Những triền núi đã bạt xuống để mở rộng phố phường. Còn không, những “bóng trăng khuya nơi đầu non hái củi” ? Lần này về, tôi cũng chỉ ở lại với Quy Nhơn được một đêm, nhưng lòng như vẫn băn khoăn, có lẽ vì tìm không ra những bóng hình xưa cũ.
Năm 1995, nhà văn Nguyễn Mộng Giác lần đầu tiên về lại thành phố quê hương sau 14 năm xa cách. Người đầu tiên mà ông hỏi tin tức, lại là ông Tám Khùng, một hình bóng đặc biệt mà mọi người dân Quy Nhơn trước đó đều biết. Nhưng bây giờ có lẽ ông đã “đi xa”, lớp con cháu mới lớn không còn ai nhớ.
Hình bóng cũ
Ông Tám Khùng lưu giữ trong trí nhớ (của người điên) mọi dấu ấn vui buồn của tất cả mọi gia đình nơi đây. Nhà nào có giỗ chạp, tang chế, cưới hỏi ông cũng đều mang đến những bó hoa hợp cảnh. Ngày tôi cưới vợ, năm 1974 cũng được ông đem hoa đến chúc mừng. Sau khi được ăn no, nhận quà (thức ăn dự trữ), ra đường, nếu bị lũ con nít ngịch ngợm trêu chọc, ông lại tiếp tục lấy đá, gạch đập mạnh vào ngực mình bịch bịch và kêu tên cha mẹ mình. NMG ngạc nhiên rằng nhiều lần thấy viên gạch ông đập vào ngực bị vỡ đôi. Có người thương đưa ông đến bệnh viện chụp hình kiểm tra, nhưng lồng ngực vẫn không hề suy xuyển ! Có phải vì ông tự nguyện gánh chịu mọi nỗi đau của nhân thế, nên trời ban cho sức khỏe ?
Trong một tùy bút lấy tên ông Tám Khùng làm tựa đề, viết năm 2001 ở California (cho trang Web cựu học sinh Nữ Trung học Quy Nhơn), Nguyễn Mộng Giác vẫn nhắc lại ý kiến ngày xưa: Ông Tám Khùng là công dân số 1 của thành phố Quy Nhơn. Ra trường, đi dạy từ năm 1963, Nguyễn Mộng Giác từng đào tạo nhiều thế hệ học sinh thành tài, rồi trở thành một viên chức (Giám đốc Nha học chánh) được mọi người kính trọng. Nhưng nhận định về ông Tám Khùng thật xác đáng, vì đó là ý kiến của một nhà văn.
Trơ trọi
Chính thức bước vào “làng văn trận bút” khi tuổi đời đã chín (30 tuổi). Nguyễn Mộng Giác liên tiếp trình làng với nhiều thể loại văn xuôi (khảo luận, truyện ngắn, tiểu thuyết, phóng bút). Ngay từ những trang đầu tiên, ông đã bày tỏ cái nhìn khá chững chạc của mình:
“Bây giờ nhà văn vẫn thiết yếu biểu lộ tương quan giữa con gười và thực tại, vẫn liên đới trách nhiệm về thực tại. Nhưng nhìn thực tại và tha nhâh, xã hội không phải với ý niệm không tưởng, duy lý, mà phải nhìn một thứ thực tại đúng nghĩa của nó. Thực tại Việt Nam hôm nay trong niềm vui còn lại giữa những nỗi đau đớn tủi nhục và chinh chiến, thực tại văn chương trong hoàn cảnh khó khăn của một thứ phương tiện truyền thông.
Nghĩa là phải hiểu chữ Viết trơ trọi, không đậm nét và không tô hoa.
(Nguyễn Mộng Giác: Thế đứng bấp bênh của nhà văn-1970)
Hình như Nguyễn Mộng Giác giữ mãi”tôn chỉ” này cho đến cuối đời. Nhiều nhà văn cũng theo khuynh hướng đúng đắn đó. Nhưng một đặc điểm mà người đọc nhận ra khá rõ trong văn Nguyễn Mộng Giác : ông không bao giờ lớn tiếng hay hồ đồ-dù là trong những ngày khốn khổ nhất ! Sau 1975, hầu hết giới trí thức Miền Nam sa vào cảnh “Ông giáo sư thất nghiệp, Suốt ngày đi ngoài đường, dáo dát tìm trong vô vọng, Một chiếc bóp hay đồng tiền đánh rơi của ai đó...”(Thơ Nguyễn Miên Thảo). Cuối 1973, Nguyễn Mộng Giác chuyển vào Sài Gòn làm chuyên viên của Viện nghiên cứu thuộc Bộ giáo dục, năm 1974 ông nhận giải thưởng của Trung tâm Văn bút Việt Nam (thuộc hệ thống Pen Club quốc tế). Lý lịch đó khó mà được “lưu dung”. Dù muốn hay khôn muốn, ông cũng phải chuyển mình sang “thành phần” lao động tay chân. Một người bạn của chúng tôi, anh Nguyễn Thành Hải, đứng đầu Nhà xuất bản Nhị Khê, và là giáo sư Trường Trung học La San Taberd cũng phải “tự thôi việc”. Anh Hải có nhà ở quận 10 nên kiếm được một chân lao động trong một Hợp tác xã bột mì mà các chủ người Hoa lập ra. Anh liền kéo Nguyễn Mộng Giác vào cùng làm. Giữa những ngày “lao động (chân tay) là vinh quang ấy, Nguyễn Mộng Giác đã trầm tĩnh nhìn dòng lịch sử, gửi gắm lên trang viết tâm trạng của mình. Khoảng đầu năm 19ấ, bộ trường thiên tiểu thuyết 4 tập “Sông Côn Mùa Lũ” được viết xong. Anh đến một NXB trình bày “đề cương” và mong muốn tác phẩm được xuất bản. Nhưng NXB chỉ “ghi nhận”- một cách nói khéo của những người có thẩm quyền xuất bản lúc này.
Tôi cùng một số bạn văn (chữ dùng của Nguyễn Mộng Giác) khởi nghiệp từ Bình Định còn sót lại (rất ít) ở Việt Nam đến hôm nay trong câu chuyện vãn vẫn thường hỏi nhau rằng điều gì đã tạo nên tính cách rất Bình Định (theo cả 2 nghĩa rộng và hẹp) này ? Cuối cùng, ai cũng tạm bằng lòng với lý giải” của một bậc tiền bối, cũng người Bình Định !
Mở đầu bài viết “Người Bình Định“, nhà văn Võ Phiến đã viết :
“Nguyễn Mộng Giác với tôi cùng một quê, nhưng tôi lưu lạc đã lâu thỉnh thoảng gặp nhau tôi có nhiều điều để hỏi thăm anh: tình hình an ninh ở làng này quận nọ, cảnh sinh hoạt độ này so với độ trước, những chuyện buồn vui đã xảy đến cho ông nọ bà kia v.v… Cứ thế chúng tôi lần lần cùng nhau đi vào những nghĩ ngợi lan man về chỗ quê hương.
Xưa kia, tổ phụ chúng tôi đã đến lập nghiệp tại Bình Định trong những điều kiện không biết khác biệt ra làm sao mà tự dưng tách rời hẳn đồng bào xứ Quảng về nhiều phương diện như thế…”
…Thế rồi đến cái khác nhau trong tâm hồn. Nói về đất cách mạng ngoài Trung, người ta thường nhắc đến hai vùng: Nghệ Tĩnh và Nam Ngãi. Sát bên cạnh bà con Nam Ngãi lúc nào cũng sẵn sàng phản kháng, đứng lên, vùng dậy v.v…, người Bình Định tính tình bỗng dương “thàn hậu” hẳn đi. Mặt khác, người Quảng thiên về lý trí, có tài biện luận, “hay cãi”: Phan Khôi, Phan Thanh, Phan Chu Trinh v.v…; người Bình Định dường như thiên về tình cảm, tưởng tượng nhiều hơn, trong văn học có nhiều thơ hơn là văn.”
Sau khi phân tích những đặc điểm khác biệt do địa lý và điều kiện lịch sử (Từ sau triều đại Tây Sơn, gần như người Bình Định gần như đều bị các triều đình “thành kiến”), nhà văn Võ Phiến nói rõ hơn:
“Gặp Quách Tấn, rồi gặp những con người hớn hở tưng bừng, ra rít yêu đương, hô hào om sòm như Xuân Diệu, không khỏi chắt lưỡi ao ước: “Sao mà họ sung sướng vậy?”
Thế rồi, non nửa thế kỷ sau Quách Tấn, cũng vẫn không gặp được những người Bình Định sung sướng.
(Đường vô núi)
Võ Chân Cửu, người thi sĩ đồng hương với ông Quách, viết ra những lời thơ ấy cũng trong tuổi đôi mươi. Và cũng như ông Quách giữa thời thanh xuân, Võ Chân Cửu không mấy khi đề cập tới chuyện yêu đương hạnh phúc trong suốt hai thi phẩm đã xuất bản, và dường như cũng không hề hứa hẹn một đề tài như thế trong các thi phẩm tương lai. Tiếng chuông vọng trong mây, chùa cổ bên sông, sương trắng trước thềm, đời như ảo mộng, sinh tử hai bên còn lộn lạo v.v… những cái đó dìm người thanh niên này vào những suy tư triền miên.
Ở Nguyễn Mộng Giác cũng vậy. Ngay từ những thiên truyện ngắn đầu tiên, anh đã có cái phong độ chín chắn, mực thước, đã có cái kín đáo, âm thầm, anh đã lim lỉm vào những suy nghĩ lo lắng.
Tuổi trẻ nào mà không có ái tình? Tiếng chim vườn cũ cũng có tình đấy, nhưng tình ở đây chỉ là cái cớ cho bao nhiêu vất vả ưu tư. Bão rớt cũng có tình nữa, nhưng cũng là cái cớ cho bao nhiêu ẩn ức éo le…
Từ vấn đề nọ đến vấn đề kia, Nguyễn Mộng Giác khổ tâm tìm hiểu, nghiên cứu, phân tích, rồi dựng truyện: không có bao giờ anh được thảnh thơi ung dung viết một câu truyện tùy hứng. Anh không có cái sung sướng đó…“
(“Tiếng chim vườn cũ” và “Bão rớt” là tên các tác phẩm xuất bản trước 1975 của Nguyễn Mộng Giác).
Rất mong người đọc thông cảm khi tôi lại đem các đoạn trích dẫn có nhắc đến mình.
Tiếc thương
Lần Nguyễn Mộng Giác và nhiều anh em làm văn nghệ cũ của Sài Gòn gặp nhau đông đủ là tháng 3-1981, buổi tưởng niệm người bạn Vũ Hữu Định do tôi và Nguyễn Tôn Nhan cùng Nguyễn Mộng Giác cùng gọi nhau làm tại nhà một người bạn mê thơ Vũ Hữu Định ở đường Nguyễn Thiệp ở trung tâm quận 1.
Giới sáng tác trước 1975 có đặc điểm sẵn sàng cưu mang bạn văn nghệ, dù chỉ mới nghe tên trên mặt báo. Khoảng 1973-1974, nhà của “viên chức” Nguyễn Mộng Giác ở Quy Nhơn chính là nơi “lưu trú” an toàn của Hoàng Ngọc Tuấn lúc Tuấn đang đào ngũ. Vũ Hữu Định đi giang hồ khắp xứ nhưng cứ vài tháng vẫn tạt về Quy Nhơn để được Nguyễn Mộng Giác xách xe Jeep nâu chở cùng các nhà văn trốn quân dịch khác đi ngao du. Bình thường, ít khi chúng tôi bình luận vể văn chương khi ngồi với nhau.Bữa tưởng niệm Vũ Hữu Định, mọi người đều ngậm ngùi khi nghe nhà văn tâm hồn “ít khi sung sướng vì có máu phân tích” là Nguyễn Mộng Giác nhắc đến những câu thơ “tuyên ngôn” của Vũ Hữu Định qua bài thơ “tiên tri” (Bài thơ năm 40) mà tôi đã đánh máy đưa anh trước đó :
Anh tiếc thương là Vũ Hữu Định vội mất khi đời thơ chưa trọn vẹn…
Chỉ không lâu sau bữa ấy, Nguyễn Mộng Giác khi làm “thuyền nhân” lần thứ 2, và lần này đã “thành công” để có điều kiện tiếp nối “những chữ Viết trơ trọi, không đậm nét và không tô hoa”.
*
Nói thêm
Nhiều người đọc vốn là học trò cũ nên rất mê văn của “thầy Giác”. Khi “Sông Côn mùa lũ” được trong nước xuất bản (1998), họ đều đọc rất kỹ từng trang. Có người nói : Thầy Giác là giáo sư văn chương, nguyên là sinh viên tốt nghiệp thủ khoa của Viện Đại học Huế năm 1963, không lẽ thầy lại viết sai chính tả ? Trong Sông Côn Mùa Lũ, kể cả khi tái bản, câu thành ngữ nói về sự luân chuyển của thời gian, được in là “xuân sanh, hạ trưởng, thu thâu, đông tàn“. Đúng ra phải là “đông tàng“.
Cũng là người Bình Định nên người đọc này cũng rất “thàn hậu“: Mong các NXB lần sau khi sửa bản in lưu ý giùm !
(còn tiếp)
Võ Chân Cửu
Nguồn: http://www.gio-o.com/VoChanCuu/VoChanCuuNhipThoSaiGon3.htm
Số lần đọc: 3125