Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàTruyện NgắnXuôi DòngNhững ngả rẽ một dòng sông

Những ngả rẽ một dòng sông

Nguồn: từ tập truyện ngắn Xuôi dòng, nhà xuất bản Văn Nghệ, Hoa Kỳ, 1987

Ông Larry Scott bỏ bút xuống, ngồi dựa vào ghế nhung êm và nhắm mắt lại đế cố vượt qua cơn ngộp thở đột ngột kéo đến. Căn phòng có máy điều hòa ấm áp nhưng ông vẫn thấy lạnh run. Cái bệnh huyết áp cao thật quái dị. Da dẻ ông hồng hào, người ông mập mạp, nhưng sức khỏe của ông chẳng khác nào cây lau yếu ớt. Thời tiết trở mình một chút là máu trong người ông chạy rần rật, mặt ông nóng lên, lưỡi đơ ra, ăn nói ngọng nghịu. Cái chết không biết sẽ đến với ông lúc nào, có thể lúc ông đang ngủ. Được như thế càng khỏe. Nhưng biết đâu ông sẽ bất ngờ gặp phải một cái chết thảm thương hơn. Như đang sửa soạn bước lên chiếc Limousine mầu xám bạc giá gần 150.000 đô thì đứt gân máu ngã quị xuống lòng đường, làm cái đích hiếu kỳ cho đám đông. Hoặc có thể ông đang đứng ở bao lơn lầu hai tòa biệt thự giá l triệu đô để ngắm những con hươu chạy đuổi nhau trong vườn xanh mượt cỏ thì đầu óc nhộn nhạo quay cuồng, ông té xuống lầu,thân xác bầm dập đẫm máu đến nỗi cô Diana, con gái cưng của ông cũng không dám mon men lại gần để đặt nụ hôn tử biệt lên trán cha.

 

Đã đành như một người bạn già của ông nói, “Có bệnh hoạn mới có dịp để về quê“, hoặc mới có cớ đế trốn dứt khoát hết bao nhiêu thứ phức tạp chua cay của đời, nhưng phải bệnh cho ra bệnh kìa! Đằng này huyết áp cao đúng là bệnh mà không ai nhìn thấy ông bệnh để nâng niu chìu chuộng ông. Chẳng khác nào một thứ bệnh giả vờ. Bà vợ đã ly dị của ông bảo ông trái chứng để hành hạ bà, con gái thấy ông viết chúc thư tuy có hồi hộp mừng rỡ nhưng vẫn nhìn cha với đôi mắt bao dung thương hại, “Cha lẫn rồi”. Ý cô nghĩ vậy. Ông biết rõ con gái nghĩ gì, nhưng không có cách nào giải thích cặn kẽ lòng ông cho Diana hiểu được.

Sáng nay, ông Larry Scott ngại mình chết bất thần mà chưa làm được điều gì ngoạn mục để đời, nên trải tấm bản đồ thế giới ra bàn làm việc suy nghĩ hồi lâu. Ông phải làm gì đây? Phải làm cái gì để lỡ bất thần đứt gân máu ngã lăn ra chết, tên ông còn được ghi trong Guiness Book of World Records.

Năm 1983 ở vùng ông đã có hai cô cậu được lưu danh hậu thế nhờ hôn nhau lâu nhất thế giới. Món này thì ông chịu thua! Ông hay ngộp thở, và lấy làm tiếc là người ta không đặt ra kỷ lục hôn ngắn nhất thế giới. Năm 1984 hàng trăm lực sĩ trên khắp thế giới đạt được đủ mọi thứ kỷ lục.Ông1ại chịu thua lần nữa, lòng hối tiếc cho cái thời trẻ trung chỉ lo làm tiền chứ không lo tập tạ, phóng lao, trượt băng, bơi lội, nhảy xa, nhảy dài… Thế giới bao la trải dài trên tấm bản đồ trước mặt ông, vậy mà nghĩ nát óc ông Larry Scott vẫn không tìm ra được một thứ trò ngoạn mục nào để ông đạt kỷ lục để đời.

Ông thiếu sức khỏe, dù có nhiều, rất nhiều tiền!

Đột nhiên ông tìm ra một tia sáng hy vọng. Ờ, tại sao chỉ tìm những trò hại sức trong khi sức mình có hạn? Tại sao chỉ dùng sở đoản trong khi lại không tận dụng sở trường là gia tài kếch xù của ông? Không vung tiền ra để đạt một thứ kỷ lục nào đó thì lúc nhắm mắt xuôi tay, ông có mang theo của cải, nhà cửa, các cổ phần trong công ty địa ốc, công ty xây cất, công ty sản xuất đồ sứ… được đâu! Phải dùng tiền để làm một cái gì ngoạn mục, chẳng hạn một công việc từ thiện, hoặc đóng góp vào một công trình văn hóa.

Ông thấy mình có lý. Trong cơn hứng khởi ông thấy khỏe khoắn hẳn lên. Ông cầm lại cây bút đỏ, đưa đầu bút di chuyển lên khắp năm châu để tìm một chỗ xứng đáng để ông ban ơn. Đầu bút của ông đưa về Âu châu trên tấm bản đồ. Tái thiết lại nhà thờ Notre Dame ở Paris? Không ổn! Chưa chắc tay tổng trưởng văn hóa nặng đầu óc tự ái quốc gia Jack Lang chịu nhận tiền của mình. Phục hồi các di tích đền đài đổ nát ở Hy Lạp? Tay thủ tướng Papandreou thuộc đảng xã hội này cũng khó chơi y như tên tổng trưởng văn hóa Pháp. Đừng rờ vào Hy Lạp mà tiền mất tật mang! Cứu đói ở Ethiopia? Ối dào! Hàng triệu người đói, và nhiều triệu người khác cũng sắp đói, gia tài của mình đổ vào đó như muối đổ biển, lôi kéo được sự chú ý của người đời nay đã khó huống hồ làm sáng rỡ mắt của hậu thế!

Bỏ tiền chữa mắt cho những người Ấn bị mù vì tai nạn hơi độc ở Bhopal? Chuyện này hãng hóa chất Union Carbide đang lo, mình xía vào người đời chẳng khen mà còn chê là dại.
Đầu bút của ông Larry Scott di chuyển dần về Á châu. Chầm chậm. Lơ đãng… Cuối cùng, cùi chỏ ông đụng nhằm cái intercom, bắt buộc tay phải ông Larry ngưng cử động. Và may mắn làm sao, đầu bút “phiêu lưu” ấy dừng lại trên cái hình chữ S tô mầu hồng nằm bên bờ Nam hải. Ông Lany Scott lẩm bẩm:

– Việt Nam! Việt Nam War! Phải rồi! Đây là nơi ta có thể làm được những điều ngoạn mục vừa với túi tiền của ta, lại gây được chú ý của thế giới.

Ông bấm intercom gọi ngay viên phụ tá giám đốc đặt trách quảng cáo lên văn phòng. Ông Robert Wilson trước hết lấy làm khâm phục sáng kiến nhân đạo của “boss”, nhưng sau đó lễ phép lưu ý ông Larry rằng Việt Nam hiện nay là một nước cộng sản. Tệ hơn nữa, là một nước cộng sản hiếu chiến xâm lăng Kampuchea đang bị khắp thế giới bao vây về kinh tế lẫn ngoại giao.

Thấy ông Lany có vẻ tuyệt vọng, viên phụ tá e dè đề nghị:

– Hay ông Giám đốc nên bỏ tiền ra giúp các boatpeople Việt Nam. Cộng đồng của họ ở gần đây thôi. Tôi có một người bạn học Việt Nam rất am tường cộng đồng này. Nếu ông Giám đốc đồng ý, tôi có thể lo liệu thực hiện nghĩa cử này của ông.

Ông Larry mừng quá, vất cây bút đỏ xuống bàn, gấp tấm bản đồ thế giới lại. Đầu óc ông hơi ngây ngất, không biết vì chứng huyết áp cao hay vì vui mừng tìm được tia sáng từ thiện. Muốn cho chắc ăn, ông kéo hộc bàn lấy thuốc trợ tim ra uống vài giọt rồi mới bảo viên phụ tá:

– Được. Anh liên lạc với họ gấp rồi cho tôi biết mình có thể giúp họ cách nào, bao nhiêu. Từ nay đây là job chính của anh.

***

Ông Robert Wilson hí hửng vì được giao một thứ job đặc biệt, job lãnh lương cao đàng hoàng nhưng chẳng phải là job, đi làm việc cho ông Giám đốc mà như đi vacation. Vì ông đã từng tham chiến ở Việt Nam hai năm. Ông đã đặt chân lên khắp nơi ở dải phía Nam mảnh đất hình chữ S này. Ông từng chở nhiều cô gái bán bar xinh đẹp nhỏ nhắn vào Chợ Lớn ăn ngẩu pín hấp thuốc bắc ở một khu phố Tàu chật hẹp và ồn ào y như những khu Chinatown tại San Francisco và New York. Ông từng thưởng thức mì cao lầu ở phố Hội An, bún bò Mụ Rớt ở Huế, hủ tiếu Thanh Xuân ở Sài Gòn. Trở về Mỹ sau hai năm phục vụ tại Việt Nam, ông cảm thấy miếng hambunger nhạt nhẽo vô vị. Hương vị Việt Nam đọng lại thơm tho nơi đầu lưỡi của ông, cái hương vị đậm đà quyến rũ khiến ông cảm thấy xa lạ với người đồng chủng. Chuyện khó tin, nhưng “be1ieve it or not”, ông yêu Việt Nam không phải qua trí tuệ, tâm hồn, không phải qua lập trường chính trị hay quan điểm nhân sinh, cũng không phải yêu qua một hình bóng nhỏ nhắn yêu kiều. Ông yêu Việt Nam qua hương vị đặc biệt của các món ông được nếm thử trong thời tham chiến.

Cho nên còn gì thú vị hơn cho ông là được la cà giữa Little Saigon đàn đúm ăn uống với những người tị nạn Việt Nam y như “thời thơ mộng”, mà hàng tuần vẫn đều đều nhận check lương để đóng bill nhà, bill xe, bill thẻ tín dụng, bill điện, bill nước…

Ngay chiều hôm đó, ông Robert Wilson lái xe đến nhà ông bạn thân người Việt thuộc hạng nhân sĩ của cộng đồng. Ông Wilson nói thẳng ngay từ đầu là ông Giám đốc muốn tài trợ vô điều kiện cho một công trình có ích cho người Việt tại đây, miễn công trình đó phải ngoạn mục và được nhiều người biết.

Là một chuyên viên quảng cáo lành nghề, nên ông Wilson hỏi ngay:

– Phải nhờ báo chí Việt ngữ làm rầm rộ thật dữ. Ở đây có tất cả bao nhiêu tờ báo tiếng Việt?

Ông Trân, nhân sĩ cộng đồng lắc đầu thú nhận:

– Tôi không nhớ hết. Nhiều lắm. À, vừa rồi tờ The Register có liệt kê các báo Việt ngữ. Để tôi tìm thử.

Ông Trân lục tìm thật lâu trong đống báo cũ vứt bừa bộn ở xó nhà bếp, cuối cùng cũng tìm ra tờ báo muốn tìm. Ông trở lại chỗ ông bạn Mỹ ngồi, và bảo:

– Mười bảy tờ tất cả, chưa kể những báo bán như bán nguyệt san hoặc nguyệt san.

Ông Wilson há hốc mồm nhìn người bạn Việt, không tin. Giọng ông đầy hoài nghi:

– Mười bảy tờ?

Ông Trân cười, nói thêm:

– Chưa kể các nội san của các hội.

Ông Wilson đâm lo âu:

– Nhiều quá làm sao thuyết phục cho họ loan tin vụ này được?

Ông Trân hỏi:

– Thuê họ đăng như đăng quảng cáo được không? Giá rẻ thôi!

Ông Wilson lắc đầu:

– Không được. Tác dụng một trang quảng cáo không bằng một mẩu tin ngắn ở trang nhất. Tôi chuyên lo về quảng cáo, biết rõ điều ấy lắm. Cho nên anh thấy đấy, trước khi tung một cuốn phim ra thị trường, nhiều khi ban quảng cáo phải bịa tin cô đào này bỏ chồng để theo anh kép đóng chung cuốn phim sắp phát hành, hoặc vai chánh kia đi bắt bò lạc bị cớm vồ vân vân và vân vân… Anh giúp hộ tôi cách nào mười tờ báo Việt cũng loan tin trên trang nhất, thì hay biết mấy.

Ông Trân đính chính:

– Mười bảy chứ không phải mười. Tôi thấy khó lắm.

– Hay nhờ một tờ báo lớn nhất loan tin, để các báo kia thấy tin hấp dẫn sẽ đăng lại?

– Khó lắm. Họ có thể đăng lại một tin thật cũ bên Úc, bên Pháp, bên Gia nã đại, nhưng không bao giờ đăng lại một tin địa phương báo khác đã loan.

Hai người ngồi im lặng hồi lâu. Đột nhiên ông Trân vỗ trán vui mừng, bảo người bạn Mỹ:

– À, tôi tìm ra giải pháp rồi. Cách tốt hơn hết, hữu hiệu hơn hết là ta gửi tin cho ông C.B.A. ở Hoa Thịnh Đốn. Ông ấy sẽ cho vào bản tin thủ đô và gửi ngược về đây. Làm như vậy thì báo nào cũng loan, vì lâu nay báo nào cũng chờ bản tin Hoa Thịnh Đốn hàng tuần để đăng đồng loạt.

***

Sáng kiến ngoạn mục của ông Larry Scott quả nhiên gây chấn động trong cộng đồng người Việt khắp tiểu bang Cali, sau khi gần hai mươi tờ báo Việt ngữ đều có đăng tin nhà tư bản hảo tâm này muốn tặng cho cộng đồng người Việt một món tiền lớn để làm việc công ích.

Gần một trăm hội đoàn đề nghị dự án để dùng món tiền đó, và đề nghị nào cũng rất hợp lý. Có đề nghị nên giúp đỡ cho những người già hiện lạc lõng giữa một nếp sống mà họ không thể nào thích nghi được, xem tivi không hiểu, lái xe trên xa lộ không quen, con cái trong nhà đi làm suốt ngày ngồi một mình trong những căn nhà tiện nghi mà không có bạn bè để chuyện trò hay trẻ con để săn sóc, lâm bệnh tâm trí vì nhớ tiếc một tiếng chó sủa, một tiếng bồ câu gù, một tiếng võng đưa, một tiếng rao hột vịt lộn hay chè đậu xanh nước dừa đường cát…

Có đề nghị nên đem tất cả số tiền đó đóng góp vào quỹ yểm trợ kháng chiến, vì chỉ lúc nào giải phóng trọn vẹn được quê hương thân yêu thì những căn bệnh lưu vong mới thực sự được trị tuyệt gốc, không còn những người bất đắc chí ngày đi “cày”, đêm về uống rượu như hũ chìm rồi đập vợ mắng con, không còn cảnh con cháu nói chuyện với ông bà phải có cha mẹ làm thông ngôn…

Có đề nghị nên gửi ngay số tiền đó để cứu trợ cấp thời cho những người tị nạn vượt biên đường bộ hiện bị mắc kẹt ở các trại gần biên giới Kampuchea-Thái lan, ở Khao I Dang, ở Dongruk, hoặc những người vượt biển nhưng sống khắc khoải trong các trại kín ở Hồng Kông.

Có đề nghị nên chú tâm giúp đỡ các trẻ em tị nạn không thân nhân. Có đề nghị nên tài trợ cho việc tìm kiếm các thiếu nữ bị hải tặc Thái lan bắt cóc…

Đề nghị nào cũng chính đáng cả, nhưng cuộc tranh luận về thứ tự ưu tiên của các dự án ngày càng sôi nổi, từ sôi nổi trở thành ồn ào, từ ồn ào biến thành ầm ĩ. Báo chí nhảy vào, bên này bênh, bên kia chống, lời lẽ ban đầu còn từ tốn ôn hòa, về sau có báo viết thẳng “mày tao” lên giấy trắng mực đen. May mắn là cuối cùng có một tờ báo đề nghị nên dùng số tiền đó vào một dự án ít gây tranh luận nhất, là xây một Đền Quốc Tổ cho cộng đồng người Việt hải ngoại.

Thật là một đề nghị thần diệu! “Cứu trợ” những người đã chết rõ ràng hợp lý hơn cứu trợ những người còn sống, vì đã đem món tiền lớn định giúp người sống thì những người còn sống này tất phải có miệng để đòi, có tay để chộp, có vai để chen, có chân để đạp. Phiền lắm! Ai cũng tranh nhau quyền ưu tiên, nên sinh chuyện cãi vả, đôi co, chụp mũ, bới móc, xỉa xói nhau. Còn gì hợp lý hơn là lập một Đền Quốc Tổ để các cụ già cô đơn có một chỗ xướng họa thơ văn, những thanh niên yêu nước có chỗ để thề nguyện hy sinh, các trẻ em nói tiếng Việt u ơ có một Mái Thiêng Liêng để mà quay về, và biết đâu, giữa cuộc sống xô bồ chạy theo tốc lực và chạy đi kiếm job, Đền Quốc Tổ không phải là nơi những cặp trai gái chọn làm chỗ hò hẹn tình yêu.

Sau nữa tháng chạy long tóc gáy đến liên lạc khắp các hội đoàn, đoàn thể chính trị, các tòa báo, các trung tâm thanh niên… ông Robert Wilson mang về được cho ông boss dự án xây dựng Đền Quốc Tổ cho cộng đồng người Việt hải ngoại.

Ông Larry Scott mang kính lão vào, đọc bản dịch toàn bộ dự án. Ông hơi thất vọng, vì dự án này hiền lành quá, trừu tượng quá. Ông đã từng tặng cho các hội từ thiện, tôn giáo biết bao tiền để giảm bớt số thuế phải đóng hằng năm, nhưng có gây được chút tiếng tăm nào đâu! Chẳng lẽ ông bỏ tiền ra lập đền thờ cho một đấng thần linh lạ hoắc, trong khi ông lại không chi cho việc xây cất các nhà thờ thờ-phượng Đấng Sáng Thế quen thuộc của ông? Viên phụ tá của ông phải dài dòng giảng giải thuyết phục một hồi ông mới bất đắc dĩ chấp nhận. Bệnh huyết áp của ông không cho phép ông chần chờ thêm nữa.

***

Giai đoạn khó khăn nhất đã qua. Vạn sự khởi đầu nan. Cái đầu là dự án đã dứt khoát lựa chọn xong, thì tất nhiên cái đuôi còn lại phải trót lọt. Nhưng cái đuôi quá dài cựa quậy vùng vẫy mãi vẫn không trườn lên lọt qua cửa hẹp khó khăn, khiến dự án cứ dậm chân tại chỗ. Cuộc cãi cọ tranh luận cũ đã qua, để rồi bùng lên nhiều cuộc cãi cọ tranh luận mới.

Ai là người có đủ tư cách đại diện hợp pháp của cộng đồng, kiêm thêm tư cách đạo đức, tinh thần dân tộc, xứng đáng đứng ra chủ trì việc xây Đền Quốc Tổ? Một hội đoàn vừa ấp úng, e dè mở lời đề nghị vị hội trưởng của mình, là ngay vài hôm sau, cuối tuần đi chợ nhặt báo về xem, thiên hạ đã đọc thấy những lời tố cáo xa gần ông hội trưởng ấy mắt toét, mồm thối, quê mùa, dốt nát, không xứng đáng để gánh vác việc thiêng liêng.. Một ông tướng được báo này nhắc tên là tuần sau báo kia đã đăng thư độc giả kể vanh vách lý lịch ba đời của ông ta.

Rồi xây Đền Quốc Tổ ở đâu? Báo chí Nam Cali cho rằng quận Cam qui tụ được đông đảo người Việt tị nạn nhất, hầu hết tướng tá, nghị sĩ, dân biểu, chánh án, biện lý, nhạc sĩ, ca sĩ, văn sĩ, thi sĩ, võ sĩ, đạo sĩ… tiếng tăm lẫy lừng một thời ở Sài gòn trước l975 đều dồn về đây.

Đi vào một tiệm phở nhỏ ở đường Bolsa vẫn may mắn hân hạnh diện kiến một ông cựu thủ tướng hay một ông cựu bộ trưởng. Đi đánh tứ sắc cho đỡ nhớ ở một căn chung cư xoàng xĩnh rẻ tiền nào đó chịu nhận housing, vẫn hy vọng ngồi cạnh một bà cựu tổng giám đốc. Rồi tưởng tượng thêm chút nữa đi! Được ăn bún ốc với ông cựu thứ trưởng, được coi phim X với ông cựu cục trưởng, được xếp hàng đi chợ với bà cựu chánh án… Còn chỗ nào để rước Quốc Tổ về xứng đáng hơn quận Cam Nam Cali?

Câu hỏi đó không làm vui lòng đồng bào ở Bắc Cali, nhưng có một điều dường như cả hải ngoại mặc nhiên công nhận, là quận Cam Nam Cali đã trở thành một thứ thủ đô của người Việt lưu vong, một chỗ để nghỉ vacalion là về thăm, một chỗ để các nơi nhìn về mà hy vọng hay thất vọng.

Tuy nhiên, vì tìm ra chỗ để xây đền thờ Quốc Tổ, tìm ra tiền để xây cất đền thờ Quốc Tổ, nhưng không thể nào tìm ra được “người xứng đáng” để đứng ra đại diện cộng đồng thực hiện dự án thiêng liêng đó, nên hai tháng trôi qua mà ông Robert Wilson không mang thêm được tin vui nào cho ông Larry Scott.

Ông Wilson vẫn lãnh check lương hàng tuần. Còn ông chủ Larry Scott vì bận đối phó với vụ kiện đòi chia gia tài của bà vợ đã ly dị từ mười năm trước, nên quên bẵng mất không theo dõi kết quả công việc viên phụ tá đặc trách quảng cáo.

Đến khi ông thắng kiện, Larry Scott mới trực nhớ vụ xây đền. Ông bấm intercom gọi cô thư ký hỏi hồ sơ công việc của ông Wilson đâu. Cô thư ký lục tìm mãi, cuối cùng tìm ra một xấp bìa mỏng màu đen, bên trong vỏn vẹn chỉ có một tờ giấy trắng.

Ông Wilson đã xin nghỉ việc, vì biết trước thế nào mình cũng bị ông Larry Scott cho đi vacation dài hạn.

Nghe nói về sau ông thành người lẩm cẩm, thường lân la ở các chỗ có đông người Việt, và gặp ai ông cũng dùng cái đèn pin soi vào mặt họ, ánh nhìn láo liêng tìm kiếm. Tội nghiệp thân ông!

Nguyễn Mộng Giác
Orange County 9/3/1985

 

   Số lần đọc: 3892

Tác Phẩm

BÀI KỀ

Bài trước
Bài tiếp theo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây