Từ lúc cầu Trường tiền bị giật sập, dường như tình thế ở Gia hội có vẻ căng thẳng hơn. Ngô không hiểu nhiều về quân sự, nhưng cứ quan sát không khí khẩn trương trên đường phố, nét mặt lo lắng của cán bộ, nhất là những vụ giao tranh bắn qua bắn lại mỗi ngày mỗi nhiều ở dọc ven sông, Ngô đoán biết Gia hội đã trở thành một thứ tuyến đầu.
Tình hình chiến sự thay đổi cả lối sinh hoạt của nhóm công tác. Ban đêm, Sáu Lăng, Thuấn và chị Miềng thường vác súng đi công tác đến hai ba giờ khuya mới về, sáng dậy muộn, người nào người nấy nét mặt mệt mỏi cau có. Ngô được giao nhiệm vụ trực “cơ quan”. Chàng biết thừa người ta không tin mình, lại chưa tìm được công việc thích hợp để đẩy mình đi nơi khác. Mặc dù nhàn nhã không việc gì làm, suốt hai ngày chỉ nằm khoèo suy nghĩ hết chuyện này đến chuyện nọ, đến tối chỉ nấu trước cho cả tổ nồi cơm, Ngô không thấy yên tâm. Chàng lo lắng như người đi trong mây mù không thấy lối ra, luôn luôn cảm thấy dật dờ như người say. Giấc ngủ cũng không trọn.
Ngô nghe được cả bước chân những người cùng tổ lúc họ xong công tác trở về. Bước nặng của chị Miềng. Bước đều khoan thai như con thú rình mồi của Sáu Lăng. Bước nhanh láu táu của Thuấn. Ðêm thứ hai nằm lơ mơ suy nghĩ, quá khuya, Ngô lại nghe những bước chân quen. Chàng bắt đầu nín thở không dám động đậy khi nghe từ ngoài sân sau có người nói tới tên chàng. Ngô nghe giọng Bắc kỳ cáu kỉnh của Thuấn:
– Tôi chẳng hiểu tại sao không cho đồng chí Ngô đi để thêm một tay. Chỉ có ba người mà chừng ấy việc, làm sao xuể.
Ngô nghe Sáu Lăng nói điều gì với giọng trầm không nghe được, rồi giọng Thuấn:
– Hắn ngủ rồi! Mà tại sao lại ngại kia chứ? Là đồng chí với nhau, mà…
Sáu Lăng cướp lời nói một tràng. Lại giọng Thuấn:
– Nhảm! Đồng chí không liên hệ công tác nhiều với người ta, làm sao hiểu bằng tôi được.
Có tiếng chị Miềng gọi hai người đàn ông xuống bếp ăn cơm, nên cuộc tranh luận chấm dứt. Ngô yên tâm thấy họ đi xa chỗ mình nằm, nên mới dám trở lưng nằm nghiêng cho đỡ mỏi. Lưng chàng lạnh ngắt. Ngô đổ mồ hôi vì sợ. Mình đã làm gì để Sáu Lăng ngờ vực đến độ thế? Làm sao đây? Suốt đêm ấy, Ngô trăn trở hoài, nằm nghe rõ mồn một từng loạt súng AK bắn lạc lõng trong đêm, từng tiếng nổ bụp của hỏa châu bên kia mái ngói căn nhà tổ vừa dọn tới.
Sáng hôm sau, Sáu Lăng giao cho Ngô công việc cùng đi với Thuấn hướng dẫn “nhân dân” đào hào chiến đấu. Ngô liếc nhìn Thuấn tỏ ý cảm ơn. Nhưng Thuấn tránh không nhìn Ngô, quay đầu về phía cửa sổ ăn thông ra khu vườn có những bụi chuối cỗi.
Thuấn dẫn nhóm thanh niên và một số đàn ông trung niên ra khoảnh đất trống sau ngôi trường trung học hướng dẫn cho họ đào hầm. Anh lấy báng súng vẽ một hình chữ nhật bề ngang hai thước bề dài mười thước, rồi bảo cả nhóm:
– Chúng ta lập một hào chiến đấu ở đây. Bà con bắt đầu đi. Có đem theo cuốc xẻng đủ đấy chứ?
Những người lớn tuổi bắt đầu làm việc, nhưng nhóm thanh niên thì lên tiếng than van:
– Chừng này người đào hầm rộng thế này, biết bao giờ cho xong.
Ngô và Thuấn quay lại nhìn cậu thanh niên vừa nói. Ngô mừng rỡ thấy Diên đang cầm một cái cuốc kiểu nhà binh ở gần đó. Thuấn gắt:
– Làm không xong thì sẽ có toán khác tiếp tục. Bắt đầu nào!
Ngô xớ rớ không biết phải làm gì, vì trên tay chỉ có khẩu AK chứ không có cuốc xẻng gì cả. Thuấn từ hiện trường gọi xuống:
– Anh Ngô lên đây!
Ngô đến bên cạnh Diên, hỏi nhỏ:
– Diên, không nhớ tôi à?
Cậu học trò Bồ Đề ngước lên nhìn Ngô; Diên nhận ra Ngô, mắt sáng lên. Nhưng cậu kịp thời nghiêm mặt lại, cúi xuống tiếp tục cuốc đất. Ngô nghe Diên nói nhỏ:
– Chốc nữa nghỉ, gặp anh sau. Có nhiều chuyện muốn nói với anh! Ngô đoán Diên có chuyện riêng tư cần nhờ mình mà không tiện nói trước nhiều người, nên quay về phía Thuấn đang chờ. Thuấn phì phèo điếu thuốc rê trên môi, cười bảo Ngô:
– Thứ thuốc Cẩm lệ này ngon mà nặng đáo để. Hút vào vài hơi đã say như say thuốc lào.
Ngô gác súng vào góc lớp học, đến ngồi trên cái băng thấp cạnh Thuấn. Lớp này dành cho các em nhỏ nên bàn ghế đều thấp lè tè. Vách tường phía trái bị một lỗ hổng lớn, hình như bị đạn súng cối trúng phải. Thuấn ngáp dài, rồi nằm lên mặt bàn, nhướng mắt nói với Ngô:
– Anh trông chừng họ làm việc cho tôi ngủ một chút nhá!
Ngô thắc mắc:
– Sao lại phải trông chừng? Cứ để cho đồng bào họ tự giác đào hầm.
Thuấn chống hai cùi chỏ ngồi nhổm dậy:
– Mình lãnh đi bao nhiêu, lúc về phải giao đủ cho bên A8. Thiếu người nào, phiền lắm!
Nói xong, Thuấn lại nằm xuống, nhắm mắt. Ngô thấy có điều gì bất thường lạ lùng, từ vẻ mặt sợ hãi của Diên cho đến lối làm việc chăm chỉ thái quá của nhóm người đào hào. Chàng nhìn quanh lớp học để cố xua đuổi một ý tưởng vừa thoạt đến. Lớp học đã có nhiều người tạm trú từ hôm Tết đến nay nên rác rưới cùng khắp, nào lá chuối gói bánh tét, giấy vụn, báo rách, tàn thuốc… Trên tấm bảng đen, còn vẽ một nhánh mai vắt ngang từ góc trái dưới lên góc phải trên. Hai hàng chữ hoa viết vụng bằng phấn đỏ nằm song song dưới cành mai gầy guộc:
“Cung Chúc Tân Xuân”. Tiệc Tất Niên lớp Ðệ Ngũ B.
Thuấn mở mắt, nhíu mày xem đồng hồ, rồi nhắc Ngô:
– Cho họ nghỉ mười lăm phút rồi làm lại! Ôi dào! Buồn ngủ quá đi mất!
Nói xong, dường như để biện minh cho sự lười biếng của mình, Thuấn ngáp dài. Ngô nói:
– Ðược, anh cứ nằm nghỉ đi. Khi hôm về khuya lắm phải không?
– Mãi ba giờ sáng. Cái ả Miềng thật kỳ. Tôi đã bảo dẫn ra bờ sông tiện hơn, khỏi phải…
Thuấn nhớ ra điều gì, đột nhiên ngưng bặt không nói tiếp. Thấy Ngô tò mò chờ đợi, Thuấn nói:
– Ở đó đất mềm đã dễ đào công sự, lại thuận lợi trông chừng chúng nó bơi xuồng qua. Đào sâu trong này, ê ẩm cả người vẫn không được mấy tí. Cho giải thích như vậy đã đủ, Thuấn nhắm mắt ngủ lại. Ngô đoán đã đến giờ tạm nghỉ, bước ra ngoài nói lớn:
– Anh em nghỉ 15 phút cho đỡ mệt đã!
Mọi người dừng tay, không ai nói với ai lời nào lẳng lặng đến ngồi ghé lên nền trường. Ngô thấy không có ai tỏ ra linh hoạt tự tín. Có cái gì nhẫn nhục, bạc nhược trong cử chỉ, ở ánh mắt từng người. Diên đến gần Ngô nói lớn đủ cho mọi người nghe:
– Anh cho em đi tiểu.
Ngô mau mắn đáp:
– Được, cứ đi chứ phép tắc gì!
Diên nói nhỏ với Ngô:
– Anh theo em ra phía trước trường, em nói cái này!
Ngô liếc nhìn phía đám người ngồi nghỉ, thấy họ chăm chú theo dõi mình. Chàng chợt hiểu mình đang thuộc về một vị thế khác họ. Ngô nói chữa:
– Tôi dẫn cậu đi. Nhanh lên nhé!
Hai người đi quành ra lối bên trái, khuất tầm nhìn những người khác nhờ bức tường phòng học ngoài cùng. Diên dừng lại, hớt hải bảo Ngô:
– Em bị bắt rồi. Họ nghi em làm điềm chỉ cho máy bay.
– Những người kia cũng bị bắt à?
– Vâng.
– Hèn gì!
– Anh để em trốn được không?
– Không được đâu! Bộ đội đóng dầy đặc quanh đây. Trốn chỉ có chết!
– Em lội qua sông.
Ngô hỏi nhỏ:
– Sao em hãi quá vậy? Họ chỉ ngờ vì lầm. Không đến nỗi phải liều như thế!
Mặt Diên xanh mét. Môi run run khi nói:
– Tối hôm kia em chứng kiến họ xử bắn một bác ở gần rạp Châu Tinh… Em sợ quá!
– Ông ta bị tội gì?
– Họ bảo là ác ôn làm gián điệp cho Mỹ. Họ bắt cả nhóm này dự phiên tòa.
– Có cả phiên tòa nữa à?
– Vâng. Đơn giản lắm. Họ dẫn bác đó ra bắt đứng nghiêm trước cái bàn có ba người trong bọn họ ngồi. Người ngồi giữa đọc bản án. Ngắn thôi. Không đầy ba phút là xong. Bác đó bị tử hình. Em thấy bác cứ nheo mắt vì chói đèn, cho tới lúc bị kêu án, bác cứ đứng yên không nói lời nào cả. Chắc là không kịp nói, vì ngay sau đó, hai người bộ đội nhảy ra, một người bẻ quặt tay bác ra sau trói lại, người kia nhét giẻ vào miệng bác. Họ đẩy bác lại gốc ổi gần đó, cột lại. Cả hai bộ đội kê sát họng AK vào đầu bác bắn mỗi người một phát. Họ làm gọn nhanh quá. Xác bác kia rũ xuống, tay dính vào gốc ổi. Em run cầm cập, tự nhiên muốn nôn mửa. Làm sao cứu em, anh ơi!
Ngô cảm thấy ngạt thở, thì thào nói:
– Làm sao bây giờ! Để anh thử nói với Thuấn xem sao.
– Thuấn nào?
– Anh bộ đội đi với anh đấy!
Diễn mừng rỡ, lưỡi líu lại:
– Vâng, nhờ anh nói lại giùm. Em có tội tình gì mà nghi cho em.
Ngô không biết phải làm gì để trấn an cậu học sinh Bồ đề. Chàng bảo:
– Yên tâm, đừng sợ quá! Hãy vào đi.
Hai người trở về chỗ cũ. Thuấn đã thức dậy, toán người đào hào đã tiếp tục hì hục cuốc, đào. Ngô thấy Thuấn có cái nhìn thắc mắc, vội giải thích:
– Tôi đưa cậu này đi cầu.
Buổi tối, Ngô với Thuấn được nghỉ, Sáu Lăng và chị Miềng lại đi công tác. Ngô nghĩ có thể họ sắp đóng vai trò chánh án hay công tố viên cho một phiên tòa nào đó đêm nay.
Thuấn ngồi gác một chân lên chiếc ghế đẩu hút thuốc, nói với theo, dặn chị Miềng:
– Nhớ đem ra bờ sông!
Sáu Lăng quay lại cau mày nhìn Thuấn. Hai người mang túi vải đi ra đường. Ngô thu dọn chén bát bốn người vừa ăn cơm chiều xong còn bày bừa bãi trên cái bàn nhôm. Thật ra chén bát không có bao nhiêu, chỉ có bốn cái chén, bốn đôi đũa, cái dĩa rau và cái chén nhỏ đựng nước tương, tất cả đều lấy trong cái tủ chén bát gia chủ bỏ lại trước khi chạy đi tị nạn không biết về đâu!
Ngô nhìn những đồ đạt trong căn nhà mới dọn tới, cứ thắc mắc suy nghĩ về đời sống của những người vắng mặt. Họ là ai? Căn cứ theo giá trị căn nhà ngói xây cất đã lâu và đồ đạc trong nhà, Ngô đoán gia cảnh họ thuộc loại “thường thường bậc trung”. Giường tủ, bàn ghế, chén bát, quần áo …, tất cả đều không có cái gì quí giá. Gia chủ chỉ cần mua sắm cho có để dùng, không phải mua để làm của. Ngô suy từ gia đình mình tưởng tượng thêm bà nội trợ vắng mặt đã chọn mua những thứ đồ đạc Ngô đang dùng hiện nay. Với chút tiền tằn tiện dành dụm được, bà nội trợ ra chợ đi quanh quẩn nhiều lần để tìm một quầy hàng mà người bán có nét mặt không đến nỗi cau có lắm. Bà nội trợ sợ cuộc mặc cả keo kiệt sắp tới của mình tạo ra những lời qua tiếng lại đau lòng! Cuối cùng, bà nội trợ tìm được một chị bán hàng hiền hậu, khả ái. Món hàng muốn mua đây rồi. Chị bán hàng đưa ra nhiều hạng: hạng xấu nhất, hạng trung bình, và hạng tốt. Hạng rẻ có giá trị tương xứng với túi tiền bà nội trợ, nhưng có lẽ không được bền, dễ hư vỡ. Loại sang đắt tiền quá… Bà nội trợ muốn yên tâm, chọn mua loại trung bình, tuy thực ra cả ba loại hàng được bày ra đều cùng một loại chỉ khác mầu sắc hay nhãn hiệu…
Đồ đạc một gia đình nói lên nhiều về nếp sống, bản chất của gia đình ấy. Ngô không có căn cứ nào để biết rõ, nhưng đoán chắc gia chủ căn nhà này là một công chức bậc trung. Con cái thuộc loại chăm chỉ, lấy việc học làm cách đầu tư cho tương lai. Ngô đoán vậy, vì những cuốn sách giáo khoa trên kệ sách gỗ tạp đều được xếp đặt ngay ngắn trân trọng, mỗi trang văn phạm Anh văn hoặc toán lý hóa đều có gạch bút chì xanh đỏ chi chít.
Suốt gần một tuần dọn tới địa điểm này, cả tổ chỉ lo quan tâm tới các nhu cầu cần thiết như chỗ nấu bếp, chỗ ngủ, nên kệ sách vẫn nằm y nguyên không ai chạm tới, trừ một hai lần chị Miềng cần giấy nhen lửa phải lấy một cuốn English for Today xé ra để làm mồi hong khô những thanh củi ẩm sương.
Tối nay, được nghỉ ở nhà với Thuấn, tự nhiên Ngô tò mò lục trở lại tủ sách để tìm thứ gì đọc tạm chờ giấc ngủ. Ngô tìm thấy vài cuốn tiểu thuyết Tự lực Văn đoàn ở ngăn tủ sách phía trong, ba cuốn của Khái Hưng, một cuốn của Nhất Linh và một cuốn của Thạch Lam. Ðặc biệt cuốn Ðoạn Tuyệt của Nhất Linh cũng bị gạch xanh đỏ ở nhiều trang y như những cuốn sách toán lý hóa. Thấy Thuấn đến gần tò mò nhìn cuốn tiểu thuyết Ngô đang giở xem, Ngô nói:
– Con cái gia đình này học khá đây. Ít nhất cũng học đến bán phần tú tài.
Thuấn hỏi:
– Sao anh biết?
– Vì chương trình Việt văn lớp đệ nhị có học cuốn Ðoạn Tuyệt này!
– Lớp đệ nhị là lớp nào?
– Lớp đi thi bán phần tú tài!
– Bán phần tú tài là cái quái quỉ gì thế?
Ngô ngạc nhiên hỏi lại:
– Anh không biết à?
– Không.
– Thế có nghe đến ông Nhất Linh không?
– Không! Hắn viết cuốn này hồi nào?
– Lâu rồi. Vậy anh có nghe nói tới Tự lực Văn đoàn không?
– Tụi phản động chống cách mạng Nguyễn Tường Tam phải không?
– Ðúng thế. Nhưng…
Ngô định cãi, nhưng kịp ngưng đúng lúc. Chàng thấy vô ích. Chàng buồn rầu nhận ra rằng sự chia cách của đất nước không phải chỉ ở bề ngang, độ sâu của dòng sông Bến Hải. Nó sâu xa hơn nhiều. Hố ngăn cách hun hút như một vực thẳm, vì một lớp trẻ lớn lên bị từ chối không được biết gì đến cái quá khứ đã diễn ra trước khi họ chào đời. Những người cùng chung một ngôn ngữ mà nói với nhau không thể hiểu nhau, qui ước, thang giá trị khác biệt. Thuấn lật qua cuốn tiểu thuyết của Nhất Linh, lơ đãng liếc qua, không tò mò, gấp sách lại, rồi bảo Ngô:
– Ở trong này in sách sơ sài quá nhỉ.
– Sao lại sơ sài?
Thuấn vênh mặt khoe:
– Ngoài Bắc in giấy đẹp hơn nhiều. Giấy Thụy điển, giấy Trung quốc trắng lắm cơ!
Ngô bị chạm tự ái, buột miệng nói không kịp nghĩ:
– In thơ Bác và thơ Tố Hữu, không in trên giấy trắng sao được!
Thuấn không nhận ra giọng mỉa mai của Ngô, hân hoan nói:
– Ðúng thế! Số in cũng lớn lắm. Vài chục nghìn cuốn là ít, chứ không phải 2.000 cuốn như cuốn này.
Ngô chỉ chợp mắt được một chút thì Sáu Lăng và chị Miềng về. Chàng ngạc nhiên không hiểu tại sao họ về sớm thế. Có tiếng Sáu Lăng nói chuyện với Thuấn ở phòng ngoài, ban đầu Ngô nghe không rõ, nhưng về sau, nhờ tiếng súng nổ thưa hẳn và cố ý lắng nghe, chàng dần dần ghi nhận được loáng thoáng những câu họ nói. Lúc nào cũng vậy, Ngô nghe rõ được lời Thuấn hơn lời Sáu Lăng, nhờ âm sắc cao của anh bộ đội này. Thuấn có vẻ cáu kỉnh:
– Đã phân công rành mạch như thế bây giờ còn bắt đi công tác.
– …
– Khẩn thì khẩn, cũng phải hợp lý chứ!
– Tôi đã bảo nhu cầu đột xuất!
Thuấn lớn giọng hơn:
– Chừng ấy tên thì làm sao làm xuể?
– …
– Ðồng chí vào trong mà gọi!
Giọng Sáu Lăng đanh lại:
– Tôi là thủ trưởng ở đây! Đồng chí có làm không?
Ngô nghe Thuấn càu nhàu những gì không rõ, rồi bước chân của Thuấn tiến về phía Ngô nằm. Chàng hồi hộp chờ, chẳng hiểu nỗi nguy hiểm bất trắc nào sắp tới cho mình. Chàng thấy Thuấn tới gần, cúi xuống đập vào chân chàng, nói cộc lốc:
– Dậy đi!
Ngô giả vờ như đang say ngủ, giật mình choàng dậy, giả vờ ngơ ngác hỏi:
– Có việc gì thế?
– Có công tác khẩn!
– Đi ngay bây giờ à?
– Vâng. Đem súng theo!
– Họ tấn công à?
– Không. Nhanh lên. Chúng tôi chờ ngoài nhà!
Cả tổ lại ra đi lúc hai giờ sáng. Sáu Lăng giục:
– Nhanh lên. Chẳng mấy chốc nữa trời sáng mất!
Ngô hoang mang không hiểu mình bị dẫn đi đâu, chịu những hình phạt nào hay sắp phải làm việc gì. Đêm nay sương ít, nhưng tự nhiên chàng run cầm cập. Phải cố cắn chặt hai hàm răng, Ngô mới không để cho ba người kia thấy chàng lẩy bẩy sợ hãi!
Nguyễn Mộng Giác
Số lần đọc: 135