Nguồn: Tạp chí Văn Học số 149
Tôi nhớ chiều hôm đó có buổi tiệc tất niên tổ chức tại nhà tôi khoảng mười ngày nước Tết Ất Hợi 1995. Những người tham dự đều là bạn văn thân tình của tòa soạn, người nào cũng đọc và viết thường xuyên cho Văn Học. Có thể họ đã đọc “Tháp Ký Ức”, một truyện ngắn lần đầu đăng trên Văn Học của một bút danh lạ hoắc: Phùng Nguyễn. Sáng hôm đó, Phùng Nguyễn gọi điện thoại ngỏ ý muốn tới thăm “tòa soạn Văn Học”, và tôi vui mừng bảo nên đến vào buổi chiều để gặp đông đủ những người viết trên Văn Học hơn. Giọng Phùng Nguyễn trên điện thoại ngập ngừng, hình như e ngại điều gì. Tôi bảo nếu không có gì bất tiện thì ghé một chút rồi về Bakersfield cũng không muộn, anh em ở đây muốn biết mặt tác giả “Tháp Ký Ức”.
Gác máy điện thoại, tôi đâm lo. Vì tôi đã nói dối với một người bạn văn mới quen mà chưa gặp mặt. Những nhà văn có mặt trong tiệc tất niên chiều hôm ấy chưa chắc đã có thì giờ đọc hết Văn Học số Tết, còn đã đọc “Tháp Ký Ức” hay chưa, tỉ lệ xác suất lại càng thấp hơn. Tôi ngại giây phút Phùng Nguyễn đến nhà tôi, theo lời tôi giới thiệu sẽ bắt tay người này người nọ để phải nghe những lời xã giao thiếu nội dung mà một người cầm bút tinh nhạy như Phùng Nguyễn phải nhận ra. Tôi nhớ cảm giác của mình khi lần đầu có một bài viết được đăng trên Bách Khoa, nhớ niềm tin ngây thơ hồi ấy, nghĩ rằng tất cả những người mình gặp đều là độc giả của Bách Khoa, hoặc nếu không phải là độc giả trung thành của Bách Khoa họ cũng phải đọc số Bách Khoa có đăng bài của tôi…
Hôm ấy Phùng Nguyễn đến trễ, và như ạnh báo trước, anh không thể ở lại cho đến hồi tan tiệc. Anh hơi bối rối, dè dặt. Chuyện ấy dễ hiểu. Lần đầu anh gặp những người anh từng đọc tác phẩm của họ. Lần đầu anh tới một “tòa soạn” mà chẳng thấy có chút gì giống như anh tưởng tượng về một tòa soạn. Chưa kể tuổi tác: anh là người trẻ nhất. Anh lúng túng không biết phải xưng hô làm sao cho phải. Nhưng thời gian ngỡ ngàng làm quen và dò la thích nghi không kéo dài lâu. Nhà văn Võ Phiến hỏi về cô giáo Tố Quyên. Nhà văn Ngự Thuyết hỏi về người thầy nhân từ thuộc hoàng tộc. Lan qua chuyện tháp Chàm, chuyện đất Quảng. Không cần giáo đầu dài dòng, “Tháp Ký Ức” nghiễm nhiên trở thành đề tài bàn luận. Tôi tin buổi chiều tất niên hôm ấy ghi một ấn tượng đậm trong trí nhớ của Phùng Nguyễn, và biết đâu, đó cũng là động cơ giúp anh hăng hái viết sau này. Tôi cũng tin rằng truyện ngắn ấy định hình cho văn nghiệp của Phùng Nguyễn. Các bạn đã đọc lời giới thiệu của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng. Ðã đọc cả tập truyện. Tôi xin trình bày suy nghĩ vừa rồi của mình, để bạn đọc xét xem có đồng ý với tôi không.
“Tháp Ký Ức” là một truyện ngắn cổ điển, kể lại những kỷ niệm thời thơ ấu ở nhà trường. Thầy xưa, bạn cũ, tên trường, cấp lớp, và có lẽ tất cả những biến cố trong truyện đều có thật. Viết một truyện như thế cho tập san kỷ yếu của Hội ái hữu cựu học sinh Trần Quí Cáp, hoặc đặc san Tết của Hội đồng hương Quảng Đà, thật không khó khăn bao nhiêu. Lòng người viết chùng lại , bùi ngùi trước bao nhiêu vật đổi sao dời, bâng khuâng với những kỷ niệm đã mất, người cựu học sinh sắt đá đến mấy cũng dễ trở thành một người mơ mộng, mẫn cảm, bao dung, lãng mạn. Tuổi thơ hiển hiện trở về, và vô cùng quí giá vì chất mong manh của nó. Không phải ai cũng có thể kể lại gẫy gọn và chính xác những kỷ niệm ấu thơ. Nhưng kể được chuyện xưa không khó. Bằng chứng là những đặc san của các hội ái hữu cựu học sinh Pétrus Ký, Chu văn An, Ðồng Khánh, Quốc Học, Gia Long, Trưng Vương, Lê văn Duyệt, Bùi thị Xuân, Trần Hưng Đạo, Võ Tánh, Cường Để, Trần Quí Cáp, Phan Chu Trinh…không bao giờ thiếu bài.
Vậy thì cái gì đã khiến cho “Tháp Ký Ức” vượt lên trên những bài viết dành cho đặc san các hội ái hữu cựu học sinh, trong đó có cựu học sinh Trần Quí Cáp, Hội an?
Cái nổi bật đầu tiên là cách lựa chọn những kỷ niệm để kể. Cuộc đời của một cậu học trò nghèo ở một làng quê heo hút trong một gia đình nghèo khổ neo đơn, vốn đã có nhiều kỷ niệm đáng kể. Những trò tinh nghịch của đời sống học đường cũng hấp dẫn lắm. Phùng Nguyễn kể chuyện xưa, cũng theo các thông lệ của hội viên các hội ái hữu cựu học sinh. Nhưng anh không dừng ở đó, để kín đáo khoe sức phấn đấu và sự thành công của mình trong hiện tại. Cũng không dừng lại ở những trò tinh nghịch mà mấy ông ngoại bà nội lâu lâu gặp nhau lật album cười đùa hí hí với nhau, khi đám con cháu đã ở ngoài tầm nghe tầm nhìn. Trong những kỷ niệm của thời thơ ấu, anh chọn một kỷ niệm khác thường: lần bị nhà trường trừng phạt vì đã có những phát biểu khác thường về ý nghĩa của truyện “Vàng Tháp Hời”.
“Hy vọng luôn luôn hướng về tương lai, cô Tố Quyên giải thích, hai anh em trong bài viết này hy vọng rằng họ sẽ tìm được kho vàng chôn giấu trong cái tháp Chàm cổ kính. Tôi đưa tay lên phản đối. Hy vọng không nhất thiết phải hướng về tương lai. Trước khi đi tìm vàng, hai người hy vọng đã có một kho tàng trong tháp Hời . Có vàng hay không có vàng trong cái tháp Hời là chuyện của quá khứ. Do đó, trong trường hợp này, hy vọng đã hướng về quá khứ. Đám học trò con trai, ngoại trừ thằng Thước, vỗ tay tán thành ầm ĩ. Hơi ngạc nhiên về cái lý luận…bá láp của tôi, cô Tố Quyên bắt cả lớp im lặng rồi giải thích rằng có vàng trong tháp Hời, đối với hai anh em trong câu chuyện, là một niềm tin, không phải hy vọng. Với lối lý luận cù nhầy, lũ chúng tôi vẫn khăng khăng cho rằng hy vọng có tính cách…hai chiều, không phải một chiều như cô đã khẳng định. Không còn “hy vọng” thuyết phục được chúng tôi, cô Tố Quyên trong một lúc “tuyệt vọng” bèn…khóc. Sau này, trong cuộc đời ba chìm bảy nổi của mình, tôi cũng đã có dịp chứng kiến đàn bà khóc, có khi vì tôi, có khi vì tình địch của tôi, có khi vì một lý do nào khác, cũng có khi không vì lý do nào hết. Nói chung đàn bà trông đẹp và dễ thương hơn khi họ khóc, nhưng tôi chưa thấy ai khóc… đẹp bằng cô Tố Quyên.”
Kỷ niệm độc đáo ấy đưa “Tháp Ký Ức” ra khỏi những tập kỷ yếu những hội cựu học sinh trường này trường nọ. Nó cũng vượt lên trên những tấm ảnh cũ đen trắng dán trong các tập album gia đình. Hơn thế nữa, không một chút đại ngôn, truyện ngắn đầu tay của Phùng Nguyễn cũng vượt lên trên những sáng tác của những người ra đi tị nạn cộng sản từ Miền Nam thuộc thế hệ trước anh hay cùng thế hệ của anh, những sáng tác làm nòng cốt cho văn chương hải ngoại.
Thật vậy, nhìn lại hơn hai mươi năm định hình và tồn tại của văn chương hải ngoại, chúng ta thấy phần lớn người viết đều “kể lể” về quá khứ với một giọng văn khi xót xa khi nuối tiếc. Rất ít người chịu nhìn lại quá khứ trong toàn cảnh của lịch sử, chưa nói họ quen một điều hiển nhiên là quá khứ chỉ là một chặng thời gian trong cái dòng tự nhiên đưa cuộc đời chúng ta từ đầu nguồn quá khứ tới hiện tại, và xuôi dòng tới tương lai. Hoặc nếu chỉ muốn bấu víu lấy quá khứ thì cũng ít người chịu bình tĩnh phân tích quá khứ để rút ra một bài học. Phùng Nguyễn ôn chuyện cũ như một kỷ niệm đẹp, nhưng anh không dừng ở đó. Anh nâng tấm ảnh cũ lên thành một suy niệm về nhân sinh:
“Bây giờ là sáu giờ sáng. Tôi có thói quen dậy sớm, ngồi một mình ở cái bàn ăn nhỏ. Trước mặt tôi là ly cà phê nóng với cái hương vị lai căng – cà phê bột của Mỹ và sữa đặc có đường hiệu Ông Thọ – và điếu thuốc lá đầu ngày. Có lần tôi đọc một truyện ngắn, hình như của Phan Du, về một ngọn đèn vàng ở một góc cầu thang nào đó đã nhắc nhở tác giả về một ánh đèn vàng ở một nơi chốn khác trong quá khứ. Ngọn đèn như chiếc chià khóa thần diệu mở ra một ngăn kéo của ký ức, ở đó tác giả tìm thấy lại hình ảnh của người tình chìm khuất. Còn tôi? chìa khóa nào đã mở ra cho tôi tuổi hoa niên, ngôi tháp Chàm đổ nát, mái trường thân yêu, những cái tên đã tưởng không bao giờ còn nhớ nổi, nụ hôn đầu đời sướng tê người, chùm hoa phưọng đỏ rực, và những con sâu đo gớm ghiếc? Tôi không biết. Tôi chỉ biết cảm ơn cái quyền lực huyền nhiệm nào đó đã cho tôi khả năng sống lại những kỷ niệm xa xưa.
Tôi mong một ngày nào đó được gặp lại Thước để xin hắn tập thơ hắn làm cho cô Tố Quyên vào năm mười hai tuổi , nếu hắn còn sống và còn giữ tập thơ. Tôi cũng rất mong gặp lại cô Tố Quyên để hỏi cô một lần nữa “Phải chăng hy vọng chỉ hướng về tương lai? Nếu phải, thì buồn quá, bởi vì chẳng lẽ những ngăn kéo ký ức tôi mở ra cùng với ly cà phê lai căng và điếu thuốc đầu ngày chỉ chứa có mỗi một niềm tuyệt vọng thôi sao?”
Tôi hiểu vì sao những bạn văn thuộc nhiều thế hệ khác nhau hỏi han ân cần về cô Tố Quyên chiều hôm ấy. Ðó là một cách gián tiếp xác nhận một văn tài. Hơn thế nữa, xác nhận một niềm hy vọng khá phức tạp (giống y như sự phức tạp trong cách lý giải truyện Vàng Tháp Hời trong truyện của Phùng Nguyễn). Hy vọng rằng thế hệ những nhà văn như tác giả “Tháp Ký Ức” thực hiện được một công việc mà những người thuộc thế hệ trước, do nhiều nguyên nhân, chưa thực hiện được: nhìn lại quá khứ, một cách thiết tha nhưng trầm tĩnh, để rút một bài học cho tương lai. Văn chương không còn là những lời kể lể tiếc nuối khôn nguôi về một thời vàng son đã mất. Cậu bé học trò nghèo của trường Trần Quí Cáp đã làm cho cô giáo Tố Quyên bật khóc vì bảo hy vọng có thể hướng về quá khứ. Cậu ấy nói đúng. Quá khứ cũng là một kho tàng cho hy vọng, nếu chúng ta biết dùng quá khứ.
Nguyễn Mộng Giác
Tháng 5.1998
Số lần đọc: 151