Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàMùa Biển ĐộngTập 5 - Tha HươngMùa Biển Động - Chương 136

Mùa Biển Động – Chương 136

(Mùa Biển Động – Chương 136)

Đại đội 3 rút đến cây số 23 thì phải dừng lại, rải quân bố phòng cho Đại đội 1 rút đi. Từ phía Đồng lâm, vài loạt AK 47 của du kích bắn theo, nhưng xa quá không gây thiệt hại nào. Cuối cùng chính Đại đội 3 cũng rút, như vậy là cả Tiểu đoàn đã ra được quốc lộ đủ. Lệnh chung là theo quốc lộ 1 rút về cầu An lỗ. Nắng bắt đầu gắt. Nắng nung bãi cát dài hai bên đường, hơi sương bốc lên cho nên nhìn ra xa về khắp hướng, cảnh vật dưới thấp cứ nhòe đi, lung linh không định hình. Trên cao thì bầu trời trong xanh êm ả, khác với cảnh hỗn độn dưới quốc lộ.

Dân chúng, lính Địa phương quân thấy Thủy quân lục chiến rút cũng ùn ùn kéo nhau bỏ chạy. Trong đám đông ô hợp chen lấn giành đường ở phía trước và phía sau, lính nhiều hơn dân. Số người còn nấn ná ở lại bờ nam sông Mỹ chánh không còn nhiều, và đây là cơ hội cuối cùng để họ lựa chọn một giữa hai chế độ.

Rút kinh nghiệm của năm 72, Tiểu đoàn Thủy quân lục chiến xếp hàng ngay ngắn, đi riêng tách khỏi đoàn người chạy nạn, vừa cho dễ kiểm soát những kẻ lạ trà trộn vừa khỏi bị lạc nhau. Từ phía núi hướng tây, Bắc quân pháo 130 ly ra quốc lộ để chận đường rút. Mỗi lần đạn pháo bay véo qua đầu và phát nổ, cả đoàn người nằm rạp cả xuống, tiếng la khóc sợ hãi vang cả một góc trời, sau đó lại lồm cồm bò dậy đi tiếp. Không có quả pháo nào rơi trúng quốc lộ, dần dần người ta hết sợ, đâm liều. Mặc cho Bắc quân cứ pháo, người di tản cứ đi.

Đại đội của Trung úy Huy tới cầu An lỗ buổi trưa. Cả Tiểu đoàn qua cầu An lỗ về đóng ở phía nam, chỉ có Đại đội 3 chịu trách nhiệm rải quân giữ bờ phía bắc. Anh em Trung úy Huy không trấn mặt bắc một mình. Biệt động quân cũng cử một đại đội chia trách nhiệm này. Chỉ huy đại đội Biệt động quân là một đại úy cao lớn mặt hơi rỗ, tóc cắt ngắn để lộ nguyên một cái cổ bạnh và khỏe như cổ trâu. Bằng giọng Bắc, ông xưng tên:

– Tôi là Hưng. Bảng tên trên áo đây không có dấu ư, tụi nhỏ gọi tôi là HUNG. Cũng đúng. Đại đội anh còn đủ quân số không?

– Không đủ.

– Bị banh nhiều lắm hở?

– Không. Một trung đội đi tăng cường cho Tiểu đoàn 5 ở sông Bồ.

– Trên đó đụng nặng lắm. Gặp tụi chính qui chứ không phải ba thứ du kích lẻ tẻ. Tiểu đoàn của Thiếu tá Tiền chứ gì?

– Vâng.

– Cha đó còn đương hăng. Chả dám nướng cả trung đội của anh lắm đây.

Trung úy Huy hơi bực vì cái giọng cha chú của “người ngoài”, nghiêm mặt nói:

– Chết thì chết chứ sợ đếch gì. Đánh cho ra ngô ra khoai rồi sao cũng được, chứ chạy như vịt kiểu này tụi nó giã 130 ly cũng chết. Kiểu “đại lộ kinh hoàng” năm 1972 vậy mà.

Đại úy Hưng cười mỉm, không nói gì. Ông trỏ về phía tây:

– Các anh chịu trách nhiệm phía đó. Tụi tôi lo phía này.

Sông An lỗ đoạn gặp quốc lộ 1 phình ra khá rộng, hai bên sông cây cối nhiều, phần lớn là những bụi tre và vườn trái cây. Nhà cửa ở bờ nam động đúc hơn bờ bắc, nhìn chung đời sống kham khổ cực nhọc. Những ngôi nhà lụp xụp, cái lợp tranh cái lợp tôn đều kín cửa. Gia súc gà vịt mèo chó vẫn lảng vảng đi lại trước sân, vạt cải ngồng còn ướt dấu tưới. Trung úy Huy nghĩ có lẽ dân An lỗ quyết định ở lại như dân Đồng lâm. Ông dặn lính đề phòng bị bắn sẻ, vì theo kinh nghiệm, khi dân làng không sợ hãi yên tâm ở lại có nghĩa là con cái họ đã cầm súng cho phía bên kia, hoặc ở dưới bàn thờ tổ tiên, dưới áng nước mưa, dưới liếp cải là nắp hầm bí mật.

Trung úy Huy bảo Thiếu úy Thành đi một vòng kiểm soát tuyến phòng thủ, lúc trở về viên thiếu úy hớt hải nói:

– Biệt động họ rút đi rồi, Trung úy.

– Ông nói sao chứ! Tôi đứng ở cầu An lỗ nãy giờ, có thấy họ đi qua đâu.

– Họ rút đường khác, không muốn trà trộn vào đoàn của dân.

– Hay bên Biệt động đã có lệnh rút trước Thủy quân lục chiến mình.

– Có lẽ thế. Như vậy là ở bờ bắc An lỗ chỉ còn tụi mình nằm trơ ra đây thôi.

– Sao ông có vẻ hãi thế?

Thiếu úy Thành bị chạm tự ái, gân cổ cãi:

– Thằng này không phải thỏ đế. Nhưng đánh đấm cái kiểu gì kỳ cục quá. Nếu mình ỷ y mạn đông có Biệt động không đề phòng, tụi nó thọc cho một mũi vào sườn, làm sao?

– Thôi. Để tôi liên lạc với Tiểu đoàn.

Tiểu đoàn ra lệnh cho Đại đội 3 rút về bên này cầu. Lại dỡ tuyến. Đại đội 3 được phân cho nằm dọc bờ phía nam ngay chân cầu xi măng vững chắc rộng rãi, không phải thứ cầu vừa đủ một chiếc xe qua còn sót từ thời Pháp thuộc. Nhà cửa ở bờ này đông đúc và có vẻ khang trang hơn bờ bên kia. Chỉ cách một con sông không rộng, không khí khác hẳn. Nhà nào cũng mở cửa. Người đi lại trên những con đường đất núp dưới bóng tre và nhãn khá đông. Ít ra là ngay chỗ đại đội Trung úy Huy đóng, vì gần đó có một ngôi chùa. Từ phía mặt trận sông Bồ súng vẫn nổ dòn. Những quả 130 ly của Bắc quân và những quả 122 ly, 155 ly của quân đội Việt Nam Cộng hòa vẫn đều đặn trao qua đổi lại, tiếng đạn xé gió trên đầu không còn làm ai chùn chân giật mình nữa. Chiến tranh trở thành chính đời sống ở khu vực này, và người ta chỉ giật mình lo âu khi không nghe tiếng súng. Nhưng tiếng chuông thong thả dịu hiền gióng từng tiếng một từ ngôi chùa nhỏ, cảnh những bà cụ già mặc áo dài dắt cháu đi lễ chùa giữa lúc này có cái gì khó hiểu, huyền nhiệm, cái gì vượt lên mức bình thường, làm cho Trung úy Huy sững sờ. Ông bước chân theo sau hai bà cháu đang đi về hướng chùa. Bà cụ chắc đã yếu, nhìn từ đàng sau chỉ thấy một thân hình nhỏ bé, lưng còng, tay phải vịn vào vai đứa cháu trai để bước từng bước một. Thằng cháu mặc quần cộc đen, áo sơ mi xanh có sọc trắng, có thể là bộ quần áo tươm tất nhất dành mặc trong những ngày lễ lạc. Thằng bé xách một cái túi ni lông nhỏ nhưng dài, có lẽ là túi đựng nhang và giấy vàng mã. Vườn chùa không rộng lắm nhưng rậm mát nhờ những tàn mít và nhãn. Hai bà cháu khuất sau tấm bình phong bằng vôi dựng ngay phía trong cổng tam quan. Mép phía trên bên trái tấm bình phong đã bị vỡ văng đâu mất, có thể do một quả trọng pháo nào đó.

Những người từ trong chùa ra nhìn bộ rằn ri và súng đạn quanh người của Trung úy Huy, ánh nhìn ban đầu đầy e ngại ngạc nhiên, sau đó họ cố làm ngơ như không hề thấy gì, né tránh quay đi. Viên trung úy tự thấy mình đi lạc vào một thế giới khác, thế giới ông không hiểu.

Từng tiếng chuông khoan hòa theo bước chân Huy. Trung úy trở lại cầu, lòng lâng lâng không biết mình đang vui hay đang buồn. Súng ở phía sông Bồ nổ dữ dội hơn trước. Viên trung úy thấy nôn nao trong dạ hỏi anh truyền tin:

– Mày liên lạc được với Thiếu úy Kiểu chưa?

– Không được. Tiểu đoàn vừa gọi Trung úy. Thiếu tá dặn Trung úy liên lạc với Thiếu tá ngay.

Trung úy Huy nghe giọng Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng hơi bực dọc:

– Cậu đi đâu vậy? Tôi báo cho cậu biết dân ở đây không tin được đâu. Hãy coi chừng. Chừng nửa giờ nữa, bên Công binh họ cho người tới phá cầu An lỗ. Cậu theo dõi kết quả, rồi báo cáo cho tôi.

***

Chiếc xe Jeep Công binh đến trễ nửa giờ. Trên xe, ngoài tài xế có ba người nữa. Họ dừng xe ở ngay đầu cầu. Người ngồi ở ghế trưởng xa bước xuống xe chạy đi tìm sĩ quan chỉ huy của toán Thủy quân lục chiến gác cầu. Ba người kia khệ nệ vác hai thùng gỗ nặng từ lòng xe xuống đường, sau đó đem ra luôn cuộn dây điện nhà binh mầu đen. Trung úy Huy hỏi ông thượng sĩ Công binh trưởng toán:

– Chúng tôi có cần làm gì không?

– Trung úy chận không cho ai đến gần, đề phòng nguy hiểm khi TNT nổ. Chỉ đề phòng vậy thôi, chứ chúng tôi sẽ gài TNT dưới chân cầu, sức nổ chỉ làm sụm vài cầu xuống chứ không làm tung tóe xi măng đi khắp nơi đâu. Nghề của chúng tôi mà.

Trung úy Huy gọi người lính gác cầu lại, bảo:

– Đừng cho ai qua cầu nữa. Sắp cho nổ đấy.

Người lính gác nói:

– Hồi nãy có một chiếc Jeep với một bà già qua bên kia. Có chờ họ về không?

– Chờ sao được. Mày giỡn à! Họ sẽ tìm cách về mà, thiếu gì. Không về được là Trời bắt họ ở với Việt cộng.

Trung úy Huy quay lại nói với bốn Thủy quân lục chiến đứng gần đấy:

– Tụi bây chận đường không cho ai lai vãng tới đây cả.

Bà cụ và đứa cháu hồi nãy Trung úy Huy gặp ở chùa từ xa chậm rãi đi tới. Trung úy vừa định lên tiếng chào và thân ái giục bà cụ đi nhanh lên cho, thì một người lính Công binh ở chiếc xe Jeep reo to lên:

– Dì Năm, dì đi mô rứa?

Bà cụ quay lại ngửng đầu nhíu mắt nhìn về phía người lính. Người lính cũng đã tới gần, mừng rỡ ôm vai bà cụ hỏi:

– Dì không đi răng dì Năm?

– Đi mô ! Mạ mày đã tới chưa?

– Chắc tới rồi dì Năm. Vợ con với mấy cháu vào tới Lăng cô gặp người quen đi ra, có gửi con vài chữ. Chắc bữa ni đã tới Đà nẵng rồi.

– Còn mày răng còn ở đây?

Người lính Công binh cười giòn:

– Con đi răng được dì Năm. Đi mấy ông kia ổng bắn chết. Lính thời chiến, đào ngũ là bắn liền.

Người lính vừa nói, vừa lấy tay phải giơ lên bắt chước dáng điệu một người cầm súng lục giơ lên bóp cò.

– Mày làm chi ở đây?

– Dì Năm về nhà liền đi dì Năm. Thằng nhỏ con anh Bỉnh phải không? Nó lớn mau quá. Nhận không ra mô!

Bà cụ thấp giọng nói gì đó với người lính bà con. Trung úy Huy bây giờ mới để ý là người lính nói giọng Thừa thiên miền quê, không dễ nghe và thanh như giọng Huế thành phố. Người lính cúi xuống nghe bà dì nói, đầu gật gật, rồi nói lớn:

– Để con dẫn dì Năm về. Ê, tụi bây cứ làm đi, tao ra liền chừ!

Hai người lính Công binh kia đang tháo cuộn dây điện, gắt gỏng:

– Mày đi đâu? Sao không làm cho xong hãy đi.

Người lính không trả lời, đưa tay xốc bà dì đi quá đầu cầu, rồi ngoặc vào một lối đi hẹp hơn, vào sâu trong xóm.

Ông thượng sĩ đi theo thiếu úy Thành xuống phía dưới xem xét bờ sông đã trở lại. Hai người lính Công binh cằn nhằn:

– Thằng mắc dịch bỏ đi chơi rồi!

– Nó đi đâu?

– Nó gặp bà con, đi rồi. Quê nó ở đây mà!

Ông thượng sĩ chửi thề:

– Đù mẹ nó về tao cho nó vài củ.

Ông xăn tay áo lên phụ với hai người lính. Những bánh TNT được lấy ra khỏi cái thùng gỗ. Họ hì hục cột các khối thuốc nổ lại, rồi một người lính cởi bộ đồ trận chuẩn bị lội xuống sông.

Ông thượng sĩ nói:

– Một đứa làm sao xong. Phải hai đứa.

Người lính Công binh kia đành phải cởi nốt quần áo. Hai người chỉ mặc có cái quần đùi vải nhà binh màu rêu, rộng thùng thình. Họ ôm thuốc nổ lội xuống sông, phía sau sợi dây điện theo họ uốn mình bung ra khỏi thỏi gỗ cuốn, lê thân theo hai người lính. Xong việc, họ trở lên bờ, nhìn quanh không thấy phụ nữ nên thản nhiên cởi cái quần đùi ướt ra vắt bớt nước để mặc vào trở lại. Những người lính gác cầu cười hô hố:

– Các ông Công binh mà sao mũi khoan tí tẹo, không bằng được mấy thằng pháo binh 155 ly.

Đám lính cười rang cả một khúc sông. Một người lính Công binh đang gài nút áo đáp:

– Trời nóng mà sao nước sông lạnh ngắt. Với lại tình thế này, đến các ông còn teo chim huống chi tụi tôi Công binh.

– Sức mấy mà teo!

Lại cười râm rang. Ông thượng sĩ ra hiệu chuẩn bị nhấn hộp máy phát nổ. Những người lính còn đứng quanh đó vội tìm chỗ núp. Quang cảnh tự nhiên im lặng, trừ tiếng súng dội từ sông Bồ lại. Tiếng nổ không kinh khủng như mọi người chờ đợi. Chân cầu khuỵu xuống, hai nhịp xi măng mất chỗ dựa chúi mũi xuống sông, nhưng không sập hẳn. Nhịp bờ bắc nghiêng một góc 45 độ về phía thượng lưu, còn nhịp phía nam tuy có chúi đầu xuống, mặt bằng hai bên vẫn đều nhau. Thành cầu cũng không hề hấn gì. Nhất định xe cộ không qua cầu được nữa, nhưng người đi bộ thì vẫn qua lại dễ dàng.

Trung úy Huy nhìn cây cầu gãy, chán nản nói với ông thượng sĩ:

– Các ông phá như vậy, như gãi ghẻ. Phá lại lần nữa cho sập hẳn được không?

Ông thượng sĩ Công binh cáu:

– Trung úy giỏi thì làm đi. Tưởng phá cầu dễ lắm sao. Cây cầu Mỹ nó xây móng cứng và lớn như vậy, cả xe thuốc TNT chưa chắc phá sập được.

Trung úy Huy vùng vằng bỏ đi. Ông báo cáo kết quả phá cầu cho Thiếu tá Tiểu đoàn Trưởng, và xin cho phá lại lần nữa. Bên kia đầu dây, Thiếu tá Thành nói, giọng do dự:

– Chắc là khó. Mình đâu có quyền ra lệnh cho họ. Cũng có thể họ đã hết TNT.

– Thì ngày mai cho phá lại. Mai chưa có TNT thì mốt cũng được. Nhưng phải phá cho sập hẳn, nếu muốn chận tụi nó.

Giọng Thiếu tá Thành rã rời, hình như Trung úy Huy nghe xếp của mình thở dài trước khi nói:

– Thôi kệ nó. Không kịp nữa đâu!

***

Trung úy Huy bực dọc, cáu kỉnh vô lý với anh hạ sĩ truyền tin:

– Còn mày nữa. Mầy mò cả buổi không liên lạc được với Trung đội.

Anh hạ sĩ không chịu nhịn:

– Tui gọi không ai trả lời cả, làm sao!

– Mày có chịu gọi không?

– Sao lại không!

Ông trung úy đá văng cái thùng gỗ đựng TNT đám Công binh bỏ lại, cái thùng rỗng lăn lông lốc xuống triền dốc bờ sông, cuối cùng rơi xuống nước, trôi bập bềnh theo dòng nước chảy chậm. Anh hạ sĩ tìm câu gì để làm nguôi giận xếp, tìm mãi mới ra:

– Chắc thuốc nổ làm cá chết nhiều lắm, Trung úy. Mình đi vớt tối nay ăn.

Trung úy Huy chưa hết giận:

– Mày thử liên lạc một lần nữa xem sao.

Anh lính truyền tin trở lại chỗ đặt máy PRC-25. Loay hoay một hồi, đột nhiên anh ta reo lên:

– Được rồi, ông thầy. Có thằng Lãng gọi.

Trung úy Huy mừng quá, chạy đến chụp cái máy liên hợp giằng khỏi tay anh hạ sĩ. Bên kia đầu dây, đúng là giọng Lãng. Ông Huy gắt:

– Tại sao bây giờ tụi bay mới chịu lên “mai”?

– Cái “mai” của Trung đội bị banh rồi. Bây giờ mới mượn “mai” được.

– Kiểu đâu?

– Ông đây.

Giọng Thiếu úy Trung đội trưởng Trung đội 2:

– Tụi này bị nặng lắm Trung úy. Chỉ còn mấy mống thôi. Sắp ủi thêm một cú nữa.

– Mấy thằng bị thương? Tính sao với tụi nó?

– Tìm hết cách đưa về mà không có. Phải tự túc lấy.

– Sao không xin thẳng ông Tiền?

– Ông biết mà. Ông nói rán làm giùm ổng một cú nữa đã. Anh em mình ra sao?

– Không có chuyện gì. À, nghe dặn đây. Đây là lệnh. Không ủi nữa. Rán về đây gấp. Ông Tiền hỏi thì bảo lệnh của tao như vậy. Nghe rõ chưa?

– Rõ.

Trung úy cúp máy, rồi liên lạc với Tiểu đoàn, xin phương tiện tải thương cho Trung đội 2. Thiếu tá Thành bảo hiện Tiểu đoàn không có phương tiện gì hết. Ông nhắc lại cái câu ngắn từng làm cho Trung úy Huy nổi giận hồi nãy:

– Không kịp nữa đâu! Vì đã có lệnh mới. Các đại đội trưởng lên họp khẩn với tôi ngay bây giờ. Phải có mặt tại đây 8 giờ tối.

Trung úy Huy nhìn đồng hồ. Đã 7 giờ 15.

Cuộc họp chỉ kéo dài có 5 phút. Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng nói:

– Các ông cho con cái trang bị nhẹ tối đa. Bằng mọi giá phải có mặt ở Thuận an trước 6 giờ sáng mai. Chỉ có một chuyến tàu đón mình ở Thuận an để đưa về Đà nẵng. Ai tới trễ bị bỏ lại. Rõ hết chưa?

Bốn sĩ quan đại đội trưởng cùng đáp: Rõ. Rồi mọi người lặng lẽ rời hầm chỉ huy.

***

Đã quen với cuộc sống nhiều bất ngờ, đám lính nhận lệnh mới với vẻ hí hửng khác thường. Họ nuốt vội cho hết bữa ăn nóng cuối cùng ở An lỗ, rồi nhanh chóng chuẩn bị lên đường. “Trang bị nhẹ tối đa” có nghĩa là nhẹ cả vũ khí lẫn đồ đạc mang theo người. Súng cối mang theo 10 quả đạn. Đại liên M-60 kèm theo dây đạn 100 viên. M-72 một dây 6 quả. M- 16 một băng. Mỗi người lính 2 quả lựu đạn, một bao gạo sấy, một lon thịt hộp. Tất cả quần áo mền mùng và đồ đạc linh tinh vứt hết xuống sông An lỗ, kể cả các súng ống đạn dược thừa quá tiêu chuẩn.

Đại đội bắt đầu đi bộ về hướng Huế. Lòng Trung úy Huy nóng như có lửa đốt. Ông kềm sát theo anh hạ sĩ truyền tin, mong nhận được tin của Trung đội 2. Máy PRC-25 của Trung đội 2 bị hư đúng lúc dầu sôi lửa bỏng này là tai họa.

Đại đội khởi hành đúng 9 giờ tối, đi sau các đại đội khác của Tiểu đoàn. Đêm tối như bưng, quốc lộ đông nghẹt người, kẻ đi trước không muốn cũng phải bước vì phía sau đẩy tới như những bộ phận vô hồn trong một guồng máy khổng lồ. Anh hạ sĩ tìm hết cách vẫn không liên lạc được với Thiếu úy Kiểu. Đến lúc gần như tuyệt vọng, máy lại reo. Bên kia đầu dây, giọng của Lãng:

– Trung úy chờ nói chuyện với Thiếu úy Kiểu.

Trung úy Huy mừng quá, líu ríu nói:

– Thôi, mày nói lại với ông Kiểu là kéo hết con cái ra quốc lộ về Huế ngay. Lo đi ngay, nghe chưa.

Lãng nói thêm câu gì đó ông Huy không nghe được. Tai ông lùng bùng vì xúc động mạnh, tim đập liên hồi, đầu óc choáng váng như đang say. Ông mừng vì cuối cùng cũng báo động được cho trung đội, khỏi phải ân hận là đã rút chạy lấy thân bỏ anh em lại.

Lúc khởi hành, tiểu đoàn Thủy quân lục chiến cố đi theo hàng ngũ, và tách xa với đoàn dân chúng lẫn lính tráng binh chủng khác. Nhưng đoàn người mỗi lúc một đông, khoảng cách cần thiết không giữ được.

Những bóng đen bước đi lầm lũi, nhìn cái dáng chung có thể phân biệt được dân với lính, nhưng khó lòng biết người đang đi bên cạnh mình là bạn hay thù. Nỗi lo cảnh giác chỉ có lúc đầu, về sau thì mặc kệ, cứ cố bước nhanh tới trước, tới đâu hay đó. Sáu giờ sáng mai phải có mặt ở Thuận an. Đoạn đường còn dài, từ An lỗ vào tới Huế đã xa, nếu tính theo nhịp chân bước, từ Huế qua Đập Đá xuống tới Thuận an còn xa hơn nữa.

Trong đoàn người có nhiều người già yếu và con nít, dĩ nhiên. Nhưng ai cũng như những cái bóng lầm lũi bước trong đêm, không hề có một lời than, không có cả tiếng con nít khóc.

Lâu lâu, gặp những sự lạ trên đường, quá lắm là một vài tiếng lao xao ngắn. Xác chiếc M-48 còn cháy ngún hắt chút ánh sáng đỏ bầm lên những người đi qua, nhờ thế Trung úy Huy thấy được một đứa nhỏ bấu lấy gấu quần người mẹ, sợ hãi nhìn ngọn lửa như đề phòng nó sắp lan đến chỗ mình. Người mẹ cầm cổ tay con kéo đi, mất hút vào bóng tối. Gần đó, vài xác lính nằm chết bên đường. Người nằm ngửa, mặt nhìn lên trời cao. Người co quắp lại. Chắc chiếc M-48 bị phục kích. Lâu lâu không biết từ đâu có những loạt AK bắn lên quốc lộ, nhưng đoàn người vẫn tiếp tục đi, như không hề biết điều gì xảy ra. Những người mạnh khỏe chỉ có ý nghĩ duy nhất là rán vượt tới trước. Hàng ngũ càng ngày càng lộn xộn, mạnh ai nấy đi.

***

Đến ngã ba An hòa, Trung úy Huy nhìn quanh toàn người lạ, chỉ có anh hạ sĩ truyền tin bám sát ông nên là người quen duy nhất ở cạnh ông, đúng lúc 12 giờ khuya. Ông bảo anh hạ sĩ tìm chỗ có đèn sáng dừng lại nghỉ để chờ gom đại đội đi cùng cho an toàn. Chờ độ nửa giờ, gom được hai mươi người kể cả ông. Họ họp thành toán đi xuống phía thành phố Huế. Một người lính gác cầu Bạch hổ nhìn đoàn lính lôi thôi lếch thếch kéo nhau qua trạm canh, nấn ná mãi cuối cùng cũng bạo dạn cầm súng bước khỏi trạm gác, ra đường hỏi lớn:

– Có chuyện gì vậy các ông?

Có ai đó đáp:

– Sao còn ở đây? Không lo chạy đi.

– Sao lại chạy? Họ bảo tôi gác cầu này mà!

– Gác cái mẹ gì. Tụi nó đến đây bây giờ. Về lo cho vợ con đi!

Trung úy Huy thấy anh lính Địa phương quân đứng ngẩn ngơ hồi lâu, rồi chậm rãi trở lại trạm canh. Ông không biết anh ta có chịu bỏ trạm gác hay không? Lại thêm một nạn nhân ngoan ngoãn của các quan lớn!

Phía bên trái, thành quách nằm im lặng lẽ nhìn dòng người đi qua. Sông Hương cũng lặng lẽ chảy phía phải. Hai bên đường chưa có nhà cửa gì, gió từ sông Hương đưa lên một mùi thơm nhè nhẹ, thoang thoảng mùi hoa cau mà Trung úy Huy không hiểu vì sao, có lẽ ông ngửi thấy mùi hoa cau của một kỷ niệm cũ của Huế hơn là mùi thực sự của nước sông. Đêm đen không cho ông nhìn rõ được cảnh vật phía hữu ngạn. Ông chỉ thấy ánh đèn một vài cái thuyền đậu sát bờ bên này, và một ánh đèn leo lét khác đang trôi ở giữa sông, từ từ tiến về phía cầu Trường tiền. Ông không nhìn rõ được hàng cây rậm che mát con đường Lê Lợi, bức thành vôi cao của đài chiến sĩ, những mái ngói màu rêu xám và những mảng tường quét vôi hồng của trường Đồng Khánh. Trung úy không thấy gì khác ngoài bóng tối, nhưng mùi hoa cau làm cho ông nhớ đến một vườn cau ở khu Bến Ngự, nhớ đến một người con gái tóc thề cầm cây sào dài len lỏi khắp vườn tìm hái cho ông những trái ổi vừa chín tới, hoa cau rơi trên vai trên tóc nàng như những confetti trong ngày hội truyền thống ở Âu châu. Ông chỉ gặp nàng có một lần khi chuyển lá thư của một người bạn đồng ngũ nhân dịp về hậu trạm. Khi người bạn tử trận, ông tránh không muốn đưa xác bạn về cho gia đình. Ông muốn giữ mãi hình ảnh tươi vui êm đềm ấy, giữ mãi mùi hoa cau ấy, như một kỷ niệm quí giá và mong manh về Huế. Vườn cau ấy bây giờ ra sao, cả người con gái tóc thề ấy nữa, bây giờ trôi giạt về đâu?

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 116

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây