Nguồn: từ tập truyện ngắn Xuôi dòng, nhà xuất bản Văn Nghệ, Hoa Kỳ, 1987
Lâu lắm rồi, hình như trên hai mươi năm trước, nhà văn Ý Dino Buzatti có viết một đoản văn chàng rất thích. Ý nghĩ và tưởng tượng của Buzatti đơn giản thôi. Một người cầm bút vừa xuất bản một cuốn sách mới. Anh ta tò mò muốn biết độc giả “cư xử” thế nào đối với tác phẩm của mình. Ai lại chẳng tò mò như vậy ! Nhưng thay vì lân la ở các hiệu sách để dò xét phản ứng của các khách mua, người cầm bút trong đoản văn của Buzatti có được một phương pháp tối tân hơn : anh ta tìm mua được một cái máy nhỏ xíu chạy pin do Nhật chế tạo. Sau khi bấm nút tìm đúng tần số, anh ta có thể nhìn lên khung hình nhỏ xíu quang cảnh những bạn đọc xa lạ bước tới chỗ quầy sách “làm quen ” với tác phẩm của mình.
Trong đoản văn này, người cầm bút không tìm được gì khác ngoài thái độ thờ ơ.
Chàng hiểu sao đúng vào lúc này, chàng lại nhớ đến đoản văn ấy của Buzatti ?
Vì thời tiết lạnh lẽo và khung cảnh tàn tạ cuối mùa đông chăng ? Chắc chắn không phải thế đâu ! Đã đành chàng là “kẻ lưu vong“, là “khách tạm trú“, nhưng chàng đang lưu vong tạm trú tại một nước giàu có nhất thế giới, và ở nước đó, chàng lại lưu vong tạm trú tại một tiểu bang ấm áp, phát triển nhất trong các tiểu bang.
Cái lạnh tàn đông gây bão tuyết và đường sá lầy lội ở các tiểu bang miền Đông , ở đây, chỉ vừa đủ cho các cô thiếu nữ khoác thêm chiếc áo len sặc sỡ mới mua. Hơn thế nữa, chàng đang ngồi tại một trung tâm thương mại sang trọng và phồn thịnh nhất vùng. Trong khu thương xá, nền gạch hoa bóng loáng không bợn một chút bụi đường. Hai cầu thang cuốn liên tiếp đưa hết đợt người này đến đợt khác lên xuống để sắm đủ thứ quà Giáng sinh và Năm Mới cho thân nhân bạn bè. Trong các cửa hiệu sang trọng, người ta nối đuôi nhau ở quầy trả tiền. Giấy hoa đủ mầu gói những hộp quà đủ cỡ. Tất cả hình sắc, âm thanh, cử động, thái độ đều báo hiệu cái gì mới mẻ, cái gì bắt đầu, không hề vương vấn những nét tàn tạ cuối đông.
Mọi người đều khoẻ mạnh, hăm hở. Đâu có chút thờ ơ nào trên nét mặt những người xa lạ đang di động quanh chàng, đến nỗi chàng phải nhớ tới đoản văn của Buzatti ?
Chàng lặng người đi, ngồi thừ khá lâu trên chiếc ghế nệm đặt ngay giữa hành lang cho khách mua sắm ngồi nghỉ ngơi. Bên cạnh chàng, ngay chỗ cái gạt tàn thuốc lớn hình phễu đổ đầy cát trắng, một người đàn ông nước da nâu tóc đen chàng đoán gốc Mễ-tây-cơ ngồi ngả lưng lên ghế nệm, hai chân gác thoải mái lên hộp quà to tướng bao giấy xanh, hút liên tiếp hết điếu thuốc này đến điếu khác.
Cách ngồi của ông bạn Mễ khiến chàng nghĩ người khách tạm trú này đang tận hưởng cuộc đời. Nhưng…nhưng tại sao ông ta hút thuốc nhiều thế kia ? Điếu trước chưa cháy hết một phần ba, ông đã dụi vào phễu cát trắng, ho sù sụ vài tiếng, ngần ngừ, mở mắt lơ láo nhìn quanh như lo sợ điều gì, rồi lại rút bao thuốc Malboro ra lôi một điếu mới gắn lên môi. Ông ta đang vui hay đang buồn ? Đang ở vào “cuộc tàn đông” hay ở vào “mùa xuân mới“? Chàng chịu, không đoán được.
Thứ tiếng Anh ăn đong không cho phép chàng gợi chuyện với người bạn qua đường để tìm hiểu những tâm tình chi li phức tạp. Hơn thế nữa, lúc vợ con ông bạn Mễ trở lại chỗ hẹn, chàng nghe thấy họ nói với nhau toàn tiếng Mễ. Bà vợ lôi từ trong bọc giấy ra khoe với chồng những món hàng sale. Ông chồng nghe hờ hững, như mọi ông chồng trên thế gian. Bà vợ tiếp tục ríu tít, như mọi bà vợ. Tíu tít một cách sôi nổi cho đến lúc khám phá ra chuyện ông chồng đã đốt gọn cả gói Malboro trong nửa giờ chờ đợi.
Thế là nét mặt bà đăm đăm, giọng Mễ the thé hơn, líu ríu ca cẩm hơn. Rồi cả bầu đoàn thê tử dắt díu nhau đi, mỗi người ôm ít nhất hai gói quà..
Gia đình Mễ đi được ít lâu, thì hai người đàn bà Á đông đến ngồi xuống cùng chiếc ghế nệm với chàng. Trước khi cầm lấy chéo váy ngồi xuống với vẻ quí phái hiếm có, họ hơi có đôi chút e dè ngạc nhiên khi thấy chàng cũng người Á đông. Có lẽ, cũng như chàng, họ phải đoán gốc gác của chàng trước khi tìm một cách cư xử thích hợp. Và cũng như chàng, họ làm nhanh một cuộc loại suy về chàng : da vàng, tóc đen, thân hình ốm, chắc chắn là người Á đông. Nhưng người nước nào ? Phi luật tân ? Không phải, vì da khá trắng. Trung Hoa ? Có thể lắm, nhưng đôi mắt không xếch nhiều. Có lẽ cuối cùng hai người đàn bà Á đông nọ xếp chàng vào khoảng giữa Trung Hoa và Việt Nam. Còn chàng thì xếp họ vào một chỗ nhất định , không thể lầm lẫn : người Mỹ gốc Đại Hàn, nhờ chàng nghe được lời hai người nói với nhau trước khi đến ngồi nghỉ ở chiếc ghế nệm. Thời quân đội Đại Hàn qua tham chiến ở Việt Nam, để làm vừa lòng những người bạn chống cộng, chàng có võ vẽ học qua vài câu xã giao thông thường tiếng Đại Hàn. Câu mà cô Đại Hàn áo xanh nói với cô áo đỏ có nghĩa thế này: “Lại ngồi đây chờ con Linda đi ! Gớm ! Không biết nó biến đi đằng nào!“
Chàng ngồi yên một chỗ từ 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều và được lặng lẽ quan sát những người bạn xa lạ chợt đến ngồi bên chàng vài phút, rồi chợt biến mất hút vào một thế giới vô danh khác. Chàng liên tiếp đoán già đoán non về gốc gác của họ. Chàng đã được kề cận với hai thanh niên gốc Phi luật tân, một cặp vợ chồng gốc Đức, một thiếu nữ gốc Bắc Âu, lại thêm đôi vợ chồng trẻ gốc Mễ, một ông lão người Ấn thờ đạo Sikh, một thanh niên gốc Cuba ( chàng đoán được nhờ cái áo thun có hình Castro râu xồm bị gạch chéo).
Ba giờ chiều, chàng phải về vì có hẹn đi với một người bạn dự tiệc sinh nhật tại nhà một người bạn chung. Và đúng lúc đó, phải rồi, đúng lúc đó, chàng mới nhớ tới đoản văn của Buzatti.
Hoá ra chàng không liên tưởng tới đoản văn của Dino Buzatti vì khung cảnh tàn tạ hay thái độ thờ ơ , mà chỉ vì chàng ao ước có một chiếc máy tinh xảo nhỏ xíu made in Japan để tìm hiểu được tất cả tâm tình những người bạn tứ xứ xa lạ thoạt đến thoạt đi trước mặt chàng trưa nay. Chiếc máy tinh xảo ấy, bao giờ các công ty Nhật mới chế tạo và nhập cảng tới đây ?
***
Người Nhật chưa chế ra được, thì chàng tự chế chiếc máy “quay trở lại quá khứ” để tìm hiểu những người bạn qua đường của chàng vậy. Tại sao không ?
Chàng đang đứng ở ngả tư ngả tám quốc tế, nơi có nhiều người hằng ngày gặp nhau giơ tay chào vội một tiếng Hi để rồi tiếp tục sống riêng nếp sống của dân tộc mình, tiếp tục tiếc nuối cho một quá khứ riêng, và cố gắng duy trì một số tập tục thói quen cũ như ôm ấp một thứ gia bảo. Dù có bỏ ra bao nhiêu năm để học tiếng Tây ban nha, tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Phi luật tân, tiếng Đại Hàn, tiếng Nhật…chàng cũng không tài nào hiểu hết được những tâm trạng, những hoàn cảnh những người chàng gặp hằng ngày đã trải qua. Họ chỉ gặp chàng ở một số những điểm chung : tấm thẻ bảo hiểm xe cộ, cái bill tiền thuê nhà hoặc mua nhà trả góp, ly cà phê loãng 25 xu ở cái máy bán thức uống, hộp fried chicken 3 miếng giá l đô 29 xu, cái quần jeans, chiếc áo T-Shirt, đôi giày vải, sự hối hả chạy theo tốc lực, những phút liếc vội vài dòng tin trên xấp nhật báo dày cộm và những tối xem football chờ giấc ngủ. Chàng và những người chung quanh chỉ đồng dạng ở một số mẫu sống hiện tại, còn quá khứ thì xa nhau như nước với trời, như sao hôm và sao mai.
Không có cách nào khác để phỏng đoán quá khứ những người từng vô tình ngồi lại bên chàng buổi trưa một ngày cuối năm, ngoài cách để cho tưởng tượng mặc sức xuôi dòng !
Không có cách nào khác ! Và tưởng tượng đưa chàng đi xa về phía Nam của lục địa mênh mông này, đưa chàng tới ngôi làng hẻo lánh nghèo khổ vùng Reynosa.
Ở đấy, chàng nhận ra được Roberto, người đàn ông hút hết cả bao thuốc Malboro bên cạnh chàng, lúc ngồi chờ vợ con mua sắm quà năm mới ở Soulh Coast Plaza. Lúc đó, Roberto trẻ hơn bây giờ nhiều, dĩ nhiên. Đôi mắt anh còn sáng, tóc chưa hoa râm. Chị Juana vợ anh đang bụng mang dạ chửa, khuôn mặt đờ đẫn mệt nhọc nhưng chuyện thai nghén vẫn không thể nào làm giảm hết vẻ đẹp hồn nhiên của chị. Đôi mắt chị sưng húp, vẻ lo lắng đầy ắp trong lối nhìn, giọng nói… Nhưng cái môi trên no đầy hết sức trẻ thơ, và cái bộ ngún nguẩy làm nũng mỗi khi Roberto cắn vào tai chị âu yếm khiến chàng dễ dàng tưởng tượng rằng đây là lần đầu tiên chị học làm mẹ.
Đêm sắp về. Roberto hỏi chị Juana đã mang theo đầy đủ tã lót, băng bông, và quần áo cho em bé chưa. Chị gật đầu, nhìn hai cái xách to tướng đặt gần cửa lớn. Rồi đột nhiên chị rũ xuống, ôm lấy Roberto khóc nức nở. Roberto hỏi :
– Cái gì vậy ?
Juana cố nín khóc, đáp giữa những tiếng thút thít :
– Em sợ. Em sợ lắm. Em không muốn đi nữa.
Roberto nỗi cáu :
– Em thật con nít ! Hồi sáng đã bằng lòng, bây giờ lại trở chứng. Này, hãy nhìn thẳng vào mắt anh, Juana cưng. Ôi chao, sắp làm mẹ rồi còn khóc như con nít. Lau nước mắt đi nào, và hãy bình tĩnh nghe anh nói đây. Mọi sự đã xong xuôi, không có gì đáng lo ngại cả. Anh đã nhiều lần đến bờ sông Rio Grande quan sát thật kỹ lưỡng đường đi nước bước. Khoảng sông đó hẹp, mùa này nước cạn, chỗ sâu nhất chỉ tới ngực là cùng. Anh còn cẩn thận theo bọn coyottes lội qua lội lại nhiều vòng, biết rõ chỗ nào có nhiều đá ngầm, chỗ nào cát lún. Anh sẽ cột hai cái xách này đội lên đầu, còn em thì anh đã thuê một anh coyotte ẵm hộ.
Chị Juana giẫy nẩy :
– Nhưng bụng em thế này…
Roberto hiu hiu tự đắc, vênh mặt đáp :
– Em tưởng em là người phụ nữ Mễ đầu tiên lội qua dòng Rio Grande để qua sinh con trên đất Mỹ hay sao ? Trước em đã có hàng vạn người làm như thế rồi. Victoriano, tên coyotte anh thuê là “chuyên viên “ rất sành việc ẵm các bà bầu qua sông. Hắn mua được ngôi nhà đẹp nhờ cái nghề đó em biết không ?
Juana bớt lo lắng, nhưng chưa hoàn toàn yên tâm. Chị do dự một lát, rồi hỏi :
– Nhưng em sinh lần đầu, không có bác sĩ, không ở bệnh viện, em sợ lắm.
– Ôi chao ! Bà mụ Petra ở San Juan còn lành nghề gấp mấy bác sĩ ở bệnh viện hộ sinh. Năm ngoái, chị Maria đi sinh trên bệnh viện thành phố gặp phải một cậu sinh viên thực tập, lúng ta lúng túng đến nỗi đỡ thằng bé tí teo ra khỏi bụng mẹ mà cũng làm cho Maria phải băng huyết. Em biết không, anh nghe tụi coyottes kháo nhau về tài đỡ đẻ quỉ khốc thần sầu của bà Petra. Mấy bà bầu vừa qua sông, đưa đến nhà mụ, nháy một cái, một cậu Mỹ con oe oe chào đời ngay !
– Không, em thích con gái hơn !
– Ờ, thì con gái cũng được. Hai đứa mình khổ quá rồi, chỉ có cách này mới mong cho con cái khá hơn một chút. Con mình sinh ra tại San Juan, đương nhiên là công dân Mỹ. Mình đặt cho con một tên thật Mỹ, như James hay Henry chẳng hạn.
– Không, em đã bảo em thích con gái mà !
Roberto sa sầm nét mặt :
– Ừ, thì gái ! Nhưng em lo đóng lại cửa ngõ đi. Mấy giờ rồi? Tám giờ tối à ? Chỉ còn mười lăm phút nữa là có xe đến đón. Thôi, vĩnh biệt nhé. Vĩnh biệt Reynosa thân yêu !
***
Trí tưởng tượng đưa chàng đi mải miết về phương Đông, đến một trại lính Mỹ ở Đại Hàn. Đêm hôm đó, tất cả quân nhân barrack số 7 họp nhau lại mở party tiễn vợ chồng anh binh nhất Charlie Brown thuyên chuyển về Mỹ.
Charlie lấy vợ cách đây hai tuần, hoàn toàn bất ngờ. Cô vợ người Đại Hàn, tên Kim. Điều này không có gì bất ngờ cả, vì những cuộc hôn nhân dị chủng như vậy xảy ra như cơm bữa, từ thời quân đội Mỹ đến đây tham gia cuộc chiến tranh Triều Tiên. Dân Mỹ đã quá quen thuộc với thứ qui luật dường như bất biến : là mỗi lần gửi những đứa con vượt qua Thái bình dương hay Đại tây dương can thiệp vào một cuộc tranh chấp nào đó, có khi tận hang cùng ngõ hẹp của thế giới, là mỗi lần những bà mẹ chuẩn bị tiếp đón những cô dâu lạ đủ mầu da, đủ chủng tộc. Cô Kim là cô dâu dị chủng thứ một triệu của nước Mỹ, điều đó có gì đáng quan tâm !
Có điều bạn bè trong barrack 7 của Charlie Brown kinh ngạc, là dường như, trong buổi tiệc tiễn hành, cặp vợ chồng mới có vẻ ngỡ ngàng bối rối lúc phải ở bên nhau.
Charlie cao lớn mạnh khoẻ, tóc vàng mầu rạ khô, mắt xanh biếc, mê Men At Work, chơi football giỏi. Những lần đi phép cuối tuần ăn chơi ở những khu nổi tiếng trác táng của Hán Thành, Charlie như cá gặp nước. Xông xáo, sành sõi. Con người như vậy mà lại đỏ mặt tía tai khi bạn bè bắt anh phải ôm cô Kim hôn đủ 40 phút để làm quà tiễn biệt cho 40 người bạn có mặt, đấy là điều bất ngờ. Charlie thối thác nhiều lần, bị các bạn đẩy đến chỗ cô Kim, đâm quạu, dùng cái tài chơi footbll thoát ra khỏi đám bạn bè ồn ào để đến ngồi một mình ở góc barrack uống rượu mạnh. Cô Kim bật khóc, như tủi thân. Không khí buổi tiệc từ đó trở nên gượng gạo, buồn tẻ.
Những người bạn Mỹ của Charlie cảm thấy phải làm điều gì để an ủi cô dâu bị sỉ nhục. Họ bu quanh lấy cô Kim. Họ khen cô đẹp. Và khen một cách thành thực. Họ khen cô trẻ, quá trẻ đối với cái tuổi 26 cô khai với những người bạn chồng. Một cuộc phỏng vấn nhỏ bắt đầu :
– Qua Mỹ, Kim sẽ làm gì ?
– Em làm vợ.
Cả barrack cười. Nhiều người cùng nói :
– Ở Mỹ làm vợ không phải là một nghề.
– Vậy thì em chưa biết phải làm gì cả. Em sẽ tìm gặp thân nhân của em bên đó để nhờ giúp đỡ.
– Thân nhân của Kim ở đâu ?
– Ở Los Angeles.
– Họ qua Mỹ lâu chưa ?
– Lâu rồi ! Trên 10 năm nay.
– Họ đang làm gì?
– Một ông chú có mở tiệm sushi bar. Một ông anh họ giàu có nhờ mở hiệu may. Một bà cô đang làm quản lý cho một…
Cô Kim ngập ngừng, nhận ra những lời kể lể dông dài ấy không có ích cho cô, mà không có anh G.I nào muốn nghe tiếp những chuyện lẩm cẩm đó. Họ đã làm vừa đủ để chuộc cái lỗi kỳ quặc của người bạn chiến đấu sắp hồi hương. Và họ quay sang nướng thịt, uống bia, ca hát một vài bản nhạc country, nhún nhẩy theo một điệu nhạc rock.
Đêm Đông phương bao phủ cảnh vật bên ngoài barrack 7, và buổi sáng đi bên nhau chờ làm xong các thủ tục ở phi trường Hán Thành, hai con người xa lạ Charlie Brown và Jessica Kim nhìn mặt trời lên ở cuối phi đạo chạy dài tít tắp như nhìn những món quà Giáng sinh Santa Claus thân ái gửi cho họ đêm hôm trước. Charlie Brown nghĩ về món tiền mà người môi giới hứa trả cho anh tại Bank of America chi nhánh Denver quê anh, nếu anh chịu làm giấy hôn thú với một người con gái sẽ cho biết tên sau. Jessica Kim thì nghĩ đến Miền Đất Hứa rực rỡ nắng ấm và rộn rã tiếng cười, nghĩ tới ngày chính mình lên phi trường đón mẹ và em gái từ một xóm quê nghèo khổ Đại Hàn qua Mỹ.
Buổi sáng hôm đó, Jessica cũng mặc áo đỏ như hôm chàng gặp cô đi với người bạn gái tại South Coast Plaza. Chỉ khác một đôi điểm nhỏ : dáng đi của cô ngày nay mạnh bạo hơn, giọng nói của cô khàn hơn, màu son móng tay của cô sặc sỡ hơn. Ánh mắt của cô thì vẫn vậy, ánh mắt trước kia hoang mang trước cõi vô cùng, bây giờ hoang mang không hiểu ý nghĩa của cuộc sống mỗi ngày. Cuộc sống đều đặn bảy ngày một tuần, từ 10 giờ sáng đến 2 giờ khuya, trong một nhà tắm hơi hạng trung ở Los Angeles.
Cho đến ngày gặp chàng ở trung tâm thương mại sang trọng gần xa lộ 405, cho đến 3 giờ chiều hôm 31.12, tính sổ một giai đoạn đời, Jessica vẫn còn nợ của Charlie Brown và luật sư lo thủ tục ly dị tổng cộng đến năm nghìn đô.
Giá Đấng Tạo-Hoá-Nhân-Từ cho thêm Jessica một ngày thứ tám mỗi tuần, để nàng thanh toán nhanh chóng món nợ Hy Vọng !
***
Món nợ Hy Vọng !
Vâng, món nợ mà bằng trí tưởng tượng xuôi dòng, chàng nhìn thấy được những người đi qua trước mặt chàng trưa nay đã trả hay sắp trả. Phải tinh mắt lắm mới nhận ra dấu vết những món nợ đó.
Nó nhỏ như cái sẹo nằm giấu giữa hàng lông mày rậm bên trái của Roberto, dấu vết một tai nạn xe cộ trên xa lộ số 5, chín tháng sau khi anh đưa Juana và con bé Kathy qua Long Beach. Chiếc xe cũ 8 máy anh mua trả góp của một người bạn không cho phép anh chạy nhanh trên xa lộ. Anh lại cẩn thận chạy lane trong cùng, bên phải, để khỏi làm phiền kẻ khác. Nhưng một chiếc Corvette trong exit phóng ra đâm vào đuôi xe anh. Kính trước vỡ. Mặt anh đầy máu. Anh không có thì giờ ngạc nhiên hay tức giận. Chỉ có thì giờ để lo sợ. Anh nhập cảnh lậu, và mọi sự sẽ vô cùng rắc rối nếu cảnh sát đến. Roberto đã bỏ xe ôm mặt máu chạy trốn như một tên tội đồ vượt ngục. Những vết thương ấy rồi cũng liền da, chỉ trừ vết sẹo nhỏ nằm bất hợp pháp dưới hàng lông mày đăm chiêu của Roberto.
Nó phảng phất trong giọng nói khao khao của Jessica, hậu quả những đêm cầu nguyện Tạo Hoá cho thêm một ngày thứ tám. Nó hiện trong đôi mắt ngái ngủ của hai thanh niên Phi luật tân, mà chàng tưởng tượng đêm hôm trước, ở một khu nội trú đại học nào đó, họ say sưa tranh luận với nhau về Marcos và Aquino, để rồi cuối cùng cả hai không ngủ được vì băn khoăn không biết lựa chọn cái gì giữa nền độc tài cực hữu thối nát và nền dân chủ bất trắc cho riêng nước Phi.
Nó là nỗi ám ảnh tội lỗi của một cuộc diệt chủng tàn nhẫn nhất Châu Âu, là cảnh tàn sát những người Sikh trên đường phố New Delhi, là nỗi cay đắng ấp ủ và hy vọng mơ hồ sau cuộc đổ bộ ở vịnh Con Heo hơn hai mươi năm trước, lúc cậu thanh niên Cuba chàng gặp trưa nay chưa chào đời. Chưa chào đời, nhưng anh vẫn phải trả giá cho món nợ Hy vọng, vì vết thương vong quốc trong lòng người cha, như một căn bệnh di truyền, đã chuyển sang trọn vẹn cho anh.
Còn nhiều, nhiều nữa. Mỗi con người di động trước mắt chàng đều mang trên lưng cả một dĩ vãng quá phức tạp mà lại sắp bước vào một tương lai quá đơn giản. Như một người khách trọ không biết xếp vào đâu mớ hành lý cồng kềnh, trong khi vét hết tiền túi cũng chỉ đủ thuê một căn buồng chật.
Phải chăng vì thế họ phải lái xe đến tận đây, đi lại, nói năng, mua sắm, nghỉ ngơi, mơ mộng giữa đám đông vô danh, xoải chân ngả lưng thoải mái trên ghế nệm giữa hành lang mênh mông như chàng đã làm trưa nay ?
Có lẽ đúng vậy !
Và chàng tìm được niềm vui cuối năm, khi khám phá ra rằng cả cuộc đời chàng chỉ là một giọt vô danh trong cả vực nước mắt.
Cali 31.12.84
Nguyễn Mộng Giác
Số lần đọc: 4256