Quê hương tôi:
bao mùa chinh chiến,
bao cuộc phân ly
Bao lần kẻ ở, người đi,
Bao lần giọt lệ tràn mi thắm buồn !
Anh với tôi:
cùng một quê hương
cùng chung uống nước một nguồn sông Côn1
Những chiều Trường sơn,
Những sáng Quy nhơn,
Những cơn chớp bể, mưa nguồn thiết tha !
Thế hệ chúng ta:
Ba mươi năm máu lửa,
xót xa phận người
Những băn khoăn,
những ray rứt,
những suy tư . . .
Đổi thay thế sự,
kiếp người lênh đênh !
Tôi với anh:
Đã cùng lớn lên,
dòng đời trong, đục,
quanh co, uốn khúc,
Bao nhiêu năm kháng chiến trường kỳ,
Bao nhiêu năm tan tác, phân ly,
Xác xơ quê cũ, lầm lì núi sông.
Trải qua bao trận thư hùng,
Bao nhiêu vinh, nhục: bỉ, cùng, biến, thông2
Tôi với anh:
Kẻ đợi, người trông:
Hòa bình, Dân chủ,
trên dải quê hương,
Con đường trước mặt: đau thương,
Con đường sau lưng: quằn quại.
Quê hương Đồ Bàn,3
tháp Chàm,
tê tái
Quê hương uy linh,
Thái Đức xưng vương4
Quê hương Quang Trung Nguyễn Huệ phi thường,
Quê hương có “mùa lũ sông Côn“5
cuốn trôi bao đời rác rến ! . . .
Nhưng không !
Hận thù vẫn luôn luôn ập đến !
Tháp Cánh Tiên buồn !6
vì Tiên đã bỏ trần gian,
Trái tim Huyền Trân7 nhuốm ánh điêu tàn,
Thành Quy Nhơn, đổi ra: thành Bình Định8
Những thù hận trút đầy trang sử chính,
Danh anh hùng, biến thành kẻ “ngụy vong“9
Bình Định hờn căm,
Bình Định đau lòng,
Bao trầm mặc…tháng ngày thêm chồng chất,
Nguyễn Ánh Gia Long đổi tên miền đất,
Đem hận thù trút xuống cõi uy linh
Bình Định đau thương, Bình Định nhục hình10
Tên Bình Định ra đời từ hận thù của Gia Long lãnh chúa
Tôi với anh:
Lớn lên trong khói lửa,
Mỗi lần lịch sử sang trang, là đau xót phận người,
Những mưa nguồn, chớp bể của tâm tư,
Những ray rứt…nghe như hồn rướm máu !
Tiếng thơ Hàn11 như mãi còn đau đáu,
Tiếng thơ Chế lan Viên, “sờ soạng lũ ma Hời“12
Bóng chiều buồn ‘’đọng ‘’ mãi chẳng pha phôi13
“Mùa biển động“14, “Bóng thuyền say‘’15 thấp thoáng,
“Đường một chiều“16, nhìn quê hương chập choạng
Vượt trùng dương, người đi chẳng mong về,
Phương trời xa, heo hút và lê thê,
Có tuyết lạnh, mây mờ…trời viễn xứ.
Tôi ở đây,
Tìm “Tiếng chim vườn cũ“17
Nhưng con chim kia cũng biền biệt tự thuở nào !
Tràng Tiền xưa, mấy độ anh qua cầu,
Gió mãi thổi,
sương mờ,
trời thu lạnh,
Trường Đồng Khánh, tà áo xưa lấp lánh18
Dưới nắng mai, nay bỗng thấy cây liễu buồn !19
Tôi với anh:
Đã chung một ngôi trường,
Ngôi trường một thời sinh viên Đại học Sư phạm20
Ngôi trường sau cùng khi ra đi lánh nạn,
Cường Để Quy Nhơn, tha thiết vọng vào hồn !
Tôi với anh:
Chung dòng nước sông Côn
Anh ở đầu sông,
tôi cuối sông,
chờ đợi
Những chớp bể, mưa nguồn, những sấm vang Thị Nại21
Những hòn Ông22, hòn Bà23, những Tây lĩnh24 linh thiêng…
Những tảng đá ngày xưa Nguyễn Huệ mài gươm,
Những mưu trí, can trường của vua Thái Đức,
Những võ tướng uy linh Bùi thị Xuân, Trần quang Diệu,
Những anh hùng áo vải của Tây sơn…
Bình Định đau thương,
Bình Định căm hờn,
Thời kháng chiến, tiếng đại bác hoàng hôn cùa bọn thực dân
từ đèo An Khê dội xuống25
Những đêm trăng
không còn màu trăng sáng,
Tuổi học trò, mà minh mẩy lấm lem:
Cuốc, xẻng trên vai, tay xách xà beng,
Đi đào giao thông hào, đào hầm cá nhân, tránh bom, tránh đạn.
Thưở ngày thơ,
Đi học trong kháng chiến,
Lớp học ban đêm,
với ngọn đèn dầu,
Và có những đêm đèn lửa tù mù,
Thầy trò ùa nhau xuống hầm
tránh bom, tránh đạn,
Nếp gian khổ đã in lên vầng trán
Vâng trán thơ ngây của tuổi đuổi bướm, bắt chuồn chuồn…
Áo bạc màu vì đã trãi phong sương,
Nhưng thời chiến tranh, vải bô đâu dễ kiếm !
Nhớ thuở ấy, sao cái gì cũng hiếm
Và có khi hiếm luôn cả những nụ cười !
Lương thực sẵn sàng,
chuẩn bị đi tản cư ,
Pháp đổ bộ lên Quy Nhơn,
núi Trường Úc26 kéo bồ xụt xịt27
Thôn làng anh, có lắm lang, mì và mít,
Hột mít luộc rồi, giã nát làm lương khô,
Lũ trẻ đi tản cư,
bụng đói, tay hốt hột mít mà vồ
vào miệng trẻ, hột mít thành sâm ngọt !
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Quê nội anh Xuân Hòa28, quê ngoại tôi An Chánh29
Quê nội tôi Hòa Cư30, quê ngoại anh Hòa Bình31
Dải đất nối liền một thuở “tử sinh”
Có cụ Tiến sĩ Hòa Cư, thủ lĩnh phong trào:
“Bình Định vùng lên chống sưu, chống thuế“33
Và nhớ thuở ngày xưa Nguyễn Huệ,
Từ Tây sơn xuống An nhơn, học thầy giáo Hiến dắt dìu,
Nơi phát tích anh hùng rạng rỡ biết bao nhiêu,
Nơi có con sông Côn, chảy từ nguồn xuống biển,
Biển Quy Nhơn, có vô vàn thủy sản,
Có bao mùa ăm ắp những cá chuồn,
Có ai về, xin nhắn với “nậu nguồn “
Hãy đưa măng le đi xuống, để gửi cá chuồn đi lên34
Mùa lũ, sông Côn tràn nước mông mênh
Dòng sông oai hùng như muôn ngàn thác đổ,
Đã cuốn phăng những rác rong ô uế,
Đem phù sa tràn xuống những cánh đồng:
Tuy Phước35 An Nhơn36 ruộng lúa mênh mông,
Mùa Hạ nước trong, sông Côn soi bóng,
Trai An Thái37
Gái An Vinh38
Sóng sánh
Đàn lập giữa sông Côn, để nam nữ thi tài
Những mùa xuân, mùa xuân của gái trai,
Của dũng cảm, tài năng thi võ nghệ…
Tôi với anh:
Đã sống chung một quê hương như thế,
Quê hương lắm đau thương và cũng lắm ngọt bùi,
Tuổi ấu thơ lẫn lộn bao buồn vui,
Ta đi tới,
Đầu đội trời,
Chân đạp đất.
Dẫu đau thương và hận thù chồng chất
Từ kinh đô Chiêm thành39, cho đến đất đế đô40
Từ thưở xa xưa, sông núi đã biết đợi chờ
Cõi đất linh thiêng, anh hùng dựng nghiệp,
Bao trang sử vàng son và oanh liệt,
Từ Nguyễn Huệ Quang Trung, đến Mai xuân Thưởng dựng cờ
Và Tăng Bạt Hổ đông du để xây dựng cõi bờ
Gian khổ, tù đày…vẫn không lùi bước..
Bao tiền nhân, luôn tiến về phía trước
Vẫn oai hùng, quật khởi, vươn lên
Trên bục giảng năm nào,
những bài giảng văn chương,
Văn với đạo lý làm người, hòa chung sức sống
Những mái đầu xanh, những tâm hồn mơ mộng,
Ta ươm mầm từ lứa tuổi hồn nhiên:
Khối óc, trái tim, nhân nghĩa vẹn tuyền,
Biết tư duy, biết can trường vì lợi quyền dân tộc.
Mặc ai theo đuổi con đường lợi lộc,
Ta vẫn thầm lặng, kiêu xa làm kẻ trồng người
Muốn làm chiến sĩ vô danh, để hòa nhập với đời
Và làm ông lái đò,
để đưa đàn em sang bến.
Từ dạo ấy, ta chung nghề cầm phấn
Nét phấn ngày xưa như còn in đậm những tâm hồn,
Những lo buồn,
những e ấp,
những bôn chồn…
Của đám thư sinh thân yêu, là niềm vui, ý sống.
Là nhà giáo, với tâm tư thầm lặng
Luôn thanh liêm, mẫu mực và nhân từ
Luôn dắt dìu những đàn trẻ vô tư
Luôn tin tưởng vào ngày mai tươi đẹp.
Quê hương ta,
từng đắm mình trong bao cuộc chiến,
Đem máu anh linh, để tô thắm ngọn cờ,
Hòa với lời ru,
câu hát ầu ơ…
của người mẹ bên nôi,
hay dưới hầm tránh bom tránh đạn,
Những tiêng chày khua vang trong đêm trăng sáng.
Câu hò giã gạo năm xưa…
còn đọng mãi trong hồn,
Những làn điệu bài chòi…
vang vọng cuối thôn.
Những tiếng trống chầu, dội vang
trong đêm hát bội,
Cái nôi văn hóa ngàn năm từ nguồn cội
Bao thế hệ làm người, tắm gội vẫn chưa phai.
Anh với tôi:
Trong thế hệ làm trai,
Trai Bình Định,
hòa lòng trai cả nước,
Mong chung sức cùng quê hương, dân tộc
Xây dựng nước nhà: Độc lập, Tự do,
Bồi đắp giang sơn, gìn giữ cơ đồ:
Dân chủ, Nhân quyền, Hòa bình thế giới.
Mong ước ấy, khởi đi từ nguồn cội.
Từ hồn thiêng sông núi của ngàn xưa
Ta vào đời giữa cuộc thế gió mưa
Tiếng súng xâm lăng vang rền bờ cõi
Bao áp bức.
bất công,
bạo tàn ngâp lối,
Tan nát quê hương, đày đọa giống nòi
Những suy tư,
những thao thức,
những bồi hồi…
Đất nước chia đôi, bom cày, đạn xé
Những đứa con trai ra đi không về nữa,
Những bà mẹ đau thương,
tựa cửa, hắt hiu buồn !
Những bé thơ lạc mẹ dưới đạn bom
Những cha già,
còm lưng trồng ngô, sắn…
Trước mũi súng thù,
là những linh hồn trong trắng
Vẫn hiên ngang gìn giữ nước non mình.
Thế hệ của tôi và anh,
là thế hệ của chiến tranh,
Của giết chóc, của hận thù chủ nghĩa.
Ta đã lớn lên, lớn từ máu, lửa,
Lớn từ quê hương tan nát, xác xơ cằn…
Tôi và anh, dẫu không cầm súng trong chiến tranh.
Nhưng cầm bút để đấu tranh cho cuộc sống,
Tiếng nói của lương tâm,
luôn luôn vang vọng.
Chống lũ thực dân,
chống lũ bạo quyền,
Chống chủ nghĩa ngoại lai, xâm hại cội nguồn,
Chống phát xít, độc tài, thực dân cũ, mới…
Đem ngọn bút để xây đời, lấy lương tri ta đi tới.
Không tham quyền,cố vị, không bon chen
Biết từ bỏ công danh để sống đẹp hơn
Biết trung thực với lương tâm, không bán rẻ linh hồn cho quỷ sứ.
Anh đã biết giã từ sông Hương, núi Ngự
Về Quy nhơn dìu đàn trẻ học hành.
Suốt quá trình nhà giáo, tôi và anh,
Ta đã sống trong lành, không vẩn đục.
Những năm tháng xa quê hương,
anh ra ngoại quốc,
Trang sách trường thiên, anh gửi trọn tâm hồn
Những bão dông, những biển động, những mưa nguồn
Những vinh nhục:
Ai công hầu,
Ai khanh tướng ? !
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Nhưng cuộc sống không thoát xa định mệnh
Căn bệnh ung thư đã dày xéo thân anh
Là kiếp người, sao vươt khỏi tử sinh ? !
Anh đã trút linh hồn vào một chiều tháng Bảy
Thôi vĩnh biệt từ nay anh nhỉ !
Đêm đã tàn.
Mộng đã tỉnh41
– Thấy anh đâu ? !
Nơi quê nhà, với ngày tháng trôi mau,
Gió vẫn thổi qua cầu42
Sông Côn vẫn còn mùa lũ,
“Mùa biển động”43, vắng “Tiếng chim vườn cũ”44
“Nỗi băn khoăn” đọng lại ở Kim Dung45
Sóng dạt, bèo trôi…
trời bể mit mùng
Anh đi mãi, không bao giờ trở lại !
Tôi viết vần thơ của thời hoang dại
Những vần thơ “hoài niệm” nhớ thương anh
Và đêm nay,
trong khóe mắt long lanh
Giọt lệ buồn…
Tôi khóc anh vĩnh biệt !
HỒ SĨ DUY
Đêm 09 tháng 7 năm 2012
Chú thích:
1 Dòng sông lớn ở phía nam tỉnh Bình Định, phát nguồn từ đông Trường sơn chảy qua các huyện Tây sơn, An nhơn, Tuy phước rồi ra đầm Thị nại, biển Quy nhơn.
2 Cùng, Bỉ, Biến, Thông: theo quan niệm của Dịch lý
3 thành Đồ Bàn: kinh đô của Chiêm thành, nằm trong địa phận của huyện An nhơn, tỉnh Bình Định.
4 Thái Đức, đế hiệu của Nguyễn Nhạc xưng vương tại thành Hoàng Đế, tức thành Đồ Bàn cũ, đươc sửa sang làm đế đô .
5 Tên tác phẩm tiểu thuyết trường thiên của Nguyễn mộng Gíac
6 Một ngôi tháp Chàm rất đẹp, nằm trong khuôn viên thành Đồ Bàn.
7 Công chúa Huyền Trân, hoàng hậu Chế Mân tại kinh đô Đồ Bàn, khi Chế Mân chết, hoàng hậu phải lên giàn hỏa, nhưng vua Trần đã giải cứu.
8 Năm 1804, Nguyễn Ánh ra lệnh phá thành Quy nhơn (thành Hoàng Đế của Nguyễn Nhạc) cho xây thành mới, cách thành Hoàng Đế độ 5km và đặt tên là thành Bình Định
9 Gia Long cho nhà Tây sơn là Ngụy và Nguyễn triều đã bôi bác chính sử.
10 Gia Long đã trả thù dã man các tướng lĩnh Tây sơn với nhục hình đô đốc Bùi thị Xuân và làm lao đao, khốn khổ người Bình định.
11 Hàn Mặc Tử
12 Thi phẩm “Điêu Tàn” của Chế lan Viên.
13 Thi phẩm “Đọng Bóng Chiều” của Quách Tấn
14, 15, 16, 17 các tựa đề tiểu thuyết của Nguyễn Mộng Giác
18 Ngôi trường Nguyễn Mộng Giác giảng dạy sau khi tôt nghiệp ĐHSP Huế
19 Cô giáo Diệu Chi, phu nhân Nguyễn Mộng Giác, nguyên là nữ sinh Đồng Khánh
20 Trường ĐHSP Huế trước 1975
21 đầm Thị Nại Quy Nhơn
22 Hòn Ông, một ngon núi cao, linh thiêng, nằm trong dãy núi An Tượng ở phía tây nam huyện An Nhơn
23 Hòn Bà hay còn gọi là núi Vọng phu , ngọn núi cao trên Núi Bà, huyện Phù Cát
24 Tây Lĩnh, dãy núi cao ở phía tây huyện Bình khê (Tây sơn) trong đó có núi ông Bình (Nguyễn Huệ) và núi ông Nhạc.
25 thời kháng chiến chống Pháp, bọn thưc dân đặt khẩu đại bác 105 ly trên đèo An Khê và cứ mỗi hoàng hôn thường bắn xuống vùng Tây Sơn, giết hại đồng bào, tàn phá làng mạc
26 núi Trường Úc, đỉnh núi cao, cách thành phố Quy nhơn 8 km. Thời kháng chiến chống Pháp, du kích huyện Tuy Phước treo trên đỉnh núi hai cái bồ để làm tín hiệu, mỗi khi thấy quân Pháp đổ bộ lên Quy nhơn thì kéo hai chiêc bồ lên đỉnh núi để báo hiệu cho đồng bào trong vùng đi tản cư tránh địch.
27 Bồ xụt xịt : tiếng địa phương dùng để chỉ cho hai chiếc bồ kéo lên kéo xuống trên đỉnh núi để báo động tình trạng khẩn cấp trong chiến tranh.
28 thôn Xuân Hòa, xã Bình Phú, quê của Nguyễn Mộng Giác
29 thôn An Chánh, xã Bình an huyện Binh khê (Tây Sơn),
30 thôn Hòa Cư, xã Nhơn Hưng, huyện An nhơn, Bình Định
31 thôn Hòa Bình xã Nhơn Phong, huyện An nhơn, Bình định
32 Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo. Quê ở thôn Hòa Cư, xã Nhơn Hưng, nên người ta thương gọi là ông tiến sĩ Hòa Cư. Trong Phong trào Kháng thuế ở miền Trung năm 1908, tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo là thủ lĩnh phong trào kháng thuế tại Binh Định, ông đã bị thực dân Pháp và nhà cầm quyền bắt giam và kết án tử hình, nhưng sau đó bị sĩ phu Bình Định phàn kháng, nên vua Duy Tân đã cải án thành khổ sai và đi đày. Xin lưu ý đừng nhầm lẫn với nhà nho Hồ sĩ Tạo người Nghệ an .
33 Phong trào kháng thuế miền Trung năm 1908, Bình Định là một trong những tỉnh có phong trào mạnh nhất.
33 Ca dao: Măng le gởi xuống; cá chuồn gởi lên
35, 36 Huyện An nhơn và huyện Tuy Phước là hai vựa lúa của Binh Định
37 An Thái, một thị trấn nằm trên hữu ngạn sông Côn, là miền đất võ nổi tiêng của huyện An Nhơn và cũng là nơi thầy giáo Hiến từng dạy văn võ cho Nguyễn Huệ.
38 An Vinh, ngôi làng nằm trên tả ngạn sông Côn, một trong những làng võ nghệ nổi tiếng của Bình khê.
43, 44 hai tựa đề tiểu thuyết của Nguyễn Mộng Giác
45 “Nỗi băn khoăn của Kim Dung” tác phẩm Nguyễn Mộng Giác