LTS. Bài này in lần đầu trên tạp chí Việt – số 2,1998.
Chủ đề tạp chí Việt nêu ra làm cho tôi tự hỏi: “Mình bắt đầu thực sự ‘sống’ ngoài quê hương từ lúc nào đây?”
Trong “Lời cuối cho một bộ trường thiên”, phụ lục của bộ Mùa Biển Ðộng, tôi có viết: “Sau nhiều lần toan tính ra đi thất bại, đến lần thứ năm tôi mới rời khỏi quê hương. Ngày đó không bao giờ tôi quên: 29-11-1981. Khi chiếc ghe nhỏ đã ra tới ngoài khơi, nhìn vào bờ thấy ngọn hải đăng Vũng Tàu ngày càng xa, lòng tôi quặn thắt, có một phần thân thể và tâm hồn tôi đã chết. Tôi ngồi khóc lặng lẽ, quên cả nỗi sợ chết vì lúc đó sóng dữ, chiếc ghe khi bị đưa lên cao lên đầu ngọn sóng, khi bị đẩy chúi xuống lũng nước sâu. Sau năm ngày sáu đêm trôi trên mặt biển mênh mông, chúng tôi được tàu giàn khoan vớt và đưa vào đảo Kuku Nam Dương ngày 6-12-1981.”
Giây phút cảm thấy đứt ruột khi ngọn hải đăng Vũng Tàu xa dần đêm hôm ấy là thời điểm bắt đầu “sống” ở hải ngoại? Năm 1989 viết những dòng chữ ấy, tôi tin như vậy. Bây giờ đọc lại, thấy mình lầm. Lúc ấy, thực ra tôi chưa ra khỏi nước. Tôi vẫn còn có thể bị một tàu công an biên phòng hoặc một tàu đánh cá quốc doanh nào đó chận bắt, dù không còn nhìn thấy ngọn hải đăng quen thuộc. Ngay cả khi đã ra hải phận quốc tế, nếu bão biển không dịu đi, chiếc ghe vượt biên mong manh vẫn có thể bị đẩy trở lại bờ. Sự sợ hãi vẫn còn đó, nó là dấu vết không thể tẩy xóa của một đặc trưng mới của dân tộc Việt Nam trong lịch sử hiện đại. Cho nên thời điểm khởi đầu cho cuộc sống mới của tôi ở hải ngoại, đúng hơn, phải là lúc chúng tôi được tàu giàn khoan của liên hiệp công ty Tây Ðức-Nam Dương vớt chiều ngày 5-12-1981.
Khi được các thủy thủ Tây Ðức đưa lên boong tàu giàn khoan, tôi bị chao đảo như người say sóng dù biết mình không say sóng. Ý nghĩ chợt đến là mình sống sót rồi. Ý nghĩ xuất hiện ngay sau đó là thôi, từ đây khỏi phải sợ hãi điều gì nữa. Tự do, tự do. Tôi chuếnh choáng vì từ đây thoát khỏi nỗi sợ và ngây thơ tận hưởng một thứ tự do tuyệt đối, muốn nghĩ gì thì nghĩ, nói gì thì nói, viết gì thì viết… Sợ ngã, tôi ngồi bệch xuống sàn tàu, khui lon sữa hộp dự trữ để hai cha con và đứa cháu trai cùng khao nhau cái mừng đến đích. Rồi niềm vui nào cũng ngắn ngủi! Theo luật hàng hải, muốn biện minh cho việc phải cứu chúng tôi, thuyền trưởng tàu giàn khoan ra lệnh phải nhận chìm hoặc thả trôi chiếc ghe đã mang chúng tôi ra khỏi quê hương. Tôi đứng nhìn chiếc ghe trôi giạt bập bềnh trên mặt biển tím mỗi lúc một xa, lòng lại quặn đau. Tôi đã góp công khai sinh chiếc ghe đó từ ngày khởi đầu, nó vừa là con vừa là người mẹ che chở tôi suốt một năm qua. Bây giờ, nó như một chiếc lá tre. Chỉ cần một cơn sóng to… Và tôi chợt hiểu tự do cũng có cái giá của nó. Có gánh nặng của sợ hãi nhưng cũng có gánh nặng của tự do. Người sợ hãi đến một lúc nào đó sẽ tìm được những “thắng lợi tinh thần” theo kiểu A.Q., chẳng hạn nó ra oai với mình là vì mình quan trọng, là vì nó sợ mình; chẳng hạn mình là thân cỏ dại hoa hèn nên chẳng có gì để mà giữ gìn nữa, chẳng có trách nhiệm gì ráo…Còn người tự do thì đứng chênh vênh ở những lằn ranh mờ ảo để tự mình phải lựa chọn một giải pháp, bị giằng co bởi trăm lối mà lối nào theo lời quảng cáo cũng đẹp đẽ tốt lành, trong lúc không có một thằng cha căn chú kiết đáng ghét nào để đổ thừa. Những cảm nghiệm đầu tiên buổi chiều hôm ấy, buổi chiều tự do và sống sót, càng về sau tôi càng thấy chính xác, trong đời sống vật chất cũng như tinh thần ở một xứ sở vẫn được coi là tự do nhất trên quả địa cầu.
Ngay tối hôm ấy, chúng tôi được một tàu liên lạc đưa về đảo Kuku, từ nhiều năm trước đã được dùng làm điểm tập trung những người tị nạn Việt Nam đến được những đảo rải rác trong quần đảo Natuna để sau đó chuyển hết về trung tâm tị nạn Galang. Tôi đến đảo Kuku sáng ngày 6-12-1981 và rời Kuku đi Galang ngày 9-2-1982. Thông thường, người vượt biển tị nạn theo ngả Nam Dương không ở Kuku lâu như vậy. Ðiều không may (hay may mắn?) cho tôi là vào dịp cuối năm, chiếc tàu lớn Seasweep có nhiệm vụ đi đến các trung tâm tiếp nhận nhỏ thu vét người tị nạn chở về Galang phải trở về Singapore để sửa chữa bảo trì và thủy thủ đoàn được về thăm gia đình nhân dịp Giáng sinh, nên tôi phải ở lại Kuku hơn hai tháng. Ðảo hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài. Dân trên đảo cũng sống cuộc sống thư nhàn hồn nhiên như trên thế giới không có chuyện gì xảy ra. Cá tôm có sẵn, cây cối trên đảo xanh tươi quanh năm, họ không có việc gì khác là vác lưới đi đánh cá đủ để đến trại tị nạn đổi đủ gạo ăn trong ngày, rồi rong chơi. Không biết ở những làng nằm bên ngoài trại tị nạn đời sống văn minh đến đâu, còn trong trại, chúng tôi không có sách báo gì để đọc, cũng không có những lo toan gì ngoài việc chờ chiếc Seasweep xuất hiện ngoài khơi. Nhưng lòng tôi không cảm thấy trống trải. Tôi có quá nhiều chuyện phải viết xuống. Tôi tìm những mảnh ván tạp vất lây lất trong trại lên sườn núi đóng một cái bàn và cái ghế dã chiến, thắp một nén nhang xua muỗi ngồi viết từ sáng tới tối. Phía sau tôi là rừng dày rậm rịt sương phủ ngọn cây. Trước mặt là biển xanh mênh mông. Tôi viết say sưa hết truyện ngắn này đến truyện ngắn khác, mỗi ngày một truyện, những truyện ngắn dài hơn như Ngựa Nản Chân Bon chỉ cần hai ngày. Hầu hết những truyện ngắn sau này in trong hai tập Ngựa Nản Chân Bon và Xuôi Dòng là những truyện tôi viết trong thời gian hai tháng ở Kuku. Ðó là chưa kể tập I nhan đề Những Ðợt Sóng Ngầm của bộ trường thiên Mùa Biển Ðộng, viết xong trong mười ngày.
Cái gì khiến tôi say sưa viết như thế? Lúc đó tôi không biết gì về sinh hoạt báo chí và xuất bản ở hải ngoại, nên trong đầu không hề có ý viết để xuất bản. Hỏi viết cho ai? Viết cho tôi. Viết làm gì? Chẳng biết để làm gì, muốn viết thì viết, không viết thì cứ ấm ách nên viết để giải tỏa, thế thôi. Viết thế nào? Chưa bao giờ trong đầu tôi hiện lên câu hỏi ấy, câu hỏi mà lâu lâu trong sinh hoạt văn chương giới cầm bút vẫn thường đặt ra để tìm một lối viết khác trước; thậm chí những người tìm đường muốn dứt khoát với quá khứ hay truyền thống không ngần ngại chặt cầu với lớp đi trước, và phóng đại công việc mình làm thành một sứ mệnh cao cả. Tôi nghiệm ra trong những hoàn cảnh đặc biệt như hoàn cảnh của tôi ở Kuku, những câu hỏi trên đều vô nghĩa. Viết là một nhu cầu tự nhiên và bức bách không thể không có, không viết mới là trái tự nhiên chứ không phải viết. Mà đã là tự nhiên rồi, việc gì phải thắc mắc đặt ra những vấn nạn thừa thãi như Viết làm gì? Viết cho ai? Viết thế nào? Chính kết quả của hành động tự nhiên ấy trả lời cho các câu hỏi trên. Những tuyệt phẩm của các nhà văn lớn của thế giới đặt ra văn phạm cho nghề viết, không phải các nhà nghiên cứu lý luận văn học đặt văn phạm. Và chính cái văn phạm mới ấy chỉ áp dụng cho những người không đủ bản lãnh và tài năng để tự đặt văn phạm cho mình, phải mon men đi theo một lối mòn mà cứ tưởng là lối mới. Cuối đường mòn là những truyện ngắn, bài thơ do một tác giả Việt viết bằng chữ Việt nhưng lại có dáng dấp một sản phẩm dịch từ một ông Tây, ông Mỹ, ông Nga, ông Ðức…Có lẽ một trong những nguyên nhân khiến tôi viết dễ dàng và say sưa hồi ở Kuku là tôi đã tạm thời thoát khỏi thiên la địa võng của những lý thuyết, nguyên tắc, mục tiêu, sứ mệnh…của văn chương, không bị đóng khung vào trách nhiệm, không phải làm cậu thí sinh đáng thương đang đối diện với một ông giám khảo nghiêm khắc, với ba câu hỏi hóc búa “Viết cho ai? Viết làm gì? Viết thế nào?” Tôi đã được hưởng một món quà tự do tư tưởng và sáng tạo đầu tiên ở Kuku mà tôi không biết.
Nguyên nhân thứ hai có lẽ là – nói ra có vẻ mâu thuẫn, nghịch lý – tôi xa Việt Nam mà vẫn sống vẫn suy nghĩ như là mình vẫn còn ở trên quê hương. Chúng tôi thực sự an toàn ở trên một xứ khác, chú công an khu vực mặt lạnh mắt rắn, ông trưởng đồn công an phường 19 quận Bình Thạnh người Nghệ, ông chủ tịch phường mặt vuông chữ điền miệng tròn vo căng hết gân môi mỗi lần ký giấy phép đi lại cho tôi, các giám thị chấp pháp trại giam, các ông các bà tuyên huấn, các anh các chị văn nghệ cách mạng… không còn làm gì tôi được nữa. Nhưng cái xứ khác ở đây là một hòn đảo còn nguyên vẹn nét hoang sơ trên một đại dương mênh mông, không tạo ra những điều phức tạp, những sóng gây nhiễu cho đầu óc đang nhạy cảm của tôi. Giả sử tôi được một tàu mang quốc tịch Singapore vớt và hiện đang lang thang trên những phố rộng văn minh trật tự của Singapore. Tôi sẽ phải trả lời những câu hỏi “lớn,” những so sánh đau lòng, và tất nhiên phải gánh những “trách nhiệm” quá sức mình, sau đó đổ bệnh “sứ mệnh” lên văn chương của tôi. Ở Kuku mà tôi vẫn sống như ở Việt Nam, cộng thêm món quà bất ngờ là viết mà chẳng phải sợ cái gì cả, chẳng để làm gì cả. Việc ăn uống đã có Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) lo, chuyện hồ sơ định cư phải chờ sang Galang mới tính. Cả ngày không có việc gì phải làm, ngoài chuyện đem giấy bút lên sườn núi mà viết. Phía sau, những ngọn cây rừng lao xao khi gió biển thổi lên những cụm mây như mừng rỡ tái ngộ. Bên cạnh, đàn khỉ chọc ghẹo nhau chí choé. Phía dưới, biển xanh ngút mắt. Thiên địa vô ngôn. Tôi viết lách để chẳng làm gì cả, kể cũng xứng hợp với qui luật chung.
Nguyên nhân thứ ba có lẽ là ở Kuku tôi có một số độc giả lý tưởng. Lúc bấy giờ do đã lâu tàu Seasweep không đến Kuku nên số người trên đảo đã lên đến hơn hai trăm người. Cái ngày con tàu Hy Vọng đó hiện ra ngoài khơi Kuku phải sau Tết Dương lịch, với điều kiện con tàu đã được sửa chữa bảo trì xong và tất cả thủy thủ đoàn (do quản trị của Liên Hiệp Quốc nên chắc chắn có nhiều quốc tịch khác nhau) đã trở lại nhiệm sở đúng hạn. Người nóng ruột nhất cũng thấy thời gian lưu lại trên đảo phải hơn một tháng. Hơn một tháng không có việc gì làm, những người năng động bắt đầu nghĩ tới những kế hoạch lớn, cỡ “việc để đời”. Các Phật tử hô hào trùng tu lại ngôi chùa Chúng Phước Tự đã đổ nát. Tín hữu Thiên Chúa cũng lập kế hoạch tương tự, sửa sang lại nhà thờ. Ðám trẻ con vô tâm mê tắm biển và đánh bắt cá bằng lưới làm bằng mùng cá nhân Cao Ủy phát. Sách báo trên đảo không có gì, ngoài một vài mảnh báo cũ gói đồ do các lớp tị nạn trước vứt lại, tờ Strait Times của Singapore. Nhu cầu đọc chữ (nhờ đó có nhu cầu đọc văn chương) cấp thiết hơn bất cứ lúc nào. Tự nhiên tôi có một đám độc giả lý tưởng. Truyện tôi viết xong, ngay tối hôm ấy em tôi đọc, con tôi đọc, cháu tôi đọc. Những người bạn đi cùng chuyến ghe vượt biên là độc giả đợt hai. Bạn ở cùng lán với họ là độc giả đợt ba. Tôi trở thành nhà văn được ưa chuộng trên đảo, trở thành người chép sử, thành phát ngôn nhân. Họ đọc, rồi bàn tán, rồi bình luận. Không phải những bàn tán sôi nổi hay những bài bình luận có bài bản. Họ chỉ hỏi vài chi tiết, qua đó, tôi biết họ đọc kỹ. Chẳng hạn truyện Ngựa Nản Chân Bon rơi vào một lán gồm toàn giáo hữu Thiên Chúa giáo do ba vị linh mục hướng dẫn trong một chuyến vượt biển tổ chức kỹ lưỡng qui mô. Một vị linh mục sau khi đọc xong hỏi tôi sao lâu nay không thấy tôi đi lễ. Tôi đỏ mặt thú nhận mình không theo đạo Thiên Chúa, những đoạn kinh tôi trích trong truyện do tôi mượn cuốn sách lễ của một vị linh mục khác. Sau đó chúng tôi bàn luận với nhau về ý nghĩa phục sinh, trong một tương giao hết sức thoải mái, tự do, vì trên đảo ranh, giới giữa tu sĩ và tín hữu không rõ nét như trước đó và sau này. Mọi người cùng được hưởng một ân huệ chung: trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, được cởi bỏ mọi trách nhiệm, ràng buộc xã hội; sống hồn nhiên giữa một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ thơ mộng; không còn là nạn nhân của tuyệt vọng lẫn hy vọng. Làm sao tôi dám mơ ước có một số độc giả lý tưởng như thế!
Ngày 9-2-1982, chiếc Seasweep đưa chúng tôi qua trung tâm tị nạn Galang, và hơn chín tháng ở đó, may mắn làm một công việc thích hợp với sở thích và khả năng chữ nghĩa của mình. Trên đảo từ lâu đã có một tờ báo quay ronéo ra hai tuần một lần, do linh mục Dominici người Ý trước tu ở chủng viện Ðà Lạt làm chủ nhiệm. Tôi được nhận vào làm cho bán nguyệt san Tự Do ngay từ khi mới tới Galang cho đến khi rời đảo. Ngày đầu tiên bước vào phòng đặt máy in ronéo, ngửi lại mùi mực in, tôi sung sướng đến ngây ngất. Tôi bước vào một giai đoạn khác, tuy cũng viết lách và phổ biến sản phẩm viết lách tới người khác, nhưng rõ ràng là khác với thời kỳ ở Kuku. Ân huệ tự do bắt đầu bị một số giới hạn, từ phía tôi, từ phía ngoài tôi.
Xin nói về phía nhóm độc giả lý tưởng của tôi thời ở Kuku trước. Vừa đặt chân lên cầu tàu đảo Galang, tôi đã thấy họ biến dạng. Thoắt một cái, họ mất hết vẻ hồn nhiên. Họ đồng loạt trở thành nạn nhân của Hy Vọng, trở thành con tin của Tương Lai. Họ phải tận dụng Quá Khứ và Tuyệt Vọng để đạt cho được, bằng bất cứ giá nào, những dự định tương lai họ phác họa ngay từ khi toan tính vượt biển. Họ phải chứng tỏ trước mắt mọi người họ “đích thực” là nạn nhân của chế độ cộng sản, họ xứng đáng được đặt lên đứng đầu danh sách những người được đưa đi định cư ngay tức khắc tại một quốc gia tự do số một, chống cộng số một là Hoa Kỳ. Cách nói năng, cách dùng chữ tự động thay đổi, dường như từ một bản năng sinh tồn chứ chưa cần tới những suy tính của lý trí. Một số chữ dùng quen trong thời gian phải sống dưới chế độ cộng sản bị loại bỏ, trở thành cấm kỵ, ai lỡ dùng có thể bị chế giễu hay trách mắng nặng nề tùy trường hợp. Một số biểu dương lập trường công khai cần trình diễn, nhiều ít tùy theo số lượng và vị thế của khán giả. Mượn chữ của Tạ Chí Ðại Trường, có thể xem Galang hồi đó là một khoảnh của Việt Nam Cộng Hoà nối dài. Những người từng là quan chức hành chánh thời VNCH, các sĩ quan tốt nghiệp trường Võ bị Ðà Lạt thường nhắm đến các chức vụ điều khiển trong Ban Ðại diện trại. Những người từng làm ở An ninh Quân đội, Tổng nha Cảnh sát phải nắm Ban Trật tự. Các ông nhà giáo lo xung phong vào các trường dạy Việt ngữ hay Anh ngữ. Dân từng làm phát thanh, truyền hình, báo chí cũng có chỗ để dùng sở trường lẫn sở đoản cũ. Tôn ti trật tự thời trước 1975 được tái lập, như một thí điểm cho một mô hình quang phục trong tương lai. Và vì là mô hình, nên cái gì cũng đậm hơn mức bình thường. Nhóm độc giả lý tưởng của tôi bỗng chốc tan ra mây khói, bây giờ giá tôi có dí truyện ngắn ưng ý nhất của tôi vào tận mắt họ, họ cũng không còn tâm trí đâu mà đọc nữa. Nếu truyện ngắn ấy được thay thế bằng một tuyên ngôn, mở đầu bằng “xét rằng, xét rằng,” chắc chắn sản phẩm của tôi sẽ hấp dẫn hơn, ăn khách hơn.
Khi dùng đại danh từ “họ” trong tiểu đoạn trên, tôi làm như “tôi” không thuộc về “họ.” Không! “Tôi” cũng là một thành phần của “họ,” bản thân tôi cũng bị, cũng phải biến dạng như “họ.” Tờ Tự Do tuy do linh mục Dominici làm chủ nhiệm, phí tổn điều hành và ấn loát do Giáo hội Công giáo đảm nhận, nhưng không phải là một cơ quan ngôn luận mẫu mực của tự do báo chí. Giáo hội Công giáo qua linh mục Dominici lập tờ báo với một định hướng xã hội và truyền giáo rõ rệt. Người đọc (khoảng hơn 10.000 người lúc tôi ở Galang) cũng góp phần định hướng tờ báo. Một bài bình luận nếu chống cộng chưa đủ (chứ đừng nói không chống cộng) in trên số báo ra buổi sáng là ngay lập tức buổi trưa đã có phản ứng xôn xao trên khắp quán xá, láng trại, trường học, nẻo đường Galang. Ban Trật tự sẽ dùng kinh nghiệm nghề nghiệp truy lục xác minh lý lịch tác giả, Ban Phát thanh phản ảnh dư luận trên loa, Ban Ðại diện đặt vấn đề với Cha Dominici. Trong không khí bừng bừng như thế, không ai trong ban chủ biên tờ Tự Do dám viết bài bình luận, trừ những vấn đề vô thưởng vô phạt. Chỉ có Linh mục Dominici mới có thẩm quyền và uy thế để viết. Cha viết bằng tiếng Pháp, tôi hoặc anh chủ bút dịch sang tiếng Việt. Có một lần Cha viết một bài nói về ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản trên người tị nạn, với đại ý nhẹ nhàng trách một vài người tị nạn cộng sản qua đến trại vẫn chưa thoát khỏi ảnh hưởng cộng sản, vẫn áp dụng một số phương pháp cai trị của cộng sản như chụp mũ kẻ khác mình, lấy cùng đích biện minh cho phương tiện… Số báo ra, người ta không “xôn xao” nhưng “xì xầm” dai dẳng về Cha. Cha biết, nhưng vẫn tiếp tục viết những bài xã luận kêu gọi tình thương yêu, tôn trọng lẽ phải (sau này đã tập hợp và in thành sách). Tuy không phải là một Ki-tô hữu, tôi kính phục Cha Dominici như một vị thánh mà Ðức Chúa Trời đã gửi tới cho dân Việt Nam, trong giai đoạn gian khó nhất của dân tộc chúng ta.
Tôi không viết một cách hồn nhiên, thoát ra khỏi tất cả ràng buộc như thời Kuku nữa. Kết quả là viết ít đi. Suốt chín tháng có sẵn giấy mực và phương tiện in ấn, tôi chỉ viết được chừng tám, chín truyện ngắn. Bộ Mùa Biển Ðộng dừng lại ở tập I, tập II và III tôi dự định phải xong ở Galang không có một chữ. Trước khi viết, tôi biết rõ “Viết để làm gì, Viết cho ai, Viết thế nào”. Nhờ những bài báo viết trên Tự Do, tôi trở thành kẻ đi dây tài tình, kẻ nắm được xảo thuật ngôn ngữ nước đôi, kẻ biết tung hứng đúng lúc, kẻ biết tận dụng các trạng từ và tĩnh từ để một cái tin nhạt nhẽo trở thành một tin động trời có định hướng. Tôi đã trở thành một nhà báo ở Galang lúc nào không hay. Tôi cảm ơn tờ Tự Do vì dù ngẫu nhiên, tên tờ báo cho tôi thấy ý nghĩa phức tạp và biến ảo của hai chữ Tự Do. Trước hết đó là một lý tưởng nhân bản thiêng liêng, hiện thân là cuộc đời và cách sống cách viết của Linh mục Chủ nhiệm Dominici. Cha tự xem mình là người Việt Nam, tên là Ðỗ Minh Trí. Tôi xin thêm: Cha là người Việt Nam đẹp nhất của dân tộc Việt Nam. Ðể đạt được Tự Do, trừ những hoàn cảnh vô cùng đặc biệt như thời gian ở Kuku, người ta chỉ tự do khi biết rõ đó không phải là ân huệ mà là trách nhiệm. Người chưa hiểu trách nhiệm của tự do mà có tự do thì chỉ biết tự do của mình, không thèm biết người khác có cần tự do hay không. Trong ban biên tập của bán nguyệt san Tự Do, chỉ có Linh mục Chủ nhiệm tương đối có tự do. Số còn lại đều tự do theo định hướng (hoặc định hướng bởi đám đông hoặc tự định hướng vì nhu cầu an toàn cho việc định cư). Nhờ tờ Tự Do tôi đã tập sự làm báo Việt ngữ, nghề tôi đã sống trong bốn năm đầu tiên ở Hoa Kỳ.
Trước khi vượt biên, tôi rất lơ mơ về nghề báo, cũng không thân thiết và xin thú thực, không mấy cảm tình với các ký giả. Có thể tôi không may mắn gặp được những ký giả chân chính và uyên bác. Tôi bị định kiến vì hồi còn dạy học ở Qui nhơn, lâu lâu lại gặp những ký giả một tờ nhật báo nổi tiếng ở Sài Gòn ra thu tiền hụi mấy ông tỉnh trưởng quận trưởng, sau một bài báo thuộc loại điều tra phóng sự hứa hẹn nhiều khám phá động trời và sẽ đăng làm nhiều kỳ. Nói rộng hơn, tôi nghĩ nghề báo bám chặt vào thời sự và những cuộc tranh chấp quyền lực bây giờ, ở đây. Tranh chấp quyền lực không phải là sở trường của tôi. Cái hiện đang xảy ra, cái thời sự, tôi lại cho là nhiều phần giả mạo, không đáng tin cậy. Nói như Nadine Gordimer, trong khi nhà báo chú trọng biến cố đang xảy ra, cái nóng hôi hổi, thì nhà văn chú trọng cái trước khi biến cố xảy ra và dư âm của biến cố. Khác biệt về mối quan tâm là khác biệt căn bản giữa “nghiệp văn” và “nghề báo”. Bản tính tôi thuộc loại phản ứng chậm, ứng xử xã giao dở, thích hợp với đồ nguội hơn đồ nóng, huống hồ phải sản xuất kịp thời những món đồ nóng gia vị phải hợp khẩu với nhiều người. Viết mà phải như người đi dây, dùng chữ như thầy phù thủy, tôi chịu thua. Thế mà nghề viết báo thuê lại là nghề mưu sinh của tôi trong bước đầu chập chững và lạc lõng trên một xứ sở hoàn toàn xa lạ và phức tạp như Hoa Kỳ.
Ngày 23-11-1982, tôi đặt chân lên đất Mỹ, cảm giác trống vắng chứ không có gì ghê gớm đáng nhớ. Không biết các bạn đọc của tôi có chia sẻ với tôi kinh nghiệm này không: tiếp xúc đầu tiên của chúng ta về một đất nước, trong thời hiện đại, đều trống không, vô cảm, nhàm chán, không cá tính. Lý do: những phi đạo và phi cảng trên thế giới đều như nhau, màu xi măng xám, những hàng đèn hiệu nhấp nháy xanh đỏ, không gian rộng rãi đến trơ trụi quanh phi trường… Sau ba tháng ở Houston, tiểu bang Texas làm thủ tục giấy tờ nhập cư và y tế, tôi đưa cả hai con và đứa cháu về California và ở luôn tại đây, ngay tại trung tâm qui tụ người Việt đông đảo nhất hải ngoại, cho tới bây giờ. Gia đình tôi không thuộc loại khá giả, cha mẹ tôi không có tài sản gì lớn lao để chia cho con ngoài công nuôi dưỡng để mỗi đứa có một kiến thức vừa phải và một nghề tự nuôi thân. Cho nên mỗi lần tạo ra một nhân vật tiểu thuyết nào, sau khi đặt tên và phác họa nhân dáng, tôi luôn nghĩ tới nghề nghiệp mưu sinh của nhân vật đó. Trong tác phẩm của tôi không có những hiệp khách vào quán rượu gọi vài chục cân thịt và vài chục bình rượu quí đãi mọi người mà khỏi cần thắc mắc anh ta lấy ra bao nhiêu tiền ấy ở đâu, anh ta đi ăn cướp hay anh ta là kẻ chém thuê. Không thiếu những nhân vật tiểu thuyết lừng lững vào hết phòng trà này đến vũ trường khác, vứt tiền qua cửa sổ không nhíu mày mà khỏi cần có nghề nghiệp gì. Nhân vật của tôi, cũng như tôi, không có cái may mắn hào hoa ấy. Tới Mỹ việc đầu tiên là phải học lấy một nghề. Nghề giáo không dùng vào việc gì ở đây, nhất là nghề dạy văn chương Việt Nam lại càng lỗi thời. Ma lực của chữ nghĩa xui khiến tôi chọn học một nghề có dính tới chữ nghĩa: nghề in. Tôi đi học nghề in một năm, sau đó một người bạn giới thiệu về dịch tin cho một tuần báo mới ra, chủ nhân là một người Hoa trước ở Chợ Lớn đang nổi tiếng trong thương trường mà lại rất mê ra báo.
Làm báo biếu (báo in phát không, sống hoàn hoàn bằng quảng cáo) là một kinh nghiệm hoàn toàn mới mẻ đối với tôi. Ở Galang tôi chỉ mới tập sự làm người viết báo. Kinh nghiệm học được ở tờ Tự Do giúp tôi biết dịch tin chọn bài “an toàn” , điều vô cùng quan trọng vì ông chủ báo gốc Hoa của tôi muốn tờ báo của mình phải là một tờ báo hàng đầu, đánh bạt những tờ đang ăn khách nhiều quảng cáo hiện có. Trong khi các báo khác in nhiều nhất chỉ 3.000 bản, số đầu tuần báo Ðồng Nai in 24.000. Cho đến bây giờ, nhìn lại những số báo chúng tôi làm hồi ấy, tôi vẫn còn hãnh diện về hình thức và nội dung của tờ báo. Báo đẹp, dày, chủ báo là thương gia đang thành công, thật là một đe doạ lớn lao cho giới báo chí Việt ngữ. Một mặt trận thành hình để phản pháo, đánh phủ đầu. Bao nhiêu đòn phép đều dùng đủ, vì không đánh phủ đầu thì chẳng mấy chốc quảng cáo chạy hết về Ðồng Nai. Tôi chỉ là một anh dịch tin thuê, nhưng phải luôn luôn cảnh giác đề phòng khi dùng chữ, đặt câu. Phải biểu diễn lập trường để tờ báo khỏi bị chụp mũ. Phải lên gân tối đa. Cuộc biểu dương thường trực này, trở thành thói quen, rồi lậm sâu thành một bản năng sinh tồn của nghề làm báo ở hải ngoại. Càng biểu dương lập trường chống cộng rõ ràng, dứt khoát, quyết liệt, thường xuyên bao nhiêu, vị thế của tờ báo biếu càng vững bấy nhiêu. Chụp mũ cộng sản là vũ khí giản dị tiện dụng để hạ đối phương. Nhiều người không thích không khí khét lẹt mùi thuốc súng của làng báo Việt ngữ, đặt câu hỏi vì sao tình trạng đôi co chửi bới trong làng báo không giảm đi, nhiều khi ngày càng gia tăng. Họ bảo không ai thích đọc những lời chửi bới hằn học trên báo, cứ chụp mũ kiểu này thì đảng cộng sản Việt Nam thành công rực rỡ trong cộng đồng tị nạn cộng sản ở hải ngoại vì ai cũng đội nón cối.
Tôi nghĩ vấn đề không đơn giản. Báo Việt ngữ, do tính chất thời sự, “nhập thế” trọn vẹn của nó, là công trình tập thể của cả người làm báo lẫn người đọc báo. Tương quan chặt chẽ này được thử thách thường xuyên, kiểm nghiệm thường xuyên, người làm báo mà bị độc giả không ưa, báo vất đầy chợ không ai thèm lượm về đọc, thì ngay lập tức, các thân chủ quảng cáo không tiếp tục chi tiền, không có tiền thì báo chết. Không hề có tình trạng mập mờ hoang tưởng giới viết văn làm thơ thường được hưởng: in được một tập thơ con nhái (tôi tránh dùng chữ ”thơ con cóc”), tặng bạn bè, tổ chức ra mắt thơ, liền lập tức trở thành thi sĩ, cuộc tiếm danh ngang xương không gây tác hại tức thời, những lời xì xầm giễu cợt sau lưng nhà thơ không đủ để nhà thơ ra khỏi cơn hoang tưởng. Rõ ràng làm “báo chửi” là đi đúng “xu thế”, đáp ứng đúng nhu cầu xã hội. Không nên đổ hết trách nhiệm cho giới làm báo. Các nhà nghiên cứu ngành xã hội học di dân sẽ tìm hiểu cặn kẽ hơn hiện tượng này. Phần tôi, một tay mơ về tâm lý học, tôi cứ suy từ tâm trạng của tôi ra mà giải thích: mỗi lần ra ngoài xã hội bị nhiều điều không vui (nói tiếng Anh ú ớ Mỹ không hiểu, nghe Mỹ hỏi hiểu lơ mơ bèn cười xã giao nhã nhặn làm bộ hiểu mà không tiện trả lời, ra đường bị thằng vô lại ăn hiếp, lòng sợ nhưng miệng thầm bảo không nên dính với hủi, tránh voi chẳng xấu mặt nào, làm sở Mỹ lụm cụm chậm chạp trước computer. Lúc nào cũng ngay ngáy sợ bị sa thải…), về nhà tôi lấy lại quân bình tinh thần, lòng tự tin, phục hồi nhân cách… bằng cách nghiêm mặt trách vợ, chửi con để nhà cửa bê bối sống thiếu văn hóa, ăn mặc lai căng mất gốc, mau quên cái nhục mất nước… Rõ ràng chửi nhau và nghe thiên hạ chửi nhau thậm tệ là một nhu cầu tâm lý cần thiết. Nhất là chỉ chửi nhau trong nhà, không chửi Tây chửi Mỹ!
Bốn năm làm báo thuê, tôi hết ác cảm với nghề báo, nhất là giới làm báo biếu ở hải ngoại. Chưa có nghề nào khổ cực như nghề này. Bốn năm làm ở hai tờ báo, tôi phải lo hết phần bài vở để người nhanh nhẹn tháo vát hơn lo phần ngoại vụ, đối phó với các đồng nghiệp, đối phó với thân chủ quảng cáo (xin quảng cáo đã khó, đòi được tiền quảng cáo càng khó hơn. Theo tôi, đây cũng là một nguyên nhân khiến người làm báo phải thật cynic mới sống còn, không cynic không đòi được tiền quảng cáo). Lo dịch tin, viết đủ mục từ xã luận đến tâm tình phụ nữ, cách làm bếp, mẹo vặt gia chánh… mà lương tháng chỉ đủ bù vào tiền trợ cấp xã hội đủ sống đời sống đạm bạc nhất của nếp sống Mỹ. Nhưng với tôi, sống như thế là quá sức mơ ước rồi. Tôi được sống mà không phải ngay ngáy sợ hãi, và viết chữ Việt nói tiếng Việt dù ở Mỹ.
Chẳng những thế, tôi còn tìm được thời gian để sáng tác, và để dành được tiền tự xuất bản sách của mình. Khởi đầu là xuất bản tập truyện ngắn gồm các truyện tôi viết ở đảo tị nạn: Ngựa Nản Chân Bon. Tên nhà xuất bản là Người Việt nhưng thực tế nhà xuất bản không bỏ tiền ra in. Tác giả phải bỏ tiền in, nhà xuất bản (đồng thời cũng là một tờ báo biếu lớn nhất ở khu Orange County) cho mượn tên, và lo giùm chuyện phát hành theo hệ thống phát hành báo có sẵn. Bán được bao nhiêu, nhà xuất bản trả lần cho tôi sau khi trừ chi phí phát hành. May mắn cuốn truyện bán được, in 1.000 cuốn bán hết trong một năm. Tôi bạo dạn cho in tập I bộ Mùa Biển Ðộng, nhờ tiền thu được của tập truyện Ngựa Nản Chân Bon, năm sau lại tái bản Ngựa Nản Chân Bon nên đủ tiền in tập II Mùa Biển Ðộng. Cuộc tranh luận nổ ra từ tập I Mùa Biển Ðộng vô tình quảng cáo cho tập II , nhờ thế tôi đủ tiền in tập III dày hơn, rồi tập IV, tập V, chiều dày tập sau dày hơn tập trước nhờ tiền thu được của các tập trước cho phép tôi viết và in ra nhiều hơn. Năm tập của bộ trường thiên Mùa Biển Ðộng dày mỏng khác nhau trông rất kỳ dị, thật sự chỉ vì khi viết đã nghĩ tới khả năng tài chánh để in những điều mình viết. Nhà xuất bản Người Việt, nhà xuất bản Văn Nghệ không đủ tài chánh để bỏ tiền ra in truyện của tôi. Khi viết trong “Lời cuối của một bộ trường thiên” những dòng chữ: “Xin bạn đọc hiểu cho rằng đây là tim óc tôi, là mồ hôi của tôi, là máu của tôi.”, tôi viết thành thực, không phải phóng đại, tả oán để tự đề cao hay quảng cáo công trình của mình. Tôi cảm nghiệm sâu sắc cái giá của Tự Do suốt thời gian viết và in Mùa Biển Ðộng. Tôi có tự do viết những điều mình muốn viết, nhưng đồng thời cũng phải sẵn sàng hứng nhận những lời phỉ báng (đôi khi thô lỗ, tục tằn) từ nhiều phía. Tôi có tự do phổ biến tác phẩm của mình, nhưng phải tự lo việc ấn loát và phát hành. Tôi sản xuất ra một sản phẩm, bán ra thị trường. Người mua sách bỏ tiền ra mua, thích thì đọc và giữ lại cuốn sách cho tủ sách gia đình, không thích thì vứt vào sọt rác. Vì sách tôi dày và đắt tiền nên thường người mua mượn đọc trước ở thư viện, có thích mới bỏ tiền mua. Việc mua bán sòng phẳng, tôi cảm thấy lương tâm bình yên. Tôi thích thì tôi viết, tiền in sách là tiền của tôi, mua hay không, đọc hay không là tùy độc giả, tôi không nhờ vả ai, không nợ nần ai bất cứ thứ gì. Một cách nào đó, tôi là người hoàn toàn tự do. Ðó là niềm an ủi lớn nhất của tôi, qua thời gian viết và xuất bản Mùa Biển Ðộng.
Tự do tôi hưởng được khi viết và in Mùa Biển Ðộng khác với cái tự do hồn nhiên ở Kuku.
Ở đảo, nhờ hoàn cảnh đặc biệt, cách ly gần như toàn diện với thế giới bên ngoài, tôi được tự do như gió trên trời, sóng trên biển, chim trên cây, cá dưới nước. Tôi không phải cố gắng nhiều để có cái tự do đó. Ở Mỹ, tôi phải đối phó với mọi thử thách, phải lựa chọn một quyết định trước vô vàn những giải pháp, phải sẵn sàng trả giá cho tự do của mình để có tự do, nghĩa là một thứ tự do đi kèm với nhiều trách nhiệm và bổn phận chứ không nhẹ nhàng hồn nhiên như thứ tự do ở Kuku. ở Kuku, ở đâu cũng yên tĩnh. Ở Mỹ, tôi phải tự mình tìm ra một chỗ yên tĩnh, một tâm hồn yên tĩnh để viết. Những khu gia cư trên đất Mỹ đều yên tĩnh, cây cối xanh tươi, buổi sáng nghe được cả tiếng chim hót, khuya nghe được cả tiếng lá rụng trên mái nhà. Nhưng tiếng điện thoại cứ reo hoài, mỗi cú điện thoại mang theo một mối bận tâm. Thời gian viết Mùa Biển Ðộng tôi phải mang giấy bút ra công viên để viết, không phải vì nhà chật chội mà vì tránh phải nghe những cú điện thoại. Mỗi sáng, tôi ra hiệu cơm Nhật mua một hộp cơm, đủ ăn hai bữa rồi lái xe ra công viên gần sở làm, ngồi viết từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Trung bình mỗi ngày phải viết tối thiểu năm trang bản thảo cỡ giấy 8.5”x11”. Ðúng 3 giờ xếp bút ngồi nghỉ nửa giờ, rồi đi làm ở Công ty Niên giám Ðiện thoại GTE Directories từ 3 giờ rưỡi đến 12 giờ khuya. Nhờ bỏ làm báo Việt ngữ và có công việc ổn định tại một sở Mỹ, tôi mới hoàn tất được bộ Mùa Biển Ðộng năm 1989, với một chương trình làm việc đều đặn hằng ngày như vừa kể. Cũng trong thời gian ấy, tôi điều hành tạp chí Văn Học, và phụ Thầy Từ Mẫn làm nhà xuất bản Văn Nghệ. Khuôn khổ bài viết này không cho phép tôi nói nhiều về Văn Học và Văn Nghệ, xin dành một cơ hội khác.
Tự do tôi có khi viết cũng phải trả giá bằng cuộc sống lưu vong, cái giá cao nhất cho một người cầm bút. Nhiều người đã viết về chuyện này, nhất là những nhà văn Nga lưu vong sang Âu châu sau Cách mạng tháng Mười. Có những kinh nghiệm lưu vong chung cho tất cả mọi trường hợp, nhưng cũng có những điều cá biệt. Dân tộc Việt Nam không có kinh nghiệm di dân dồi dào như người Hoa, còn kinh nghiệm lưu vong cũng ít ỏi, số người “bao nhiêu năm từng lê gót nơi quê người” không nhiều để trở thành một đề tài nghiên cứu, suy gẫm. Riêng tôi, “bao nhiêu năm từng sống và viết nơi quê người” chỉ ghi nhận được một vài điều:
1. Có thử thách va chạm với các nền văn hóa khác qua cuộc sống lưu vong mới thấy bản sắc văn hóa dân tộc chúng ta rất mờ nhạt, rất mỏng. Dân tộc chúng ta thích nghi với môi trường mới rất nhanh, hội nhập vào nếp sống Mỹ, Ðức, Anh, Pháp… không mấy khó khăn. Ðó là một khả năng lớn lao và bất ngờ, đối với một dân tộc quen sống đời sống tiểu nông, bám vào đất và suy nghĩ trong vòng lũy tre làng. Có thể vì phải thích nghi để sinh tồn bên cạnh ông láng giềng phương Bắc, người Việt chúng ta không có thì giờ suy nghĩ lớn, suy nghĩ cái lâu dài. Những nhân vật huyền thoại, biểu trưng trí thông minh như Trạng Quỳnh, Ba Giai Tú Xuất hay Thằng Bờm đều không thuộc loại đại trí viễn kiến. Họ chỉ khôn vặt. Yểm trợ và nuôi dưỡng văn hoá dân tộc nơi xứ người, điều đó không có trong bộ nhớ những người khôn vặt chuyên buôn hàng xén. Ðừng chờ đợi các cộng đồng Việt Nam yểm trợ hay khích lệ cổ võ công việc viết lách, nghiên cứu văn hoá. Ai thấy thích làm gì thì cứ làm, và tự tìm phương tiện phổ biến hay gây dựng công trình của mình.
2. Cũng đừng chờ đợi những dư âm thuận lợi sau khi những gì mình viết được phổ biến. Qua kinh nghiệm 14 năm điều hành tờ Văn Học, và những sách đã xuất bản, tôi thấy thử thách ghê gớm nhất của người viết ở hải ngoại, là sự thờ ơ của phía thưởng ngoạn. Một bài thơ, truyện ngắn in trên báo, thậm chí một cuốn sách dày viết và in công phu phát hành xong, sau đó là gì: sự im lặng tuyệt đối. Tôi may mắn sau khi in sách ra còn nghe được chút hồi âm (dù không êm tai!) Rất nhiều người viết xong in xong không biết người đọc nghĩ gì, họ khen hay họ chê, mình đúng hay mình sai. Vua Pháp Louis 15 bảo sau ta là cơn hồng thủy. Nhà văn Việt Nam hải ngoại có thể bảo sau khi ra sách là hư vô. Viết để rơi vào hư vô, phải có cái tâm vô cầu lớn lắm mới có thể tiếp tục. Không có gì đáng ngạc nhiên nếu văn chương hải ngoại có rất nhiều tác giả chỉ có một tác phẩm. Họ xẹt vào văn chương như một ánh sao rơi.
3. Nhưng văn chương của người viết lưu vong là món hàng lạ đáng được ưa chuộng của người bản xứ chứ. Ðồng bào mình thờ ơ, nhưng người Úc, người Ðức, người Pháp, người Canada, người Mỹ thế nào cũng tò mò tìm hiểu thân phận những người liều chết đi tìm Tự Do. Tôi đã gặp nhiều nhà văn Việt Nam hồi mới qua Mỹ đem theo những giấc mộng lớn: người quyết tâm học Anh ngữ để viết chuyện đời mình bằng tiếng Anh, cho thế giới nó biết. Người lo sợ tập hồi ký của mình in 15.000 ấn bản không đủ bán. Người bước chân xuống phi cảng móc một bài diễn văn viết sẵn đọc cho những người ra đón nghe, lời lẽ rất giống lời Solzhenitsyn khi bước chân lần đầu tới Tây Ðức. Người đến trước không dám nói gì, chỉ gật gù thông cảm. Các bạn mới tới không hiểu Việt Nam không còn nằm trên trang nhất các tờ nhật báo, hồ sơ Việt Nam đã thuộc loại “đã giải quyết” trong các phòng tàng trữ công văn trên thế giới. Dù anh viết văn Mỹ y như người Mỹ, nhưng nếu anh không kể chuyện Mỹ mà kể chuyện Việt Nam, thì anh cũng khó tìm được ông xuất bản Mỹ nào chịu bỏ tiền in cho anh. Anh hết là người Việt Nam, và đã trở thành một di dân Mỹ gốc Việt. Nước Mỹ có biết bao sắc tộc di dân, tại sao phải quan tâm tới một anh sắc tộc không nói và viết tiếng Mỹ thông thạo, nghề nghiệp ấm ớ, năng suất làm việc thấp, sử dụng máy điện thoại còn lọng cọng? Lâu lâu nếu giới truyền thông hay xuất bản cần một món hàng lạ Việt Nam, họ dùng những thứ “chính hiệu” Việt Nam, xuất xứ từ Việt Nam, chứ không tìm tới các cộng đồng Việt Nam tị nạn.
Những ghi nhận trên đây có thể bi quan quá đáng, do kinh nghiệm của tôi không xuôi chèo mát mái như kinh nghiệm những người cầm bút khác. Tôi chỉ muốn nêu ra những trở ngại của việc viết ở hải ngoại, hay cái giá phải trả cho một người cầm bút Việt Nam để được viết tự do. Cái giá ấy tương đối cao, và theo tôi, xứng đáng để trả. Ngẫu nhiên mà hình ảnh chiếc ghe nhỏ bập bềnh thả trôi khi tàu giàn khoan vớt chúng tôi hôm 5-12-1981 lại thích hợp để diễn tả cái giá tự do của tôi. Tôi phải xa lìa quê hương và phải tự mình chịu trách nhiệm đời mình, chịu trách nhiệm cái tự do của mình. Không còn ai bảo bọc tôi, không còn ai cấm đoán tôi. Thành công, tôi không biết khoe với ai. Thất bại, tôi không thể đổ thừa cho ai. Tôi trơ trọi, không mang trên người nhãn hiệu “nhân danh”, “đại diện”, “phát ngôn viên” để hưởng những ưu quyền (và ưu phiền) dành cho một đám đông, một cộng đồng xã hội.
Với ai khác không biết, với tôi, tôi thích được là mình, và không thích làm đại diện của bất cứ ai, không khoái nhân danh bất cứ ai, không muốn nợ nần bất cứ ai.
Nguyễn Mộng Giác
1998