Giữa tháng chạp (đầu tháng 1/2009) anh Phạm Phú Minh gọi, nói, tết Kỷ Sửu này vào trưa mồng một sẽ họp mặt, ăn tết ở nhà anh chị Võ Phiến, Tú có xuống Cali được không? Có vợ chồng Nguyễn Tường Thiết nữa, và anh Võ Phiến có triệu chứng lãng rồi đó, anh nói tiếp, xuống ngay đi.
Thơ Thơ và Trần Doãn Nho mấy tuần liên tiếp, nhắc nhở tôi đóng góp bài viết cho trang mạng Da Mầu về nhà văn Nguyễn Mộng Giác.Viết nhận định và phê bình văn học thì không thuộc lãnh vực và khả năng của tôi. Tôi chỉ có thể viết về tình thân giữa tôi và anh chị Nguyễn Mộng Giác. Những điều tôi biết và cảm nhận được trong tình bằng hữu của chúng tôi thôi.
Từ trái sang: Chị Đỗ Quý Toàn, chị Nguyễn Tường Thiết, Trần Mộng Tú, Đỗ Quý Toàn, Nguyễn Tường Thiết, Phạm Phú Minh, Võ Phiến, chị Võ Phiến, chị Đỗ Ngọc Yến (hình Trùng Dương)
Quả thực, chúng ta xa quê nhà lâu quá. Từ tháng tư năm 1975, người bỏ ra đi, thì xa quê nhà bằng khoảng cách mặt đất, khoảng cách biển khơi, bằng không gian, bằng đám mây lưu lạc; người đứng giữa quê nhà bị xa bằng những trang sử lật. Khi những trang sử lật, thật sự, nó đã thổi những mảnh hồn tứ tán đi thật xa, xa hơn cả những người di tản bằng chân.
Chúng tôi những người cầm bút lưu vong, đi xa, xa lắm! Chúng tôi không rõ mình đi xa đến mức nào, nhưng quả thật, nếu có quay lại cũng không thấy đường về. (Như người đàn bà trong kinh thánh, không nghe lời Thượng Đế, quay lại nhìn thành phố tội lỗi, đã trở thành một cây cột muối.)*
Gia đình tôi vẫn giữ việc tưởng nhớ ông bà, cha mẹ vào những ngày giỗ tết theo truyền thống Việt, mồng một tết đâu có bao giờ tôi bỏ nhà được. Hơn ba mươi năm ở Mỹ, chiều 30 nào tôi cũng xếp hương, hoa, đặt bàn thờ cha mẹ bên nội, bên ngoại, rồi làm một mâm cơm mời cha mẹ hai bên về ăn tết với con cháu. Chị và em gái tôi đã quen với nếp nhà như thế rồi. Mấy hôm trước ngày ba mươi, họ đã nhắc nhở hỏi tôi sẽ nấu món gì, mấy giờ đến.
Anh Minh lại email nhắc ăn tết với anh Võ Phiến. Chắc cũng nên đi. Các con làm việc ở Cali năm nay đều không về tết được (tôi cũng buồn trong bụng). Tôi cũng muốn nhân dịp này, thăm anh chị Chi-Giác. Chắc cũng phải đi thôi. Tôi điện thoại nhờ bà chị năm nay thay tôi làm cơm mời ông bà, cha mẹ hộ, tôi xuống Cali được không? Tôi vừa được thăm bạn, vừa cho con gái và con rể mới đi chợ tết Bolsa. Bà chị tôi nhận lời. Tôi thu xếp đi, hẹn với các gia đình ở Seattle là sẽ ăn tết vào cuối tuần kế (tức là ngày mồng 7 tết) nhân cũng đúng vào ngày giỗ ba tôi. Hứa với các cháu là vẫn có phong bao đỏ lì xì vào hôm đó.
Trưa 30 tết, đưa con gái và con rể đi chợ hoa Bolsa. Lần đầu cho con, và lần đầu cho mẹ. Tôi đi giữa những gian hàng dựng lên bằng những tấm bạt mầu xanh, những hàng kệ xếp đầy hàng tết trong khu buôn bán sầm uất trước cửa khu thương xá Tam Đa (Phúc Lộc Thọ) mà thấy ngất ngư. Mẹ bé người, nhưng đi trước, (vì mẹ là người Việt chính gốc mà), hai con theo sau mẹ. Chúng tôi đi giữa những chậu cúc vàng đại đóa, những cành mai Mỹ (Forsythia) những gốc mai Việt (mai quê nhà miền Nam) trồng trong chậu, hoa đào từng bó (hồng đào) cắm trong xô nước, loại đào Nhật (Japanese quince) trồng trong chậu sứ, hoa này có sắc đỏ pha vàng; hoa lan chiếm chỗ nhiều nhất, đủ loại, đủ mầu. Chúng tôi đi giữa những gian hàng bánh, mứt, hoa quả, và những phong bao đỏ. Thỉnh thoảng lại gặp một đám người đông lắm, chỉ thấy toàn lưng, những lưng, hỏi, được biết họ đang tụ họp chơi lô tô, chơi bầu cua. Nghe nói cũng ăn thua đến cả trăm đấy!
Chúng tôi đi giữa người Việt, và tiếng Việt. Một rạp hát lộ thiên có cả đàn keyboard dựng ngay sát bực thềm của thương xá. Chúng tôi đến vừa đúng lúc một người đàn ông trung niên đang hát, tôi không biết tên bài hát,và ngay cả đến lời bây giờ ngồi nhớ lại vẫn không nhớ rõ. Chỉ biết cái hình ảnh người đàn ông trung niên ăn mặc giản dị, quần jeans, áo sơ mi, lưng đeo một cái túi vải (backpack) đứng cầm mi-crô hát, giọng ấm áp, hát một bài hát, hình như một bài “chia tay.” Hình ảnh và giọng hát của ông làm tôi nao lòng, gợi nhớ cả một trời quê hương. Thấy như đang đứng ở quê nhà, thời trẻ lắm, nghe một người nào thân quý lắm chỉ hát riêng cho mình. Tôi cứ đứng ngây người ra, đến khi con gái kéo tay mới đi.
Về kể lại cho chị Bùi Bích Hà nghe, chị Hà nói: “Ai cũng nói cô Tú yêu một ông H.O. Cái ông đứng hát đó dám là H.O lắm à, nên cô Tú mới dễ cảm động như vậy!” Chị Hà gọi tôi là “cô” vì tôi nhỏ hơn chị (chứ không phải trẻ trung gì). Tôi cãi: “Thiên hạ hay hoang tưởng, muốn nghĩ gì thì nghĩ. Nhưng em cứ thấy giữa đất trời thiên hạ mà cả một không gian Việt Nam bầy ra trước mắt, người Việt, tiếng Việt, văn hóa cổ truyền Việt, em cảm động cái đã, rồi ai muốn nói gì, tính sau.”
Mua cho con một cái bánh chưng, một cành đào nhỏ, một chậu hoa lan, một hộp mứt để con ngày mai mang vào sở làm ăn tết với những đồng nghiệp, giới thiệu tết Việt cho những người bạn Mỹ. Thấy con hí hửng, mẹ phải giấu đi giọt lệ vừa ứa ra. (Không biết con mình còn giữ được những mỹ tục Việt này bao lâu nữa!)
Chiều 30 cuối năm, chúng tôi rủ nhau đến thăm nhà văn Nguyễn Mộng Giác. Anh Giác hai năm nay sức khỏe kém, ra vào bệnh viện hơi nhiều, đã làm chị Diệu Chi, vợ anh và những bạn thân nhiều lúc hốt hoảng gọi nhau, như chim gọi bầy. Nhưng tháng cuối của năm con chuột, anh Giác bỗng khỏe hẳn, chắc anh muốn nghênh chiến, đọ sức với con trâu. Chúng tôi gồm: anh Nguyễn Tường Thiết, Trần Mộng Tú( từ Seattle); chị Trùng Dương (từ Oregon); Đặng Hiền, anh Phạm Phú Minh, chị Bùi Bích Hà anh Võ Thắng Tiết (ba người này ở quận Cam) đến thăm anh chị Giác.
Căn nhà của vợ chồng nhà văn Nguyễn Mộng Giác, vào thời kỳ anh còn trông coi tạp chí Văn Học, mỗi tuần có họp mặt thân hữu một lần. Mỗi lần, ít nhất từ mười đến hai mươi người. Diệu Chi là một người vợ chiều chồng và rất hiếu khách, nên các bạn hữu của anh Giác đến rất thoải mái. Họ, mỗi người một món ăn, thức uống, đến đó nói chuyện văn chương, nghe tiếng cười ròn rã và những giai thoại văn học do chị Chi diễn kể lại. Chị Chi có tài kể chuyện rất thông minh, dí dỏm, hài hước. Tôi ở xa, thỉnh thoảng được tham dự, cứ cười ngất sau mỗi câu chuyện của chị. Chị bắt chước điệu bộ, cách nói của từng nhân vật chị nói đến, rất đúng và hay. Đến anh Mai Thảo nghe chị Chi nói về mình, cũng phải cười chứ không giận được.
Anh Giác hôm nay sức khỏe tốt lắm, gặp các bạn lại phấn chấn hơn, ngồi nói chuyện hơn hai tiếng, thấy anh vẫn tươi như phong bao ngày tết, cười và góp ý rất minh mẫn, không thấy nét mệt mỏi trên mặt. Chúng tôi uống trà, ăn hạt bí, nói chuyện, dĩ nhiên là chuyện văn học, chuyện ngôn ngữ mới, cũ, chuyện báo giấy, báo mạng, chuyện ra mắt sách, chuyện thật, chuyện ảo, người viết trong nước, người viết hải ngoại. Chuyện những tạp chí văn học theo nhau đình bản vì không đủ độc giả dài hạn, người phụ trách không đủ sức mang vác một mình. Duy chuyện tuổi tác, ốm đau tuyệt nhiên chẳng ai nói tới. Hình như những chuyện đó chẳng liên hệ gì đến những người viết lách. Anh Giác vui lắm, anh nói:
“Chúng mình nên thỉnh thoảng tổ chức một buổi mấy anh em văn nghệ sĩ họp mặt nhau một lần.” Ý kiến anh đưa ra được mọi người tán thành. Anh Phạm Phú Minh và chị Trùng Dương, muốn mỗi lần họp ở một chỗ khác nhau, nhưng tôi e rằng di chuyển xa lên xuống máy bay, chắc cũng là một vần đề cho anh Giác.
Nguyễn Mộng Giác là nhà văn của những tiểu luận, truyện dài, truyện ngắn, trường thiên tiểu thuyết. Trong vòng thời gian từ 1972-1991 anh đã xuất bản tổng cộng hơn 15 tác phẩm. Anh sống đời thường, ăn, ngủ như tất cả những người khác, nhưng đã là nhà văn chắc chắn anh có thế giới riêng của anh, thế giới của nhà văn không ai giống ai cả, mỗi người suy tưởng khác nhau. Nhưng những nhà văn lưu vong hầu như có một mẫu số chung: thế giới văn chương của họ cũng chính là quê hương họ. Với nhà văn lưu vong, viết tức là đang sống trong quê hương.
Trong bài diễn văn khi nhận giải thưởng Nobel Văn Học năm 2000, nhà văn Trung Hoa Cao Hành Kiện có nói :”Mỗi nhà văn là một nhân chứng cho thời đại anh ta sống.” Câu này đem áp dụng vào nhà văn Nguyễn Mộng Giác với tác phẩm Mùa Biển Động của anh thì đúng vô cùng, anh đã viết lại những gì anh chứng kiến thời chinh chiến ở quê nhà trong hoàn cảnh của một nhà văn lưu vong.
Hàng đứng: Từ trái: Nguyễn Thắng Tiết, Đặng Hiền, Phạm Phú Minh
Hàng ngồi: Trùng Dương, Trần Mộng Tú, Bùi Bích Hà, Nguyễn Tường Thiết, Nguyễn Mộng Giác.
(hình Trùng Dương)
Tập đầu anh viết tại trại tỵ nạn Kuku, Nam Dương (1982); tập hai đến tập năm anh viết tại Quận Cam, California (1983-1989). Phần đông những trang sách này được viết bên bờ biển Long Beach của bang California. (Bộ sách 5 tập này có số trang tổng cộng là 1860 trang )
Cũng nên nhắc lại gia đình anh chị Chi-Giác có năm người. Con gái đầu lòng của anh chị vượt biên đi trước tiên vào năm 1981, anh Giác và con trai vượt biên năm 1982. Năm 1993 chị Chi và con gái út sang Mỹ theo diện bảo lãnh củ.a anh Giác. Năm 1975, anh Giác, một nhà giáo, bị bắt về tội “làm mật vụ cho Mỹ.” Chắc tra hỏi mãi ông giáo hiền lành này chẳng tìm ra được dấu tích nào là CIA, họ thả anh ra sau 4 tháng biệt giam tại Nha Cảnh Sát, Quận 1, Sài Gòn. Anh không còn được dậy học, anh đi làm cho một công ty mì sợi của người Hoa. Chị Chi kể lại: “Anh Giác vừa làm thư ký trưởng cho hãng mì, vừa mua mì về cho Chi bán kiếm thêm tiền. Tú cứ tưởng tượng ra, mỗi buổi chiều, anh Giác chở mì về cho Chi, hai thùng mì ở hai đầu xe đạp, anh ở giữa, không thấy người chi cả, chỉ thấy cái xe đi. Năm 1977, Trung Quốc và Việt Nam đánh nhau, công ty mì sập tiệm, tất cả nhân viên bị vào tù, anh Giác cũng bị vạ lây 5 tháng tù. Anh vượt biên nhiều lần, có khi không thoát nhưng không bị bắt, có khi bị bắt, thêm vài tháng tù nữa. Cứ còn ở Việt Nam chắc là anh Giác còn tù dài dài.” Rồi chị kể tiếp: “Khi anh Giác vượt biên, thoát được rồi, Chi phải khai báo gian, Chi lên xã khóc lóc, khai bị chồng bỏ, không biết đi theo ai mất tiêu rồi, kiếm không ra.”
Cuối cùng, năm 1982, anh đến được Nam Dương với con trai. Bàn viết của nhà văn lưu vong bắt đầu trên đảo Kuku từ ngày đó. Anh sang Mỹ năm 1983, anh đi học nghề thợ in. Học xong anh làm cho tờ báo Đồng Nai (báo biếu) được hai năm, anh xin được việc làm “graphic designer” cho công ty in “yellow book” GTE, làm ở đó cho tới tuổi hưu (1987-2003). Anh viết tiếp 4 tập sau của Mùa Biển Động tại bang California (1983-1989). Song song với viết sách anh làm thêm tạp chí Văn Học, và đợi vợ với con gái út sang.
Nhiều văn hữu cùng cộng tác với anh Nguyễn Mộng Giác làm tờ Văn Học theo từng thời kỳ. Anh làm khá lâu, đến mười chín năm (1985-2004). Địa chỉ ở đường Strait của thành phố Westminster là nơi các văn nghệ sĩ ở gần đến họp mặt hàng tuần, và cũng là nơi tiếp đón những bạn văn phương xa. Tôi và chị Bùi Bích Hà rất thân với anh chị Giác. Khi chúng tôi gặp nhau, chị Chi tha hồ kể chuyện và chúng tôi tha hồ cười. Anh Giác nói chuyện văn chương, anh nhận xét văn học trong nước và hải ngoại với những ý kiến rất công bằng. Không thấy dấu vết thù hằn gì cho cái xã hội đã vùi dập anh, mặc dù thỉnh thoảng trong câu chuyện vẫn có thoáng chua xót, thoáng thất vọng, thoáng ngậm ngùi của một người cầm viết lưu vong.
Chị Chi là một phụ nữ rất đặc biệt. Tôi nghĩ trời sinh chị ra để làm vợ một nhà văn lưu vong. Trong thời gian dài gần 20 năm, từ 1975 đến1993, dù phải đương đầu với bao nhiêu khó khăn, thiếu thốn, khổ cực. Lúc lo nuôi tù, lúc lo chồng, con vượt biên, lúc ở lại một mình với con gái út, luôn luôn bị cán bộ gọi lên tra vấn, chị vẫn vừa khóc âm thầm một mình, vừa cứng rắn đối diện với mọi hoàn cảnh xã hội, cất giấu sách của chồng, và khi được chồng bảo lãnh, chị mang theo được toàn bộ trường thiên tiểu thuyết Sông Côn Mùa Lũ (1962 trang). Một bộ sách anh Giác không cách nào mang theo được khi vượt biên. Anh Giác cũng chịu, không biết bằng cách nào chị giấu và đem đi theo mình sang Mỹ được.
Mỗi lần tôi xuống Cali vào dịp cuối tuần, đều được mời đến họp mặt. Sau này vì lý do sức khỏe, tuy anh hết làm tờ Văn Học, bạn hữu thưa dần, tôi và chị Hà đến bất cứ lúc nào cũng được đón tiếp như người trong gia đình. Gọi buổi trưa, chị Chi hẹn chiều đến. Gõ cửa, anh Giác đi ra với nụ cười hiền trên môi. Chị Chi vồn vã, đem thức ăn ra đầy bàn. Vừa ăn vừa nói chuyện. Thật ra nghe chị Chi nói và nhìn anh Giác cười nhè nhẹ là đúng nhất. Chị kể chuyện cũ, chuyện mới, chính xác như tin của đài Bolsa. Chị Chi kể chuyện rất có duyên, chúng tôi nghe, như nghe hạnh phúc reo. Anh Giác cứ ngồi ngây người, nhìn vợ đắm đuối (chữ của chị Hà). Chị Chi cũng rất nhậy cảm, có khi kể lại chuyện cũ quê nhà, thời gian anh Giác bị tù, anh Giác vượt biên, chị phải ứng xử ra sao, chị vẫn ứa nước mắt.
Bao giờ ở nhà anh chị Nguyễn Mộng Giác ra về, cũng vào buổi tối. Tôi nhìn ánh sáng của bóng đèn nhỏ, hắt xuống từ trên cao của cột đèn đường, soi một cái quầng sáng mềm mại vào bóng đêm, tôi nghĩ đến người đàn bà “Nguyễn Khoa Diệu Chi,” người đứng bên cạnh nhà văn lưu vong Nguyễn Mộng Giác. Đời chị như một ngọn đèn đường ban đêm, và chị đã cho anh hết cả cái cái quầng sáng nhỏ bé, mềm mại đó để anh tồn tại với thăng trầm của đời sống. Tôi cũng biết, mình vừa được hưởng một khoảng thời gian thân quý tình bạn, và tôi thầm mong cho bầu trời mùa đông của những tháng năm đời người, không phải là trở ngại cho những con chim lưu xứ chúng tôi, muốn tìm gặp nhau.
Trưa mồng một tết chúng tôi gồm anh chị Đỗ Quý Toàn, anh chị Nguyễn Tường Thiết, chị Trùng Dương, chị Đỗ Ngọc Yến, chị Bùi Bích Hà, anh Phạm Phú Minh, anh Đỗ Việt Anh và Trần Mộng Tú đến chúc tết anh chị Võ Phiến và ăn bữa cơm tân niên. Căn nhà anh chị ở trong một khu chung cư an toàn, lịch sự ngay giữa thành phố Santa Ana. Tôi đã tới đây hơn một lần thăm anh chị. Cứ hai, ba tháng tôi từ Seattle bay xuống Quận Cam thăm các con và ở với chị Hà ít ngày. Chị Hà bận lắm nhưng cũng cố thu xếp đưa tôi tới thăm anh chị Võ Phiến, vì biết anh chị rất vui khi có bạn đến thăm. Căn nhà hơi rộng cho hai người lớn tuổi, nhưng lúc nào cũng ngăn nắp, sạch sẽ. Cây quýt trước cửa mỗi năm vẫn trĩu quả như những chiếc đèn lồng đỏ ai mang treo trên đó, hoa hồng nở quanh năm bên lối vào nhà. Vườn sau có hoa bông giấy, hoa lan, hoa huỳnh anh, và một giàn cây mơ tam thể (đã có lần tôi hái vào làm món chả trứng lá mơ của người Bắc cho anh chị thưởng thức). Trong nhà có bàn thờ gia tiên, trên tường có thơ thủ bút của Vũ Hoàng Chương, tranh của Võ Đình.
Chị Võ Phiến hơi gầy đi so với lần gặp mấy tháng trước, chị rất minh mẫn, và nhớ mọi việc cũ, mới. Chính vì sự minh mẫn này làm chị lo lắng hơi quá về sức khỏe của anh, chị lan man lo cả đến những sự rủi ro chưa tới. Anh Võ Phiến nói ít, cười nhiều, anh tặng mỗi người một trang giấy hoa tiên có in bài thơ anh mới viết cho cuộc họp mặt này. (Còn làm thơ, có nghĩa anh chưa lãng như anh Minh lo). Chúng tôi phụ chị dọn bữa ăn tân niên. Rượu bồ đào được rót ra, mầu đỏ sóng sánh trong những chiếc ly thủy tinh trong suốt, tiếng ly chạm vào nhau với lời chúc mừng một năm đang bước vào tuổi đời mỗi người. Mầu đỏ chiếc áo dài chị Võ Phiến mặc, hắt xuống đĩa bánh chưng xanh, đĩa cá kho, đĩa giò chả, nhuộm thành mầu tết ấm áp vào cả một khoảng không gian chung quanh. Tôi nhìn anh chị, nhìn bằng hữu quây quần, thấy thời gian, thấy tình nghĩa, thấy quê nhà, thấy cả lưu vong trên mỗi chúng tôi. Thường chuyện của những văn nghệ sĩ khi ngồi vào với nhau bao giờ cũng là chuyện viết gì bây giờ? Ai viết đều tay, ai viết hay, ai viết phê bình, ai làm thơ? Nhưng trong bữa ăn trưa của ngày đầu năm này chúng tôi chỉ nói đến thời gian, đến bạn hữu xa gần, đến lần họp mặt tới.
Ở với anh chị đến gần xế trưa, cũng phải xin phép về sợ anh chị mệt. Anh chị còn lưu luyến lắm, nhưng cũng đành chia tay. Mọi người cùng về, để lại anh chị và căn nhà mênh mông. Vào trong xe, quay đầu nhìn lại, thấy anh chị đứng cạnh nhau, vẫy hai bàn tay già trong nắng xuân chấp chới. Muốn khóc!
Hơn ba mươi năm quê người, bao nhiêu nhà văn lưu vong, bao nhiêu dòng chữ được viết ra, bao nhiêu cuốn sách đã in, bao nhiêu trang mạng được thiết lập. Những vết thương mở ra, băng lại… rồi lại mở ra, cứ thế, biết bao lần! Nước mắt tưởng lau khô, vẫn ứa ra vào những lúc rất bất ngờ.
Đấy, đời của những người cầm bút lưu vong là thế. Nhưng không sao. Điều quý nhất của chúng tôi bây giờ là: “tình bạn,” nó vượt lên trên cả ngàn ngàn trang giấy và trăm trăm dòng chữ, giúp chúng tôi thăng hoa cả hạnh phúc lẫn nỗi buồn.
Trần Mộng Tú
Tháng Giêng/Kỷ Sửu.
Ghi chú: (*) Sách Sáng Thế Ký (Genesis). Thượng Đế trừng phạt hai thành phố tội lỗi Sodom và Gomorrah (phía nam của Dead Sea, tức là Biển Chết). Ngài thương xót cho người đàn ông tên Lot được di tản với lời dặn: “Hãy đem vợ và hai con gái đi thật xa, không ngừng lại chung quanh đây, cũng không được quay lại nhìn thành phố đang bị phá hủy này. Nếu không các con sẽ biến thành muối.” Vợ ông Lot không vâng lời, quay nhìn lại thành phố đang bị phá hủy, tức khắc bà bị tàn tro của thành phố đang cháy đó (cũng có thể do muối ở Dead Sea) biến bà thành một cây cột muối.
Nguồn: http://damau.org/archives/4866
Số lần đọc: 3934