Bị thất thế quá lâu, nay bắt đầu tập bước vào trò chơi quyền lực, họ muốn chạy nhanh tới đích. Từ đó, ở những ty sở, cơ quan có đông nhân viên, tự nhiên nẩy sinh những tranh chấp địa phương ngấm ngầm, và các hội đồng dân cử là chỗ xuất phát các vận động tranh chấp loại đó.
Ông hiệu trưởng quen đối phó với những biến động phức tạp dĩ nhiên ngửi thấy trước cái mùi khói từ bên ngoài lan vào khuôn viên ngôi trường thân yêu của ông. Ông phải tìm cách tháo ngòi nổ chậm không cần thiết. Dịp may đến. Ông giám học cũ người Huế xin đổi vào dạy một trường lớn tại Sài gòn. Ông hiệu trường cần một giám học mới. Bạn bè đồng khóa hay giáo sư bạn mạt chược của ông không thiếu. Nhưng ông cần một “right man in right place”. Người đó là ông giám học Quỳnh Như đến gặp lần đầu để trình sự vụ lệnh, để sau đó hai người gặp ông hiệu trưởng. Ông giám học người địa phương, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, có vợ cũng là người Huế. Các giáo sư Huế trong trường đều là bạn của ông hoặc là bạn bè các anh chị của vợ ông. Các giáo sư địa phương cũng là những anh học trò “kháng chiến” mặc bà ba đen lơ ngơ trước những cuốn giáo khoa Anh Pháp văn như l’Anglais vivant, Cours de langue bậc sơ đẳng như ông, trong những năm đầu học lại ở các trường quốc gia. Còn nhịp cầu nào hợp thời hơn để làm tắt ngay những nhen nhúm kỳ thị địa phương trong trường.
Quỳnh Như thường liên lạc với ông giám học nhiều hơn hiệu trưởng. Ông phân giờ dạy cho Quỳnh Như, dẫn Quỳnh Như tới giới thiệu cho học sinh trong các buổi dạy đầu tiên, sau đó đi lảng vảng ngoài hành lang đề phòng trường hợp cô giáo mới thiếu kinh nghiệm bị học trò phá thì can thiệp lập tức để tái lập trật tự. Có vẻ như ông biết khá nhiều về Quỳnh Như.
Một hôm Quỳnh Như vào Phòng Giám học để trả cuốn sổ điểm, ông mời Quỳnh Như ngồi chơi, rồi đột nhiên nói:
– Hồi học Sư phạm, tôi có đi thực tập mấy buổi ở lớp anh Tường dạy. Hình như đệ tam B2 Quốc Học thì phải!
Như con chim từng nhiều lần bị tên, Quỳnh Như vội hỏi:
– Anh có biết anh Tường của em à?
Ông giám học mỉm cười nói:
– Có. Nhà tôi cũng học một năm Việt văn với thầy Tường. Lúc đó anh ấy “hiện sinh” lắm. Tóc để dài phủ ót, bài giảng lúc nào cũng có “choáng váng”, “nôn mửa”, “phi lý”, “tha nhân là địa ngục”, “hư vô”… không như sau này. Cô có được tin gì của anh ấy không?
Quỳnh Như dè dặt nhìn ông giám học. Ánh mắt chờ đợi của ông có vẻ thân tình. Nàng yên tâm hơn:
– Từ Tết vừa qua, em không biết tin gì cả. Ngay hôm Tết, cũng chỉ nghe nói về anh ấy, chứ không gặp mặt anh ấy.
– Tết vừa rồi cô bị kẹt ở Huế?
– Vâng.
– Ở đây cũng loạn lắm, nhưng nhẹ hơn Huế nhiều. Cô đã thấy đống gạch vụn di tích của Ty Thông tin và Đài Phát thanh góc đường Võ Tánh – Nguyễn Công Trứ, và Quân trấn bị cháy. Đó, chỉ hai nơi ấy là bị nặng. Họ liều lắm, bắt chước cái kế liều của Nguyễn Nhạc.
Quỳnh Như tò mò hỏi:
– Là sao ạ?
– Tay chỉ huy trận đột kích Qui nhơn, nghe nói thuộc hàng tỉnh ủy, liều mạng tìm cách để cho bị bên mình chộp vào dịp cận Tết. Bên mình giam ông ấy ở Quân trấn. Ông ấy khai thực cấp bậc và đòi chỉ khai kế hoạch tấn công Mậu Thân vào Qui nhơn cho Tỉnh trưởng mà thôi. Lúc đó họ đã cho người mai phục quanh Đài Phát thanh và Quân trấn rồi. Kế hoạch là khi Tỉnh trưởng tới, quân của họ sẽ tấn công Quân trấn, bắt Tỉnh trưởng phải lên đài phát thanh đọc lời đầu hàng.
– Rồi sau ra sao?
– Vỡ! Tỉnh trưởng không tới. Đến giờ hành động đêm mồng Một, họ phải tấn công Quân trấn và Đài Phát thanh, nhưng ông trưởng đài đã cẩn thận lấy bộ phận chủ yếu nào đó của máy truyền thanh trước khí trốn khỏi đài. Họ chiếm giữ đài và Ty Thông tin hai ngày ròng, về sau Đại hàn phải cho xe tăng tới nã đạn san bằng. Cô về đây là về đúng chỗ chiến trường rồi!
– Em cũng thấy thế! Đêm nào cũng nghe súng nổ.
– Rồi cô sẽ quen. Nhiều khi không có gì cả, nhưng lính gác cứ nổ chỉ thiên để lỡ có bọn phá hoại hay trộm cắp thật, thì chúng tưởng bị lộ, không dám ra tay. Trong khu Sáu, ban đêm lính Mỹ xả hàng loạt liên thanh lên núi để đề phòng Việt cộng lén về đặt cà nông pháo kích vào phi trường. Nghe lâu êm tai như nghe pháo mà thôi!
– Em chưa quen được.
– Rồi sẽ quen.
***
Thật vậy, ở Qui nhơn một tháng, Quỳnh Như đã quen tiếng súng. Nàng không còn giật mình choàng dậy sợ toát mồ hôi mỗi khi có tiếng nổ như thời gian đầu. Đêm, nàng ngủ ngon giấc. Sáng dậy, trong phòng chỉ còn cháu Thúy thiêm thiếp ngủ trên cái giường nhỏ gỗ tạp. Nam đã đi khỏi, mền gối xếp đặt ngay ngắn trên giường. Từ hôm thăm bệnh viện Qui hòa và Cô nhi viện về, Nam có thay đổi. Nàng chịu tham dự vào cuộc sống hơn. Dường như hình ảnh những bệnh nhân phung mất mũi dị dạng, tay chân co quắp, túm tụm nhau dưới gốc dừa cười nói râm ran (giọng nói của họ nghèn nghẹn khó nghe vì hư hệ thống thanh quản), hoặc hình ảnh hàng dãy trẻ cô nhi đủ màu da ngồi xếp hàng đi bô ở Cô nhi viện đã nhắc nhở cho Nam nhớ nỗi đau của nàng chỉ là cơn heo may giữa trời bão tố, chỉ là hạt cát nhỏ nhất trong sa mạc, chỉ là một giọt tranh rỏ xuống vực nước mắt. Sự so sánh giúp Nam hồi sinh. Nàng chịu liên lạc với ông Hiệu trưởng trường Cường Để để đi hỏi cách làm đơn xin đi dạy giờ. Nam cũng ý thức thật rõ trở lại (và thản nhiên chấp nhận) những rắc rối của thực tế. Nam nói với Quỳnh Như:
– Chị biết là do anh Tường, chị xin làm công chức không được đâu. Xem vụ bổ dụng của em, chị đủ hiểu. Cho nên tốt hơn hết là chị chỉ xin dạy giờ. Mình ký hợp đồng với Nha Trung học, dạy giờ nào ăn lương giờ nấy. Lạ thật! Xoay qua trở lại, cuối cùng rồi cũng trở về nghề đi dạy.
Trong khi chờ đợi, Nam thường lấy xe đạp lên Cô nhi viện giúp việc cho các soeurs. Công việc tự nguyện giúp cho Nam chóng bình phục. Quan sát theo dõi những đổi thay của chị dâu, Quỳnh Như nghiệm ra rằng giữa những cơn bão cuốn, luôn luôn có đâu đó những điểm bình yên thanh tịnh lạ lùng, những chốn khuất tịch êm ả nằm an nhiên ngay giữa cái xô bồ hối hả vây quanh. Vấn đề là tìm cho ra chỗ thanh tịnh ấy, bên ngoài và cả trong lòng mình. Thực hiện được điều đó, thật khó!
Quỳnh Như đã quen với tiếng ồn ban ngày, tiếng nổ ban đêm. Nhưng khoảng lạnh tanh lặng ngắt tiếp sau tiếng nổ bị bỏ ngoài tai nhiều khi còn chấn động hơn chính tiếng nổ.
Một buổi tối, nàng nghe một tiếng nổ lớn gần như ngay bên kia vách. Cả nhà giật mình thức dậy, lao xao hỏi nhau. Bên ngoài có tiếng xe cứu thương hụ còi chạy tới, rồi tiếng xe rồ máy chạy đi. Đêm giới nghiêm từ 12 giờ khuya đến 6 giờ sáng nên không ai dám ra khỏi cửa cho thỏa lòng tò mò, kể cả Quế. Đêm hôm đó Quỳnh Như vẫn ngon giấc. Sáng ra mới biết đêm qua, ông bưu tín viên Quỳnh Như vẫn gặp bên Quân bưu đã trốn xuống hầm công sự đắp bằng bao cát góc khuôn viên Quân bưu mở chốt lựu đạn tự vận. Ông lấy tiền mặt của Quân trạm đốt hết vào sòng xì tố, sợ bị tù, nên tự vận trốn nợ.
Một đêm khác, nhiều loạt súng bên kia trường không đủ sức đánh thức Quỳnh Như dậy. Sáng hôm sau, băng qua đường vào cổng Cường Để để dạy hai giờ Anh văn đầu buổi lớp đệ tam A2, nàng thấy xe Quân cảnh Mỹ, Quân cảnh Việt, Cảnh sát, xe cứu thương đậu đầy một góc rào trường. Học sinh đi học sớm bu đen quanh đấy. Xác một đứa trẻ bò qua rào ăn cắp hàng doanh trại Mỹ bị bắn vẫn còn vất vẻo trên những vòng dây kẽm gai.
Quỳnh Như cảm thấy nhức buốc như cũng bị đầu kẽm gai đâm lên da thịt. Cảm giác ấy giúp Quỳnh Như đọc lại thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn, văn Võ Phiến (tức là các nhà văn nhà thơ xuất thân từ Bình định) thấy hay hơn trước, phong phú đậm đà hơn trước, phức tạp đa dạng hơn truớc. Dường như những hồn ma Hời vẫn còn lẩn quất đêm đêm trên xứ sở chói chang bụi bặm này, để trong tận cùng thẳm của hồn chữ nghĩa, vẫn có một mạch nhất quán là nỗi quằn quại lặng lẽ và những u uất dồn nén mấy trăm năm trong các ngôi tháp đổ nát và rêu phong. Dường như tại đó chỉ còn hai hạng người, một hạng hiếm hoi là các anh hùng hào kiệt đột ngột xuất hiện làm nghiêng ngửa lịch sử như Quang Trung Nguyễn Huệ, một hạng nữa chiếm đa số là những tử tội cắn răng cho Lịch sử lăng trì! Qui nhơn vì thế đậm nét trong trí nhớ Quỳnh Như.
Nguyễn Mộng Giác
Số lần đọc: 112