Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàMùa Biển ĐộngTập 5 - Tha HươngMùa Biển Động - Chương 174

Mùa Biển Động – Chương 174

(Mùa Biển Động – Chương 174)

Ở trại cải tạo, Ngữ không thuộc vào thiểu số những người có cá tính liều lĩnh mạnh bạo, dám bước ra ngoài luật lệ, dám chấp nhận thử thách để sống theo ý mình, dám phá đổ trật tự cũ để tự tạo ra một thứ trật tự mới, tóm lại là những người từ bản tính đã có sẵn điều kiện để trở thành những kẻ làm lịch sử. Trong thiểu số đó, chắc chắn rất nhiều người thất bại, nhưng cuối cùng một số ít sẽ thành công, trở thành cứu tinh của nhân loại hoặc trở thành tai họa của mọi người.

Ngữ thuộc vào đa số những người bình thường và tầm thường, bị hoàn cảnh đưa đẩy nên phải gắng chịu đựng để sống còn, lặn trong đám đông vô danh, vui buồn theo những cái vui buồn vụn vặt từng ngày, từng giờ. Cái đám đông ấy cũng gắng tìm ra một thứ triết lý để biện minh cho cái tầm thường thụ động của mình. Vào trại, Ngữ đã nghe câu châm ngôn người này đem ra an ủi người kia mỗi khi bị cán bộ quản giáo mắng chửi nặng lời: “Thôi, rán nín thở qua sông đi mày. Không nhanh chân chạy như mấy ông lớn thì rán chịu, than thở có ích gì”.

Triết lý sống ấy rất phổ biến trong thời gian đầu, lúc mọi người đều hy vọng chỉ học tập cải tạo trong thời gian ngắn, mười ngày chưa được về thì có lẽ hồ sơ giấy tờ chưa giải quyết xong, thần thánh hay sao mà giấy tờ hồ sơ của mấy vạn người hoàn tất kịp trong vòng hơn một tuần lễ! Tới lúc biết chắc phải ở tù lâu chưa biết tới lúc nào (“học tập tốt lao động tốt” thì về nhưng thế nào là học tập tốt lao động tốt?), những sĩ quan cải tạo lại tìm ra một cách tự an ủi khác. Ngữ từng nghe một ông đại úy già nói, nhại theo lối nói của cán bộ quản giáo (cái gì cũng “tốt thôi”):

– Kể ra thì mọi sự cũng phải thôi. Mình lớn lên ở miền Nam không được Cách mạng cho người tới móc nối dẫn lên núi thì mình đi học, rồi tới tuổi động viên thì đi lính. Có chút ít học vấn nên được cho học thành sĩ quan. Tới ngày tới tháng thì lãnh lương, ăn lương chính phủ thì chính phủ sai cái gì mình phải làm cái đó, ai dư tiền cấp lương cho mình ăn rồi ở không. Mấy ổng vào thấy điều mình làm không vừa ý mấy ổng thì mấy ổng bắt bỏ tù. Hai bên đánh nhau, mấy ổng thắng bắt mình bỏ tù cũng phải thôi. Mà mình làm những gì để mấy ổng phải khó nhọc mới lấy được miền Nam cũng là chuyện tự nhiên. Lúc nào mấy ổng nghĩ trị tụi mình bấy nhiêu đã đủ, đã nư, mấy ổng tha, thì mình về với vợ con. Lo làm gì!

Cái triết-lý-ba-phải đó là thần dược giúp những người bình thường qua được rất nhiều cơn sóng gió.

Khi lương thực mang theo đủ dùng trong mười ngày đã cạn, họ bắt đầu thấm cảnh sống thiếu thốn đói khổ. Giới sĩ quan cao cấp hoặc giới trí thức giàu có chưa hề kham khổ xuống tinh thần nhanh chóng. Họ như cây kiểng bị đem phơi trước cơn nóng thiêu đốt hoặc bị vứt vào trận bão. Họ rũ xuống, đôi người không chịu được đói đã làm những điều kỳ cục, vô tình giúp cớ cho những chú vệ binh nhóc con lên giọng dạy dỗ, mắng nhiếc.

Ngữ sống kham khổ đã quen nên không bị cảnh sống thiếu thốn ảnh hưởng. Chàng biết rằng một số những người cùng chịu cảnh tù tội như chàng sau này có dịp sẽ viết lại kinh nghiệm đớn đau tủi nhục này. Chàng hy vọng họ viết được những cái cốt tủy, chứ nếu chỉ than khổ than đói như vài ông tá ông bác sĩ quân y trong trại, thì nản quá.

Ngữ cho rằng điều cốt tủy của kinh nghiệm học tập cải tạo là những đày đọa về tinh thần. Trước đây, đọc sách báo Ngữ có biết qua về việc phê bình và tự phê bình, về kỹ thuật tẫy não để cải tạo tư tưởng. Ngữ nghĩ những công việc đó không có gì sai trái. Tự phê bình chỉ là một cách biểu hiện lòng thành thực, tự nhận ra những khuyết điểm để sửa chữa. Phê bình là biểu hiện của tinh thần tương thân và hợp tác, bằng tất cả thương yêu chân thành nói lên khuyết điểm của bạn hữu để giúp bạn sửa đổi. Con người không còn sống bằng giả dối lừa đảo. Thật là một phương pháp lý tưởng để cải thiện phẩm chất cá nhân, và thúc đẩy đà tiến của xã hội. Phải chờ tới lúc đi học tập cải tạo Ngữ mới thấy mình lầm. Phê và tự phê không phải là biểu hiện của lòng chân thực. Ngược lại, đó là biểu hiện tinh vi nhất của sự giả dối, là công cụ hữu hiệu nhất của đàn áp. Từng người được phát cho giấy bút để suốt ngày ngồi trước tờ giấy trắng, moi óc tìm lại cho hết những tội lỗi của mình đối với Cách mạng. Viết một trang kê khai tội lỗi tức là chưa thành khẩn. Viết hai trang vẫn còn giấu giếm. Chỉ viết về mình mà không nhắc tới bạn bè từ hồi đi học cho tới lúc Cách mạng vào tức là còn ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa, không hăng hái trong việc xây dựng cho người khác thành người tiến bộ. Lời xưng tội không thì thào cho vị linh mục đứng đằng sau tấm màn nghe riêng như cách xưng tội với Chúa mà được đọc to lên cho cả tổ nghe, nghe xong các tổ viên khác phải chất vấn để làm sáng tỏ vấn đề, thảo luận giúp bạn giác ngộ. Nhiều người muốn khỏi bị cán bộ quản giáo kêu lên kêu xuống chẳng những dài dòng tự hài tội mình mà còn bày vẽ thêm các tội tưởng tượng. Một người đứng lên đọc bản tự kiểm của mình, những người khác cố moi óc bắt bẻ từng chi tiết để chứng tỏ tinh thần học tập cao. Gương mặt ai cũng phải cố tạo ra vẻ thành khẩn ăn năn, không khí các buổi tự kiểm và phê bình nặng nề u buồn như không khí một tu viện. Mọi người đều thấy mình bị đẩy vào một màn kịch vừa khôi hài vừa bi thảm, nhưng không được quyền cười mà cũng không được quyền khóc. Không ai dại dột gì mà cười trong lúc xưng tội và cau có lúc nói tới tương lai tươi sáng của đất nước xã hội chủ nghĩa. Suốt thời gian học tập chính sách và làm tự kiểm, Ngữ nuốt miếng cơm hẩm không trôi. Lòng lúc nào cũng cảm thấy bứt rứt, ruột nóng như có lửa đốt. Cảm giác phức tạp lạ lùng đó, đến bây giờ Ngữ mới trải qua.

Ngữ luôn luôn cảm thấy cô đơn, sợ hãi vu vơ, vì không còn dám tin ai. Các cuộc thảo luận trong tổ không có mặt cán bộ quản giáo. Những lời phát biểu được ghi vào biên bản để nộp cho cán bộ sau. Người ghi khôn ngoan lược bỏ những câu phát biểu không đúng chính sách, còn lại trên giấy trắng mực đen đều là những tư tưởng chính thống, những ngợi khen nồng nhiệt, những hối hận sâu xa. Thế mà người nào hôm trước lỡ lời nói câu gì sai trái, hôm sau cán bộ quản giáo đã biết. Ban đầu, Ngữ hết sức giận dữ, nghĩ thầm rằng bạn tù chịu cảnh lao lý như nhau đã không bảo bọc lại còn làm hại lẫn nhau, không thể tha thứ được. Về sau, Ngữ hiểu. Ngữ thấy căn nguyên của bao nhiêu cảnh lén lút tố cáo lẫn nhau trong trại chỉ là do một lời hứa ngắn gọn và quyến rũ. “Lúc nào học tập tốt thì được về”. Người nào cũng rán học tập cho tốt, vì ngày về dường như gần gũi lắm. Có thể là ngày mai. Có thể là tuần sau. Tại sao không? Một anh thiếu úy thấy đại úy xếp cũ của mình đột nhiên được tha, thì tự nhiên nghĩ quá lắm mình chỉ phải ăn cơm tù vài hôm nữa thôi. Trong khi chờ đợi, hãy gắng giữ mình, đừng làm cái gì mất lòng vệ binh, quản giáo. Nếu nghe đứa nào nói xấu chế độ thì nên cho cán bộ biết để chứng tỏ mình học tập quá tốt. Cái đám đông cải tạo viên bình thường và tầm thường vì vậy ngoan ngoãn như một đoàn cừu. Ngữ đau xót thấy mình cũng bị lùa chung một đoàn với họ.

***

Riêng Ngữ, Ngữ không được may mắn chìm trong đám đông vô danh để nín thở qua sông.

Nhờ có Tường dặn dò, Ngữ khôn khéo không khai những chi tiết lý lịch nguy hiểm để cán bộ quản giáo vịn vào đó liệt chàng vào hạng sĩ quan Tâm lý chiến. Qua những bài giảng chính trị, Ngữ thấy Ban Quản giáo đặc biệt ngờ vực những sĩ quan biệt phái và sĩ quan Tâm lý chiến. Các sĩ quan cấp úy gốc nhà giáo kêu trời như bọng vì thấy bị nghi oan. Họ xách gói đi học tập với lòng yên ổn, vì nghĩ mình chỉ là anh đồ gõ đầu trẻ, rủi cha mẹ sinh vào lứa tuổi bị động viên thì phải bỏ phấn trắng bảng đen đi Thủ đức, phục vụ trong quân đội vài năm lại được về gõ đầu trẻ trở lại, tội lỗi đối vớí Cách mạng không nhiều như các sĩ quan chuyên nghiệp. Nhưng cán bộ giảng bài lại nói theo cách khác. Họ hỏi tại sao Mỹ ngụy vơ vét hết thanh niên để đưa đi lính còn thiếu quân số lại bằng lòng biệt phái các sĩ quan gốc giáo chức trở về trường, nếu không phải là trở về với một nhiệm vụ quan trọng hơn, cần kíp hơn. Nhiệm vụ gì? Nếu không phải là do thám, theo dõi, kềm kẹp những học sinh của mình. Mấy ông giáo nghe giảng như vậy ấm ức trong lòng nhưng không dám cãi. Một ông trung úy biệt phái cùng tổ với Ngữ, hôm trước mới than, “Tụi nó quáng gà rồi, nhìn đâu cũng thấy âm mưu Mỹ Ngụy”, hôm sau đã bị cán bộ gọi lên bắt ngồi riêng cả ngày để làm bản tự kiểm.

Sĩ quan Tâm lý chiến bị chiếu cố còn nặng hơn các sĩ quan giáo chức biệt phái. Cán bộ báo-cáo-viên lớn tiếng tuyên bố rằng trong các binh chủng của quân đội Ngụy, Tâm lý chiến là binh chủng gây nhiều tội ác nhất. Một lính thủy-đánh-bộ xả súng bắn vào chiến sĩ cách mạng, chỉ có vài chiến sĩ hy sinh, những chiến sĩ khác vẫn còn sống để trả thù cho đồng đội. Nhưng một lính Tâm lý chiến ngụy thì xả súng bắn vào cả thế hệ này lẫn các các thế hệ về sau. Để làm mạnh thêm cho lời giảng, thiếu tá báo cáo viên đọc cho cả hội trường nghe lời phát biểu tổng kết hội nghị các nhà văn giải phóng của Trần Bạch Đằng.

Ngữ giấu biệt không khai thời gian mình về làm việc ở báo Tiền Tuyến, cũng không hề động chạm gì tới việc viết lách của mình. Tổ của Ngữ cũng không có ai ham đọc sách báo, nên mọi chuyện êm thấm. Tờ Sài gòn Giải phóng đăng danh sách những tác giả có tác phẩm bị cấm toàn diện, Ban Quản giáo phát báo cho cải tạo viên đọc và học tập, thấy tên Lê Đình Ngữ trên báo, vài người đã ngờ vực, xì xầm. Ngữ nhận ra những dấu hiệu quen thuộc và đáng ngại: bạn bè tránh đứng riêng với Ngữ, nhiều nhóm đang hàn huyên vui vẻ thấy Ngữ tới thì im lặng hoặc gượng gạo đổi câu chuyện… Ngữ lo đến mất ngủ, chờ đợi cán bộ gọi lên chất vấn nhưng chờ hoài không thấy gì. Đúng lúc đó thì tờ báo có đăng bài phê phán của Tường lọt vào trại. Qua phần tiểu sử sơ lược Tường nhắc tới ở cuối bài, ai cũng biết người viết truyện bị phê phán nghiêm khắc là Ngữ. Ban quản giáo gọi Ngữ lên, kết cho Ngữ cái tội man khai lý lịch. Ngữ bị cách ly cả tuần để làm lại tờ tự khai lý lịch, làm bản tự kiểm mới. Ngữ bị đưa ra hội trường để “báo cáo điển hình” những tư tưởng phản động của mình trong hai cuốn truyện. Ngữ bị đem ra làm ví dụ cho những bài giảng về sự thành thật khai báo, về tác hại nghìn đời của văn hóa đồi trụy phản động. Tóm lại, Ngữ có đủ lý do để viết cho Tường hai chữ “CẢM ƠN”, trong ngoặc kép.

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 3262

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây