Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Mùa Biển Động – Chuơng 48

Ở nhà ông Văn, không khí Tết không có gì rộn rã sôi nổi. Quế và Nam đi ngủ sớm bù lại đêm trước thức khuya. Bà Văn nhận ủy nhiệm của cả chồng lẫn các con, chịu ngồi đợi giao thừa để cúng tiễn năm cũ và đón năm mới. Mấy năm trước, ông Văn đảm nhiệm việc trọng đại này. Nhưng năm nay, bà muốn đích thân thay chồng để cầu xin ông bà tổ tiên phù hộ cho bà làm ăn được phát đạt, không bị đám du đãng lưu manh quấy rầy hoặc tống tiền, quán rượu của bà không bị Việt cộng quăng lựu đạn khủng bố như một vài quán khác đã từng bị.

Sau cuộc nói chuyện hôm trước, quan hệ giữa ông Văn và Ngữ đã thân mật hơn, ông không đem những chuyện đau đầu ra nói với con nữa, ngay các việc bình thường, ông đã hỏi han con trai một cách tự nhiên hơn.

Chính ông Văn gọi Ngữ vào phòng mình để chờ nghe chương trình phát thanh giao thừa của đài Hà nội. Thấy ánh nhìn của con đầy thắc mắc, ông giải thích:

– Lâu lâu ba vẫn nghe đài ngoài đó, xem thử có gì lạ không. Nói chung vẫn một giọng điệu lập lại từ bao năm nay. Có thể chương trình Tết có vài mục “phụ diễn” nghe được hơn.

Ngữ chưa hiểu hết lời cha, hỏi:

– Ba bảo ai phụ diễn ạ?

– Các ông văn nghệ. Phần chính bao giờ cũng là những bài phát biểu tràng giang đại hải của các lãnh tụ. Nói hoài bấy nhiêu mà họ không chán, hay thật! Nhưng lâu lâu cũng chen vài mục đọc thơ, đọc truyện.

– Ba có thích thơ họ đọc trên đài không?

Ông Văn cười:

– Thơ của mấy “cán bộ thơ” cấp nhỏ đôi bài nghe được. Còn thơ của các “lãnh tụ vĩ đại” thì khổ cho chữ nghĩa quá. Chúng nó có tội tình gì!

Chờ một chút, con nghe xem. Thế nào cũng có thơ chúc Tết của Hồ chủ tịch, sau đó nào thơ chúc Tết của Sông Hồng, Tố Hữu, Xuân Thủy, Lê Ðức Thọ… Không hiểu sao các lãnh tụ cộng sản sính làm thơ thế không biết. Ông nào cũng muốn có thêm – ngoài danh vị lãnh tụ vĩ đại anh minh – danh vị đại thi hào. Họ tham lam quá, đến làm khổ Thơ!

Ngữ cũng có nhận xét giống cha, còn tìm hiểu vì sao, thì chàng chưa tìm ra nguyên do. Thấy đồng hồ chỉ 10 giờ 55, chàng thắc mắc hỏi:

– Còn những hơn một giờ nữa mới tới Giao thừa, ba tìm đài làm gì.

Ông Văn đang chăm chú vặn nhẹ cái nút radio tìm tần số đài Hà nội, ngước lên nhìn con dò hỏi. Ngữ nhắc lại câu vừa nói. Ông Văn bảo:

– Thế con không biết là giờ Hà nội khác giờ Sài gòn à?

– Khác thế nào hở ba?

– Trong mình đi sớm hơn một giờ. Trong mình 11 giờ, ngoài đó đã 12 giờ. Vài phút nữa ngoài Bắc đã đón Giao thừa rồi.

Chiếc radio Sony bốn băng kêu rột rột một lúc, rồi giọng phát thanh cao và chát của nữ xướng ngôn viên đài Hà nội vang lên. Ông Văn vặn nhỏ hơn, nhưng tiếng nói vẫn rõ:

“Ðây là đài Tiếng Nói Việt Nam, phát thanh từ Hà nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mời các bạn nghe đài đón nghe chương trình phát thanh Giao thừa năm Mậu Thân 1968…”

Ông Văn liếc lên nhìn con, ánh mắt và nụ cười lém lỉnh khác hẳn vẻ nghiêm nghị thường ngày. Ông thì thào:

– Thế nào cũng có “vè” Hồ chủ tịch đại loại như:

Người người thi đua
Ngành ngành thi đua
Ta nhất định thắng
Địch nhất định thua…

Buổi phát thanh bắt đầu. Ðúng như ông Văn đoán trước, chương trình bắt đầu bằng bài hiệu triệu ngắn của Hồ Chí Minh. Sau đó là bài thơ của Tố Hữu. Hai cha con chú ý nghe bài thơ của Tố Hữu, Ngữ nhận xét:

– Mỗi năm ông ấy làm một bài mà sao thơ không hay!

Ông Văn vẫn giữ cách nói pha trò:

– Con khỏi phải lo! Không hay thì các tay “phê bình cung đình” ngoài đó cũng phải rán tán thế nào cho nó hay. Mà phải nhận là họ tán hay thật. Dẻo quá. Một sợi râu họ cũng tán ra thành một thiên đại luận có đầu có đuôi, có mở có đóng, có qui nạp suy diễn, có phân tích tổng hợp.

Ngữ hỏi:

– So với những bài năm trước, ba thấy thơ Tố Hữu năm nay có khác không?

Ông Văn suy nghĩ rồi mới trả lời con:

– Ðại để không khác bao nhiêu. Ba mang máng thấy năm nay giọng điệu có vẻ mạnh hơn. “Tiến lên toàn thắng ắt về ta!” Làm như là hồi kèn thúc quân xung trận không bằng! Toàn thắng ắt về ta! Họ thực tin như vậy, hay nói để phủ dụ những người đã ngã lòng. Hơn hai mươi năm chiến tranh liên miên rồi còn gì nữa, nếu kể từ 1945. Từ thời ba xa Hà nội, cùng một số bạn bè “Nam tiến” khi quân Pháp theo chân quân Anh chiếm lại Nam bộ. Lâu lâu ba được đọc lại những bài thơ thế hệ trẻ của ba hồi đó đã lắm, mỗi lần đọc là mỗi lần xúc động đến quay quắt. Những bài thơ của Quang Dũng, của Yên Thao, của Hữu Loan… Những bài thơ chưa biến thành khẩu hiệu. Thời đó xa rồi. Nhiều đêm ba tự hỏi: Những người hăm hở thời xưa nay ở đâu? Họ đang làm gì, nghĩ gì? Họ đọc lại những bài thơ của chính họ thời trước có cảm thấy ngậm ngùi hay không? Mỗi năm ba lắng nghe chương trình đọc thơ ngoài đó, và mỗi năm mỗi thêm buồn.

Ngữ cảm động nhìn ông Văn, có an ủi cha:

– Mỗi thế hệ đều có một thời mơ mộng lãng mạn như vậy cả.

Ông Văn vội bảo:

– Không đúng. Các con gặp rủi ro hơn lớp trước nhiều. Các con hoài nghi quá sớm, người nào lãng mạn thì mau chóng hóa thành quá khích, sốc nổi đến lố bịch.

Ngữ không đồng ý với cha, nhưng không muôn cãi lại. Hơn nữa, bên ngoài pháo Giao thừa bắt đầu nổ. Vì đồng hồ các nhà lân cận không chạy cùng nhịp, nên có những nhà đốt pháo tống tiễn năm cũ quá sớm. Rồi tiếng pháo nổ dày hơn. Lúc ông Văn bật công tác tìm đài Sài gòn và những tiếng tít tít tít báo hiệu đổi giờ, chương trình Giao thừa của Đài Phát thanh Sài gòn bắt đầu, thì bên ngoài pháo nổ vang dội. Xuân mới đã sang!

Ngữ đang ngủ thì ông Văn thức con dậy. Giọng ông khẩn khoản hối hả:

– Ngữ. Ngữ. Dậy mau đi con!

Ngữ giật mình tung mền, ngơ ngác chưa hiểu gì cả. Ông Văn lay vai con trai:

– Tỉnh chưa? Việt cộng tấn công một loạt nhiều thành phố, con biết không?

Ngữ trân trân nhìn cha, chưa tin những gì vừa nghe. Ông Văn tiếp:

– Ba vừa nghe đài BBC buổi sáng. Pleiku, Kontum bị tấn công. Cả Hội an, Qui nhơn, Darlac, Khánh hòa cũng bị xâm nhập. Không biết gia đình Trung tá Phan có mệnh hệ gì không? Người ta đang đọc bản tin chi tiết bên đó.

Hai cha con qua phòng ông Văn bu quanh cái radio. Phần tin tức Việt Nam đã qua, nam xướng ngôn viên đài BBC đang đọc bài bình luận về khuynh hướng Quốc hội Mỹ trước đề nghị xin thêm quân cho chiến trường Việt Nam của tướng Westmoreland. Ông Văn mất kiên nhẫn, chuyển qua đài Sài gòn: Chương trình ca nhạc, ban hợp ca Thăng long đang hát bài Ly Rượu Mừng. Ôn g Văn thắc thỏm nhìn đồng hồ; rồi chuyển qua đài VOA. Bản tin đài VOA xác nhận tin tức sơ khởi đài BBC vừa loan, thêm một số chi tiết cụ thể về quân số của địch hoặc tổn thất ghi nhận ban đầu ở một vài nơi.

Ngữ hoang mang nhìn ra cửa sổ, bên ngoài sương mù đêm trước chưa tan, đất trời âm u và lạnh lẽo. Ngữ hỏi cha:

– Hình như hầu hết các nơi bị tấn công là vùng Hai?

Ông Văn tìm được cái cớ để bớt lo âu, vui mừng nói:

– Phải. Trừ Quảng nam, còn thì năm chỗ kia đều thuộc vùng Hai chiến thuật. Vùng Một của mình họ đã thử xua quân nuốt cho được Khe sanh, nhưng không đến đâu. Vùng Hai toàn rừng núi dễ di quân hơn. Chắc Kontum, Pleiku, Darlac bị nặng nhất. Thật may cho con!

– Ba vặn đài phát thanh Huế xem có gì không.

Ông Văn làm theo lời con. Trung tá Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Thừa thiên đang đọc bài chúc Tết. Tiếp theo sau là lệnh của Bộ Chỉ huy Sư đoàn 1 và Tiểu khu, loan báo thu hồi lệnh hưu chiến và cấm trại các đơn vị quân đội 100%… Những quân nhân được nghỉ phép phải trình diện gấp tại đơn vị.

Ngữ nói:

– Con vào Mang Cá hỏi thăm tình hình. Sẵn tiện xin phương tiện về Pleiku luôn.

Ông Văn gạt đi:

– Lên làm gì. Chờ vài ngày tình hình ngã ngũ đã. Nhưng con cứ vào Mang Cá hỏi cho rõ tin tức vùng này ra sao. Thật quá quắt! Chúng nỡ tấn công ngay dịp Tết. “Tiến lên toàn thắng ắt về ta!” Con thấy không, khi hôm ba đã bảo câu thơ giống như một tiếng kèn trận thúc quân.

Bà Văn, Quế và Nam nghe hai người đàn ông trong gia đình thức dậy nói chuyện sớm, lấy làm lạ, nên lần lượt họ cũng dậy. Trời vẫn âm u mờ mịt. Nam chạy qua phòng cha, lo lắng hỏi:

– Có chuyện gì vậy, thưa ba?

Ông Văn đáp nhanh:

– Việt cộng tấn công khắp vùng Hai. Pleiku cũng bị…

Nam mừng rỡ nhìn Ngữ nói:

– Anh về được đây, thật may! Nếu không, nhà mình ăn Tết không yên. Sài gòn có việc gì không ba?

Bấy giờ, ông Văn mới nhớ là mình vô tình với Lãng. Nam hỏi, ông mới nhớ là Lãng đang ở Sài gòn, hậu cứ của binh chủng thủy quân lục chiến. Ông đáp:

– Không. Sài gòn vẫn yên. Qua nói cho má mày yên lòng.

Nam chưa kịp đi thì bà Văn và Quế đã tới. Cả nhà vây quanh cái radio để nghe đài phát thanh Huế đọc đi đọc lại các lệnh cấm trại và bãi bỏ lệnh hưu chiến.

Quế than:

– Như vậy là đóng cửa quán dài dài. Chán quá! Sao thiên hạ ham đánh nhau đến thế không biết!

Bà Văn nhất định không cho Ngữ đi đâu, bảo nếu có gì, cả nhà sống chết có nhau. Ông Văn thấy vợ lo đến xanh mặt, cười lớn cho không khí bớt nghiêm trọng, bảo bà:

– Huế không việc gì đâu! Sư đoàn đóng ở đây, dưới Phú bài có Mỹ. Bộ muốn thiêu thân hay sao mà đánh Huế. Đấy, mình nghe đi. Họ đang mời công chức quân nhân đến Tòa Hành chánh và Thành nội để dự lễ thượng kỳ đầu năm.

Rồi ông quay sang Ngữ bảo:

– Con đi dự lễ, luôn tiện hỏi thăm tình hình Pleiku ra sao. Mình coi làm cái gì ăn sáng đi.

Nỗi lo chưa tan hết, nhưng cả gia đình đều thấy lối giải thích của ông Văn hợp lý.

Trời càng sáng thì khung cảnh ngoài phố càng có vẻ thanh bình hơn Ngữ tưởng. Xác pháo đỏ phủ ngập mặt đường tráng nhựa, những đứa trẻ mặc quần áo mới chạy đi nhặt những cái pháo chưa kịp nổ, tiếng reo mừng chen lẫn với tiếng cãi vả. Các cô các bà bắt đầu đi lễ chùa, người nào cũng áo dài tha thướt. Những gia đình ít con chở nhau trên chiếc Honda hoặc Mobylette, Vespa, người chồng mặc vestơn hay áo dài lái xe, bà vợ ngồi sau ôm lấy lưng chồng, đứa con nhỏ đứng trước hay ngồi quàng hai chân sau lưng mẹ.

Ngày mồng Một dành để thăm viếng bà con cật ruột, đi lạy từ đường, nên đường phố chưa được đông đúc như ngày thường. Nhà nào cũng mở cửa, nhưng người trong nhà chỉ đứng trong nhìn ra cảnh phố xá bên ngoài, dù láng giềng vẫn còn kiêng cữ chưa tiến qua thăm nhau, chúc nhau mùa xuân như ý.

Ngữ quan sát cuộc sống thanh bình đâm ra nghi ngờ các bản tin dữ mới nghe. Chàng nghĩ không phải các bản tin trên sai lạc, nhưng một vụ phá rối hoặc vi phạm ngưng bắn nhỏ ở tỉnh nào đó, như Darlac chẳng hạn, khi đến ban biên tập đài phát thanh, có thể biến thành vụ tấn công qui mô toàn tỉnh Darlac. Ðúng hay sai, tình hình nghiêm trọng đến mức nào, chàng cần phải hỏi thăm các bạn cũ hiện làm việc tại Tiểu khu, hoặc bên sư đoàn 1.

Lúc đạp xe qua khỏi cầu Gia hội, Ngữ do dự không biết nên đi đâu. Chàng không muốn qua Tiểu khu, nơi mà sau vụ biến động Phật giáo năm 1966, vì muốn giữ thân mà những người từng làm việc chung đã phải bươi móc, tố cáo lẫn nhau lập công với thượng cấp. Dù có thông cảm hòan cảnh họ đến đâu chăng nữa, Ngữ vẫn thấy lòng ngao ngán, chán chường. Kỷ niệm thời làm việc ở Tiểu khu không phải là kỷ niệm đẹp. Ngữ không rẽ trái qua cầu Trường tiền, đi thẳng lên phía Phú văn lâu vào dự lễ thượng kỳ ở Kỳ đài.

Ngữ gặp Quỳnh Như đi với hai người Mỹ ở buổi lễ thượng kỳ đầu năm. Quỳnh Như sợ Ngữ hiểu lầm, vội giải thích trước:

– Ông Dale dạy em ở Sư phạm, có ông bạn làm phóng viên cho báo Mỹ. Ông ấy muốn em hướng dẫn để làm một phóng sự về Tết cổ truyền tại Huế. .

Ngữ bắt tay hai người ngoại quốc cho phải phép, thái độ không mấy vồn vã. Quỳnh Như càng lúng túng hơn, nửa muốn đi với Bob đến chỗ địa điểm hành lễ, nửa muốn ở lại nói chuyện với Ngữ. Lúc đó quân nhạc trổi lên, Bob và Dale không chờ được nữa xách máy ảnh chạy đến chỗ sân trước điện Thái hòa. Quỳnh Như cố vồn vã để che giấu bối rối:

– Anh nghe tin Cộng sản tấn công tám thành phố vào đêm hôm qua chưa?

Ngữ ngạc nhiên hỏi lại:

– Quỳnh Như cũng chú ý đến thời sự đến thế à?

– Không. Khi nãy Bob vừa cho em biết. Pleiku cũng bị tấn công. Em mừng cho anh! Huế mình chắc được yên ổn ăn Tết, em mong thế.

– Vâng. Mình biết trước đề phòng, chúng nó không thể tận dụng yếu tố bất ngờ được. Chỉ tội các ông quân nhân không được ở nhà ăn Tết với vợ con. Ðã có lệnh cấm trại 100% rồi. Hôm nay em có “chương trình” gì không?

Quỳnh Như liếc về phía Bob và Dale, rồi nói:

– Các ông ấy nhờ em hướng dẫn đi thăm lăng, nhưng thôi. Em thấy bạn bè nhìn em đi với mấy người Mỹ bằng đôi mắt sao sao ấy. Bây giờ anh định đi đâu?

– Anh định lên đây hỏi thăm tình hình, nhưng đại khái những điều bạn bè biết, radio đã nói rồi. Ở đây thì chắc chúng nó chỉ quấy phá vùng Phú lộc cho có, chứ không làm gì được. Anh định ghé thăm vợ chồng Cường.

– Cường nào?

– Họa sĩ bạn của Ngô.

Quỳnh Như vui mừng:

– Em biết. Chị Cường là chị con bạn em. Em thích tranh anh ấy hơn tranh anh Ngô. Mềm hơn. Xem thấy cứ bâng khuâng hoài. Như là đọc truyện của Thạch Lam.

Ngữ chợt nảy ý rủ Quỳnh Như đi thăm Cường, hỏi:

– Bây giờ Quỳnh Như có bận gì không?

Quỳnh Như thành thật đáp:

– Em lỡ hứa đi với ông Bob và Dale lên lăng Tự Đức, nhưng bây giờ thấy không thích nữa. Em đi với anh.

Ngữ e ngại hỏi:

– Có phiền họ, không?

Quỳnh Như cười:

– Anh chưa quen tính người Mỹ. Nghĩ gì nói thẳng, việc ai nấy lo, không lôi thôi thắc mắc gì cả. Ðể em đi bảo với họ. Anh chờ em chút.

Quỳnh Như chạy lại phía Dale và Bob đang đứng. Ngữ thấy nàng vừa cười vừa nói gì đó với họ, khiến hai người Mỹ quay về phía Ngữ vẫy tay. Quỳnh Như trở lại, Ngữ hỏi:

– Em đem anh ra làm cục kê phải không?

Quỳnh Như cười phá lên:

– Anh lanh trí dữ!

– Quỳnh Như nói xấu gì anh vậy?

– Nói xấu à? Anh không thấy họ vẫy tay chào anh sao? Thôi mình đi!

Ngữ định gạn hỏi Quỳnh Như đã nói những gì, chợt nhớ một vấn đề quan trọng hơn, lo ngại hỏi:

– Em ngồi yên sau xe đạp anh đèo đi được không?

Quỳnh Như trố mắt nhìn Ngữ, tự nhiên đập nhẹ vào vai Ngữ:

– Sao lại không được! Anh tưởng em quen ngồi xe hơi rồi sao?

Ngữ thích tính tình tự nhiên của Quỳnh Như, đến chỗ gốc cây sứ cúi xuống bóp thử bánh xe sau, thấy bánh xe đạp căng đủ để chở thêm một người nữa. Quỳnh Như nghịch, hỏi đùa:

– Anh có mệt để em đèo cho!

Cả Ngữ lẫn Quỳnh Như đều cười.

Hai vợ chồng Cường thuê phân nửa một căn nhà cổ kính nằm trên đường Hòa Bình, căn nhà lợp ngói âm dương rêu bám nhiều lớp mầu đen xỉn núp giữa một khu vườn um tùm nào nhãn, ổi, chuối và mít. Chủ nhà là một bà cụ già trên 60, con cháu đã thành đạt đi làm ăn xa, nhưng người mẹ không muốn rời căn nhà tổ phụ, chịu sống cảnh cô độc để gần gũi với kỷ niệm một thời và chăm sóc mồ mả tổ tiên. Một người con của bà cụ tốt nghiệp Quốc gia Hành chánh, hiện làm phó quận trưởng một quận trù phú ở Long an. Người con trưởng làm công chức bưu điện ở Ðà nẵng, và một cô con gái lấy chồng ở Sài gòn, bạn đồng khóa Ðại học Dược khoa của cô. Trừ gia đình người con cả ở gần mẹ, hai người con sau lâu lắm mới về Huế thăm gia đình. Chiều 28 Tết, hai đứa cháu nội của bà cụ từ Đà nẵng ra ăn Tết ở Huế với nội “cho vui”, nên cảnh gia đình bớt đơn chiếc. Bà cụ nhường lại cho hai vợ chồng Cường thuê hai phòng, trước kia là nhà ngang và một phòng kho ở chái phía đông. Cường sửa phòng kho lại, nâng mái lên cao hơn, trổ vách để làm phòng khách và chỗ ngồi vẽ. Tuy nhà cửa chật chội, nhưng nhờ khéo tay, Cường bày biện phòng khách một cách đơn giản, rẻ tiền nhưng mỹ thuật. Một hòn cuội đen đặt ở góc bàn, một mảng màu hình chữ nhật dán lên tấm vách, cái chụp đèn làm bằng cái cão tre đựng trầu dồn ánh sáng ngọn đèn 40 watts lên mặt bàn phủ nỉ xanh… Tất cả những vật trang trí đó hợp lại thành một khung cảnh thân mật trang nhã. Cường tốt nghiệp ra được mời ở lại trường dạy về sơn dầu cho sinh viên năm thứ nhất và thứ nhì Cao đẳng Mỹ thuật, vợ Cường dạy Anh văn cho một trường trung học gần đó. Tranh của Cường bán được, nhưng số thu không đủ để anh nghỉ dạy và dồn hết năng lực cho việc vẽ. Nhờ chỉ chăm chú đến hội họa, nên dù ở trong nhóm bạn trẻ từng tham gia vào nhiều hoạt động văn nghệ, xã hội, chính trị, Cường vẫn tránh được các hệ lụy phức tạp, các hậu quả đau lòng các bạn bè đã gặp. Phe nào cũng xem anh là một người vô thưởng vô phạt, một chút trân trọng pha với một chút khoan dung. Cường ngạc nhiên thấy Ngữ và Quỳnh Như đến thăm mình vào ngày mồng Một Tết. Cường bập bập vào ống vố, cười bằng mắt, hỏi đùa:

– Gió nào đưa ông tới đây? Nghe nói bị đày lên xứ núi rồi mà!

Ngữ giới thiệu Quỳnh Như. Cường hỏi tự nhiên:

– Lâu nay cô có nhận được tin tức gì của Tường không?

Quỳnh Như nói dối, hơi bực vì vẻ tự tin kẻ cả của Cường:

– Dạ không!

Ngữ hỏi:

– Bà Dung đâu rồi?

– Ở phía sau. Tụi này định đi thăm ông bà cụ, nhưng bà bầu thấy mệt, chưa đi được.

Quỳnh Như chen vào hỏi để tạo không khí thân mật hơn với Cường:

– Chị lúc nào sinh vậy anh?

Cường cười:

– Tôi cũng chẳng biết nữa. Tính toán cách sao mà bà mụ nói một đằng, nhà tôi nói một nẻo.

Rồi cường quay về phía Ngữ, giọng lém lỉnh:

– Bả bảo tôi tính, tôi tính ra một ngày khác. Ai mà nhớ được “bắt đầu cớ sự” từ lúc nào. Chỉ mong qua sau Tết, chứ Tết nhất mà phải quạt than, kẹt lắm!

Quỳnh Như nói:

– Anh cho phép em vào thăm chị, chúc chị sinh được một cháu bé đẹp như Tết.

Cường thấy mình sơ ý, vội nói:

– Ấy chết, để tôi vào gọi nhà tôi ra.

Quỳnh Như xua tay:

– Thôi các anh cứ nói chuyện. Em vào buồng thăm chị được rồi.

Cường phân bua:

– Nhà tôi hơi mệt. Cô đi lối này. Em ơi, có em gái anh Tường đến chơi

Cường dẫn khách vào buồng trong rồi trở ra, lấy diêm mồi lại cái ống vố đã tắt, hỏi Ngữ:

– Lâu nay ông sống trên đó ra sao? Nghe nói phải đi lao công đào binh, có không?

– Ðâu đến nỗi thế.

Cường không tò mò hỏi thêm, chỉ hỏi:

– Liệu xin về lại Huế được không?

Ngữ ngẫm nghĩ một lúc, rồi đáp:

– Mình thấy cũng không cần. Sống ở đây lâu, không thấy cuộc sống ở đây bình lặng quá. Ði xa mới thấy hết. Huế như tách biệt ra một cõi riêng.

Cường gật đầu bảo:

– Mình cũng thấy thế. Chắc chờ bà Dung sinh xong, mình bắt đầu vận động đổi vào Sài gòn. Ở đây trầm lặng thanh bình nhưng đôi khi như một vũng cát lầy, mỗi ngày mỗi lún xuống mà mình không hay. Ở đây hợp cho tuổi về hưu, hay những người tự cho mình về hưu non.

Quỳnh Như ở buồng trong đi ra, bảo Cường:

– Chị có vẻ mệt. Nhưng chị bảo ít nhất cũng phải một tuần nữa.

Không khí bắt đầu gượng gạo, nên Quỳnh Như bảo Ngữ:

– Mình xin phép về!

Ngữ nói:

– Năm mới ghé thăm ông, chúc ông có một chú họa sĩ con kháu khỉnh.

Cường cười bảo:

– Chúc như vậy là hại đời thằng nhỏ rồi. À này, lâu quá không biết Ngô đã được về chưa?

Ngữ nói:

– Ông ở đây lại hỏi người ở xa mới về. Chưa! Nhưng gia đình Ngô đang vận động, chắc sau Tết được về thôi!

Cường đưa hai người ra cổng. Quỳnh Như chờ chủ nhà quay vào, mới bảo Ngữ:

– Anh ấy sống riêng một cõi, cô độc quá! Em không thích như vậy!

 

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 98

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây