Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàTưởng nhớ Nguyễn Mộng GiácVănTưởng niệm 100 ngày mất nhà văn Nguyễn Mộng Giác

Tưởng niệm 100 ngày mất nhà văn Nguyễn Mộng Giác

WESTMINSTER (NV) – Khoảng hơn 100 văn hữu và thân hữu của nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã đến tham dự buổi tưởng niệm nhân 100 ngày mất của ông do hai nhà văn Bùi Bích Hà và Phạm Xuân Ðài và một số văn hữu tổ chức tại hội trường Văn Lang, Westminster, hôm Thứ Bảy.


Bà Diệu Chi (phải), phu nhân nhà văn Nguyễn Mộng Giác, cảm ơn nhà văn Phạm Xuân Ðài, đại diện ban tổ chức buổi lễ tưởng niệm. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Cũng có mặt trong buổi tưởng niệm này là bà Diệu Chi Nguyễn Mộng Giác cùng các con của nhà văn. Một số thân hữu từ rất xa như ở Na Uy, Boston, Seattle, San Jose cũng về tham dự.

Nhà văn Bùi Bích Hà thay mặt ban tổ chức khai mạc buổi tưởng niệm, giới thiệu tập sách “Nguyễn Mộng Giác và bằng hữu” do 40 nhà văn viết về ông. Bốn mươi người viết trong tập sách này, theo văn hữu Trần Doãn Nho, phụ trách biên tập, có 10 người viết trên mạng được tải xuống in trong tập sách mà cho đến lúc ấn hành nhóm thực hiện vẫn chưa liên lạc được để xin phép cho đăng tải.


Vì thế, nhân dịp phát hành cuốn sách này, đúng như tâm nguyện của anh em tiếc thương về một người bạn văn hiếm có, là phải được phát hành vào lễ 100 ngày mất của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, nhóm thực hiện xin được gửi lời xin lỗi với những tác giả của các bài viết trên mạng được tải xuống in này.

Buổi tưởng niệm được tổ chức thành hai phần. Phần đầu là những lời phát biểu của tám nhà văn thân hữu với nhà văn Nguyễn Mộng Giác. Ðó là Thơ Thơ, Trúc Chi, Trịnh Y Thư, Trần Mộng Tú, Thạch Hãn, Phùng Nguyễn, Tạ Chí Ðại Trường và Bùi Vĩnh Phúc.

Nhà văn Thơ Thơ giới thiệu tập sách của 40 văn thi hữu viết về nhà văn Nguyễn Mộng Giác. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)Nhà văn Thơ Thơ giới thiệu tập sách của 40 văn thi hữu viết về nhà văn Nguyễn Mộng Giác. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Phần hai là những lời phát biểu của một thân nhân của nhà văn và của một văn hữu cùng quê Bình Ðịnh. Trong phần này nhà thơ Ðỗ Quý Toàn cũng xin lên chú thích về một danh từ mà văn hữu Bùi Vĩnh Phúc sử dụng trong bài phát biểu, đó là danh từ “Từ trường văn học Nguyễn Mộng Giác” để mô tả cái sức hút văn học do Nguyễn Mộng Giác tạo ra với thi văn giới Việt Nam.

Tám người nói về bạn văn Nguyễn Mộng Giác hầu hết là những người từng sinh hoạt văn chương chữ nghĩa với cố nhà văn. Cả tám người đều ngợi ca lòng say mê văn chương nghệ thuật trong con người Nguyễn Mộng Giác và cái sức hút mà nhà văn đã tạo ra để lôi kéo được văn thi hữu về quần tụ quanh ông, không phải cho ông mà cho một sân chơi văn học, đó là tờ báo Văn Học.

Nhà văn Trúc Chi trong bài phát biểu có nhắc đến tâm tình của Nguyễn Mộng Giác rằng “bây giờ nhìn lại mới thấy miền Nam đã có một cơ chế tự do…” trong khi miền Bắc, có nhà văn đã nói “sống đến bây giờ chỉ vì biết sợ” nên văn học trong nước ngày nay phải ngừng chẩy.

Nhà văn Trịnh Y Thư, từng đã có giao tình 30 năm với nhà văn Nguyễn Mộng Giác, đưa ra nhận định rằng “ý thức nhân bản trong văn chương Nguyễn Mộng Giác bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu. Những nhân vật của Nguyễn Mộng Giác được xuất hiện với cả cái tốt, cao đẹp lẫn cái xấu xa hèn hạ. Qua những tác phẩm của Nguyễn Mộng Giác người đọc thấy được một tác phẩm gọi là tác phẩm văn học thì không thể cổ vũ cho một chủ thuyết hay một chế độ nào.”

Nhà biên khảo dịch thuật Thạch Hãn kể rằng chỉ khi đọc được truyện ngắn “Bầu ơi thương lấy bí cùng” của Nguyễn Mộng Giác vào cuối năm 1952, mới giật mình hé mở được cái nhìn về những cảnh đời bi đát do chiến tranh đã tạo ra và cũng nhận ra tác giả là một nhà văn nhiều nhân tính.

Nhà văn khảo sử Tạ Chí Ðại Trường nói về cuốn “Sông Côn Mùa Lũ” được in trong nước và đã bị giới làm văn học ngoài Bắc cho là mượn chuyện lịch sử mà nhiếc móc thời cuộc.

Nhà văn Bùi Vĩnh Phúc nói đến sức sáng tác bền bỉ, liên tục và công phu. Chỉ riêng hai cuốn trường thiên tiểu thuyết “Mùa Biển Ðộng” và “Sông Côn Mùa Lũ” Nguyễn Mộng Giác đã viết đến trên 2,000 trang. Qua những tác phẩm của mình, cố nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã hiện ra sức tưởng tượng phong phú, và sự tổng hợp công phu của ông đã vẽ lại được rõ nét cả một giai đoạn lịch sử với những con người sống trong thời đại đó. Tiểu thuyết là hư cấu nhưng nó lại có sự thật riêng qua văn tài của người viết.

Nhà thơ Ðỗ Quí Toàn, sau khi “chú thích” về nhóm chữ “Từ trường văn học Nguyễn Mộng Giác,” ông đã đề cập đến thời gian đầu sau 1975, những người viết ở miền Nam đều nghĩ rằng cái văn học miền Nam đã chấm dứt không biết có còn phục hồi được không. Những người viết chạy ra được hải ngoại mong mỏi dấy lên được cái dòng văn học nghệ thuật của miền Nam trong cộng đồng người Việt. Nguyễn Mộng Giác là một trong những người đã đóng góp vào cái công việc đó qua việc chủ trương tờ Văn Học là một sân chơi chung cho mọi người viết gồm đủ mọi khuynh hướng, tuổi tác.

Tiếp đó là những lời phát biểu của một số thân hữu đồng môn Sư Phạm Huế, của một số thân nhân quyến thuộc.

Bà Diệu Chi rất xúc động, nghẹn ngào cảm ơn bạn bè thân hữu đã đến tham dự 100 ngày mất của người bạn đường của mình và đặc biệt ghi nhận những tấm lòng chan hòa khi thực hiện được tập sách “Nguyễn Mộng Giác và bằng hữu” mà trao cho bà cùng gia đình vào ngày hôm nay.

Ðiều đáng ghi nhận là buổi tưởng niệm được tổ chức rất đơn giản về hình thức nhưng lại rất phong phú về tâm tình với người đã ra đi qua số người phát biểu và hầu hết người tham dự đều ngồi lại đến phút chót khi xem hết cuốn video phỏng vấn nhà văn Nguyễn Mộng Giác hồi sinh tiền do nhà văn Phạm Xuân Ðài thực hiện, tất cả mới ra về.

Nguyên Huy
7.10.2012
––

Liên lạc tác giả: NguyenHuy@nguoi-viet.com

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=156062&zoneid=3#.UHiSRIY24uU

   Số lần đọc: 4169

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây