Trả lời phỏng vấn của nhà văn Trần Doãn Nho về vấn đề sáng tác.
1. Hỏi: Sáng tác một tác phẩm văn chương phải dựa vào bốn yếu tố: kinh nghiệm sống (kinh nghiệm về hạnh phúc, đau khổ, kinh nghiệm giao tiếp với sự vật, biến cố…), cảm hứng sáng tạo (trực giác, tưởng tượng, lien tưởng…), kiến thức (về lịch sử, xã hội, tâm lý, khoa học…) và tư duy nghệ thuật (phương pháp sáng tác, kỹ thuật viết…). Xin anh cho biết ý kiến về nhận định đó. Riêng về các tác phẩm anh đã viết, yếu tố nào chiếm ưu thế?
Ðáp: Câu anh hỏi có thể tìm thấy trong tất cả các sách giáo khoa tại các trường đại học, phân khoa nghiên cứu về văn chương. Bốn yếu tố anh nêu ra đều đúng, cần thiết cho việc sáng tác. Không có gì phải bàn cãi về bốn yếu tố quan trọng này. Nhưng cũng có một thực tế nhãn tiền: các giáo sư am tường về phương pháp sáng tác văn chương hầu hết đều thất bại khi họ thử rời bục giảng và bắt tay viết truyện, làm thơ. Thêm một thực tế khác: Rất nhiều thính giả chẳng biết gì ráo về âm nhạc, hát rất dở, nhưng nghe một bản nhạc, một bài ca, họ biết ngay bài nào hay bài nào dở. Nếu anh soạn nhạc chị ca sĩ bị chê nổi sùng, thách thức: “Anh chê tôi thì thử hát tôi nghe coi!”, chắc chắn vị thính giả đáng thương nọ phải đuối lý. Vị đó chịu thua, không dám công khai khen chê nữa. Nhưng trong thâm tâm, vị đó vẫn giữ nguyên cách đánh giá của mình.
Hai ví dụ tôi đưa ra không nhằm hạ giá các yếu tố cần thiết cho việc sang tác đã ghi trong các sách giáo khoa. Tôi chỉ muốn nói các yếu tố ấy giống như văn phạm đối với ngôn ngữ: ngôn ngữ có trước, văn phạm đến sau nhằm tiêu chuẩn hóa, hệ thống hóa ngôn ngữ. Yếu tố tiên khởi của việc sáng tác không thuộc vào tri thức hay luận lý. Sáng tạo nghệ thuật, trong bất cứ hình thái nào, cũng khởi đầu bằng đam mê. Có nhiều nhà văn đột ngột xuất hiện và độc giả kinh ngạc vì thấy tác giả làm một nghề, sống một đời hình như chẳng ăn nhập gì với văn chương. Sự thực không phải vậy. Nhà văn đó âm thầm nuôi dưỡng, ấp ủ giấc mơ sáng tạo từ lâu, từng làm con mọt sách ở thư viện, từng đọc ngấu đọc nghiến bất cứ mảnh giấy nào có chữ, từng thích thú quan sát cử chỉ điệu bộ của người chung quanh, từng dán mắt vào tủ kính hiệu sách có trưng bày những cuốn sách mới, sau khi hoàn tất công việc của một anh lái buôn, một người cai tù, một tay du thủ du thực… Cái đam mê đọc thường bắt nguồn từ cái đam mê tò mò về đời sống, về con người; vì nhờ đọc mà sống thêm được nhiều đời sống, trải thêm được nhiều kinh nghiệm. Rồi tới một ngày đẹp trời nào đó, từ mê đọc người ta bẽn lẽn rụt rè bước thêm một bước nữa: mê viết. Ðến đây thì câu hỏi: “Làm sao để viết được, viết hay” mới đặt ra? Các yếu tố anh nêu ở trên thuộc phần giải đáp cho câu hỏi này. Bốn bửu bối để có tài viết truyện. Tôi cho cái đến trước tài là tâm. Nguyễn Du bảo “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Tôi không dám định giá rõ ràng như Nguyễn Du. Tôi chỉ nghĩ trong quá trình sáng tạo, tâm đến trước, phải đến trước.
2. Hỏi: Khi sáng tác một tác phẩm, cái gì đến với anh trước: nhân vật, cốt truyện, một chủ đề tư tưởng nào đó?
Ðáp: Tôi không biết người khác thế nào. Phần tôi, thường thường khởi đầu việc viết một truyện ngắn hay truyện dài bao giờ cũng là một ý tưởng, một cảm giác nào đó. Chẳng hạn khởi đầu của Sông Côn Mùa Lũ là băn khoăn của tôi trước câu hỏi: Người nghệ sĩ, người trí thức làm được gì trong thời loạn? Tôi viết Mùa Biển Ðộng với niềm tin rất khờ khạo là phải ghi lại những gì thế hệ mình trải qua, mình không làm mà những người khác cũng không làm thì mai sau không ai biết được kinh nghiệm của thế hệ mình. Giả sử nếu tôi không sống khốn đốn lơ láo dưới chế độ cộng sản sau 1975, chắc chắn không có động lực nào đủ mạnh để buộc tôi phải viết Sông Côn Mùa Lũ.
Cũng như nếu tôi không vượt biên, nếu tôi không nghĩ thôi từ đây ta vĩnh biệt quê hương, chưa chắc tôi đã chịu gạt sang bên cái tật lười cố hữu để viết Mùa Biển Ðộng. Tôi không có được cái tài viết dễ dàng bất cứ lúc nào bất cứ ở đâu của nhiều bạn văn khác. Khi nào có một động lực lớn lao, tôi mới viết. Sau khi quyết định viết một tác phẩm nhờ thôi thúc mãnh liệt của một cảm giác, một ý tưởng, tôi mới bắt đầu nghĩ đến những điều khác như nhân vật, cốt truyện, kỹ thuật…
3. Hỏi: Anh chuẩn bị như thế nào trước khi bắt tay vào viết một tác phẩm:
– Có làm một bản phác thảo?
– Có những ghi chú về cốt truyện, nhân vật, ý tưởng?
– Tìm tài liệu, đi thực tế?
Ðáp: Sau khi quyết định viết, tôi chú trọng đến nhân vật nhiều hơn cả. Tôi cho rằng nhân vật như người mang tín hiệu, anh ta có đáng tin thì tín hiệu mới thuyết phục được người đọc. Nhân vật mà giả thì dù có nói hay đến đâu người ta cũng không tin. Cho nên ngay từ thời “tiểu thuyết mới” đang thịnh hành, tôi đã nghĩ thế nào cao trào ấy cũng thất bại. Người đọc chỉ thích thú khi đọc truyện khi nào họ tìm thấy phần tương đồng nào đó giữa nhân vật tiểu thuyết và họ. Ðọc, là để soi gương tìm chính mình. Làm sao soi gương tìm ra được mình khi trong gương chỉ có khoảng trống lạnh lẽo, hoặc những khuôn mặt không có mắt mũi tóc tai mang tên X, Y, Z. Dù người ta có biện luận rằng cuộc sống vốn là một mớ chỉ rối, một cõi hỗn độn ngẫu nhiên (đôi lúc đúng như thế), nhưng bất cứ hành động nào của con người cũng đều hướng về một mục tiêu: nối những điểm ở hai đầu con đường quanh co bằng con đường thẳng, nghĩa là hợp lý hóa những điều phức tạp thành một hệ thống đơn giản hơn, dễ hiểu hơn, đến độ có thể yên tâm chấp nhận được cuộc sống đó. Siêu thực, tượng trưng, Dada, tiểu thuyết mới… và bao nhiêu phong trào cách tân khác trong văn nghệ chẳng qua chỉ là phản ứng nhất thời trước một hiện trạng duy lý cứng ngắt, gò bó, đè ép khát vọng tự do của con người. Khi sự đè nén đó suy giảm, các phong trào trên cũng thoái trào. Người viết tiểu thuyết lại trở về với nhiệm vụ cố hữu là kể chuyện đời. Nhân vật tiểu thuyết vì vậy vẫn là quan tâm hàng đầu của người viết tiểu thuyết.
Do nhu cầu làm sao để nhân vật tiểu thuyết sống thực hoặc “dường như có thực”, người viết không thể lơ là phần tìm tài liệu, đi thực tế để tạo một khung cảnh cũng “dường như có thực” cho nhân vật.
4. Hỏi: Anh làm thế nào để sáng tác trong trường hợp anh muốn mô tả một tình huống, một khung cảnh, hay một loại nhân vật mà anh chưa hề sống qua hay tiếp xúc với?
Ðáp: Tôi tìm đọc những sách vở, tài liệu nói về tình huống, khung cảnh, loại nhân vật ấy. Quả tình công việc đó không dễ dàng, nhất là khi mình phải viết về một thời đại cách thời đại mình cả hai thế kỷ, như thời Tây sơn trong Sông Côn Mùa Lũ. Tại các nước Tây phương, công việc ấy tương đối dễ dàng nhờ người Tây phương tôn trọng di tích lịch sử và tận tình bảo tồn các sử liệu, chưa kể óc khoa học giúp họ ghi chép tỉ mỉ mọi hoạt động của đời sống thời đại của mình. Một nhà văn Pháp viết về Napoléon dễ dàng hơn một nhà văn Việt Nam viết về Quang Trung. Khi tìm tài liệu thời Tây Sơn để viết Sông Côn Mùa Lũ, tôi mới bắt đầu thấy mình liều lĩnh. Sách viết về thời ấy rất nhiều, nhưng những thứ người viết tiểu thuyết cần để tái dựng lại thời đó thật hiếm hoi. Chẳng hạn y phục thời đó ra sao, đàn bà mặc thế nào, đàn ông mặc thế nào, quan lại dùng loại quần áo gì, chế độ thuế khoá, trưng binh khác thế nào với Ðàng Ngoài… Tôi chỉ tìm được một vài lời giải đáp trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Ðôn, và càng khâm phục ông hơn. Trong vòng sáu tháng, dù bận không biết bao nhiêu công việc, Lê Quí Ðôn vẫn tìm ra thì giờ để ghi lại tỉ mỉ cách tổ chức hành chánh, binh bị, thuế khóa, lẫn phong tục tập quán của Ðàng Trong thế kỷ 18.
Trong trường hợp không thể có chứng cứ hoặc một mẫu hình thích hợp để bắt chước, viết theo, phóng tác, có lẽ tôi cũng làm giống như các bạn văn khác đã làm: là “luận kim suy cổ”. Chẳng hạn khi viết về cảnh hoang tàn và tâm trạng phức tạp của dân Thuận Hóa sau khi Tây Sơn tiêu diệt quân Trịnh và Nguyễn Huệ chuẩn bị Bắc tiến, tôi đã dựa vào những gì xảy ra cho các thành thị Miền Nam sau khi chế độ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ: từ cảnh quân lính Trịnh vất quần áo khí giới trốn về với gia đình cho đến những phá phách thanh toán ân oán giang hồ tích lũy hằng mười năm dưới thời Trịnh cai trị, từ những đám ma lặng lẽ dấm dúi của gia đình quân Trịnh cho tới thái độ thu mình né tránh của nhân sĩ Thuận Hóa. Tôi nghĩ nhà văn nào cũng làm như tôi: là khi phải viết về những tình huống, nhân vật… mình không am tường, cách tốt nhất là tự đặt mình vào cảnh huống ấy, và căn cứ vào hiện tại hoặc những gì mình biết để suy ra. Trong hai bộ trường thiên, vì có quá nhiều nhân vật, quá nhiều cảnh huống, tôi phải áp dụng phương pháp này nhiều lần. Có thể nhiều độc giả không đồng ý với cách “luận kim suy cổ” như thế, bảo ngày xưa không như thế như thế. Nhưng nói như vậy thì nhà văn chỉ có quyền viết tự thuật hoặc hồi ký, và nhân vật tiểu thuyết luôn luôn ở ngôi thứ nhất.
Mới đây, trên tuần báo Văn Nghệ ở Hà Nội, nhà văn chuyên viết tiểu thuyết lịch sử Hà Ân có chê trách một số người viết truyện lịch sử không cẩn thận trong việc dùng chữ cho thích hợp, và ông dẫn chứng trường hợp một nhà văn dùng chữ “lính gác” để viết truyện xưa. Hà Ân bảo chữ “gác” là từ chữ Pháp “garde” mà ra, sao lại dùng chữ đó để nói về thời Tây chưa biến Việt Nam thành thuộc địa của họ. Nghe ông Hà Ân nói, tôi thấy mình cũng vấp phải những lỗi lầm như Hà Ân nêu ra. Nhưng, nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử cho ai đọc vậy? Cho người sống cách đây hai thế kỷ, hay cho độc giả cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21? Và nhà văn viết về bất cứ thứ gì, dù là chuyện xảy ra thời khai thiên lập địa cho tới chuyện khoa học viễn tưởng xa tít mù trong mai sau, cũng là viết về mình, cộng đồng của mình, trong hoàn cảnh hiện tại. Không thể nào tránh được điều đó.
5. Hỏi: Anh có cho rằng kỹ thuật dựng truyện đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyên chở tâm cảnh của nhân vật cũng như chủ đề cốt lõi của tác phẩm? (Kỹ thuật dựng truyện ở đây được hiểu như là: cách viết câu văn, cấu trúc truyện, cách đối thoại, trình tự thời gian…)
Ðáp: Dĩ nhiên là có. Nội dung quyết định hình thức. Chủ đề tác phẩm quyết định cách dựng truyện sao cho thích hợp. Tôi xin lấy hai trường hợp điển hình: bút pháp Võ Phiến và bút pháp Nguyễn Huy Thiệp. Chủ đề truyện và tùy bút của Võ Phiến là cái nhìn bi quan của ông về nhân sinh, trình bày không qua những thiên đại luận về triết lý mà qua những cái chi li của đời sống bình thường, theo kiểu chứng minh trong mỗi hạt bụi có chứa cả một vũ trụ. Chủ dề ấy chỉ thích hợp với hai thể loại Võ Phiến phát huy được hết sở trường của mình, là tùy bút và truyện vừa. Nguyễn Huy Thiệp mang lại một không khí mới cho truyện ngắn Việt Nam, khi ra ngoài truyền thống tải đạo và đưa ra những mẫu nhân vật đa diện, đa nghĩa, bất trắc, lơ lửng, không chịu xếp hàng. Vì thế dù hình thức truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp mang dáng cổ kính của những truyện truyền kỳ, các nhà nghiên cứu văn học vẫn xem Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn thuộc trào lưu hậuhiện- đại. Nội dung đó đòi hỏi một lối viết ngắn, cộc, như những nhát dao quệt sơn lên bức tranh sơn dầu ấn tượng. Lối viết đó không thể thích hợp với truyện dài. Nó chỉ thích hợp với truyện ngắn và kịch.
6. Hỏi: Anh là nhà văn VN duy nhất có đến hai bộ trường thiên tiểu thuyết: Sông Côn Mùa Lũ và Mùa Biển Ðộng. Hai bộ đều đề cập tới hai giai đoạn lịch sử cực kỳ quan trọng của dân tộc. Chắc chắn là anh đã đổ biết bao nhiêu tâm huyết và công sức để hoàn thành hai tác phẩm ấy. Anh đã chuẩn bị như thế nào cho việc sáng tác hai bộ trường thiên đó? Có gì khác nhau? Có gì giống nhau? Yếu tố nào (kinh nghiệm, cảm hứng sáng tạo, kiến thức và kỹ thuật) đóng vai trò quan trọng trong quá trình sáng tác hai bộ truyện?
Ðáp: Ông Trần Ðại Sỹ ở Pháp viết nhiều bộ trường thiên hơn tôi. Xin đính chính ngay câu nói của anh về chuyện tôi là người duy nhất có tới hai bộ trường thiên. Bây giờ trở lại với việc chuẩn bị thế nào khi viết hai bộ trường thiên ấy.
Ðầu tiên là bộ Sông Côn Mùa Lũ, viết tại Sài Gòn từ 1977 đến 1981. Khi quyết định viết bộ truyện này, tôi bắt đầu đi tìm tài liệu, đọc hết tất cả những sách báo viết về thời Tây Sơn. Một số tài liệu tôi tìm được ở Thư viện Viện Khảo cổ, sau 1975 chuyển qua cho Phân viện Khoa học Xã hội quản lý. Tại đây, tôi đọc được những thư từ và tài liệu của các nhà truyền giáo Tây phương hoạt động tại Việt Nam thế kỷ 18, đăng trên các báo nghiên cứu xuất bản đầu thế kỷ 20. Tài liệu về phía Việt Nam cũng nhiều, nhưng phần lớn chỉ chú ý tới những diễn biến lịch sử và nhận định lịch sử, phần tiểu thuyết gia cần là những dấu vết của đời sống thực thế kỷ 18, không tìm thấy. Chỉ có một cuốn sách bổ ích cho tôi là Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Ðôn . Trong những cuốn sách nhận định về thời Tây Sơn, cuốn Lịch Sử Nội Chiến… của Tạ Chí Ðại Trường hữu ích cho tôi nhất, do cách định giá độc đáo của anh.
Sau khi đã đọc kỹ các tài liệu, tôi gác các tài liệu ấy qua một bên, tự dặn là hãy quên các tài liệu ấy đi, để bắt tay vào viết tiểu thuyết. Trên bàn viết của tôi, tôi dán một câu châm ngôn để thường xuyên nhắc nhở mình: “Ðừng để cho sự kiện lịch sử lấn át đời sống”. Và vì đời sống của hai thế kỷ trước ra sao tôi không biết, nên tôi phải tưởng tượng ra, theo cái mẫu nhân tình thế thái của đời sống quanh tôi ngày nay. Thú thực ban đầu tôi cũng có e ngại, băn khoăn không biết phải viết thế nào: “phục cổ” “nệ cổ” hay là cứ viết thoải mái theo lối bây giờ. Mà viết cho có vẻ xưa là viết làm sao, thế nào là xưa? Cuối cùng tôi tìm ra một chỗ dựa để viết Sông Côn Mùa Lũ theo cách tôi chọn: Nguyễn Du viết Truyện Kiều cách đây cũng gần hai trăm năm, mà sao đọc Truyện Kiều không thấy xưa như đọc văn Phạm Quỳnh? Tôi nghĩ như vậy cái gọi là xưa chỉ có trong văn chương bát cổ, còn đời sống thực bên ngoài, ngôn ngữ đời thường ngày xưa chắc cũng không khác ngày nay bao nhiêu. Văn chương Truyện Kiều đâu có rắc rối khó hiểu!
Giải quyết được vấn nạn mấu chốt đó, tôi bắt đầu viết. Viết thế nào? Xin lỗi, tôi sẽ làm thất vọng nhiều người, khi nói thật là tôi không vạch ra một sơ đồ qui mô nào trước khi viết, không tỉ mỉ bố trí mọi việc như một sĩ quan tham mưu thảo kế hoạch hành quân cho một cuộc tấn công cấp quân đoàn, phối hợp chặt chẽ nào hải lục không quân cho tới tiếp liệu quân nhu, đạn dược, chương trình dân vận, sách lược truyền thông… Như bản thảo Sông Côn Mùa Lũ anh đã xem qua, tôi cứ lần lượt viết từng chương theo thứ tự thời gian, và viết một lần thôi, không thêm bớt sửa chữa gì nhiều. Nhiều bạn văn thấy bản thảo sạch sẽ, tưởng tôi đã chép lại các bản thảo có nhiều sửa chữa tẩy xóa trước đó. Không, đó là bản thảo đầu tiên và cuối cùng, bản thảo duy nhất. Theo thói quen, khi viết cái gì, tôi suy nghĩ rất lâu trước khi viết. Nhưng khi đã viết, thì viết một mạch, viết một lần rồi thôi. Tôi rất ngại sửa đi sửa lại những bản thảo đã viết. Tôi ngụy biện bảo mình là thay vì bỏ thì giờ sửa cái cũ, tại sao không viết hẳn một cái mới khác.
Bốn năm viết Sông Côn Mùa Lũ là bốn năm khốn đốn nhất trong đời tôi: hai năm thất nghiệp lang thang việc nuôi sống gia đình nhà tôi phải gánh vác hết, một năm rưỡi làm công nhân cho tổ hợp mì sợi Dân Sinh dưới Chợ Lớn, hai lần bị tù (một lần vì hai bang người Hoa trong tổ hợp kình chống phá phách nhau tôi bị vạ lây, một lần vượt biên bị bắt). Ðiều chính tôi cũng ngạc nhiên là không hiểu sao trong hoàn cảnh sống khốn cùng như thế, tôi vẫn giữ được bình tĩnh để ngồi viết Sông Côn Mùa Lũ. Có lẽ trong tuyệt vọng, tôi tìm được một công việc khó khăn để thu hút tâm trí của mình, quên đi cuộc sống trước mắt. Tôi ngồi viết Sông Côn Mùa Lũ như viết di chúc. Cho nên quyết tâm rất cao. Thời gian đạp xe đạp xuống Chợ Lớn làm mì sợi hàng ngày, thời khoá biểu rất căng: sáng 6 giờ dậy, mang theo một lon Guigoz đựng lon gạo và hũ chao, đạp xe từ Thị Nghè xuống đường Văn Ðiển Quang quận 11. Làm việc từ 8 đến 12 giờ. Nấu cơm, ăn cơm từ 12 giờ đến 12 giờ 30. Ngồi viết từ 12.30 đến 2 giờ chiều. Làm việc trở lại từ 2 đến 6 giờ chiều. Ðạp xe về Thị Nghè, trên đường đi chở mì giao cho khách hàng, chở bột đi bán. Tối viết trở lại từ 9 đến 12 giờ khuya. Mỗi ngày viết tối thiểu 5 trang giấy khổ lớn, và đều đặn như thế. Chưa viết xong phần cuối thì mối vượt biên gọi phải đi gấp. Chuyến vượt biên ấy thất bại, bị tù bốn tháng ở Vũng Tàu. Trở về, tôi viết tiếp phần Kết từ, làm bản Tổng lược và Thư mục. Tôi cảm ơn nhà tôi đã để cho tôi làm một chuyện ngược đời như thế trong thời gian gia đình gặp khó khăn về kinh tế. Viết một bộ truyện dày như thế mà không có hy vọng nhỏ nhoi nào về chuyện xuất bản, thì viết làm gì? Nhà tôi để mặc cho tôi ngồi viết hằng đêm, vì biết đấy là lối thoát cuối cùng của tôi về tinh thần.
Bộ Mùa Biển Ðộng, như anh biết, tôi khởi viết khi đã ra khỏi nước.
Cách chuẩn bị tìm tài liệu và cách viết Mùa Biển Ðộng cũng giống như hồi viết Sông Côn Mùa Lũ. Tôi có trình bày khá chi tiết chuyện viết Mùa Biển Ðộng trên tạp chí Việt số 2.
So với thời viết Sông Côn Mùa Lũ, đời sống thời viết Mùa Biển Ðộng có khá hơn. Nhưng quyết tâm dồn trọn mọi suy nghĩ cảm xúc cho tác phẩm, thời viết Mùa Biển Ðộng không cao bằng thời viết Sông Côn Mùa Lũ. Ðời sống nơi xứ lạ có trăm mối lo. Trở lại sống và viết bình thường là trở lại với những rang buộc bình thường: viết để làm gì? viết cho ai? viết thế nào? Một người lái xe ngay ngáy lo phạm luật giao thông thì tất nhiên lái không tự nhiên, dễ bị xe sau bóp còi. Tôi chưa đến nỗi phải nhìn trước nhìn sau đề phòng khi viết Mùa Biển Ðộng, nhưng rõ ràng là không viết hết mình như khi viết Sông Côn Mùa Lũ.
7. Hỏi: Nhà phê bình Thụy Khuê cho rằng “Kinh nghiệm cho biết là muốn tiếp tục viết, nhà văn phải có thì giờ đầu tư vào địa hạt tư tưởng, rồi từ đó mới có thể sản xuất ra được tác phẩm của mình”. Theo tôi hiểu, chị Thụy Khuê muốn nói đến vấn đề kiến thức của nhà văn. Anh nghĩ thế nào về vai trò của kiến thức trong việc sáng tác tác phẩm văn chương.
Ðáp: Tôi đồng ý ngay với chị Thụy Khuê. Người ta thường nói tới ba yếu tố cần thiết cho một nhà văn: năng khiếu, kiến thức và sức làm việc. Hầu hết các nhà văn Việt Nam tận dụng năng khiếu, và được chú ý dễ dàng (dễ dàng so với thời khởi nghiệp của các nhà văn Tây phương chẳng hạn) khi dùng năng khiếu viết về đời mình. Cho đến lúc nhà văn trẻ ấy gặp thử thách lớn: chuyện đời mình nói mãi cũng nhàm cũng cạn, viết cái gì nữa đây? Nhiều người không biết viết cái gì khác ngoài chuyện đời mình, săm soi ngắm nghía mình, nên tiếp tục sản xuất những bản sao. Những người có kiến thức sẽ tìm được lối thoát, ra khỏi cái “tôi” đi tìm “người khác”, những cuộc đời khác. Từ “tường thuật”, “mô tả”, văn chương chuyển qua “suy tư”, “dự phóng”. Từ ca lâu, tửu quán, người viết đến thư viện, giảng đường. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các nhà thơ lớn trên thế giới đều là những nhà văn hóa lớn, những triết gia được hâm mộ tại các khuôn viên đại học. Người viết Việt Nam hiện nay vẫn chưa bước ra khỏi ca lâu.
12 tháng 11 năm 1998