Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàMùa Biển ĐộngTập 5 - Tha HươngMùa Biển Động - Chương 164

Mùa Biển Động – Chương 164

(Mùa Biển Động – Chương 164)

Vì cán bộ phường bắt đầu thắc mắc về ngôi nhà vắng chủ, định lấy làm trụ sở cho Hội Phụ nữ phường vừa thành lập, nên Diễm vội vã đem giấy tờ mua nhà đến trình Ủy ban nhân dân, cho biết mình sắp dọn về làm công dân của phường; trong khi chờ đợi, Diễm muốn đóng góp một chút gì để các chị em phụ nữ có phương tiện phục vụ Cách mạng. Mọi việc xong xuôi trong vòng một tiếng đồng hồ. Nhưng từ đó Diễm phải thường xuyên ghé thăm nhà, chứng tỏ mình còn hiện diện ở đây.

Diễm đưa cho Ngữ giữ riêng hai cái chìa khóa, một khóa cửa vào vườn, một mở khóa cửa trước để nếu được, Ngữ cũng ghé lại đó. Diễm đã nói với Ủy ban phường là nàng có nhờ một người anh bà con lâu lâu đến sửa sang nhà cửa trước khi nàng dọn đến ở.

Sau lần gặp nhau tối hôm ấy, hai người thường hẹn nhau vào buổi chiều, khoảng từ bốn giờ đến sáu giờ để Ngữ khỏi phải về nhà quá trễ. Đôi lúc do bận chuyện riêng, hoặc Diễm hoặc Ngữ không đến được. Họ trải qua những hờn dỗi, trách móc. Trải qua khóc lóc, năn nỉ, làm hòa. Rồi cuối cùng cả hai cùng đồng ý với nhau là hãy thoải mái trong chuyện hẹn hò. Cứ trong khoảng thời gian đó ai tiện thì tới tổ ấm, gặp nhau thì may mắn sống trọn với nhau vài giờ, không gặp thì viết giấy để lại để người tới muộn biết khỏi mất công chờ đợi. Thường thường họ gặp nhau, tuy kẻ đến trước người đến muộn. Mỗi ngày một ít, ngay căn nhà lạnh lẽo hiu quạnh cũng thay đổi. Mỗi lần đến, mỗi người mang theo một vài thứ đồ dùng cần thiết cho đời sống tạm bợ. Diễm mua một cái rề sô nhỏ để nấu nước pha cà phê hoặc đun mì gói. Một hôm Ngữ tới thấy trên đầu giường Diễm mua đem tới từ lúc nào hai cái ly chân cao và một chai Champagne. Hôm khác Diễm cảm động ngắm một đóa hoa hồng nhung cắm trong cái lọ hoa thủy tinh. Nước đã bắt đầu vào nhà, trong phòng tắm có treo hai cái khăn tắm, một cái màu hồng, một cái màu xanh lam. Cái ly nhựa trước gương có cắm hai cái bàn chải đánh răng, một lớn một nhỏ.

Một thỏa ước thầm lặng khác cũng thành hình giữa hai người: không ai nhắc nhớ gì tới nhũng người thân, không ai tò mò hỏi nhau buổi sáng hôm đó đã làm gì, đã gặp ai, tối kỵ là hỏi nhau dự tính làm gì trong tương lai. Họ muốn khi xoay chiếc chìa khóa cửa bước vào nhà, đẩy khép cánh cửa sau lưng là khép luôn nhũng phiền lụy của đời sống; họ muốn không suy nghĩ lo lắng gì nữa, dành trọn tâm hồn và thân xác cho giờ phút này đây. Cả hai đều biết thứ hạnh phúc họ mạo muội lén lút ăn cắp của đời không thể kéo dài được lâu, chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng đủ sức lay đổ mộng tưởng của họ, niềm hoan lạc của họ, lòng đam mê của họ. Vị ngọt ở đầu lưỡi, hương thơm của da thịt, họ biết lắm, chỉ là cái gì hết sức mong manh. Cho nên họ tham lam sống khi còn được sống trọn. Họ dành những lời yêu thương nhất để nói cho nhau nghe, kể những kỷ niệm đẹp nhất để vuốt ve nhau sau những lần ái ân. Không ai còn khép nép ngại ngùng. Không có gì cấm kỵ, không có gì phải giấu giếm. Trong căn nhà kín cửa, họ ít mặc quần áo, từng cái nốt ruồi nhỏ cũng thành đề tài đùa giỡn, mỗi phân vuông của da thịt đều dậy lên cảm giác.

Nhưng từ lúc có thông cáo buộc các sĩ quan đi trình diện học tập cải tạo, Diễm và Ngữ không thể giữ đúng thỏa ước được. Gác bỏ hết những lời đồn đãi, những dự đoán bi quan, mối lo trước mắt họ là họ phải xa nhau một thời gian. Câu hỏi đi đâu cũng nghe bàn tới sôi nổi là cấp sĩ quan chế độ cũ sẽ phải đi học tập cải tạo ở đâu, và bao nhiêu ngày. Bản thông cáo được mổ xẻ phân tích từng chữ, từng cái dấu chấm phảy. Bốn chữ lạ tai đầy bí hiểm là “tập trung cải tạo”. Có cuộc học tập chính trị nào mà không phải tập trung. Hạ sĩ quan và binh lính chế độ cũ cũng đã “tập trung” tại phường để học tập ba ngày rồi mới được cấp phát chứng nhận đã học tập tốt để trình cho các cơ quan liên hệ. Ngữ kể cho Diễm nghe chuyện Lãng hí hửng mang tấm giấy chứng nhận về, coi đó là lá bùa hộ mạng. Lãng giơ nắm tay lên cao tuyên bố:

– Từ nay tao đéo sợ thằng nào cả. Tao có môn bài rồi!

Không ai giải thích rõ là địa điểm tập trung cải tạo ở những đâu. Thông cáo chỉ quy định sĩ quan cấp úy trình diện chỗ nào, và cấp tá trở lên chỗ nào, thế thôi.

Ngữ nói với Diễm:

– Em thấy không, họ dùng chữ “cải tạo” chứ không phải “cải huấn”. Cải huấn là đi ở tù. Còn cải tạo là xách giấy bút đi học chính trị.

Diễm nói:

– Thôi anh ơi! Đừng tin những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm. Ông Thiệu chạy trốn đi rồi nhưng để lại một câu nghe lọt tai.

– Thì họ đã làm rồi đó. Chỉ “tập trung cải tạo” thôi!

Diễm buồn rầu nói:

– Em nghe mấy tay cán bộ trên Sở Thông tin Văn hóa nói các anh phải đi cải tạo lâu đấy, không phải mười ngày đâu.

– Ai nói thế? Em quen những tay nào? Làm sao quen?

Thấy Ngữ hỏi dồn dập giọng đầy ghen tức, Diễm cười, vuốt má Ngữ đáp:

– Họ tìm em chứ em có biết họ là ai đâu. Không biết ai chỉ, họ tìm tới nhà mời em làm cho Đài Phát thanh Giải phóng.

– Em nhận lời chưa?

– Dại gì mà nhận. Em biết lòng người mà. Mình lặn kỹ đi thì không sao, bây giờ chường mặt ra làm “cách mạng 30″ sẽ có nhiều đứa ganh ghét moi chuyện cũ ra tố cáo, chỉ thêm khổ. Em bây giờ không muốn dính dáng gì tới giới văn nghệ nữa. Em chỉ lo xoay xở để nuôi ba mạ, lâu lâu đến đây với anh. Anh đi, chắc em nói ba mạ dọn qua đây ở luôn.

– Còn nhà bên Khánh hội thì sao?

– Em đi hỏi nhiều chỗ, họ nói phải chờ chính sách nhà đất quy định ra sao đã. Bọn cán bộ từ Bắc vào, từ rừng về đang lùng khắp tranh nhau tìm nhà để chiếm. Trước nhất là nhà của những người đã di tản. May mà căn nhà bên Khánh hội em mua nhưng để tên mạ, còn căn nhà này em đứng tên. Nếu đứng tên anh Mân, coi như đã mất rồi. Nhiều người giờ chót chạy ra Phú quốc Côn sơn nhưng không đi được, trở về nhà đã bị cán bộ chiếm không đòi được. Em có một chị bạn cũng gặp cảnh đó. À, chị bạn em ở quận Tân bình. Em dò biết tay Bí thư quận là bạn của anh Tường. Anh dò thử xem, liệu nhờ anh Tường nói giùm với ông Năm Được để chị bạn em đòi nhà được không?

– Khó lắm. Tường nó rất ngại những vụ đó. Mấy lâu nay nhiều người quen biết tưởng Tường làm lớn, đến nhờ chuyện này chuyện nọ, nó đều từ chối.

Diễm quả quyết:

– Anh ấy không từ chối được em đâu. Em sẽ gặp anh Tường. Thường thường mấy giờ ảnh có nhà? Mà thôi, em đến gặp ảnh ở cơ quan tiện hơn. Em ngại lên nhà, vì sao, anh hiểu.

Ngữ gật đầu, lòng áy náy vì nghĩ tới Quỳnh Trang:

– Anh biết anh Tường làm việc, à quên, em phải tập nói cho đúng giọng Cách mạng, anh biết anh Tường công tác ở đâu không? Nghe nói ở Thành đoàn phải không?

– Không. Nó đã trở lại bên Tuyên huấn.

– Cơ quan đó em biết.

– Sao em biết nhiều vậy?

Diễm cười, giọng pha đôi chút hãnh diện:

– Không biết thì làm sao sống được với họ. Mới đầu em còn sợ, cứ nghĩ họ chịu khổ cực trong rừng bao nhiêu năm như thế thì chắc họ phải khác thường lắm. Em lầm. Toàn là cái vẻ ngoài mà thôi. Anh nào cũng giả vờ như thế như thế, thật ra trong bụng anh nào cũng ham có cái nhà đẹp, cái xe mới, ham rượu ngon, gái đẹp. Anh biết không, mấy anh già đó tán gái tức cười không chịu được. Em cứ “dạ thưa chú”, “dạ thưa bác”, là mấy anh già đó anh nào cũng cuống quít lên, vội vã nói “đừng đừng, xưng hô như thế nó xa cách quá. Cách mạng gian khổ bao nhiêu năm nên anh có vẻ già trước tuổi, thật ra anh…” vân vân… và vân vân… Em nín cười không được.

Diễm tíu tít khoe không chú ý đến Ngữ. Đến lúc thấy nét mặt Ngữ buồn buồn, nghe chuyện một cách lơ là, nàng hiểu. Diễm ôm hôn Ngữ, quay người nhìn thẳng vào mặt Ngữ, mỉm cười âu yếm hỏi:

– Anh ghen phải không? Đừng chối!

Ngữ nói:

– Em càng giỏi xông xáo với đời, anh càng cảm thấy mất em.

Diễm cười sung sướng, nói:

– Biết đâu lấy em, anh sẽ khổ. Nhưng thôi, tụi mình quên thỏa ước mất rồi. Anh, hôm nào anh đi trình diện?

– Ngày mốt.

Diễm buồn rầu, do dự một lúc mới hỏi:

– Anh dành trọn ngày mai cho em được không?

Ngữ lúng túng đáp:

– Chắc còn phải lo chuẩn bị đồ đạc. Mai anh ghé lại đây đúng hai giờ chiều.

– Rồi mấy giờ anh phải về?

– Chắc phải về sớm.

Diễm nằm y trở lại thế cũ, mắt nhìn lên trần nhà không nói gì. Ngữ choàng ngồi dậy, lật tấm drap hôn lên khắp người Diễm. Diễm nằm im để cho Ngữ hôn, không đưa tay giữ đầu Ngữ lại, cũng không hôn trả. Chỉ tới khi bắt đầu ân ái, Diễm mới vừa khóc vừa ôm thật chặt lấy thân Ngữ, như sợ vuột mất chút hạnh phúc hiếm hoi còn lại.

***

Quỳnh Trang hớn hở nói:

– Em đi hỏi khắp nơi ai cũng nói anh chỉ đi học tập có mười ngày thôi. Cả anh Tường cũng nói thế. Họ bảo đem quần áo, đồ dùng cá nhân và lương thực đủ cho mười ngày tức là chỉ học có mười ngày rồi về, chữ nghĩa rành rành đó, còn gì nữa! Hồi sáng em đã đi sắm đủ cả cho anh. Cái xắc vải của anh đâu? Em nghĩ nếu dùng cái va-li Samsonite thì xếp quần áo khỏi bị nhăn mất công ủi lại, nhưng (Quỳnh Trang cười) đi học tập mà xách Samsonite theo coi kỳ quá. Anh đưa các xắc vải cho em, mở rộng ra cho em đưa từng thứ bỏ vào, kiểm lại xem em còn quên thứ gì không. Bỏ những thứ lặt vặt này vào trước, quần áo xếp lên trên tiện hơn. Đây là gói cà phê nửa ký với gói đường. Dĩ nhiên là không đủ cho mười ngày, anh tới nơi viết thư về cho em biết anh học tập ở đâu, em lên thăm mang thêm cho. Anh cũng tiện tặn bớt, đừng đem cà phê cho cả trại uống thì bao nhiêu cũng không đủ. Đây là cái túi vải em may để anh dùng pha cà phê. Cái gói này là hộp tăm em đã luộc chín để khử vi trùng. Tăm tre tụi Chợ lớn làm ở đường Tản Đà, em có tới, họ làm cẩu thả dơ dáy lắm, mình dùng tăm dơ xỉa răng mà không biết. Đây là đinh anh đóng để cột mùng, nhớ ém mùng kỹ cho muỗi khỏi vô, anh cẩu thả không khéo bị sốt rét đấy. Em mua hai viên xà phòng tắm chắc đủ. Nhớ tắm đều, đừng lười tắm đợi em phải nhắc như ở nhà. Gói này là bột giặt, hộp bột giặt Mỹ loại Tide, anh chỉ cần một vốc là đủ giặt cả bộ đồ. Em nói một vốc đủ dùng là trong trường hợp anh chịu khó thay quần áo đều. Ở dơ, bỏ bột giặt vào cho mấy mồ hôi cũng hút hết, không lên bọt nổi. Gói này là đồ rửa mặt. Cái bót đánh răng cũ của anh đã bị xơ hết cả, em mua cái bót mới, hai hộp lưỡi lam cạo râu và ống kem lớn. Kem đánh răng có dư thì đem về, đừng vứt đi uổng lắm. Đây là gói thịt chà bông me làm tặng anh. Mỗi bữa anh lấy ra một ít trộn ăn với cơm, canh họ nấu nếu nhạt quá cho thịt chà bông vào mà ăn. Lon thịt kho mặn này anh rán ăn hết trong tuần đầu, em kho mặn lại bỏ nhiều sả nhưng để lâu sợ bị thiu. Không biết họ có phát bát đũa hay không, nên em mua cho anh hai cái chén nhựa, đôi đũa, cái muỗng và cái bát lớn để đựng canh hay là đựng mì ăn liền. Đồ nhựa phải rửa cẩn thận, không thì bị hôi. Quần áo ngoài hai bộ để mặc đi học em soạn thêm hai bộ pyjama mặc ngủ.Cái mùng và cái mền thì em cột sẵn trong cái gói kia, nhét vào xách tay không đủ chỗ. Cái áo ấm này cổ cao mặc hơi khó khăn, nhưng không biết chừng trường học ở chỗ gần rừng, anh nên cẩn thận, tối ngủ phải giữ ấm không lại cảm…

Mỗi lần đưa cho Ngữ thứ gì, Quỳnh Trang lấy viết xóa vật đó trên bảng liệt kê nàng đặt trên mặt giường. Cái xắc vải đã đầy mà những thứ còn lại vẫn còn nhiều. Ngữ nói:

– Một cái xắc sợ không đủ. Em sắm nhiều thứ quá.

– Thì lấy thêm cái xắc khác. Thà dư nhưng đừng để thiếu. Anh tới nơi nhớ viết thư về cho em ngay, cho em biết cần thứ gì nữa em sẽ mang lên.

Ngữ nhắc:

– Em thiếu một thứ vô cùng quan trọng.

Quỳnh Trang nói:

– Biết rồi. Nhưng món này thì em cố ý mua ít đi, chỉ đủ cho anh dùng một tuần thôi. Anh phải tiết kiệm để khỏi phải hại phổi.

Quỳnh Trang đưa cho Ngữ một hộp thuốc lá Ruby từ nãy tới giờ nàng để riêng một chỗ xa, ở đầu giường. Quỳnh Trang nói:

– Anh nên theo gương anh Thanh. Anh ấy đã bỏ thuốc lá rồi đấy.

Ngữ cười hỏi:

– Sao em biết anh Thanh bỏ thuốc lá?

– Sáng nay chị ấy có xuống đây. Tội nghiệp. Thấy chị ấy quá lo, em phát khóc. Chị ấy nói riêng với em là hiện trong nhà hai vợ chồng chỉ còn hai chiếc nhẫn cưới hai chỉ mà thôi. Chị ấy lo anh Thanh đi học không biết bao lâu, ở nhà chị phải làm sao để nuôi con. Em dẫn chị ra chợ Trần Quốc Toản. Họ đã giải tán chợ cá, em nói chị ấy nên xin một sạp bán quần áo cũ, hoặc đồ phụ tùng xe đạp. Cần bao nhiêu vốn, em xoay cho. Anh Thanh đi học mười ngày rồi, còn ba tuần nữa thì về. Nhưng chị vẫn lo.

Ngữ mừng rỡ nói:

– Phải đấy. Ở nhà em thường xuyên giúp đỡ chị ấy. Chị ấy buôn bán gì, em cố vấn cho chị ấy, không thì đã lỗ còn bị cụt vốn.

– Em có nói khi anh với anh Thanh về, em với chị ấy sẽ xuống Xuân lộc tìm mua đất gần nhau cho anh với anh Thanh xuống làm vườn. Chị ấy nghe em nói, mừng lắm. Em thương chị ấy quá. Anh cho hết vào xắc đi, để em liệu còn bao nhiêu thứ chưa cho vào được. À, anh nhớ đưa lại cho em cuốn sổ giao cà phê để ở nhà em biết ai còn nợ bao nhiêu mà đi thu.

Ngữ giật mình nhìn đồng hồ: đã 2 giờ 15. Ngữ vội vã nói:

– Em nhắc anh mới nhớ. Có mấy chỗ họ hẹn bữa nay trả hết tiền nợ. Anh phải đi thu để bớt việc em đi.

Quỳnh Trang cau mày:

– Thì cứ để đó em thu sau. Có mất đâu mà sợ.

Ngữ dứt khoát đứng dậy:

– Không. Bây giờ còn sớm. Chỉ có hai chỗ còn nợ mình nhiều. Không có anh, họ lật lọng cãi cọ lôi thôi lắm.

Quỳnh Trang nói:

– Thôi nếu anh muốn thì xách xe chạy nhanh rồi còn về sớm cho em dặn thêm đôi điều. Tối nay anh Tường cũng có hẹn về để đưa anh đi. Me làm tiệc đấy. Gớm, anh đi có mười ngày mà me cũng bày vẽ. Em mừng, vì càng ngày me càng thương anh.

***

Ngữ dựng chiếc Honda trước cửa vườn thì đồng hồ chỉ ba giờ đúng. Chàng lật đật rút chìa khóa ra mở cổng, trong bụng đã hơi lo vì nhìn vào bên trong không thấy có chiếc xe gắn máy của Diễm. Tay Ngữ run lập cập tra chìa khóa vào ổ mà mở mãi không được. Ngữ tưởng mình nhầm khóa, kiểm lại thì đúng là chìa khóa cổng vườn Diễm đưa cho và Ngữ đã mở cửa vườn suốt bao lâu nay. Mãi một lúc sau Ngữ mới khám phá thấy vì sao không mở khóa được: Ai đó đã thay cái khóa cổng vườn bằng cái khóa khác. Ngữ hiểu ngay đây là một cách biểu lộ sự tức giận của Diễm.

Ngữ nhìn quanh xem Diễm có đứng núp đâu đó để quan sát mình không. Con đường vắng hoe, gần đó không có quán xá gì để Diễm kín đáo vào ngồi trong quán theo dõi hành động của Ngữ. Nhón gót nhìn lần nữa vào bên trong, không thấy có dấu hiệu nào là Diễm đang ở nhà và choàng tay qua cánh cổng lớn để khóa cổng lại. Vài người qua đường tò mò nhìn Ngữ. Một ông làm việc ở trụ sở phường biết mặt Ngữ, dừng xe đạp lại hỏi:

– Cậu quên chìa khóa rồi phải không?

Ngữ phải giả vờ vỗ tay vào túi quần, than:

– Dạ, chắc phải về tìm ở nhà. Không biết có đánh rơi ở đâu không?

– Đã tìm quanh đây chưa?

– Dạ rồi. Thôi, chắc để quên ở nhà.

Ngữ lỡ trớn, phải lên xe quay về đường cũ. Đi quanh phố Dakao chừng mười lăm phút, Ngữ quay lại. Cửa cổng vẫn khóa kín. Ngữ đi đi về về như thế tới năm giờ chiều, lòng nóng như lửa đốt, cuối cũng phải lái xe về đường Lý Thái tổ.

Quỳnh Trang hỏi:

– Họ chịu trả không?

– Xui quá. Cả hai nơi đều nói chủ tiệm vừa đi khỏi.

– Em đã nói để đó em đi thu sau. Đồ đạc của anh em đã cho hết vào hai các xắc rồi. Xắc nào đựng thứ gì, em có viết vào tờ giấy để phía trên, anh kéo fermeture ra là thấy. Anh chơi với con để em phụ me nấu ăn. Ngữ nhìn hai cái xắc vải căng phồng, thấy mình quá nhiều tội lỗi đối với vợ. Chàng cảm thấy ân hận vì phụ bạc Quỳnh Trang. Không phải đây là lần đầu Ngữ ân hận vì ngoại tình. Đêm đầu tiên đi ăn với Diễm, về nhà đưa quà cho vợ con Ngữ đã có cảm giác phạm tội, lúc nào cũng áy náy nghĩ rằng mọi người đều biết nhưng vì tế nhị không ai muốn nói ra. Khi thấy Quỳnh Trang ăn nói bình thường không ngờ vực gì, Ngữ lại càng áy náy hơn, như mình nhẫn tâm dối trá một người vợ đảm đang hết lòng thương yêu tin cậy mình. Ngữ phải tìm mọi cách lý luận để kềm hãm lòng ân hận, tự bảo rằng chàng đã yêu Diễm trước khi lấy Quỳnh Trang, tình yêu ấy tuy không thành nhưng mọi người, kể cả Quỳnh Trang, đều chấp nhận đó như một sự đã rồi, một điều không thể phủ nhận được. Nối lại cái gì lỡ dang dở do hoàn cảnh đưa đẩy là một điều bình thường. Một điều không thuận lý, nhưng thuận tình. Vả lại, Diễm không hề muốn phá đổ gia đình Ngữ, không hề muốn cướp Ngữ khỏi tay Quỳnh Trang. Nàng bơ vơ, mất hết, chỉ xin được hưởng đôi giờ hạnh phúc mà không muốn tàn phá hạnh phúc của người khác. Ngữ biết lý luận như vậy chỉ là một cách ngụy biện, nhưng những giờ phút sống trọn vẹn hoan lạc với Diễm cuốn hút mạnh mẽ quá, làm cho Ngữ không còn thì giờ để ân hận hay áy náy nữa.

Chỉ tới lúc này, Ngữ mới thấy hết tội lỗi của mình. Nhớ tới phản ứng giận dỗi của Diễm, Ngữ hối tiếc, nhưng sau đó lại đâm giận. Chàng nghĩ: “Thôi, đây cũng là dịp tốt bất ngờ để chấm dứt những vụng trộm kéo dài bao nhiêu lâu nay”. Ngữ hơi yên tâm với cách suy nghĩ đó. An tâm chưa được bao lâu, lại hối hận trễ hẹn. Tâm trạng ray rứt mâu thuẫn ấy kéo dài cho đến buổi tối.

Đặc biệt tối hôm đó Tường về nhà đúng giờ. Trong bữa tiệc gia đình, cả nhà vui vẻ bàn tính chuyện tương lai thì Tường chỉ ngồi cặm cụi ăn, lâu lâu trả lời nhát gừng những câu hỏi của người thân. Ăn xong, Tường rủ Ngữ đi dạo mát, Ngữ biết Tường có nhiều điều quan trọng muốn nói riêng, nên lẳng lặng ra trước đường đứng chờ, sợ Quỳnh Trang thấy hai người đàn ông xì xầm những điều gì không muốn cho nàng biết, nàng càng thêm lo.

Ngữ hỏi thẳng:

– Theo mày biết, có chắc tụi tao chỉ đi học có mười ngày không?

Tường thành thật đáp:

– Cỡ cán bộ như tao không biết được. Thông cáo chỉ nói là đem đủ lương thực cho mười ngày. Tao hy vọng thời gian học tập của tụi mày cũng chỉ kéo dài trong mười ngày.

– Nếu không phải chỉ có mười ngày, thì cái thông cáo lập lờ đó sẽ là một cách đánh lừa. Rồi dân miền Nam sẽ không tin tụi mày nữa.

Tường im lặng khá lâu, rồi nói:

– Mày nhìn vấn đề đơn giản quá. Vì mày là thằng văn nghệ. Nếu mày chơi trò quyền lực chính trị, mày sẽ thấy khác. Tao còn mong mày chỉ đi học mười ngày hơn cả mày nữa. Có điều tao mừng là tụi mày do bên Quân đội phụ trách cải tạo chứ không phải bên Công an. Đỡ hơn nhiều lắm.

– Vì sao thế?

– Mày vào trại rồi sẽ thấy. Nếu bên Công an quản lý tụi mày, sẽ khác hẳn. Tao muốn nhắc lại mày lần nữa, là vào đó mày chỉ khai những gì mày làm trong quân đội ngụy thôi, đừng đả động gì tới chuyện viết lách.

– Nhưng có thời gian tao làm cho tờ Tiền Tuyến.

Tường vội hỏi:

– Ở đó mày viết bài cho mục nào?

– Tao chỉ sửa bản vỗ và làm vài công việc lặt vặt.

Giọng Tường vui mừng:

– Vậy nếu kẹt lắm phải khai có làm ở tờ Tiền Tuyến, thì mày khai rõ làm gì. Để cho họ nghĩ mày dính với tâm lý chiến, phiền lắm.

– Nhưng chuyện viết lách của tao giấu sao được. Sách báo còn sờ sờ ra đó. Tao lại không lấy bút hiệu mà ký tên thật. Mày đã biết, bên Tuyên huấn đã bàn, thì Quân quản họ cũng phải biết.

– Họ không biết đâu. Rừng nào cọp nấy, bên nào chỉ lo bên ấy thôi. Đáng lẽ là cán bộ không nên nói thật với mày, nhưng… tao với mày, chẳng lẽ tao nói dối. Họ không liên lạc với nhau chặt chẽ đâu. Họ dọa là họ biết hết, nhưng mày đừng sợ. Nếu liệu giấu được thì cứ giấu, làm như mình chỉ là một thằng trung úy bình thường.

– Tao lấy làm lạ quá! Chuyện viết lách của tao có gì ghê gớm đâu mà mày lo sợ cho tao quá vậy? Tao đã tìm mua hai cuốn sách của tao đọc lại, đối chiếu nội dung sách với những lời của Ba Liệu, thấy hai bên không ăn nhập gì với nhau hết. Hiểu truyện tao như vậy thì ép tao quá! Mày nhớ không, hồi mày chưa ra Khu, có lần mày đem bài “Gia tài của mẹ” của thằng Sơn ra chỉ trích, mày bảo thằng Sơn nói bậy khi viết “hai mươi năm nội chiến từng ngày”. Mày còn chê cái truyện “Vòng hoa cho ngài lãnh tụ” của tao là nhân đạo chung chung, lập lờ. Tao nhớ đại khái bảo mày muốn ăm ghém văn chương. Đó, lập luận của mày hồi đó với lập luận của Ba Liệu có khác gì nhau đâu. Mày phải nói với đám bạn bè mày là cuộc sống và con người luôn luôn phức tạp, rườm rà đầy mâu thuẫn, đầy biến động, lấy cái khuôn nào chụp vào cũng sai hết. Tao đọc vài bài báo gần đây thấy tụi bay nhìn đâu cũng thấy âm mưu thâm độc của Mỹ Ngụy. Sai bét! Sai bét!

– Cái đó không tránh được, vì ngay từ đầu, tụi tao đã xem văn nghệ là phương tiện phục vụ cho mục tiêu chính trị. Mấy ngày nay cán bộ tuyên huấn họp hành liên miên để chuẩn bị cho đại hội những nhà văn giải phóng, và xét duyệt sách báo cũ để ra lệnh cấm tàng trữ lưu hành. Mày được dự nhũng cuộc họp đó sẽ hiểu vì sao tao dặn mày đề phòng. Không khí gay gắt lắm.

– Tụi mày đấu đá với nhau à?

– Không. Mày chẳng biết gì cả. Cái gì đã được đem ra bàn công khai đều đã được Đảng ủy thông qua, còn chó gì nữa mà đấu đá cãi cọ. Tao nói gay gắt là gay gắt đối với giới viết lách tụi mày. Những tay tuyên huấn cỡ Ba Liệu đông lắm. Họ coi tụi mày là bồi bút cả.

Ngữ giận, giọng run:

– Đó là chữ chỉ nên dành cho hạng đá cá lăn dưa. Người nào biết cầm cây bút để viết thì phải biết tim óc của người viết khổ cực thế nào mới ra được tác phẩm. Người lương thiện không bao giờ dùng những tiếng như vậy. Tao có đọc vài bài phát biểu nhân vụ án Nhân văn Giai phẩm. Toàn những người cầm bút có tiếng tăm. Nhưng sao họ viết tởm thế, đối với bạn văn của mình?

– Mày nên chuẩn bị chờ đợi những cái tởm ấy. Tao dặn lại: rán giữ mình, đừng nổi nóng chỉ thiệt thân. Tao nghĩ giai đoạn chuyển tiếp lộn xộn này cũng mau qua thôi. Thời nào cũng vậy, hễ đổi đời thì luôn luôn có những bọn tưởng thời cơ đến rồi, xông ra phất cờ gióng trống. Tụi ngoài Bắc khôn lắm, chỉ đứng xa giật dây để mặc cho mấy tay trong này đóng vai ông ác, dọn sạch bãi rồi chúng nó mới vào. Mấy thằng trong này lại được một bọn bất tài chạy theo moi móc báo cáo dâng công. Tiếc quá, nếu hồi trước mày đừng dùng tên thật làm bút hiệu thì bây giờ đỡ cho mày. Tao chỉ sợ bên Quân quản biết mày có viết lách.

Ngữ định nói: “Tao khai mẹ ra hết rồi tới đâu thì tới”, nhưng thấy Tường lo lắng cho mình thật sự, Ngữ không nỡ phụ lòng bạn. Chàng chỉ nói:

– Dù sao cũng cảm ơn mày. Ở nhà Trang có gặp khó khăn gì, mày giúp tao. Tao may lắm mới có được Trang.

Ngữ nói câu này với tất cả lòng thành thực.

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 90

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây