Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàBài Viết NgắnBài Đăng Trên Tạp Chí Văn HọcĐọc “Về với biển cả” của Hoài Mỹ

Đọc “Về với biển cả” của Hoài Mỹ

Nguồn: Văn Học 177 & 178

Trước năm 1975, khó tưởng tượng có ngày người Việt Nam có mặt trên những xứ Bắc Âu như Na Uy, Phần lan. Sau 1975, không thể sống dưới chế độ cộng sản, hết đợt này tới đợt khác, người Việt liều chết đổ xô ra biển để tìm đất sống. Đa số định cư tại những nước có quan hệ ít nhiều với chiến tranh Việt Nam, như Hoa Kỳ, Pháp, Canada, Úc. Một số ít được tàu các nước Bắc Âu vớt trên biển Ðông nên về định cư tại những nước hoàn toàn xa lạ về ngôn ngữ, phong tục, khí hậu… trong đó có Na Uy. Một cộng đồng người Việt nho nhỏ thành hình. Cộng đồng đó cũng phải giải quyết những vấn đề giống y các cộng đồng người Việt trên thế giới. như hàng rào ngôn ngữ, sự khó khăn hội nhập của người già, đời sống tinh thần bất ổn do lòng hoài hương và cảm giác cô độc giữa một nếp sống lạ, mâu thuẫn giữa lớp trẻ trưởng thành nơi xứ người và lớp già không còn thời gian và ý chí để thay đổi, thích nghi…Những bi kịch do đổi đời, thời nào. Ở đâu cũng có. Nhất là bi kịch của cả một dân tộc. Bi kịch của hàng triệu người đành rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn đi tìm đất sống ở những nơi hoàn toàn xa lạ. Nếu cộng đồng di dân ấy có những nhạc sĩ ghi lại tiếng khóc của đồng bào mình bằng lời ca, có nhà thơ biến những giọt lệ thành vần điệu để nhớ, có nhà văn ghi chép những bước đầu gian nan bằng truyện ngắn truyện dài…thì cộng đồng ấy có nhiều cơ may hơn những cộng đồng khác. Cộng đồng càng lớn, cơ may càng nhiều. Cộng đồng người Việt ở Na Uy tuy nhỏ nhưng cơ may lại lớn, nhờ rất nhiều nhà văn nhà thơ định cư tại đây, như Nguyễn thị Vinh, Nguyễn Hữu Nhật, Dương Kiền, Tâm Thanh, Khánh Hà, và tác giả tập truyện ngắn “Về Với Biển Cả” này: nhà văn Hoài Mỹ.

 

Ðọc “Về Với Biển Cả”, cảm tưởng đầu tiên của tôi là sự yên tâm. Thế giới truyện ngân của Hoài Mỹ không có những bất trắc, phi lý. Con người có thể hiểu được, và mặc dù nhân vật truyện bị bứng khỏi đất mẹ, họ vẫn còn giữ được những nếp đẹp của đời sống cũ làm khuôn mẫu cho cuộc sống mới. Về điểm này, hình như Hoài Mỹ tiếp nối công việc của một người hoạt động xã hội, một nhà giáo, một huynh trưởng hướng đạo như anh đã làm khi đem tất cả tài năng của tuổi trẻ viết những cuốn truyện giáo dục thiếu nhi như Đèn Khuya, Triền Dốc, Rong biển, Linh hồn tượng đá, Dưới mái gia đình, Ðêm đen (do Ngàn Thông và Tuổi hoa xuất bản) trước 1975. Có thể nói khi viết về những kinh nghiệm hội nhập của đồng bào trên đất Na Uy, (Ông Nguyễn, Cái chảo, Về với biển cả, Quyên, Quẩn đọng, Bố) Hoài Mỹ nhà văn đóng vai trò một cán sự xã hội, hoặc một nhân viên hội thiện nguyện chuyên hướng dẫn cố vấn cho những di dân Việt giúp họ hội nhập vào đời sống mới. “Họ” gồm đủ mọi thành phần, và cơn khủng hoảng tinh thần do trở ngại hội nhập cũng do nhiều nguyên nhân. Ông Nguyễn được con bảo lãnh qua Na Uy và nhận ra ngay cách giáo dục con cái ở xứ Bắc âu thật khác với truyền thống giáo dục con cái của dân tộc mình. Truyện Cái chảo nêu ra một trường hợp khác: do thiếu học, nhân vật chính sống và cư xử như một người mắc bệnh tâm thần. Bác Trình trong Về Với Biển Cả không thể sống xa biển vì ở quê nhà bác sống bằng nghề đi biển, và mặc dù được Na Uy ân cần đón nhận và bảo bọc, vẫn không thấy đời mình có ý nghĩa nếu không được sống với biển. Bi kịch hội nhập không chỉ xảy ra cho người lớn tuổi. Cả lớp trẻ cũng không thoát khỏi bi kịch này. Quyên đuợc cha mẹ nuôi Na Uy cưng quí nhưng vẫn không thôi khắc khoải về cội nguồn. Cô Ngọc trong truyện Quẩn đọng tưởng lấy chồng người Na Uy là chuyện bình thường vì mình đã trưởng thành và thích nghi được với phong tục mới, nhưng cô đã lầm.

Nói chung, Hoài Mỹ bi quan về tiến trình hội nhập của đồng bào mình trên quê hưong mới. Tất cả cố gắng đều thất bại, thất bại nhiều hay ít cũng là thất bại. Kinh nghiệm hội nhập Hoài Mỹ ghi nhận qua các truyện ngắn không có gì khác với kinh nghiệm ở Mỹ, ở Pháp, ở Đức, ở Canada, ở Úc. Và có lẽ cũng không có gì mới so với kinh nghiệm của di dân gốc Ý ở Nữu Ước, di dân gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức, di dân gốc Maroc ở Pháp…Theo tôi, nếu có khác, là khác ở lối nhìn đầy thiện chí của Hoài Mỹ. Tác giả những truyện ngắn như Ông Nguyễn, Cái chảo, Về với biển cả. Quyên, Quấn đọng, Bố kể chuyện buồn với một giọng bình tĩnh, rành mạch, chẩn đoán tìm hiểu rành rẽ cội nguồn của bi kịch, như một vị lương y tìm được căn nguyên của bệnh trạng. Viết về bi kịch, nhưng Hoài Mỹ không hề bi quan. Có lẽ nhờ thế mà đọc hơn nửa tập truyện, tôi có cảm giác an tâm của người đến xứ lạ nhưng biết trước đây là một nước có truyền thống văn minh cao, xã hội ổn định vì ai nấy đều tôn trọng luật pháp.

Nhưng đọc đến phần nửa sau của tập truyện, cảm giác yên tâm của tôi không còn nữa. Tôi đã bước vào một thế giới khác. Hoài Mỹ nhà văn không còn đóng vai trò cán sự xã hội hay huynh trưởng hướng đạo. Không gian mở rộng mênh mông và tràn ngập sương mù. Biên giới giữa thực và ảo, có và không, tỉnh và mê, chết và sống trở nên mờ ảo. Không còn Na Uy với những biên giới, luật lệ, phong tục, tổ chức xã hội rõ ràng minh bạch. Không gian truyện bây giờ là cõi nhân sinh trong cái không cùng của thế giới. Hoài Mỹ lạc vào trong cõi huyền ảo khó hiểu của không gian ấy, nên anh không còn có thể giảng giải rành rẽ mọi vấn đề của đời sống như trước. Anh đưa người đọc đến những thảm kịch không lối thoát (Cây sau nhà, Nhập), nhân vật truyện không còn băn khoăn về chuyện hội nhập hay không hội nhập, mà băn khoăn về một vấn đề lớn hơn: Ta hay ta không? Ta tỉnh hay ta ? Ta ở đâu đây? Sống như ông gia tầu ngầm là sống trọn vẹn với đời sống đích thực của mình hay sống trong hoang tưởng? Ông ta hạnh phúc hay đau khô? (Thằng Cu và Ông già tầu ngầm). Truyện Lời trăn trối ở cuối tập đứng chênh vênh giữa hai cõi sống chết: một ông cha sắp từ trần lắng nghe lũ con bàn cãi về đám tang của mình, đứa bảo phải theo đúng lời di chúc của cha là phải hỏa thiêu và rải tro xuống biển, đứa bảo nên an táng trong nghĩa trang để ngày giổ kỵ hằng năm con cái còn có chỗ viếng thăm. Kết cục, tai nạn trên đường đèo ven biển đưa quan tài người quá cố trở về với biển, ngược với dự định của đám con. Có cái gì lớn lao hơn, huyền nhiệm hơn là ý muốn của con người trần thế. Nửa đầu của tập truyện, cuộc đời tuy phức tạp nhưng còn giải quyết được. Nửa sau, cuộc đời khó hiểu đến độ chỉ còn biết hô hoán những câu hỏi lớn như Hàn Mặc Tử :

Tôi vẫn còn đây hay ở đâu
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?
Sao bông phượng nở trong màu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?

Xăn tay áo lên để can đảm trực diện với những khó khăn trước mắt. hay trầm ngâm băn khoăn với những câu hỏi lớn, Hoài Mỹ đã lựa chọn thế nào? Tôi nghĩ: Anh đã chọn cả hai. Anh thẳng thắn chấp nhận những phiền trọc của đời sống, nhưng đồng thời cũng biết rõ những giới hạn của kiếp người. Như thế là phải!

Nguyễn Mộng Giác

* Về Với Biển Cả, tập truyện ngắn, Thời Điểm xuất bản 2000, dày 240 trang, giá 12 MK

 

   Số lần đọc: 5076

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây