Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàMùa Biển ĐộngTập 5 - Tha HươngMùa Biển Động - Chương 163

Mùa Biển Động – Chương 163

(Mùa Biển Động – Chương 163)

Cả đêm Ngữ vừa giận vừa lo nên thao thức trăn qua trở lại không ngủ được. Quỳnh Trang thức đợi Ngữ, thấy chồng vừa mở cửa vào phòng đã thì thào hỏi:

– Anh Tường đã nói hết cho anh biết chưa?

Ngữ gật đầu. Quỳnh Trang nói run run, sắp khóc:

– Em van anh, đừng đi đâu nữa. Tránh xa các chợ sách cũ ấy đi. Giao cà phê xong về nhà liền cho em yên tâm.

Thấy vợ lo quá, Ngữ cố làm mặt dày dạn:

– Không có việc gì đâu. Anh Tường dặn thì anh phải nghe. Với lại hồi trước khác, bây giờ khác. Họ thắng rồi, họ tha tào để lấy lòng dân, chứ gay go quá thì sống với ai.

– Em đã bảo từ lâu là anh viết lách làm gì đã mất thì giờ lại thêm phiền. Hồi họ mới in cho anh tập truyện đầu tiên, thấy anh cảm động sung sướng, em cũng vui lây, nhưng vẫn thấy tội nghiệp anh quá. Việc gì rước khổ vào thân. Viết đã gây lụy cho mình, thì bỏ quách đi. Sao anh không trả lời em? Anh hứa với em là không được táy máy viết lách gì nữa nghe không?

– Ừ, anh hứa!

– Không được gặp bạn bè rồi vui miệng nói xấu họ. Anh chịu hứa không?

– Hứa!

– Lỡ họ có chửi bới gì thì cũng rán nhịn.

– Nhịn!

Quỳnh Trang bật cười. Ngữ pha trò:

– Còn bảy điều răn nữa em kể ra cho đủ mười.

Quỳnh Trang có vẻ yên tâm, qua ôm con ngủ giường bên cạnh. Ngữ thì không yên tâm được. Nỗi giận nỗi lo cứ canh cánh. Hình như bên kia vách, Tường cũng không ngủ được vì lâu lâu Ngữ nghe Tường ho, và tiếng dép lê trên nền phòng.

Buổi sáng, Ngữ chở cà phê đi giao cho các khách hàng, tiện đường ghé qua nhà thăm mẹ và các em. Ngữ tránh không đi qua khu chợ sách, và những con đường rợp bóng cây chàng biết các bạn đã mở quán cà phê vỉa hè ở đó.

Chỉ có Quế ở nhà. Hỏi má đâu, Ngữ nghe Quế đáp:

– Má mới ra nghề hôm nay. Anh qua cầu Thị nghè không thấy má với con Thúy à?

– Ra nghề? Má làm gì?

– Má bán xăng. Má bán ở đầu cầu Thị nghè đó.

Ngữ nghĩ tới cảnh nắng nôi khổ cực ở đầu cây cầu xi măng lúc nào cũng ồn ào xe cộ, cau mày hỏi em:

– Sao Quế với Nam để cho má khổ vậy?

Quế nói:

– Má muốn chứ tụi em đâu có bắt. Hai đứa em cũng nói như anh, nhưng má không chịu ngồi nhà. Hồi hôm họp tổ dân phố nghe cán bộ dọa ai không nghề nghiệp ăn bám phải hồi hương, má sợ. Trên đó có họp báo công không?

Ngữ nghe tới hai tiếng “báo công”, nhớ lại buổi chiều hôm qua đi chơi với Diễm, cố giữ bình tĩnh hỏi em:

– Họp hành có gì lạ không? Tối hôm qua trên Lý Thái tổ không thấy họp hành gì cả.

– Vui lắm anh Ngữ. Có cái bà gì tuổi sồn sồn từ quận về chủ tọa. Ai có công gì với Cách mạng thì lên kể cho đồng bào nghe, cán bộ ghi nhận báo cáo lên trên để làm bản ghi công. Ai bí mật tiếp tế cho Cách mạng? Ai giấu cán bộ trong nhà? Ai phá hoại được guồng máy kềm kẹp? Ai vì Cách mạng mà bỏ mình? Đầu tiên có một ông lên kể là hôm 30-4 khi Cách mạng gọi loa kêu gọi trung đội nghĩa quân của ông đầu hàng, ông tuy chỉ là hạ sĩ nhất nhưng đã có công thuyết phục các bạn đồng ngũ buông súng, đi theo Cách mạng. Mụ cán bộ nghe xong, buông một câu:

– Như vậy là theo đuôi chứ không phải công.

Ông lính kia chưng hửng, thiên hạ cười bò càng. Một ông nữa không biết thiệt hay giả lên kể là hồi 1963 có tham gia lật đổ ông Diệm. Mụ cán bộ lại phán:

– Lật thằng Diệm để giành ăn chứ không phải công!

Lại cười bể nhà, trong khi mụ cán bộ ngồi tỉnh queo. Không còn ai dám lên nữa. Cuối cùng bà Tư Sét ở phía sau lưng nhà mình giơ tay xin nói. Cả xóm ngạc nhiên vì nhà bà Tư Sét bị Việt cộng pháo kích vào sáng 30 chết mất ông chồng với đứa con trai, bà chỉ còn một mình thì có công gì đâu mà báo. Em với chị Nam bấm nhau, lo bà già trầu dám cướp thời cơ lên chửi cộng sản tùm lum tà la thì khổ thân. Nhưng anh biết không, bà Tư Sét lên hỏi rất thành thật. Bả hỏi chồng con bả cũng bỏ mình vì Cách mạng thì gia đình bả có công không? Cả phòng ngơ ngác không hiểu bà già hỏi mỉa hay hỏi thật. Khi ai cũng thấy bà hỏi thật, thì cả phòng cười bò ra. Chồng con bả không hy sinh vì Cách mạng là gì? Mụ cán bộ hết dám giữ bộ mặt khinh khỉnh, phải giải thích một hồi dài rằng đó là do rủi ro, rằng Cách mạng đủ đạn để san bằng ba lần thành phố Sài gòn nhưng Cách mạng quý từng mạng sống của nhân dân… Phải nhận là mụ ăn nói giỏi thật. À, trên đó họ đã đưa giấy gọi anh dự học tập chính trị chưa?

– Học cái gì?

– Lính chế độ cũ đi học chính trị. Tờ Sài gòn Giải phóng bữa nay có đăng thông cáo rồi mà. Em quên, chưa tới phiên anh. Họ mới gọi hạ sĩ quan và lính đi học chính trị ba ngày tại phường thôi. Lãng nó lên phường đăng ký học rồi.

Ngữ nhớ tới lời Tường đêm qua, hơi chua chát:

– “Báo công” xong thì tới phiên “luận tội” đấy. Họ làm có lớp có lang lắm. Nhưng trả nợ quỷ thần có ba ngày rồi về yên tâm làm ăn, thì cũng được.

Quế chép miệng:

– Vậy mà thằng Lãng nó tiếc ba ngày không kiếm tiền được. Mấy tuần rồi nó kiếm được khá lắm. Phần nó kiếm, phần nó chia lời với em. Nó…

Quế kịp nghĩ tới tính ông anh cả, không kể chuyện Lãng hùn hạp buôn bán đồng hồ với mình. Ngữ không chú ý đến vẻ bối rối của em, chỉ hỏi:

– Nó còn chụp hình không?

– Còn lai rai, vì giấy phim Polaroid đã khó mua. Nó xoay qua bán đồng hồ, bút máy cho bộ đội.

Ngữ thầm cảm phục tính tháo vát xoay xở giỏi của hai đứa em, cười nói:

– Anh cũng có nghề đi bỏ mối cà phê lãnh lương bà chủ phát. Thôi anh đi đã. Nói Lãng học tập chính trị có gì lạ thì lên kể cho anh biết.

***

Tuy cố dằn lòng, nhưng Ngữ vẫn không thể không ghé lại phố Lê Lợi. Thời gian này, bạn bè đối với Ngữ là một thứ nhu cầu thiết yếu chẳng thua gì hít thở, ăn uống, nghỉ ngơi. Các biến cố dồn dập đến trong vòng ba tháng nay làm cho xúc cảm và suy nghĩ đầy ứ trong đầu Ngữ, không tìm bạn bè để giải tỏa thì không chịu nổi. Nhiều hôm không có cớ gì để ra khỏi nhà Ngữ cứ bứt rứt đi ra đi vào, đến nỗi Quỳnh Trang bận bịu túi bụi cũng phải chú ý, trách chồng:

– Anh chán vợ con rồi hay sao mà ở nhà được vài giờ đã cau có như bị ở tù vậy?

Ngữ cố giải thích cho vợ hiểu tâm trạng mình. Quỳnh Trang cũng cố thông cảm với chồng, nhưng lòng không vui. Nàng phải chấp nhận việc Ngữ tìm bạn bè đấu hót là một nhu cầu đặc biệt trong một giai đoạn đặc biệt, cho tới lúc Tường cảnh giác, nàng mới dứt khoát cấm Ngữ, không được la cà cà phê cà pháo nữa.

Vả lại, vì có hẹn với Diễm gặp nhau lúc 4 giờ chiều ở thương xá Tam đa nằm trên đường Lê Lợi, không thể nào không ghé phố được. Biết rõ các bạn bán sách cũ ở vỉa hè nào nên Ngữ tránh những chỗ đó, đứng chỗ cửa bước vào thương xá chờ Diễm. Kim đồng hồ mới chỉ tới con số 3. Ngữ khóa xe đi lại trên vỉa hè đường Nguyễn Trung Trực để quên thời gian khắc khoải chờ đợi. Ngay bên cạnh cửa thương xá có một chiếu bán sách và băng nhạc cũ. Người bán là một thiếu phụ trạc 40, mang kính trắng ra vẻ người có học thức. Ngữ đoán đây là một bà nội trợ thuộc giai tầng trung lưu bị thời cuộc đẩy ra vỉa hè để kiếm tiền nuôi con, vì người đàn bà chỉ ngồi im sau đống sách, nét mặt rầu rầu chịu đựng, không biết đon đả vui vẻ mời khách mua. Ngữ ngồi xuống thọc tay xốc đống sách cũ lên, vui mừng tìm được hai cuốn sách của mình. Một cuốn được đóng bìa nhưng gáy da, lật trang trong mới biết đây là sách lấy từ tủ sách gia đình của một độc giả ưa sưu tập sách báo. Một cuốn bìa đã bị gãy, giấy bị cong góc vì bị đọc nhiều, hai trang đầu đã bị xé vất đi. Trong sách thứ ba có chữ ký của chủ sách. Ngữ thấy chữ ký quen quen, cố nhớ, cuối cùng nhận ra đây là chữ ký của ông chủ bút một tờ báo chàng quen. Phải, lần đầu tiên có sách được in Ngữ đã hí hửng ký tặng lung tung, trong đó có ông chủ bút này. Không biết hiện giờ ông ta trôi giạt về đâu? Có thể ông vẫn còn ở Việt Nam, và vì túng tiền, đành phải xé tờ giấy có lời đề tặng của các tác giả đem sách bán lấy tiền đong gạo nuôi con. Ngữ hỏi mua hai cuốn sách không cần mặc cả, lòng tự nhủ là phải về đọc kỹ lại những truyện mình viết để chuẩn bị đối đầu với các lời chỉ trích phê phán kiểu Ba Liệu.

Đồng hồ chỉ 3 giờ 32 phút. Ngữ bất gặp tâm trạng hồi hộp nôn nao của mình. Thế là thế nào? Tình yêu đích thực đây chăng? Như vậy cái cảm giác êm ả thanh bình Ngữ có khi ở bên cạnh Quỳnh Trang là gì? Giữa cái da diết khốn khổ nó đày đọa Ngữ và cái lâng lâng nhẹ nhõm mơn man ve vuốt Ngữ, cái nào mới là tình yêu? Ngữ chịu, không trả lời được. Mở bao giấy lấy sách ra đọc cho quên thì giờ, đọc không nổi. Nao nức chờ đợi cứ tăng. Cây kim giây cứ uể oải nhích từng chút, kim phút dường như trục bị khô dầu không chịu quay. Ngữ vừa có cái hối tiếc vì đã dại dột bỏ một chỗ râm mát để dãi dầu nắng mưa, lại vừa có cái nao nức của một cuộc phiêu lưu sắp hào hứng.

Có ai đó vỗ vai Ngữ. Chàng giật mình quay lại. Không phải Diễm. Một anh bạn cũ làm chung với Ngữ ở báo Tiền Tuyến trước kia. Ngữ hỏi:

– Ủa, mày còn ở đây à?

Người bạn cười:

– Không ở đây thì ở đâu! Làm gì đứng xớ rớ đây?

– Chờ một người… một thằng bạn quen.

– Có thì giờ đi uống cà phê không?

Ngữ liếc nhìn đồng hồ. 3 giờ 47 phút. Ngữ vội nói:

– Để hôm khác đi. Hẹn với… với nó rồi, sợ thằng đó ra tìm tao không được.Người bạn đang nhìn quá bên kia đường, mắt chợt sáng lên:

– Này, mày có biết cái con làm khối thằng lính ngu chết vì cái giọng ỏn ẻn nhỏng nhẻo của nó trên đài Quân đội không?

Ngữ giật thót người nhìn qua bên kia đường. Đúng Diễm, lúc đó đang cắm cúi bước về phía đường Lê Lợi. Ngữ nói:

– Mày đi chưa? Chắc tao phải đi mua bao thuốc lá.

– Tao có thuốc lá đây, hút tạm đi. Lâu ngày không gặp mày, nói chuyện chơi chút đã, vội gì. Mày biết không, cái con Diễm đó làm khổ nhiều thằng lắm. Nghe nói chồng nó đi Mỹ rồi. Em được tự do bay nhảy bằng thích. Tao nghe nói hôm 30-4 đã có nhiều thằng bộ đội nghe đài Mẹ Việt Nam mê tiếng nói con Diễm, “các bạn nghe đài” chạy đi hỏi lung tung là cái cô xướng ngôn đó còn ở Sài gòn không. Chính tao bị mấy thằng ông nội nón cối hỏi rồi đó.

Thấy Diễm sắp mất hút trong đám đông chen chúc ở góc đường Nguyễn Trung Trực – Lê Lợi, Ngữ không kiên nhẫn được nữa:

– Thôi, để khi khác gặp lại. Chào!

Ngữ để mặc cho ông bạn cũ ngơ ngác, chạy lúp xúp bên này đường theo dấu Diễm. Ra đến đường Lê Lợi, Ngữ không còn tìm thấy bóng Diễm đâu. Đồng hồ chỉ 3 giờ 56 phút. Ngữ quay trở lại chỗ cũ, sợ Diễm đến chỗ hẹn mà không thấy mình.

Ngữ đến cửa thương xá lúc 4 giờ 3 phút, lòng lo lắng, cứ sợ Diễm trách sai hẹn. 4 giờ 10, rồi 4 giờ 15. Phía sau lưng Ngữ, từ phía cầu thang lên tầng trên thương xá, có tiếng cười khúc khích, ríu rít, trong vắt. Ngữ quay lại. Diễm đang đứng ở đó.

Ngữ chạy tới gần, hỏi dồn dập:

– Lúc nãy anh thấy em đi bên kia đường mà!

– Em cũng trông thấy anh, nhưng vì anh nói chuyện với bạn, nên em giả vờ như không thấy. Em tới đây lâu rồi, núp quan sát anh, thấy vui lắm.

– Vui cái gì. Nóng ruột chờ em mãi. Bây giờ mình đi đâu?

– Xe anh để đâu?

– Dựng chỗ kia. Em cầm cái bọc gì thế, nặng không đưa anh cầm cho.

Diễm nói:

– Em mua một ít thức ăn, với mấy lon nước ngọt. Em có mua cả hai bao Captan cho anh nữa.

– Cảm ơn Diễm. Anh chưa biết đi đâu cả!

– Lên xe em chỉ đường cho. Hơi xa một chút. Em là thổ công Sài gòn mà.

Diễm bảo Ngữ lái xe lên Đa Kao, qua một vòng phố toàn nhà gạch lợp ngói lâu đời rồi qua một khu có nhiều nhà kho, đến một cây cầu gỗ hẹp nằm vắt cong vòng qua một khúc kinh nước đen. Qua khỏi cây cầu là xóm Chùa, nhà cửa nằm thưa thớt trên từng khu vườn trồng cây ăn trái cành lá um tùm. Đường đất gồ ghề, Ngữ phải cho chiếc xe gắn máy chạy chậm thật chậm, Diễm thì phải ôm chặt lấy hông Ngữ cho khỏi té.

Đến trước một khu vườn trồng chuối và mít có hàng rào kẽm gai bao quanh, Diễm bảo Ngữ dừng lại. Không chờ Ngữ hỏi, Diễm giải thích:

– Đây là khu vườn em với… em mua để định phá căn nhà cũ đi xây một cái nhà gạch đẹp hơn để ở cho yên tĩnh. Chồng tiền xong thì họ vào. Em sẽ cho sửa sang lại để ba mạ dọn qua ở đây với em, bán cái nhà bên khu Khánh hội ồn ào đi. Cái chìa khóa sao khó mở quá. Anh giúp em một chút.

Ngữ đến giúp Diễm xoay cái chìa khóa dẹp trong ống khóa, lay mãi một lúc cái khóa rỉ mới bật lên được. Họ đi qua một con đường nhỏ chưa sửa sang nên nhiều mấp mô, tới trước căn nhà ngói cũ núp dưới tàn lá hai cây mít cao. Cửa nhà mở dễ dàng hơn. Ánh sáng xanh bên ngoài dọi qua một khung chữ nhật lợp tôn nhựa xanh trên mái phủ lên bên trong nhà một thứ ánh sáng xanh huyền hoặc và yếu ớt. Mùi ẩm mốc tỏa khắp. Phòng trước trống. Phòng bên trong chỉ có một cái bàn thiếc, hai cái ghế gỗ và một cái giường có nệm nhưng không có drap phủ.

Diễm bảo Ngữ dẫn xe đặt khuất vào phía chái bếp, rồi dẫn Ngữ đi khắp phòng cho Ngữ thấy giá căn nhà mua tương đối rẻ. Ngữ nhận xét:

– Ở đây giống cái tổ ấm uyên ương quá nhỉ!

Diễm khép lại cửa trước, nghe Ngữ nói, cười sung sướng bảo:

– Khi em mua cái nhà này, em cũng nghĩ giá em với anh được sống chung ở đây, đời đời.

Ngữ cảm động, bước lại gần Diễm, ôm Diễm thật chặt trong đôi tay. Diễm cười khúc khích tinh nghịch tránh cái hôn tham lam của Ngữ, rồi đột nhiên đẩy Ngữ ra, chạy lại khóa hẳn cánh cửa mới khép hờ. Ngữ nhận ra ngay tín hiệu vui. Không đợi Diễm quay lại, Ngữ đến chỗ cửa lớn đẩy Diễm đứng dựa vào cửa hôn tới tấp lên môi Diễm, lên má Diễm, lên cổ Diễm. Diễm không e thẹn hay chống cự gì, để yên cho Ngữ mạnh tay giật tung hàng nút bóp bên hông chiếc áo màu xanh lam và tháo quai sau của cái nịt vú. Ánh sáng xanh từ trên trần nhà phủ lên tấm thân mập tròn và trắng của Diễm. Nàng lấy tay che lấy phần dưới thân thể, nhưng nhắm mắt để yên cho Ngữ hôn hít lên chiếc ngực đầy, lên vai lên bụng mình. Khi Ngữ định gỡ hai bàn tay Diễm và ngước lên nhìn Diễm thăm dò, nàng nói, giọng run vì ham muốn làm khó thở:

– Em muốn cả hai đứa khỏa thân sống cho thỏa thích chiều nay. Anh cởi quần áo hết đi.

Ngữ tự dưng do dự. Chàng nói:

– Thân thể đàn ông chán lắm.

– Không đâu. Bao nhiêu đêm em mơ được sống thỏa thích như bây giờ. Để em giúp anh.

Ngữ ngượng nghịu đứng chịu trận cho Diễm chậm rãi, nhẩn nha ngắm nghía thân thể mình. Nàng cũng hôn lên người Ngữ. Ngữ áy náy hỏi:

– Em có thấy nó kỳ cục không?

Diễm hiểu Ngữ muốn nói gì, cười khúc khích, đỏ mặt đáp:

– Không. Nó có vẻ ngộ nghĩnh, khiêu khích, hấp dẫn.

Cả hai cười xòa. Họ ôm riết lấy nhau, nếm mùi vị da thịt trên khắp thân thể của nhau, thanh thản, an tâm, chậm rãi chứ không phải vồ vập sợ hãi như lần đầu. Diễm chủ động chuẩn bị nên cũng chủ động xếp đặt cho mọi sự cứ nhẩn nha mà tiến. Nàng bảo Ngữ đem tấn drap mới phủ lên nệm giường, đưa ngón tay trỏ lên môi ra dấu cấm Ngữ không được phép hấp tấp vội vã. Diễm đem hai ổ bánh mì ra, mở sẵn hai lon Coca đặt lên chiếc bàn nhôm, làm như tất cả mọi sự đều phải dừng lại né xa cho hai người thoải mái nếm hương vị của tình yêu và nhục cảm. Diễm ăn chung ổ bánh mì với Ngữ, mớm thức ăn đã tẩm hương vị và mềm nhuyễn cho Ngữ để đổi lấy ngụm nước ngọt đã ấm từ môi Ngữ chuyền Sang. Tay họ chậm rãi vuốt ve lên thân thể nhau, mân mê trên những vùng da non, ngập ngừng ở những chỗ nhạy cảm. Lâu lâu Diễm nhìn phần thân thể phía trước của Ngữ rồi cười, nói đùa:

– Nó bắt đầu mất kiên nhẫn.

Ngữ không còn ngượng ngập nữa, dám nói những câu bạo chưa bao giờ dám nói với ai. Tới lúc hết cả kiên nhẫn, Ngữ lại bị Diễm ngăn lại, bảo chàng đến chỗ nàng để cái xắc tay mở lấy cái bao cao su. Ngữ hơi bị hụt hẫng, quay nhìn Diễm. Diễm ngồi dậy chạy đến ôm thân thể Ngữ, nói:

– Anh chịu khó đi. Em không muốn có thêm một đứa con với anh. Có thêm chỉ làm phiền anh thôi.

Giọng Diễm mơn trớn cùng với hơi thở nóng của Diễm chạy theo sống lưng làm Ngữ mềm lòng, không còn nghĩ vẩn vơ được nữa. Chàng quay lại.

Họ ân ái miệt mài, khỏa thân đuổi nhau đùa giỡn trong căn nhà riêng biệt kín đáo, quên cả thời gian. Thế giới bên ngoài không còn gì quan trọng đối với họ nữa. Họ sống đến tột cùng của mọi sự, cảm giác rướn cong lên đến chót vót không bị đôi môi mím che giấu giam hãm mà tỏa ra ở ánh mắt, kết tụ trong tiếng rên. Diễm hổn hển thì thào giữa cơn ái ân:

– Chưa bao giờ em sung sướng như thế này. Yêu anh quá sức!

Ngữ quên cả Quỳnh Trang, thành thật đáp:

– Anh cũng vậy. Mai mình gặp nhau không?

Căn nhà lâu ngày không ai ở, nước máy bị khóa nên họ cứ để mặc cho thân thể nhễ nhại mồ hôi nhớp nháp, nằm ôm lấy nhau tận hưởng cảm giác ê ẩm lâng lâng, lúc thì mỉm cười nhìn ngắm nhau lúc thì thào nói chuyện. Bên ngoài trời bắt đầu tối, ánh sáng trong phòng mờ ảo nên họ cũng có cảm giác như đang sống ở một thế giới khác, mơ mộng hơn, mênh mông hơn nhưng cũng đơn giản hơn. Diễm nói:

– Em cứ mơ được sống mãi như thế này, dù biết không thể được. Nhưng thôi, gác hết mọi cái xa xôi lại, cái gì có được trong tầm tay thì cứ vui. Em cướp tạm anh một thời gian, anh là của em. Sau này ra sao em không dám nghĩ tới.

– Anh cũng vậy. Nhiều khi anh cũng lo không biết họ có để yên cho anh sống cuộc đời bình thường không?

– Chắc anh không bị gì đâu!

– Cái phiền do những điều anh viết nhiều hơn.

Ngữ kể sơ lại những gì Tường nói. Diễm nóng nảy bảo:

– Tụi nó điên, nhìn đâu cũng ra âm mưu cả. Em cũng sợ tụi nó truy ra việc em làm cho Đài Mẹ Việt Nam.

Ngữ nhớ lời người bạn nói hồi chiều, vội hỏi:

– Tụi bộ đội nghe đài Mẹ Việt Nam có tìm em không?

– Có. Em sợ, trốn đi. Em dặn mạ bảo không có ai trong nhà tên Diễm cả.

– Họ tìm vì ái mộ em chứ không phải để trả thù đâu. Giọng nói của em hại đời nhiều người lắm.

Diễm cười sung sướng, ngón tay không thôi vuốt ve quanh rún Ngữ. Ngữ nhột, bật cười. Diễm nói:

– Em chối cũng dễ vì trên đài em nói giọng Bắc. Hôm qua có một tay cán bộ lân la tới nhà hỏi mạ. Mạ nói gia đình này người Huế, không có cô Bắc kỳ nào hết.

– Anh không ngờ cái cô Diễm Ga ngày xưa mà làm khổ nhiều người như vậy.

– Trong đó có anh không?

– Nhất định là có. Anh bị đứng đầu sổ. Nếu không đổi đời, chưa chắc anh đã được ôm em trọn vẹn trong tay như thế này.

Diễm hôn tay Ngữ, cầm ngón tay cái của Ngữ đưa vào miệng ngậm hồi lâu, rồi lách đầu ra xa nhìn Ngữ nói:

– Anh có em từ lâu rồi, đâu phải chờ tới bây giờ. Em làm gì, ở đâu cũng là của anh.

– Nhưng anh muốn chiếm trọn vẹn độc quyền kia!

– Anh muốn thế cũng không được. Anh còn…

Ngữ hiểu vì sao Diễm không nói hết. Hai người nằm im, lá bên ngoài xào xạt cọ vào mái tôn nghe buồn buồn. Ngữ nghe như Diễm thở dài. Trời tối dần. Đến lúc không còn nhìn rõ mặt nhau nữa, Ngữ nói:

– Em muốn về chưa?

Không nghe Diễm trả lời, Ngữ sờ soạng tìm khuôn mặt Diễm để hôn. Tay chàng chạm vào một gò má đẫm nước mắt.

***

Hai cuốn sách Ngữ vô tình tìm được, không ngờ đã cứu Ngữ thoát nạn. Quỳnh Trang thức chờ Ngữ về, thấy Ngữ dắt xe vào vừa mừng vừa giận khóc nức nở. Nỗi mừng tan nhanh để sau đó cơn giận làm cho nàng líu lưỡi, to tiếng:

– Anh đi đâu bây giờ mới vác mặt về? Đi đâu? Trời ơi! Anh còn có chút lòng thương vợ thương con nào không? Anh làm cho em không còn dám nhìn mặt me nữa! Ai thuở chồng con người ta ai cũng lo giúp vợ giúp con, chồng mình thì xách xe đi chơi biệt dạng. Anh đi đâu từ sáng tới giờ?

Thấy hai cuốn sách Ngữ cầm nơi tay, Quỳnh Trang càng giận. Nàng khóc lớn:

– Lại xuống chợ sách. Em nói trước, anh đàn đúm nói xấu tụi nó, tụi nó còng anh bỏ tù em không đi thăm nuôi đâu.

Ngữ mừng rỡ tìm được một cái cớ để nói dối:

– Anh không xuống chợ sách. Không ai dại dột gì đâm đầu vào chỗ tai vách mạch rừng đó. Anh đến chỗ nhà xuất bản tìm xin hai cuốn sách của anh. Anh phải đọc kỹ lại để lỡ tụi nó có chất vấn còn có cái gì để cãi lại.

Quỳnh Trang từ giận chuyển sang lo:

– Anh cãi với tụi nó làm gì? Anh đã hứa với em cái gì, nhớ không? Tụi nó nói hươu nói vượn gì mặc kệ tụi nó, cãi lại chỉ nguy hiểm thêm mà thôi. Mấy bữa nay họp khóm em có dự, em biết. Nói xuôi theo tụi nó không sao. Ai nói hơi khác là tụi nó chụp mũ phản động liền. Cái lưỡi tụi nó dài, còn tai tụi nó điếc mà.

Ngữ thấy cách nói dối của mình có hiệu quả, cố làm tới:

– Nghe tụi nó ăn tục nói phét mãi chịu đâu được. Phải có người dám nói thẳng vào mặt tụi nó.

Quỳnh Trang kinh hãi, giật hai cuốn sách trên tay chồng:

– Thôi, anh không được đọc lại nữa. Anh muốn ở tù rục xương hay sao? Anh phải nhớ anh còn có em, có con. Rán nhịn đi anh. Ngữ, anh có nghe em không?

Thế là cơn bão chưa kịp nổi đã tan nhanh. Quỳnh Trang hỏi Ngữ ăn uống gì chưa. Ngữ nói dối đã được ông chủ nhà xuất bản đãi cơm tối nên về trễ. Quỳnh Trang nói:

– Anh Thanh có đến tìm anh. Anh ấy dặn sáng mai anh đừng đi đâu, anh ấy tới rủ anh đi dự buổi cầu hồn cho ông đại úy Thường ở nhà thờ gì gần Ngã Ba Ông Tạ.

– Mai giao cà phê nhiều chỗ không?

– Ít hơn hôm nay. Em nghĩ kịp mà. Anh Thanh nói lễ làm sớm lắm. Có bà cụ mẹ ông Thường vào, đang ở nhà anh chị Thanh.

Ngữ nghĩ đến cảnh sống túng bấn của gia đình vị sĩ quan Ngữ thương kính, hỏi vợ:

– Em liệu bày vẽ cho chị Thanh buôn bán thứ gì đó đi. Anh lên nhà thăm, thấy chị ấy có vẻ lo lắm. Đã bắt đầu phải đem quạt máy ti vi đi bán.

– Hôm qua anh Thanh cũng có hỏi em. Được, hôm nào anh chở em lên thăm chị ấy. Chỉ lo họ không để cho mình buôn bán được lâu. Chị ấy lại không có vốn.

– Buôn thứ gì ít vốn. Anh thấy nhiều bà vợ sĩ quan bắt đầu đem quần áo đồ đạc trong nhà ra trải trước cửa để bán. Thế nào sau này bán quần áo cũ cũng thành một thứ nghề. Quần áo cũ không có chính trị, chắc họ không dẹp bỏ như là sách cũ, băng nhạc cũ.

Quỳnh Trang nghe tới băng nhạc, mỉm cười nói nhỏ:

– Me tức cười lắm. Hôm trước nghe anh Tường dọa sợ quá đem mấy thùng băng nhạc vất ngoài đống rác, bây giờ tiếc hùi hụi. Me không dám than trước mặt thầy. Hồi chiều anh Tường về, không có thầy, me mắng anh Tường một trận. Anh Tường nói bọn lái sách ngu dốt không biết gì về cộng sản chỉ tham tiền, sẽ có ngày bị công an tới xúc bỏ tù. Me nói tù cái gì, chính me bắt gặp tụi thanh niên đi hốt sách cũ về phường rồi đem xe chở sách tịch thu xuống Sài gòn bán, chính mắt me thấy cán bộ bộ đội chen nhau mua sách cũ, ở nhà thì mở nhạc ngụy ra nghe.

Ngữ thích thú hỏi:

– Rồi anh Tường nói sao?

– Ảnh nói để rồi coi. Ảnh dùng câu gì người Nam thường nói, làm me giận. Để em nhớ lại xem. À, “chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ”. Ảnh còn nói với me là ảnh đang xin Nhà nước cấp nhà, khi nào được sẽ dọn ra ở riêng. Me nghe ảnh nói vậy, mới hết cằn nhằn…

Quỳnh Trang đang nói bỗng ngưng lại, nhíu đầu mũi như để chú tâm đo lường điều gì, rồi hỏi:

– Có mùi gì phảng phất như mùi nước hoa.

Ngữ giật mình, vội cố cười lớn, nói: ,

– Ông Liên đằng nhà xuất bản chơi nghịch đấy. Ổng vẩy nước hoa lên áo anh, bảo về khuya thì thế nào vợ cũng hạch hỏi, có thêm mùi nước hoa lại càng khả nghi. Anh cười bảo em không ghen tuông như mấy bà khác, cứ vẩy nước hoa đi.

Quỳnh Trang nghiêm mặt hỏi:

– Có thật không? Hay nước hoa của cô nào?

Ngữ cười lớn:

– Em không tin thì hôm nào anh dẫn đi hỏi ổng.

– Sao anh biết em không ghen?

Ngữ nói cứng hơn:

– Anh có làm gì để em ghen đâu!

– Biết đâu được.

Quỳnh Trang muốn nói gì thêm, nhưng sau nghĩ lại, không nói thêm gì nữa. Vẻ mặt tươi vui lúc nãy cũng không còn. Nàng chỉ nói:

– Anh thay bộ quần áo này đi. Mặc hai ngày rồi.

Ngữ cãi:

– Anh mới thay quần áo hồi sáng mà. Nhưng đi cả ngày, người đầy cả bụi, anh phải đi tắm đã. Tiền anh thu được đây!

Trong lúc Quỳnh Trang lo đếm tiền và ghi vào sổ, Ngữ lấy quần áo sạch xuống buồng tắm. Bộ quần áo Ngữ ngâm hôm qua, Quỳnh Trang đã đem đi giặt và xếp ủi cẩn thận đặt trên đầu giường.

***

Từ nhà thờ Tân sa châu ra, ông Thanh hớn hở bảo Ngữ:

– Hình như tụi nó định “tha tào” thật đấy Ngữ! Hồi sáng trên đường ra đây, tôi có ghé chỗ học tập chính trị dành cho lính và hạ sĩ quan tổ chức tại phường. Tay cán bộ quận nói là chỉ cần học tập ba ngày, mãn khóa thì mọi người được cấp chứng chỉ để trở về nguyên quán làm ăn. Không thấy có lính gác hay là súng ống gì cả. Vậy là phải, nếu thắng rồi mà trả hết ân oán chồng chất suốt ba mươi năm qua thì máu chảy thành sông, ích gì.

Ngữ hỏi:

– Trung tá tin như vậy à?

Ông Thanh nói:

– Mình tập quên cách xưng hô cũ đi. Bây giờ mà còn gọi nhau bằng cấp bậc chỉ thêm thẹn, lại phiền. Vâng, tôi tin là họ có đủ sáng suốt để làm đúng như lời họ hứa. Cái tôi thấy lo, là việc phải trở về nguyên quán. Qua bao nhiêu năm loạn ly, đâu là nguyên quán của mỗi người để về? Mà về để làm gì? Làm nghề gì để sống? Tôi tính nếu được bán đồ đạc trong nhà về vùng Xuân lộc mua một cái rẫy trồng chuối, trỉa bắp. Xuân lộc đất đỏ tốt lắm, lại gần Sài gòn, con cái học hành cũng dễ.

Ngữ nói:

– Ấy, hôm tất cả anh em trở về đông đủ, má tôi có làm bữa tiệc đoàn viên. Cả nhà đem chuyện tương lai ra bàn. Ngữ cũng có ý muốn về làm rẫy ở vùng Xuân lộc. Nếu được, mình mua đất ở gần nhau cho vui. Có trung tá… à quên, có anh ở bên, có người nói chuyện.

Ông Thanh cười, đáp:

– Phải đấy. Để cho các bà và tụi nhỏ ở Sài gòn, còn tụi mình bắt chước Đào Tiềm về lập vườn nuôi gà. Cấp hạ sĩ quan và lính đi học tập ba ngày, thì tụi mình chắc phải chịu khó ngồi nghe mấy ổng dạy dỗ mắng nhiếc độ vài ba tuần. Hôm qua thấy bà xã nhà tôi kêu người tới khuân cái tivi, tôi thương tụi nhỏ từ đây phải qua nhà hàng xóm coi ké, có đề nghị với bả là tôi mua một bộ đồ nghề sửa xe đạp. Bả khóc, bảo nhà chưa đến nỗi gì. Tôi không dám hỏi nhà tôi là trong nhà tiền nong còn dành dụm được bao nhiêu. Tôi bỏ thuốc lá rồi, cậu biết không? Tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó. Mấy bữa đầu ngồi đâu cũng ngáp. Nay thì quen rồi.

Ngữ nhớ những gì Quỳnh Trang nói đêm qua, hỏi ông Thanh:

– Trung tá… anh có định cho chị buôn bán gì không?

– Ấy, hôm qua tôi cũng có nhờ Trang chỉ dẫn giùm cách buôn bán cho nhà tôi. Khi nào cậu rảnh, chở Trang lên đây chơi. Nhà tôi lâu nay không buôn bán gì, bây giờ thấy cái gì cũng sợ. Họ ra thông cáo quy định giá cả mấy trăm loại hàng nhu yếu phẩm. Tôi dốt kinh tế học lắm, nhưng thấy họ làm lạ quá. Giá cả thị trường là tùy theo luật cung cầu. Họ quy định giá trong khi việc buôn bán còn ở trong tay tư nhân, thế là thế nào? Hay là họ có phù phép nào đó mà mình không biết. Cậu có nghe ông anh vợ cậu nói ngoài Bắc có chuyện đó không?

– Ngoài Bắc cái gì chính phủ cũng nắm, đến bán nước trà xanh và vài thỏi kẹo lạc bên lề phố cũng bị Công an đuổi, thì chắc họ định giá được. Còn trong này…

Ông Thanh không chờ được, cắt lời Ngữ:

– Hay là họ chuẩn bị để dẹp hết giới buôn bán? Này nhé, định giá trong khi thị trường thả nổi tức là đẩy giới buôn bán vào cái thế bất hợp pháp. Bán đúng giá quy định thì không có lời. Muốn sống thì phải phạm luật kinh tế. Kinh nghiệm giỏi giang như Trang thì luồn lách được. Nhà tôi thật thà quá, lâu nay chỉ ở nhà lo cơm nước dạy dỗ các cháu, liệu nhà tôi đi buôn được không?

Ngữ nhắc lại cái gì đã nói với vợ đêm qua:

– Chị thử đi bán quần áo cũ được không? Quần áo cũ, đồ đạc cũ thì không thể định giá được. Cái quần đã mòn ở đũng thì phải rẻ hơn cái quần chỉ sổ đường chỉ ở ống. Có thánh mới định được giá một cái áo sơ mi sờn cổ nhưng chưa rách vai.

Ông Thanh biết Ngữ khôi hài, nhưng ông không cười được vì đang che tay giấu một cái ngáp. Ông lúng túng một lúc, rồi hỏi:

– Cậu có mang theo thuốc lá không?

Ngữ cười lớn, cảm động nhìn người đàn anh thất thế:

– Anh cầm cả gói Captan này đi.

– Thôi, tôi chỉ xin một điếu thôi. Bà xã tôi mà bắt gặp cả gói thuốc lá trong áo, thì tôi chỉ có nước độn thổ. Uy tín mất hết.

Ngữ đưa cái bật lửa Zippo cho ông Thanh. Ông Thanh châm lửa điếu Captan, rít một hơi dài nhắm mắt tận hưởng cảm giác khoan khoái, rồi mới trả cái bật lửa cho Ngữ. Ông hỏi:

– Cậu vẫn còn giữ được cái bật lửa này.

– Vâng của Trung tá… của anh cho từ dạo ở Qui nhơn, anh nhớ không?

– Nhớ chứ. Quà biếu hôm anh em trong Tiểu khu làm tiệc tiễn tụi mình đi. Hôm đó không có anh Thường. Tội nghiệp bà cụ. Anh Thường là con một lại không chịu lập gia đình. Bên Công giáo họ hát lễ trong các buổi cầu hồn nghe hay nhỉ. Tôi không hiểu gì cả, nhưng lúc nãy tôi không cầm được nước mắt. Khi ban đồng ca cùng cất cao giọng theo tiếng đàn organ đệm, tôi có cảm tưởng anh Thường đang được các thiên thần hát mừng ở Thiên đàng. Việc xin lễ cầu hồn có đôi chút rắc rối, Ngữ biết không?

– Thế à? Chuyện gì vậy?

– Ông cha “sách vở” quá, bảo anh Thường tìm cách tự vận chứ không phải được chết một cách bình thường. Tín lý đạo Công giáo cấm tự vận, cậu biết rồi! Tôi phải nói dối là anh Thường có mang theo khẩu súng lục trong túi áo.

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 84

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây