Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Thư sông Đà

Nguồn: từ tập truyện ngắn Xuôi dòng, nhà xuất bản Văn Nghệ, Hoa Kỳ, 1987

Chị,

Em viết bức thư này cho chị, một đêm trăng mờ trên sông Đà. Em phải kê giấy trên ván thuyền để viết, mà viết trong lúc cảm động, nếu chứ khó đọc, xin chị cũng tha lỗi cho.

Chị có nhớ không, hai câu đầu trong lá thư Dũng viết cho bà giáo Thảo ở phần kết cuốn Đoạn Tuyệt ? Hồi đó hai đứa mình quá thích hai câu này, và cả hai đều không hiểu vì sao mình thích. Chị thì bảo tại cái ánh trăng sông Đà. Em thì bảo tại hình ảnh kê giấy lên ván thuyền để viết lá thư về sau khiến Loan “đi trong mưa gió mà quên cảmưa ướt gió lạnh”. Có điều cả chị lẫn em đều biết mà không dám nói ra, là hai cô bé thời bấy giờ đều âm thầm mơ ước một “chàng Dũng” cho mình, của mình.

Em không hiểu khi bằng lòng lấy anh Vĩnh, chị có tìm được nét giông giống nào giữa “ba sắp nhỏ” với nhân vật nam của Nhất Linh hay không. Em nhớ một dạo sau ngày cưới, chị viết cho em lá thư ngắn bảo “Anh ấy thật tuyệt vời”. Một lá thư khác chị khoe anh Vĩnh biết tằn tiện, lo xa, cái áo mai-dô rách như xơ mướp nhưng nhất định không cho chị mua cái áo lót khác để thay thế. Một lá nữa chị viết khi vừa sinh cháu thứ hai ( em quên mất tên, hình như cháu Vi thì phải ), chị than độ này hơi mất sức vì cháu nhỏ hay khóc đêm mà thấy anh đi làm mệt quá, nhiều đêm muốn nhờ anh canh con cho một chút để ngủ bù, nhưng ngại. Sau đó, chị không thèm viết thư cho em nữa. Em cũng vậy, tuy lâu lâu nghĩ đến hai câu đầu lá thư của Dũng, em vẫn muốn viết cho chị một lá thư thật dài để nhắc lại những mơ mộng thời trẻ.

Bây giờ thì cơ hội đó đến rồi đây! Chị viết thư chia buồn với em, lo em gặp rắc rối khi cả báo Việt lẫn báo Mỹ trên đó đều có đăng về cái chết của nhà em. Nhận được thư chị đã lâu, nhưng tâm trí em rối như tơ vò, làm sao phúc đáp cho chị được. Bây giờ em mới thoải mái được đôi chút, gần như sắp bước vào một cuộc đời mới.

Em sắp dọn nhà. Em vừa kiểm kê lại tất cả cuộc đời mình, tất cả đồ đạc, tất cả thư từ, xem thứ gì cần giữ lại thứ gì cần vứt đi. Căn phòng em sắp “share” với gia đình người bạn gái cùng làm chung sở nhỏ hẹp quá, em có muốn ôm đồm giữ lại tất cả quá khứ cũng không được. Phải dứt khoát bỏ bớt, chỉ giữ lại những gì cần thiết.

Chính vì vậy mà em tìm giữ được lá thư phân ưu của chị hồi tháng Tám, và cuốn Đoạn Tuyệt không biết nhà em mua từ lúc nào.

Thư chị viết : “Nghe tin em qua, vợ chồng đoàn tụ, chị mừng quá. Chưa kịp xuống thăm thì đọc báo thấy em gặp chuyện không may. Nhiều tờ báo Việt trên này thêm thắt nhiều chuyện mà chị biết chắc là không thểcó thật. Miệng đời thật độc địa. Chị biết trong hoàn cảnh ấy, nếu có viết cũng không làm gì được cho em, nên chờ. Bây giờ thì mọi sự đã ngã ngũ. Xin chia buồn và chia mừng với em (thật mâu thuẫn, nhưng đó là sự thật). Riêng “Ba sắp nhỏ” thì tò mò muốn biết thật rõ cái gì đã xảy ra. Em kểcho chị nghe được không ?

Đấy, phần đầu lá thư của chị. Hồi mới nhận thư, em hơi buồn, thầm trách chị nhiều lắm. Em nghĩ chị chẳng còn là người bạn lớn hồi học Nữ Trung Học nữa. Chị viết thư thăm hỏi không vì lòng tốt, chỉ vì tò mò.

Nhưng bây giờ em nghĩ khác. Có lẽ chị lo lắng cho em thực sự. Em có lỗi với chị nhiều khi không trả lời ngay cho chị yên tâm, khiến chị gửi tiếp lá thư thứ hai. Cho nên chị rán đọc lá thư dài này ( em dán 88 xu tem vì không muốn chị phải nộp phạt ). Và nếu Dũng viết chữ khó đọc vì phải kê giấy lên ván thuyền viết thư cho bà giáo Thảo, thì chữ viết của em cũng không thua gì. Em đang kê giấy lên cái thùng carton đựng đủ thứ soong chảo bát đũa lỉnh kỉnh để viết thư cho chị đây. Chị hỏi “trước đó” vợ chồng em có hay cãi cọ xích mích nhau như bài tường thuật của báo chí dưới này hay không ? Có cảnh xô bàn đập ghế như các bà hàng xóm khu chung cư khai với cảnh sát hay không ? Không đâu chị ơi ! Làm gì có chuyện đó. Chị quá biết tính em. Còn anh ấy thì ít nói, khi giận ai thì lưỡi líu lại. Tụi em có xích mích nhau nhưng cãi cọ to tiếng hoặc làm náo loạn khu chung cư thì nhất định không.

Chắc chị lại hỏi : Vợ chồng xa nhau bảy tám năm trời mới may mắn đoàn tụ, sao lại xích mích nhau ?

Câu hỏi ấy, em đã phải trả lời với các nhà báo, trả lời với ông toà, trả lời với chính em. Em không biết câu trả lời nào mới chính xác. Câu trả lời cho chị trong lá thư dài này chăng? Em hy vọng như vậy, mặc dù cũng giống y như tâm trạng của Dũng khi viết thư dưới ánh trăng mờ sông Đà, tâm trí em lúc này vẫn chưa hết bàng hoàng xúc động, không biết rõ mình đã làm gì, mình ở đâu, và sẽ phải ra sao. Tốt hơn hết là em cứ kể hết những gì thoạt đến trong trí nhớ, như em vừa làm cuộc kiểm kê tất cả những gì còn lại trong nhà để di chuyển đến chỗ ở khác. Chị rán đọc, chị nhé !
Như anh chị đã biết, em qua đây hồi tháng Tư. Suốt tám năm xa cách, vợ chồng em viết thư đều đặn cho nhau nên gần như trước khi bước chân lên phi cơ Air France , em đã biết trước những gì đang đợi mình. Nhiều người ở Việt Nam khen em may mắn. Em cũng nghĩ như vậy. Xa nhau hàng vạn dặm suốt bao nhiêu năm mà anh ấy vẫn ở vậy chờ em qua. Lại có nghề nghiệp chắc chắn, lương cao. Nhà cửa đã mua sẵn. Bàn ghế đồ đạc máy móc đã sắm đủ. “Không thiếu thứ gì, chỉ thiếu em”. Nguyên văn thư anh ấy viết về như vậy. Lời thư ngắn, nhưng những lá thư có câu kết này đã khiến em cảm động đến rưng rưng nước mắt, và cũng giống như Loan, nhiều buổi chiều Sài gòn trời mưa tầm tã, em đi dưới mưa thầm đọc lại câu ấy mà quên cả cảnh phố xá ủ rũ lạnh lẽo.

Chắc chị lại đoán em mơ tưởng nhiều nên vỡ mộng lúc chạm mặt với thực tế. Không đâu. Chiếc phi cơ hàng không PAN AM đáp xuống phi trường Los Angeles lúc 11 giờ tối. Trên em , cả bầu trời đầy sao. Dưới em, cả một khoảng không gian mênh mông nhấp nháy ánh đèn rực rỡ. Trong lòng em (xin lỗi chị, em hơi cải lương một chút ) là hội hoa đăng. Chúng em ôm chầm lấy nhau, em vừa gạt nước mắt vừa cố nhìn xem anh ấy có thay đổi nhiều lắm không. Anh ấy vẫn vậy. Có mập hơn chút xíu, chút xíu thôi. Dáng đi, cử chỉ có vẻ đĩnh đạc hơn, đó là nhận xét đầu tiên của em, khi bước theo sau ngắm nghía anh ấy xách hai cái va li nặng của em ra đường trước phi cảng.

Chúng em về tới nhà lúc 1 giờ khuya. Anh ấy lăng xăng lo lắng cho em từng chút, dẫn em đi khoe hết thứ này đến thứ khác. Tấm rèm anh mua ở Broadway này ! Tấm thảm anh lựa ở Sears này ! Bộ salon anh đặt hàng mãi 4 tháng mới có này ! Giàn âm thanh nghe nhạc có những nút xanh đỏ nhấp nháy ở phòng khách. Tủ kính đựng hàng hàng lớp lớp băng video…Mắt em ráo hoảnh vì vẫn còn quen với giờ giấc ở Việt Nam, nhưng ít lâu sau em nhận ra anh ấy có vẻ mệt. Em ép anh ấy đi ngủ, còn em thì xuống bếp xem qua cách bố trí của một nhà bếp kiểu Mỹ. Phải nhận là tiện lợi và đầy đủ quá, lối xếp đặt chỗ nấu nướng của một căn nhà Mỹ !

Em cứ sống trong trạng thái lơ lửng như vậy cả tuần lễ, chân như đi trên mây, không phân biệt được thực với mộng, Việt Nam và đất khách. Anh ấy giải thích là ai mới qua cũng như vậy cả, lý do chính là chưa điều chỉnh được cơ thể cho phù hợp với giờ ngủ giờ thức ở đây. Em cũng nghiệm đúng như vậy. Qua được tuần đầu, em thấy dễ chịu hơn, tỉnh táo hơn. Em bắt đầu nhớ Việt Nam, nhất là những ngày ngồi một mình ở nhà xem tivi hết đài này tới đài khác, chờ anh ấy đi làm về. Nói xem tivi cho nó oai, chứ tiếng Anh em nghe chẳng được gì cả, chỉ biết nhìn hình nhìn cảnh để chiêm ngưỡng cái giàu có lộng lẫy của đời sống Mỹ. Có hôm buồn em đòi anh ấy dẫn qua giới thiệu với các gia đình Việt Nam trong khu chung cư để làm quen. Anh ấy lắc đầu thương hại, bảo em : “Rồi em sẽ thấy, ở đây không ai có thì giờ tiếp em đâu. Qua gặp chỉ làm phiền họ thôi. “

Ban đầu em không tin, nghĩ anh ấy không thích cảnh các bà các cô ngồi lê đôi mách. Nhưng về sau, chỉ cần nhìn cuộc sống hối hả tất bật của anh ấy rồi suy ra cuộc sống ở các gia đình khác, em hiểu. Phải thú nhận là em lạc lõng giữa cuộc sống mới vì anh ấy bận bịu quá. Đi làm từ 6 giờ sáng, 4 giờ chiều ra khỏi sở nhưng vì thường xuyên bị kẹt xe trên xa lộ nên đến 6 giờ chiều anh ấy mới về tới nhà. Lo tắm rửa, xem tivi một chốc, lơ là giở qua vài trang báo, rồi anh ấy lại lo đi ngủ lấy sức “ngày mai đi cày”. Đều đặn như vậy cả tuần, thứ bảy chủ nhật đôi khi còn đi làm thêm giờ phụ trội. Em không dám ngăn anh ấy bớt làm việc, chỉ nói khéo là nên giữ sức khoẻ. Anh ấy đưa em xem đống bill hàng tháng phải trả cho ngân hàng : nợ xe, nợ nhà, nợ bảo hiểm, nợ tín dụng, nợ vay tiền đi học…Em thương quá, nhưng biết làm sao được ! Càng thương hơn khi biết anh ấy lo “cày” trả nợ chỉ vì muốn chuẩn bị đầy đủ tiện nghi để hãnh diện mà đón em.

Em muốn tìm việc làm để chia bớt gánh nặng cho anh ấy, nhưng trình độ Anh ngữ em còn yếu quá, xin việc gì được ! Anh ấy khuyên nên rán nghe tivi cho quen. Lại có lý do chính đáng để ôm cái tivi cả ngày, đến nỗi tuy không hiểu, em vẫn nhớ vanh vách từng điệu nhạc dạo cho từng cái quảng cáo thuốc gội đầu, đồ chơi con nít, bảo hiểm nhân thọ, bình xịt gián…

Chính thời gian này là thời gian em viết thư và gọi điện thoại cho chị nhiều nhất, chị nhớ không ?

Em buồn quá, Càng buồn càng sắc mắc theo dõi mọi việc, mọi sự quanh mình. Em nhận ra anh ấy có già đi. Cái dáng đĩnh đạc em chú ý hôm xuống phi trường càng về sau em càng thấy có nhiều chi tiết tỉ mỉ hơn. Chẳng hạn lọ thuốc nhuộm tóc hiệu Bigen trong phòng tắm giúp em chú ý tìm ra những sợi tóc bạc chưa nhuộm hết ở sau gáy anh ấy. Một lần thấy nét mặt anh ấy trầm ngâm, như đang suy nghĩ điều gì, em đem chuyện Việt Nam ra kể cho anh ấy nghe. Anh ấy gật gù ra vẻ thú vị. Em có hứng, kể lại chuyện đi lãnh quà trên Tân Sơn nhất về muộn bị cướp giật trên đường Trương Minh Giảng. Anh ấy lại gật gù thú vị. Em kể chuyện cô bạn dạy cùng trường mặc quần lụa đen bị bọn lưu manh chận trong đường hẻm bắt cởi quần đưa cho chúng đem bán ở chợ trời…Anh ấy gật gù không cười, rồi đột nhiên choàng dậy hỏi : “Hả? Em nói cái gì ?”.

Hoá ra từ đầu đến giờ anh ấy dùng headphone để nghe nhạc. Em chưng hửng, vừa thẹn vừa giận, không nén lòng được trách móc to tiếng :

– Biết qua đây mà anh đối xử với em như thế này, thà em ở lại bên đó cho xong.

Anh ấy ngơ ngác hỏi lại :

– Em nói cái gì ?

Em bật khóc, kể hết mọi bực dọc lâu nay không nói được với ai. Khi em trách tại sao thư anh ấy gửi về đầy cả lời lẽ yêu thương mà khi đoàn tụ, anh ấy không nói với em những lời như thế, anh ấy chỉ bảo :

– Em quên là tụi mình đâu còn trẻ nữa !

Em tức tưởi đáp :

– Chuyện đó đâu ăn nhập gì! Em cứ muốn nghe anh nhắc đi nhắc lại hoài câu “Anh yêu em” , “Anh yêu em “…Từ hôm qua đây, em chờ đợi mãi câu ấy. Anh có thèm nói gì đâu !

Nét mặt anh ấy kinh ngạc tột độ, gần như không tin tai mình. Anh ấy định nói gì đó, do dự, rồi sa sầm nét mặt, nói như cái máy :

– Thôi được. Anh yêu em. Đủ chưa ?

Em uất quá, dọn chăn gối qua ngủ ở phòng khác . Đêm đó, em thao thức chờ anh ấy qua năn nỉ xin lỗi. Nhưng không thấy gì. Sáng sớm hôm sau, em dậy sớm, dằn tự ái qua gõ cửa phòng anh ấy, thì anh ấy đã đi làm rồi.

Anh ấy có viết vài dòng trên tập bloc-note xin lỗi em. Em thoả mãn tự ái đôi chút. Nhưng, chị biết không, chính mấy dòng chữ ghi vội này lại khiến em thắc mắc. Nét chữ anh ấy khác hẳn nét chữ anh viết thư về nhà. Loại chữ ngang ngay sổ thẳng giản dị viết theo lối chữ hoa, hơi giông giống lối chữ trên màn ảnh quảng cáo gắn ở trụ sở hoả xa chợ Bến Thành trước kia.

Em quên nói với chị là suốt một tháng ròng từ sau hôm đó, tụi em vẫn ngủ riêng hai phòng khác nhau. Không phải em cố chấp. Anh ấy đã viết giấy xin lỗi, em cho như vậy đã khá đủ. Nhưng ít ra anh ấy phải nói điều gì để em ôm chăn gối trở lại chứ. Anh ấy không chịu nói câu em chờ đợi, cũng không hề nhắc tới câu xin lỗi đã viết ra giấy. Ở hoàn cảnh chị, chị có dẹp tự ái để làm hoà hay không ?

Có lẽ đó là cái mốc thời gian bắt đầu từ đây cuộc sống hai đứa em ngày càng xa cách, lạ lẫm. Không có cơ cứu vãn được nữa. Một bữa em cố dẹp tự ái, mở lời giải hoà bằng cách than vì không có trẻ thơ nên cảnh nhà lạnh lẽo quá. Anh ấy cau có đáp :

– Em tưởng ở Mỹ sinh con dễ lắm sao! Tiền bệnh viện hộ sinh đến 4, 5 nghìn bạc. Nếu sinh khó, lại càng đắt hơn nữa. Nhưng cái phiền là chuyện trông nom đứa bé. Vả lại…

Biết anh ấy sắp nhắc đến bệnh hiếm muộn của em, em bảo:

– Hôm nào anh thử đưa em đi khám ở bác sĩ phụ khoa xem sao.

Rồi bậm môi lấy hết cố gắng, em nói :

– Em muốn có con.

Anh ấy đáp cụt lủn :

– Ừ, để coi.

Rồi thôi. Em chán, thấy không còn cớ gì để cố gắng thêm nữa. Tụi em như hai cái bóng ma của nhau, có đó mà không có đó. Anh ấy đi, về, như một người khách trọ lặng lẽ, kín đáo. Tiếng chìa khoá tra vào ổ khoá cửa trước…Tiếng kẹt cửa…Tiếng bước chân đều dặn ở cầu thang…Tiếng mở cửa phòng…Tiếng bật công tắc…Tiếng cánh cửa tủ lạnh đóng ập vào…Tiếng nhạc rock…Tiếng la hét đấm đá trong băng video…Chị thử tưởng tượng cuộc sống của em trong thời gian ấy, cuộc sống vô công rỗi nghề nằm lắng nghe từng tiếng động rời rạc vô nghĩa như vậy, trong lúc tâm tri không thôi nhớ thương tiếng chim bồ câu gù ở hiên sau, tiếng lá dừa xào xạc cọ vào mái ngói, tiếng Honda thồ nổ mỗi sáng tinh sương bên nhà bác Tư, tiếng rao hột vịt lộn…

Cũng may lâu lâu lại có cơ hội để em tỏ thiện chí làm hoà với anh ấy. Một lần thấy dáng đi của anh ấy hơi lạ, lưng thẳng, chân bước chậm, đầu gối cứng đơ, em lo âu hỏi anh ấy có sao không. Anh ấy than hơi đau lưng. Em hỏi ” Chân anh sao vậy ?” Anh ấy đáp chẳng hiểu sao đầu gối bị tê. Em giục anh ấy xin nghỉ để đi khám bệnh. Anh ấy bảo chờ cuối tuần hãy hay, vì nghỉ bất ngờ phiền lắm, trong sở chỉ chờ có cớ để sa thải bớt nhân công. Em thương anh ấy quá, lấy dầu nóng xoa bóp cho anh ấy. Săn sóc xong, em hí hửng chờ anh ấy nói bất cứ câu nói dịu dàng nào để sà vào lòng anh ấy mà khóc.

Nhưng lại chẳng có gì!

Em lại bị chạm tự ái. Nghĩ không cứu gỡ được nữa! Một lần khác em gặp anh ấy ở đầu cầu thang vào ngày cuối tuần, nên hỏi:

– Bữa nay anh có định đi đâu không?

Anh ấy đáp:

– Chở em đi chợ, rồi về.

Em hỏi:

– Anh không đi thăm bạn bè hay hội họp gì à? Em đọc báo Việt thấy người ta lập hết hội ái hữu này đến hội ái hữu khác. Sao anh không gia nhập cho vui?

Anh ấy cười buồn, rồi đáp: – Họ trước kia làm tướng làm tá, lập hội để còn được cấp dưới trình bẩm chào kính y như hồi xưa. Anh chuẩn úy quèn, đến để người ta sai vặt à?

Em hết còn gì để nói nữa. Nhưng đúng lúc đó, em nhận ra giọng nói hơi lạ của anh ấy. Em thành thực lo lắng khi hỏi:

– Anh bị đau cổ họng à?

Anh ấy đáp:

– Có sao đâu! Anh vẫn thường.

– Sao giọng nói của anh khao khao vậy?

Anh ấy muốn cắt đứt câu chuyện, nên nói vội:

– Chắc tại trời lạnh!

Nói xong, anh ấy vào phòng đóng cửa lại. Em giận, gần như đấm vào cửa phòng anh ấy. Anh ấy mở cửa, mắt ngơ ngác. Tai đeo headphone. Em hét lên những gì bây giờ không nhớ hết. Có lẽ đó là lần duy nhất vợ chồng em đã làm phiền hàng xóm, có cớ cho họ khai với cảnh sát rằng tụi em hay cãi vả xô bàn đập ghế với nhau. Chị hiểu cho em, làm sao em không nổi giận cho được, khi khám phá ra rằng em có nói gì anh ấy vẫn thản nhiên. Vì anh ấy có chịu bỏ bộ headphone ra đâu!

Lần cuối chúng em xô xát nhau cũng do hoàn cảnh tương tự. Em tự tiện xô cửa phòng anh ấy, đế báo cho anh ấy biết là em không chịu đựng thêm được nữa. Em phải tìm việc làm. Em phải có đời sống riêng của em. Anh ấy đang xem video, một cuốn phim X Hong Kong. Em nói, anh ấy nhướn mắt lên ngơ ngác. Trả lời nhát gừng. Em chạy đến chỗ cái tivi tắt máy. Anh ấy thản nhiên đến bật lại cái công tắc. Em giật bộ headphone ra khỏi tai anh ấy, rồi hét lên:

– Tôi chán quá rồi. Anh phải nghe tôi nói.

Anh ấy trân trân nhìn em, đôi mắt lơ láo như người dại. Em bắt đầu sợ. Anh ấy bước về phía em, bước đi cứng nhắc, chậm chạp, chân lê trên sàn nhà như tê dại. Em sợ quá, lùi về phía cửa phòng. Anh ấy tiến về phía em. ( hay tiến về phía bộ headphoneem vừa vất ở cửa ra vào, em không rõ). Trong một phút kinh hoảng cực độ, em lấy hết sức xô anh ấy ra. Anh ấy ngã xuống thảm. Và đúng lúc đó, chị ơi, em khám phá ra rằng ngoài cái dây nối liền bộ headphone gắn vào máy video cassette, còn có một sợi dây khác nối liền anh ấy với ổ cắm điện.

Trong lúc xô xát, em vô tình làm rời nút cắm điện ra khỏi nguồn năng lực từng giúp anh ấy cử động, nói năng… Anh ấy chết! Có phải do lỗi của em không hở chị? Em mong thư phúc đáp của chị, y như ngày xưa Dũng mong được thư bà giáo Thảo, sau khi gửi đi lá thư viết dưới ánh trăng mờ trên sông Đà.

Nguyễn Mộng Giác
Cali 16-1-84

 

   Số lần đọc: 3721

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây