Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàTruyền ThôngPhỏng VấnÐầu năm viếng chủ báo: Nguyễn Mộng Giác và báo Văn Học

Ðầu năm viếng chủ báo: Nguyễn Mộng Giác và báo Văn Học

Trần Long Hồ phỏng vấn nhà văn Nguyễn Mộng Giác, chủ biên báo Văn Học.

1. Có lẽ Văn Học là một tờ báo văn chương kỳ cựu nhất và cũng là tờ có giá trị nhất trong sinh hoạt văn học hải ngoại. Từ khi tờ tiền thân của Văn Học là Văn Học Nghệ Thuật xuất hiện vào tháng 04-1978, đến nay đã hơn 22 năm. Lúc đó tờ Văn Học Nghệ Thuật do nhà văn Võ Phiến làm chủ nhiệm và nhà văn Lê Tất Ðiều làm chủ bút, còn giám đốc trị sự và mỹ thuật là họa sĩ Lâm Triết, và ông Trần Ðình Long làm giám đốc kỹ thuật. Trong thời gian lâu dài như vậy, chắc hẳn tờ Văn Học đã trải qua nhiều chặng đường chông gai và gặp lắm trở ngại. Ðến nay, tờ Văn Học vẫn tồn tại và đứng vững, chứng tỏ những người chủ trương đã bỏ nhiều công sức và khổ nhọc để duy trì tờ báo. Như vậy, lịch sử sống còn của tờ Văn Học mang nhiều yếu tính lịch sử sinh hoạt văn học hải ngoại. Là người chủ biên hiện tại và lâu dài của tờ Văn Học, xin ông cho độc giả biết qua về tiến trình thành lập và phát triển của tờ Văn Học từ lúc tiền thân của nó là tờ Văn Học Nghệ Thuật?

NMG: Vâng. Văn Học Nghệ Thuật là “tạp chí văn nghệ đầu tiên của người Việt hải ngoại”, như Ban Chủ biên tạp chí đã hãnh diện cho in trên bìa báo, thời nhà văn Võ Phiến làm chủ nhiệm, nhà văn Lê Tất Ðiều làm chủ bút, Ông Trần Ðình Long làm Giám đốc kỹ thuật (phụ trách in ấn và quản trị). Số đầu của Văn Học Nghệ Thuật ra vào tháng Tư 1978, và chỉ xuất bản được 11 số rồi đình bản.

Tháng 11 năm 1982 tôi từ trại tị nạn Galang Nam Dương đến định cư tại Hoa Kỳ, đầu tiên tạm cư ở Houston, tháng Ba năm sau sang California và định cư vĩnh viễn tại đây. Giao tình cũ của tôi với các nhà văn Võ Phiến và Lê Tất Ðiều, do cùng cộng tác chặt chẽ với tạp chí Bách Khoa ở Sài Gòn trước 1975, được dịp nối lại, nhưng bấy giờ mỗi người do hoàn cảnh phải lo việc mưu sinh riêng, nên không có cơ hội làm việc với nhau trong sinh hoạt văn chương. Mãi đến năm 1985, cơ hội mới đến.

Ban đầu, dự tính xuất bản một tạp chí văn chương là do một nhóm văn hữu thân thiết với tôi như Hoàng Khởi Phong, Cao Xuân Huy, Nguyễn Bá Trạc, Nhật Tiến, Phạm Quốc Bảo, Bùi Vĩnh Phúc, Vũ Huy Quang… tất cả đều ở Quận Cam Nam California, nhờ một người bạn của anh Hoàng Khởi Phong có nhã ý muốn tài trợ toàn phần cho tạp chí, như một cách quảng cáo cho cơ sở buôn bán đồ gỗ của ông. Nhưng dự tính ấy gặp trở ngại, nên cuối cùng việc xuất bản tạp chí không thành, rồi hoàn cảnh đưa đẩy tới quyết định tục bản tờ Văn Học Nghệ Thuật, với nhà văn Võ Phiến làm chủ nhiệm, nhà văn Lê Tất Ðiều làm chủ bút, và tôi làm thư ký tòa soạn, Trị sự và Kỹ thuật do anh Trần Ðình Long (chủ nhà in NV Printing) đảm nhiệm. Số 1 Văn Học Nghệ Thuật Bộ mới ra đầu tháng Năm 1985. Tạp chí Văn Học Nghệ Thuật tục bản ra được 9 số (trong đó có số đôi 8 & 9 là số Xuân 1986) rồi lại đình bản, sau đó tạp chí Văn Học do tôi chủ trương ra đời.

2. Ông định cư tại Hoa Kỳ nhiều năm sau khi tờ Văn Học Nghệ Thuật được thành lập. Xin ông cho biết lý do nào tờ báo đổi tên thành Văn Học cũng như động cơ nào thúc đẩy ông đứng ra đảm nhận trọng trách chủ biên (hay chủ bút) của tờ Văn Học?

NMG: Có thay đổi là do những sáng tác tôi viết thời bấy giờ, nói rõ hơn là do tôi xuất bản cuốn 1 (Những đợt sóng ngầm) và cuốn 2 (Bão nổi) của bộ trường thiên Mùa Biển Ðộng. Cuốn Những đợt sóng ngầm xuất bản năm 1984 gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi về chủ đích của tác giả, chẳng hạn nhiều tờ báo thời bấy giờ chỉ trích tôi dữ dội về cách tôi viết về chế độ Ngô Ðình Diệm, về phong trào tranh đấu Phật giáo, về hành vi của một nhân vật (Lãng) là lính binh chủng Dù. Tôi không trả lời các lời công kích, chỉ viết một bài trần tình bảo bộ trường thiên chưa viết hết, xin độc giả đợi đọc trọn bộ hãy phê phán, nhưng những lời chỉ trích ngày càng nhiều. Nhà văn Võ Phiến và nhà văn Lê Tất Ðiều nghĩ giải pháp tốt hơn hết là tôi nên tránh việc trực tiếp đương đầu với những lời chỉ trích, nhất là đừng để cho tạp chí Văn Học Nghệ Thuật phải dính vào những chuyện tranh luận quanh cuốn sách của tôi. Tôi cũng chủ trương như vậy, vì ngay cả bài trần tình duy nhất tự bênh vực mình, tôi cũng không đăng trên Văn Học Nghệ Thuật. Nhưng tôi không đồng ý chủ trương nên rút lui khỏi tờ Văn Học Nghệ Thuật. Tôi chấp nhận chịu trách nhiệm những gì tôi viết, và cho tới bây giờ, vẫn tin rằng những gì tôi nhận NGUYỄN MỘNG GIÁC 152
định về hai mươi năm Việt Nam Cộng Hòa trong bộ Mùa Biển Ðộng là đúng. Cho nên mặc dù hoàn cảnh sống của tôi lúc bấy giờ rất khó khăn, tôi vẫn nhất định duy trì nuôi dưỡng tờ báo, chỉ đổi tên thành Văn Học để hai nhà văn Võ Phiến và Lê Tất Ðiều khỏi phải liên đới trách nhiệm về những gì tôi viết và những gì sẽ đăng trên Văn Học.

Tôi nghĩ giải quyết như thế là sòng phẳng, và mười lăm năm hiện diện của tờ Văn Học, cùng những cuốn sách tôi đã in từ đó đến nay, cũng đã đủ để trả lời những lời công kích hoặc những ngộ nhận thời bấy giờ.

3. Trong quá trình hình thành tờ Văn Học, ông đã phải đương đầu với nhiều khó khăn. Trong số khó khăn đó, có lẽ tài chánh là trở ngại quan trọng, ngày nay tờ Văn Học vẫn sống thọ, như vậy ông đã có cách khắc phục trở ngại này, ông có thể cho độc giả biết cách thức của ông như là một kinh nghiệm hay không?

NMG: Anh nói đến “kinh nghiệm” đương đầu với khó khăn tài chánh? Xin anh hỏi những người điều hành các tờ tạp chí khác, chứ kinh nghiệm của Văn Học là một kinh nghiệm tồi! Suốt 15 năm xuất bản, cho tới nay Văn Học chưa có khả năng làm một việc đáng lý phải làm từ đầu, là trả nhuận bút cho các tác giả. Văn Học cũng không trả được đồng nào cho những người trong ban điều hành có tiền cà phê thuốc lá hoặc đãi đằng xã giao bạn bè cộng tác phương xa đến thăm. Hai khoản chi duy nhất của Văn Học là tiền in và bưu phí gửi báo. Một “business” lâu đời tới mười lăm năm mà như thế, thì có gì hay ho để kể cho những bạn văn muốn xuất bản một tạp chí văn chương.

Văn Học sống được cho đến ngày nay là nhờ ở tinh thần cộng tác bất vụ lợi của các văn hữu, và các độc giả dài hạn. Quí văn hữu cần một diễn đàn tương đối “tử tế” để phổ biến những điều mình viết ra từ tâm huyết, nên sẵn sàng thông cảm cho Văn Học. Còn bạn đọc dài hạn cũng như các bạn đọc mua Văn Học ở các hiệu sách, nguồn tài trợ chính của Văn Học, thì mua và đọc Văn Học vì yêu văn chương chữ nghĩa, không ngại mất thì giờ. Số “ân nhân” quí giá này, thành thực mà nói, không nhiều như số người giải trí bằng video ca nhạc hay phim bộ Hồng Kông. Chúng tôi không có con số chính xác, nhưng đoán số độc giả chịu khó đọc tạp chí văn chương và khảo cứu Việt học ở hải ngoại chỉ vào khoảng trên dưới một nghìn người. Với con số đó, và với nội dung như nội dung tờ Văn Học, chúng tôi nghĩ khó lòng thoát ra khỏi tình trạng tài chánh khiêm tốn hiện nay.

4. Có một giai đoạn ông giao trọng trách chủ biên tờ Văn Học lại cho các nhà văn như Trịnh Y Thư, Hoàng Khởi Phong, Khánh Trường, và Cao Xuân Huy. Sau đó các ông Hoàng Khởi Phong rồi Trịnh Y Thư giữ vai trò chủ biên trong một khoảng thời gian. Từ đó, có sự bất đồng về quan điểm trong chủ trương tờ Văn Học mà nhà văn kiêm họa sĩ Khánh Trường đã đứng riêng ra để thành lập tờ Hợp Lưu. Lý do nào đưa đến sự thay đổi liên tục trong vai trò chủ biên tờ Văn Học?

NMG: Tháng 11 năm 1989, tôi giao hẳn trách nhiệm chủ biên và điều hành tờ Văn Học cho hai bạn văn thuộc nhóm sáng lập Văn Học từ thuở đầu, là Hoàng Khởi Phong và Cao Xuân Huy. Lý do chính là tình trạng tài chánh khó khăn của tôi. Từ số 1 Văn Học Nghệ Thuật tục bản ra tháng Năm 1985 cho đến số 44 Văn Học, tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn việc tài chánh của tờ báo. Trong bài “Nhìn lại một chặng đường” in trên Văn Học số 44, tôi có viết: “Cho đến số 44 vừa qua, chưa tháng nào việc thu chi của Văn Học được quân bình. Tiền bù lỗ hàng tháng tuy không nhiều, lên xuống tùy theo số tiền thanh toán của các hiệu sách và tiền độc giả gia hạn nhanh chậm, nhưng nói chung chừng hai, ba trăm Mỹ kim…”.

Số tiền bù lỗ này, tôi thấy trước là không thể kham nổi khi gia đình tôi có thêm hai người nữa, vì nhà tôi và cháu gái sắp qua Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ gia đình vào đầu năm 1990. Tiền lương tôi nhận được từ Công ty Niên giám điện thoại GTE lại quá thấp. Không còn giải pháp nào khác hơn là “chạy làng” trước khi nhà tôi qua. Và hai bạn Hoàng Khởi Phong và Cao Xuân Huy thì “điếc không sợ súng” nhờ có máu nhà binh trong người, sau khi nghe tôi trình bày hoàn cảnh, đã sẵn sàng tiếp tục gánh nặng Văn Học.
Từ tháng 11 năm 1989, Ban Chủ biên Văn Học hoàn toàn thay đổi, gồm ba người: Hoàng Khởi Phong, Cao Xuân Huy và Khánh Trường.

Về sau khi anh Hoàng Khởi Phong vì việc mưu sinh phải lên San Jose, rồi Houston, Cao Xuân Huy phải mời nhà văn Nguyễn Ðức Lập giúp đỡ trong việc biên tập. Ðó cũng là thời kỳ tình hình sinh hoạt chữ nghĩa trong nước có nhiều biến chuyển lớn, văn nghệ sĩ được “cởi trói” và một loạt các văn nghệ phẩm, tác giả mới lọt ra được nước ngoài, như phim của Trần văn Thủy, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Phạm thị Hoài, truyện dài Bảo Ninh, Dương Thu Hương, cao trào văn nghệ mà ngoài này gọi là “văn nghệ phản kháng”. Một hiện tượng như thế không thể không tác động lên suy nghĩ của ban biên tập Văn Học. Các anh phụ trách biên tập Văn Học lúc đó chia làm hai nhóm: một nhóm nghi ngờ thực tâm của văn chương phản kháng, một nhóm xem đây là những người đồng chí hướng. Do đó mới có chuyện Khánh Trường tách ra làm tờ Hợp Lưu. Thời gian đã đủ dài để bây giờ chúng ta nhận biết ai đúng ai sai. Riêng tôi, tôi cho rằng cột chặt văn chương vào chính trị, văn chương chẳng có lợi gì, chỉ thua thiệt. Nhà văn dĩ nhiên không thể thoát ra ngoài môi trường chính trị mình đang sống, nhưng xem những gì họ viết là biểu hiện chính trị thuần túy, thì sai lầm. Con người sáng tạo, tác phẩm văn chương phức tạp hơn nhiều. Nếu người viết đơn giản là công cụ chính trị, thì toàn thể nhà văn nhà thơ chỉ là những cán bộ tuyên truyền.

5. Một thời gian sau, ông nhận lại vai trò chủ biên tờ Văn Học và đảm nhiệm công việc này cho đến ngày nay. Xin ông cho độc giả biết lý do của sự chuyển biến này?

NMG: Có những lúc tờ báo chỉ còn độc một mình Cao Xuân Huy lo, còn nhà thơ Trịnh Y Thư thì gồng mình gánh gánh nặng tài chánh. Cho nên Cao Xuân Huy lại nhờ tôi, qua quen biết rộng trong văn giới liên lạc để xin bài. Cho đến tháng 11.1994 thì Cao Xuân Huy và Trịnh Y Thư kham không nổi nữa, quyết định “trả lại” tờ Văn Học cho “người gây ra nó” là tôi. Số phận lêu bêu của Văn Học, như anh thấy đó, là số phận một đứa con khó nuôi. Và như tâm lý các bậc cha mẹ lỡ sinh một đứa con bệnh hoạn bất hạnh, tôi cũng không đành tâm bỏ nó khi bị “trả lại”. Từ đó mới có một nhóm chủ trương gồm các anh Châu văn Thọ, Lê Thọ Giáo, Mai Kim Ngọc, Nguyễn Xuân Hoàng và tôi trách nhiệm duy trì tờ Văn Học cho đến nay. Nhà văn Mai Thảo mất, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng tiếp tục điều hành tờ Văn. Như vậy ba tạp chí văn chương Văn, Văn Học, Hợp Lưu tuy khác nhau về chủ trương biên tập và hình thức, nhưng cũng là chỗ thân tình, cùng chia sẻ với nhau cái đam mê muốn cho văn chương có một chỗ đứng độc lập nào đó trong cảnh hỗn độn đầy tiếng la hét ồn àocủa sinh hoạt chính trị.

6. Số đầu của tờ Văn Học, Lá Thư của Ban Chủ Biên có đề ra, nối tiếp đường lối mà nhà văn Võ Phiên chủ trương trước đó cho tờ Văn Học Nghệ Thuật là (1):
– Giới thiệu những bài khảo cứu văn hóa Việt Nam mới nhất của giới học giả tại hải ngoại.
– Giới thiệu các nền văn chương lưu vong chống cộng của các dân tộc khác trên thế giới.
– Phân tích phê bình loại văn chương tuyên truyền của cộng sản Việt Nam hiện nay.
– Theo dõi các biến cố văn nghệ quan trọng trên thế giới. – Ðiểm sách và phê bình các tác phẩm văn nghệ Việt Nam tại hải ngoại.
– Giới thiệu truyện ngắn, thơ, tùy bút… thật chọn lọc do các văn hữu hải ngoại vừa sáng tác.
Qua một thời gian lâu dài với nhiều chuyển biến của chính trị và xã hội, chủ trương mà ban chủ biên vạch ra từ số đầu vào tháng 02- 1986 cho đến nay tất nhiên có thay đổi. Xin ông cho độc giả biết những gì sửa đổi và bổ sung trong chủ trương của tờ Văn Học?

NMG: Sau này các nhà nghiên cứu về văn chương hải ngoại có thể đọc lại các số Văn Học để tìm ra những thay đổi trong nội dung và hình thức bài vở đăng trên Văn Học. Riêng tôi, người chịu trách nhiệm chính trong việc biên tập Văn Học, tôi thấy những chủ trương ban đầu anh nhắc lại trong câu hỏi không khác với chủ trương hiện nay bao nhiêu.

Nếu có những mục trong chủ trương nêu ra không thể hiện đầy đủ vào thời này hay thời khác trên Văn Học, theo ý tôi, là do những thay đổi từ phía văn hữu, chứ không do phía ban biên tập. Vì một thực tế này: các tạp chí văn chương hải ngoại trông chờ bài các văn hữu gửi về để đăng như con trông mẹ về chợ, kỳ báo nào in xong cũng hồi hộp trông chờ bài cho số sau. Rất ít bài dự trữ, và những bài “đặt hàng” cho những “người có thẩm quyền” cũng ít có hồi âm. Nghĩa là ban biên tập không chủ động được nội dung của bài vở. Một tạp chí có giá trị hay không, không do tài điều khiển của người chủ trương (có binh đâu mà điều khiển!), mà do cảm tình và lòng tin cậy của người viết dành cho người chủ trương.

Chỉ có một điểm thay đổi rõ ràng là có chủ trương của Văn Học. Ðầu năm 1992, lúc Văn Học lâm vào khủng hoảng đến nỗi báo ra trễ nhiều lần và đã tính đến chuyện biến tờ báo từ nguyệt san thành số đôi hai tháng ra một lần, tôi phải trở lại trực tiếp làm chủ bút giúp Cao Xuân Huy lo bài vở để cải tiến tờ báo. Trong thư tòa soạn số 74 (tháng Sáu 1992), tôi viết: “Ban Chủ biên Văn Học đồng ý là cần duy trì tờ Văn Học như một diễn đàn văn chương của người Việt hải ngoại, phản ảnh đời sống tinh thần của người Việt hải ngoại. Vì là diễn đàn của người Việt hải ngoại nên Văn Học phải đặt ưu tiên những vấn đề của đồng bào hải ngoại; đó là căn cước, là yếu tính, và nếu Văn Học có đóng góp được gì cho sinh hoạt văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung, thì phần đóng góp cũng từ chỗ đứng đó.

Vì là diễn đàn văn chương, nên Văn Học tự giới hạn trong những vấn đề thuộc phạm vi văn chương, không để bị lôi cuốn vào các vận động chính trị giai đoạn. Văn chương không thể đứng ngoài những cuộc vận động chính trị nhằm bảo vệ quyền tự do, quyền sống của con người, nhưng Văn Học quan niệm sự đóng góp tích cực nhất, cần thiết nhất của văn chương vào cuộc vận động là những tác phẩm giá trị nhằm đề cao con người, đả phá những thế lực tha hóa hoặc đàn áp quyền sống thiêng liêng của con người.”

Chủ trương đó khiến Văn Học quan tâm giới thiệu, nhận định, quảng bá các tài năng văn chương hải ngoại nhiều hơn các báo bạn; quan tâm đến việc sưu tập, sơ kết các thành quả của văn học hải ngoại; giới thiệu các tác giả và tác phẩm quan trọng của văn chương hải ngoại. Ngược lại, trên Văn Học không có những thời sự chính trị nóng bỏng hay những tranh cãi chính trị hấp dẫn sự tò mò của bạn đọc, như vụ Tổng thống Clinton qua thăm Việt Nam, cuộc biểu tình đòi Thái lan trả tự do tức khắc cho Lý Tống…

7. Trong số bài xuất hiện trên Văn Học trong nhiều năm qua, hình như có sự xuất hiện thưa thớt của các tác giả miền Nam, có người gọi nôm na là “miệt vườn”. Ðiều này có đúng hay không? Nếu có, ông có thể vui lòng giải thích lý do cho độc giả biết hay không?

NMG: Văn chương “miệt vườn” là một khuynh hướng sáng tác đặc biệt trong văn chương hải ngoại, với các tác giả gốc “Nam kỳ” (chính xác hơn chữ Miền Nam) như Hồ Trường An, Kiệt Tấn, Nguyễn văn Sâm, Ngô Nguyên Dũng, Nguyễn Ðức Lập, Trần Long Hồ, Xuân Vũ, Nguyễn văn Ba, Võ Kỳ Ðiền, Nguyễn Tấn Hưng… Tôi không kể một số tác giả gốc Nam kỳ khác (như Phan thị Trọng Tuyến, Nguyễn thị Ngọc Nhung) vì lối viết của họ không có “tính cách Nam Kỳ” truyền thống. Giới nghiên cứu văn học sẽ bàn kỹ thế nào là văn chương Nam kỳ truyền thống, theo tôi, nghĩ thoáng qua tôi thấy loại văn chương đó chú trọng đời sống và tâm tình người vùng Nam kỳ (phần lớn là dân quê), thiên về phong tục và sử dụng tối đa ngôn ngữ nói cho văn chương (khác với ngôn ngữ viết của các nhà văn Bắc và Trung kỳ). Có một thời kỳ (từ 1985 đến 1990) văn chương “miệt vườn” nở rộ trên Văn Học, với những văn phẩm xuất sắc của Hồ Trường An, Kiệt Tấn, Nguyễn văn Sâm, Ngô Nguyên Dũng.. Tôi nghĩ cho đến bây giờ, những truyện ngắn hay nhất của Hồ Trường An, Kiệt Tấn là những truyện “miệt vườn” các anh ấy cho đăng trên Văn Học.

Nhưng sau đó, “văn chương miệt vườn” thoái trào. Ngã Nguyên Dũng bỏ viết truyện “miệt vườn”. Nhiều người khác vẫn tiếp tục, nhưng tôi cho là không thành công bằng những gì Hồ Trường An và Kiệt Tấn đã viết. Lý do của thoái trào? Văn chương “miệt vườn” nằm trong dòng văn chương hoài niệm quê hương. Nó chỉ tha thiết, chỉ hấp dẫn khi chúng ta cảm thấy mất quê hương vĩnh viễn, không bao giờ có thể nhìn lại quê hương thân yêu trong đời sống này. Các thay đổi những năm gần đây khiến trở về thăm quê cũ không khó khăn mấy. Hình ảnh quê hương được điều chỉnh lại, thay thế cho những hồi cố trong “miệt vườn”. Có viết theo kiểu “miệt vườn” chỉ là viết rán.

Văn Học ít đăng những truyện “miệt vườn” vì số người viết loại này ít đi, những truyện hay loại này ít đi, mà số truyện loại này gửi về tòa soạn cũng thưa thớt. Lý do chỉ thế thôi. Không có kỳ thị địa phương hay phe nhóm ở đây.

8. Tương tự như câu hỏi trên, trong nhiều năm gần đây có sự thiếu vắng bài viết của những tác giả ở ngoài nước không chấp nhận chế độ Cộng Sản, ông có thể vui lòng giải thích điều này cho độc giả biết hay không?

NMG: Xin thành thực thưa với anh, đây là một câu hỏi đầy sơ ý. Sơ ý vì nếu tôi hỏi lại: “Thế những người viết trên Văn Học đều là những người “chấp nhận chế độ Cộng sản” hay sao? Văn Học là tờ báo Cộng sản hay Thân Cộng nên những người không chấp nhận Cộng sản tránh xa không cộng tác nữa hay sao?” chẳng lẽ anh sẽ trả lời: “Quả đúng như thế, Văn Học bị những nhà văn chống Cộng xa lánh, cô lập, bất hợp tác.” Tự xưng tụng mình hay phe nhóm mình là Chống Cộng tích cực, là Chiến sĩ Tự Do không phải là điều Văn Học muốn bạn đọc khen ngợi. Ðã có những tờ như Làng Văn làm việc này. Ðăng những tuyên ngôn tuyên cáo nẩy lửa, những truyện ngắn bài thơ đấu tranh khí thế ngút trời (nhưng giá trị văn chương ít ỏi) cũng không phải là “sứ mệnh” nhóm Văn Học muốn mang. Văn Học chỉ đăng những tác phẩm vừa chống Cộng vừa có giá trị văn chương, vì không phải hễ tác phẩm chống Cộng “tất nhiên” phải có giá trị văn chương. Văn Học không lúc nào thiếu những tác phẩm của những nhà văn không chấp nhận Cộng sản, Văn Học chỉ thiếu vắng những bài vở “chống Cộng nhưng dở”. Xin nhắc lại: Không phải tác phẩm chống Cộng nào cũng hay.

9. Ở cương vị chủ biên tờ Văn Học, trong khi chọn bài dĩ nhiên ông bị ảnh hưởng rất nhiều từ mọi phía và bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau. Ông có thể cho độc giả biết một cách cụ thể, trong một ước lượng phải đành bằng con số về phần trăm ảnh hưởng của các yếu tố sau đây:
– cảm tình bè bạn.
– cảm tính trong ý thích và nhận định cá nhân.
– tên tuổi tác giả.
– lập trường chính trị.

NMG: Tôi không thể định lượng một cách cụ thể các yếu tố chi phối việc chọn bài. Trên thực tế, người chủ bút hoàn toàn chủ quan trong việc chọn bài, đúng hay sai, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của tờ báo. Nếu chung quanh vị chủ bút có một số bạn hữu có trình độ, việc chọn lựa bài đăng của chủ bút sẽ bớt định kiến, giá trị bài vở sẽ khá hơn. Ngược lại, giá trị tờ báo ngang bằng với trình độ chủ bút, không tránh được.

Riêng Văn Học, chúng tôi quan tâm đến giá trị văn chương và chất lượng khoa học của bài khảo cứu hơn là quá khứ chính trị của tác giả. Trên cùng một số báo, có bài của những tác giả có lập trường chính trị đối nghịch nhau. Họ chỉ giống nhau ở bài viết: cả hai bài đều đả phá những thế lực đàn áp con người, bóp chết tự do. Có thể có những người cho rằng chỉ có mình mới là người nắm giữ chân lý, nhất định không thèm đứng chung với những ai không giống mình. Những vị đó khó chịu khi thấy tên mình xuất hiện bên cạnh những “con nọ, thằng kia”. Quí vị đó quá khó tính! Văn Học mất một số cộng tác viên tương tự như quí vị đó, nhưng không lấy làm tiếc.

10. Trong số vấn đề mà các vị chủ biên phải đương đầu, có hai điểm cần xét rõ là “vị nể” và “bị hù dọa”. Có những tác giả “cổ thụ” gởi bài đến, đôi khi giá trị bài viết có giới hạn, mà ông không muốn đăng trên tờ Văn Học, ông đã giải quyết như thế nào? Có những tác giả mà bài viết có vẻ “trang hoàng kiến thức” và mang tính “chiếu chỉ cung đình”, dĩ nhiên bài viết thường có giá trị, trong những trường hợp như vậy ông có cảm thấy “bị hù dọa” bởi bài viết và phải đăng chúng trên tờ Văn Học hay không?

NMG: Bài vở Văn Học nhận được không nhiều đến nỗi tôi phải băn khoăn khi phải chọn bài này, bỏ bài kia. Tạp chí cũng không phải là một thế lực trần thế ghê gớm đến nỗi người ta phải hù dọa chủ bút để đăng bài của mình. Ðăng bài trên Văn Học làm sao gây chấn động lớn lao ngay lập tức cho bằng phóng một bài chửi bới nẩy lửa lên Internet? Vì bài vở ít, nên thông thường bài của những vị đã có tiếng tăm trong văn giới thường được chọn đăng với rất ít sửa chữa của biên tập. Những vị này trực tiếp chịu trách nhiệm với bạn đọc về bài viết của mình, và thông thường, họ cũng rất cẩn thận khi đưa bài để đăng. Bài của những tác giả mới viết, nhất là những bài khảo cứu (chúng tôi không biết khả năng thực sự của tác giả thế nào, lại không có phương tiện kiểm chứng khoa học những gì đưa ra trong bài khảo cứu), chúng tôi dè dặt hơn. Nhiều vị có bằng cấp cao, nay hồi hưu rảnh rỗi, hưởng nhàn bằng cách quay sang khảo cứu một đề tài không thuộc chuyên môn của mình, nên bằng cấp cũ không đủ bảo đảm giá trị của bài viết. Nói chung, suốt thời gian làm chủ bút Văn Học, tôi chẳng bị ai “hù dọa” cả.

11. Ðể phát triển tờ Văn Học, ông có dùng những thủ thuật riêng như là chiến thuật vận động. Chẳng hạn như ông cố tình đăng những bài, mặc dù bản thân ông không thích, nhưng bài ấy có tác động “đụng chạm lớn” có thể gây ra “một chiến trường đẫm máu trong sinh hoạt văn học”?

NMG: Tờ Văn Học cứ “xìu xìu ểnh ểnh” như thế sau 16 năm, chứng tỏ tôi không biết làm “business”, Văn Học chẳng nắm được thủ thuật “câu khách’ nào cả. Văn Học “hiền khô”, hay tránh xa các vụ tranh cãi. Ai chửi cũng im lặng chịu đựng, không “trả miếng”. Như anh thấy, không hề có “chiến trường đẫm máu” nào trên Văn Học.

12. Ðã từ lâu và còn mãi tới bây giờ, sinh hoạt văn học hải ngoại vẫn còn tồn tại những hình thức “bộ lạc”. Ông có nghĩ rằng ông vẫn là một “tù trưởng” của bộ lạc Văn Học hay không? Nếu có, ông sẽ làm cách gì để chuyển hóa nó lên một hình thái cao hơn?

NMG: Nhận định bất cứ chuyện gì cũng cần chú ý đến thực tế. Thực tế của sinh hoạt văn chương ở hải ngoại là những cố gắng cá nhân đơn độc, bằng những phương tiện thô sơ giữa một thời kỳ khoa học kỹ thuật tiến bộ vượt bực. Một tạp chí ra hằng tháng mà chỉ có một người làm từ A đến Z (kể cả những nhà xuất bản lớn có uy tín như Văn Nghệ chẳng hạn, cũng vậy), thì nói tới “bộ lạc” đã là phóng đại rồi. Tờ báo do một người lo, nên phản ảnh cái ưu cái khuyết của người chịu trách nhiệm trực tiếp rất rõ. Sức tập trung của một tờ báo dựa vào cá tính của người đứng mũi chịu sào, nhiều hơn những thứ lớn lao như là chủ trương, lập trường chính trị, văn phong, trường phái.

Chẳng hạn bây giờ Văn Học do tôi chịu trách nhiệm chính, nên là “bộ lạc” của những người “có vẻ” (tôi nhấn mạnh chữ có vẻ) trung dung, nghiêm chỉnh. Nhưng nếu Văn Học chuyển qua tay một chủ bút khác, nó sẽ trở thành “bộ lạc” những người chịu chơi, ưa nổ, chủ trương văn chương phải như cuồng phong, bão lửa…

13. Trong quá trình hoạt động của một chủ biên văn học, ông có gì phải “tự thú” với độc giả hay không? Chẳng hạn như ông đã không ưa mà hay “dìm” một tác giả nào đó. Hoặc là ông thích mà “đưa” tác giả nào đó lên một cách thường xuyên hay ca ngợi người ấy có phần lộ liễu.

NMG: Tài năng bây giờ có nhiều phương cách để bộc lộ ra cho thiên hạ biết, đâu phải chỉ duy nhất qua tạp chí văn chương. Có một bài thơ, một truyện ngắn ưng ý, đưa in lên báo Việt ngữ địa phương quá dễ. Người ta kỳ thị thì mình phóng lên Net. Nhóm chủ trương các website trên Net kỳ thị nữa, thì mình tự làm riêng website của mình, có kèm đủ hình ảnh, tiểu sử, bằng cấp. Làm sao dìm tài của ai, hay thổi phồng được ai nếu người đó tự họ không có tài? Cũng có những trường hợp “giao tế”, nhưng rất ít.

14. Là một vị chủ nhiệm một tạp chí thuần túy văn chương lâu đời, xin ông vui lòng cho độc giả biết một cách khái quát về tình trạng “lão hóa” trong sinh hoạt văn học, cụ thể về tác giả sáng tác và độc giả?

NMG: Lão hóa là một hiện tượng tất nhiên của văn chương hải ngoại, một hiện tượng không thể khác đi, không thể tránh né. Lý do cũng dễ hiểu: lớp trẻ lớn lên nơi xứ người không thông thạo tiếng Việt, thậm chí không biết tiếng Việt, thì đâu là nền tảng cho một dòng văn học tồn tại lâu dài? Người đọc sách báo tiếng Việt hiện nay phần lớn ở vào lứa tuổi từ 40 trở lên, người viết thì lứa tuổi trung bình cao hơn, có thể là 50. Người viết phái nữ trẻ tuổi hơn người viết phái nam. Ðấy là một thực tế, gây khó khăn cho những mong muốn canh tân, thay đổi chủ đề, cách nghĩ, cách viết.

15. Bước qua năm 2001, có vị đã đề cập đến những vấn đề lớn lao của một ngàn năm tới, tôi không dám nghĩ đến những điều quá lớn lao, chỉ rón rén xin ông cho biết ý kiến về tương lai phát triển của loại báo văn học thuần túy trong tương lai nằm trong tình hình sinh hoạt chung của văn học hải ngoại?

NMG: Căn cứ vào số người viết lẫn số người đọc ngày càng giảm của tạp chí văn chương, tôi bi quan. Sẽ tới ngày tạp chí văn chương vì thiếu độc giả, phải đình bản. Hiện nay số người viết và số người đọc xấp xỉ bằng nhau. Sẽ tới ngày số người đọc ít hơn số người viết (vì người viết thường không đọc nhau). Sách ngày nay được in ra tràn lan, phần lớn do nhu cầu của người viết chứ không do nhu cầu của người đọc.

16. Trong quá trình phát triển, hình như ông vẫn gởi tờ Văn Học một cách giới hạn về bạn bè trong nước. Trong tương lai, ông có nghĩ rằng, ông sẽ có kế hoạch qui mô và công khai để phổ biến tờ Văn Học vào độc giả trong nước hay không?

NMG: Làm sao có một “kế hoạch qui mô” khi chính quyền Việt Nam hiện nay xem mọi ấn phẩm in ở hải ngoại đều khả nghi, đều mang nhãn hiệu “diễn tiến hòa bình”. Nếu Văn Học có lọt về được trong nước là do bạn đọc mang về, chứ ban chủ biên không có phương tiện tài chánh để làm việc đó. Nhưng bạn đọc Văn Học ở trong nước có nhiều, nhờ website Văn Học trên Internet. Văn Học đưa lên website một số lượng bài vở khá tiêu biểu, gần nửa số trang in.

(1) “Thư của Ban Chủ Biên Tạp Chí Văn Học”, Văn Học, số 1 tháng 02-1986.

   Số lần đọc: 1662

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây