Văn Học số 181 tháng 5 năm 2001
Phỏng vấn nhà văn Nguyễn Mộng Giác, chủ biên báo Văn Học.
Lời Tòa soạn: Nhân dịp ra số ký niệm mười sáu năm xuất bản của Văn Học, nhà văn Nguyễn Mộng Giác muốn viết một bài tường trình về những gì Văn Học làm được, và không làm được trong thời gian qua. Sau khi đọc lại những phát biểu cũ, ông nhận thấy thay vì lặp lại, tốt hơn hết là tổng hợp những câu trả lời phỏng vấn về tạp chí Văn Học đã đăng tải trên báo hay phát thanh, để bạn đọc nhận diện chính xác hơn thực trạng của tạp chí Văn Học. Dưới dây là tổng hợp các bài phỏng vấn của Nhà văn Trần Long Hồ (TLH), nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh (NMT), Liên mạng Văn Học Nghệ Thuật (VHNT) và Liên mạng Diễn Đàn (DĐ)
NMT: Anh là người chủ trương tạp chí Văn Học…
NMG: Xin phép cắt lời anh! Tôi không phải là người duy nhất chủ trương tạp chí Văn Học. Như anh biết, Ban chủ biên Văn Học thay đổi theo nhiều giai đoạn, lý do chính là gánh nặng quản lý và tài chánh của tờ báo, không ai kham nổi một thời gian dài cũng như không ai muốn nó chết, nên người này nản thì có người khác nhảy vào thay thế.
Giai đoạn đầu, từ tháng 5 năm 1985 đến tháng 1 năm 1986 lúc tờ báo có tên là “Văn Học Nghệ Thuật”, ban chủ biên có Võ Phiến, Lê Tất Điều, và tôi.
Giai đoạn hai từ tháng 2 năm 1986 đến tháng 11 năm 1989, tôi đứng mũi chịu sào nhưng có nhiều bạn văn tận tình hỗ trợ như Hoàng Khởi Phong, Cao Xuân Huy, Nhật Tiến, Phạm Quốc Bảo, Bùi Vĩnh Phúc, Võ Đình, Định Nguyên, Vũ Huy Quang, Nguyễn Bá Trạc…
Giai đoạn ba từ tháng 11 năm 1989 đến tháng 6 năm 1992, do hoàn cảnh gia đình tôi tạm nghỉ, ban chủ biên gồm các anh Hoàng Khởi Phong, Trịnh Y Thư, Cao Xuân Huy, Nguyễn Đức Lập, Khánh Trường. Thời gian này trùng hợp với nhiều biến chuyển chính trị trên thế giới, và đời sống riêng của các anh trong Ban biên tập Văn Học cũng có nhiều xáo trộn. Khánh Trường không đồng quan điểm với Cao Xuân Huy và Nguyễn Đức Lập, tách riêng làm tờ Hợp Lưu. Một thời kỳ Hoàng Khởi Phong đi tìm việc và sinh sống ở San Jose, Houston…công việc thật sự của tờ báo dồn cả vào hai anh Trịnh Y Thư và Cao Xuân Huy.
Giai đoạn bốn từ tháng 7 năm 1992 đến tháng 10 năm 1994, tôi trở lại với Văn Học, phụ anh Trịnh Y Thư và Cao Xuân Huy lo việc bài vở. Phải nhận là trong hơn hai năm gian nan này, Trịnh Y Thư là kẻ đứng mũi chịu sào lèo lái Văn Học như tôi trong thời kỳ thứ nhì.
Giai đoạn năm từ tháng 11 năm 1994 đến nay thì Ban chủ biên gồm các anh Châu văn Thọ giám đốc nhà xuất bản Thanh Văn, anh Nguyễn Xuân Hoàng, anh Mai Kim Ngọc, anh Thạch Hãn và tôi. Sau khi nhà văn Mai Thảo từ trần, anh Nguyễn Xuân Hoàng sang điều hành tờ Văn. Ba tạp chí văn chương Văn, Văn Học, Hợp Lưu tuy khác nhau về hình thức và chủ trương biên tập, nhưng là chỗ thân tình, cũng muốn duy trì một diễn đàn văn chương tương đối có chút độc lập nào đó giữa những tiếng la hét ồn ào của sinh hoạt chính trị.
Như anh thấy đấy, so với những tạp chí văn chương khác trước sau ban chủ biên không thay đổi, Văn Học long đong hơn nhiều .
TLH: Trong quá trình hình thành tờ Văn Học, ông đã phải đương đầu với nhiều khó khăn. Trong số khó khăn đó, có lẽ tài chánh là trở ngại quan trọng, ngày nay tờ Văn Học vẫn sống thọ, như vậy ông đã có cách khắc phục trở ngại này, ông có thể cho độc giả biết cách thức của ông như là một kinh nghiệm hay không?
NMG: Anh nói đến “kinh nghiệm” đương đầu với khó khăn tài chánh? Xin anh hỏi những người điều hành các tờ tạp chí khác, chứ kinh nghiệm của Văn Học là một kinh nghiệm tồi! Suốt 16 năm xuất bản, cho tới nay Văn Học chưa có khả năng làm một việc đáng lý phải làm từ đầu, là trả nhuận bút cho các tác giả. Văn Học cũng không trả được đồng nào cho những người trong ban điều hành có tiền cà phê thuốc lá hoặc đãi đằng xã giao bạn bè cộng tác phương xa đến thăm. Hai khoản chi duy nhất của Văn Học là tiền in và bưu phí gửi báo. Một “business” lâu đời tới mười lăm năm mà như thế, thì có gì hay ho để kể cho những bạn văn muốn xuất bản một tạp chí văn chương.
Văn Học sống được cho đến ngày nay là nhờ ở tinh thần cộng tác bất vụ lợi của các văn hữu, và các độc giả dài hạn. Quí văn hữu cần một diễn đàn tương đối “tử tế” để phổ biến những điều mình viết ra từ tâm huyết, nên sẵn sàng thông cảm cho Văn Học. Còn bạn đọc dài hạn cũng như các bạn đọc mua Văn Học ở các hiệu sách, nguồn tài trợ chính của Văn Học, thì mua và đọc Văn Học vì yêu văn chương chữ nghĩa, không ngại mất thì giờ. Số “ân nhân” quí giá này, thành thực mà nói, không nhiều như số người giải trí bằng video ca nhạc hay phim bộ Hồng Kông. Chúng tôi không có con số chính xác, nhưng đoán số độc giả chịu khó đọc tạp chí văn chương và khảo cứu Việt học ở hải ngoại chỉ vào khoảng trên dưới một nghìn người. Với con số đó, và với nội dung như nội dung tờ Văn Học, chúng tôi nghĩ khó lòng thoát ra khỏi tình trạng tài chánh khiêm tốn hiện nay.
Về việc làm báo văn chương ở hải ngoại: Thấy anh Khánh Trường bên Hợp Lưu, anh Nguyễn Xuân Hoàng bên Văn kể khổ quá, tôi thấy không nên viết thêm về chuyện này. Và nên nói ngược cho đủ hai mặt của vấn đề. Các ông bà chủ bút hay chủ nhiệm tạp chí không nên than khổ, vì đây là việc tự mình chuốc lấy, không ai ủy nhiệm cho mình, cũng không ai ép buộc mình làm. Mình tự nguyện, thì nên gánh chịu những gì chính mình gây ra cho mình. Kể khổ cũng không ai làm gì được. Các tạp chí văn chương, tồn tại được không phải do những lời bàn về chủ trương, đường lối…mà do những chuyện rất vặt vãnh như đánh máy, mua giấy, kiếm tiền trả nợ, mua tem, mua bì thư, chở báo đi bưu điện, điện thoại xin bài, viết thư xin lỗi báo mất…Vì là chuyện vặt nên không ai muốn làm, cuối cùng trên thực tế tờ tạp chí nào cũng chỉ còn một người đứng mũi chịu sào.
Như Văn Học ra hàng tháng, thì hai tuần dành để đánh máy và lên khuôn (layout báo, sửa chính tả), một tuần đưa đi in và mang báo về, một tuần đi gửi báo và thanh toán các món nợ nần, thu tiền ở hiệu sách, lấy báo dư…Trong nhịp độ làm việc đó, tôi e không ông chủ bút nào có thể ngồi chờ các văn hữu xa gần góp ý kiến, tranh luận, biên tập bài rồi mới tổng kết các ý kiến, sửa bài rồi lên khuôn. Nếu ban biên tập có nhiều người như các báo ở Việt Nam (lúc còn ở Sài Gòn, tôi biết tuần báo Văn Nghệ TP HCM ra 16 trang mà có tới 70 nhân viên). Có một thời tôi cũng thử chia loại các bản thảo rồi nhờ các bạn trong ban biên tập đọc. Kết quả: bài gửi cho họ một tháng sau mới lấy lại được, vì người nào cũng có công việc riêng, rảnh họ mới đọc. One man show là một tình trạng không thể sửa chữa, có bàn cho lắm cũng không qua được thực tế.
TLH: Số đầu của tờ Văn Học, Lá Thư của Ban Chủ Biên có đề ra, nối tiếp đường lối mà nhà văn Võ Phiến chủ trương trước đó cho tờ Văn Học Nghệ Thuật là (1):
– Giới thiệu những bài khảo cứu văn hóa Việt Nam mới nhất của giới học giả tại hải ngoại.
– Giới thiệu các nền văn chương lưu vong chống cộng của các dân tộc khác trên thế giới.
-Phân tích phê bình loại văn chương tuyên truyền của cộng sản Việt Nam hiện nay.
– Theo dõi các biến cố văn nghệ quan trọng trên thế giới.
– Điểm sách và phê bình các tác phẩm văn nghệ Việt Nam tại hải ngoại.
– Giới thiệu truyện ngắn, thơ, tùy bút. .. thật chọn lọc do các văn hữu hải ngoại vừa sáng tác.
Qua một thời gian lâu dài với nhiều chuyển biến của chính trị và xã hội, chủ trương mà ban chủ biên vạch ra từ số đầu vào tháng 02-1986 cho đến nay tất nhiên có thay đổi. Xin ông cho độc giả biết những gì sửa đổi và bổ sung trong chủ trương của tờ Văn Học?
NMG: Sau này các nhà nghiên cứu về văn chương hải ngoại có thể đọc lại các số Văn Học để tìm ra những thay đổi trong nội dung và hình thức bài vở đăng trên Văn Học. Riêng tôi, người chịu trách nhiệm chính trong việc biên tập Văn Học, tôi thấy những chủ trương ban đầu anh nhắc lại trong câu hỏi không khác với chủ trương hiện nay bao nhiêu.
Nếu có những mục trong chủ trương nêu ra không thể hiện đầy đủ vào thời này hay thời khác trên Văn Học, theo ý tôi, là do những thay đổi từ phía văn hữu, chứ không do phía ban biên tập. Vì một thực tế này: các tạp chí văn chương hải ngoại trông chờ bài các văn hữu gửi về để đăng như con trông mẹ về chợ, kỳ báo nào in xong cũng hồi hộp trông chờ bài cho số sau. Rất ít bài dự trữ, và những bài “đặt hàng” cho những “người có thẩm quyền” cũng ít có hồi âm. Nghĩa là ban biên tập không chủ động được nội dung của bài vở. Một tạp chí có giá trị hay không, không do tài điều khiển của người chủ trương (có binh đâu mà điều khiển!), mà do cảm tình và lòng tin cậy của người viết dành cho người chủ trương.
Chỉ có một điểm thay đổi rõ ràng là có chủ trương của Văn Học. Đầu năm 1992, lúc Văn Học lâm vào khủng hoảng đến nỗi báo ra trễ nhiều lần và đã tính đến chuyện biến tờ báo từ nguyệt san thành số đôi hai tháng ra một lần, tôi phải trở lại trực tiếp làm chủ bút giúp Cao Xuân Huy lo bài vở để cải tiến tờ báo. Trong thư tòa soạn số 74 (tháng Sáu 1992), tôi viết: “Ban Chủ biên Văn Học đồng ý là cần duy trì tờ Văn Học như một diễn đàn văn chương của người Việt hải ngoại, phản ảnh đời sống tinh thần của người Việt hải ngoại. Vì là diễn đàn của người Việt hải ngoại nên Văn Học phải đặt ưu tiên ngững vấn đề của đồng bào hải ngoại; đó là căn cước, là yếu tính, và nếu Văn Học có đóng góp được gì cho sinh hoạt văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung, thì phần đóng góp cũng từ chỗ đứng đó.
Vì là diễn đàn văn chương, nên Văn Học tự giới hạn trong những vấn đề thuộc phạm vi văn chương, không để bị lôi cuốn vào các vận động chính trị giai đoạn. Văn chương không thể đứng ngoài những cuộc vận động chính trị nhằm bảo vệ quyền tự do, quyền sống của con người, nhưng Văn Học quan niệm sự đóng góp tích cực nhất, cần thiết nhất của văn chương vào cuộc vận động là những tác phẩm giá trị nhằm đề cao con người, đả phá những thế lực tha hóa hoặc đàn áp quyền sống thiêng liêng của con người?
Chủ trương đó khiến Văn Học quan tâm giới thiệu, nhận định, quảng bá các tài năng văn chương hải ngoại nhiều hơn các báo bạn; quan tâm đến việc sưu tập, sơ kết các thành quả của văn học hải ngoại; giới thiệu các tác giả và tác phẩm quan trọng của văn chương hải ngoại. Ngược lại, trên Văn Học không có những thời sự chính trị nóng bỏng hay những tranh cãi chính trị hấp dẫn sự tò mò của bạn đọc, như vụ Tổng thống Clinton qua thăm Việt Nam, cuộc biểu tình đòi Thái lan trả tự do tức khắc cho Lý Tống…
TLH: Trong số bài xuất hiện trên Văn Học trong nhiều năm qua, hình như có sự xuất hiện thưa thớt của các tác giả miền Nam, có người gọi nôm na là “miệt vườn” . Điều này có đúng hay không? Nếu có, ông có thể vui lòng giải thích lý do cho độc giả biết hay không?
NMG: Văn chương “miệt vườn” là một khuynh hướng sáng tác đặc biệt trong văn chương hải ngoại, với các tác giả gốc “Nam kỳ” (chính xác hơn chữ Miền Nam) như Hồ Trường An, Kiệt Tiến, Nguyễn văn Sâm, Ngô Nguyên Dũng, Nguyễn Đức Lập, Trần Long Hô, Xuân Vũ, Nguyễn văn Ba, Võ Kỳ Điền, Nguyễn Tấn Hưng…Tôi không kể một số tác giả gốc Nam kỳ khác (như Phan thị Trọng Tuyến, Nguyễn thị Ngọc Nhung) vì lối viết của họ không có “tính cách Nam Kỳ” truyền thống. Giới nghiên cứu văn học sẽ bàn kỹ thế nào là văn chương Nam kỳ truyền thống, theo tôi, nghĩ thoáng qua tôi thấy loại văn chương đó chú trọng đời sống và tâm tình người vùng Nam kỳ (phần lớn là dân quê), thiên về phong tục và sử dụng tối đa ngôn ngữ nói cho văn chương (khác với ngôn ngữ viết của các nhà văn Bắc và Trung kỳ). Có một thời kỳ (từ 1985 đến 1990) văn chương “miệt vườn” nở rộ trên Văn Học, với những văn phẩm xuất sắc của Hồ Trường An, Kiệt Tấn. Nguyễn văn Sâm, Ngô Nguyên Dũng.. Tôi nghĩ cho đến bây giờ, những truyện ngắn hay nhất của Hồ Trường An, Kiệt Tấn là những truyện “miệt vườn” các anh ấy cho đăng trên Văn Học. Nhưng sau đó, “văn chương miệt vườn” thoái trào. Ngô Nguyên Dũng bỏ viết truyện “miệt vườn”. Nhiều người khác vẫn tiếp tục, nhưng tôi cho là không thành công bằng những gì Hồ Trường An và Kiệt Tấn đã viết. Lý do của thoái trào? Văn chương “miệt vườn” nằm trong dòng văn chương hoài niệm quê hương. Nó chỉ tha thiết, chỉ hấp dẫn khi chúng ta cảm thấy mất quê hương vĩnh viễn, không bao giờ có thể nhìn lại quê hương thân yêu trong đời sống này. Các thay đổi những năm gần đây khiến trở về thăm quê cũ không khó khăn mấy. Hình ảnh quê hương được điều chỉnh lại, thay thế cho những hồi cố trong “miệt vườn”. Có viết theo kiểu “miệt vườn” chỉ là viết rán.
Văn Học ít đăng những truyện “miệt vườn” vì số người viết loại này ít đi, những truyện hay loại này ít đi, mà số truyện loại này gửi về tòa soạn cũng thưa thớt. Lý do chỉ thế thôi. Không có kỳ thị địa phương hay phe nhóm ở đây.
TLH: Tương tự như câu hỏi trên, trong nhiều năm gần đây có sự thiếu vắng bài viết của những tác giả ở ngoài nước không chấp nhận chế độ Cộng sản, ông có thể vui lòng giải thích điều này cho độc giả biết hay không?
NMG: Xin thành thực thưa với anh, đây là một câu hỏi đầy sơ ý. Sơ ý vì nếu tôi hỏi lại: “Thế những người viết trên Văn Học đều là những người “chấp nhận chế độ Cộng sản” hay sao? Văn Học là tờ báo Cộng sản hay Thân Cộng nên những người không chấp nhận Cộng sản tránh xa không Cộng tác nữa hay sao?” chẳng lẽ anh sẽ trả lời: “Quả đúng như thế, Văn Học bị những nhà văn chống Cộng xa lánh, cô lập, bất hợp tác.”
Tự xưng tụng mình hay phe nhóm mình là Chống Cộng tích cực, là Chiến sĩ Tự Do không phải là điều Văn Học muốn bạn đọc khen ngợi. Đã có những tờ như Làng Văn làm việc này. Đăng những tuyên ngôn tuyên cáo nẩy lửa, những truyện ngắn bài thơ đấu tranh khí thế ngút trời (nhưng giá trị văn chương ít ỏi) cũng không phải là “sứ mệnh” nhóm Văn Học muốn mang. Văn Học chỉ đăng những tác phẩm vừa chống Cộng vừa có giá trị văn chương, vì không phải hễ tác phẩm chống Cộng “tất nhiên” phải có giá trị văn chương. Văn Học không lúc nào thiếu những tác phẩm của những nhà văn không chấp nhận Cộng sản, Văn Học chỉ thiếu vắng những bài vở “chống Cộng nhưng dở”. Xin nhắc lại: Không phải tác phẩm chống Cộng nào cũng hay.
VHNT: Là chủ biên một tạp chí về văn học, anh đã áp dụng tiêu chuẩn hay lượng định chuẩn mực nào (rules of thumb) về một sáng tác? Bài viết phải hội đủ những điều kiện nào để được chọn đăng?
NMG: Những người chủ biên tạp chí văn chương sẽ trả lời gọn ghẽ: bài phải hay mới đăng. Nhưng nếu gặng hỏi thêm: Thế nào là hay? thì các vị ấy đâm bối rối. Vâng, thế nào là một truyện ngắn hay, một bài thơ hay? Theo kinh nghiệm hơn mười sáu năm đọc bản thảo cho tạp chí Văn Học và các nhà xuất bản Văn Nghệ, Thanh Văn, gác sang một bên những chuyện đau đầu về chính kiến hay thuần phong mỹ tục có thể làm mất độc giả, tôi nghĩ một truyện ngắn “đăng được” khi đọc xong thấy không có gì gượng gạo, giả tạo, chứng tỏ tác giả thành thực với mình và có khả năng trình bày cảm xúc suy nghĩ theo một hình thức có thể lôi cuốn được người đọc. Truyện “đáng đăng” là truyện đọc xong có một dư vị lâng lâng trong đầu, đọc xong thấy cuộc đời rộng thêm ra, con người bí nhiệm và đáng yêu hơn, thấy mình chỉ là một phần nhỏ trong cái bao la của nhân sinh và từ đó bắt đầu biết lắng nghe người khác, từ đó biết trân trọng những cái khác mình.
Phần thơ, cái quan trọng là cá tính của người viết. Có những bài thơ không đề tên tác giả thì không thể đoán được bài thơ ấy của ai. Tôi thích những bài thơ không cần in tên ai cũng biết tác giả. Cái riêng biệt duy nhất không ai có làm cho bài thơ có chỗ đứng trong cả trăm bài thơ Văn Học nhận được mỗi kỳ. Ngôn ngữ thơ khác văn xuôi ở chỗ lúc nào thơ cũng đi trước ngôn ngữ của đời thường. Thơ là người lính xung kích, là kẻ tiền phong. Điều này không nhất thiết đòi thơ phải phá thể. Truyện Kiều, thơ Đường luôn luôn mới dù tuổi thọ trên vài trăm năm. Nhưng xin lỗi anh, nói chuyện này không bao giờ hết, mà cũng không dễ gì tìm được người đồng ý với mình. Người chủ biên do công việc phải chọn bài, nhưng không có gì bảo đảm là anh ta chọn đúng. “Nếu có gì sơ suất, xin niệm tình tha thứ”. Xin mượn lời quen thuộc này để cáo lỗi với những văn hữu gửi bài cho Văn Học.
VHNT: Sinh hoạt văn học “lẻloi” trên internet của giới trẻ và chuyên gia có ảnh hưởng hay có thể góp phần hòa nhập vào “dòng văn học chính” ở hải ngoại không? Về phương diện sáng tác văn học, anh có nhận định lạc quan hay bi quan đối với thế hệ trẻ Việt Nam nói chung? Nếu có thể xin cho biết nhận xét của anh về một so sánh về khả năng sáng tác văn học của giới trẻ trong nước và của giới trẻ hải ngoại.
NMG: Internet là một phương tiện truyền thông, giống như máy in và hệ thống truyền thanh truyền hình, tự thân nó không có trách nhiệm về nội dung hay giá trị của những tác phẩm nó phổ biến. Một truyện ngắn, một bài thơ đọc trên Internet cũng giống như đọc trên trang sách trang báo mà thôi. Huống chi trong tình hình xuất bản và phát hành khó khăn hiện nay, phổ biến tác phẩm trên Internet là một giải pháp tiện lợi. Tôi đã thấy nhiều nhà văn nhà thơ chọn giải pháp này, như các anh Bùi Thanh Liêm, Nguyễn Đức Bạt Ngàn, Trần Hoài Thư…
Sự khác biệt là thành phần người đọc, không phải ở phía giới sáng tạo văn nghệ phẩm.
Muốn đọc một cuốn sách, độc giả chỉ cần biết chữ. Muốn đọc truyện trên Internet, điều kiện đòi hỏi cao hơn: phải có máy computer, phải nối vào một hệ thống Internet, phải có một trình độ Anh ngữ và kỹ thuật điện toán nào đó để tìm website, để chuyển hệ chữ Việt… nghĩa là đúng như anh nói, thành phần độc giả này bị giới hạn trong giới chuyên gia trẻ, theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ là thành phần trung lưu – middle class. Đây là thành phần nòng cốt tạo nên sức mạnh cho Hoa Kỳ, họ năng động, nhiều sáng kiến và tham vọng, và rất đa đoan công việc. Nếu có thì giờ lên Internet, họ cũng làm như họ xem tivi, cầm remote bấm lia lịa xem chương trình này một chút rồi bấm sang chương trình khác. Internet cung cấp cho họ một khu giải trí đầy hấp dẫn và rộng rinh, họ như đứa trẻ lạc vào của hàng Toys-Я-Us. Cho nên Internet tạo ra một phong cách thưởng ngoạn mới, tạm gọi là “phong cách cưỡi ngựa xem hoa”, cái gì cũng biết nhưng không biết cái gì sâu sắc, cái gì cũng làm nhưng không bỏ thì giờ tâm trí làm đến nơi đến chốn.
Đó không phải là lỗi của Internet. Cũng không phải là hiện tượng khác thường. Người mới mua xe mới bao giờ cũng thích lái xe chạy vòng vòng quá mức cần thiết. Ngnời ta gọi là “nhiệt tín của người tân tòng”. Khi đã qua cơn rồi, người ta sẽ bình tĩnh trở về với cái mình thực sự yêu thích, và đi vào chiều sâu. Tôi hy vọng các cây bút hiện viết trên Internet cũng sớm ý thức điều này. Lúc đó, dĩ nhiên sinh hoạt văn học trên Internet, với giá trị văn chương cộng thêm sức mạnh của kỹ thuật, dễ dàng vượt qua những hình thái văn chương lụ khụ lỗi thời khác.
Tôi lạc quan hay bi quan đối với thệ hệ trẻ Việt Nam? Nghe anh hỏi câu này, giật mình nhớ rằng mình không còn trẻ nữa. Mà đã không còn trẻ nữa, thì đừng nghĩ mình có thể định đặt một cái khuôn nào đó để lớp sau phải theo. Thế giới biến chuyển quá nhanh, mỗi thế hệ đối phó với những vấn đề riêng của họ, tôi nghĩ kinh nghiệm của lớp trước không giúp được gì nhiều cho lớp sau. Tôi làm việc gần mười bốn năm qua tại một công ty ấn loát niên giám điện thoại Hoa Kỳ. Tôi thấy rõ tuổi già lạc lõng thế nào trước những thay đổi nhanh chóng của kỹ thuật. Vì thế, tôi không bi quan về giới trẻ. Họ được giáo dục kỹ lưỡng hơn thế hệ chúng tôi, họ hấp thụ và thích ứng với tiến bộ kỹ thuật nhanh hơn chúng tôi, họ giao tiếp với các trào lưu văn hóa nhiều hơn chúng tôi, đời sống của họ ổn định hơn đời sống chúng tôi. Nếu bao nhiêu dữ kiện nội nhập ấy không tạo ra được cái gì rạng rỡ, thì đáng tiếc lắm!
VHNT: Trong Văn Học xuân Bính Tý 1996, ban biên tập Văn Học đã dành một số trang không nhỏ để giới thiệu các cây bút trẻ hải ngoại viết bằng tiếng bản xứ, hầu hết là Anh ngữ. Mai Kim Ngọc nói về những ảnh hưởng tích cực của hiện tượng này đối với truyền thông, văn chương, và văn hóa người Việt tại hải ngoại. Thạch Hãn ca ngợi những nỗ lực tìm về cội nguồn của những tác giả trẻ có mặt trong tập “Once Upon a Dream. ” Trong những số VH sau đó, tạp chí này đã tiếp tục giới thiệu một số truyện dịch từ nguyên bản tiếng Anh của các tác giả Andrew Lâm, Lưu Trường Khôi, v.v… Đây là một cố gắng rất đáng biểu dương của Văn Học. Là người chịu trách nhiệm điều hành tạp chí này, xin anh cho biết ý kiến/ nhận xét của anh về những người viết trẻ cùng thế hệ và hoàn cảnh với Andrew Lâm và Lại thanh Hà (2 tác giả này viết bằng Anh ngữ) nhưng đã chọn Việt ngữ như là tiếng nói văn chương cho sáng tác của họ. Sự chọn lựa này có những ngụ ý gì?
NMG: Lựa chọn ngôn ngữ để sáng tác không đơn giản như là chọn cách phổ biến bằng ấn loát hay Internet. Chọn một ngôn ngữ là chọn luôn cả cái hồn của ngôn ngữ ấy, chọn luôn cả truyền thống văn hóa phong tục ngôn ngữ ấy nẩy sinh. Xin lấy một ví dụ: cũng một nội dung, nhưng nói “tôi thương em” Việt Nam hơn “tôi yêu em”, và tạo xúc động sâu xa hơn là nói “I love you” hay “je t’aime”. Vì thế, những bạn trẻ chọn viết bằng ngôn ngữ Việt, từ trong thâm tâm, đã muốn hướng về văn hóa dân tộc, sinh hoạt cộng đồng, và sẵn sàng chịu chung những hạn chế của sinh hoạt văn hóa thiểu số.
Nói như thế không có nghĩa là những bạn viết tiếng Anh không có tinh thần yêu nước. Lựa chọn viết bằng Anh ngữ hay Pháp ngữ không phải là chọn việc dễ. Nhập vào chính mạch, ngay cả những thế hệ di dân thứ hai, thứ ba đã khó chứ đừng nói thế hệ thứ nhất. Sức cạnh tranh giữa các sắc tộc để lôi kéo sự chú ý thật khủng khiếp. Một bức tranh Việt Nam nếu không có gì độc đáo khó lòng được giới thưởng ngoạn chú ý, trong khi cũng bức tranh đó nếu bày bán ở Sài Gòn hay Hà Nội, có thể bán dễ dàng cho các du khách muốn có một món lưu niệm. Chọn viết bằng Anh ngữ Pháp ngữ là chọn đối đầu với cạnh tranh quốc tế.
VHNT: Có những mặt thuận lợi cũng như trở ngại nào, trên những khía cạnh liên quan đến văn học nghệ thuật và xuất bản trong điều kiện văn hóa và xã hội của người Việt hải ngoại, khi lựa chọn sáng tác bằng tiếng Việt hay bằng tiếng bản xứ?
NMG: Câu trả lời trên cũng trả lời được một phần câu hỏi này. Tôi xin thêm: Dù sáng tác bằng thứ tiếng nào đi nữa, cái mà giới thưởng ngoạn chờ đợi từ một văn nghệ sĩ sắc tộc không phải là bản sao văn hóa phẩm của xứ sở này, mà là bản sắc của quê hương gốc. Gần đây, tôi có xem một loạt phim của điện ảnh Hoa lục, nhất là những phim của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Thật tuyệt vời! Phim nào cũng đặc chất Tàu! Chất Tàu từ khuôn mặt diễn viên, khung cảnh, sinh hoạt, cách cầm bát, cách văng tục..Coi phim Tàu để tìm hiểu chất Tàu chứ chẳng lẽ tìm hiểu chất Mỹ! Tuy vậy, sau cái chất Tàu ấy, là cái chung của nhân sinh, là thơ mộng của tình yêu và hy vọng, là cái ghê tởm của bạo lực và ngu dốt, là cuộc tranh đấu không ngừng giữa thiện và ác… Tôi xin cầu chúc cho các bạn trẻ viết bằng tiếng Anh tiếng Pháp làm được như đạo diễn Trương Nghệ Mưu.
TLH: Ở cương vị chủ biên tờ Văn Học, trong khi chọn bài dĩ nhiên ông bị ảnh hưởng rất nhiều từ mọi phía và bị chi phố bởi nhiều yếu tố khác nhau. Ông có thể cho độc giả biết một cách cụ thể, trong một ước lượng phải đành bằng con số về phần trăm ảnh hưởng của các yếu tố sau đây:
– cảm tình bè bạn.
– cảm tính trong ý thích và nhận định cá nhân.
– tên tuổi tác giả.
– lập trường chính trị.
NMG: Tôi không thể định lượng một cách cụ thể các yếu tố chi phối việc chọn bài. Trên thực tế, người chủ bút hoàn toàn chủ quan trong việc chọn bài, đúng hay sai, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của tờ báo. Nếu chung quanh vị chủ bút có một số bạn hữu có trình độ, việc chọn lựa bài đăng của chủ bút sẽ bớt định kiến, giá trị bài vở sẽ khá hơn. Ngược lại, giá trị tờ báo ngang bằng với trình độ chủ bút, không tránh được. Riêng Văn Học, chúng tôi quan tâm đến giá trị văn chương và chất lượng khoa học của bài khảo cứu hơn là quá khứ chính trị của tác giả. Trên cùng một số báo, có bài của những tác giả có lập trường chính trị đối nghịch nhau. Họ chỉ giống nhau ở bài viết: cả hai bài đều đả phá những thế lực đàn áp con người, bóp chết tự do. Có thể có những người cho rằng chỉ có mình mới là người nắm giữ chân lý, nhất định không thèm đứng chung với những ai không giống mình. Những vị đó khó chịu khi thấy tên mình xuất hiện bên cạnh những “con nọ, thằng kia”. Quí vị đó quá khó tính! Văn Học mất một số cộng tác viên tương tự như quí vị đó, nhưng không lấy làm tiếc.
TLH: Trong số vấn đề mà các vị chủ biên phải đương đầu, có hai điểm cần xét rõ là “vị nể’” và “bị hù dọa”. Có những tác giả “cổ thụ” gởi bài đến, đôi khi giá trị bài viết có giới hạn, mà ông không muốn đăng trên tờ Văn Học, ông đã giải quyết như thế nào? Có những tác giả mà bài viết có vẻ “trang hoàng kiến thức” và mang tính “chiếu chỉ cung đình”, dĩ nhiên bài viết thường có giá trị, trong những trường hợp như vậy ông có cảm thấy “bị hù dọa” bởi bài viết và phải đăng chúng trên tờ Văn Học hay không?
NMG: Bài vở Văn Học nhận được không nhiều đến nỗi tôi phải băn khoăn khi phải chọn bài này, bỏ bài kia. Tạp chí cũng không phải là một thế lực trần thế ghê gớm đến nỗi người ta phải hù dọa chủ bút để đăng bài của mình. Đăng bài trên Văn Học làm sao gây chấn động lớn lao ngay lập tức cho bằng phóng một bài chửi bới nẩy lửa lên Internet?
Vì bài vở ít, nên thông thường bài của những vị đã có tiếng tăm trong văn giới thường được chọn đăng với rất ít sửa chữa của biên tập. Những vị này trực tiếp chịu trách nhiệm với bạn đọc về bài viết của mình, và thông thường, họ cũng rất cẩn thận khi đưa bài để đăng. Bài của những tác giả mới viết, nhất là những bài khảo cứu (chúng tôi không biết khả năng thực sự của tác giả thế nào, lại không có phương tiện kiểm chứng khoa học những gì đưa ra trong bài khảo cứu), chúng tôi dè dặt hơn. Nhiều vị có bằng cấp cao, nay hồi hưu rảnh rỗi, hưởng nhàn bằng cách quay sang khảo cứu một đề tài không thuộc chuyên môn của mình, nên bằng cấp cũ không đủ bảo đảm giá trị của bài viết. Nói chung, suốt thời gian làm chủ bút Văn Học, tôi chẳng bị ai “hù dọa” cả.
TLH: Để phát triển tờ Văn Học, ông có dùng những thủ thuật riêng như là chiến thuật vận động. Chẳng hạn như ông cố tình đăng những bài, mặc dù bản thân ông không thích, nhưng bài ấy có tác động “đụng chạm lớn” có thể gây ra “một chiến trường đẫm máu trong sinh hoạt văn học” ?
NMG: Tờ Văn Học cứ “xìu xìu ểnh ểnh” như thế sau 16 năm, chứng tỏ tôi không biết làm “business”, Văn Học chẳng nắm được thủ thuật “câu khách” nào cả. Văn Học “hiền khô”, hay tránh xa các vụ tranh cãi. Ai chửi cũng im lặng chịu đựng, không “trả miếng”. Như anh thấy, không hề có “chiến trường đẫm máu” nào trên Văn Học.
TLH: Đã từ lâu và còn mãi tới bây giờ, sinh hoạt văn học hải ngoại vẫn còn tồn tại những hình thức “bộ lạc”. Ông có nghĩ rằng ông vẫn là một “tù trưởng” của bộ lạc Văn Học hay không? Nếu có, ông sẽ làm cách gì để chuyển hóa nó lên một hình thái cao hơn?
NMG: Nhận định bất cứ chuyện gì cũng cần chú ý đến thực tế. Thực tế của sinh hoạt văn chương ở hải ngoại là những cố gắng cá nhân đơn độc, bằng những phương tiện thô sơ giữa một thời kỳ khoa học kỹ thuật tiến bộ vượt bực. Một tạp chí ra hàng tháng mà chỉ có một người làm từ A đến Z (kể cả những nhà xuất bản lớn có uy tín như Văn Nghệ chẳng hạn, cũng vậy), thì nói tới “bộ lạc” đã là phóng đại rồi. Tờ báo do một người lo, nên phản ảnh cái ưu cái khuyết của người chịu trách nhiệm trực tiếp rất rõ. Sức tập trung của một tờ báo dựa vào cá tính của người đứng mũi chịu sào, nhiều hơn những thứ lớn lao như là chủ trương, lập trường chính trị, văn phong, trường phái.
Chẳng hạn bây giờ Văn Học do tôi chịu trách nhiệm chính, nên là “bộ lạc” của những người “có vẻ” (tôi nhấn mạnh chữ có vẻ) trung dung, nghiêm chỉnh. Nhưng nếu Văn Học chuyển qua tay một chủ bút khác, nó sẽ trở thành “bộ lạc” những người chịu chơi, ưa nổ, chủ trương văn chương phải như cuồng phong, bão lửa…
TLH: Trong quá trình hoạt động của một chủ biên văn học, ông có gì phải “tự thú” với độc giả hay không? Chẳng hạn như ông đã không ưa mà hay “dìm” một tác giả nào đó. Hoặc là ông thích mà “đưa” tác giả nào đó lên một cách thường xuyên hay ca ngợi người ấy có phần lộ liễu.
NMG: Tài năng bây giờ có nhiều phương cách để bộc lộ ra cho thiên hạ biết, đâu phải chỉ duy nhất qua tạp chí văn chương. Có một bài thơ, một truyện ngắn ưng ý, đưa in lên báo Việt ngữ địa phương quá dễ. Người ta kỳ thị thì mình phóng lên Net. Nhóm chủ trương các website trên Net kỳ thị nữa, thì mình tự làm riêng website của mình, có kèm đủ hình ảnh, tiểu sử, bằng cấp. Làm sao dìm tài của ai, hay thổi phồng được ai nếu người đó tự họ không có tài? Cũng có những trường hợp “giao tế”, nhưng rất ít.
NMT: Có người cho rằng những tạp chí văn học là bề mặt và cái nôi của văn chương. Theo anh, điều ấy đúng không?
NMG: Sự thực là thế tuy mới nghe có vẻ như người trong làng tự vẽ mặt vẽ mày cho nhau. Phương tiện truyền thông ngày nay tiến bộ khủng khiếp, nên như anh thấy, ai cũng có thể ra báo được cả. Gõ vào keyboard một chặp, một bài viết thành hình. Đưa cho nhà in một đêm, hôm sau bài viết đã được phổ biến. Nếu là một bài viết nổ, ngay lập tức bài đó được gửi fax đi khắp nơi. Đã qua rồi, cái thời do in ấn khó khăn mà chữ viết là ưu quyền của một số người.
So với sức phổ biến và ảnh hưởng tức thời đến người đọc, các tạp chí văn chương yếu thế thấy rõ. Một bài thơ, một truyện ngắn đăng trên các báo biếu hoặc báo phổ thông ăn khách thường có tầm phổ biến rộng hơn đăng trên một tạp chí văn chương.
Nhưng cũng có một sự thực khác, là một truyện ngắn xuất hiện trên tạp chí văn chương được người đọc thưởng thức một cách “văn chương” hơn, nghĩa là đòi hỏi tác giả nhiều hơn. Tôi có một kinh nghiệm về chuyện này: Những truyện ngắn độc đáo của Thế Giang xuất hiện lần đầu trên tờ Diễn đàn ở Paris, sau đó tờ Người Việt ở California đăng lại. Đọc truyện Thế Giang trên Người Việt, tôi thích quá, xin đăng lại trên Văn Học cho văn giới biết. Quả nhiên sau đó, người trong giới cầm bút xôn xao hỏi nhau Thế Giang là ai, và năm sau anh qua California chơi, Thế Giang được bạn văn đón tiếp nồng hậu dù chưa hề gặp nhau.
Trên báo loại phổ thông, văn chương chỉ là đồ nguội dự trử, có cũng được mà nếu cần cắt đi để đăng tin nóng và quảng cáo cũng không sao. Trên tạp chí văn chương, nó là đồ nóng. Cả người viết lẫn người đọc cũng trân trọng những sáng tác trên tạp chí văn chương, nên sự đánh giá chính xác hơn. Trên các tờ báo phổ thông phổ biến rộng rãi như Văn Nghệ Tiền Phong, Phụ Nữ Diễn Đàn cũng có những truyện ngắn , bài thơ giá trị. Nhưng nếu cần tìm hiểu văn chương hải ngoại, chắc ít ai bỏ công đọc hết những sáng tác trên các báo ấy. Trước 1975, văn học Miền Nam phản ảnh trên những diễn đàn như Sáng Tạo, Văn, Bách Khoa, Thời Tập. ..chứ không phản ảnh trên Sài gòn Mới, Chính Luận. . .Các nhà phê hình vẫn hay chia nhóm giới cầm bút bằng cách căn cứ vào những diễn đàn họ thường cộng tác. Nhóm Sáng Tạo, Nhóm Văn, Nhóm Bách Khoa. Vâng, tạp chí Văn Học trong mười sáu năm qua tự nhiên cũng tạo ra một nhóm, một cái nôi thân ái chung.
NMT: Anh làm việc như thế nào khi chủ trương tạp chí Văn Học? Có cố gắng nào về tài chánh, về thì giờ điều hành cũng như về bài vở in ấn?
NMG: Anh “xâm phạm” vào bí mật nghề nghiệp của tôi rồi đấy!
Đáng lý tôi phải trả lời ỡm ờ để lấy oai, nhưng như thế thì không sòng phẳng. Chưa có thời kỳ nào trong lịch sử báo chí Việt Nam mà cách làm báo văn chương ở đây “thủ công nghiệp” đến như thế! Một lần có độc giả ở xa về Little Sài gòn chơi, điện thoại tới ngỏ ý muốn thăm “tòa soạn” và “các anh chị em trong ban biên tập”. Tôi xin lỗi là “tòa soạn” chật hẹp quá, sợ tiếp khách không được. Vì chỉ là cái hộp thư bưu điện. Còn anh chị em trong ban biên tập thì ai nấy chạy lo kiếm sống hết cả, lâu lâu họ tạt tới chỗ ở của người lo bài vở, nói chuyện đôi ba câu, rồi đi. Từ ngày có computer và Internet, các tác giả không cần ghé “toà soạn” nữa, chỉ nằm nhà gửi bài qua đường dây điện thoại. Một độc giả khác nghe giọng nữ của nhà tôi trên số điện thoại Văn Học, hỏi có phải là nữ thư ký của “tòa soạn” hay không.
Một bạn văn từ Việt Nam qua, sau khi đọc những bài báo động về “diễn tiến hòa bình thâm độc của bọn phản động qua đường lối văn chương”, đến thăm tận “hang ổ” của các “toà soạn” Văn, Văn Học, Hợp Lưu liền bật cười lắc đầu, hỏi tiền CIA cấp cho các ông đâu mà các ông để “tòa soạn” thế này. Các tòa soạn ở Việt Nam đâu có thế! Tôi còn nhớ sau 1975 tòa soạn tuần báo Văn Nghệ Giải Phóng đặt tại một tòa biệt thự, nhân viên gần 70 người. 70 người với phương tiện của “nhân dân” ra một tờ báo 16 trang hằng tuần. Một hai người của tạp chí văn chương hải ngoại ra một nguyệt san, không tốn của “nhân dân” một xu, chỉ tốn tiền nhà. Làm bảng đối chiếu, chúng ta đóng góp cho tài sản văn chương dân tộc với một chi phí thấp. Đáng hãnh diện phải không anh?
TLH: Là một vị chủ bút một tạp chí thuần túy văn chương lâu đời, xin ông vui lòng cho độc giả biết một cách khái quát về tình trạng “lão hóa” trong sinh hoạt văn học, cụ thể về tác giả sáng tác và độc giả?
NMG: Lão hóa là một hiện tượng tất nhiên của văn chương hải ngoại, một hiện tượng không thể khác đi, không thể tránh né. Lý đo cũng dễ hiểu: lớp trẻ lớn lên nơi xứ người không thông thạo tiếng Việt, thậm chí không biết tiếng Việt, thì đâu là nền tảng cho một dòng văn học tồn tại lâu dài? Người đọc sách báo tiếng Việt hiện nay phần lớn ở vào lứa tuổi từ 40 trở lên, người viết thì lứa tuổi trung bình cao hơn, có thể là 50. Người viết phái nữ trẻ tuổi hơn người viết phái nam. Đấy là một thực tế, gây khó khăn cho những mong muốn canh tân, thay đổi chủ đề, cách nghĩ, cách viết.
DĐ: Đây có phải là “cái cớ” để quí vị khư khư ôm lấy quá khứ, cái cũ, không chịu “đổi mới”, chống lại những cách tân? Đã có những người viết xếp Văn Học vào hàng “bảo thủ” , “chay” , nghĩa là đã bị “lão hóa”.
NMG: Theo dõi các thảo luận trên Diễn đàn, tôi có cảm tưởng như nhiều bạn tức giận vì một khối đông khổng lồ bảo thủ và trình độ thấp (có bạn nói thẳng là phải giáo dục họ cho trình độ họ cao lên, đủ sức đọc mình) đã phá hoại cuộc vận động đổi mới của mình. Nói thật, tôi nghĩ các bạn đó bị nhiều hoang tưởng, như nhân vật Don Quixote vậy. Ở trong nước, rõ ràng có một sức mạnh bảo thủ ghê gớm, chẳng những bảo thủ mà còn có súng có còng có quyền. Ngoài này, chúng ta có hoàn toàn tự do. Không có sức phản động nào ngăn cản tự do đổi mới cả. Ai không ưa những bài thơ của Khế Iêm hay Đỗ Kh., họ im lặng. Chỉ có bà Trần Mộng Tú dại dột nói rõ không ưa, và đã bị trừng trị thích đáng. Có báo trong tay, có tài và cũng có tiền để in sách, mình tự do phổ biến tác phẩm mới, tự do hô hào người khác theo mình. Nếu không có nhiều người theo, thì hoặc là mình chưa đủ tài, hoặc là họ chưa đủ trình độ, và mình lại phải gác bớt công việc sáng tác viết sách dạy cho họ. Con đường hành động thênh thang như thế, sao lại có giọng giận dữ, bất mãn.
Ai đam mê cái gì thường cho rằng chỉ có điều mình đam mê là quan trọng, là cao cả. Sai. Sai rất lớn. Mình mê văn chương thì lao đầu vào chuyện viết chuyện đọc. Nhưng đừng vì vậy mà cho những người có đam mê kiểu khác là thấp kém. Một nhân vật của Võ Phiến (Bốn Thôi) suốt đời chỉ có cái sướng trưa trưa tìm chỗ vắng nhổ lông mũi. Cái sướng của anh ta có cường độ cũng ngang bằng cái sướng của chúng ta khi đọc một cuốn sách hay. Còn vì sao anh ta không biết thưởng thức văn chương mà chỉ biết thưởng thức cái thú nhổ lông mũi, thì nhiều nguyên do lắm, những nguyên do ngoại tại không thuộc trách nhiệm của Bốn Thôi. Đã không phải lỗi của anh ta (nếu cho đó là lỗi) thì Bốn Thôi cũng không đáng bị khinh bỉ. Tôi nghĩ cả hai thái độ: xem nhẹ văn chương và xem nặng văn chương đều sai. Mình mê cái gì thì phải tận tâm cho cái mê đó, làm hết sức mình, kiên trì chịu đựng để thành công. Nhưng vì mê văn chương mà xem văn chương là trời là đất, thì còn sai hơn cả xem thường văn chương. Tôi e rằng hầu hết các bạn trên Diễn đàn đều có một ước vọng chung là làm mới văn chương, thoát khỏi tình trạng trì trệ hiện nay cả trong nước lẫn ngoài nước. Nhiệt tín đưa tới hoang tưởng và quá khích, cuối cùng tới một tình trạng nhận định, đánh giá hết sức sơ lược: cái gì cũ đều không đáng đọc vì vô ích. Một trăm cái mới chưa hay đáng giá hơn một trăm cái cũ hay. Thơ như thế này mới là thơ, thơ mà có vần điệu, ý nghĩa dễ hiểu, anh anh em em, vứt đi. Sách in ra không ai nhắc tới, bán không được: ôi bọn độc giả trình độ kém quá, làm sao họ biết ta là James Joyce là Van Gogh. Theo cái đà đó, chúng ta tự nhốt chúng ta vào một thứ ghetto khắc nghiệt, và sống bằng một thứ kiêu hãnh phi thường. Nhưng thế nào là mới thế nào là cũ, cho đến nay tôi vẫn chưa thấy các bạn bàn cho phân minh, ngoài việc nêu tên một số sách một số tác giả Tây phương làm mẫu mực. Tôi cho rằng cái mới không nhất thiết phải ở phương Tây, nhiều khi ở ngay trong chúng ta, ở ngay trong những người ta tưởng không có gì đáng nói.
TLH: Bước qua năm 2001, có vị đã đề cập đến những vấn đề lớn lao của một ngàn năm tới, tôi không dám nghĩ đến những điều quá lớn lao, Chỉ rón rén xin ông cho biết ý kiến về tương lai phát triển của loại báo văn học thuần túy trong tương lai nằm trong tình hình sinh hoạt chung của văn học hải ngoại?
NMG: Căn cứ vào số người viết lẫn số người đọc ngày càng giảm của tạp chí văn chương, tôi bi quan. Sẽ tới ngày tạp chí văn chương vì thiếu độc giả, phải đình bản. Hiện nay số người viết và số người đọc xấp xỉ bằng nhau. Sẽ tới ngày số người đọc ít hơn số người viết (vì người viết thường không đọc nhau). Sách ngày nay được in ra tràn lan, phần lớn do nhu cầu của người viết chứ không do nhu cầu của người đọc.
TLH: Trong quá trình phát triển, hình như ông vẫn gởi tờ Văn Học một cách giới hạn về bạn bè trong nước. Trong tương lai, ông có nghĩ rằng, ông sẽ có kế hoạch qui mô và công khai để phổ biến tờ Văn Học vào độc giả trong nước hay không?
NMG: Làm sao có một “kế hoạch qui mô” khi chính quyền Việt Nam hiện nay xem mọi ấn phẩm in ở hải ngoại đều khả nghi, đều mang nhãn hiệu “diễn tiến hòa bình”. Nếu Văn Học có lọt về được trong nước là do bạn đọc mang về, chứ ban chủ biên không có phương tiện tài chánh để làm việc đó. Nhưng bạn đọc Văn Học ở trong nước có nhiều, nhờ website Văn Học trên Internet. Văn Học đưa lên website một số lượng bài vở khá tiêu biểu, gần nửa số trang in.
NMT: Nếu cần nói ngay một vài điều ngắn gọn về tạp chí Văn Học, anh sẽ nói gì?
NMG: Một diễn đàn văn chương mở rộng, trung dung, ai tới cũng được miễn là có đam mê văn chương và không quá khích (dù với bất cứ lý do gì).
NMT: Hình như anh nói cho anh chứ không cho Văn Học.
NMG: Có lẽ thế. Tôi xin thêm: Văn Học hãnh diện được làm nơi khởi nghiệp của đa số các nhà văn nhà thơ hải ngoại, mặc dù họ khác nhau rất xa. Văn Học không trung dung, mở rộng thì làm sao những cá tính khác nhau ấy cùng gặp nhau trên Văn Học.
___________________________________
(1) “Thư của Ban Chủ Biên Tạp Chí Văn Học”, Văn Học, số 1 tháng 02- 1986.