Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Tiếng Đàn Thầm

Vợ chồng ông Tâm và lũ con lếch thếch đi bộ từ phố về nhà. Con Lan và thằng Vũ hí hửng chạy theo ba mẹ, mừng quá quên cả đoạn đường dài. Con Lan mím môi cố giữ không cho cái mũ ni lông mới bay xuống đường cái lầy lội. Còn thằng Vũ tay xách đôi dép Nhật cũ, cứ chạy một đoạn phải dừng để sửa lại đôi tất mới và đôi giày da hơi rộng. Bà Tâm cười thật tươi, khoe với chồng rằng ký mực bà vừa mua rẻ hơn hôm qua đến ba trăm đồng, bù lại gói bột dưa đắt hơn hôm qua một trăm đồng. Cuối cùng vẫn còn lợi hai trăm, đủ mua hai hộp sữa cho thằng Út. Chỉ có một mình ông Tâm không được vui:

“Lợi đâu không thấy, chỉ thấy cái cảnh cuốc bộ hộc xì dầu mà thôi. Em bắt anh ôm xách đủ thứ lỉnh kỉnh, không còn thấy đường mà đi nữa. Em coi thử có chiếc cyclo nào không, kêu lại chở một lượt về thẳng nhà cho khỏe”.

Con Lan mau miệng:

“Có một chiếc kia kìa ba. Để con kêu cho”.

Bà Tâm chưa kịp ngăn, con bé đã gọi lảnh lói:

“Cyclo, lại đây mau”.

Nhưng bác phu xe cứ cắm cổ đạp xe đi thẳng. Ông Tâm thất vọng, còn bà vợ có vẻ thích thú, nhẹ nhàng giải thích cho chồng:

“Bây giờ đã sáu giờ chiều ba mươi rồi. Người ta còn lo về dọn dẹp rước ông bà, ai đâu làm thuê chở mướn nữa mà gọi cho mất công”.

Ông Tâm không biết giải toả nỗi bực dọc bằng cách nào, ngập ngừng một lúc, rồi sừng sộ với vợ:

“Phải. Bây giờ đã chiều ba mươi rồi. Chỉ còn mấy giờ nữa là giao thừa. Nhưng đã biết vậy, thì sao không lo mua sắm mọi thứ cho xong hôm qua hôm kia đi. Chờ đến phút chót, lúc người ta đóng cửa dẹp hàng, mới chụp giật hối hả rước toàn đồ dư đồ thừa về”.

Bà Tâm phụng phịu nét mặt. Bà muốn trả lời liền, nhưng nghĩ thế nào lại thôi. Ông Tâm hơi ngạc nhiên không nghe vợ nói gì, liếc nhìn bà Tâm một chút rồi tiếp tục bước. Ông e dè liếc nhìn lần nữa, bảo nhỏ:

“Đôi giày em mua cho thằng Vũ đẹp lắm. Vừa chắc chắn lại vừa nhã”.

Bà Tâm giữ yên lặng. Ông Tâm nói:

“Trông con Lan nó đội cái mũ đỏ có dễ thương không. Má nó hây hây. Con nít nó khác, chỉ biết cười đùa không biết lo lắng gì”.

Bấy giờ bà Tâm mới bảo chồng:

“Đâu phải chỉ có con nít mới vô tâm. Đàn ông cũng vậy. Em ráng tiết kiệm từng đồng, làm sao cho khỏi mang nợ, anh không chịu hiểu. Lại còn dằn vặt em nữa”.

Ông Tâm biết mình có lỗi, không dám nói gì thêm, lặng lẽ bước bên vợ. Từ đó về nhà, ông có cố ý làm hoà với vợ đôi ba lần, nhưng lần nào cũng thất bại. Bà Tâm thản nhiên bước, làm như không hề biết đến sự có mặt của người phu khuân vác cần cù bên cạnh. Cả đến lúc con Lan thằng Vũ bỏ ba mẹ chạy nhanh vào ngõ reo lớn:

“Về mau khoe đồ mới với ông nội. Bước nhanh lên mẹ”.

Bà Tân vẫn không trả lời. Thấy nguy hiểm, ông Tâm cố gắng giảng hoà lần cuối cùng:

“Vô nhà để việc xếp đặt bàn ghế anh lo. Chừng nửa giờ là xong ngay. Mình lấy tạm cái bàn học con Lan làm bàn thờ. Em chê cái bàn dính mực cùng khắp phải không? Khỏi lo. Chỉ việc lấy tấm drap xanh phủ lên là xong ngay. Mình dẹp bớt mấy cái ghế, cái giường bố, khiêng thùng đồ giặt bỏ sau bếp, là đủ chỗ kê bộ sa lông mây. Dĩa mứt, bình nước trà, chai rượu Anis, gói thuốc Mélia, bao diêm, bấy nhiêu đó là đủ tươm tất. Em thấy không, anh có khiếu mỹ thuật và óc tháo vát nhanh nhẹn trời sinh. Phòng khách dã chiến của mình không thua thiên hạ bao nhiêu đâś.

Vào phía trong cổng, bà Tâm mới hỏi chồng:

“Còn cái đàn anh định dẹp đi đâu?”

Ông Tâm khựng lại, không biết trả lời thế nào, hỏi vợ lần nữa:

“Em nói cái gì?”

“Em hỏi anh định dẹp cái đàn đi đâu?”

“Cái dương cầm của ông cụ hả?”

“Còn cái đàn nào nữa. Thùng đồ giặt bỏ sau lưng cái đàn. Dẹp thùng đồ giặt vào bếp, còn cái đàn có dẹp vào bếp không?”

Ông Tâm không trả lời, yên lặng theo vợ vào nhà. Cửa trước chỉ khép hờ, tiếng con Lan tíu tít:

“Ông nội, con có cái mũ mới. Con quăng cái mũ cũ vào thùng rác rồi. Nội thấy cái mũ của con có đẹp không?”

Rồi tiếng thằng Vũ:

“Còn con thì có đôi giày. Với đôi tất nữa”.

Ông Tâm vào nhà, thấy cha vẫn ngồi ở chỗ cái dương cầm hư như thường lệ. Hai bàn tay gầy guộc của ông cụ còn trải đều trên hàng phím trắng. Ông nội ngừng đàn, nghiêng người hỏi hai cháu:

“Ờ, bài đó hay lắm. Của ông nội với một người bạn hợp soạn đó. Để ông nội đàn cho cháu nghe nhé”.

Con Lan nhanh nhẩu cải chính:

“Không. Nội nghe sai rồi. Tụi con hỏi nội có thấy cái mũ, đôi giày ba me mua cho tụi con đẹp không”.

Giọng ông nội vẫn đều đều, như vọng từ một thế giới khác:

“Ờ, bài này hơi khó hát một chút. Thời đó chỉ có cô Bích Liên hát nổi bài này của nội mà thôi. Nhất là chỗ láy ở cuối bài. Khó diễn tả cho đúng lắm. Này, cháu nghe đây”.

Rồi ông cụ xoay người lại, ngồi ngay ngắn trước cái dương cầm, hai bàn tay xương xẩu lượn lờ trên phím. Đầu ông cụ gật gật theo nhịp đều, đôi vai xuôi rung động, nhưng từ cái dương cầm, không có âm thanh nào phát ra cả. Ông Tâm thấy thương cha tràn trề, đứng lặng chỗ cửa ra vào quên cả việc đặt mấy gói đồ kềnh càng xuống sân nhà. Bà Tâm thúc hông chồng hỏi nhỏ:

“Anh thấy không? Ông cụ đâu có chịu rời cái dương cầm. Đố anh dẹp đi được. Chỗ đâu mà đặt bộ sa lông mâyś

Thằng Vũ chạy lại phân trần với me:

“Mua đôi giày khác đi me. Nội chê đôi giày xấu, con hỏi có đẹp không, nội lắc đầu không nói”.

Bà Tâm tìm cách giải thích cho đứa con cưng:

“Nội đâu có chê. Nội công nhận đôi giày của con đẹp, đẹp lắm. Nhưng nội giận Vũ, vì hôm trước Vũ phá cái đàn cưng của ông nội, nên nội lắc đầu không trả lời”.

Thằng Vũ cãi lại:

“Đâu phải con phá. Chị Lan bảo làm vậy cho bớt ồn, đâu phải một mình con làm”.

Con Lan cũng không vừa:

“Đâu phải con bảo. Tại me…”

Nói đến đó, con bé chợt nhớ điều gì, ngừng lại kịp thời. Con Lan liếc nhìn ông Tâm, ánh mắt giả vờ sợ sệt một cách ranh mãnh. Bà Tâm cười xoà, nói với chồng:

“Ba nặng tai không nghe gì đâu. Cái dương cầm hư, kêu ột ệt chẳng ra làm sao cả. Thế mà ba cứ tưởng đàn vẫn còn tốt, ngồi đánh say sưa. Em không chịu nổi, có bảo con Lan nó chêm giấy cho khỏi kêu. Anh đừng giận, ba có nghe gì đâu mà biết”.

Bây giờ ông Tâm mới hiểu vì sao từ một tuần nay, chiếc dương cầm không còn phát âm được nữa. Ông nhận rằng vợ đã làm đúng. Ông nội bị điếc nặng không nghe được gì. Căn nhà thuê lại quá chật. Trưa tối sau buổi làm về, cả hai vợ chồng ông Tâm đều cần chút yên tĩnh nghỉ ngơi. Thằng bé Út lại hay sảy thức, mỗi lần ông nội đưa tay lên phím cái dương cầm cũ là thằng bé giật mình khóc thét.

Khốn nỗi ông Tâm không có can đảm nói cho cha hiểu. Ông cụ trước kia là một nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng. Cây đàn là người bạn đời thân nhất trong cuộc đời nhọc nhằn cay đắng, từ khi người bạn đời xinh đẹp hiền hoà khác mất đi, bỏ lại cho ông cụ ba đứa con nheo nhóc. Bà nội vốn giỏi chuyện buôn bán tảo tần, một mình quán xuyến hết mọi việc gia đình. Thủa đó, nhờ thừa hưởng một gia tài khá đồ sộ và nhờ tài nội trợ của người vợ hiền, cả ngày ông nội chỉ lo chuyện đàn hát với bạn bè. Bà nội mất, đột nhiên ông nội cảm thấy đời sống bấp bênh, mất hẳn sự quân bình. Ông nội tiếp tục sống cuộc sống cũ, trong lo âu. Tiếng đàn của ông nội có vẻ hối hả, ray rứt. Không còn những âm thanh khoan thai trong sáng thời xưa. Rồi cái gì phải đến, đã đến. Gia tài khánh kiệt, thực tế cơm áo trước mắt không còn có cách nào quay mặt trốn tránh. Ông nội phải bán rẻ tiếng đàn nuôi con. Tính tình ông nội đổi khác, trầm ngâm ít nói, nét mặt u uất ưu tư. Ông nội luôn giữ khoảng cách lạnh lùng với mấy đứa nhỏ. Trong trí nhớ, ông Tâm chỉ thấy cha mình ngồi hàng giờ trước dương cầm, miệng hát khe khẽ, hết đưa tay lên hàng phím lại ghi ghi chép chép.

Cả ông Tâm lẫn hai người em trai không ai thích tiếp nối cái nghiệp dĩ nặng trĩu của cha già, nên kẻ làm công chức, kẻ đi lính, kẻ đi buôn.

Vì thế, ông nội chỉ còn một người bạn già: chiếc dương cầm. Khốn nỗi tuổi ông nội càng cao, đôi tay càng run, tiếng đàn càng rời rạc mệt mỏi thì chiếc dương cầm càng cũ kỹ, hư hao. Dây đàn chùng, thùng đàn vỡ, tiếng nghe không còn đúng nữa. Khi ông Tâm tìm được việc làm nuôi em thì ông nội cũng vừa bị cho thôi việc. Không biết làm gì qua ngày, ông nội cứ ôm lấy cây đàn cũ. Hai ba lần ông Tâm bị đuổi nhà, mỗi lần dọn đến chỗ ở mới, ông nội chỉ lo chở cái đàn của mình đi theo. Lần dọn nhà cuối cùng vào mùa thu năm trước, tuy căn nhà thật chật chội, ông cụ vẫn bắt buộc con cái dành chỗ tốt nhất cho chiếc dương cầm. Bà Tâm bực bội, nhiều khi nói nhiều câu quá nặng. Ông Tâm xót xa, nhưng chỉ biết làm ngơ. Ông ở vào cái thế khó xử. Ông khổ sở, đôi lúc phải mắng át cho vợ khỏi nói nữa. Ngay lúc này, ông biết sợ lại sắp đề cập đến chuyện dương cầm.

Ông sợ, đành cam chịu, chờ đợi. Rồi điều ông đợi đã đến. Bà Tâm nhắc chồng:

“Kìa, anh làm gì mà đứng như trời trồng vậy. Tìm chỗ đặt mấy cái gói xuống chứ. Anh nhìn quanh xem, còn chỗ nào đặt xuống không?”

Ông Tâm còn đang phân vân, thì bà vợ nói tiếp:

“Thôi anh bỏ tạm đằng cái giường con Lan, rồi đem cái bàn mây vào xem sao. Không có chỗ cho khách ngồi, thì mời họ ngồi lên cái ghế dương cầm cũng được”.

Ông Tâm sợ sệt bảo vợ:

“Em để mặc anh lo. Ra phòng sau xem thử thằng Út thức dậy chưa. Con ở đi đâu không thấy coi nhà?”

Con Lan nhanh miệng mét:

“Lúc con về, con thấy chị ở đứng nói chuyện với thím Tư”.

Thằng Vũ thì đòi mở gói hột dưa:

“Cho con nắm hột dưa đi ba. Con biết cắn hột dưa rồi”.

Bà Tâm mắng:

“Vũ, không được hỗn. Hột dưa chưa cúng, chưa được ăn. Hỗn mang tội”.

Rồi bà quay về phía chồng:

“Anh liệu xếp bàn thờ chỗ nào? Hẹp thế này, kê bàn học của con Lan làm sao vừa. Hay là… hay là lập bàn thờ trên cái đàn dương cầm?”

Ông Tâm bị chạm vào chỗ nhột, phản ứng một cách gay gắt:

“Em cứ nói thẳng là muốn vất quách cái đàn lên xe rác, chứ đừng nói quanh co nữa. Đừng có dằn vặt mãi, anh không chịu nổi đâu”.

Bà Tâm cũng không vừa:

“Trong nhà này, ai dằn vặt ai? Ai làm khổ sở ai? Anh hay là tôi? Mình không có tiền thì chờ chợ tàn đi mua đồ thừa, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy. Tôi đàn bà yếu ớt còn chịu khó đi bộ cho đỡ tiền xe. Ai cằn nhằn càm ràm từ chiều đến giờ? Mình nghèo thì chịu ở chật. Nhà chật thì phải khéo xếp đặt. Ai đặt chương ướng…”

Ông Tâm cắt ngang lời vợ:

“Em không được nói động đến ba. Mình làm con, đã không đủ điều kiện phụng dưỡng đầy đủ thì phải…”

Bà Tâm cũng cắt lời chồng:

“Nhưng các chú làm ăn phát đạt, nhà cao cửa rộng sao không rước ba về phụng dưỡng, chỉ để mặc một mình anh lo. Các chú không phải là con à?”

“Em nói gì lạ vậy. Mình là con trưởng, phải…”

Bà Tâm lắc đầu chán nản:

“Bao giờ anh cũng chỉ nhắc lại có bấy nhiêu. Mà thôi. Để tôi lo dọn thứ gì ăn qua quít cho lũ trẻ đi ngủ. Lan, con qua kêu chị ở về cho me. Còn thằng Vũ cởi giày ra đi. Để cho mới mai còn đi lại các chú xin lì xì”.

Chờ cho vợ dẫn con đi khuất sau tấm vách ngăn, ông Tâm mới đi về phía cha. Kề sát miệng vào tai ông cụ, ông Tâm nói lớn:

“Thưa ba, đi nằm một lát cho khỏe rồi còn dùng cơm”.

Ông cụ gật đầu, nhưng vẫn cứ ngồi trước cái dương cầm, không chịu đứng dậy. Ông Tâm nhắc lại:

“Ba nghỉ một lát, ăn cơm tối rồi còn đón giao thừa. Chỉ còn bốn giờ nữa là hết năm Tí, ba có nhớ hay không?”

Ông cụ ngừng đưa tay trên phím, ngước nhìn con trả lời:

“Được lắm chứ. Bài này hay lắm. Âm thanh cuồn cuộn, như thác lũ. Hồi còn trẻ, ba chơi bản này, xúc động đến muốn khóc. Ba…”

Ông Tâm không để cho cha già nhắc lại điệp khúc cũ, nâng hẳn người ông cụ lên. Ông cụ không nói nữa, để mặc cho đứa con trai trưởng dẫn ra phòng sau. Bà Tâm và chị ở đã dọn cơm xong. Hai đứa nhỏ đòi me bỏ thức ăn đầy đủ vào chén ra ngồi trước cửa vừa ăn vừa nhìn xe cộ qua lại. Chỉ còn ba người lớn ngồi ăn lặng lẽ dưới ánh đèn điện vàng lù mù. Gần chỗ cửa sổ, chị ở nắm tay nôi đong đưa cho thằng nhỏ thôi ậm ọe cựa quậy. Lũ trẻ xem xe cộ chán, quay trở vào tíu tít hỏi me chừng nào cúng tết để chờ. Bà Tâm nhìn đồng hồ bảo còn hơn ba giờ nữa. Con Lan cương quyết bảo là con sẽ đợi. Thằng Vũ bắt chước bảo con cũng đợi. Nhưng hai đứa trẻ đều ngủ lăn quay trên giường bố trước khi ông Tâm và chị ở lôi được cái đàn dương cầm vào sát vách để khoảng nền nhà còn lại đủ rộng mà đặt bàn thờ. Bà Tâm liếc dò gương mặt chồng, mỉm cười xin lỗi. Ông Tâm nhếch mép cười lại, gương mặt ngậm ngùi. Bên kia vách, ông cụ húng hắng ho. Hình như tiếng chân dương cầm kéo lê trên nền xi măng đã đánh thức ông cụ dậy. Hai vợ chồng ông Tâm nín thở nghe ngóng một lúc, rồi tiếp tục xếp đặt cho xong hương án và bộ sa lông để mai tiếp khách. Chị ở có ý muốn chờ giao thừa với ông bà chủ, nhưng đến mười một giờ khuya thì chịu thua con ma ngủ.

Hai vợ chồng ông Tâm lặng lẽ chuẩn bị đón năm Sửu, lòng lâng lâng không phân biệt được là niềm vui mới nhú hay là nỗi buồn còn lại. Ông Tâm bỏ áo sơ mi vào trong quần, định lấy cái cà vạt xanh thẫm mang vào nhưng sau nghĩ sao lại mở tủ lấy cái áo lương mặc choàng bên ngoài. Bà Tâm chải lại tóc, mặc cái áo dài nâu may tháng trước, bưng ba đĩa bánh mứt lên bàn thờ, gắn cặp đèn sáp hai bên lư hương, đặt sẵn bao diêm bên bì nhang loại rẻ tiền. Sửa soạn xong đâu đó, bà thì thào hỏi chồng:

“Còn bao lâu nữa mình?”

Ông Tâm xem đồng hồ bảo:

“Còn mười phút nữa”.

“Có nên thức ba dậy cho ba cúng giao thừa không?”

Ông Tâm suy nghĩ một lúc, rồi trả lời:

“Thôi. Khỏi cần. Để cho ba nghỉ. Năm ngoái chính ba nhắc anh thức ba dậy để cúng rước. Năm nay ba không nhắc. Tai ba nặng thêm. Anh hơi buồn, vì ba không còn được như năm trước. Ba đã lẫn”.

“Còn mấy phút nữa, mình?”

“Còn sáu phút nữa. Em lo rót nước sôi trong tẹt-mốt vào bình trà đi. Cho anh bao diêm để đốt nhang”.

“Bao diêm em để sẵn đó rồi”.

“Nhưng cắm nhang vào đâu? Lư hương chỉ làm cảnh mà thôi”.

Bà Tâm cuống quít:

“Em quên mất. Còn mấy phút nữa? Ba phút à? Em chạy xuống bếp lấy cái ly đựng gạo lên liền, chắc kịp”.

Lúc bà Tâm trở lên, đồng hồ vừa chỉ đúng mười hai giờ. Ông Tâm thì thào:

“Giao thừa. Lắng chờ thử năm nay họ có bắn súng thay pháo không”.

Hai vợ chồng lắng nghe một lúc không thấy gì. Ông Tâm nhớ đến phận sự trước, vội bật diêm thắp nến, đốt nhang lầm rầm khấn khứa trước bàn thờ. Lạy xong, ông đứng sang một bên nhường chỗ cho vợ. Bà Tâm cầu nguyện tham lam hơn chồng, đôi mắt say sưa, thành kính. Ông Tâm hơi nóng ruột, chờ vợ lạy xong đến gần thì thào:

“Sang năm Sửu rồi. Thêm một tuổi nữa, em có buồn không?”

Bà Tâm xúc động, không trả lời ngay. Một lúc sau, bà ngước nhìn chồng nói nhỏ:

“Em không buồn. Em già thêm một tuổi, thì anh cũng già thêm một tuổi”.

Ông Tâm không ngờ vợ nói được một câu dí dỏm đúng lúc như vậy, định nói một câu thật tếu, thì giật mình vì tiếng súng nổ ngay bên cạnh nhà. Bà Tâm hốt hoảng nép sát vào chồng hỏi:

“Cái gì vậy mình?”

Ông Tâm trấn an:

“Không có gì đâu. Chú Tư thiệt gan cùng mình. Đã có lệnh cấm, vẫn ngứa tay bóp đại một phát cho đã. Mai chắc chắn lôi thôi với cảnh sát, không tránh khỏi đâu…”

Nói đến đây, ông Tâm đột ngột ngưng lại. Ông đưa mắt ra dấu cho vợ. Bà Tâm nhìn theo hướng nhìn của chồng, thấy ông nội bước qua cửa ngăn, đi ra phòng trước như một người mộng du, ông cụ nhìn bàn thờ, nhìn hai con khẽ gật đầu, tỏ dấu tán thưởng. Rồi ông cụ đi thẳng về phía cái dương cầm. Ông Tâm lo sợ, nói thầm với vợ:

“Chắc ba sắp nổi cơn lôi đình, hỏi tại sao dám đẩy cái đàn của ba đi chỗ khác”.

Bà Tâm trong sợ hãi cũng quên là ông cụ bị điếc nặng, thì thào:

“Chứ biết làm sao. Không đẩy vào sát vách, chỗ đâu lập hương án. Ba phải hiểu nhà mình chật chội”.

Nhưng ông nội không quở mắng gì. Ông cụ đến ngồi trước đàn, yên lặng suy nghĩ một chút rồi đưa tay lướt trên phím. Đầu ông cụ gật gật đánh nhịp.

Ông Tâm thấy lòng xót xa, rơm rớm nước mắt bảo vợ:

“Năm Sửu chắc ba lẫn hơn. Khuya khoắt mà còn dậy đánh đàn”.

Bà Tâm không nói gì, nên căn phòng yên lặng hoàn toàn. Tiếng đàn lặng lẽ vẫn tiếp tục làm đau nhói tâm hồn ông Tâm. Ông không thấy gì khác hơn là một đêm tối mênh mông trước mặt. Ánh sáng nơi bàn thờ nhoè qua nước mắt. Hình dáng người vợ chao qua chao lại, như một ảo ảnh. Rồi ông nghe vợ bảo:

“Mình, hình như ba đang nói gì đó. Hãy lắng nghe xem”.

Ông Tâm lấy ống tay áo chùi nước mắt, đăm đăm nhìn cha. Ông lắng nghe.

Bà Tâm thì thào:

“Hình như ba vừa đàn vừa hát, phải không?”

Ông Tâm chú ý hơn nữa. Vợ ông đã nói đúng, ông cụ vừa đưa tay lướt trên phím đàn câm, vừa hát theo. Phải mất một lúc lâu, ông Tâm mới nghe thoang thoáng được vài câu hát của cha mình. Bà Tâm lại hỏi:

“Ba hát bài gì nghe quen quen”.

Ông Tâm ra dấu cho vợ im lặng, lắng nghe tiếp giọng hát khàn khàn của cha già. Bà vợ không nhịn được tò mò nữa, hỏi:

“Ba hát bài gì mà say sưa vậy, mình?”

Ông Tâm nắm tay vợ, ngậm ngùi làm run tiếng nói:

“Anh không biết chắc. Hình như bài Xuân và Tuổi trẻ của La Hối”.


Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 4022

Tác Phẩm

BÀI KỀ

Bài trước
Bài tiếp theo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây