(Mùa Biển Động – Chương 121)
Qui nhơn mau chóng trở thành một thành phố chết. Trừ quân nhân công chức phải ở lại, hầu hết dân chúng và gia đình công chức quân nhân đã dùng đủ mọi phương tiện để rời Qui nhơn. Chợ không họp. Phố xá kín cửa. Gia đình bà Văn sống trong cảnh quạnh hiu ê chề và hồi hộp chờ đợi những tai họa sắp tới. Tai họa đã không tới như họ lo ngại. Ba quận phía Bắc lần lượt được giải tỏa, quân Việt nam Cộng hòa đánh bật được Bắc quân khỏi thị trấn Bồng sơn, khai thông trở lại quốc lộ Một. Thị trấn nhỏ từng êm đềm núp dưới những bóng dừa xanh bên sông Lại chỉ còn là một đống gạch vụn vương vãi cùng những mảnh tôn cháy cong queo. Trên những bức tường sập, còn sót những khẩu hiệu không trọn câu do Bắc quân để lại. Từ giữa tháng Năm trở đi, Cộng quân ở các quận phía Bắc Bình định đã bị đẩy lui trở về rừng, nên dân Qui nhơn lục tục hồi cư. Các đợt hồi cư sớm muộn tùy thuộc vào giai tầng của người dân trong xã hội. Những người nghèo lo âu chiến nạn, nhưng không đủ sức đi xa, chỉ tản cư tạm về một nơi nào đó bên kia đèo Cù mông (phần lớn họ dừng lại ở Sông Cầu để nghe ngóng tình hình), thì hồi cư sớm nhất. Tiếp đến là những ai đủ phương tiện đem gia đình lánh nạn tận Nha trang, vừa xa chỗ bom đạn vừa có dịp tắm biển, phơi nắng. Cuối cùng mới tới các thương gia giàu có, các cậu ấm cô chiêu, các mệnh phụ di tản bằng đường hàng không và tản cư là một dịp hiếm có đầy chính nghĩa để họ đi dự tiếp tân, xoa mạt chược, ngủ khách sạn gắn máy lạnh, tìm ái tình lẻ! Chiến tranh đáng yêu quá, nên họ không muốn về sớm. Họ đủng đỉnh chờ xem , hoàn toàn an ninh hãy về. Họ tởm Cộng sản quá rồi, không thể gần gũi (dù là chỉ gần khoảng tám mươi cây số) chúng nó được.
Các đợt hồi cư đem đến cho gia đình bà Văn những vinh hạnh, những hãnh diện bất ngờ. Từ niềm tủi nhục, họ trở thành những kẻ thức thời, khôn ngoan, không phí tiền lảng xẹt, không nhát như thỏ, không chạy như chuột. Họ thành con voi, con sư tử. Giữa lúc đó thì gia đình bà Văn được tin Lãng bị thương ở chân và hiện nằm điều trị tại bệnh viện Lê Hữu Sanh Thủ đức.
Quế và Nam đề nghị mẹ nên về Sài gòn để vừa thăm nom Lãng cho đến khi hoàn toàn bình phục, vừa thăm nuôi Quỳnh Trang sắp tới ngày sinh con so. Quế nói:
– Anh Ngữ chắc bị cấm trại không về được đâu! Chị ấy sinh, mà bên nhà mình không có ai, chị ấy tủi!
Bà Văn hỏi Nam:
– Hay trong thời gian trường còn đóng cửa, con dẫn cháu Thủy vào để thăm ông bà nội luôn thể. Mấy năm nay bà cháu chưa hề biết mặt nhau.
Nam nghiêm mặt nói:
– Con không thích. Nhưng má dẫn cháu Thúy vào thăm nội giúp con.
Bà Văn biết những gì con gái nghĩ, nên không nài ép.
Bà Văn ở nhà ông bà Thanh Tuyến, cách vài ngày mua vé xe đi Thủ đức thăm Lãng. Vết thương nhỏ của Lãng ở bắp chân phải, thật ra đã bắt đầu liền da từ lâu. Vào bệnh viện, Lãng khai xương ở ống chân bị nhức, Lãng còn giả vờ không bước được, nên bác sĩ phải khám lại, cho thử máu, chụp hình quang tuyến. Lãng nấn ná tìm cớ muốn nằm bệnh viện càng lâu càng tốt, mặc dù vết thương đã liền da và đã tháo băng. Do tài miệng lưỡi, Lãng chỉ có mặt ở bệnh viện vào giờ bác sĩ đi tới từng giường chẩn đoán theo dõi diễn tiến bệnh tình của thương binh. Mỗi lần bà Văn tới (giờ thăm nuôi sau giờ bác sĩ đi khám), thay vì phải vào phòng con nằm, bà Văn gặp Lãng nơi cổng bệnh viện. Lãng xin thêm một ít tiền, nhận mấy món quà mẹ đưa, rồi leo lên xe Lam đi mất. Lãng còn nói với bà Văn:
– Thôi má khỏi xuống thăm con nữa. Xe cộ xa xôi vất vả quá. Để con lên ghé lại thăm má. Má ở nhà lo cho chị Trang đi… Chừng nào chị ấy sanh hở má?
– Chắc chỉ mai hoặc mốt mà thôi. Trông nó nặng nhọc quá rồi. Nó sinh con so, má hơi lo!
Lãng nói:
– Chị ấy mạnh khỏe, chắc không hề gì đâu. Anh Ngữ xin về được không?
– Nghe con Trang nói nó đánh điện về bảo là không về được. Trên Phú bổn tình hình chưa yên như ngoài mình. À, nó bảo con Trang đặt tên con là Hòa Bình: trai hay gái gì, đặt tên đó cũng hợp cả.
Lãng cười:
– Hòa Bình! Cái tên yếu xìu!
Bà Văn nói:
– Chắc năm nay thế nào cũng hết chiến tranh. Họp hành cái gì mà lâu quá.
Rồi bà nhìn Lãng âu yếm nói:
– Cả hai đứa con trai của má đứa nào cũng gần cảnh bom đạn, má cứ ngay ngáy lo không biết lúc nào… Trời sinh giặc làm chi vậy hở trời!
Lãng nghe thấy giọng bà Văn hơi run run, và đôi mắt mệt mỏi của bà chớp chớp sắp khóc, nên ôm vai mẹ nói:
– Má khéo lo! Tụi con hưởng được phước của ba, không hề gì đâu! Hòa bình sắp tới rồi. Biết đâu con ra khỏi bệnh viện là đã có hiệp định đình chiến. Kỳ này đọc báo thấy chuyện ký kết ở Paris kề cận lắm rồi. Má cười đi. Hết chiến tranh, con sẽ tu tỉnh lại, làm ăn đàng hoàng cho má vui. Con hứa với má!
Lãng trở lại phòng bệnh cất mấy quả cam và hai hộp sữa bà Văn vừa mang tới. Vừa bước qua cửa phòng, thương binh bị cưa nguyên cả hai ống chân nằm sát cửa ra vào đã nói lớn:
– Lê Đình Lãng đã về đây rồi!
Lãng kinh ngạc không biết thằng bạn nào từ Vũng tàu lên đây tìm mình, vì hôm nay Lãng không hẹn đi chơi với ai cả. Lãng chỉ đủ tiền lên An nhơn “xả xui” một mình, sau hơn một tháng tù túng một chỗ không gần được đàn bà.
Anh trung sĩ phụ trách hồ sơ bệnh nhân ngoài văn phòng bệnh viện thấy Lãng mừng rỡ reo lên:
– À, may quá. Anh vào dọn đồ cá nhân để xuất viện. Giấy tờ xong xuôi cả rồi!
Lãng cáu, gay gắt hỏi lại:
– Xuất viện? Chân tôi thế này thì xuất cái gì!
Anh y tá cười tỉnh:
– Tôi không biết.
Vừa lúc đó, ông Đại úy Y sĩ đi ngang qua. Ông là người lâu nay phụ trách theo dõi bệnh trạng của Lãng. Lãng cà nhắc chống nạng tiến mau về phía ông đại úy, giả vờ nhăn nhó vì đau đớn, than phiền:
– Tôi đi đứng phải chống nạng, sao Đại úy lại cho tôi xuất viện?
Viên y sĩ đang vừa đi vừa đọc một tấm bệnh án, không thèm ngước lên, không thèm dừng lại, đáp trống không:
– Anh đem cả cái nạng ra trận, kê súng nhắm bắn trúng đích hơn. Nửa giờ nữa có xe của trại Hoàng Hoa Thám lên đón anh!
***
Lãng khoác cái xách vải vào vai trái, tay phải cầm cái nạng gỗ cố biểu diễn dáng đi khó nhọc để hy vọng được các thương binh khác nói vài lời cảm khái. Thấy không ai có phản ứng gì, cũng không nghe ai nói gì, Lãng đi nhanh hơn tuy vẫn chống nạng. Qua khỏi cửa phòng, đã thấy chiếc GMC quen thuộc của Tiểu đoàn. Ông thượng sĩ thường vụ già vẫn được bọn bạn bè của Lãng gọi “bố” ngồi trên cabin nói to cho Lãng nghe:
– Lên xe nhanh cho bố chở về, con!
Lãng định biểu diễn màn tàn phế với ông thượng sĩ. Nhưng chợt nhớ lời viên đại úy y sĩ, vỡ lẽ xuất viện lần này không phải để chờ tái khám mà để hành quân ngay theo nhu cầu chiến trường, Lãng cầm cái nạng gỗ lên kẹp vào nách, bước mạnh và nhanh về phía chiếc GMC. Ông thượng sĩ già cười hô hố khoái trá. Lãng đến gần xe, đưa giấy tờ xuất viện cho ông thượng sĩ, cầm cái nạng quật mạnh vào vè xe cho gãy, vất thanh gỗ thông đánh vẹc ni còn cầm trên tay xuống sàn, rồi đu người nhảy thót vào lòng xe. Chiếc GMC rồ máy, chạy ra khỏi bệnh viện Lê Hữu Sanh. Tính lại, Lãng được phép “hưu chiến” đúng năm tuần lễ.
***
Không có người lính cầm súng trực tiếp chiến đấu nào muốn mình là một trong những kẻ rủi ro vương đạn trong lúc chiến tranh sắp kết thúc. Chết vào phút chót, khi những bản hiệp ước đình chiến đã được đánh máy lần cuối, chỉ cần hai bên hiệu đính một vài chữ, xóa đi một dấu phẩy, thêm vào một dấu chấm, chết lảng xẹt!
Nhưng những ông bụng phệ ở các công thự lại nghĩ khác. Càng gần tới ngày phải đặt bút ký vào bản hiệp ước chấm dứt chiến tranh lại càng phải nướng thêm thật nhiều những cậu lính trẻ lính ốm để tiếng nói của mình có trọng lượng hơn, yêu sách của mình có giá hơn, cuộc mặc cả có lợi cho mình hơn. Trong đầu họ có một bài tính đơn giản: dù có nướng thêm chừng này quân trong vài tháng vài ngày ta vẫn có lợi hơn là phải lai rai nướng gấp đôi gấp ba số quân đó nếu chiến tranh tiếp tục. Vì thế trong nửa năm cuối của 1972, trên khắp đất nước nồng nặc mùi thuốc súng và mùi máu tanh. Hàng vạn người ngã xuống giữa lúc vẫn lạc quan nghĩ rằng mình phải sống sót cho đến ngày hòa bình, chỉ có những thằng khác chết lảng nhách, tuyệt nhiên không có mình trong số những thằng đáng thương đó.
Mức độ chiến tranh leo thang ác liệt trên khắp cả hai miền, một cái dấu phẩy mặc cả ở hòa đàm Paris nhiều khi tương đương với hàng vạn khăn tang trên đầu trẻ thơ. Các đội chung sự vụ, các hãng thầu đóng quan tài bọc kẽm, phu huyệt, các tiệm bán đồ tang ma làm việc quá sức mà cũng phát đạt quá sức, như một ngọn đèn lóe sáng lên trước khi tắt.
Lãng về tới trại Hoàng Hoa Thám Vũng Tàu buổi trưa, thì ngay buổi chiều đã có chuyến liên lạc đưa ngược Lãng về Bộ Tư lệnh Thủy quân Lục chiến ở đường Lê Thánh Tôn. Mờ sáng hôm sau, ba chiếc GMC chở Lãng và một số lớn tân binh ra phi trường Tân Sơn Nhất. Vì sợ binh chủng thiện chiến này tham dự đảo chánh, Bộ Tổng Tham mưu qui định rõ lộ trình cho các cuộc chuyển quân thủy quân lục chiến trong nội vi Sài gòn. Ba chiếc GMC rời Bộ Tư lệnh xuống Cường Để, qua Đinh Tiên Hoàng, rẽ Hiền Vương rồi cứ chạy thẳng theo đại lộ Nguyễn văn Thoại tới phi trường quân sự Tân Sơn Nhất. Từ Tân Sơn Nhất, Lãng lên máy bay ra phi trường Phú bài, từ đó về Quảng Trị để nhập lại đơn vị cũ hiện giao tranh ác liệt với Bắc quân để giành lại những vùng đã mất hồi đầu tháng.
Chuyến C-130 chở toàn tân binh thủy quân lục chiến, nhiều cậu vẻ mặt ngơ ngác măng sữa, chắc chắn là đã khai gian tuổi đăng vào binh chủng này chỉ vì mơ ước làm người hùng mũ xanh như là John Wayne trong phim Green Berets. Phía dân cựu, ngoài Lãng còn có thêm hai người khác cũng vừa xuất viện hành quân.Hai người này mặt mày còn xanh xao mệt nhọc, thực sự chưa hồi sức. Không như Lãng, họ lặng lẽ không nói năng gì suốt hành trình. Lãng đương nhiên trở thành phát ngôn viên duy nhất ba hoa về vinh quang của đời lính, nhất là lính mũ xanh. Vừa kể chuyện, Lãng vừa thầm nghĩ:
– Chỉ mong cho các chú qua được mùa mưa này! Anh thương các chú. Nhưng các chú muốn đóng phim như anh hồi trước, thì phải ra cái lò nướng ấy thôi! Ai cũng phải qua cầu. Các chú tha lỗi cho anh!
Chiếc C-130 chở hàng tươi từ Sài gòn ra Phú bài, rồi lại chở những quan tài bọc kẽm phủ quốc kỳ nằm chờ sẵn ở Phú bài trở vào Sài gòn. Những tân binh trẻ vác ba lô bước khỏi phi cơ ngỡ ngàng nhìn hàng quan tài im lìm dưới ánh hoàng hôn ảm đạm vàng úa pha lẫn tím bầm ở chân trời, bước chân bịn rịn vừa đi vừa ngoái lại. Họ được hậu trạm của Sư đoàn đóng trong Đại nội Huế chờ sẵn để gửi họ ra bổ sung gấp quân số hiện đang thiếu hụt trầm trọng. Các quân nhân đại diện đơn vị vào hậu trạm nhận lính mới may mắn được xa vài giờ không khí khét lẹt lửa đạn nhưng phải đảm đương một lúc hai công tác: đưa người đi và đón người tới. Người tới không bằng nửa số người đi!
Nguyễn Mộng Giác
Số lần đọc: 79