Bài này đăng trên Tạp Chí Văn Học số 133
Bây giờ thì ai cũng biết hai biến cố quan trọng xảy ra vào thời gian trước ngày Phật đản: sao Chổi Hale-Bopp sau bốn nghìn năm lại xuất hiện, và lần này bay đến gần quả địa cầu nhất, gần đến nỗi những đêm quang đãng không mây mù, mọi người có thể hình thấy một vệt sáng rực rỡ có những cánh đuôi xoè như đuôi công trên bầu trời đêm; sao Chổi xuất hiện làm nảy sinh một biến cố khác: ba mươi chín tín đồ giáo phái Heaven’s Gate (nhiều báo dịch là Thiên Môn, Cửa Thiên Ðường, tôi thích dịch thành hai chữ Cổng Trời hơn) đã tự tử tập thể tại một ngôi biệt thự sang trọng ở Rancho Santa Fe ngoại ô thành phố San Diego tiểu bang California, để kịp đáp chiếc phi thuyền từ “cõi khác” đến đón họ (họ tin chiếc phi thuyền này đang bay đằng sau sao Chổi).
Khác với những vụ tự tử tập thể vì tín ngưỡng trước đây, những vụ tự tử đầy bạo động và gây hỗn loạn, ba mươi chín tín đồ giáo phái Cổng Trời “ra đi” một cách lặng lẽ, sạch sẽ, ngăn nắp, theo một kế hoạch được chuẩn bị tỉ mỉ và khoa học.
Nhờ một cú điện thoại thông báo, cảnh sát San Diego khám phá ra ba mươi chín xác chết tại ngôi biệt thự nói trên chiều ngày 26 tháng Ba . Họ gồm hai mươi mốt phụ nữ, và mười tám người đàn ông, tuổi từ 26 tới 72. Tất cả tử thi đều nằm ngay ngắn trên giường, mặc cùng một loại quần áo, mang giày Nike đen mới, túi xách tay cá nhân đặt ở cuối giường. Không hề có dấu hiệu của sự sợ hãi hoặc đau đớn quằn quại trước khi tìm cái chết. Khuôn mặt mọi người đều bình thản, hai tay đặt ngay ngắn bên thân mình, thân xác phủ bằng một tấm vải hình tam giác mầu tím. Nhờ khám nghiệm tử thi cảnh sát San Diego xác nhận họ ra đi theo ba đợt, đợt sau giúp đợt trước nằm ngay ngắn trong tư thế lìa đời. Ðợt cuối cùng có hai người, và có lẽ chính hai người cuối cùng này đã dọn dẹp sạch sẽ quang cảnh trong ngôi biệt thự để khỏi làm phiền những người ở lại.
Tin vụ tự tử tập thể của giáo phái Cổng Trời loan đi, ngay lập tức cả thế giới rúng động. Không như vụ Waco, hình như báo chí và các đài truyền hình cố tình giới hạn việc loan tin và bình luận vụ tự tử này.
Cơ quan cảnh sát San Diego cũng như FBI vội vã loan báo là các cuộc điều tra coi như chấm dứt sau hai tuần, không có gì hồ nghi để phải tìm hiểu thêm. Tổng thống Mỹ Clinton tuyên bố hành động tự tử tập thể có tính chất bệnh hoạn, và Quốc Hội cũng không vin vào đó để làm rùm beng, bắt bẻ chính quyền như đã làm sau vụ Waco. Hai công ty địa ốc vội vã lên tiếng muốn mua căn biệt thự để san bằng đi, xây một ngôi biệt thự khác để xóa sạch dấu vết thảm họa, giữ cho nhà cửa khu sang trọng quí phái này khỏi xuống giá.
Giới truyền thông Mỹ lần này cũng “ngoan ngoãn” một cách bất thường. Sau khi tìm lại những đoạn phim video và các bài giảng của giáo phái Cổng Trời trên Internet, biết rõ giáo phái này coi cuộc đời ở hành tinh này là giả tạm, thân xác của họ chỉ là “cái bình chứa” nhất thời ở trần gian trong khi họ chờ cơ hội thoát khỏi nó mà lên một cõi cao hơn, biết rõ giáo đồ Cổng Trời đã chuẩn bị cho cuộc ra đi hôm 26 tháng 3 từ hơn hai mươi năm trước, giới truyền thông trở nên băn khoăn, lúng túng, không biết phải đối phó như thế nào. Họ rất xông xáo sành sõi trong những điều mà ba mươi chín người ra đi cho là giả tạm, và mù mờ về cái cõi cao hơn trần thế. Cho nên giới truyền thông tìm cách kéo các giáo đồ Cổng Trời trở lại trần thế: họ ăn ở làm sao, chi tiêu làm sao, kéo nhau đi nhà hang trước khi dắt nhau lên đường ở đâu, cư xử với cha mẹ hay người phối ngẫu thế nào…
Tôi nghĩ những người phương Ðông như chúng ta không bàng hoàng bối rối trước vụ tự tử tập thể ở Rancho Santa Fe như người Tây phương. Chuẩn bị chu đáo cho cái chết, đối với Tây phương, là một hành động khắc kỷ, dị thường. Vì họ sợ chết. Vì họ đặt hết hy vọng, tìm lẽ sống ngay trong đời sống này. Họ có thể hiểu những cái chết của giáo phái Davidian ở Waco, tự phóng hỏa mà chết trong tư thế cố thủ chống trả lại lực lượng FBI vũ trang hùng hậu. Chết vì không còn cách nào khác, chứ không phải điềm tĩnh an nhiên chuẩn bị cho cái chết sạch sẽ trầm lặng như giáo phái Cổng Trời. Còn người Việt Nam chúng ta, ít ra là thế hệ trung niên như thế hệ tôi, phần lớn đã từng chứng kiến cách chuẩn bị chết của những người đi trước.
Thời gian kháng chiến chống Pháp trước hiệp định Genève, gia đình chúng tôi về quê sống với bà ngoại trong một gian nhà lá mái rộng rãi giữa một vùng đồng bằng phì nhiêu ở miền Trung. Phần rộng rãi và trang trọng nhất của gian nhà, dĩ nhiên dành cho người chết. Những bàn thờ tổ tiên ở gian chính lúc nào cũng được chăm sóc sạch sẽ, bàn thờ gỗ mun đánh bóng, lư đồng sang choang, nến hương lúc nào cũng nghi ngút. Không khí huyền bí của gian chính khiến đám trẻ cháu bà ngoại tôi lo sợ, không bao giờ chúng tôi dám một mình bén mảng lên đó. Chúng tôi còn có một lý do nữa để tránh chỗ đặt các bàn thờ. Phía sau bàn thờ ông ngoại tôi, có một cái quan tài với đầy đủ đồ khâm liệm dành cho bà ngoại. Một tháng đôi lần, đích thân bà ngoại mở cửa sổ gian trên cho đủ ánh sáng để lau chùi chiếc quan tài của mình. Tôi còn được các dì cho biết chính bà chọn loại vải may đồ khâm liệm, chính bà chọn đất sinh phần.
Bà ngoại tôi suốt đời lo cho chồng cho con, không hề thắc mắc về những điều trừu tượng trọng đại như vì sao ta sinh ra? vì sao ta chết đi? chết rồi sẽ về đâu? Bà không hề suy nghĩ về cái chết như các triết gia, đạo gia suy nghĩ. Bà không hề xem đời sống này là không quan trọng. Không hề coi cõi đời này là cõi tạm, thân xác này là “cái bình chứa” (container) nhất thời. Bà sống trọn vẹn như mọi người, nhưng một cách không ý thức, bà tôi cũng hiểu rất rõ câu “sống gửi thác về”.
Bà ngoại tôi thản nhiên chuẩn bị cho chuyến “về quê” như những bà ngoại bà nội khác trên đất nước Việt Nam, mà không ai xem đó là hành động dị thường, hay phi thường.
Trong cuốn video giáo phái Cổng Trời để lại và được phát hình nhiều lần trên tivi, một nữ giáo đồ nói rằng có thể những đồng đạo của bà hơi điên khi quyết định ra đi cho bắt kịp chiếc phi thuyền bay đằng sau sao Chổi Hale-Bopp, nhưng bà thấy sống hơn ba mươi năm trên trần thế này không có gì vui, nên bà quyết định cùng đi với các bạn. Bà ngoại tôi có cuộc đời mà theo tôi nghĩ, cũng “không có gì vui”. Lấy chồng từ năm mười sáu, sinh được hai con thì thành góa phụ khi tuổi chưa tới đôi mươi. Một mình vất vả với hai đứa con dại, gần ba mươi bà tái giá, lấy ông ngoại tôi lúc ấy cũng góa vợ, gà trống nuôi đàn con sáu đứa. Hai ông bà có với nhau mười người con nữa, và mặc dù nhà có nhiều ruộng, việc nuôi nấng cho một lần ba giòng con có lẽ không mấy vui. Rồi ông ngoại tôi mất, để gánh nặng gia đình cho một mình bà tôi gánh vác. Lúc tôi đã đủ khôn lớn để nhận xét về thế giới người lớn, là lúc kháng chiến bùng nổ, tất cả cô dì cậu mợ (kể cả gia đình tôi) đều về quê sống nhờ nơi bà. Bà chu toàn mọi trách nhiệm, trách nhiệm làm mẹ của ba giòng con, trách nhiệm làm bà của một đám cháu nội ngoại đông đúc, và có lẽ khi bận bịu quanh năm với bao trách nhiệm nặng nhọc đó, chưa bao giờ bà tôi xem cuộc đời này là giả tạm. Bà tôi không chán đời, sống mà chỉ nghĩ tới chuyện ra đi. Yêu đời mà vẫn thản nhiên chuẩn bị sẵn sang chiếc quan tài, đồ khâm liệm và sinh phần. Bởi vì khác với người nữ giáo đồ giáo phái Cổng Trời thấy đời không có gì vui nên bằng lòng “ra đi”, bà tôi thấy cuộc đời cũng vui nhưng biết thế nào cũng tới lúc “phải về”, đã biết phải về sao không chuẩn bị “chuyến về” cho tươm tất, khỏi làm phiền con cháu trong việc ma chay.
Bây giờ, tôi băn khoăn không biết hồi đó bà tôi có biết mình “về” đâu không? Tôi ngờ bà tôi không có những suy nghĩ rắc rối về “chốn về”, về những gì xảy ra sau cái chết. Có lẽ điều bà tôi nghĩ trước hết là sẽ về với ông, được nằm bên cạnh ông ngoại dưới chân một cái gò cao gần bên đám ruộng Miễu. Sinh phần của bà ở sát bên mộ ông ngoại. Sau ông ngoại, có thể bà nghĩ đến hai bà dì của tôi, một bà chết lúc vừa sinh ra và một bà chết vì bệnh đậu mùa lúc mới lên hai. Có thể thế giới mới trong trí tưởng tượng của bà không cao hơn mà cũng không thấp hơn cuộc đời bà vừa lìa bỏ, và những vui buồn cũng không khác mấy với những vui buồn cũ. Bà sẽ gần gũi thân mật trò chuyện với Ðức Quan Thế Âm để xin Ngài phù hộ cho đám con cháu còn ở lại trần gian. Bà sẽ gặp những tiên ông râu tóc bạc phơ chống gậy trúc dạo chơi với đám trẻ thơ mũm mĩm trong các tranh Tàu ngoài chợ Kiến hàng, hoặc bay chơi đó đây với các cô tiên tóc dài cài trâm mặc áo lụa hồng thướt tha thắt lưng dài bay phất phơ như tranh vẽ trên bức bình phong. Có lẽ “cõi về” của bà tôi vui hơn, thanh thản hơn cõi trần, nhưng không khó vào đến nỗi muốn nhập vào đó phải qua một cái “cổng trời” có lính gác cổng, hoặc có một phán quan mặt sắt đen sì cầm sổ tra xét công tội rồi mới cấp thẻ vào cửa.
Càng nghĩ, tôi càng hiểu vì sao thế hệ bà ngoại tôi sống hết mình và chết hết mình như vậy. Chung qui chỉ từ hai tiếng “đi” và “về”.
Ba mươi chín người giáo phái Cổng Trời suy nghĩ theo cái nếp của văn minh Tây phương xem đường đời là một thứ đường một chiều duy nhất, nên thắc mắc về cái mốc ban đầu của sự sống (vì sao ta sinh ra?), về ý nghĩa của đời sống (vì sao ta chết đi?), về những gì xảy ra ở cuối đường (chết đi ta về đâu?). Họ không tìm được câu trả lời, họ thấy “cuộc sống không có gì vui” nên tìm cách thoát ra khỏi con đường ấy. Họ không chịu lầm lũi đi cho hết con đường gian khổ. Họ dừng lại, họ tìm lối thoát. Trí khôn bảo họ ngước lên trên, thoát theo chiều cao. Họ tìm Cổng Trời, và sống khắc kỷ cách ly với đời sống chung để nhẹ gánh mà bay lên cõi cao hơn. Sao Chổi Hale- Bopp xuất hiện, họ cho đó là cơ hội nghìn năm một thuở. Sau sao Chổi, họ tin có một con tàu không gian đang chờ họ. Thế là họ quyết định “ra đi”.
Bà ngoại tôi không thông thái về triết học, tôn giáo, không nhíu mày băn khoăn vì những câu hỏi siêu hình. Nhưng nhờ truyền thống văn hóa Ðông phương bắt rễ ăn sâu vào tiềm thức tập thể của dân tộc, bà ngoại tôi biết rằng “đường đời có trăm vạn nẻo”, không phải chỉ là con đường duy nhất. Những con đường ấy tỏa ra trăm ngàn hướng, không thẳng băng chạy mất hút về hướng xa tít tắp mà uốn khúc phất phơ như dải lụa thắt lưng của các nàng tiên, vừa tiến về phía trước đã thấy quành trở lại phía sau, vừa chạy bên nhau đã cắt nhau ở giao lộ, “ra đi” và “trở về” không rành rẽ phân biệt. Nói như nhà thơ Du Tử Lê:
Ði với về cùng một nghĩa như nhau…
Vâng. Nếu bà ngoại tôi còn sống, bà sẽ mỉm cười gật gù khi nghe cháu ngoại của bà đọc câu thơ nói trên.
Bà hồn nhiên chuẩn bị cho “chuyến trở về”, không phải với một thứ vé “one way ticket” (không được “refund”, không được đến trễ) đến nỗi phải dứt khoát chộp lấy cơ hội ngàn năm như nhóm Cổng Trời. Tấm vé của bà không giới hạn thời gian, có thể là vé một chiều mà cũng có thể dùng như vé khứ hồi. Vâng, nếu muốn bà tôi vẫn có thể đầu thai trở lại trần thế, lại gặp ông ngoại tôi, lại sinh ra mẹ tôi, lại ôm đứa cháu trai ngoan của bà vào lòng, lại vui buồn với nỗi vui buồn của con của cháu. Bà thản nhiên vì bà biết mình có tự do, đi hay về là do ở mình.
Có thể tôi đã đem cái rắc rối phức tạp của đời nay mà gán cho bà ngoại Chắc nhiều người đọc bài này nghĩ vậy. Xin cho tôi biện minh. Bà tôi chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến về, nhưng hoàn cảnh không cho bà tôi được như nguyện. Năm 1952, chính quyền cộng sản trong vùng kháng chiến liên khu V bắt đầu thi hành chính sách cải cách ruộng đất. Trước các cuộc đấu tố đẫm máu là chính sách thuế nông nghiệp nhằm thu vét tất cả tài sản của người có ruộng ở thôn quê. Hết thuế nông nghiệp lại tới thuế khả năng, hết thuế khả năng lại thuế tiên thu (thu thuế trước vì nhu cầu kháng chiến). Trong chốc lát, bà tôi bị khánh kiệt. Cái quan tài bằng gỗ vàng tâm của bà cũng phải đem bán để nộp thuế. Rồi bà tôi bị đấu tố. Cả đại gia đình như đàn ong vỡ tổ, phân tán mỏng ra khắp phương để kiếm sống. Rồi hiệp định Genève. Rồi lại chiến tranh. Quê ngoại của tôi trở thành vùng xôi đậu, rồi trở thành vùng oanh kích tự do. Ngôi nhà lá mái bị cháy. Ruộng vườn bị bỏ hoang. Bà phải tản cư xuống tỉnh lỵ sống với cậu tôi, và khi mất, bà tôi không được yên nghỉ trong chiếc quan tài chính bà tôi chọn, không được về nằm bên cạnh ông tôi ở chân Gò Miễu. Nhưng thái độ của bà lúc mất vẫn không có chút nào tiếc nuối, khốn khổ. “Trở về” bằng chiếc quan tài gỗ quí hay bằng chiếc quan tài gỗ tạp, thong dong bên cạnh ông tôi hay phải chen chúc trong một nghĩa trang chật chội ồn ào, đối với bà, không quan trọng. Vì “đi” với “về” cũng thế thôi, trên “đường đời vạn nẻo” này. Vì Cổng Trời ở khắp nơi, không phải hiếm hoi đến độ bốn ngàn năm sao Chổi xuất hiện mới có chuyến phi thuyền đón người lên đó.
Nguyễn Mộng Giác
Số lần đọc: 5069