Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàMùa Biển ĐộngTập 4 - Bèo GiạtMùa Biển Động - Chương 110

Mùa Biển Động – Chương 110

Ông Thường nói:

– Tôi biết ông Tỉnh trưởng cử Trung tá qua đây để làm gì. Tất cả hồ sơ tôi đã sưu tập đầy đủ, làm thành một xấp dày kia! Trung tá đem về đọc cho biết. Nhưng đó là chuyện phụ. Giải quyết được hay không, đối với tôi cũng thế thôi. Không có ông tỉnh này thì có ông khác, không có vụ này thì có vụ kia. Đó chỉ là cái ngọn. Vấn đề là truy cho ra cái gốc, nếu không, sẽ có ngày Trung tá phải đem vợ con di cư một lần nữa.

Trung tá vừa kể vụ hành quân của quân đội Đại hàn. Tôi cũng được Quân đoàn trưởng An nhơn báo cáo vụ đó. Nhưng tôi không báo về Bộ như những lần trước, vì biết có báo cáo cũng vô ích. Vì đó cũng là cái ngọn, cái gốc là quan niệm của phe Quốc gia chúng ta về cuộc chiến tranh này.

Quân đội Đại hàn có một triết lý chiến tranh phù hợp với tình hình lịch sử của họ, phong tục tập quán của họ, điều kiện địa lý của họ. Cuộc chiến tranh Triều tiên không phải là cuộc chiến tranh du kích, mang chiêu bài tranh đấu cho độc lập dân tộc. Đây là một cuộc chiến tranh qui ước với giới tuyến phân biệt bạn thù rõ rệt. Họ có lý của họ, khi không cho phép một ngọn cỏ trước mặt được sống (như lời Trung tá vừa kể). Cuộc chiến tranh ấy không khác gì thế chiến thứ nhất hoặc thế chiến thứ hai. Trong lúc đó, bản chất cuộc chiến tranh hiện nay trên đất nước chúng ta khác hẳn.

Đây là một cuộc chiến tranh không có giới tuyến, một cuộc chiến tranh kẻ thù không mặc quân phục và ở bên kia một lằn ranh. Kẻ thù ở trong đầu của từng người, nhiều lúc ở ngay trong đầu của Trung tá, hay của tôi. Một người Việt nam bình thường nào cũng vừa là bạn vừa là thù, bạn ta ban ngày, thù ta ban đêm, bạn ta trong cuộc rượu và thù ta trong cuộc chiến, bạn ta trong canh bạc và thù ta trên võ đài. Ngay cả cái họng súng nhả đạn về phía trước, sau khi ta bấm cò cũng có thể là thù của ta nữa. Cuộc chiến đó, làm sao giải quyết được bằng B-52, xe tăng M-48, trọng pháo 155 ly?

Người Mỹ không làm quen được với một cuộc chiến tranh phức tạp rắc rối như vậy. Họ mang nửa triệu quân qua đây để mong thanh toán nhanh chiến trường, rồi rút về đại thắng, có hàng triệu người rắc confetti tiếp đón những anh hùng hồi hương như hồi thế chiến thứ hai. Rồi Trung tá sẽ thấy, họ sẽ thất vọng, sẽ quẫn trí điên khùng, rồi một lúc nào đó, đùng đùng bỏ đi như đã đùng đùng kéo tới. Họ sẽ mất kiên nhẫn trước một cuộc chiến tranh quái dị không giống như những cuộc chiến tranh họ từng tham dự trước đó.

Từ lúc Sư đoàn Một Không kỵ Mỹ và Sư đoàn Mãnh hổ về đây, tình hình an ninh trong tỉnh tiến triển thấy rõ. Điều đó không thể phủ nhận được. Nhưng làm sao biết quân số địch hiện tăng hay giảm, vì phải định nghĩa cho chính xác thế nào là địch. Cố vấn bình định phát triển mỗi lần tổng kết để báo cáo về Sài gòn vẫn thường dùng cách thống kê đơn giản. Họ cộng tổng số quân chính qui và du kích lại, trừ đi số xác địch bị giết, trừ đi số bị ta bắt, và vui mừng có kết quả khả quan: quân số địch giảm sút thấy rõ. Nhưng các ông cố vấn không chịu tìm hiểu thế nào là địch! Mười mấy cái xác quân đội Đại hàn cho phơi trước mắt Trung tá, về phương diện thống kê, dĩ nhiên được kể vào tổn thất của địch. Nhưng sau trận càn quét đó, có bao nhiêu thân nhân các người tử nạn ấy trở thành du kích, có bao nhiêu người con người chồng từ du kích xã trở thành bộ đội chính qui? Trong bao nhiêu đồng bào được ta giải thoát đưa về trại tị nạn Phú tài, có bao nhiêu người là cán bộ, du kích địch trá hàng cho ta phí gạo nuôi nấng, mượn trại tị nạn làm nơi dưỡng quân? Cuộc chiến này không thể thống kê được, không thể lấy cái tiêu chuẩn qui ước để đo lường được. Chúng ta đã nhiễm quá sâu cái thói quen ỷ lại vào vũ khí của người ngoài, và quên rằng trong tay chúng ta cũng có những vũ khí sắc bén, hữu hiệu. Cái kẹt nằm ở chỗ đó.

Trung tá Thanh hỏi:

– Vũ khí gì vậy?

– Lòng dân. Trung tá mỉm cười hoài nghi chứ gì! Tôi nói như một nhà truyền giáo nói theo kiểu tình thương sẽ giải quyết được tất cả mọi tranh chấp trên quả đất này. Không. Tôi nói theo kinh nghiệm thực tế. Đa số dân Việt chúng ta chỉ có những ước mơ đơn giản: được có cơm ăn, áo mặc, được có một mái nhà, con cái được học hành, người già cả được yên vui. Có thể khi đạt được những mơ ước đơn giản ấy rồi, họ lại có những mơ ước khác. Nhưng người dân quê từ nhỏ tới già chưa từng được ăn no mặc ấm, nên hễ ai làm cho họ tin tưởng, là họ ủng hộ. Họ không tin cộng sản đem cơm no áo ấm cho họ. Dân ở đây đã nếm mùi cộng sản thời kháng chiến chống Pháp, họ không dễ bị lừa như người trong Nam. Họ mong được sống dưới một chế độ tự do, dân chủ, không phải đi dân công, không phải nộp thuế nông nghiệp nặng, không phải hội họp suốt đêm để thi đua làm đủ thứ công tác… Sau hiệp định Genève, chúng ta có một cơ hội thuận lợi để tranh thủ lòng dân, củng cố chế độ Quốc gia, tiêu trừ các mầm mống tạo loạn của cộng sản. Chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội.

Trung tá Thanh biết tiểu sử ông Thường, nên dè dặt hỏi:

– Đại úy muốn nói tới các thành công thời Đệ nhất Cộng hòa…

Ông Thường vội nói:

– Trung tá nghĩ tôi dân Công giáo nên sẽ bênh vực ông Diệm chứ gì! Tôi sẽ lập luận như đa số giáo dân Thiên chúa, là nếu ông cụ còn, đã không ra nông nỗi như ngày nay chứ gì? Tôi xin thưa ngay rằng nếu ông cụ còn, nông nỗi vẫn y như ngày nay, tuy có nhạt hơn, chậm hơn.

Người ta thần thánh hóa ông Diệm vì so với các ông tưóng cầm quyền sau ngày đảo chánh 1-11-63, ông Diệm vẫn sáng giá hơn, đạo đức hơn, trong sạch hơn, bề thế hơn. Người ta còn thần thánh hóa ông để lấy uy tín của ông làm cái mộc che cho họ, bảo vệ quyền lợi của họ, chức tước của họ. Tôi không nghĩ ông Diệm là nhà lãnh đạo đủ tầm vóc để lật ngược được thế cờ, đưa dân tộc thoát ra khỏi cái guồng máy khắc nghiệt hiện chúng ta đang chứng kiến phần đuôi của dây chuyền mắc xích.

Ông Diệm đã bỏ lỡ cơ hội nghìn năm một thuở để phát khởi một vận hội mới, tạm gọi là một cuộc cách mạng quốc gia, một vận hội mới may mắn khởi đầu sau hiệp định Genève để rồi chết yểu sau đó chỉ vì cái guồng máy quan lại. Lỗi ấy, nói cho cùng, không do ông Diệm. Ông chỉ là một ông quan còn sót lại của triều Nguyễn nên không thể biết đến một phưong thức cai trị nào khác hơn là phưong thức quan lại. Ông lỗi thời ngay từ lúc được Mỹ đưa về nước chấp chánh. Ông là một nhà cải cách của thời bình, và là một kẻ bảo thủ trong thời loạn. Ông chỉ an tâm thoải mái giữa đám đốc phủ sứ và đám sĩ quan gốc lính khố đỏ thời thuộc địa. Để đối phó lại với một guồng máy khổng lồ có tổ chức, có chỉ đạo, có lý thuyết hành động qui định từ cách ngụy biện để giết người không nhợn tay đến cách vuốt ve đứa bé, có phối họp quốc tế, phe chúng ta chỉ có những người xuất thân tri phủ, tổng đốc quen thói coi mình là “dân chi phụ mẫu”. Lúc mới về nước, ông Diệm có đủ cả. Một nửa đất đai trù phú. Hai triệu dân di cư dứt khoát từ chối chủ nghĩa cộng sản sẵn sàng xăn tay áo lên lập một quốc gia tự do thật sự, dân chủ thật sự, hạnh phúc thật sự. Mỹ và các nước tự do tân tiến viện trợ mạnh mẽ. Chúng tôi không quên được không khí hào hứng của thời kỳ mấy năm sau hiệp định Genève. Đoàn Cán bộ Hành chánh Lưu động chúng tôi làm việc với tinh thần xả thân thật sự, cố gắng tổ chức một hạ tầng cơ sở vững mạnh và hữu hiệu từ ấp, xã, quận đến tỉnh. Các sĩ quan được cử làm quận trưởng, tỉnh trưởng trong thời kỳ quân quản ban đầu, sau đó là các viên chức hành chánh được Huế đưa vào, tuy nắm vai chủ chốt, nhưng họ trở thành những chuyên viên hành chánh, tất cả mọi sinh hoạt, mọi vận động đều do chúng tôi làm. Trong vòng ba năm, những tỉnh bị chiến tranh tàn phá và bị cộng sản bần cùng hóa thời kháng chiến mau chóng thay da đổi thịt, nhà ngói mọc lên đỏ au trên những cánh đồng xanh um. Người ta cho rằng sự thịnh vượng của Miền Nam từ 1955 đến 1960 là do tài lãnh đạo của ông Diệm. Tôi không nghĩ như vậy. Tôi cho rằng chính sức sống mãnh liệt của một nửa dân tộc sau chín năm chiến tranh đã tạo vận hội mới cho giai đoạn lịch sử này, nhờ bản chất thư lại của nền Đệ nhất Cộng hòa trong thời chuyển tiếp chưa đủ thời giờ tái hiện và ổn cố.

Đến khi ông Diệm đã nắm vững được quyền bính, thì tính chất cách mạng bị tính chất thư lại thay thế. Những người trẻ nhiệt thành thời gian đầu dần dần bị loại bỏ, thay vào đó là các quan lại cũ hay quan lại mới đào tạo. Những phó quận trưởng, chủ tịch xã, kể cả phó tỉnh trưởng trở nên lép vế về ngạch trật, yếu thế về thế lực tôn giáo, những hành động của họ trở thành khả nghi. Lý lịch của họ bị xoi mói, ngờ vực. Từng là nạn nhân của cộng sản thời kháng chiến chống Pháp, họ trở thành nạn nhân của những quan lại lý lịch tốt nhờ cộng tác với Pháp suốt từ thời thuộc địa cho đến thời Pháp trở lại Đông dương, rồi Bảo Đại lập chính phủ Quốc gia đầu tiên. Do vô tình hay do định mệnh khắc nghiệt, phe chúng ta để cho cộng sản giành mất chính nghĩa chống ngoại xâm đấu tranh cho độc lập dân tộc. Những ông đốc phủ sứ, tri huyện, tổng đốc, những hạ sĩ quan quân đội Pháp sau trở thành tướng tá chỉ huy quân lực phe chúng ta, khiến cho phe chúng ta, trước mắt người dân bình thường, trở thành hậu duệ của những Hoàng Cao Khải, Nguyễn Thân, Đỗ Hữu Vị… Ngay từ thời Đệ nhất Cộng hòa chúng ta đã bị đẩy vào thế kẹt như vậy, huống chi sau khi ông Diệm bị giết, và nửa triệu quân Mỹ tham chiến ở Việt Nam. Chúng ta đã không có cờ phất lên để vận động quần chúng, trong khi vẫn với chiêu bài chống ngoại xâm giành độc lập, cộng sản tận dụng được sức mạnh của quần chúng. Khi nào chúng ta chưa tự gỡ mình ra khỏi thế kẹt đó, chúng ta khó thắng được cộng sản.

Trung tá Thanh thắc mắc:

– Nhưng Đại úy vừa nói là người dân ở đây đã từng nếm mùi cộng sản!

– Vâng, dân Liên khu Năm thời kháng chiến đã nếm mùi cộng sản, nào dân công, nào thuế nông nghiệp, nào thi đua, nào học tập cải tạo tư tưởng, nào đấu tố cải cách ruộng đất… nhưng đi sát với dân nông thôn, Trung tá sẽ thấy tâm lý của họ không đơn giản. Đối với dân thành thị là thành phần hưởng được nhiều ân huệ của chính thể tự do dân chủ nhất, thì chỗ nào sướng họ đến, chỗ nào khổ họ bỏ. Dân quê không bao giờ muốn bỏ ruộng vườn. Họ phải bám đất mà sống.

Ngữ lắng nghe ông Thường nói từ đầu đến giờ dè đặt không lên tiếng. Những điều viên Tỉnh đoàn trưởng vừa nói khá mới lạ đối với Ngữ. Nhưng Ngữ cũng lờ mờ cảm thấy có điều gì mâu thuẫn chưa ổn. Chàng chen vào hỏi:

– Lúc nãy Đại úy vừa bảo dân quê ở đây ăn nên làm ra từ sau hiệp định Genève. Vậy tại sao họ lại giúp cho cộng sản trở lại hoạt động?

– Đã đành dân quê (tôi muốn nói đến đa số dân nghèo ở thôn quê) được no ấm hơn thời kháng chiến, nhưng không phải vì vậy mà họ hoàn toàn chống cộng. Ở Tây phương, người ta thường nói con người không phải chỉ sống bằng bánh mì. Dân quê cũng có những mơ ước của họ. Ban đêm vợ chồng con cái tụm quanh mâm cơm hẩm dưới ánh đèn chai lù mù, họ nghĩ tới ánh đèn măng-sông trên phủ huyện. Lâu lâu về Qui nhơn, họ mơ ước được ngọn đèn điện trong nhà. Mức sống của họ so với dân thành thị vẫn còn quá thấp. Họ mơ con cái được đi học để làm ông này bà nọ. Họ ước được làm quan, khỏi chân lấm tay bùn, được thiên hạ kính nể, sợ hãi. Tôi có kinh nghiệm về chuyện này từ hồi kháng chiến.

Hồi Pháp thuộc, gia đình chúng tôi nhờ có một số ruộng đất và cửa hiệu tạp hóa ở chợ Thành Bình định nên anh em chúng tôi được gửi xuống Qui nhơn hoặc ra Huế học. Anh cả tôi làm trợ giáo, anh hai tôi làm thông phán tòa sứ, anh ba tôi làm ông phán quan thuế, cả bà chị kế của tôi cũng được cho ra Huế học trường dòng Jeanne d’Arc, lên tới lớp đệ nhị bậc cao đẳng tiểu học (tức trung học đệ nhất cấp bây giờ) trước khi lấy chồng làm ông thông thú y. Bấy giờ, cả một gia đình học hành đậu đạt như vậy có thể xem là gia đình khoa bảng, trí thức.

Cách mạng tháng Tám năm 45 bùng nổ. Việt Minh địa phương tổ chức cướp chính quyền, thì nhìn quanh quất, các vai trò chỉ huy còn biết giao ai ngoài những người có chút học hành thời Pháp thuộc. Các anh tôi, cả bà chị bà con của tôi cũng đều làm quan cách mạng hết! Ông anh thứ ba nắm chức Chủ tịch huyện. Anh thứ hai thì Huyện đoàn trưởng Thanh niên. Anh cả, thấp nhất, nắm Chủ tịch xã. Chị tôi làm Hội trưởng Phụ nữ Cứu quốc. Các tá điền gia đình tôi hết là dân nô lệ của thực dân Pháp, nhưng vẫn là dân dưới quyền các cô các cậu nhà địa chủ. Có lẽ họ thấy thời thế thay đổi nhưng mọi sự trong đời họ vẫn như trước. Cho tới khi chính quyền Cộng sản bắt đầu ra tay “phát động quần chúng cải cách ruộng đất”. Họ cho cán bộ về “xây dựng” riêng các gia đình tá điền, xúi giục để những người này tố cáo gia đình tôi bóc lột sức lao động của họ. Lần lượt toàn gia đình tôi bị cô lập kinh tế, bị truất chức. Họ thay đổi hết các chức vụ chỉ huy ở xã, huyện, tỉnh. Những người mới này là ai, Trung tá và Chuẩn úy biết không? Chính những tá điền mù chữ của nhà tôi! Chủ tịch xã là một người làm thuê không nhà cửa không vợ con tạm trú ở đình làng. Huyện đoàn trưởng Thanh niên là một anh con tá điền học chưa hết tiểu học. Họ đưa những người này đi huấn luyện vài tháng. Trở về, họ thành những con người khác. Họ nắm chính quyền, và cái mộng được làm lý trưởng, trương tuần họ giấu kín bao nhiêu đời, bây giờ họ nắm “giấc mộng” ấy trong tay. Cộng sản thuyết phục được dân quê nghèo khổ vì cái tham vọng quyền lực bị ẩn ức đời đời kiếp kiếp ấy. Chúng ta theo truyền thống thư lại từ trên đưa người xuống ngồi lên đầu dân quê. Cộng sản làm ngược lại. Chúng ta quên dân nghèo khó vẫn là con người muôn thuở, không chỉ sống bằng bánh mì. Họ cần bánh mì trước hết, nhưng bấy nhiêu chưa đủ. Họ còn cần được quyền hành, cần được thăng tiến, cần được kính nể. Trước những ông quan từ tỉnh từ huyện về, họ thấy họ không có cơ hội. Cộng sản phe phẩy trước mặt họ không biết bao nhiêu cái bánh vẽ hoa mỹ, và dần nghèo ngã lòng.

Dường như đã lâu lắm rồi, Đại úy Thường không có dịp nói hết những điều ông ấp ủ trong lòng, nên ông nói liên miên, nói không kịp thở, cũng không cần biết hai người khách nghĩ gì, phản ứng ra sao.

Dường như trực giác cho ông biết rằng hai người khách lần đầu tiên ông gặp là những người có thể hiểu ông, ít nữa cũng vô hại dù họ không đồng ý với ông. Ông cảm nhận được điều đó qua ánh mắt tiếp nhận của họ, qua sự chú ý trân trọng của họ. Ông quên mất rằng đáng lẽ mình phải nói thật ít, dành lời cho khách còn ông thì dè dặt dò xét, đo lường đối thủ. Phe kia đang dàn trận tấn công ông, và hai “sứ giả” này đâu thuộc về phe bênh vực ông.

Lúc nhớ ra, ông khựng lại. Ông hết hứng nói tiếp. Trung tá Thanh thấy viên Tỉnh đoàn trưởng chợt đổi thái độ, vội trấn an:

– Đại úy đã giúp cho tôi một bài học lịch sử. Thú thật, cho tới nay tôi vẫn chưa hiểu hết những điều phức tạp của tình hình nông thôn. Tôi chỉ kém Đại úy có sáu tuổi. Vâng, Đại úy đã đoán ra rồi. Trước khi tới đây, tôi đã biết đôi điều về Đại úy. Tuy tuổi tác không chênh lệch bao nhiêu, nhưng những điều từng trải lịch sử của tôi không dày dặn cho bằng Đại úy. Chuẩn úy Ngữ lớp sinh sau lại càng thiếu kinh nghiệm hơn nữa.

Tôi sinh trưởng ở Hà nội, lớn lên suýt phải bị động viên thì Điện Biên Phủ mất. Di cư vào Nam, học hành được ít lâu tôi chọn nghiệp lính, từ đó chỉ biết tới những vấn đề thuần túy quân sự. Đây là lần đầu tiên tôi thử ra ngoài phạm vi chuyên môn của mình, vì nhận thấy cuộc chiến tranh này không thể chỉ giải quyết được bằng quân sự. Nhiều khi chúng ta thắng ở đây, nhưng lại thua ở Sài gòn, hoặc thắng ở Việt Nam nhưng lại thua ở Paris, Hoa Thịnh Đốn. Trận Tết Mậu Thân cho tôi thấy điều đó. Không biết hồi ấy ở đây thế nào, chứ ở Huế, trận Mậu Thân diễn ra khốc liệt nhất, dai dẳng nhất, bi thảm nhất. Tôi và Chuẩn úy Ngữ gặp nhau lần đầu ở Mang cá, cùng nhau tử thủ cho đến lúc Cộng quân bị đánh bật khỏi Huế. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là một chiến thắng quân sự của chúng ta. Tôi nói như thế vì có bằng chứng hẳn hoi.

Sau vụ Mậu Thân, Sư đoàn Một chúng tôi có nhận được một số tin tình báo cho biết việc chuẩn bị tấn công Huế cũng như diễn tiến hành quân của họ đầy cả lầm lẫn, thiếu phối hợp, thiếu tiếp tế, thiếu cả những lượng định chính xác về tình hình của ta. Về phương diện quân sự thuần túy, đây là một chiến dịch kém cỏi đủ mọi phương diện. Một cuộc thí quân vô cùng tai hại, chưa kể tới một cuộc tàn sát điên cuồng thất nhân tâm nhất từ trước tới nay. Lê Minh, nguyên Tư lệnh chiến dịch và Bí thư Thành ủy Huế than phiền đưa quân vào chiếm Huế mới một tuần lễ đã bị thiếu đạn trầm trọng. Trung đoàn Sáu Chủ lực, theo báo cáo của Lê Minh và Phó tư lệnh Nam Long, do phí phạm đạn trong những ngày đầu đến tuần lễ thứ hai mỗi tay súng chỉ còn từ 12 đến 15 viên, súng máy chỉ còn trên 100 viên. Đạn trợ chiến thấp, không còn được nửa cấp số. Số thương vong tại Thành nội lên tới 300 người, quân số hao hụt, đạn sắp hết. Thấy thế nguy, Lê Minh xin Trung ương cho rút lui. Hắn đánh điện về Bộ Tổng chỉ huy “chúng tôi hết đạn, chỉ làm kế hoạch được từng buổi”. Năm tiếng đồng hồ sau đó, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng và Song Hào đánh điện vào hứa sẽ chi viện đầy đủ, cứ tiếp tục chiếm Huế. Nguồn chi viện được Hà Nội hứa tăng cho Lê Minh gồm hai trung đoàn bộ binh, một trung đoàn trợ chiến. Hà Nội còn bảo các lực lượng du kích ngoại thành Huế đốt lửa ba cụm làm hiệu để phi cơ cộng quân thả vũ khí đạn dược xuống. Chẳng những vậy, còn ra lệnh cho Lê Minh phải làm tín hiệu ở Mang cá cho phi cơ Bắc Việt bay vào ném bom Bộ Chỉ huy Sư đoàn Một chúng tôi.

Lê Minh và Nam Long, đợi đến cuối tuần lễ thứ nhì vẫn chưa thấy gì. Một trung đoàn từ Bắc tăng viện cho Lê Minh mới tới Quảng điền, chưa qua được sông Bồ đã bị Sư đoàn Ba Thủy quân Lục chiến Mỹ chận lại, đánh cho tan tác chỉ còn một tiểu đoàn. Tiểu đoàn sống sót này không lần mò được tới Huế. Lê Minh rán chờ thêm một tuần nữa, chịu trận các đợt phản công từ Mang cá đánh ra, từ hữu ngạn đánh qua, từ trên trời dội xuống. Chúng phải đối đầu với bốn sư đoàn của cả Mỹ lẫn Việt, chưa kể Sư đoàn Một. Lê Minh báo cáo về Hà nội, lại xin rút. Hà nội không trả lời. Lê Minh và Nam Long cứ quyết định rút, vì cho rằng bây giờ dù quân tăng viện có tới cũng không làm nên cơm cháo gì. Bên quân sự như thế, bên chính trị lại càng tệ hơn, các ổ nằm vùng lộ hết, số người chúng bắt quá nhiều, dẫn lên rừng thì không gạo nuôi, để lại thì bao nhiêu cơ sở tổ chức ngầm lâu nay ở nội thành coi như phơi ra hết. Cuối cùng quyết định giết hàng loạt. Hậu quả ra sao, Đại úy đã rõ. Sư đoàn Một, từ một sư đoàn khả năng chiến đấu kém, sau Tết Mậu Thân, thành sư đoàn thiện chiến nhất của quân lực Việt nam Cộng hòa. Xem thế thì Mậu Thân là một thất bại nặng của Hà nội.

Nhưng oái oăm là họ thua ở Huế, ở Sài gòn, mà lại thắng trên chiến trường Hoa Thịnh Đốn. Họ đảo ngược thế cờ ở một chỗ cách Việt nam hơn nửa vòng quả đất. Họ làm cho Johnson không dám tái ứng cử tổng thống, làm cho tất cả những tổng thống Mỹ sau Johnson đều chỉ có con đường độc đạo là phải rút quân khỏi Việt nam. Thế là Hà nội đã thắng lớn.

Đại úy Thường vội nói:

– Tôi không nghĩ như Trung tá. Quân Mỹ rút khỏi Việt nam chưa phải là yếu tố để Hà nội thắng trận cuối cùng. Nếu chúng ta biết giật mình, không dựa hoàn toàn vào nửa triệu quân và kho vũ khí khổng lồ của Mỹ, nếu thay những cuộc hành quân như cuộc hành quân Đại hàn Trung tá vừa kể bằng những cuộc hành quân bình định khác do chính dân quê tự nguyện tổ chức hoặc tham dự, thì chúng ta vẫn có thể thắng. Tổng thống Nixon hiện đang hô hào Việt nam hóa chiến tranh. Cộng sản tuyên truyền bảo đó chỉ là “thay màu da cho xác chết”. Nếu chúng ta vẫn còn dựa vào vũ khí Mỹ để chiến đấu thì quả đúng như cộng sản rêu rao thật. Khi nào chúng ta nhận ra được thứ vũ khí lợi hại nhất mình có mà không dùng là vận động nhân tâm, nhất là sự ủng hộ của đa số dân quê, khi đó chúng ta mới thực sự Việt nam hóa chiến tranh, và Việt nam hóa cả hòa bình.

Trung tá Thanh hỏi:

– Đại úy có tin là chúng ta làm được việc ấy không?

– Làm được. Nhưng chúng ta cần ít nhất mười năm. Thời gian đủ cho lớp trẻ nắm được những chức vụ then chốt. Và cho lớp tri phủ tri huyện, đốc phủ sứ chết đi!


Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 150

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây