Nguyễn Mộng Giác sinh năm 1940 trên đất Bình Định, là người con thứ hai trong một gia đình gồm 7 anh chị em, thân sinh của ông là một nhà giáo thời Pháp thuộc.
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)
Quê hương Bình Định, nơi không biết là đã có bao nhiêu anh hùng hào kiệt đã sinh ra, và làm nên lịch sử vẻ vang cho dân tộc Việt Nam. Trong đó có Kiệt xuất danh dự là người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, tiếp theo lại là nữ tướng họ Bùi, những Trần Quang Diệu, những Mai Xuân Thưởng …
Và,
ông đã là một nhà văn, mà Bão Rớt là tác phẩm đầu tiên viết năm 1972, mặc dù trước đó năm 1962 những tác phẩm của Nguyễn Mộng Giác đã đến với diễn đàn văn học trên tạp chí Bách Khoa. Tác phẩm lớn nhất của ông phải kể đến là Sông Côn Mùa Lũ.
Năm 1982 ông vượt biên và định cư tại Hoa Kỳ, sinh sống tại miền Nam, Cali. Tiếp tục sáng tác và là Chủ bút của tạp chí Văn Học từ năm 1986 đến 2004.
…
Suốt những ngày qua, từ Hải ngoại cho đến trong nước, khắp mọi nơi… ai ai cũng muốn nói đến vẻ đẹp hiền hòa của dòng sông, hay đúng hơn là người ta dùng tác phẩm lớn nhất của ông để nhắc, để nhớ về ông, nhà giáo, nhà văn Nguyễn Mộng Giác.
Nhiều người nói về một người,
nơi mà ẩn chứa một trái tim bình lặng trong một con người đằm thắm.
Nơi mà đầu thập niên 60 có chàng sinh viên đậu thủ khoa Đại học Sư phạm ban Việt Hán, nơi mà có những cô nữ sinh Đồng Khánh được sự dạy dỗ của thầy giáo Nguyễn Mộng Giác, cũng chính là nơi mà ông đánh đổ tình yêu của mình với cô học trò khả ái có cái tên rất Huế, Nguyễn Khoa Diệu Chi.
Nàng, là người tình, người vợ thủy chung, tận tụy đã dịu dàng đi bên ông suốt mấy mươi năm dài.
Nơi mà sân trường Cường Để thành phố Qui Nhơn có bóng dáng của nhà giáo, nhà lãnh đạo… có cả hình ảnh trầm tĩnh, bình lặng của người làm nghiên cứu, một chuyên viên giáo dục của chế độ Việt Nam Cộng Hoà trước năm 1975.
…
Người người nhắc đến ông bằng những cái tên: Nỗi Băn Khoăn Của Kim Dung, Bão Rớt, Tiếng Chim Vườn Cũ, Đường Một Chiều, Những Đợt SóngNgầm, Qua Cầu Gió Bay, Tìm Nơi Không Gió, Mùa Biển Động…Và, nhiều nhất, vẫn là Sông Côn Mùa Nước Lũ.
Vậy rồi, có ai hỏi: “Bao giờ thì dòng sông ấy sẽ chạm cổng trời!?”
Đó lại là một đêm mùa hè, khi mà cái nắng ấm của ngày như vẫn còn muốn âm ấp ôm lấy đêm Cali, đó là ngày mà Sông Côn chạm cổng trời, ngày 2 tháng 7 năm 2012 khi tuổi của ông vừa tròn 72.
Về hai tác phẩm lớn
Sông Côn Mùa Lũ là tác phẩm có chiều dài lẫn độ dày lịch sử nhất trong sự nghiệp Văn học của nhà văn Nguyễn Mộng Giác. Trong suốt chiều dài 4 tập với 2000 trang, được ông viết suốt 4 năm liền khi còn lưu sống lại trong nước. Từ năm 1978 đến năm 1981 đó là thời gian cam khổ nhất kiếp làm người, theo ông. Nhưng cũng từ đó mà cái tên Nguyễn Mộng Giác gắn liền với dòng sông, nó trở nên hiền hoà, đằm thắm như chính cuộc đời ông từ ngày cất bước đến hải ngoại vậy!
Bằng ngòi viết tinh tế ông đã khắc ghi lại những chứng tích lịch sử thế kỷ thứ 18. Sự nghiệp của ba anh em nhà Tây Sơn, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ được ghi dấu một cách trọn vẹn.
Năm 1991 nhà xuất bản An Tiêm tại Hoa Kỳ phát hành Sông Côn Mùa Lũ, khoảng năm 1996 ông Mai Quốc Liên thuộc chính quyền XHCN khi đi công tác sang Hoa Kỳ đã gặp nhà văn Nguyễn Mộng Giác và đề nghị được xuất bản tại Việt Nam. Năm 2000 tác phẩm “trở mình” trên quê hương, gây không ít những dư luận tranh cãi.
Nhưng lịch sử bao giờ cũng đứng về lẽ phải, về sự thật. Điều hay lẽ phải lúc nào cũng được tôn vinh, từ đó Sông Côn Mùa Lũ hiển nhiên có mặt trên diễn đàn văn học, trên hệ thống thuyền thanh lẫn truyền hình, và Hãng phim TFS thuộc Đài truyền hình trong nước đã mua bản quyền để thực hiện phim truyền hình nhiều tập.
Bên cạnh đó, phải kể đến tác phẩm Mùa Biển Động. Tác phẩm này được ông viết trong thời gian định cư tại Hoa Kỳ, với 2000 trang, dài 5 tập, viết trong thời gian 7 năm. Lần này Nguyễn Mộng Giáp thách thức với thời gian, ông kiên nhẫn trong cái mà ông gọi là ngây thơ!
Mùa Biển Động lại là một nhân chứng thời bình, nơi ghi lại những chứng tích lịch sử của thuyền nhân, nơi mà được ông viết lại, nơi mạng người chỉ trong tích tắc của hơi thở!
Tác giả đã viết một cách vô cùng chân thực, nơi mà giữa cái sống và sự chết thì buộc lòng người ta phải tranh nhau mà sống… nhưng rồi khi biết được là mình vẫn còn thở, thì cái tâm con người lại được nhanh chóng đánh thức, sống lại với tâm. Mà lẩn quẩn đâu đó vẫn còn nhìn thấy tình người, tình đời!
Đây cũng là một thiên trường tiểu thuyết thứ hai trong sự nghiệp văn chương của nhà họ Nguyễn.
Về tác giả
Ngày hôm qua,
có lẽ, đối tượng đầu tiên mà ông dành ưu ái nhiều nhất là tuổi trẻ, là những sinh viên học đường. Bằng những trải nghiệm cuộc sống của mình, bằng trái tim, bằng cả tấm lòng của một người cha, người thầy, người anh đi trước với những cử chỉ, thái độ hết sức ân cần và tha thiết. Và, ông nói, ông làm, gần gũi như thể là muốn cùng mang chung một đôi giày, cùng bước theo những bước chân mà trong đó vinh quang, có. Trăn trở, có! Buồn, có! Vui, có…! Với những người bạn trẻ!
Ngày hôm qua,
ông say sưa viết, say sưa sống, hồn nhiên, và chân thật như câu chuyện ông kể:
“Kỷ niệm vui nhất của người viết, tôi nghĩ giống nhau lắm, đó là lần đầu tiên bài của mình được đăng. Bài đầu tiên tôi được đăng là bài viết về Kim Dung, được đăng trên báo Bách Khoa. Tôi viết và gởi cho ông Nguyễn Hiến Lê. Kỳ đó vô Sài Gòn chấm thi, thấy bài được đăng lên báo, tự nhiên thấy mình quan trọng quá.Thấy tên mình nằm trên mặt báo, “đã” vô cùng. Đã đến độ mà trong chuyến bay từ Sài Gòn về Quy Nhơn cứ sợ máy bay rớt, chết mất một thiên tài. Cái cảm giác đó khó tìm lại lắm.Thường thường như vầy, mỗi lần vô hiệu sách mà thấy các tác phẩm này nọ của tác giả nào đó thì thấy ghê gớm lắm. Sau đó, mình nghĩ nếu họ viết được thì tại sao mình viết không được.Và viết được, rồi được đăng và in sách. Cuốn sách khi được in rồi, nhiều khi trong hiệu sách họ sắp trong chỗ khuất thì mình lén lén lấy để ra ngoài. Cái đó là những kỷ niệm sướng nhất và cảm động nhất.
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã viết bằng một trí tuệ lớn, bên cạnh một lối sống của một nhà đạo đức lớn nữa.
…
Ngày hôm nay,
dòng Sông Côn đã chạm cổng trời!
Dẫu rằng, nơi đó có là điểm hẹn của sự chết đi chăng nữa thì cũng sẽ phải đón chào ông bằng những cánh hoa dịu dàng, và xinh tươi!
Cũng chỉ tại đọc văn của Nguyễn Mộng Giác, mỗi người thấy niềm vui chẳng bao giờ khánh kiệt.
Cũng tại vì ngày hôm qua nơi trần gian ông đã sống thanh cao và để lại cho đời những vết son, đỏ!
HT. Nguyễn
Cali, tháng 7 măm 2012
Nguồn: http://baotreonline.com/Van-hoc/Van/nguyen-mong-giac-khi-dong-song-cham-cong-troi.html
Số lần đọc: 3383