Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Mùa Biển Động – Chuơng 89

Quỳnh Như đã cho tin sai khi bảo là Mân sẽ thuê một căn nhà cho già đình ông Bỗng để có chỗ làm đám cưới Diễm. Căn nhà ông bà Bỗng dọn về, của ông thầu khoán Toàn mua rẻ lại từ một gia đình cũng bỏ Huế mà đi như gia đình Ngữ.

Căn nhà nhỏ, lợp tôn, tường vôi xây cất đã lâu đời. Trước đây có lẽ mái nhà lợp ngói, nhưng sau nhiều lần hư hại, chủ cũ đã dùng tôn làm mái cho rẻ tiền. Giá trị thực của căn nhà không còn bao nhiêu. Ông Toàn bằng lòng mua, vì nhắm vào khu vườn rộng hơn một mẫu trồng ổi, mít và chuối.

Nhà xa đường cái, muốn ra con đường nhựa dẫn tới phố chợ An cựu, phải qua con đường mòn chạy dọc theo hàng rào dâm bụt của hai ngôi nhà cổ phía trước. Những nhà này toàn người già, con cháu đi làm ăn xa, người luống tuổi ở lại lo hương khói tổ tiên và chăm sóc mồ mả, nên nuôi chó dữ. Mỗi lần có ai đến thăm gia đình ông Bỗng, khách từ xa người nhà đã biết ngay nhờ tiếng chó sủa hằn học, dai dẳng theo bước chân người.

Ông Bỗng bằng lòng với chỗ ở mới vì ngay bên kia vườn sau là đường rầy xe lửa. Có thế chứ! Ông tận tụy suốt đời cho ngành hỏa xa, bọn chóp bu ngành này nhỏ nhen tị hiềm sa thải ông, nhưng những đầu máy diesel, những toa hàng, đường rầy không đoạn tình với ông. Ông đi đâu, đường rầy cũng theo ông, dẫn những chiếc bánh sắt chạy về phía ông, đem tiếng còi trầm và đục cho ông. Nếu hàng ngày không có tiếng xe lửa đập từng nhịp khi chuyển qua một đoạn rầy vỗ về ông, có lẽ ông đã phát điên vì hận đời, hận người.

Từ ngày bị sa thải rồi bị dời nhà, trông mặt ai ông cũng thấy ghét! Đời ông quen di chuyển, nên không chịu đựng được cảnh nằm co chờ tới bữa, rồi lóng ngóng nhìn mặt trời chờ đêm. Không có ai để đổ thù hận lên họ, ông đổ lên đầu vợ con.

Ông Bỗng cũng bực dọc vì biết cuộc sống hiện tại chỉ là tạm bợ. Diễm sắp theo chồng vào Sài gòn, vợ chồng ông không còn mong hưởng già bằng đồng lương của con gái. Bà Bỗng đã thử ra chợ An cựu buôn bán rau quả lặt vặt nhưng không đi tới đâu. Bà không hề có kinh nghiệm, đi buôn rau quả cò con chỉ là cái cớ để bà thoát khỏi những dằn vặt giận dữ của chồng. Ông Bỗng biết điều đó. Ông cũng biết thế nào ông bà cũng phải nương tựa vào chàng rể mới, phải đi những đâu Mân muốn ông bà đi. Ông có gì để mặc cả, ngoài hy vọng tình yêu vợ của Mân. Ông còn có một hy vọng khác mong manh hơn: nếu dọn về Sài gòn, có lẽ Ngọc con ông cũng tìm cách giúp đỡ ba mạ chút đỉnh.

Sống trong tình trạng ấy, ông Bỗng không tha thiết gì đến việc chuẩn bị đám cưới của con gái. Ông cũng muốn tổ chức đám cưới thật linh đình, mời thật nhiều người, để chửi vào mặt những kẻ đã ám hại ông, đã cười hể hả khi thấy ông thất thế. Nhưng tiền đâu! Cả đến bộ đồ veste ông sẽ mặc để đón nhà trai, Mân cũng phải mang đến cho ông. Mân bảo bộ áo này Mân vừa lấy ở tiệm về, nhưng ông biết đây là một bộ quần áo cũ, của một người nào đó. Quần áo mới không bao giờ có mùi long não hãm mùi mồ hôi và mùi mốc.

Trong những ngày sắp về nhà chồng, Diễm đỡ cảm thấy tủi thân và cô đơn nhờ có Quỳnh Như bên cạnh. Hai chị em đưa nhau đi may áo cưới, đưa nhau đi chợ mua thức ăn, giúp bà Bỗng nấu nướng, dọn dẹp, bày biện bàn ghế. Ngoài giờ học, Quỳnh Như về nhà Diễm, tối ở lại trò chuyện với Diễm, ngủ chung giường với Diễm. Quỳnh Như nôn nao chờ thư phúc đáp của thầy me, nên cũng sống trong tâm trạng đầy lo âu khắc khoải, cần phải tìm một người bạn để nương tựa. Hai cành cây yếu, trước cơn gió chuyển mùa (cơn gió mà họ biết sẽ mang theo những thay đổi lớn cho đời họ) đều cảm thấy se lạnh và tìm hơi ấm của nhau.

Đêm hôm đó, bên ngoài trời gió dữ. Những mảnh tôn trên mái bị gió lay va vào nhau, rên siết từng hồi. Bà Bỗng đã ngủ say, nhưng ánh đèn dầu chỗ ông Bỗng nằm vẫn còn sáng. Giường hai người bạn gái nằm chỉ cách phòng trước bằng một tấm màn vải hoa đã cũ, nên họ phải hạ thật thấp giọng, gần như thì thào. Diễm hỏi:

– Như nói thật đi! Tiền trả cho hiệu may áo cưới của mình hồi chiều là tiền túi của Như hay tiền của hai bác.

– Không! Tiền của thầy me gửi ra làm quà cưới cho Diễm đấy. Mình làm gì có nhiều tiền thế!

Diễm chưa tin hẳn, thở dài nói:

– Anh Mân bảo ngày mai lại đây sẽ mang tiền ra trả mọi khoản. Nếu tiền của Như, Như cứ thật tình, để cho Diễm gửi lại.

– Không! Tiền của thầy me Như mà. Không tin, mình đưa thư cho Diễm xem.

Diễm không nói gì, bất đầu tin lời bạn. Một lúc lâu, Diễm hỏi:

– Kỳ về Sài gòn vừa rồi của Như có vui không?

Như ngẫm nghĩ một lát, rồi đáp:

– Không vui không buồn. Diễm này, tụi mình bây giờ không còn được vui buồn rõ rệt và hồn nhiên như hồi còn học Đồng Khánh nữa. Nhớ lại hồi đó, sao giản dị quá. Chuyện không đâu cũng cười được. Kình nhau vì một cái chuyện vặt cũng khóc. Bây giờ đôi lúc giật mình tự hỏi mình đang sướng hay đang khổ, đang vui hay đang buồn? Chịu! Không đáp được.

– Chị Trang độ này ra sao?

– Vẫn thường. Có trắng ra, vì không phải lặn lội lên tận Buôn mê thuột buôn sỉ cà phê trà nữa.

– Cứ giản dị như chị Trang mà hạnh phúc!

– Sao Diễm biết chị Trang giản dị?

– Nét mặt chị ấy. Phúc hậu, điềm tĩnh như Thúy Vân!

– Chắc không đúng đâu. Chị ấy chỉ khác tụi mình ở chỗ không biểu lộ hết ra lời nói, nét mặt mà thôi! Chị ấy không nói, nhưng cái gì cũng biết hết. Chẳng hạn…

Quỳnh Như ngưng không nói hết câu, có vẻ băn khoăn không biết nên nói hay không. Diễm chờ hồi lâu, nóng một hỏi:

– Chẳng hạn cái gì?

– Thôi, Diễm biết rồi mình giấu làm gì! Chẳng hạn hôm về Sài gòn, chủ đích của Như là muốn hỏi ý kiến thầy me Như về Dale. Thế mà không có cách nào mở miệng được. Chị Trang tinh ý, hỏi có phải Như muốn thưa với thầy me chuyện gì đó không. Mình chối. Chị ấy không căn vặn, nhưng mỉm cười. Ngày cuối ở Sài gòn, Như tự hẹn là phải nói chuyện Dale, cuối cùng mở miệng vẫn không ra. Đành về Huế viết thư vậy!

Đến lượt Diễm im lặng hồi lâu, rồi thì thào:

– Mình tin là thầy me Như sẽ bằng lòng. Chúc Như hạnh phúc.

– Như cũng chúc Diễm như vậy!

– Mình không được như bạn đâu!

– Tại sao Diễm nói thế? Chính Diễm quyết định lấy ông… lấy anh Mân mà. Có ai ép uổng Diễm đâu!

Quỳnh Như nói xong, cảm thấy ngượng. Cho tới nay, Quỳnh Như vẫn không quên được vụ cha con ông Toàn quịt tiền hùn hạp buôn bán với gia đình mình. Thời gian Diễm cứ nhẩn nha không tỏ ra chấp thuận mà cũng không cự tuyệt những săn đón thăm hỏi ân cần của ông Mân, Quỳnh Như vẫn ngầm hy vọng bạn mình sớm dứt khoát với kẻ mà theo Quỳnh Như, chỉ đem đến những rủi ro, bất hạnh cho người bạn thân của mình. Nàng thất vọng khi nghe tin Diễm chấp nhận lấy chồng. Quỳnh Như đoán Diễm không quyết định vội vã, cũng không thoải mái lựa chọn. Đó là cái thế chẳng đặng đừng. Vì tế nhị, nàng không muốn hỏi cặn kẽ. Có hỏi, Như đoán trước là Diễm cũng không chịu nói. Diễm nhìn lên đỉnh mùng hồi lâu, tuy mở mắt nhưng bất động như đã ngủ. Diễm nói:

– Mình thù ghét cái nghèo, Như biết không?

Rồi không chờ bạn hỏi, Diễm tiếp:

– Chắc Quỳnh Như không hiểu được đâu. Nhà Quỳnh Như giàu, lớn lên chỉ lo đi học, không từng thắc mắc đến cái ăn, cái mặc. Sau vụ đó, tuy gia đình Như gặp nhiều hoạn nạn, nhưng vẫn chưa tới cái mức đến bữa nấu cơm vào bếp giở nắp thạp gạo, thấy chỉ có cái lon sữa bò đong gạo nằm chỏng chơ. Cái nghèo làm người ta không còn danh giá gì nữa. Gia đình là địa ngục. Bữa cơm nào mạ Diễm cũng cằn nhằn chuyện tiền bạc, chuyện gạo củi. Bữa nào ba đi làm về có chút cá, chút thịt, bữa cơm tươm tất hơn. Nhưng… nhưng Diễm biết những món đó từ đâu mà có. Một lần mình với anh Ngô bị ba mắng, hai anh em ra gốc nhãn đứng khóc ròng. Anh Ngô kể mình nghe cảnh ba quát tháo mấy chị buôn cá ở Lăng Cô, rồi bảo cái soong cá đầy mình vừa kho mặn, ba đem từ Lăng Cô về. Mình nghẹn, hồi đó không gắp lấy một miếng cá tuy mạ chỉ cho cách kho rất ngon. Như trải qua những cảnh đó mới biết mình thù ghét cái nghèo đến mức nào. Nói ra Như đừng cười, Diễm thề là Diễm phải giàu. Nếu Trời không thương không cho Diễm giàu có, thì con cái Diễm cũng phải được đầy đủ, không đến nỗi gắp một miếng thịt mà phải nhìn chừng xem có ai cau mày hay không. Diễm không bao giờ để cho con cái Diễm phải nghẹn ở cổ, nuốt không trôi miếng cơm trong miệng, như mạ và các cậu của nó.

Quỳnh Như e dè hồi lâu, mới hỏi nhỏ:

– Diễm lấy ông… lấy anh Mân vì vậy?

Giọng Diễm hơi bực bội:

– Không hẳn thế.

Tự ái bị tổn thương, Diễm tiếp:

– Nhiều cô chạy theo anh Mân mà không được. Con Thanh Hoa học bên Nguyễn Du này. Con Liễu ở Mai Khôi này. Cô Lệ Khánh trên Văn khoa này… họ có thua gì Diễm đâu. Mà anh Mân cũng có kém thớ hơn ai đâu! Không bị động viên, anh ấy cũng lấy xong cái cử nhân luật rồi. Gia thế anh ấy như vậy, họ chạy theo anh ấy là phải.

Quỳnh Như thấy bạn có vẻ giận, tìm cách làm vừa lòng bạn:

– Anh Mân bị Diễm hành hạ đủ điều mà vẫn đeo đuổi, yêu như vậy là đậm quá rồi. Nhất định Diễm sẽ hạnh phúc.

– Mình cũng mong vậy!

***

Đêm đó Quỳnh Như định trao mấy lá thư của Ngữ nhờ chuyển cho Diễm, nhưng thấy không thuận tiện. Soeur Christine giữ bốn lá thư dày chờ Quỳnh Như ra để trao lại, kèm theo lời nhắc nhủ là tu viện chỉ cho nhận thư thân nhân gửi cho người nội trú, chứ không nhận làm hộp thư chuyển cho người ngoài. Quỳnh Như bực, muốn vứt mấy lá thư ấy đi. Nàng cũng tò mò muốn biết Ngữ viết gì cho Diễm. Lòng tự trọng ngăn Quỳnh Như làm việc đó. Vấn đề còn lại, là lựa chọn hủy thư hay trao thư cho người nhận. Nàng không muốn phụ lòng tin cậy của Ngữ, đồng thời lại sợ những lá thư ấy chỉ gây rối cho Diễm. Nàng mang sẵn thư Ngữ trong xắc tay, mỗi lần về nhà Diễm, nấn ná nhiều lần vẫn chưa trao thư. Buổi sáng, Quỳnh Như nhận được lá thư dài của ông bà Thanh Tuyến. Giọng thư vừa nghiêm khắc vừa âu yếm làm cho Quỳnh Như tuyệt vọng. Cả buổi học, Quỳnh Như ngồi chăm chú nghe giảng mà không hiểu gì hết, trên trang giấy ghi chép đầy những đường viết Bic ngoằn ngoèo rối rắm như một cuộn chỉ rối. Không muốn dịch thư cho Dale biết vội, Quỳnh Như cố tỉnh táo, tự nhiên, như chưa nhận được ý kiến của gia đình.

Buổi chiều về nhà Diễm, Quỳnh Như bắt gặp bạn đang ướm thử chiếc áo cưới và tự ngắm nghía trước gương. Hình như nét mặt Diễm lúc đó đỏ hồng, vừa bẽn lẽn vì bị bắt gặp vừa như hân hoan nôn nao. Như mím môi lại, đến gần bảo bạn:

– Diễm, có người nhờ mình chuyển cho Diễm mấy cái thư!

Diễm kinh ngạc, vừa lẹ làng móc chiếc áo cưới vào góc phòng, vừa hỏi:

– Mình có thư à? Của ai thế?

Giọng Quỳnh Như trầm xuống vừa đủ một người nghe.

– Của anh Ngữ.

Diễm tái mặt, mắt ngơ ngác nhìn Quỳnh Như. Lòng Quỳnh Như dịu lại. Nàng thấy ở Diễm một người đồng hành, cùng chia sẻ với mình những trắc trở, những bất hạnh. Diễm liếc nhìn quanh, rồi hỏi nhỏ:

– Thư đến hồi nào?

– Lâu rồi! Hồi mình về Sài gòn.

Quỳnh Như cố bi thảm hóa:

– Mẹ nhất muốn trả ngay cho bưu điện, nhưng soeur Christine tử tế lắm, giữ lại cho mình. Bốn lá thư mình để trong xắc kia!

Diễm chợt hỏi lớn cho bà Bỗng nghe thấy:

– Mạ có mua bột nổi chưa mạ?

– Bột nổi à? Mày có dặn tao đâu!

Diễm chạy xuống chỗ cửa thông ra bếp, giọng líu ríu:

– Ấy chết, con quên mất! Không bột nổi làm sao làm bánh. Con phải nhờ Quỳnh Như chở đi mua ngay, trước khi phố đóng cửa. Mạ thăm chừng giùm nồi thịt kho cho con.

Bà Bỗng nói:

– Thì lúc khác hãy mua, đâu cần vội. Trời mưa thế kia!

Diễm không trả lời, cũng không thay đổi quần áo, khoác cái áo mưa đưa mắt ra dấu bảo Quỳnh Như ra đi. Quỳnh Như hiểu ý bạn. Chiếc Solex đưa hai cô gái đến một quán sinh tố gần chợ An Cựu, cất dọc theo bờ sông. Quán vắng. Quỳnh Như chờ người chủ quán đặt hai ly nước dừa xuống bàn rồi quay trở ra cửa, mới mở xắc đưa bốn lá thư dày cho Diễm.

Diễm không mở ngay thư, ngại Quỳnh Như nhìn thấy đôi tay mình run. Quỳnh Như nói:

– Để lúc khác hãy đọc.

Diễm vội vã đáp:

– Đâu được. Mình đọc xong, nhờ Quỳnh Như giữ giùm, hay hủy đi. Mình không nỡ.

Quỳnh Như xúc động nhìn vẻ bối rối của bạn. Diễm đọc được trong ánh nhìn ấy tình bạn thắm thiết, nỗi ái ngại trìu mến, lòng thương bao dung… Diễm yên tâm hơn, không sợ đôi mắt của Quỳnh Như nữa. Nàng ngượng nghịu nói:

– Mình đọc một chút nhé!

Quỳnh Như giả vờ than ly nước dừa quá nhạt cần xin thêm đường, để bỏ bàn đi về phía quày sinh tố. Chị chủ đang đứng ở cửa nhìn cảnh chợ vãn bên kia đường. Chủ khách mau chóng tìm được một đề tài chung, là cảnh sống vất vả, chuyện mua bán ế ẩm từ sau Tết Mậu Thân. Câu chuyện sa đà, Diễm được thoải mái đọc thư. Nàng không đủ bình tĩnh đọc kỹ ngày tháng trên dấu ấn của quân bưu, nên đọc thư viết sau cùng trước những lá thư khác. Diễm đoán được điều đó vì Ngữ mở đầu bằng nỗi khắc khoải gần như tuyệt vọng khi lóng ngóng chờ mãi vẫn không thấy Diễm hồi âm cho ba lá thư trước. Ngữ ôn lại trên giấy những cuống quít dào dạt của đêm ái ân, những cảm giác hôi hổi không kịp nhận ra lúc đang yêu nhau nhưng trong xa cách và tiếc nuối lại hiển hiện rõ ràng, những dư vị về sau vừa ngon ngọt vừa đắng như giọt cà phê còn lại dưới đáy cốc.

Những gì Ngữ say sưa viết ra mà không dám đọc lại đã làm cho Diễm đỏ mặt vì thẹn thùng, sau đó bị lôi cuốn vào tê mê điên dại, đến nỗi Diễm cảm thấy lòng rạo lực y như lúc nằm trong vòng tay Ngữ. Trước mắt Diễm, mọi hình ảnh đều chập chờn. Nhịp thở dồn dập trong khi đầu óc căng thẳng, không thể chịu đựng hơn nữa, Diễm ngả người dựa lưng vào thành ghế, nhắm mắt lại cho tỉnh trí.

Nàng đọc tới bức thư đầu Ngữ viết ngay hôm vừa từ Qui nhơn lên Pleiku. Lá thư nhẹ hơn. Ngữ tỉ tê kể chuyện nhà, ấn tượng đầu tiên khi bước chân tới Qui nhơn. Nói tới gió núi khi trở về, nói tới đêm cuối đạp xe nhiều vòng qua nhà Diễm chờ một tín hiệu vui. Diễm bật cười. Nếu Ngữ biết đêm ấy Diễm cũng lượn xe đạp qua lại trước nhà Ngữ nhiều lần, thấy ánh sáng bên trong, thấy cả chiếc Solex của Quỳnh Như dựng trước cửa mà do dự không dám vào. Nếu Ngữ biết nàng cũng đã đạp xe lang thang như người mất hồn khắp các phố Gia hội, lúc mệt nhoài, phố vắng mới quyết định trở về.

Quỳnh Như trở lại bàn, thấy Diễm mỉm cười một mình, liền đùa:

– Có gì vui chia sẻ cho Như bớt đi!

Diễm giật mình đưa tay chặn lên mấy lá thư, rồi kịp thời thấy mình phản ứng kỳ cục. Diễm cố cười tự nhiên,làm ra vẻ bất cần, chìa cả bốn lá thư cho bạn:

– Được! Như đọc đi!

Quỳnh Như cười phá lên:

– Thôi thôi! Mình không ngây thơ đâu! Ủa, chưa đọc hết à?

– Ừ! Còn hai cái nữa.

– Tại anh Ngữ viết dài, hay tại Diễm quên quốc ngữ?

Diễm đột ngột nghiêm nét mặt, giọng buồn:

– Tại đời rắc rối quá! Những cái mình ước ao mơ tưởng đều không thành.

Quỳnh Như vội hỏi:

– Diễm! Đã vậy sao Diễm còn bằng lòng lấy chồng. Chẳng lẽ anh Ngữ không bao giờ tỏ tình với Diễm?

Diễm không trả lời. Nàng ngồi im thật lâu, mắt nhìn phía trước, hướng về phía sông. Hai giọt nước mắt đọng ở khoé, rồi từ từ lăn xuống má!

***

Diễm lục tìm cái khăn tay trong túi áo mưa, mím môi cố dằn cơn sụt sùi và lau nước mắt trên má. Nàng hỏi mượn cái gạt tàn thuốc. Chị chủ quán kinh ngạc nhìn hai cô gái, ánh mắt bắt đầu ngờ vực khinh rẻ. Quỳnh Như không hiểu Diễm đòi cái gạt tàn thuốc làm gì, nhưng không lên tiếng hỏi. Diễm đi lấy cái gạt tàn thuốc, mượn thêm hộp diêm. Chị chủ quán hỏi mỉa:

– Hai cô thích Salem hay Kent?

Diễm không đáp, đem cái gạt tàn trở lại bàn. Nàng bắt đầu đốt bốn lá thư, chậm rãi, trân trọng như người ta đốt vàng mã để cúng âm hồn. Quỳnh Như nói:

– Trông Diễm khổ sở quá!

Diễm nói:

– Riết rồi cũng quen đi. Nhưng để rồi Như xem, mình cứng cỏi lắm! Đời không vật nổi mình đâu! Không ai ép mình phải lấy anh Mân cả! Chính mình ép mình. Quỳnh Như đừng thương hại mình. Mà thôi, mỗi người mỗi số phận. Phải không?

Bốn lá thư của Ngữ chỉ còn là những mảnh tro cong queo trên cái gạt tàn. Mùi giấy khét làm cho Quỳnh Như hắt hơi nhiều lần. Diễm lấy lại được điềm tĩnh, ngồi thẳng nhìn bạn như một bà chị. Quỳnh Như thấy Diễm thay đổi từng lúc, hoang mang không hiểu lúc nào mới nhìn thấy một Diễm thực. Diễm kể:

– Chưa về nhà chồng, Như biết không, mình đã làm cho bên nhà anh Mân ngạc nhiên. Diễm biết họ chờ gì ở Diễm mà! Diễm biết mạ anh Mân nghĩ gì trong đầu khi gặp Diễm. “Này! O dâu trưởng của tôi ơi! O phải biết hoàng tộc cũng có lắm đường hoàng tộc. Chi phái nào không biết, chứ chi phái này thì không bao giờ sui gia với hạng hạ tiện! Hạng đứng bến ở bến xe nhà ga! Nhà này vô phúc mới có một thằng con trưởng nam bất hiếu, không lo làm ăn chỉ lo nay hết chạy cho người này ra tù, mai chạy cho người khác. Bao nhiêu vốn liếng buôn bán làm ăn đổ hết vào những chuyện tầm phào! Tôi nằm một chỗ nhưng mắt tôi thấy hết, tai tôi nghe hết. Tôi…”

Quỳnh Như cắt lời bạn:

– Diễm nói gì thế? Bà cụ anh Mân đau bệnh gì?

– Bà cụ bị tê liệt nằm một chỗ từ khi sanh ra cô út. Gần mười năm nay rồi! Ăn uống, đại tiện, tiểu tiện đều phải có người giúp, không ai chịu nổi tính khó của bà cụ. Người ta mới nghĩ tới Diễm.

– Sao? Ông… anh Mân nói với Diễm như vậy à?

– Không! không ai nói trắng ra như vậy cả. Nhưng Diễm biết. Diễm đâu có ngu khi nghe ông cụ nói xa nói gần, bảo mình ra trường rồi, nếu không được bổ dụng cũng không sao, như thế càng tiện. Phần anh Mân thì mỗi lần mình hỏi chuyện nhà cửa ở Sài gòn đã xếp đặt chưa, anh ấy cứ ấp úng, nói bỏ bà cụ không nỡ. Mình hiểu liền. Họ cần một người kiêm được nhiều việc: con ở này, nữ y tá này, gác dan này, “nữ hộ lý” này!

Quỳnh Như kêu lên:

– Diễm! Sao Diễm nghĩ toàn những chuyện độc địa cho người ta! Như không thích Diễm lấy ông Mân, thành thực mà nói, Như vẫn ghét cha con nhà đó sau cái vụ hùn hạp làm ăn trong Đà nẵng. Nhưng ông Mân mê Diễm như vậy, chắc không cưới Diễm về để hầu hạ mẹ đâu!

Diễm mỉm cười, ánh mắt lóe lên tia dữ:

– Mình cũng biết thế nên có vũ khí để tự vệ. Họ tưởng ăn hiếp con bé nhà nghèo dễ! Không đâu! Khó lắm! Bọn nhà giàu quá tự tin, không thể nào hiểu hết được dân nhà nghèo như mình!

Quỳnh Như nóng mặt vì bị bạn ghép vào phe giàu rồi lăng mạ chung cả đám, nên cãi lại:

– Giàu nghèo mà quan hệ gì? Tại sao Diễm cứ bị ám ảnh về chuyện tiền bạc của cải? Giàu nghèo chỉ là tạm bợ, cái chính là lòng tốt, là lòng chân thành.

Diễm tức tối nói:

– Lòng tốt có tẩm ngũ vị hương để thành vịt tiềm được không? Lòng chân thành có ướp lạnh để khui cho nổ đôm đốp như khui Champagne đãi bạn bè họ hàng hay không? Như nói đi. Được không? Như quay nhìn bạn bè quen biết chung quanh xem, bao nhiêu người tốt, người chơn chất mà được giàu có, sung sướng? Con cái họ ra sao, làm gì?

Quỳnh Như biết khó lòng bàn chuyện phải trái với bạn lúc này, nên im Iặng không đáp. Diễm được thế, giọng đắc thắng:

– Quỳnh Như có tìm ra ai đâu? Quỳnh Như vừa bảo là anh Mân quịt tiền của thầy me Quỳnh Như.

Quỳnh Như bực quá, la lớn:

– Mình không nói như thế! Diễm…

Diễm cướp lời bạn:

– Quỳnh Như không nói thế nhưng trong lòng nghĩ thế. Hùn hạp làm ăn với nhau, bị lỗ lã mất vốn là chuyện thường. Có ăn thì phải có chịu…

Diễm hăng hái bênh vực cha con ông Toàn. Quỳnh Như ngơ ngác nhìn bạn, không hiểu Diễm yêu Mân hay bị hoàn cảnh đưa đẩy phải lấy Mân. Diễm nói liên miên, như một thương gia chính hiệu bênh vực cho nghề của mình. Chờ cho bạn nói xong, Quỳnh Như chậm rãi bảo:

– Như xin lỗi đã làm cho Diễm bực.

Rồi trỏ những mảnh tro trên cái gạt tàn, nàng tiếp:

– Và xin lỗi đã làm phiền Diễm.

Diễm giật mình nhìn bạn đăm đăm, giọng run run thì thào như tự hỏi mình:

– Sao Quỳnh Như lại xin lỗi Diễm? Diễm chưa kịp cảm ơn Như về chuyện bốn lá thư, Như lại xin lỗi? Như mỉa mai Diễm cái gì? Diễm nói như người điên, chắc có điều gì xúc phạm Như phải không?

Giọng Quỳnh Như vẫn còn hờn dỗi:

– Không có gì đâu! Diễm có nói điều gì làm mình buồn đâu!

Đột nhiên Diễm nói:

– Như có biết là dù lấy Mân, mình vẫn là vợ anh Ngữ không? Diễm muốn thế! Như đừng nhìn mình như một quái vật, một con điên. Một ngày nào đó, Như sẽ hiểu!

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 110

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây