Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàTruyện DàiTiếng Chim Vườn CũTiếng Chim Vườn Cũ - Chương 6

Tiếng Chim Vườn Cũ – Chương 6

Tôi chờ ở phòng khách tòa giám mục đã nửa giờ rồi.

Căn phòng trống trơn, chỉ có một bộ bốn cái ghế bành bằng gỗ, một cái bàn thấp lồng kính và một tập lịch của cơ quan Caritas treo trên tường đối diện cửa ra vào. Tôi cúi xuống gầm bàn tìm một tờ báo hay một tạp chí cũ nào đó xem cho qua thì giờ chờ đợi, nhưng không có. Cuốn lịch trên tường, ai đã bóc trước đi hai ngày. Nhìn quanh quất không tìm được một việc qua giờ, tôi đứng dậy đi về phía cửa sổ nhìn mông lung ra sân sau.

Hàng me tây thấp làm rợp bóng con đường sỏi chạy dài sang dãy nhà bên kia, lá xanh biến màu vì bụi đường từ ngoài bay vào phủ đầy. Mái ngói tòa giám mục xám một lớp rêu khô năm trước và mãi ở tít xa kia, bầu trời không gợn một chút mây mỏng. Mọi vật quanh tôi ù lì, im sững. Không khí chết lặng. Khung cửa vuông thành chu vi một bức tranh tĩnh vật. Mọi sự đều thanh bình, sao lòng tôi xao động. Tôi lo âu, chờ đón cha Hải như chờ đón một nguồn hy vọng tràn trề cần thiết cho tôi, như cần một hơi thở hiền.

Tôi vất vả cả tuần nay, xuôi ngược đi tìm dấu vết quá khứ của Phương Thảo, trên những nẻo đường chằng chịt rắc rối như đường chỉ trong lòng bàn tay tôi. Chộp được một tên làng trên tờ phiếu của bé Phường, tuy lòng còn hồ nghi, tôi cứ lấy xe lao về hướng Xuân Hòa.

Lại những trạm gác đầu cầu. Lại những vọng canh xoi mói kèm theo các lời khuyến cáo quen thuộc. Vùng đó không yên đâu. Về làm gì. Cả họ đạo đã di cư từ năm ngoái. Lại hỏi thăm. Lại tìm một trại định cư nằm dọc theo quốc lộ bên con sông phơi cát mùa hè. Lại những nét mặt ban đầu ngơ ngác và cố tỏ thêm thiện chí bằng lối nhíu mày cố nhớ.

Nhưng chung cuộc, lại chỉ có những cái lắc đầu. Cha sở phụ trách trại định cư, một thanh niên còn trẻ có gương mặt xương xẩu biểu lộ ý chí sắt đá và niềm kiên nhẫn không đáy, khuyên tôi :

– Thường thường một linh mục không ở luôn một chỗ suốt mười lăm năm ròng. Tòa giám mục thuyên chuyển luôn. Có nhiều lý do lắm. Hoặc cách cư xử, hướng dẫn tinh thần của ông ấy không thích hợp với bổn đạo. Hoặc ngược lại; nếu họ quá thành công, thì cũng nên đổi đi nơi khác để xây dụng các họ đạo mới. Thành ra…

Tôi không kiên nhẫn được nữa, vội hỏi:

-Thưa cha, như vậy nếu muốn tìm vị cha xử của họ đạo này khoảng năm 1954, 1955 thì làm sao ?

Vị linh mục trẻ ngại ngùng, có vẻ thương hại tôi :

-Tận mười mấy năm ư ? Lâu quá. Anh hỏi dưới tòa giám mục xem. Nếu vị linh mục anh hỏi đã già, có thể ngài đang dưỡng lão ngay tại tòa giám mục. Anh biết tên ngài rồi chứ gì.

Tôi bối rối thú nhận :

– Thưa cha, chưa.

Rồi để cho ông khỏi ngạc nhiên, tôi vắn tắt trình bày chuyện Phương Thảo. Rồi chuyện bé Phường. Linh mục có vẻ thích thú, sốt sắng giúp đỡ tôi :

– À, phải rồi. Để tôi tìm hỏi những cụ già trong trại thử. Có lẽ họ nhớ. Phiền một điều là hôm nay, anh thư ký của tôi đã mang theo cái chìa khóa tủ hồ sơ. Nếu không, tôi chỉ việc giở tài liệu của xử đạo ra, là biết ngay. Anh chờ tôi một chốc nhé, không lâu đâu.

Tuy vậy, nửa giờ sau, cha xứ mới trở lại, bảo tên vị linh mục tôi tìm là Hải. Tôi rối rít bắt tay cha xứ trở về thành phố. Miễn là cha Hải chưa đổi đi giáo khu khác, hoặc nếu cha đã già, thì mong ngài còn có nhiều hệ lụy với nhân gian, chưa thể vội về nước Chúa.

Vì thế bây giờ tôi đang ngồi đây. Gian phòng này trống quá, lạnh lùng, làm tôi sợ. Mầu vôi xám lầm lì như nỗi thất vọng. Mặt ghế gỗ cứng. Nền nhà lát một thứ gạch hoa cũ kỹ phai nhạt cả nét. Và nhất là sự chờ đợi dằng dặc trong một căn phòng thiếu hẳn dấu người nầy. Tôi định đứng dậy ra vịn cửa sổ nhìn ra hàng me tây nhưng chợt nhớ mình đã làm như vậy đến ba lần rồi, nên lại thôi. Tôi đổi thế ngồi. Không biết lần thứ mấy. Rồi trong lúc bất ngờ nhất, một linh mục trẻ tiến vào phòng. Tôi đứng dậy, ngỡ ngàng. Cả vị linh mục cũng vậy. Ông hỏi, hơi rụt rè vì sợ lầm :

– Có phải ông cần gặp tôi?

Tôi nhìn kỹ người đối diện, ấp úng mãi mới nói được:

– Dạ, tôi tìm cha Hải.
Vị linh mục cười dễ dãi, giọng nói reo như tiếng chim :

– Tôi là linh mục Hải đây.

Tôi lấy lại được bình tĩnh.Người tu sĩ trước mặt tôi còn trẻ lắm. Khoảng 30 tuổi. Chắc có sự lầm lẫn hay trùng hợp nào đây. Tôi hỏi :

– Thưa có phải có hồi cha đã ở Xuân Hòa không ạ ?

– Xuân Hòa nào ?

Tôi giải thích rõ hơn :

– Tôi muốn tìm vị linh mục phụ trách đạo Xuân Hòa cách đây mười lăm năm, để hỏi tông tích một bé mồ côi do ngài giớì thiệu gửi đến viện cô nhi.

Lần này thì vị linh mục trẻ cười to một cách vui vẻ:

-Như thế thì lầm rồi. Lúc bấy giờ tôi còn học ở chủng viện Pi-ô. Vị linh mục anh tìm chắc phải già hơn.

– Đúng vậy. Ở đây có …

Vị linh mục cướp lời :

– Chắc có chứ. Nhiều khi ở bên khu dưỡng lão, vì cái tên Hải, hì hì, nhiều người mang lắm. Vì thế có chuyện trùng hợp. Hay bây giờ anh đi với tôi qua bên ấy xem.

***

Vị linh mục bảo tôi đứng chờ trước cửa phòng quản lý. Mười phút sau, ông trở ra, vui mừng báo tin :

– Đúng rồi. Cha Hải ở đây ngày trước coi xứ đạo Xuân Hòa. Ngài ở đằng phòng cuối. Anh đi với tôi.

Tôi mừng quá, lòng rộn rã hồi hộp, nhưng cố giấu sự xúc động lặng lẽ đi bên cạnh linh mục. Tôi vẫn còn sợ những trường hợp mừng hụt, lỡ tàu.

Chúng tôi đi dưới hàng me tây thấp. Tiếng sỏi reo vui dưới chân, trong khi chờ đến bây giờ gió mát từ biển xanh mới thổi vào tàn lá rậm, thì thào tình tự. Tôi tìm một câu gì đó để gián tiếp cảm ơn người hướng dẫn :

– Thưa, cha về đây lâu chưa ?

– Hơn hai năm rồi. Tôi lo phòng tuyên úy cho thanh sinh công.

Rồi cha quay lại hỏi tôi :

– Anh người ở đây chứ ?

– Dạ. Nhưng gia đình bỏ xứ đã gần mười năm nay rồi. Lúc còn đi học, tôi mơ ước được về đây làm việc khi ra trường. Bây giờ ra trường rồi, lại ngần ngừ, chưa dứt khoát được.

– Anh học ngành gì ?

– Thưa cha y khoa.

Linh mục nhìn tôi rồi chậm rãi nói :

– Hay đấy. Anh nên tìm cách về đây. Dân vùng này ngày nay đông đúc quá. Bác sĩ còn ít. À phải rồi, anh đến thăm cha Hải sẵn xem giùm thử có cách nào chữa cho ngài bớt suyễn không. Trên phòng quản lý họ bảo độ này ngài hay lên cơn.

Chúng tôi bỏ con đường nhỏ bước lên một hành lang tối. Dãy nhà phía bên này có lẽ đã xây cất hồi Pháp thuộc, nên lối kiến trúc khác hẳn ngày nay. Cửa lớn và cửa sổ đều thuộc loại lá sách cao, bên trên hai cánh thông hơi hình uốn tròn theo kiểu gô- tít. Nền nhà lót gạch bát tràng đã bóng, và trần đóng bằng mảnh gỗ dài đánh vẹt-ni trau chuốc công phu. Từ lâu, vị linh mục trẻ tiếp tục kể chuyện đời sống ở đây, nhưng sự rộn rã khiến tai tôi bùng, mắt tôi quáng. Tôi không còn nghe gì, thấy gì khác ngoài khuôn ánh sáng rực rỡ ở cuối hành lang và tiếng giày gõ đều đặn reo vui trên lối đi. Linh mục nói :

– …Cuộc sống chúng tôi đã định hướng, nên dù làm việc ở đây hay về các xứ đạo cũng vậy mà thôi. Hãy cứ tuân theo Thánh ý. Anh thấy không, khu này dành cho các vị linh mục già, không còn làm lễ được nữa. Các ngài gần về chầu Chúa, và thỏa mãn với một cuộc đời cao rao danh Chúa của mình. Ở đây, anh thấy không có vẻ thanh bình bao nhiêu.

Tiếng nói của vị linh mục đều đặn, nhẹ nhàng ngân nga như tiếng cầu kinh.

Tôi được ru trong thứ âm thanh ấy, lâng lâng trôi nổi giữa ánh sáng huyền hoặc âm u, giống như theo trí tưởng tượng của tôi, là ánh sáng âm thanh ở giữa biên giới của trần gian và thiên đàng. Chúng tôi dừng lại ở phòng cuối cùng.

Linh mục gõ cửa. Tiếng dép kéo lê phía trong, và khuôn mặt một cậu bé khoảng 14, 15 tuổi hiện ra giữa hai cánh cửa hé. Vị linh mục hỏi nhỏ, cậu bé trả lời:

– Thưa, cha đang ngồi ở phía sau. Mời cha vào.

Linh mục hỏi :

– Đi vòng phía đầu hiên được không ?

– Dạ được. Hay xin cha đi vòng cho nhanh.

Chúng tôi tìm thấy linh mục Hải đang ngồi trên ghế xếp dưới giàn hoa lý. Gối kê dày dưới lưng ngài, một tấm chăn bông mỏng phủ lên bụng và hai chân ngài. Trên cái bàn nhỏ bằng sắt vừa tầm tay của linh mục, có cái khay nhỏ đặt bình nước, hai cái tách, và một cuốn sách úp sấp. Cha Hải ngước lên nhìn dò hỏi khi chúng tôi tiến tới gần. Đôi mắt ngài đã đục, hơi lờ đờ. Linh mục hướng dẫn tôi nói :

– Thưa cha, anh này tìm cha có chút việc .

Cha Hải ngước mặt cao hơn, đầu hơi nghiêng, hỏi lớn :

– Hả, cái gì ?

Cậu bé ra vườn sau từ lúc nào, thì thầm lưu ý chúng tôi :

– Cha hơi nặng tai. Phải nói lớn, cha mới nghe được.

Cha Hải theo dõi hướng nhìn của tôi, quay lại thấy cậu bé đang nói thầm với linh mục trẻ tuổi, đoán được họ đang nói điều gì, giận dữ quát tháo :

– Thằng Biên có vào trong nhà không. Trẻ con biết gì xen vào chuyện người lớn. Gặp ai tới, mày cũng bảo cha đã điếc đặc rồi. Mày nói xấu cha với người ta mà không biết xấu hổ. Tưởng cha không nghe hay sao.

Cậu bé sợ hãi đi quá ra sau nữa, ra phía giếng bơm nước. Cha Hải đăm đăm nhìn theo cậu bé một lúc, rồi mới quay lại hỏi :

– Cái gì ?

Bây giờ đến lượt tôi nói :

– Dạ, con xin cha giúp cho một việc…

Linh mục trẻ khẽ đập vào vai tôi nói nhỏ :

– Thôi anh ở lại nói chuyện vời ngài. Tôi về trước nhé.

Cha Hải nhìn đôi môi cử động của linh mục trẻ với đôi mắt ác cảm. Nhưng chờ linh mục trẻ đi rồi, cha mới nói :

– Cha rất ghét những người cứ rầm rì trong cổ họng. Nói cái gì cũng phải phân minh. Điều lành phải nói lớn cho cả và thiên hạ nghe hết. Chỉ có những chuyện xấu xa mới giấu giếm, không dám nói lớn.

Sợ ngài đi xa quá, tôi nhập đề ngay. Dĩ nhiên bằng cách nói thật to cho ngài bằng lòng :

– Thưa cha, con xin cha giúp con. Con có một đứa em nuôi, ngày trước xin ở cô nhi viện Xuân Phương. Con muốn tìm tông tích gia đình của nó. Con có đến cô nhi viện của các xơ dòng Mến Thánh Giá, được biết ngày trước chính cha cho người đưa em gái đó đến gửi các xơ nuôi…

Vị linh mục già cố gắng nheo mắt nghiêng đầu lắng nghe, nhưng có lẽ vì tôi xúc động quá lưỡi líu lại, nói chập tiếng nọ với tiếng kia, nên ngài đưa tay ngăn lại :

– Nói chậm một chút. Sao, cái gì. Có mấy xơ Mến Thánh Giá ?

Tôi cố gắng khởi hành trở lại, từ lúc đầu:

– Dạ thưa cha, gia đình con có xin ở cô nhi viện Xuân Phương một em gái mồ côi.

– Ừ, rồi sao

– Bây giờ, con muốn tìm ra tông tích, gia cảnh của người em gái đó. Xem thử em nó con ai ở đâu.

Cha Hải nói lớn, giọng đầy giễu cợt mai mỉa :

– Đã là trẻ mồ côi, còn cha mẹ sao được mà tìm ?

– Dạ, con có đến cô nhi viện, nhờ các xơ lục tìm hồ sơ. Trong phiếu, con thấy có ghi chính cha xứ Xuân Hòa cho người mang bé gái mồ côi đó tới.

Cha Hải reo lên :

– Thì đến hỏi cha xứ Xuân Hòa là biết ngay .

Tôi hơi ngần ngừ :

– Thưa cha, nhưng chính…

Vị linh mục già cướp lời :

– Ừ, ông ta cho người mang đến, thì biết chắc con bé con ai. Nghe hình như gần đây, trên đó đánh nhau hoài. Lại trẻ mồ côi vì bom đạn chứ gì.

Tôi hấp tấp giải thích :

– Dạ thưa không phải. Chuyện này xảy ra từ mười lăm năm trước. Tận hồi trước hiệp định Genève. Lúc ấy, cha đang lo cai quản xứ đạo Xuân Hòa.

– Ừ, Xuân Hòa, rồi sao ?

Tôi cố gắng kiên nhẫn hơn nữa :

– Năm 1954, thưa cha, chính cha là cha xứ Xuân Hòa. Cha có nhận của người ta gửi một bé gái mồ côi. Nhưng vì bận việc quá, có lẽ thế, sau đó cha phải gửi bé gái vào cô nhi viện mấy dì phước trên Xuân Phương. Cha còn nhớ chuyện ấy không ?

Cha Hải ngồi im lặng, mắt lim dim để ngược lại dĩ vãng. Tôi hồi hộp lắng đợi. Lâu quá, tôi không thấy ngài nói gì, nên phải nhắc :

– Dạ lúc ấy cha cai quản xứ đạo Xuân Hòa, cha còn nhớ chứ ạ ?

Vị linh mục già gật gù :

– Ừ, Xuân Hòa, Xuân Hòa cha nhớ rõ. Cha nhớ rõ lắm. Bổn đạo Xuân Hòa quí cha vô ngần. Con biết không, lúc nghe tin cha đổi đi nơi khác, cả họ đạo xao xác tán loạn còn hơn ngày tản cư nữa. Các bô lão đến quí khóc trong nhà nguyện, cầu khẩn Chúa giữ cha lại. Trẻ con đến ôm chân cha. Cha ở lại đây với chúng con. Cha ra đi, Chúa còn thương xót chúng con nữa hay không. Chúng con có được cứu rỗi nữa không. Rồi đích thân bổn đạo kéo nhau xuống tòa giám mục. Đức cha phải đích thân ra giải thích. Tuy thế, cha đi, cả bổn đạo đều khóc…

Cha Hải lại im lặng. Hình như cha cũng xúc động theo lời kể, đôi mi mắt mấp máy để cố ngăn một dòng lệ cạn. Tôi nhắc :

– Dạ thưa cha, hồi ở Xuân Hòa, cha có nuôi một em gái mồ côi…

Cha Hải choàng dậy, quay lại nhìn tôi có ý trách móc :

– Một em ? Sao lại một? Ít ra là trăm đứa. Chiến cuộc ác liệt lắm. Hai bên dàn binh đánh nhau, cả một vùng dân cư đông đúc nằm phơi giữa hai lằn đạn. Xứ của cha dù sao cũng đỡ hơn vì người Pháp cố tránh các giáo khu công giáo. Còn bên đó ngại dân vệ của cha không dám đến gần. Nhưng những làng chung quanh đều bị tàn phá hết. Để cha nhớ coi. An Vinh này. Thiện Đức này. Giang Thanh này. Trung Thái này. Nhiều người ùn ùn kéo về Xuân Hòa, cầu khẩn được núp dưới chân Chúa, được an toàn trong vòng tay bao dung của Chúa. Nhiều gia đình chết hết chỉ còn lại một em nhỏ. Có khi người mẹ mang con đến xin tiền cha, chờ tối trốn đi bỏ lại hai đứa trẻ ốm tong teo còn ngủ lăn lóc bên cạnh nhà thờ. Cha phải chạy chỗ này chạy chỗ kia xin gạo, bột mì cứu trợ. Có lúc trại cô nhi trong khuôn viên nhà thờ của cha lên đến trăm đứa nhỏ. Chúng nó giành ăn với nhau, la khóc tối ngày. Mỗi lần như thế, chúng chạy đi tìm cha. Thưa cha thằng kia nó giật ổ bánh mì của con. Thưa cha con bé này nó tát vào mặt con. Thưa cha cu tí đái dầm ướt hết áo con. Thưa cha, thưa cha, thưa cha… Thưa cha thế này thưa cha thế khác. Cha rối trí lên, đôi lúc quát tháo om sòm. Nhưng sau đó thấy chúng rơm rớm nước mắt, len lét nép sát vào tường mỗi khi cha đến gần, cha đâm hối hận. Cha ôm chúng vào lòng, chúng cảm động quá khóc òa… Cha cũng khóc…

Lần này cha Hải khóc thật sự. Vai cha rung động từng hồi, cha đưa cái khăn nhỏ lên chặm chăm mí mắt rồi nhìn mông lung ra phía trước. Tôi chưa kịp nhắc cha trở về đường cũ, thì ngài đã ngồi thẳng người lên, hét lớn :

– Biên, làm gì đó ?

Tiếng cậu bé trả lời, giọng vỡ dậy thì :

– Thưa cha, con bơm nước tưới cây.

– Tưới thứ gì

– Dạ mấy chậu hồng.

– Cả ngày chỉ lo săm soi mấy cây hồng mà thôi. Quí hóa gì ngữ đó. Chỉ được cái ăn hại. Không tưới cho gốc lý lấy một giọt.

Biên cãi lại :

– Thưa cha con vừa tưới hồi sáng rồi,

– Tưới hồi nào đâu. Gốc dây lý lúc nào cũng khô ran. Hôm qua hôm kia cũng thế. Hôm nay…

Cha Hải quay sang phía bên trái, tìm chỗ gốc mấy dày hoa lý để kiểm chứng thành kiến của mình. Đất xốp vẫn còn ướt ở đấy, khiến cha ngừng lại, ậm ừ trong cổ họng để cố che giấu sự bối rối. Cha nhìn quanh nhìn quất để tìm một cái lỗi mọn của Biên. Có lẽ cha tìm không ra. Cha thất vọng, lại ậm ừ khó chịu. Tôì yên trí cha đã hết giận cậu bé, nhắc khéo :

– Thưa cha, trong số cô nhi nuôi hồi ấy…

Giọng cha bùng vỡ, òa tung lên giận dữ, rít giữa hai hàm răng đã rụng khá nhiều :

– Cô nhi với không cô nhi. Một lũ ăn hại. Người ta chém giết nhau cho đã rồi đem con quẳng vào nhà thờ. Cửa chúa đâu phải là trại tế bần. Đâu phải, đâu phải là …là …

Cha giận quá, càng tức giận hơn khi không thể tìm một tỉ dụ nào khác cho vừa phải, không phạm thánh. Trong cơn loay hoay lúng túng, cha tự thấy mình nổi giận một cách vô cớ, nên dừng lại. Cha nhìn sang tôi, lời trầm lại :

– Đành thế, nhưng mình phải chịu đựng. Như một cách cứu rỗi, chứ biết sao. Nuôi thế nào nổi hai ba trăm đứa cô nhi đủ mọi hạng tuổi, đủ mọi bênh tật. Sau đó cha phải tìm cách gửi bớt cho người ta nuôi.

Tôi mừng rỡ, chen vào hỏi :

– Cha có gửi …

Cha Hải không để cho tôi nói, tiếp tục ý ngài :

– Cha chen những lời hô hào chia nuôi cô nhi vào các buổi giảng phúc âm, Cha khuyến khích. Cha bảo lũ trẻ này có thể là phần thưởng và bổn phận, do lời phán truyền của Đấng Cứu Thế. Ơn phước sẽ về kẻ nào biết tin ở chúa, cũng như biết nhận sự gửi gắm của chúa.

Mắt cha lim dim, mắt ngước lên mấy chùm hoa lý đong đưa trên đỉnh đầu, như muốn đuổi bắt những áng mây thiên đàng ở bên trên, trên thật xa, nơi nào đó không còn những nhọc nhằn, những xót xa, những mệt mỏi cô độc già nua. Tôi nghĩ đến cái tuổi già lạc loài. Con đường đi về nước chúa, trước mặt tôi, ở hình ảnh đôi vai xuôi, bàn tay xương xẩu xòe rộng trên mặt chăn ấm, dáng điệu vọng tưởng bất động ấy, sao mà đìu hiu. Tôi liên tưởng đến những chiều me tôi nhìn mông lung ra khu vườn xào xạc tiếng lá chuối, liên tưởng đến cái nhìn rỗng không của Phương Thảo. Ruột tôi thắt lại. Tôi hỏi, như một hơi thở :

– Thưa cha, trong số cô nhi…

Ngạc nhiên làm sao, vị linh mục già nghe thấy lời tôi thì thào. Ngài quay lại, mắt chớp chớp như vừa bừng tỉnh một giấc mộng :

– Số cô nhi thế nào ?

Tôi nuốt hết nước bọt, trước khi nói chậm và rõ :

– Thưa cha trong số cô nhi năm ấy, có một bé gái khoảng bảy tám tuổi, nét mặt thường lo lắng hốt hoảng, ít thích bạn bè…

Không biết đây là lần thứ mấy, cha Hải lại ngắt lời tôi :

– Đứa nào lại thích đứa nào. Nội chuyện giành nhau bánh mì buổi sáng cũng đủ rắc rối rồi. Tụi nó xem nhau như kẻ thù. Hoặc phải giành cho được một mình hai ổ, hoặc nhịn đói. Về sau cha bắt mấy đứa lớn ngồi canh, chờ đến lúc đứa nào cũng ăn hết phần của mình mới quay vào làm việc khác. Chỉ có mấy đứa còn bé xíu mới chập chững…

Đột nhiên, vị linh mục già nhìn thẳng vào tôi, đôi mắt khác thường:

– Khi nãy anh hỏi gì ? Anh tìm một bé gái bảy tám tuổi thường hay trốn bạn ngồi một mình trong xó tối hả ?

Tôi mừng quá, reo lên :

– Thưa cha, đúng rồi. Con tìm tông tích em gái ấy, cha còn nhớ không, thưa cha.

Vị linh mục nở một nụ cười, cánh mũi phập phồng và môi trên run run. Không hiểu sao cha xúc động mạnh đến như vậy. Cha thì thào:

– Phải rồi. Con bé Xíu. Con bé Xíu.

Cổ tôi nghẹn. Nước mắt ứa làm mờ thị giác. Tôi nắm bàn tay của cha lúc nào không hay. Tôi lay tay ngài, giục ngài nói tiếp :

– Bé Xíu. Sao nữa cha ? Cha gặp bé ở đâu ? Ở đâu hở cha ? Cha làm ơn nhớ lại đi.

Cha Hải nói :

– Ừ, đúng rồi. Con bé Xíu. Nó đã lớn, nhưng cha cứ gọi nó là con bé Xíu, vì trông nó nhu mì tội nghiệp quá. Nó đứng thu mình ở một góc, nơi đâu, chỗ nào, cũng như lạc loài. Mắt nó ngơ ngơ ngác ngác như mắt nai. Hai bàn tay chắp lại như luôn luôn cầu nguyện. Lại thêm mái tóc rối, và đôi môi mím lại. Mới gặp, cha đã chú ý đến nó ngay. Vì sao con có biết không ?

Tôi mau mắn hỏi :

– Thưa cha, cha gặp bé Xíu ở đâu ?

Cha Hải không nghe thấy gì, vẫn tiếp tục nói :

– Ừ, con nói đúng. Nó là hình ảnh thu nhỏ của Đức
Mẹ Maria. Có lẽ lúc Đức Mẹ nhìn Chúa Jésus Christ bị đóng đinh trên thập tự giá, Ngài cũng có một nét mặt như thế. Vừa xót thương đến não lòng, vừa trìu mến cam chịu một cách can đảm. Nhìn nét mặt bé Xíu, cha ngỡ ngàng, không tin ở mắt mình nữa.

Tôi khẩn thiết, rán hỏi một lần chót :

– Nhưng cha đã gặp bé Xíu ở đâu, cha có còn nhớ không ?

– Ở đâu ư ? Cha thấy nó đứng một mình bên đường. Cha đi xe ngựa đến khánh thành một nhà thờ mới. Đường từ Xuân Hòa qua đó khá xa, đường lại gập ghềnh lồi lõm. Xe hơi không chạy được. Cha phải sai đi thuê một chiếc xe ngựa. Người xà ích có vẻ không bằng lòng nhưng sợ lôi thôi nên đành vâng lời. Khi ngồi trên xe rồi, anh ta mới cho biết đường đi đến Giang Thanh không còn yên như trước nữa. Ngay hôm trước một vài người bên đó lén về, để trả đũa báo thù gì đó. Cha bảo không sao đâu, cha vừa được tin ông quận đã nhận lời đến chủ tọa lễ khánh thành. Cha nói với người xà ìch : Khi ông quận đến tất nhiên tình hình phải an ninh hoàn toàn. Vả lại sắp đình chiến rồi còn gì nữa. Tuy thế, đi ngang qua khu chợ, cha cũng hơi ngài ngại. Chợ vắng hoe, tuy hôm ấy đúng ngày chợ phiên.

Tôi sốt ruột quá rồi, hỏi gấp:

– Cha cho con biết đã gặp bé Xíu ở đâu? Làm ơn chút, thưa cha.

Vị linh mục già nhìn tôi, mắt chưa hết mơ màng:

– Nó đứng bên đường cái ngay trước chợ. Nó đang khóc. Cha bảo anh xà ích dừng xe lại, anh ta cự nự cho xe chạy như thường. Cha phải giật lấy dây cương xe mới ngừng. Cha chạy bộ trở lại chỗ bé Xíu, ngồi xuống hỏi sao bé khóc. Nó không nói, còn khóc to hơn nữa. Cha vuốt đầu an ủi nó một lúc, đề nghị đưa bé về nhà. Cha dẫn nó vào chợ, nó đi vài bước rồi đột nhiên khóc thét lên sợ hãi, ôm chân cha chặt cứng không chịu đi nữa. Cha ngạc nhiên quá sức, Cha bồng nó lên đến gõ cửa nhà cạnh chợ nhưng không có ai lên tiếng. Nhà nào cũng đóng im ỉm, Cha đi hết một dãy lều thấp mới đến một trạm canh, Cha chỉ đứa bé, hỏi một người lính đang lau súng. Anh ta ngước lên, nói trổng: Đem con mắc dịch đó đi thì đem, hỏi lôi thôi. Cha giận đến tràn hông, nhưng thấy con bé sợ người lính đến nỗi hai bàn tay bấu chặt lấy vai cha, nên bồng nó trở lại xe. Cha nghĩ phải nói cho ông quận trị sát ván tụi lính ba gai láo xược. Vì chuyện đó, cha đến nhà thờ trễ mất nửa giờ. Ông quận đã đến đó từ lâu. Ông ta…

Tôi ngắt lời cha Hải :

– Thưa cha, chợ đó tên là chợ gì ?

Vị linh mục già nhìn tôi, mắt cười rạng rỡ. Ánh vui tràn đầy trong cái hố sâu thẳm thời gian ấy. Tôi đón chờ tên làng quê hương bé Xíu vời niềm hân hoan rộn rã, vì hy vọng có thể đó là quê hương bé Phường, rồi hi vọng lớn dần theo tháng năm, suy rộng hơn xa thêm, là quê hương của Phương Thảo. Cha Hảỉ gật gù thú vị, như khâm phục trí nhớ quán chúng của mình. Cha nói tiếp tục, vẫn với giọng đều đều :

– Thật ra ông quận còn vui hơn cả cha nữa. Ông ta tin rằng tôn giáo là khí giới hữu hiệu nhất để chống lại bên đó. Cho nên ông ta giúp đỡ cha tận tình. Cha xin một ít xi măng xây nhà thờ. Ông ta cho chở đến hai xe đầy, rồi đích thân thuê xe ngựa đem xuống Giang Thanh. Ông quận còn xuất quỹ đem mua giúp nào gỗ, sơn, đinh… đủ thứ. Hoàn thành được nhà thờ đó, tổ chức lại xóm đạo để lập hệ thống tự vệ cho khu phía đông lâu nay bất an ninh, đó là kế hoạch của ông quận.

Cho nên tuy cha đến trễ, ông quận vẫn vui vẻ chờ. Cha nhường cho ông ấy vinh dự kéo dây chuông. Giáo dân đứng thành hàng ngay ngắn, hai dây cờ treo từ nóc tháp chuông giăng nghiêng ra đến cổng. Chưa bao giờ cha cảm động như hôm ấy. Và cũng chưa bao giờ cha giảng hay đến như vậy. Cha đọc: Đức Chúa Giê-su cùng với môn đồ qua đến bờ biển bên kia, trong miền Jérusalem. Ngài mới ở trên thuyền bước xuống tức thì có một người bị ma ám từ nơi mồ mả đi ra trước mặt Ngài, sấp mình xuống mà kêu rằng: Hỡi đức Chúa Giê-su, con Đức Chúa Trời cao cả, tôi với Ngài có sự gì chăng ? …

Cha Hải tiếp tục nói, nói mãi. Tôi thất vọng . Không còn cách nào xua hết những đám mây ảo của cái quá khứ rạng rỡ ấy trong hồn ngài, van xin ngài thốt giùm cho một cái tên, một cái tên, một cái tên đơn sơ giản dị. Cái tên đối với Ngài như một tình cờ, nhưng với tôi là cửa ngõ bước vào hạnh phúc. Là chìa khóa của Trí Tuệ. Là Thiên đàng. Nhìn đôi mắt cha mông lung xa hẳn thực tại, nhìn gương mặt cha hướng về cõi cao vời, ngút mắt, tôi thấy chỉ còn có một cách.

Tôi lẳng lặng đứng dậy, lẳng lặng bước nhẹ về phía đầu hiên để trở về. Mây xám từ đâu bay tới, thấp là đà ngay trên ngọn cây. Ngực tôi nặng. Mắt tôi hoa. Trước mặt tôi, chỉ có một con đường vô danh : Con đường đất sỏi gập ghềnh từ Xuân Hòa đến Giang Thanh. Người xà ích e ngại không đi. Tôi sẽ van nài. Nếu cần tôi sẽ dọa nạt. Đến một cái chợ, tôi phải dừng lại, hỏi thăm người này hỏi thăm người khác.

May ra. May ra tôi sẽ gõ đúng cửa một người mười mấy năm về trước đã từng lo sợ ghé mắt qua cửa sổ nhỏ nhìn vị linh mục bồng đứa trẻ lạc đi qua đi lại nhiều lần qua chợ, trước khi lên xe đi quá mạn phía đông.
Có thể tôi gặp lại người lính cũ.

Tôi đã phí cả bốn tuần xuôi ngược tìm kiếm, lục chỗ này một vết cũ, hỏi thăm hỏi nom chỗ khác tra lại một dấu mòn, để bây giờ, không tìm được gì khác hơn là một khoảng đường vô danh, một khu chợ vô danh, một người lính vô danh.

Lúc tôi ra khỏi cổng tòa giám mục, trời bắt đầu ầm ầm giông tố, rồi đổ mưa. Như người điên, tôi thản nhiên bước dưới làn nước dày và gió dữ. Nước chảy xuống má, xuống môi tôi. Thấy có vị mặn, tôi mới biết mình đã khóc.

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 4024

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây